Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

03- Tự nhiên và sản vật
Trường An in "Description Tonkin" April 17th, 2014

Tự nhiên và sản vật của Bắc Hà

Đất nước này phần lớn thấp và bằng phẳng, không khác các địa bàn xung quanh, đặc biệt về hệ thống đê và hào. Núi đồi làm giới hạn với phía Bắc, Tây và Nam, được tưới tắm bởi một dòng sông đặc biệt đổ ra biển với rất nhiều nhánh, hầu hết tàu có tải trọng trung bình có thể đi lại được. Những dòng sông ấy đầy thuyền bè và tiếng quát tháo, rất tiện lợi cho người buôn bán. Tất nhiên trong đất nước này không có bắp ngô hay rượu vang, không phải chỉ vì nhu cầu về gạo khi cả hai đều cần đất khô hơn ẩm ướt, mà còn vì cư dân không quan tâm lắm đến chúng, cố chấp không biết về ích lợi của chúng, và vì thế cũng không trồng. Lúa gạo, tất nhiên, là lương thực chính của những người này, và đất nước nước này trồng cấy rất nhiều; và nếu loại lúa này được dưỡng tưới bởi mưa trong tháng 6 và 7, chúng ta sẽ không phải nếm trải kết quả buồn của nạn đói kinh khủng đầy tai họa - như nạn đói đã tước đi hàng triệu linh hồn trong hai năm trước.

Từ gạo, bọn họ chiết xuất ra một dung dịch gọi là rượu arrac, nhưng không mạnh bằng. Họ làm ra nó, và kiểu cách sử dụng nó rất giống như bắt chước kiểu cách của Trung Hoa được mô tả trong các sách sử Trung Quốc: Họ lấy chân đạp nhuyễn gạo theo một quy trình mà họ làm rất thành thục.

Trái cây đặc biệt tốt so với chất lượng chung đồng chủng loại của chúng ở những nước phương Đông, cam của họ vượt xa tất cả những gì tôi từng nếm. Thứ mà Taverniere gọi là cây-cọ, thực chất là cây dừa, lớp cơm bên trong màu trắng, và có vị gì đó giống quả hạnh, thứ trái này có rất nhiều ở Xiêm, họ bôi thuyền với dầu chiết xuất từ trái dừa này, cung cấp cho nước láng giềng, và dùng để đốt đèn.

Nước dừa thì rất hàn, và cũng ngon, nhưng được cho là không tốt cho thần kinh, dù rõ ràng thứ cây này có ích nhất ở Ấn Độ, dùng trong ăn, uống, mặc, đốt lửa, xây dựng, vân vân...

Cây ổi là loại thực vật giống như ông ta miêu tả, nhưng ông ta quá phóng đại tác dụng của nó, vì dù xanh hay chín thì nó cũng cứng, nhưng ăn ổi xanh thì không bình thường.

Đu đủ là loại cây khá giống một loại dưa, và vị cũng dường như thế, không ngon.

Cây cau mọc thẳng đứng, không có nhánh, nhưng ở ngọn lại xòe ra giống hình vương miện, trái của nó lớn chừng bằng trứng chim bồ câu, người Ấn thường ăn với một loại lá mà Bồ Đào Nha gọi là Beetle, người Mã Lai gọi là Sera. Nó rất tốt để làm ngọt hơi thở, chắc răng, và vực dậy tinh thần. Khi nhai, nước biến thành màu đỏ. Nó được dùng rất phổ biến, đến mức họ không thể nào chào đón bạn bè nếu thiếu mời một đĩa cau trầu. Người Bắc Hà, Xiêm La, Mã Lai và Chà Và thà mất một phần ba khẩu phần ăn còn hơn là thiếu nó.

Họ có một giống sung mà họ gọi là hồng, có vị gì đó giống cà rốt nhưng ngon hơn nhiều, không như những loại vả ở châu Âu.

Giống loại khác gọi là Bonana, hay là một loại chuối, mà ông ấy gọi là "quả sung của Adam", một số cao hơn sải tay, một số thấp hơn.

