Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Nhật ký 2
Trường An in "Ngủ dưới vòm cây" January 14th, 2014

Đấu trường – Pháo hoa trên vịnh biển – Vị bạo chúa thành Roma


Đấu trường đã gần hai ngàn năm, có cái tên liên quan đến một vị hoàng đế - bạo chúa. Mà thật ra thì, hầu như các hoàng đế vĩ đại đều là bạo chúa, không phải sao? Lúa không thể tự mọc thêm, đất không thể tự to lớn ra, vàng bạc chẳng thể tự nhiên mà có hơn, cùng vô số, vô số rắc rối, mâu thuẫn không thể tự tan biến – các hoàng đế có thể làm được gì đây? Giống như cái đấu trường liên quan đến ngài ta, được dựng xây bằng của cải cướp được từ một thánh địa khác, trở thành biểu tượng huy hoàng, tàn bạo của một đế chế vĩ đại. Là nơi quyết đấu, biểu diễn, ca hát, trú ẩn, thờ nguyện và tử hình… Trong suốt gần hai ngàn năm tồn tại, nó là tất cả, vinh quang và lụi tàn, hủy hoại và sinh tồn, trong máu và nước mắt.

Cái tên, đồng thời cũng là định mệnh. Vị bạo chúa đã chơi đàn lyre trong đám lửa thiêu cháy Roma, trong truyền thuyết của những kẻ thù. Vị bạo chúa theo đạo Do Thái, và sau khi ngài ta chết đi, Jerusalem bị hủy diệt, đấu trường được xây nên từ thánh địa đã hóa tro tàn. Và ngài ta, đời đời, mang cái tên bạo chúa do những kẻ đã chiến thắng trong lịch sử truy phong.

Đấu trường nhuộm trong ánh hoàng hôn màu đỏ như ráng chiều. Những ô cửa lỗ chỗ, cảm tưởng như một khung xương còn đứng đó. Khi hào quang đã qua, lịch sử đã lụi tàn, chỉ còn những mẩu xương vung vãi trơ khấc.

Người ta có thể kể lại, trong tiếng đàn lyre, hàng ngàn năm đã qua đi, những cái tên chỉ còn trong truyền thuyết, những vinh quang và lụi tàn, những mẩu chuyện khuyết thiếu, mang vẻ không thực đến gần như huyền hoặc. Mọi câu chuyện được kể lại đều không thực và huyền hoặc sau khi lọc qua tầng tầng thời gian, ý nghĩ, sự biến đổi của con người và thế giới.

Những câu chuyện ngân nga trong thành phố hoang tàn, rồi dần dà trở thành tiếng đàn lyre vang vọng theo màn đêm. Những bài ca bằng ngôn ngữ em không hiểu nổi, dần biến thành tiếng nhạc âm u giữa bóng tối.

Trên những vách đá của các công trình cổ, ánh đèn sáng rực, biến chúng thành một loại ảo ảnh in vào phông bạt đen thẫm của bầu trời. Có một loại ảo giác như thể ta đứng dưới sân khấu, nhìn lên thấy ngàn năm đã trôi qua, và những bóng người vẫn đang lao xao đi lại kia cũng chỉ là một phân cảnh ngắn ngủi trên cái nền nọ. Tất cả, bọn họ, thời gian, và cả chúng ta, sẽ tắt đi theo ánh đèn.

Có lẽ người ta vẫn cố sức giữ lấy những công trình đổ nát này chỉ vì vậy. Lục địa già cỗi – Những người bên kia bờ Đại Tây Dương gọi. Những người đã ra đi, đã bỏ lại, đã đặt chân đến một nơi xa lạ, thiêu hủy những gì đã có ở đó, rồi quay lưng lại với nơi mà họ đã ra đi. Nơi đó, không có những đống đổ nát, nơi họ không cần biết đến quá khứ, không cần bám víu vào những bóng ma.

Vị bạo chúa trong truyền thuyết, khi chơi đàn lyre trước đám cháy thiêu hủy Roma đẹp đẽ yêu thương do chính ngài ta xây dựng, hẳn đã cảm thấy đau đớn – và hoan hỉ - xiết bao.

