Ngoại trừ dân tộc An Nam, cư dân trong lãnh thổ hiện tại của Việt Nam bao gồm nhiều dân tộc khác, được ghi chép vắn tắt dưới đây. Số chính trong họ là người Kampoja, tên ở trong cộng đồng của họ là Khơ-me, người Xiêm gọi là Kammen, người VN gọi Cao Miên, và người Trung Hoa gọi Tang-po-cha, người Mã Lai gọi là Kampoja - không nghi ngờ gì là mượn của người châu Âu; và thường được gọi là Cambodia. Lãnh thổ cổ của Kampoja có vẻ, như tôi có thể khám phá, là bao gồm tất cả các nước trong khu vực Tây và Nam dòng sông Sài Gòn; mở rộng về vịnh Xiêm La xa nhất chừng 12 độ vĩ Bắc, và trong đất liền ít nhất là 15 độ. Người Kampoja nói ngôn ngữ khác biệt với tất cả các nước láng giềng, nhưng về hình dạng con người, kiểu cách, luật pháp, tôn giáo và văn minh, họ giống với người Xiêm hơn tất cả các nhóm kia.
Lịch sử của Kampoja rất ít được biết bởi châu Âu. Tuy nhiên, trong những thời đại trước, nó đã từng bao gồm những mảnh đất màu mỡ và dòng sông êm đẹp. Nó không hề kém cạnh về sức mạnh và văn minh với những nước láng giềng như Xiêm, Lào hay VN. Sớm nhất vào năm 616, ghi chép lịch sử của họ đã bắt đầu, như những láng giềng, họ cũng gửi phái đoàn và cống vật tới Trung Hoa, một quy trình tồn tại cho tới rất gần đây. Nó đã bị cuốn vào trong cuộc tranh đấu không ngừng giữa Xiêm và Nam Hà, đôi lần chinh phục được những quốc gia này, nhưng nó thường xuyên hơn trở thành cống vật. Trong thế kỷ thứ 10, Kampoja được nói là đã từng, trong phần này của thế giới, là một vương quốc hùng mạnh. Cuối thế kỷ 12, nó chinh phục Đại Việt. Năm 1268, Kublai-khan, thống lĩnh người Mông Cổ của Trung Quốc, được bảo rằng Kampoja là một nước cực kỳ mạnh, dự tính chinh phạt nhưng quân đội của ông ta buộc phải lùi bước, tuy nhiên cũng nhận được thư quy phục của đất nước vừa bị tấn công, và hứa sẽ cống nạp cho Trung Hoa như trước. Trong năm 1717, Xiêm đánh Kampoja, vua Kampoja kêu gọi sự giúp đỡ của Nam Hà, toàn bộ quân Xiêm bị đánh bại. Và để có được sự trợ giúp đó, Kampoja tự chấp nhận mình là chư hầu của Nam Hà. Từ thời điểm này, Kampoja tiếp tục là một quốc gia vô chính phủ hỗn loạn. Và khoảng năm 1750, Nam Hà chiếm giữ Đồng Nai và các vùng đất nằm bên sông Sài Gòn. Năm 1786, vua của Kampoja là Ong-tong qua đời, một viên quan trong triều đã lấy công chúa và được lập làm nhiếp chính dưới thời con trai nhỏ chỉ mới vài tuổi của nhà vua. Viên Nhiếp chính này đặt Kapoja dưới sự bảo hộ của Xiêm, và đưa công chúa cùng con trai của nhà vua vừa mất tới Bangkok. Kampoja trong vị thế này trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào Xiêm, tình trạng này tiếp tục tới khoảng 1809, người cháu của nhà vua cuối thành công tạo thành một nhóm nổi dậy, chiếm giữ 1 phần của đất nước. Viên Nhiếp chính, vì thế, lại kêu gọi sự giúp đỡ của Xiêm La; và người cháu này thì kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam. Tả quân, Tổng trấn Gia Định, và theo cá nhân người mà chúng tôi phỏng vấn, với sự hăng hái và quyết liệt cùng sự vượt trội của quân đội ông, đã sớm quyết định phần thắng thuộc về VN. Ông tiến vào