Đường lộ được bao quanh đây đó bởi cây cối và nhiều lều lán, nơi họ bán trà và trầu cau, rất có lợi cho người đi buôn. Và những cây mọc cao vút vĩ đại che cho hàng ngàn người được gọi là cây đa - tôi không phản đối ông ta, nhưng tôi đã thấy ở Swallow Marreene tại Surrat (Tây Ấn) những cây còn to lớn hơn rất nhiều lần.

Ở nước này ta còn có một loại cây gọi là vải, người bản địa gọi là Bejay, với số lượng rất nhiều, tất nhiên không thể trồng ở đâu được ngoài vĩ độ 20 tới 30 độ Bắc. Nó mọc trên cây cao, lá giông giống như nguyệt quế, quả mọc thành chùm trên nhánh cây, bề ngoài trông như vô số trái tim, lớn chừng quả trứng gà, khi chín có màu đỏ, lớp vỏ mỏng và cứng nhưng rất dễ bóc, lớp cơm thịt thì mọng một loại dịch trắng. Thứ trái này có vị tuyệt vời, và nhìn rất đẹp, nhưng không thể để lâu quá 40 ngày trong mùa. Nó chín vào tháng 4, chừng lúc mà vị chúa sẽ đánh dấu hoặc dán ký hiệu lên những cây vải tốt nhất trong nước, cưỡng bách người chủ của nó không được để lẫn vào với những cây khác, và cũng phải canh chừng nghiêm ngặt không cho kẻ khác chạm vào - đó là một thảm họa của ông ấy, vì nó đã bị triều đình chiếm mất, và không cho ông ấy thứ gì để trả cho trái cây hay đau khổ của ông.

Thứ trái gọi là Jean hoặc long nhãn (trứng rồng) bởi người Trung Quốc, rất nhiều ở đây. Cây rất giống như loại trước, có nhân trắng, nhưng ngọt hơn nhiều, trái tròn, nhỏ hơn quả mận bé, vỏ không cứng, màu xanh oliu nhạt gần giống màu lá héo. Trái cây này, mặc dù nhiều người Bắc Hà cho là ngon, nhưng rất nóng và không lành. Đến mùa vào tháng 5, hoặc tháng 7.

Trái na, và 2 hay 3 loại mận, cùng các giống cây Ấn khác (ngoại trừ quả sầu riêng vốn chỉ mọc ở vùng đất nóng như từ Xiêm trở về phía Nam như Mã Lai, Malacca hay Chà Và) đều có thể tìm thấy ở đây, nhưng ngon vượt trội với những thứ tôi đã từng nếm là mít ở Bắc Hà. Tôi nghĩ đây là thứ quả to nhất thế giới, sự lớn của nó biểu thị tự nhiên rằng nó lớn lên trên gốc hay thân cây, không phải trên nhánh - mà nó sẽ không chịu đựng được sức nặng. Lớp vỏ màu xanh rất cứng, nhưng khi chín chuyển màu vàng, dễ dàng cắt bằng dao. Có vài loại mít, nhưng loại khô nhất, không dính tay hay miệng là ngon nhất. Phần tuyệt nhất là lớp bao ngoài hơi nhầy, là múi vàng bao quanh quả nằm trong những hốc nhỏ. Một vài người nghèo luộc hay nướng hạt này để ăn, có vị giống như hạt dẻ của chúng ta, nhưng được nói là sẽ gây đau phổi.

Taverniere kể một truyện dài về giống chuột hiếm (dơi) trong nước này, về rất nhiều loại, nhưng tôi chưa từng ở giữa đám đó bao giờ để phán xét đúng khả năng về sự thanh nhã của chúng, tôi chỉ biết người Bồ Đào Nha ăn thịt chúng trong vài lúc loạn trí.

