Năm Đinh Sửu, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy đất Phan Rang, Phan Rí đặt phủ Bình Thuận, cho trấn Thuận Thành lệ vào.
Năm Mậu Dần, tháng hai, ổn định được phương Nam, chúa sai Trấn thủ Bình Khang Nguyễn Hữu Kính làm Thống suất kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Ở mỗi dinh trấn, cho đặt chức quan coi sóc, các cơ đội thủy bộ tinh binh và thuộc binh canh giữ. Đất đai ngàn dặm, dân bốn vạn hộ, chiêu tập thêm các lưu dân khắp nơi về thêm, thiết lập thôn ấp phường xã, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định thuế má, làm sổ đinh điền. Hai nơi người Tàu ở lập thành xã Thanh Hà ở Trấn Biên, xã Minh Hương ở Phiên Trấn, đưa tất cả trở thành dân hộ.
Năm Kỷ Mão, mùa thu, vua Chân Lạp là Nặc Thu cho đắp lũy Bích Đôi, Nam Vang, Cầu Nam, tấn công vào Đông Phố. Nguyên Nặc Thu nhường ngôi cho cháu trai được một năm rồi lại phế ông vua này, trở về ngai vàng. Thấy Đông Phố bị Nam Hà chiếm giữ, chia đất lập huyện, Chân Lạp liền chờ thời cơ phản công. Không đánh được với quân giữ Đông Phố, nhà vua Chân Lạp vừa cho đắp chiến lũy, vừa tấn công dân chúng trong vùng. Trần Thượng Xuyên đem quân Long Môn đóng giữ Doanh Châu[1], báo cho Nam Hà. Nghe tin, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cho Thống suất Nguyễn Hữu Kính lãnh quân hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, thuộc binh dinh Quảng Nam và quân Long Môn đi đánh Chân Lạp.
Lúc ấy, ở Đại Thành cũng đang có loạn to. Người ở Nakhon Ratchasima nổi dậy, nối tiếp những cuộc nổi loạn đòi lật đổ triều đình Phetracha. Từ tháng hai, tin đồn về một người anh em bí ẩn của vua Narai được tung ra, mở đầu cho quân dân ở thành Khorat nổi dậy. Quân triều đình Ayutthaya phải vất vả chống đỡ, hơn một năm vẫn không dẹp được.
Những tin đồn kỳ lạ lan đi khắp nơi về người lãnh đạo bí ẩn của cuộc nổi dậy tại Khorat. Khorat, thủ phủ sống còn ở phía Đông Ayutthaya cả về kinh tế và quân sự, nơi tiếp nhận những mặt hàng quan trọng từ các nguồn vùng cao đưa đến các cảng, tập trung rất nhiều thương nhân đủ mọi quốc tịch. Thành trì này bị quân nổi dậy chiếm đóng, lại không ai biết rõ thân phận của kẻ lãnh đạo bọn họ. Thế là, những tin đồn bắt đầu loan truyền: đó là anh em của nhà vua Narai, đó là thủ lĩnh của những cuộc nổi loạn cũ trốn thoát được, và thậm chí – một cuộc xâm lược của nước ngoài. Tin đồn dậy sóng nơi nơi, gây hoảng loạn đến mức hoàng tử Sorasak phải ban lệnh tử hình lập tức bất cứ kẻ nào tung tin nhảm.
Tháng mười năm ấy, Sorasak bất ngờ cho gọi hắn đến Ayutthaya. Vẫn dùng phương cách quen thuộc, cậu ta gần như cho người lôi hắn tới. Lần này, bọn họ đi không kịp nghỉ ngơi, vẻ hối hả khẩn trương lẫn sợ hãi in hằn trên khuôn mặt mọi thuộc hạ của Sorasak lẫn chính cậu hoàng này.
“Kosa Pan bị bắt rồi.” Vừa thấy mặt hắn, thậm chí không kịp gọi thuộc hạ lui xuống, Sorasak đã nói ngay. Hắn thoáng thấy vẻ sợ hãi hiếm hoi kỳ lạ trong mắt Sorasak, ngay lập tức ngờ ngợ ra lý do cậu ta gọi hắn tới.