Kampoja với đội quân 30.000 người, đụng độ quân Xiêm trên đường tới tấn công thủ đô. Những kẻ này chẳng có điều kiện nào để tranh thắng với ông; một cuộc đàm phán đã diễn ra, hòa bình được lập, rằng Kampoja tiếp tục cống nạp cho VN, ngoại trừ vùng Bắc Tầm Bôn, tiếp giáp với Xiêm được nhượng lại cho nước ấy. Hòa ước này vẫn ở trong tình trạng bắt buộc, và vì nó, tôi nghe nói, người Kampoja bị đối đãi cực kỳ khắc nghiệt. Nhà vua chỉ còn hư danh; quân đội VN và nhà cầm quyền nước ấy chiếm giữ đất nước của ông, tướng lĩnh dân sự và quân sự VN được đặt ở thủ phủ của ông mới là người thực sự cai trị đất nước dưới sự chỉ đạo của Tổng trấn Gia Định. Tình trạng nô lệ này của Kampoja được báo cáo cực kỳ khẩn cấp, nhưng cân nhắc về lực lượng tổ chức quân sự của chính quyền VN, và sự sắp đặt có vẻ hòa bình của họ, chẳng có vẻ họ sẽ sớm giải phóng đất nước này.
Kampoja, như đã nói, là một nước đồng bằng mênh mông và màu mỡ, chia cách với Lào, Xiêm, VN bởi những dãy núi. Chỉ có 2 địa điểm quan trọng đáng nói là Phnompenh - thủ đô hiện tại, và thủ đô cổ Pontaipret, nơi được người châu Âu biết tới trước đó dưới cái tên một thành thị của Kampoja. Pontaipret nằm ở khoảng 12 độ Bắc trên bờ phải của 1 nhánh sông lớn, cách biển 80 dặm. Hiện tại nó là một điểm chỉ còn chút ít di tích. Phnompenh, thủ đô hiện tại, đi xuống chừng 40 dặm, nơi sông chính và nhánh sông đã nói giao hội, nằm trên bờ phải. Nơi này được người bản địa sống ở đó và gặp tôi ở Xiêm miêu tả là một thành thị lớn đáng kể, với dân số từ 25.000 tới 30.000 người. Nằm ở phía Đông Bắc Phnompenh là 2 hồ nước lớn, trong mùa khô thì chẳng quá 1 hay 2 cubit nước, nhưng mùa lũ đầy 3 sải. Tên được đặt cho hồ lớn nhất bởi người Kampoja là Tonle Sap, hay "biển nước lành". Người Mã Lai ngụ ở đây gọi nó là "hồ của Sri Rama". Theo người bản địa, đi qua nó mất chừng 1 đến 2 ngày.
Cộng đồng tiếp theo đáng kể cư ngụ trong lãnh thổ VN là người Champa, trong ngôn ngữ An Nam được gọi là Hời. Vùng đất riêng của dân tộc này trải dài từ mũi St.James đến ít nhất là Phú Yên, và theo vài nguồn, bao gồm cả tỉnh này. Người Champa, trước khi bị người Việt chinh phục, đã tạo thành một quốc gia đáng kể với 1 thủ lĩnh lập thành chính quyền tại Phan Rí, ở khoảng 11,05 độ Bắc. Họ tự nhận, theo ghi chú mà tôi thu thập được, một nhóm của Hindu giáo tương tự tục thờ Phật được thấy trong người Hindostan đã từng hiện diện ở Java trước khi cư dân đảo quốc này chuyển theo Hồi giáo. Về tất cả các khía cạnh, nó đều khác biệt với những nước Phật giáo xung quanh. Vô số đền đài bằng đá tảng có những hình tượng Hindu như Siva, Durga và Budhha, được nhìn thấy ở khắp nơi, theo như người châu Âu và bản địa nói với tôi. Và năm 1824, ông M.Diard đã đi qua Champa khi di chuyển giữa Huế và Sài Gòn, đã đem theo một bức tượng đá được làm rất đẹp mà ông có được từ nơi đó tới Singapore mà tôi nhận ra đó là tượng của Ganes, vị thần Hindu biểu trưng cho tri thức. Ngôn ngữ của người Champa có hệ thống phương ngôn đặc biệt, khác biệt về bản chất so với cả hai thứ tiếng An Nam và Chân Lạp.
