Tháng chín năm Ất Hợi, bọn tù binh Quảng Phú bị giải về từ Phú Yên.
Vốn nhóm phiến loạn đóng tại Quảng Ngãi phát triển mạnh, Linh lão tự xưng là Linh vương, xây dựng quân đội, đúc súng đóng thuyền mà từ trong vùng núi đánh lấn ra biển. Quan quân Quảng Ngãi không dẹp được, báo lên cho triều đình. Chúa sai dinh Quảng Nam hợp cùng hai phủ Quảng Ngãi, Phú Yên cùng giáp công. Khi các đạo quân xông tới sơn trại, Linh vương đã bị giết chết. Quảng Phú đem toán người thân tín trốn qua đường Thượng đạo về Phú Yên. Tại đây, gã bị người Thượng bắt giữ, giao lại cho quân Nam Hà.
Do có bão trên biển, đoàn giải tù dừng lại ở Quảng Ngãi trú tạm. Eo biển Vũng Tàu[1] tại Châu Sa đông chật tàu thuyền tránh bão. Người vào bờ dựng lán hoặc vào làng chài gần đó trú tạm. Đưa tù nhân vào dinh phủ ở Châu Sa, toán lính giải tù tranh thủ lúc đông đúc mà chạy ra ngoài nhập hội. Bão ào đến chỉ một ngày rồi tạnh, nhóm người này vẫn chưa vội rời đi, viện cớ bến đậu chật chội, thuyền chưa thể ra được.
Người đã vãn đi một ít, hắn mới nhận thấy người phụ nữ có dáng vẻ lạ lùng nọ. Ngồi trong một góc quán, trước mặt chỉ có một đĩa cơm nhỏ, cô ta ngẩn ngơ gõ đũa xuống bàn, ánh mắt thỉnh thoảng liếc về phía dinh quan Quảng Ngãi. Khuôn mặt cô ta sạm nắng, khắc khổ khiến khó đoán được tuổi tác. Bộ quần áo trên người dơ bẩn, đã rách nhiều, lớp này chồng lên lớp khác. Cô ta ngồi một lúc, chẳng hiểu sao lại chảy nước mắt. Không buồn lau đi, cô ta nhìn trân trân về phía cánh cửa đóng kín của thành lũy nhỏ. Người bán trong quán thỉnh thoảng liếc qua cô, vẻ khó chịu ra mặt, hẳn cô đã ngồi đây quá lâu.
Nhìn bóng nắng, hắn đứng lên, trả tiền cho chủ quán. Đi qua cô gái, hắn đặt một túi tiền xuống trước mặt cô.
“Hôm nay tôi vui, để tôi trả tiền.” Hắn cười nói với cô gái. Bộ dạng này giống hệt người đang gặp rắc rối nơi phủ quan, có ít tiền vẫn tốt hơn. Cô gái nhìn lên hắn, mắt chợt mở to, giật mình rõ rệt.
Nhưng cô ta trấn tĩnh rất nhanh. Môi mím lại thành một đường mảnh, cô chỉ đăm đăm nhìn hắn.
“Cô có việc ở phủ quan à?” Nghĩ cũng nên hỏi vài câu cho phải phép, hắn nói. Cô gái lắc đầu, rồi lại gật đầu.
“Chồng tôi bị giam ở đó.” Giọng nói của cô là lạ, cứng ngắc và miễn cưỡng. Cô lắc đầu trước ánh mắt hắn. “Không cần phải lo đâu.”
“Tôi tố cáo để họ bắt anh ta.” Vẫn với giọng thản nhiên khô khốc ấy, cô gái nói, vẫn nhìn hắn không chớp mắt. “Tôi đang chờ nhặt xác anh ta về.”
Không biết phải nói gì, hắn im lặng.
“Rồi sau này cô sống thế nào?” Dù sao, việc của bọn họ cũng chẳng liên quan đến hắn, hỏi nhiều không tiện. Nhìn dáng vẻ cô gái này như thể đã nhiều ngày không được nghỉ ngơi. Một người đàn bà không có chồng đã khó sống, hoàn cảnh này thì cô biết nương tựa vào ai?
Cô gái chớp mắt, chợt mỉm cười.
“Tôi có tiền, tiền cha tôi để lại, tiền họ thưởng cho khi cáo giác tội phạm.” Càng nói, giọng cô càng cao lên bất thường. “Chỉ cần nhặt xác anh ta về chôn cất là tôi đã hoàn thành nghĩa vụ, không cần phải để tâm đến họ nữa.”