“Okya Sombatthiban cũng đã bị bắt giữ.” Sorasak gật đầu, xác nhận ý nghĩ của hắn. Hàm răng cậu ta nghiến chặt. “Hàng chục người khác bị lão già ấy tống giam.”
Còn ‘lão già’ nào ở nơi này có quyền lực hơn Sorasak ngoài nhà vua Phetracha? Hắn nhìn khuôn mặt méo mó vì giận dữ của Sorasak, thận trọng hỏi lại.
“Có chuyện gì?” Kosa Pan và Okya Sombatthiban, hai người giữ vị trí chủ chốt trong nền ngoại thương của Ayutthaya. Cùng với cuộc nổi dậy đang xảy ra ở Khorat, chẳng lẽ nhà vua Phetracha đã nghi ngờ bọn họ?
“Ông ta muốn bảo vệ thằng nhóc đó!” Mắt Sorasak hằn đỏ, cậu ta nói như quát. “Đám phản loạn đòi lật đổ ông ta, đưa thằng bé kia lên ngôi, ông ta đi bắt quàng kẻ khác chịu tội thay cho nó!”
Quả thật bọn họ bị bắt vì liên hệ với người nổi dậy, hắn thầm nghĩ. Phra Kwan là người thừa kế trực tiếp còn lại duy nhất của nhà vua Narai, tất nhiên phải được sự ủng hộ của người theo cựu triều. Nhưng làm như thế chẳng phải là quá không khôn ngoan? Phra Kwan cũng là con trai của vua Phetracha, được vua cha vô cùng yêu mến, cơ hội thừa kế ngai vàng không phải thấp. Nói muốn đòi ngai vàng cho Phra Kwan, không bằng nói thẳng rằng muốn lấy lại ngai vàng khỏi tay Sorasak.
Cậu Hoàng thái tử này trong những năm gần đây đã xây dựng lực lượng ngày càng mạnh mẽ. Không có được sự ủng hộ của các quan lại, dân chúng còn nhớ thương triều cũ, cậu ta quay sang những thế lực bên ngoài, những thương nhân đến từ mọi quốc gia. Kosa Pan và Okya Sombatthiban chính là hai cánh tay đắc lực của cậu ta.
Nhà vua Phetracha phản ứng với điều kiện đòi lập Phra Kwan bằng cách tiêu diệt bè phái của Sorasak?
Nhà vua này vốn đã tỏ sự yêu mến rõ rệt đối với người con trai nhỏ, và dè chừng người con lớn hung hăng tham vọng chẳng khác kẻ địch. Nhưng vụ việc lần này quá lớn, ngài ta cũng chẳng thể nhắm mắt xử bừa nếu không sợ Sorasak nổi loạn.
“Một tên Đường nhân đem thư tín của bọn nổi dậy giao nộp cho lão già.” Sorasak hậm hực nói nhanh. Tay cậu ta siết lại thành nắm đấm. Rồi cậu ta đổi giọng ngay tức thời. “Lão càng điều tra càng nổi điên, muốn một lần càn quét hết lượt. E rằng sẽ chẳng có ai thoát được đâu.”
“Ngươi đến Tha Chin, tập hợp người rời đi ngay!” Sorasak ra lệnh, không để hắn kịp hỏi lại. “Nếu các người không muốn chết thì đi ngay! Ta giữ lão già không còn được bao lâu nữa, một khi đã có đủ bằng chứng, lão sẽ giết tất cả mọi người.”
“Còn ngài thì sao?” Hắn hỏi lại khi Sorasak đã quay đầu gọi người chuẩn bị thuyền cho hắn về Vạn Tuế Sơn. Sorasak cười gằn.
“Lão không giết được ta đâu. Kosa Pan sẽ không bao giờ bán đứng ta, vả lại…” Mắt Sorasak ánh lên tia điên cuồng như dã thú. “Lão còn muốn yên ổn ngồi trên ngai chơi với thằng nhóc đó thì liệu hồn.”
Hắn im lặng một lúc, rồi thở dài.
