Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

29. Con quái vật trong hốc
Trường An in "Ngủ dưới vòm cây" January 7th, 2014

29. Con quái vật trong hốc – Hành khách nửa đêm về sáng – Cách đi trong bóng tối


Trong đêm, căn chung cư cũ của Thiên Thiên trông như một nùi giẻ bằng sắt khổng lồ.

Vốn là một khu văn phòng cũ, những ô cửa trông thẳng ra đường không có bao lơn được làm chấn song sắt, ở dưới thêm cái lồng bằng lưới sắt để phơi quần áo. Dây điện, ống nước, dây điện thoại, dây ăng-ten, cùng trăm ngàn thứ không thể gọi tên thành vây quanh những bức tường cũng đen đúa tróc lở. Những cái ăng-ten đâm tua tủa lên khoảng không bị vây bởi nhiều ngôi nhà cao tầng. Hàng nước dưới nhà đã dẹp, cửa lớn cũng đã đóng, chỉ còn bãi rác to bên lề đường chờ xe rác buổi sáng hốt đi.

Giữa khu phố đắt đỏ, sang trọng nhất của thành phố này, khu nhà xấu xí đứng đó, tương phản tuyệt đối với những công trình hoa lệ vây quanh nó. Nghe nói, nhiều năm trước đã có dự án giải tỏa, nhưng rắc rối về tiền đền bù cùng sự sa sút bất thường của kinh tế khiến việc ấy bị hoãn không biết tới bao giờ.

Em chỉ muốn được xem họ đập nó ra, xem trong những thang máy luôn đóng kín cửa ấy có cái gì, Thiên Thiên từng nói. Đó là thứ em luôn luôn tự hỏi. Mà anh xem, ngay cả bảng số ngoài cửa thang máy cũng đã bị gỡ, dây điện đã bị cắt, hẳn đã lâu, lâu lắm rồi không ai vào đó được nữa. Lúc bé thì em nghĩ cái thang máy này là một hốc tường bí mật, nhưng thật ra, nó lại là một cái hang, cái giếng, cái hố từ trên đâm thẳng xuống tòa nhà. Nó bị bịt kín, bao nhiêu năm rồi.

Tại sao em lại có ý nghĩ đó à? Chẳng tại sao cả. Vì những thứ kín mít thì lại luôn gây tò mò. Những thứ bị chăng chịt lại giấu kín mới khiến người ta muốn mở, chẳng phải sao?

Em không sợ trong đó có một con quái vật, một bộ xương người, hay chỉ toàn là rác rưởi?

Ngày bé em cũng tưởng tượng ra thế rồi. Tiếng cười của Thiên Thiên thanh thanh. Nhưng em thích chiến đấu với quái vật.

Như trong cổ tích?

Không, chẳng có phép thần nào như trong cổ tích đâu. Chỉ là, trong giấc mơ, bằng cách nào đó thì em sẽ chiến thắng quái vật. Trong giấc mơ thì em chả sợ gì cả, ngay cả những ác mộng kinh dị nhất.

Nhưng vì cửa không bao giờ mở, cũng chẳng có quái vật nào xuất hiện, nên em cũng quen với ý nghĩ có một con quái vật đang sống trong hốc tường.

Nếu như thật sự có một con quái vật, thì hẳn mọi người cũng thế. Cũng quen với việc nó ở đó, nó còn sống, đầy nguy hiểm và hận thù. Có một ngày nó sẽ thoát ra khi những bức tường rữa mục. Nhưng người ta đã quen rồi. Và họ cũng sẽ quên rồi.

Và từng người một đã bỏ đi. Khu nhà này ngày xưa vốn được cấp cho các công nhân viên chức, nhưng đó là lúc họ còn nghèo, rồi họ giàu có lên, bỏ đi. Những người mới đến càng chẳng thể nào biết có cái gì được giấu trong hố kín.

Thật ra thì cũng chẳng ai biết đâu. Thành phố này chứa quá nhiều hang hốc, còn con người thì như đàn chuột thay đổi cùng với mỗi mùa đốt đồng. Vùi lấp, đổi thay, xoay chuyển, quên lãng trước khi kịp nhớ. Người ta sẽ nhớ những thứ ở ngoài rìa, những thứ lớn lao. Còn hang hốc, đến bọn chuột cũng còn chẳng muốn nhớ.

Chúng ở đó, hố sâu và con quái vật. Nơi nào đó đã bị lãng quên.