Điều tiếp theo cần ghi chú là một dạng tổ chim đặc biệt, được dành cho sự quý trọng cực kỳ trong người Á, và có giá rất cao, dùng làm món ăn bổ dưỡng và một vài người xem là bổ dương, nhưng Taverniere nói là không thể tìm ở đâu ngoài 4 hòn đảo ở Nam Hà - mà tôi biết chắc là 1 sai lầm to lớn, cũng như chẳng phải tôi biết những hòn đảo đó hay loại tổ chim nào được tìm thấy ở Nam Hà. Loài chim tạo ra những cái tổ này không gì khác là chim yến. Hình dạng và dáng vẻ của những cái tổ chim ấy rất giống những gì ông ta mô tả, và chất lượng tuyệt vời của chúng ở Jehor, Reho, Pattany và những vùng Mã Lai khác; nhưng chúng khi nấu lên có mùi hương ngạt ngào và hương thơm của chúng - như ông ta nói, hoàn toàn là tưởng tượng. Những cái tổ ấy được đặt vào trong nước ấm chừng 2 giờ, sau đó rút ra thành sợi càng nhỏ càng tốt, sau đó được hầm với gà, chim bồ câu, hay những loại thịt khác, với một lượng nước nhỏ. Khi hầm, nó biến thành gần như gel chẳng có mùi hay vị.

Và ông Taverniere cũng rất sai lầm với tấm bản đồ của mình, khi tôi chưa từng biết hay nghe đến những hòn đảo đó, 1,2,3,4 và 5, như ông ta nói, có vô số rùa. Lợi ích của những con rùa ấy được biết rộng rãi trong thủy thủ chúng ta, trong những cuộc du hành về với quê hương, nhưng những người Bắc Hà hay Nam Hà này không tin rằng chúng giải trí cho bạn bè họ trong những buổi tiệc như họ muốn. Đem những con rùa này đến là hoang đường, vì khi chúng tôi ở hòn đảo Tuần Bến, một con rùa nặng chừng 20 pound được đưa tới nhà khách tôi trọ, đem bán thì chẳng có người Bắc Hà nào muốn mua, tôi có một ước lượng nhỏ. Hơn thế, từ Xiêm tôi đến đảo Pulo Uby, nơi mà các thủy thủ của tôi lấy 5 hay 6 con rùa rất lớn, đem chúng lên tàu, nhưng người Bắc Hà đi chung với tôi (người đã bắt buộc phải làm công việc này vì nạn đói lớn càn quét đất nước) không chạm vào chúng. Tôi cũng không biết, như anh ta nói, cả 2 quốc gia này không có thói quen đi bắt rùa, cũng chẳng có giá trị thương mại nào ở chúng. Vì thế tôi tự hỏi ngài Taverniere làm sao có thể mơ đến một cuộc chiến giữa bọn họ chỉ vì tranh quyền bắt rùa?

Bắc Hà không có số lượng lớn thơm dứa được bán. Cây thanh yên mà ông ta nói cũng không to bằng ở châu Âu, lúc chưa chín thì có màu xanh, và khi chín chuyển sang màu vàng.

Trong vương quốc Bắc Hà có thị trường lụa tốt, người giàu và nghèo đều tự làm áo cho mình vì họ có thể mua chúng rẻ như vải hoa ngoại quốc.

Về những bông hoa thơm ngọt ngào, dù tôi không tự nhận là người thích hoa, nhưng tôi biết trên 2 loại hoa ở Bắc Hà. Tuy vậy, loại mà ông ta gọi là Bague thì tôi chẳng thể nào ngửi được: Trước hết, có một giống hoa hồng đẹp màu trắng hòa với tím, bông khác hầu như cùng loại đỏ và vàng, mọc trên bụi cây không có gai góc, nhưng không có mùi.

Loại hoa mà không hơn 1 cái chồi nụ, giống như cây bạch hoa nhưng nhỏ hơn nhiều, có hương thơm như bất cứ giống hoa nào tôi biết, và chỉ tỏa hương trong 1 đêm rồi rơi khỏi cành, phụ nữ trong triều thường dùng nó chung với đồ trang sức.

Loài sen Ấn Độ mọc ở đây như những phần khác ở châu Á, hình dáng tương tự giống sen châu Âu, nó mọc trên một cái cây đẹp, có màu trắng, tỏa hương thơm, dù hơi mờ nhạt.