“Chao wang na… thật sự… ông ấy cũng muốn bảo vệ ngài.” Hắn nhẹ giọng khi Sorasak lại quắc mắt. “Hai người con, ai lên ngôi rồi cũng sẽ giết nhau, ông ấy biết chọn ai? Ngài có đủ lông đủ cánh, trong khi đứa bé kia còn nhỏ, ông ấy muốn nó được sống, nhưng cũng muốn ngài được sống. Nó làm vua thì cũng không giết được ngài…”
“Giết thì chết chứ có gì mà sợ?” Sorasak quát lại không cho hắn kịp nói hết câu. “Nó là một thằng nhóc vô dụng, nhưng lại có được tất cả, công bằng ở đâu? Ta làm bao nhiêu thứ cho ông ta, ngai vàng của ông ta cũng do ta đoạt lấy, nhưng có bao giờ ông ta coi ta là con, đã bao giờ đối xử với ta như thằng nhóc đó?”
“Chao wang na… ngài đang ghen tị.” Ngập ngừng một thoáng, hắn quyết định nói thẳng. Sorasak tung ra một cú đánh móc hàm, hắn nhanh nhẹn nghiêng người tránh thoát. Chân cậu ta lại đá lên, khiến hắn phải lùi hẳn về sau.
“Cút! Đem người của ngươi cút hết đi!” Sorasak hầm hầm chỉ tay mắng. “Đi mà giữ cái mạng mình, một mạng chết, ta sẽ bắt lão già với thằng nhóc trả gấp mười!”
Không để hắn kịp phản ứng, Sorasak đã quay đi, đóng sầm cánh cửa sau lưng. Người của cậu ta đưa hắn ra cổng. Hắn chợt quay sang hỏi anh ta.
“Người giao nộp thư cho nhà vua là ai vậy?” Những lần qua lại nơi này, hắn cũng đã biết sơ người bên cạnh Sorasak. Nhận được thư mật can hệ tới Kosa Pan, hẳn cũng không phải kẻ tầm thường.
“Anh em họ xa của mẹ chao wang na.” Người nọ thận trọng trả lời. Hắn cau mày, rồi gật đầu.
Đi ra cửa, họ chợt bắt gặp một bóng áo đen. Người phụ nữ lai Tây dương thấy bọn họ liền quỳ sụp trên đất chào theo lối của hạ nhân. Thấy cô, người cạnh hắn tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Cô lại đưa đồ ăn tới?” Maria làm việc trong bếp cung đình, đến lúc này cô đem thức ăn tới, Sorasak chưa chắc đã nhận.
“Chao wang na cho gọi.” Vẫn cúi đầu sát đất, thiếu phụ trả lời. Hắn quỳ xuống cạnh cô, mở lồng đậy giỏ thức ăn, nhìn món điểm tâm là lạ ở trong.
“Đây là món gì?” Hắn cười hỏi. Thiếu phụ trả lời mà không nhìn hắn.
“Món ăn của Phú Lang Sa.” Cô nói, hắn gật đầu, đậy lồng lại.
“Chao wang na cũng biết tiếng Phú Lang Sa. Nghe nói trước đây vua Narai cho mở lớp dạy tiếng Tây dương, phải không?” Hắn nói, thiếu phụ hơi ngẩng đầu, liếc mắt qua hắn. Hắn hạ giọng nói nhỏ. “Ngài ấy thường xúc động vô cớ, nhưng cũng chẳng phải nghĩ thế thật đâu.”
“Lúc này chao wang na chắc đang buồn lắm.” Mỉm cười với thiếu phụ, hắn đứng lên, cùng đoàn người của Sorasak đi khỏi.
Ngay lúc ấy, hắn biết rằng mình sẽ không thể gặp lại Sorasak.
Kosa Pan can hệ tới cuộc nổi loạn ở Khorat có lẽ là thật, nhà vua Phetracha không thể xét xử một đại thần vô cớ. Nhưng thư do một thân thuộc bên cạnh Sorasak đưa tới, và có lẽ, ngay cả Kosa Pan cũng chỉ là thế thân cho một người khác.
Nhóm nổi loạn ở Khorat khó có thể thắng được triều đình Ayutthaya, có cố gắng cũng chỉ giữ được thành cố thủ. Loan truyền tin tức về ngai vàng cho Phra Kwan, rốt cuộc có lợi cho ai?
