Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Journal from India to Cochinchina I – 02
Trường An in "Journal Cochinchina" April 19th, 2014

Chính thể của lãnh địa Trung Kỳ (thời Nguyễn phần này vốn được gọi là Tả Kỳ) chia thành 7 tỉnh. Bắt đầu từ phía Nam, tỉnh đầu tiên là Bình Thuận, nằm bên cạnh lãnh địa của Sài Gòn - hay Nam Kỳ. Nó được mô tả là một vùng đất nhỏ và nhiều núi đồi, chủ yếu đáng kể về chất lượng gỗ quý mà rừng sản sinh. Cạnh nó là tỉnh lỵ Nha Trang, một địa phương đất cao và hoàn toàn bất lợi cho trồng trọt. Tỉnh này có 2 vịnh biển lộng lẫy là Nha Trang và Cam Ranh. Bên cạnh vịnh đầu, thành thị chính cùng tên của nó cách đó chỉ vài dặm, được nối liền bởi một dòng sông. Nha Trang được củng cố mạnh mẽ theo phong cách châu Âu từ thời nhà vua gần đây (Gia Long), công việc này được thiết kế bởi ông M.Oliver, một kỹ sư người Pháp, phục vụ cho nhà vua. Nơi này được đặt một kho xưởng vũ khí của triều đình, ở vị trí rất thuận lợi, làm trung tâm của tất cả các hoạt động giao dịch thương mại trong phần đất này của đế chế. Lụa được sản xuất và chế tạo ở đây.

Tỉnh lỵ Phú Yên được coi là một trong những tỉnh giàu nhất xứ Trung Kỳ. Và cảng thông thương cùng tên có 3 vịnh riêng, cũng tốt nhất. Đất đai rất đông đúc và được đưa vào cày cấy rộng khắp. Những ruộng bậc thang vươn đến lưng của núi đồi. Tỉnh này sản xuất gạo, bắp ngô và các loại đậu.

Tỉnh Quy Nhơn được mô tả là rộng lớn đáng kể. Thành trấn trung tâm của nó có cùng tên, cách chừng 5 dặm từ cảng, nối liền bởi một dòng sông thuận lợi cho giao thông, nó vẫn còn là một trong những địa phương lớn nhất Trung Kỳ, và trước cuộc nội chiến, đã có một nền ngoại thương đáng kể. Nó đã từng là nơi đóng đô của chính quyền Tây Sơn, hoặc những thủ lĩnh của cuộc nổi loạn đó. Ngày nay nó được củng cố vững chắc theo kiểu châu Âu. Một quý ông Pháp từng đi đến Quy Nhơn nói với tôi rằng nó rất đông dân cư, và có nền nông nghiệp phát triển.

Tỉnh tiếp theo là Quảng Ngãi, một vùng núi, và sản xuất một số lượng lớn đường. Nó được dùng để trao đổi với người trong núi sống trên những ngọn núi cao phía Tây.

Tỉnh Quảng Nam là một địa phương rất giàu có, sản xuất gạo, đường và quế. Nó là nơi đặt cảng thị Hội An lừng danh.

Tỉnh lị cuối cùng của Trung Kỳ là Huế, sản xuất một số đường, và một lượng gạo đáng kể, nhưng không được coi là màu mỡ. Hầu hết là núi và đầm, và ngay cả dưới cây cối được trồng cấy cũng có thể là đất bùn hay cát. Thủ đô có cùng tên, nhưng cũng được gọi bởi dân bản địa là Phú Xuân, và người Hoa gọi là Sun wha, nằm trong tỉnh lị này, cách biển chừng 6 dặm. Ở vài nơi có thể thấy vài ngôi nhà tốt bằng gạch lợp ngói, nhưng phần lớn nhà của cư dân được kết cấu nghèo nàn từ tranh và tre. Theo những thông tin tốt nhất mà tôi có, dân số bao gồm cả quân lính chừng 50.000 đến 60.000.

Lãnh địa hay trấn Bắc Thành là nơi đông đúc nhất và có vị trí đáng giá nhất, nhưng tôi chưa được nhìn thấy, ngay cả những người Pháp phục vụ nhà vua trong triều đình cũng hiếm khi đến đó. Tôi có rất ít thứ để nói về nó ngoài những gì đã được biết.

Ngoài cái tên An Nam, cũng tương tự như Cochinchina, vùng đất này được người bản xứ gọi bằng cùng cái tên mà người châu Âu vẫn dùng - Đông Kinh, và người Trung Quốc, Xiêm La gọi nó là Tang-kia. Nó là một vùng đất đồng bằng rộng rãi, chủ yếu được tưới bằng một con sông lớn và vô số nhánh của nó. Biên giới phía Nam của nó là một ngôi làng nhỏ và dòng sông Ke-ga, cách Huế chừng 85 dặm đường bộ, và tôi dự tính nằm ở khoảng 19 tới 20 độ vĩ Bắc.