Trong thời xa xưa, người Champa có vẻ đã duy trì một sự giao lưu đáng kể với nhiều quốc gia khác trên bán đảo Mã Lai, và giữa thế kỷ 15, quần đảo Java tuyên bố rằng nữ hoàng của quốc gia chính của họ là công chúa của Champa: Sự kiện chỉ ra rằng tôn giáo của 2 nơi này rất giống nhau và phong tục cũng tương tự.
Sự độc lập của người trong giống dân vốn là con cháu của người sống trong lãnh thổ cổ Champa, có vẻ là người di cư, trong thời gian xa xưa đã chiếm lĩnh vùng đất bên cạnh vịnh Xiêm La từ vĩ độ 11 đến 12. Và họ đã lai với người Mã Lai định cư trên bán đảo, và như tôi được biết, theo đạo Hồi. Cả hai thứ tiếng Champa và Mã Lai đều được nói trên lãnh thổ thuộc địa này, tôi thường xuyên có cơ hội khẳng định điều này từ nhóm người trên thuyền của đất nước đó hàng năm vẫn tới Singapore.
Champa bị chinh phục bởi Nam Hà, từ những gì tôi được biết, khoảng 70 hay 80 năm trước, cùng thời điểm họ lấy Đồng Nai từ Kampoja. Sau sự kiện này, dân bản địa đã bị đẩy lùi khỏi bờ biển nay đã bị chiếm cứ bởi người An Nam. Cũng như người Chân Lạp, họ bị đối xử thô bạo, không được hài lòng, và thường xuyên nổi dậy. Nên chính quyền Việt Nam đã phải duy trì một hệ thống phòng ngự trên những ngọn đồi và cửa quan để chống lại những cuộc xâm nhập thù địch vào mảnh đất mở rộng này. Những công trình này được nói là hoàn toàn xây theo kiến trúc pháo đài châu Âu.
Giống dân tiếp theo phổ biến trong lãnh thổ VN không được biết đến nhiều ngoại trừ cái tên của họ, là những người không được văn minh lắm nhưng vô hại. Người VN gọi họ là Mọi, và được nói rằng vẫn còn tập trung đông đúc ở tỉnh Đồng Nai, vốn là vùng đất nguyên bản của họ.
Người ngoại quốc định cư trong lãnh địa VN có người Mã Lai, người lai với người Thiên Chúa giáo Bồ Đào Nha, Và Trung Hoa. Người Mã Lai, như đã nói, chiếm phần đông bên bờ biển vịnh Xiêm La từ vĩ độ 11 tới 12. Địa điểm cư ngụ chính của họ là 2 nơi tên Pong-som và Kampot. Ở những nơi này, họ theo đạo Hồi, nói tiếng bản địa dù pha tạp khá nhiều với tiếng Chân Lạp và Champa. Theo tôi biết, số lượng của họ không quá 4000 hay 5000. Và họ không bị bất cứ ảnh hưởng chính trị nào. Vài người trong số họ mà tôi đã hỏi chuyện, nói rằng tổ tiên của họ đến từ Johoro của Mã Lai, nhưng thời điểm nhập cư là bao giờ thì tôi không được biết. Trong vùng đất này, và những quốc gia Mã Lai khác như Pahang, Kalanta, Tringano, họ duy trì sự giao lưu thương mại cho tới ngày nay, nhập khẩu gạo, dầu vecni, vải bông thô, và những sản phẩm được làm từ lụa. 2 chiếc thuyền mà Dampier từng gặp ở Phú Quốc gần 140 năm trước trên đường tới Malacca mà ông ấy mô tả là được đóng tinh xảo khéo léo nhất trong tất cả các tàu bản xứ từng gặp, là một loại tàu vẫn còn đang được sử dụng trong bọn họ.