Những năm này, sự ưu ái của nhà vua Phetracha dành cho Phra Kwan lộ rõ, một lễ sinh nhật của cậu bé này trở thành đại hội toàn quốc kéo dài đến chín ngày. Và có lẽ, Sorasak đã không thể chịu đựng được.
Nhà vua Phetracha đã phản công. Sorasak lần này bị đòn đánh của mình dội ngược về, phải đem tất cả sinh lực ra chống đỡ nhằm giữ lấy mạng sống. Nên lần này, cậu ta cần hắn.
Hắn không tin anh trai mình có can hệ tới cuộc nổi dậy ở Khorat – nhưng dù sao, Sorasak vẫn có thể khiến mọi sự liên quan vào. Mục đích của cậu ta ngoài đánh lạc hướng mục tiêu của vua Phetracha, còn có cả phô trương thanh thế.
Hắn đem tất cả người ở Vạn Tuế Sơn và Tha Chin đi, sẽ chẳng còn nơi nào khác để đến ngoài Sài Mạt. Một khi trốn thoát, họ trở thành ‘tay chân’ của Sorasak ở ngoài biên giới Ayutthaya, đe dọa triều đình Phetracha. Ngoài lực lượng đã có, Sorasak đang ra sức giơ nanh múa vuốt, khiến nhà vua Phetracha không thể vuốt râu hùm mà đụng chạm tới cậu ta.
Đồng thời, cậu ta vẫn muốn giữ thanh thế cùng liên hệ của mình với nhóm thương nhân ngoại quốc. Sau vụ việc lần này, sự kiểm soát với cậu ta sẽ bị siết chặt. Nhưng Sorasak không phải là người chịu chấp nhận sự an bài của kẻ khác và đi đường chính đạo bao giờ.
Rời khỏi Ayutthaya, hắn và nhóm người của anh trai sẽ không bao giờ có thể trở lại. Nhưng đồng thời, cũng được bảo đảm an toàn cùng với sự tồn tại của Sorasak trong triều đình Ayutthaya.
Hắn chẳng thể làm điều gì khác cho Sorasak. Lần này, oán hận của cậu ta đã không còn có thể giải trừ.
Cuối năm 1699 theo lịch Tây dương, triều đình Ayutthaya chấn động khi nhà vua Phetracha cho bắt giữ các quan đại thần liên can đến vụ nổi loạn tại Khorat, xử tử hàng trăm người. Kosa Pan bị cắt mũi, qua đời vì trọng thương. Một cuộc thanh trừng lớn diễn ra trong toàn cõi Ayutthaya, các quan trông coi nền ngoại thương của vương quốc này bị thay thế toàn bộ. Đến đầu năm sau, quân triều đình chiếm lại Khorat, bắt đầu lại cuộc tàn sát kẻ phản loạn khắp vương quốc.
Cuối năm ấy, đoàn người từ Vạn Tuế Sơn vượt biển về Sài Mạt.
Nhà vua Nặc Thu đã cho đắp lũy nghênh chiến với Nam Hà, không còn chú tâm tới phương Nam. Nhóm người vừa tới xây nhà dựng phố ở Lũng Kỳ, nhân biến động ở Đại Thành và Chân Lạp mà tạo thành một phố cảng tạm thời, thu hút thương buôn vốn đã có quan hệ từ trước đến. Nhóm người này vốn đã đông đúc, lại thạo việc, chỉ qua vài tháng đã xây thành một khu phố sầm uất chẳng kém nơi nào.
Tháng ba năm Canh Thìn, Trần Thượng Xuyên và quân Long Môn làm tiên phong đánh vào Chân Lạp. Nguyễn Hữu Kính chỉ huy quân Nam Hà đánh Nam Vang. Đại vương Nặc Thu thân chinh đón đánh. Qua một trận ác chiến, quân Nam Hà đánh bại Chân Lạp, nhà vua Nặc Thu phải bỏ chạy. Nguyễn Hữu Kính vào thành Vũng Long, giữ nguyên quân tình, thu nhận hàng binh, kêu gọi vua Nặc Thu trở về. Nhà vua Nặc Thu đến xin hàng, Nguyễn Hữu Kính thuận cho về thành La Bích chiêu tập dân chúng chạy loạn quay lại sinh sống, không bắt tội thêm. Quân Nam Hà lui về Lao Đôi, định lại phân chia biên thùy.