Trong đêm, tôi ngẩng đầu nhìn khu nhà tồi tàn trông như cái tổ chim bằng dây sắt. Đèn trên những tòa nhà cao tầng vẫn sáng. Đám tiệc ở đâu đó vẫn được mở xuyên đêm. Có lẽ trời đã sắp sáng. Đã có vài chiếc xe đi qua, chở những bao hàng nặng cho buổi chợ sớm. Thành phố này, chẳng giống như các bài văn học sinh thường tả, người thức dậy sớm nhất trong nó chẳng phải là các cô quét rác xạc xào tiếng chổi. Nó sống xuyên ngày đêm, dưới đủ mọi thức dạng, bằng đủ mọi loại người.

Anh chờ cửa mở à? Anh lái xe chở tôi nhỏ giọng hỏi khi thấy tôi cứ đứng nhìn cánh cửa khu chung cư. Xe chúng tôi đã dừng trong bãi đậu xe đối diện khu nhà. Hút hết điếu thuốc, anh ta hỏi.

Đi thôi. Tôi quay người, mở cửa vào trong xe. Chiếc xe này có mùi dễ chịu, không giống như các loại xe chở khách thông thường. Nó cũng chẳng mang bảng taxi, chỉ là một chiếc xe biển trắng dáng vẻ thông thường. Khi tôi ra khỏi cổng bệnh viện, đang nhìn quanh, anh ta lên tiếng gọi. Vì chẳng có gì để lo sợ bị cướp bóc, cũng vội trở về lo toan công việc, tôi đã lên xe.

Nhưng rồi tôi lại không muốn trở về nhà ngay. Dù sao, mẹ tôi đã được đưa vào nhà xác, đêm hôm thế này tôi cũng chẳng gọi được xe tang. Tôi cho anh ta chạy quành ra bến sông, đi ngang qua khu lưu niệm bên cảng, rồi đến căn nhà này.

Đám rau muống quả thật đã chết. Bờ sông lát gạch, dựng rào, trồng cột đèn sáng rực. Thành phố sáng rực trong đêm giao thừa. Hội hè trong những bức tường vẫn chưa tan.

Đi đâu đây? Anh lái xe lại hỏi, vẫn chưa vội khởi động máy. Với hành trình lạ lùng của tôi, anh ta lại không có vẻ thắc mắc, cũng chẳng sốt ruột giục giã. Xe không bật nhạc, chỉ thấy ngón tay anh ta nhịp trên vô lăng.

Đi ngắm thành phố được không? Tôi cười hỏi. Ngón tay kia búng nhẹ trước khi anh ta gật đầu.

Vậy đi thôi.

Xe chạy khỏi vùng tối của bãi đậu, lọt vào giữa con đường sáng choang ánh điện. Dây đèn kết mừng năm mới giăng giăng, đủ sắc màu rực rỡ. Dù đã có vài tòa nhà tắt bớt đèn, cảnh tượng chẳng vì thế bớt chói lòa.

Trong xe, tôi nhắm mắt, thấy những bóng ảnh loang loáng lướt qua dưới hàng mi.

Người thân anh trong viện à? Người lái xe cất tiếng hỏi. Tôi ừ hử trả lời, không muốn nói thêm. Anh ta gật gật đầu ra vẻ thông cảm. Bệnh tật vào lúc này khổ nhỉ.

Xe anh chạy dịch vụ? Sao đêm nay cũng phải chạy à? Tôi cũng lên tiếng hỏi, tự dưng muốn nói chuyện để xua đi không khí vắng lặng này.

Không, chuyến vừa xong lúc chiều tối. Tôi ở ngoại thành, nhưng không muốn về vội. Ở đây ngắm pháo hoa rồi chạy vòng quanh, thấy anh nên gọi.

Thế anh ở một mình?

Không, tôi có vợ với một đứa con còn bé lắm. Giờ này chắc hai người ngủ cả rồi. Anh lái xe cười khẽ. Dường đoán được ý nghĩ của tôi, anh ta nói thêm. Bỗng dưng thấy buồn quá, không muốn trở về. Nghĩ đến hành trình dài dằng dặc về nhà một mình trong đêm, buồn quá.

Tôi cũng không phải là dân lái xe dịch vụ chuyên nghiệp. Xe này vốn là của tôi đấy chứ. Tôi mua nó lúc còn làm ăn khấm khá. Nhưng giờ thì thất bại, nhà phải chuyển đi, còn chiếc xe này lấy lái độ nhật qua ngày.

Chở khách đi rồi, trở về chỉ có một mình. Có khi buồn muốn khóc.

Nhiều khi tôi chạy vòng quanh, mong tìm được một ai đó để chở về. Họ trả tôi nửa tiền hay chỉ tiền xăng, hoặc thậm chí ai đó quá giang cũng được. Lái xe một mình, thấy con đường như dài mãi ra, heo hút rợn người. Buồn lắm.