Phải, ngài ta đã dựng xây nên nó, cung điện, đền đài, thành quách, và đất nước. Như những bài thơ, bản nhạc, khúc hát, tiếng đàn. Rồi ngài ta lại không thể chịu đựng được nữa – Những bức tường đá do ngài ta xây nên, những thành quách do ngài ta xây nên, những công trình do ngài ta xây nên, đất nước do ngài ta xây nên… Chúng sừng sững, hiện diện, chạy vòng quanh, bọc kín đường chân trời. Rồi ngài ta sẽ chẳng thể làm gì hơn được nữa, dưới cái bóng của những pháo đài, tường thành, lá cờ của đế quốc vĩ đại. Rồi ngài ta sẽ thấy mình kẹt trong hốc, quẩn quanh giữa những mê cung cũ kỹ, nơi từng mảnh gạch cũng chắp vá và chán chường, nơi từng lời nói ra cũng chật hẹp khuôn sáo đến không thở nổi. Phải, anh biết chứ, có những điều mà chỉ cần nghe thấy, ta đã không thở nổi vì thứ bụi cũ lưu trong nó, thứ cảm giác chật chội quẩn quanh của nó. Một buổi sáng thức dậy, hoặc chỉ trong vài khoảnh khắc thoáng qua, thế giới này bỗng trở nên ngạt thở. Tình yêu cũng trở nên chán ngán, những gì ta yêu cũng trở nên chán ngán – chẳng cần vì bất cứ lý do gì. Thật sự, chẳng vì bất cứ lý do gì.

Vị bạo chúa nọ, trong truyền thuyết dưới chân đấu trường đẫm máu, hẳn cũng đã cảm thấy như thế. Hẳn rồi, thứ truyền thuyết như thế hẳn chỉ sinh trưởng trên máu đỏ, giữa những tiếng hò reo giết chóc, nơi dã tính trở thành một loại thi ca, và cái chết làm say máu người còn sống. Cái chết. Con người say mê những cái chết được đệm theo bằng kèn trumpet, rưới nước thánh của thần linh, bằng nỗi hoảng hốt bản năng trước nó. Họ đã tạo ra vị bạo chúa nọ, như kẻ đứng trước vuốt sư tử, kẻ đã bị đâm xuyên qua thân thể bằng trăm thanh kiếm, kẻ đã thấy cái chết vẫy gọi trên tường thành đất sét.

Trong đêm, bóng tối lẩn khuất giữa những bức tường đá, trên những bậc thang đá, nhảy múa trong mắt người. Ánh sáng hòa cùng bóng tối lơ lửng trên bầu trời. Nhắm mắt lại, cảnh tượng sẽ hình dung như thể chớp sáng trong bụi pháo hoa. Pháo hoa được bắn trên eo biển Mãn Lạc Gia một đêm mùa hạ, trên hình bóng của những con tàu đã lâu không còn ra khơi, trên khu phố cổ mang lối nét Hà Lan và khu đồi trập trùng bia mộ. Những con sóng dồn dập đập vào bờ, gió lồng lộng thổi. Và sự sống, những cuộc hành trình, khởi đầu cùng kết thúc, ở lại và ra đi, kết liên cùng gãy vỡ, sẽ liên tục chớp tắt, nở bừng và tàn lụi trong ánh sáng pháo hoa. Như khi đó, vẫn như khi đó, xung quanh em vẫn đang lao xao tiếng nói bằng những ngôn ngữ không thể hiểu nổi, tiếng hò reo từng đợt như sóng triều lên xuống cùng bụi pháo hoa rơi rắc tản mát theo gió biển. Có cả tiếng rì rào của những cây cổ thụ to hàng chục người ôm. Giữa những khoảng trống của thanh âm, sẽ có tiếng rì rầm lan giữa những bức tường cổ.

Chẳng rõ vì những ngôi nhà Hà Lan nằm chen vào hàng cọ, hay những ngôi mộ tròn hằng trăm năm của người Trung Hoa phiêu bạt, hay chiếc tàu cổ buông buồm trên sóng, hay tiếng biển trôi giữa hai bờ đại dương, pháo hoa đêm ấy lại rực rỡ và u buồn đến vậy. Hay chỉ là cảm giác của người khách lạ, đi qua mà không chờ đợi, ngắm nhìn mà không xúc động, bỗng nhiên lại được soi sáng bằng trăm ngàn đốm lửa. Sự phù du cùng tận của thế gian, trong lúc đó, nổ bùng trong dòng thác thanh âm, xuyên qua thinh lặng vô biên chôn giấu trong bia mộ. Đêm của quốc gia Hồi giáo lặng yên từ rất sớm, và khoảnh khắc rực rỡ chói lòa nhanh chóng bị thổi tan trong gió giữa hai bờ đại dương.

Chúng ta sống trên những hoang tàn. Chúng ta đập vỡ những gì đã từng tồn tại để dựng xây thế giới của mình lên trên đó. Rồi chúng ta lại quên mất điều đó. Rồi chúng ta lại cần giữ gìn những thứ chứng minh sự hiện diện đã từng mất đi. Nhưng thật ra, khi làm việc ấy, chúng ta lại đang xóa sạch sự thật rằng cái đã mất đi đang nằm ngay dưới chân chúng ta.