Tháng năm, Chưởng cơ Trấn thủ Bình Khang Nguyễn Hữu Kính qua đời tại Rạch Gầm.
Vua Nặc Thu một lần nữa buộc phải thoái vị, nhường ngôi cho Nặc Yêm. Nhà vua mới thân Nam Hà cho định lại việc cống nộp, cam kết giữ yên biên giới.
Năm Tân Tị, lễ khánh hạ ngày mùng một tháng giêng, khúc Thái bình rộn rã vang trên phủ chúa Phú Xuân.
Tiếng súng đã lặng, ở vùng đất cực Nam, một vùng đất mới hình thành.
Đất Mang Khảm nằm cạnh Đại Thành, phía Nam Chân Lạp, phía Bắc là núi, nhìn ra vịnh Xiêm La. Khi triều đình Đại Thành không ngừng biến động, nơi này trở thành một phố cảng mới thu hút thương thuyền bốn phương tụ về. Lãnh đạo là Mạc Cửu lại mộ thêm người khai khẩn đất đai, khiến cho dân cư càng thêm đông đúc. Vùng đất ngày càng rộng, Mạc Cửu cho lập thành bảy xã thôn tự mình quản hạt.
Mùa thu, gió nồm thổi vi vút sau mưa. Lễ Trung nguyên, nhà nhà thả đèn trời ước nguyện. Những bóng lửa đèn chập chờn chớp tắt trên trời cao. Hương nhang trầm thoang thoảng ngõ phố hẹp. Tre trúc rì rào bốn phương, nghe như một bài ca bất tận.
“Trúc này thiếu gia trồng?” Ngoảnh đầu nhìn quanh, Trương Cầu, thuộc hạ của lão Cửu hỏi. Bọn họ đang ngồi trên núi thấp trông ra biển, có thể nhìn rõ quang cảnh bốn phía. Hắn gật đầu.
“Lão gia đóng ở Lũng Kỳ thì giao lưu thuận tiện, nhưng bốn mặt đều trống, lại quá gần Đại Thành, tôi nghĩ ta nên có thành lũy phụ thì tốt hơn.” Hắn vẫn thích ở vùng đất Prek Ten này hơn. Núi cong cong bao bọc một mặt hồ yên tĩnh, có đảo có biển. Đây lại là nơi đầu tiên hắn đặt chân đến, đem người về đất phương Nam này, vốn có ý nghĩa quan trọng. Nghĩ một lúc, hắn nói thêm. “Nặc Thu lại phế Nặc Yêm, tự mình lên ngôi, rồi lại nhường ngôi cho con là Nặc Thâm, chẳng có lúc nào yên, không rõ đang muốn gì? Người sợ tiếng, lợn sợ béo, ta cứ bình lặng sống không sao, nhưng một khi đã lớn mạnh thì thể nào cũng có chuyện.”
“Sorasak đã thành vua của Đại Thành, ít nhất ta không phải lo[2].” Trương Cầu cười. Hắn xoay chén rượu trong tay, không đáp.
Hắn vẫn muốn được gặp lại cậu ta, vẫn muốn ngăn cậu ta lại. Đúng như hắn nghĩ, hận thù đã nuốt chửng Sorasak. Những án tử hình khủng khiếp đã nối tiếp cuộc nổi dậy, hàng loạt quan lại bị giết cả nhà, kể cả các thương nhân người Mã Lai, Nhật Bản. Chỉ chờ vua Phetracha chết đi, Sorasak liền đoạt lấy ngai vàng. Yothathep đã không ngồi yên, tự lập cho mình một bè phái đại thần mạnh mẽ để phù trợ cho con trai. Nhưng Sorasak đánh hơi được sự bất thường khi vua Phetracha ngã bệnh, đã cho quân bao vây cung điện, bắt giữ các quan, lên ngôi ngay khi vua cha vừa qua đời.