Một lần nữa, hắn im lặng. Từ trong phủ, một người lính đi ra, vẫy tay gọi “Cô Hồng!”. Cô gái chậm chạp đứng lên, vẫn bằng dáng điệu cứng nhắc như khúc gỗ, cô ta cầm lấy túi tiền của hắn, quay lưng đi về phía phủ.
Càng đi, bước chân cô ta càng nhanh. Đầu ngẩng cao, vai cứng đơ, tay nắm chặt bên hông, cô ta bước đi như thể đã quyết tâm hướng về phía trước. Cũng có thể, như một người chẳng còn gì để sợ.
Ngập ngừng một thoáng, hắn quyết định không đi theo cô ta. Ở nơi này, hắn không thể hành động hàm hồ.
Đã đến giờ hẹn, hắn rời khỏi khu bến thuyền, đi về trong núi. Thành lũy cổ của người Chiêm Thành chắn vòng qua vùng đất, màu gạch đỏ đã lún dưới cỏ xanh. Dưới chân núi có một thôn xóm nhỏ in bóng vào nước sông xanh. Hắn đi ra sau thôn, trèo qua lũy mà lên núi. Vẫn còn vài tòa nhà và tháp nhỏ trong khu vực lũy cũ. Tìm kiếm một lúc, hắn phát hiện ra kẻ ấy ngồi thu lu trong một cái tháp thấp, cỏ mọc cao quá cửa tháp. Như thể gã cũng sợ bị hắn phát hiện ra.
“Tước.” Thở dài, hắn gọi. Đám cỏ lạo xạo như giật mình. Một lúc sau, gã đàn ông nhỏ choắt cũng chịu vạch cỏ đi ra, ánh mắt lấm lét lại chẳng nhìn thẳng vào hắn.
“Tước, tôi đây.” Hắn hạ cái mũ xuống, nhưng tin rằng gã đã nhận ra giọng mình. Người của hắn khi tìm được Tước hẳn cũng đã báo ai hẹn gặp gã hôm nay.
Ánh mắt Tước đảo rất nhanh về phía sau hắn. Mím môi mấy lần, gã mới thận trọng mở miệng.
“Không có ai theo anh chứ? Cha nuôi tôi…”
“Vẫn không biết anh ở đây.” Hắn nhanh chóng hiểu ra nỗi lo sợ của Tước. Sau việc ở Thượng Dã, gã cũng trốn đi mất tích, hẳn vì sợ Po Chongchan trừng phạt sau thất bại.
Và có thể, vì còn quá nhiều điều phải trốn tránh.
“Hai người kia ở đâu?” Cũng chẳng có lòng dạ để phân vân ướm thử, hắn hỏi thẳng. Tước mở miệng, vừa chạm phải ánh mắt hắn đã mím môi, tránh mắt đi nơi khác.
Hắn nhìn gã như thể chỉ cần thêm một câu lòng vòng trốn tránh, hắn sẽ chôn gã xuống đây, ngay lập tức.
Hơn một năm qua, hắn đã tìm đủ mọi cách lùng sục Ngô Lãng và Như Yên nhưng vô hiệu, ngay cả khi hắn về Sài Mạt, nhờ mạng lưới người của Lý lão, Mộc Long lẫn anh trai hắn dò tìm cả ở Đại Thành, Nam Chưởng, Bắc Hà, thậm chí tận Hoa Nam. Gần đây, trong một lần tình cờ gặp Po Chongchan ở Đại Thành, hắn mới tình cờ biết được kế hoạch ngày ấy của Ngô Lãng, y để Tước ở giữa Dã Dương và Phan Rang nhằm có người tiếp tế khi nguy cấp. Vì Tước chẳng có liên hệ với ai, việc này chỉ có y, gã và Po Chongchan ngoài cuộc biết qua một lần Tước báo về.
Không còn manh mối nào khác hơn, hắn chuyển hướng, cho người lùng tìm Tước, cuối cùng có kẻ thấy gã ở Quảng Ngãi này. Người bạn làm ăn này khôn khéo cho thuộc hạ vây gã lại không cho trốn thoát rồi mới về Sài Mạt báo với hắn.
Vẻ mặt Tước biến hóa thành chừng chục biểu hiện khác nhau trước khi gã thở ra một cái dài sườn sượt.
