Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Journal from India to Cochinchina II – 03
Trường An in "Journal Cochinchina" April 21st, 2014

Tiếp theo là hiện trạng thực sự của quân đội VN. Hộ vệ triều đình vào khoảng 30.000 người, luôn được đặt bên người nhà vua. Quân đội bình thường thì có 2 mô tả. Loại đầu gồm có 40 trung đoàn, chia thành 5 đội, gọi là trung quân, tả quân, hữu quân và hậu quân. Mỗi đội bao gồm 8 trung đoàn, và mỗi trung đoàn có 10 nhóm gồm 60 người, nên một trung đoàn có 600 quân, và một đội gồm 4800 quân. Một viên quan cấp cao chỉ huy đội quân này, và mỗi trung đoàn có một đại tá, hay trung tá, 10 đại úy và 10 trung úy, ngoài ra có thể còn có thêm vài viên quan không phận sự khác. Mỗi trung đoàn có vài con voi chiến thuộc về nhà nước có tổng số chừng 800, trong đó có 130 voi luôn thường trực tại thủ đô. Mô tả thứ hai về quân đội lại có gì đó khác biệt về tổ chức. Trong trấn Gia Định, ví dụ, có 16 trung đoàn, không có kị binh trong quân đội VN, những con ngựa lùn của đất nước này không phù hợp cho việc đó. Mảnh đất này, tất nhiên, cũng không phù hợp cho hoạt động kị binh. Một số lớn quân thị vệ và phần đáng kể hơn trong quân đội được mô tả trong phần sau, vẫn bị huy động đi làm việc công dịch không liên quan đến nghĩa vụ quân sự của họ.

Thủy quân của VN bao gồm những cư dân vùng biển chia thành những trung đoàn được tổ chức cùng lối với lục quân. Một trong số đó được đặt tại những cảng chính của nước này, và 6 tại kinh thành. Tàu chiến có những pháo thuyền chở 16 tới 22 pháo, thuyền sàn thấp lớn 50 tới 70 mái chèo, chở pháo nhỏ hay súng đại bác xoay được, và trên mũi có 1 khẩu pháo lớn 12 đến 24 pound; và thuyền sàn thấp nhỏ 40 đến 44 mái chèo, chỉ chở súng đại bác xoay và súng lớn từ 4 đến 6 pound trên mũi. Số pháo thuyền chừng 200, thuyền lớn chừng 100, và thuyền nhỏ là 500.

Vị vua vừa rồi của VN, sau khi chinh phục hoặc quy phục Bắc Kỳ, có một đội quân thường trực chừng 150.000 người, kể cả thủy quân của ông ấy. Khi chúng tôi ở VN, lực lượng quân đội hiệu quả ấy đã được giảm chế đi cực kỳ nhiều; và số quân lính thường trực được trang phục, vũ trang và rèn luyện không quá 40.000 hay 50.000.

Lương của quân lính ở VN chừng 1 quan mỗi tháng, cùng khẩu phần 48 cân thóc, các quan không phận sự bình thường cũng tương tự, nhưng khi làm nhiệm vụ thì được tăng thêm khẩu phần. Viên đội phó thường có 2 quan mỗi tháng và 2 hộc thóc, viên đội trưởng thì có 3 quan và 3 hộc. Người chỉ huy quân đoàn có 30 quan, 30 hộc. Những thị vệ có lương đặc biệt. Những người phục vụ lâu dài và có công trạng đặc biệt thường luôn được thưởng thêm lương và đặc ân, ngoại trừ gia tăng cấp bậc tương ứng. Vì thế, những người đã theo nhà vua trước đến Xiêm có lương gấp đôi, và những người đã đi theo ông ấy ở Sài Gòn khởi đầu cho cuộc tranh đấu phục hưng của ông ấy có lương tăng gấp rưỡi. Người chết được vinh danh hơn là người sống. Nhà nước trả 6 quan cho việc chôn cất 1 người lính thường, 120 quan cho một trung đoàn trưởng, và tương tự với những cấp bậc khác, ngoài những khoản bổ trợ như dầu, sáp, quần áo và những thứ cần thiết cho tang lễ người VN.

Trang phục là phần tự do nhất trong tổ chức quân đội. Phần thiết yếu nhất của nó là một cái áo dài rộng tiện lợi bằng vải dạ của Anh quốc màu đỏ thắm chạm tới đầu gối. Trên đầu là một cái nón hình nón được đan, sơn lên, trang trí ở đỉnh bằng 1 chùm lông gà, và được cột dưới cằm. Thứ này cũng chẳng thuận tiện hay bất tiện lắm. Nửa người dưới họ mặc một cái quần ngắn rộng chỉ tới dưới đầu gối một chút. Cẳng chân và bàn chân hoàn toàn để trần. Những viên quan chức thì không có đồng phục, được che phủ bằng trang phục thường của đất nước này bao gồm một áo choàng rộng bằng lụa, quần và khăn đội. Trang phục quân đội được đổi mới mỗi năm.

Quân lính được vũ trang với súng hỏa mai và lưỡi lê hoặc giáo, hai miêu tả về vũ khí trộn lẫn trong những cấp bậc quân đội. Chúng tôi đã thường xem xét những khẩu súng, và thấy chúng được làm rất tốt. Chúng thường được chăm sóc cẩn thận, và khi người lính không có nhiệm vụ thì được cất đi. Những bài tập và sự đổi mới được dạy cho quân đội bao gồm vài cuộc thao diễn đơn giản với chiến thuật của quân đội Tây phương. Người xem không phận sự bị cấm, và kẻ phạm tội, hay ngay cả sai lầm, bị trừng phạt cả đơn giản và nghiêm khắc.