Rồi sau đó, Phra Kwan bị đánh đến chết, ngay bên mộ Phetracha. Rồi sau đó, chỉ còn lại một vua Hổ hung ác tàn nhẫn, ác mộng của toàn dân chúng Đại Thành.
“Đừng chọc con hổ ấy nổi điên thì tốt hơn.” Dường đoán được ý nghĩ của hắn, Trương Cầu nói. Hắn chỉ cười.
Họ im lặng nghe tiếng gió. Có tiếng trẻ con đâu đó vọng tới. Bọn trẻ đem đèn tới chơi ở bãi biển, hát vang vang.
“Lão gia vừa cho người về Quảng Đông xem tình hình lão thái gia. Bà cũng rất nhớ hai người, lão gia bảo có điều kiện thì đón bà đến đây ngay.” Trương Cầu như chợt nhớ ra, nói. Hắn gật đầu.
“Cứ đón về đây, mẹ con còn được ở bên nhau mấy ngày, đời người có bao nhiêu đâu mà sợ đông sợ tây.” Hắn nói rất bình thường, nhưng đổi lại là ánh mắt ái ngại của Trương Cầu. Ông nhìn qua hắn, rồi lại quay sang bóng trúc xanh.
“Giống như một cái thành, thành bằng trúc.” Trương Cầu cười, nói lảng. “Thiếu gia định đặt tên là gì?”
“Phương thành[3].” Hắn trả lời, như thể lơ đãng. Trương Cầu không hỏi thêm, uống cạn chén rượu, ông chợt nói.
“Thiếu gia có nghe tin gì về Nam Chưởng?” Ông nghiêng người về phía hắn, gật đầu. “Quân ba nước Đại Thành, Chân Lạp, Bắc Hà can thiệp vào, Nam Chưởng bị chia làm ba. Đại Thành chiếm được mảng to lớn nhất. Nghe nói quân đội Đại Thành ở Nam Chưởng có một người… Nhờ thành công ở Nam Chưởng, Sorasak giữ được vị thế trong triều, lật đổ được Yothathep.
“Sorasak làm việc phần nhiều mờ ám, năm nào đó cũng chẳng biết ‘thủ lĩnh nổi loạn’ ở Khorat là ai, quân triều xông vào thì đã chạy mất rồi.” Trương Cầu cân nhắc nói. “Có khi Sorasak lại chiêu mộ được người làm việc bí mật cho mình…”
“Không cần tìm nữa. Nếu muốn về thì sẽ về, chừng nào cảm thấy ở được thì ở.” Hắn lắc đầu, chợt mỉm cười. “Ta ở đây có nhà có người, chính là để đón người.”
Một nơi như thế này, có hồ có trúc, có núi có biển, là những gì bọn hắn đã mơ ước, vẫn mơ ước.
Phương thành của hắn đã được xây nên, dù giấc mơ của hắn không thành, vẫn là nơi để trở về.
Tiễn Trương Cầu về phòng, hắn đi một vòng canh tuần khu thành vắng. Đất này còn chưa đông người, trong đêm chỉ nghe tiếng trúc rì rào, lan xa trùng điệp. Trăng vằng vặc trên cao, soi bóng trúc rơi trên nền đất, lập lòe qua những kẽ lá lay động tựa ngàn sao. Xa xa, mặt hồ trải rộng soi trăng bạc. Trăng ngàn gió bãi đến lúc tụ về đọng bên đá trầm mặc tháng năm. Chim hồng mây xám âm vang đồng vọng khúc thương ngàn. Ngư long tỉnh mộng sóng đào, sông in bóng nguyệt trôi dằng dặc.
Bóng lá in trăng tản mát tựa rơi trước mắt, giơ tay ra lại chỉ nắm được ánh trăng.
Trăng soi sợi tóc bay qua mắt óng ánh như bạc. Mười năm đã qua, nhanh như chớp mắt. Chẳng kịp nhớ, cũng chẳng kịp quên. Tương phùng ngắn ngủi, mộng lại quá dài.