Ở đây có 1 loài hoa nhỏ, trắng tuyết, có mùi giống hoa nhài nhưng mạnh hơn, mọc trên cây thấp, hoặc là bụi cây, ở Persia có số lượng rất nhiều, họ chở cả 1 chiếc thuyền với nước hoa chiết xuất từ nó. Hoa này không có giá trị lớn đối với người bản xứ, tôi sẽ cho qua.

Ở đây có mía đường, nhưng họ không có kỹ thuật tốt để lọc đường chiết xuất từ mía, tuy nhiên họ làm nó theo kiểu của họ, và dùng nó không phải sau bữa ăn như Taveniere nói, mà để pha chế.

Hổ và hươu có ở đây, nhưng không nhiều, khỉ thì có cực kỳ nhiều. Bò, lợn, gà, vịt, ngỗng... không có nhu cầu, ngựa của họ thì nhỏ nhưng sôi nổi và sống động, không phải lúc nào chúng cũng luôn được nuôi thả kỹ lưỡng, nhưng chúng có thể sử dụng tốt và hợp nhu cầu.

Tất cả voi của họ đều được huấn luyện cho chiến tranh, và không to lớn kỳ lạ như ông ta muốn mọi người tin, vì tôi đã thấy voi lớn hơn ở Xiêm, cũng chẳng lanh lẹ thông minh hơn những voi khác chỉ vì biết quỳ xuống cho người lên bành.

Họ có rất nhiều mèo, nhưng không có mèo tài bắt chuột, tật xấu này được bổ khuyết bằng những con chó còn làm được những việc nhỏ khác nữa.

Chim không có nhiều lắm, nhưng gà hoang thì vô cùng.

Gần biển và trong thành thị có nhiều muỗi khủng khiếp, nhưng ở miền quê thì họ không có nhiều vấn đề lắm với chúng: Họ sẽ thoát được chúng khi hun khói nhà ở, hoặc nằm trong rèm kín được làm bởi lụa mềm cho mục đích ấy. Ngọn gió Bắc khô sẽ đuổi chúng đi, và khiến miền quê sạch muỗi 1 khoảng thời gian.

Những gì ông ta nói về mối mọt là thật. Loại côn trùng này rất tinh quái, ở Xiêm khó có nhà nào thoát được chúng, nên các thương nhân buộc phải làm nhà chứa, và chà chân nhà với dầu (với thứ mùi chúng không thể chịu nổi) để giữ hàng hóa của mình.

Cách chọn trứng gà hay vịt, như Taverniere nói, là thật, nhưng trứng chỉ được dùng làm nước xốt, không được ăn bằng cách khác.



Chú thích:

Theo sách sử, năm 1681, đại hạn, dân Bắc Hà bị nạn đói; năm 1684, vỡ đê sông Hồng; năm 1687 tiếp tục đại hạn. Hẳn S.Baron viết sách này vào khoảng 1683 - 2 năm sau nạn đói vì hạn hán.

Cách làm rượu truyền thống là nấu chín thóc gạo, lấy men rượu trộn với gạo. Có lẽ khi làm số lượng lớn, người Việt cổ đã dùng chân làm việc này.




2 Responses
Lan

Nghe kể về hoa quả mà thèm quá, lâu rồi ko đc ăn đu đủ, vải nhãn, mít...Mà hồi bé tớ cũng ko thích ăn đu đủ, lớn lên thì còn ăn đc tẹo, nhưng cũng ko phải gout, hehe :meo5: Tháng này tớ bị ốm lăn lủ, thứ bảy đáng lẽ phải đi làm, thì ở nhà dưỡng bệnh, chui vào đây đọc bài bạn Ast dịch, hehe ;) Nice weekend

Trường An

Nghe ông ấy kể thấy thân thương tràn ngập ấy nhở, giống như đang hồi tưởng lại một thời trẻ thơ, kể về cái này cái kia, còn biết trái này hàn, trái kia nhiệt. Tớ cũng hông thích đu đủ. '.'

Hic, muốn dịch tiếp lắm nhưng hết rồi. >_< Thôi chúc bạn Lan chóng khỏe, mùa xuân nắng ấm đến xua tan bệnh tật nhé.

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.