Thiên Chúa giáo được truyền vào Bắc Hà, Nam Hà và Chân Lạp vào khoảng năm 1624, từ những linh mục Bồ Đào Nha tại Macao, sau cuộc truy lùng và tàn sát Thiên Chúa giáo tại Nhật Bản. Kết quả của quá trình này, và phụ thêm là cuộc trục xuất người Bồ Đào Nha khỏi Malacca vào khoảng giữa thế kỷ ấy, có một số người lai Bồ Đào Nha đã định cư trong những quốc gia này, nơi mà những hậu nhân của họ vẫn còn được thấy; tuy vậy, khó mà phân biệt so với những người bản địa theo Thiên Chúa giáo khác.
Nhà vua hiện tại (Minh Mạng) và cha của ông (Gia Long) không khuyến đạo cũng như không bài đạo. Nói chung, trong nhiều năm rồi cũng không có sự việc nhạy cảm nào. Sự cấm đoán tục đa thê được nói là một nguyên do chính chống đối với phong tục và thói quen của người VN. Nói cách khác, họ không quan tâm tới giáo lý của nó; nhưng chính quyền luôn nhìn nó ganh ghét, như một sự đổi mới gắn liền với những kẻ ngoại quốc - mà sức mạnh và tham vọng là nguồn gốc của một sự cảnh báo lớn. Người Thiên Chúa giáo ở Bắc Kỳ được báo với tôi là khoảng 300.000 người, số lượng mà tôi nghĩ là bằng với ít nhất 50 năm trước. Số lượng ở Trung Kỳ là khoảng 100.000, và ở Nam Kỳ là 25.000. Một sự việc luôn nằm trong tranh cãi mà tôi nói thêm - là người Thiên Chúa giáo nằm trong tầng lớp nghèo nhất và thuộc phần thấp hèn nhất trong dân cư. Họ không có bất cứ ảnh hưởng chính trị nào, hay như tôi nghe được là sau cái chết của vị hoàng tử đã từng đi với Bá Đa Lộc đến Paris, và phiền hà to lớn đối với cha mẹ cậu ta là cậu ta trở thành người Thiên Chúa giáo sùng tín, không còn ai trong tầng lớp giai cấp ấy nói rằng mình theo Thiên Chúa giáo.
Người Trung Hoa là tầng lớp đông đúc nhất trong những người ngoại quốc, dù họ không có địa vị như ở Xiêm hay một vài đảo của Mã Lai. Lý do của việc này, nói theo cách tích cực tự nhiên nhất, là do sự cảnh giác và nghiêm khắc đàn áp từ chính quyền, và nó trực tiếp, phiền toái can thiệp vào nền kinh tế của họ, có thể bắt nguồn từ sự ganh ghét chính trị với người Trung Hoa mà trong các quốc gia người Hoa định cư khác không có. Những người Hoa định cư đầu tiên đến vì bị cưỡng bách, và con cháu của họ có một đặc quyền mà người bản xứ không có, là trả một khoản tiền thay cho phục dịch khoảng 15 quan 1 năm. Sau này, trước khi kết hôn, nhưng không phải sau đó, được tự do đi khỏi đất nước - mà người bản xứ không được phép dù với bất cứ lý do nào. Ở Bắc Kỳ, nghe nói có khoảng 25.000 người Hoa làm việc trong khai thác quặng sắt, bạc và vàng; ở thành phố Kẻ Chợ có chừng 1000 người, phần lớn làm kinh doanh. Số lượng ở thủ đô Huế thì rất nhỏ, được nói là không quá 600. Người Hoa ở Hội An chừng 3000, và ở Sài Gòn là 5000. Ngoài những nơi đó, họ còn ở rải rác số lượng nhỏ tại Quy Nhơn, Kangkao, Phnompenh và các nơi khác, số lượng toàn bộ ở VN có thể không quá 50.000.