Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Nhật ký 3
Trường An in "Ngủ dưới vòm cây" January 16th, 2014

Ký ức sớm nhất trong em về ngày trẻ dại là lần đầu tiên đi lạc.

Không phải loại ký ức do người khác kể lại, loại ký ức rõ ràng đối với bọn họ nhưng bản thân em chẳng hề có chút ấn tượng như thể là cuộc đời của một người khác. Ký ức này chỉ của mình em, không còn ai nhớ nữa, cũng chẳng phải là chuyện to tát gì. Thật sự, chuyện đó chỉ xảy ra trong năm, mười phút thôi, có thể còn ngắn hơn nữa, từ khi mẹ buông tay em và nhận ra em đã lẫn mất vào đám đông.

Không rõ là dịp gì, em chỉ nhớ lúc ấy có rất đông người, tụ tập chật suốt lề đường đến lòng đường. Và trong một cái chớp mắt, em đã thấy mình ở giữa bọn họ, mẹ đã không còn bên cạnh.

Một đứa trẻ con lúc đó phải làm gì? Em nhớ, mình đã rất muốn khóc. Quả thật em đã khóc, nước mắt không ngăn được cứ thế rơi xuống. Nhưng em đã lau rất nhanh những giọt nước mắt ấy đi. Em nghĩ, gần như ngay lập tức cùng nỗi sợ: Mình phải về nhà.

Em nhận ra nhà hát lớn mà từ đó mẹ dẫn em đi tới. Em biết, nhà em ở hướng ấy. Và em đã lau nước mắt, đi về ngôi nhà hát thấp thoáng bên kia đám đông.

Mẹ đã chạy tới nắm em lại, ngay khi em vừa đi được vài bước. Lúc ấy, bà quá bận rộn để nhận ra em đã khóc.

Sau này anh vẫn thường cười khả năng xác định phương hướng của em. Chỉ cần sểnh đi một khúc quanh, em đã dễ dàng lạc giữa những con đường vốn thường ngày đi lại. Anh biết không, em vẫn thường xuyên đi lạc như thế đấy, từ nhỏ cho đến lớn. Thậm chí đi leo núi cùng lớp học, em cũng đi lạc. Và phản ứng đầu tiên của em vẫn y hệt như ngày còn nhỏ: Nhắm đến mục tiêu duy nhất xác định được để tiến tới. Không thể lui trở về chân núi để lạc hẳn vào nơi nào đấy em không thể biết, thế là em nhắm đỉnh núi mà leo lên. Tất nhiên, lúc ấy em còn bé dại để quyết định như thế, khi dưới đỉnh núi hẳn đông người hơn, đỡ nguy hiểm hơn là một mình leo lên đỉnh núi vòi vọi em chưa từng đặt chân đến. May mắn cho em, đỉnh núi không quá cao và lúc ấy không phải mùa mưa.

Nhưng em, có thể bằng thứ bản năng mù quáng, vẫn cứ lựa chọn đánh liều bản thân hơn là tin tưởng người khác. Hoặc lúc ấy em cũng chẳng nghĩ tới con người, em chỉ biết mình có duy nhất một mục tiêu chắc chắn xác định để tiến lên – Khi nhớ lại, phản ứng ấy cũng y hệt như ngày em còn bé. Không có gì thay đổi, thứ bản năng bộc phát đến mức chẳng kịp nghĩ, vượt hơn mọi ý nghĩ. Phải lâu, rất lâu sau này, em mới tập thành thói quen hỏi người bên đường mỗi lần đi lạc. Nếu không gấp gáp, em cứ thế loanh quanh tìm cho được đường ra.

Nên anh đừng trách cứ khi em rời bỏ anh. Không phải lỗi tại anh, cũng chẳng có gì xảy ra giữa chúng ta. Có thể em sẽ trở về, nhanh thôi. Nhưng em biết mình không thể hứa, cũng như bắt anh trông chờ.

Rất nhiều người đi lạc như thế mà, phải không, ngay cả anh? Rồi bao nhiêu người trong số đó tìm lại được đúng con đường mình muốn tới, muốn trở về?

Bao nhiêu người, trong tám tỉ người trên hành tinh này, nghĩ rằng sự hiện diện của mình nơi đây, hiện tại, là chốn mình đã định bao nhiêu năm trước? Những giấc mơ của chúng ta ngày xa xưa ấy đâu rồi?

Ai cũng có một quá khứ, những giấc mơ rực rỡ, những ám ảnh đen tối, những tình cảm chúng ta chôn chặt xuống đáy lòng, những bông hoa không bao giờ có cơ hội bung nở. Và nỗi đau khi phải bỏ lại chúng. Theo thời gian, như nắng hắt về cuối con đường, chúng ta với tay cũng không nắm được bóng mình lần nữa.

Trong một cảnh phim, người đàn ông quỳ giữa Angkor mênh mông hoang hoải nắng chiều, thì thầm vào gốc cây điều mà ông ta hằng chôn giấu. Chôn vùi cùng nắng chiều và Angkor điêu tàn, bí mật đã vĩnh viễn lặng im. Một điều không còn cần thiết, khi đã chẳng điều gì còn có thể tiếp diễn giữa bọn họ, chỉ là cách để ông ta làm nhẹ lòng mình.

Anh biết không, cảnh tượng đền đài của Đông Nam Á vốn dĩ luôn đem lại cảm giác điêu tàn cùng cực. Từ Angkor huyền thoại vốn bị vùi lấp hàng trăm năm, những đền tháp Chiêm Thành hoang hóa, Ayutthaya tàn lụi, đến cả những đền tháp vàng son rực rỡ được tu bổ tôn tạo sau này. Không rõ vì dòng nước luôn ngầu đục, bờ cỏ luôn có vẻ dàu dàu, đất đai khi vàng khi đỏ, cỏ cây bốn mùa xanh, hay vì bầu trời quá cao rộng với nắng đổ cũng ào ạt như mưa lũ, hay vì hoàng hôn luôn đỏ rực một màu? Sa mạc thì mênh mông, núi thì cao chót vót, biển thì trải rộng, chỉ có rừng trong xứ sở nhiệt đới rậm rạp âm u. Và cảnh tượng của đền đài lọt vào giữa rừng, núi, dòng nước, sự hoang vắng tuyệt đối của quá khứ đã chết đi, chỉ mảnh vỡ của nó còn vương lại, như thể chẳng cái gì còn sống nữa, bao giờ. Hơn cả hoang mạc, hơn cả bầu trời hay biển khơi, rừng vùi lấp và dòng nước đã cuốn trôi tất cả, đã biến chúng thành thứ gì đó còn tàn phai hơn là cát bụi.

Và hoàng hôn đổ xuống, trải dài như tịch diệt muôn đời.

Thanh xuân của chúng ta, những gì chúng ta chưa bao giờ nói ra, cũng dường như là thế.

Cánh đồng trải dài hai bên đường, tà dương đuổi theo chúng ta bên kia chân trời đỏ. Chẳng thể tìm ở nơi đâu cảnh tượng hoàng hôn u buồn hơn Đông Nam Á. Mặt trời đã đến quá gần và lụi tàn quá nhanh. Còn chúng ta vẫn đứng nơi đây. Vẫn nơi đây.

Trong hoàng hôn, trên hoang tàn của một nền văn minh sụp đổ, anh sẽ thì thầm điều gì, anh của em?




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.