Anh ta lại cười. Tiếng cười không buồn chẳng vui. Tôi lại hỏi về công việc của anh ta khi trước, cũng chỉ là một trường hợp thường gặp trong những ngày này. Kinh tế đi xuống, hàng loạt doanh nghiệp phá sản.

Một người bạn của tôi treo cổ chết. Anh ta vẫn chậm rãi thong thả nói, tựa như một chuyện giết thời gian. Nó không chịu đựng nổi thất bại. Nó đã từng quá giỏi, quá suôn sẻ, quá thành công. Buổi sáng hôm ấy, nó vẫn đưa vợ ra chợ, đưa con đi học. Rồi nó trở về, lấy dây treo áo mà tự tử.

Mấy đứa bạn khác của tôi, đứa thì trôi dạt đi nơi khác, đứa thì vẫn còn đang cố mà sống như tôi bây giờ. Đứa còn đang yên ổn thì quay quắt lo thân mình trước đã. Bề ngoài thì hào nhoáng vậy thôi, mỗi ngày điện thoại đòi nợ réo đến mức muốn đập đầu vào tường. Cá lớn nuốt cá bé, người này giật người kia, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia. Thậm chí, hai vợ chồng người quen của tôi còn bị giết khi đi đòi nợ. Không trả được, con nợ giết người phi tang.

Anh còn người thân nào sống gần không? Tôi lên tiếng, cắt đứt câu chuyện anh ta đang kể. Loại chuyện mà tôi nghe mỗi ngày, giữa những số liệu và kế hoạch, những bàn tính và kết nối. Những câu chuyện bay khắp thành phố này, mọi hang cùng ngõ hẻm, nơi nơi.

Không. Anh ta ngập ngừng rồi mới trả lời. Tôi biết anh ta không nói thật.

Vợ con anh vẫn ổn chứ? Rút điếu thuốc trong hộc xe, tôi châm lửa, chậm rãi nói. Tôi không muốn hỏi sâu hơn những điều người khác không muốn nói, cũng chẳng muốn an ủi anh ta.

An ủi? Tôi sẽ nói gì? Ta hãy nghĩ đến những điều tích cực hơn, như là, anh vẫn còn vợ con chờ đợi. Vì tình thương dành cho họ, anh vẫn có thể cố gắng. Vì món nợ với đấng sinh thành, anh vẫn còn phải trả. Vì đã sinh ra ở trên đời, không thể dễ dàng chết đi.

Mọi điều đều đã được nói ra. Mọi điều đều đã trở thành đương nhiên, tất nhiên, hiển nhiên. Ngay cả anh cũng biết rõ đấy thôi, đoạn đường trở về vốn dài bao nhiêu cây số. Thế thì anh còn phải đau buồn để làm gì?

Với mọi lý luận và “lẽ phải” trên đời này, chẳng phải nỗi đau buồn của chúng ta đều hoang phí quá sao? Với ngay cả sự sống, bản thân sự sống, nỗi phi lý cực cùng của nó, nỗi đau buồn của chúng ta đều hoang phí, phù phiếm, nhỏ bé đến nực cười sao? Phải, nếu chúng ta buông tay, bỏ cuộc, cũng chẳng có ai thương xót chúng ta đâu.

Có người đã nói với tôi, đó là một lằn ranh, vậy thôi. Hãy cứ đi như anh muốn, làm những gì anh muốn, miễn đừng bước qua lằn ranh. Qua khỏi đó, thế giới sẽ không còn như cũ nữa. Và nó dễ làm người ta sụp đổ. Mà thôi, chúng ta cần phải lý luận như thế để làm gì? Con người chẳng phải đều sống và chết như cỏ, như ánh đèn, như ban ngày và ban đêm đó sao?

Vợ tôi biết lo toan. Lần này lại có một khoảng lặng ngắn trước khi anh ta nói. Nhưng vẫn còn có một phần sự thật trong đó. Đã lấy nhau, có con cái, thì phải cố gắng lên thôi.

Phải. Đốm đỏ của điếu thuốc chập chờn trước mắt tôi, loang loáng trong ánh sáng đang trôi qua. Tôi lấy tấm danh thiếp trong túi, đưa cho anh ta. Nếu cần công việc thì đến tìm tôi, để tôi xem có thể giúp anh được không.

Đừng lang thang trong đêm. Nguy hiểm lắm. Hãy nhìn về phía trước, nhẩm tính từng cây số đã vượt qua. Đừng nhìn quanh, cũng đừng tìm kiếm trong bóng tối.

Con quái vật núp trong bóng tối, ngay trong những hang hốc khuất ánh đèn.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.