Trong luật cưỡng bách nhập ngũ, người chết, đào ngũ hay thăng chức được coi sóc bởi ngôi làng mà đã đưa họ tòng quân. Những viên tướng có thể được coi là vị trí thường trực và vĩnh viễn duy nhất của quân đội, khi những quân lính, ngay khi họ rời đi hoặc mất tích, không còn được trả lương và khẩu phần, và vị trí của họ được thay thế bởi những người nhập ngũ mới.

Quân lính của VN, theo nhiều ghi chép, dễ bảo và vâng lời. Và mặc dù thấp bé, họ mạnh mẽ, năng động, và có khả năng chịu đựng khó khăn. Được huấn luyện như những người lính Ấn của chúng ta dưới quyền của tướng lĩnh châu Âu, và phục vụ một nhà nước đối đãi họ công bằng nhất và tốt nhất, tôi nghĩ họ có khả năng trở thành đội quân rất tốt. Nhưng lúc này, sự can đảm cá nhân không phải đức tính có thể mong chờ ở họ. Thực tế, từ những gì tôi thấy thì tôi đã tin rằng, mặc dù công cuộc huấn luyện của quân đội VN có thể tỏ ra rằng, trong tay của quốc vương, nó là một công cụ mạnh mẽ để đàn áp kẻ thù, hay thậm chí tập hợp chống lại các nước láng giềng nhỏ hơn trong vùng, nó sẽ chẳng tỏ ra chống giữ lại chút nào đối với các cuộc tấn công của người châu Âu. Phía ngược lại thì tôi nghi ngờ một ít, nhưng VN với những thành trì châu Âu, và quân đội được huấn luyện theo cách châu Âu, sẽ trở thành con mồi dễ dàng hơn cho một quyền lực châu Âu hơn những nước đáng kể khác ở châu Á. Và lý do cho điều này hiển nhiên rõ ràng. Những vùng đất bị chinh phục Chân Lạp và Bắc Hà nằm ở hai đầu cực của đất nước, không được nối liền, và đặc biệt có khả năng cho những cuộc nội loạn. Những điểm phòng ngự mạnh và kho chứa vũ khí, ngay cả thủ đô, đều nằm ở vùng gần bờ biển, và có thể xâm nhập vào bằng một hạm đội cũng như cướp lấy bằng một cuộc tập kích. Chúng không thể chống lại khoa học và lòng dũng cảm của một đội quân châu Âu trong bất cứ khoảng thời gian nào, và sự thất bại của chúng sẽ khiến đất nước mất đi tất cả tiềm lực kinh tế quân sự, cũng tương tự như chinh phục được cả vương quốc. Những hoàn cảnh khác sẽ góp phần làm tình huống này dễ dàng hơn. Phần giữa của đất nước phụ thuộc về lương thực và những thứ khác ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, được vận chuyển độc nhất bằng đường biển. Những tiếp tế này có thể bị cắt đứt bằng một hạm đội; vì 2 vùng này, đặc biệt là Nam Kỳ, dễ dàng bị khóa chặt hiệu quả nhất bằng một đội thủy quân thường, khi sự khuyến khích tối thiểu dành cho dân bản xứ sẽ hướng họ nổi dậy chống lại chính quyền VN. Ông Chapman, người đã thấy VN trong thời gian rối loạn vì cuộc nội chiến dài, ý kiến rằng, đứng về một trong những bè phái đang tranh giành này, một đội quân châu Âu với khoảng 50 lính bộ, một nửa số đó pháo binh, và 200 lính Ấn, là đã đủ để chinh phục vương quốc. Vấn đề đã khác đi bây giờ, nhưng tôi vẫn rất ít nghi ngờ rằng, với một lực lượng gồm 5000 lính châu Âu, và thêm một phần tư con số đó thuyền nhỏ 1 buồm, sẽ rất hiệu quả cho cuộc chinh phục, và ngay cả thống trị vĩnh viễn, toàn bộ đế chế.

Khi VN và những vùng đất phụ thuộc nó được đặt dưới sự thống trị khéo léo của một chính phủ châu Âu, theo kế hoạch mà người Pháp đã nhìn thấy, tôi đã dần nghĩ đến, dựa trên tính cách dễ bảo của con người, sự màu mỡ và tài nguyên của nhiều phần trong nước, vô số cảng tốt thuộc về phần khác, tính chất tập trung và hứa hẹn của tất cả những điều đó, lúc mà quyền lực đã được đặt lên đất nước này, sẽ trở nên phiền toái và nguy hiểm cho nền kinh tế và an ninh của Ấn Độ của chúng ta, hơn là dễ dàng hình dung với vị trí khác, hay trong hoàn cảnh khác.



Ghi chú:

Chapman là người của công ty Đông Ấn Anh đã được Tây Sơn mời đến bàn chuyện hợp tác.

Ở đây Crawfurd đã nói đến những điều đã được chứng thực trong lịch sử: Rằng quân đội VN và hệ thống phòng ngự có vững chắc thế nào thì cũng thua còn dễ hơn các nước khác, vì những lý do:

- Địa lý: 3 vùng bị chia cắt, và cư dân cùng chính quyền phần lớn sống gần biển, không có đường giao thông. Và chỉ cần khống chế đường biển thì đã đủ khóa chặt, ngăn chặn tiếp tế giữa các vùng.

- Dân chúng rất dễ nổi loạn, chỉ cần thêm tác nhân châm ngòi.

Dù thực tế thì quân Pháp chỉ tận dụng được một nửa trong những điều kiện này, khi đã thất bại ở Đà Nẵng và chỉ tấn công được vào Sài Gòn, nhưng những rối loạn ở Bắc Kỳ cũng đã góp phần thuận lợi không nhỏ cho công cuộc đánh chiếm của Pháp.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.