Hắn không còn lo lắng cho Ngô Lãng, vì đã từng bắt gặp Tư Tư đến nơi này một lần. Nàng ta đi thăm dò, hỏi han về hắn, dáng vẻ rất bình thản. Tư Tư vốn theo sát Ngô Lãng như hình với bóng, thấy nàng ta, hắn đã tin rằng y vẫn bình an.
Hắn cũng đã từng gặp Diêu ghé qua Lũng Kỳ. Không hiểu tại sao, hắn nhận ra y sau khuôn mặt đầy những vết cào rạch sống động lạ thường. Cũng có thể, vì y mặc cái áo đỏ rực cũng kỳ dị không kém, khiến ai cũng phải chú ý đến. Dè chừng Diêu đến thăm dò với ý đồ nào đó, hắn cho người theo dõi, lại chẳng thấy y có hành động gì. Diêu chỉ đến dạo quanh phố xá, chẳng nói chuyện với ai, rồi y bỏ đi, lang thang qua vài nơi trên vùng đất này. Y biến mất cũng bất ngờ như khi đến.
Thỉnh thoảng, theo những chuyến tàu hàng, tin tức từ Hội An chuyển đến. Vị chúa Nam Hà đã cho cải tổ lại phố thị này, và sau chuyến ghé thăm của thiền sư Thạch Liêm, đàn chay lớn chưa từng có tại chùa Thiên Mụ với hàng trăm nhà sư được mời tới, đưa tất cả người Đường ở Đông Phố thành dân hộ, ngài ta đã cho thấy ý muốn khống chế, thu tóm lẫn kêu gọi tất cả mọi người đến với mình. Bằng quyền lực của mình, ngài ta sẽ che chở họ, mọi người mọi kẻ nói. Ngay cả cuộc tấn công vào Côn Lôn của Anh Cát Lợi cũng đã bị đánh bại[4], quyền lực và sức mạnh của Nam Hà đang được xác lập.
Xuân Tử thi thoảng vẫn gửi vài món quà tới cho hắn. Đã nhiều năm rồi, cô không còn nôn nóng thúc giục hắn, cũng dường như đã hiểu ra.
Trúc nơi ấy hẳn vẫn xanh. Giữa những lối trúc, người đến người đi không ngớt.
Người trên núi thi thoảng lại có vài câu chuyện lạ. Như hình ảnh cô gái áo trắng mà nhiều người từng bắt gặp giữa rừng. Đó là một vị thần, họ nói, nàng ta chỉ họ đến với hắn. Và rồi, hắn dần dà tin lời Như Yên cũng có một phần sự thật.
Hắn vẫn tin nàng, sau chừng ấy thời gian.
Nghe tiếng loạt soạt trên ngọn trúc, một cái đèn trời tắt lửa rơi xuống gần ngay tầm tay hắn. Tò mò, hắn với tay lấy cái đèn, toan nhìn xem người thả có để lại dấu vết nào trên nó.
Bụi trúc vừa rẽ ra một quãng nhỏ, hắn đã chợt thấy người đứng bên kia tường trúc. Ánh trăng sáng rực soi tỏ mái tóc mai đã điểm sương, đôi mắt như nước sâu, khuôn mặt đã in dấu phong trần, vết tang thương của thời gian dằng dặc.
Nhìn thấy hắn, ngẩn người một lúc, y bước lại gần. Vẫn cách một bức tường trúc, y chỉ có thể thấy nụ cười ẩn hiện sau lá trúc.
-
“Đã về rồi.”
Chú thích:
-
[1] Doanh Châu nay thuộc Vĩnh Long.
[2] Trong suốt thời kỳ trị vì của Sorasak, Hà Tiên được yên ổn. Khi Sorasak bệnh nặng rồi qua đời, Mạc Cửu mới lo sợ bị Xiêm La tấn công nên về với chúa Nguyễn.
[3] Chữ Phương này tiếng Hán nghĩa là hương thơm, không phải hình vuông. Vì thành này trồng tre trúc bao quanh nên Hà Tiên còn được gọi là Trúc Phiên thành.
[4] Sự việc này xảy ra năm 1702 - 1703, 8 chiếc thuyền với hơn 200 quân của Anh đến chiếm đóng Côn Đảo, Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan dùng kế gián điệp phá được.