Dòng sông ở Bắc Kỳ, được gọi như một vài người châu Âu là sông Cái, có thể không phải là con sông dài lắm. Nghe nói nó bắt nguồn từ trong vùng núi Vân Nam, đổ ra vịnh Bắc Kỳ bằng 2 cửa, phía Nam chừng 20,6 độ vĩ Bắc, phía Bắc chừng 20,15 độ. Dòng phía Nam thì người Trung Hoa thường dùng để đi lại, nhưng dòng phía Bắc thì được người châu Âu dùng khi Hà Lan và Anh quốc còn buôn bán với Bắc Hà. Trong thời gian đó, nó được mô tả rằng sâu không quá 18 feet vào lúc triều lên, tàu thuyền trọng lượng đáng kể vẫn có thể đi lại. Khi ở Việt Nam, tôi được báo rằng dòng sông này trong những năm gần đây đã bị lấp đáng kể bởi bùn và cát, tàu trên 200 tấn tải trọng không thể giao thông. Cả những quý ông châu Âu và triều đình Huế cùng thương nhân Trung Quốc đều khẳng định chắc chắn như thế, nhưng tôi vẫn nghĩ có thể vẫn có sai lầm, và điều này chỉ nói tới dòng sông phía Nam luôn chỉ được dùng cho tàu thuyền nhỏ qua lại.

Dòng sông ở Bắc Kỳ rộng chừng 1 mile tại cửa sông, và trước đây có thể dùng thuyền lớn đi vào khoảng ít nhất 20 dặm, nơi những con tàu châu Âu từng neo đậu. Ở Hiến, nơi tàu Trung Quốc không được đậu, và cách chừng 80 dặm từ biển, Dampier mô tả rằng con sông này còn lớn hơn sông Thames ở Gravesend; và ông ấy nói nó chảy qua thủ phủ của vùng, 20 dặm nữa, tương tự với sông Thames chảy qua Lambeth, nhưng vào mùa khô thì cạn đến mức có thể lội qua được.

Trên dòng sông này, cách cửa sông chừng 100 dặm, là thủ phủ của Bắc Kỳ, thành trấn lớn nhất đế chế, thường được gọi là Kẻ Chợ, nhưng người bản địa thường gọi là Bắc Thành. Người Trung Hoa thông thạo cả hai thành phố mô tả với tôi rằng nó lớn ít nhất gấp 3 lần Huế, dân số có thể không dưới 150.000. Dampier, vào thời ấy, tin rằng nó có 20.000 hộ, dân số phỏng đoán chừng 200.000. Địa điểm đáng nói duy nhất còn lại mà tôi nghe được là phố Hiến, mà trong thời của Dampier, có khoảng 2000 hộ, không dưới 20.000 cư dân.

Về phân bố dân cư của Bắc Kỳ, rất nhiều ghi chép có thể xem lại. Dampier chia nơi này thành 8 tỉnh huyện, với Abbe Richard là 11, và M. Chaigneau trong bản ghi của mình là 9; và một nguồn bản địa đáng tin với tôi, họ tính chừng 15. 2 trong những tỉnh lỵ này tiếp giáp Trung Kỳ, chịu sự quản lý trực tiếp của triều đình, khi phần còn lại, như đã nói, dưới quyền một vị tổng trấn ở Kẻ Chợ.

Trong vùng biển của Việt Nam có rất nhiều đảo, như trong bản vẽ mà tôi đã có được, bắt đầu là từ vịnh Xiêm La. Dân Việt đã tỏa rộng trong vùng này, cực Bắc là đảo Ko-kram, khoảng vĩ độ 13, và trong thời tiết tốt có thể nhìn thấy trên đường đến Xiêm. Đảo này, và các đảo lân cận của nó, tuy nhiên lại thuộc về Xiêm, kể cả Ko-kong. Chuỗi đảo trải rộng đến Pulo Ubi (Phú Quốc) thuộc về Việt Nam, bao gồm cả Pulo Panjang và Pulo We, dù khá xa bờ. Phần lớn trong số chúng nhỏ, dốc, cằn cỗi, rừng dày và không có người. Phú Quốc và Quadrole là có độ lớn đáng kể nhất.

Trong biển China, những hòn đảo đáng kể nhất thuộc về Việt Nam là Pulo Condore (Côn Đảo), Pulo Canton, gần ngay đó là Cù lao Ray, và Chamcol-lao, có thể là Cù lao Chàm. Ngoài ra, nhà vua của Việt Nam, vào năm 1816, đã lấy quyền sở hữu với quần đảo hoang dã, nguy hiểm, đầy đá và đầm cát gọi là Paracel (Hoàng Sa) - mà ông ấy tuyên bố thuộc về lãnh địa của ông ấy, và vì thế quyền sở hữu của ông ấy trở nên không cần phải tranh luận.



Ghi chú:

2 tỉnh chịu sự quản lý của triều đình ở đây là Quảng Trị và Quảng Bình, được gọi là Trực Kỳ.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.