Có khi nào, trên tầng nhà cao vút, nhắm mắt lại, anh tưởng tượng ra mình là vị bạo chúa nọ? Và thành phố cháy sáng ánh đèn trước mắt anh chỉ là ảo ảnh trong bóng lửa đốt cháy quá khứ lẫn hiện tại? Có khi nào, trong anh cồn cào cảm giác muốn đập vỡ, muốn hủy hoại tất cả những gì mình đã từng dựng xây, tôn thờ, yêu thương và ghi nhớ? Như người đấu sĩ trong đấu trường đẫm máu, đấu trường được dựng xây bằng sự hủy diệt của một thánh địa, trên thành phố đã hóa tro tàn.

Trong truyền thuyết luôn có những bóng ma. Những bóng ma xuất hiện trong đêm trăng, trên những ngôi mộ cổ, trong những căn nhà hoang vắng, những địa điểm cũ kỹ và buồn thương. Nhưng trên trái đất này, nơi nào chẳng cũ kỹ và buồn thương? Những bóng ma vốn ở nơi chúng ta đang đứng đã đi đâu rồi?

Em thường không tin truyền thuyết, nhưng em tin một phần ở ký ức. Những bóng ma cùng khao khát vẫn còn đó, nằm sâu dưới giả dối và lãng quên.

Còn những bức tường kia, chỉ là bia mộ đánh dấu thời đại đã chôn vùi. Và có thể - chắc chắn – bên dưới nó còn chôn vùi nhiều lớp tầng quá khứ khác. Những ngôi mộ gió khổng lồ của chúng ta.

Điểm lợi của một người khách lạ là không cần phải sống với những bóng ma. Trong đêm ấy, em đã thấy cuộc diễu hành vĩ đại của thời gian như người xem vở kịch kéo màn trên sân khấu. Những vùng đất gần biển luôn có những câu chuyện lạ kỳ để kể. Như bầu trời xanh trên Ryuku[1]. Đã có một thời đại vàng son trên đảo quốc này, ghi dấu sự hiện diện của hầu như tất cả các quốc gia châu Á. Vương quốc biển đã bắt đầu suy thoái khi người Bồ Đào Nha vượt qua eo biển Mãn Lạc Gia đây. Sự thay thế đã diễn ra, như luôn luôn là thế. Và trên hòn đảo, chỉ có bầu trời vẫn cứ xanh. Bước qua những bức tường dài, qua bóng những ngọn cổ thụ hàng trăm năm tuổi, sẽ trở về nơi em sẽ ra đi. Ra đi, đó không phải là một từ buồn bã, không đâu. Thứ em muốn tìm chắc chắn vẫn nằm rải rác khắp nơi trên thế giới này. Như những dòng nước lưu chuyển, như thời gian phôi pha và trùng lặp biến hình.

Bên ngoài cửa kính khách sạn, thành phố chìm vào đêm. Ánh mặt trời hẳn đang chiếu sáng bên kia trái đất. Bên này, giờ khắc của những bóng ma hồi sinh trên ngọn đồi, tiếng đàn lyre văng vẳng. Bên kia, trên những con đường, người lại đổ xô vào cuộc mưu sinh. Điệu cầu hồn nên thơ của cái chết và khúc ca tàn khốc của sự sống cùng lúc cất lên. Đồng thời. Cùng một lúc.

Lửa đã cháy, đang cháy, dưới nhiều lớp tàn tro.



Chú thích:

Ryukyu, tiếng Hán là Lưu Cầu, là một quốc gia cổ trên quần đảo Ryukyu (từ đảo Okinawa đến Amami) nay thuộc Nhật Bản. Lưu Cầu là một quốc gia có lịch sử lâu đời, từng là một vương quốc biển phát triển cực thịnh về ngoại thương. Trong tất cả các quốc gia châu Á, chỉ có Đại Việt và Luzon không có quan hệ buôn bán với Ryukyu. Khi thực hiện luật Cấm hải, nhà Minh dùng Lưu Cầu như nơi lưu chuyển hàng hóa, buôn bán với các nước. Đến thế kỷ 17, Lưu Cầu bị Nhật Bản xâm lược, phải triều cống cho Nhật Bản. Nhưng đến tận 1879, Ryukyu vẫn giữ được độc lập, người Lưu Cầu không được coi là người Nhật, không học tiếng Nhật và bài trừ văn hóa Nhật. Chỉ sau cuộc cải cách Minh Trị, Nhật Bản chính thức chiếm đóng Ryukyu vào 1879, chính quyền Lưu Cầu cầu cứu nhà Thanh nhưng không có kết quả, phương Tây đứng về phía NB chiếm giữ Ryukyu. Người Ryukyu bị bắt sử dụng tiếng Nhật, văn hóa Nhật, cấm sử dụng ngôn ngữ bản địa.

Hình ảnh nước Ryukyu đã từng xuất hiện trong truyện Basara.

Đảo Điếu Ngư đang tranh chấp giữa NB và TQ vốn là nơi trung chuyển giữa TQ và vương quốc Ryukyu này.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.