“Tôi cũng không muốn, là do tiểu thư bảo…” Gã áy náy nói, khuôn mặt trẻ con lại mếu máo như chực khóc. “Tiểu thư bảo tôi có bán xới ra khỏi đất này hay tự đào hố mà chui xuống cũng không được báo với anh…”
“Tiểu thư… Khi kẻ kia đưa cô ấy về chỗ tôi, tình trạng cô ấy đã tệ lắm.” Một lúc lâu không thấy hắn lên tiếng, Tước nói tiếp, ngập ngừng lúng túng. “Tình trạng cả hai đều tệ, kẻ kia thì thương tích khắp người, sức cùng lực kiệt, tiểu thư thì…”
Hắn vẫn đứng yên. Hơn một năm qua, hắn đã đủ cả kiên nhẫn lẫn bình tĩnh để chờ đợi.
“Tiểu thư vốn đã trúng độc từ lâu. Chất độc họ dùng để xử quyết cô ấy vẫn chưa được giải hẳn, cô ấy lại vất vả nhiều ngày, nhiễm lạnh, sầu lo nhiều, chất độc ăn vào căn cốt. Rồi không hiểu sao cô ấy tiếp tục trúng độc. Khi đến chỗ tôi, tiểu thư chỉ còn thoi thóp mà thôi.” Phát ra một tiếng khàn khàn trong cổ, Tước lắc đầu. “Tôi đã làm hết cách, nhưng…
“Tiểu thư tỉnh táo được một lúc, bảo tôi phải thề là biến mất sao cho anh không tìm được. Kẻ kia thì lại phát khùng, bảo tôi có muốn chết thì để cô ấy chết. Nhưng tôi đâu phải là thần thánh? Tôi bảo, chẳng còn cách nào nữa. Y im lặng một lúc, rồi bảo tôi lấy ngựa để y đem tiểu thư đi. Y bảo, đi về phương Nam.
“Lúc ấy tiểu thư đã lại hôn mê rồi, nhưng y nhất quyết phải đưa tiểu thư về phương Nam. Y cứ thế đưa cô ấy lên ngựa, rồi cả hai lại chạy đi mất.”
“Sau đó, tôi trốn đi…” Càng nói, Tước càng lí nhí, câu cuối nhỏ như tiếng thì thào.
Hắn chỉ nhìn gã, chờ đợi. Nhưng Tước mím môi, mở miệng mấy lần cũng không thành tiếng, như thể gã cũng không biết phải nói gì.
“Cám ơn.” Cuối cùng, hắn gật đầu. Không nhìn lại Tước, hắn đã quay lưng rời khỏi. Nghe như Tước gọi với theo hắn, nhưng vì giọng gã rất nhỏ, hắn không để tâm đến.
Triền núi trải dài đến bờ sông bát ngát xanh. Bóng nước in trời xam xám trong dư tàn của cơn bão vừa tạnh. Gió thổi cỏ như sóng. Hắn vấp chân vào một bờ lũy đổ, cơn đau nhói trên chân đánh thức lại chút tỉnh táo.
Hơn một năm qua, đây là điều hắn đã từng nghĩ đến, chẳng phải là như thế? Với tâm tính Ngô Lãng và Như Yên, còn lý do gì khác để cả hai cùng biến mất?
Nhưng hắn đã nghĩ đến những lý do còn hoang đường hơn thế, kể cả việc bọn họ bỏ đi cùng nhau, đi cùng nhau và bỏ hắn lại – cũng vẫn còn tốt hơn.
Nên khi nghe Tước nói, hắn không còn kinh ngạc hay thậm chí đau buồn. Chỉ có một sự trống rỗng dường choáng váng đổ ập xuống, lạnh buốt cả trái tim lẫn tâm trí. Cái lạnh âm ỉ trong từng mạch máu, như gặm nhấm, như sôi sục, lại như chết lặng, khiến hắn không còn có thể nghĩ được gì.
Theo triền gió nổi, hắn lang thang đi dọc theo bờ sông. Hết thôn làng rồi đến đồng ruộng, rừng cây, sông vắng. Đến chiều hôm ấy, hắn đi tới một quả núi bên bờ sông. Núi cao khoảng trăm trượng, đỉnh phẳng và bốn mặt vuông bằng trông như cái ấn.
Núi Thiên Ấn? Nhìn hình dạng ngọn núi, hắn chợt nghĩ. Hôm trước, người của hắn cũng đã bắt gặp Lê Diệt nơi đây. Cậu ta lập một thảo am trên núi để tu hành, dứt bỏ hết mọi việc thế tục. Sau khi Xapatan qua đời, hắn không còn gặp Lê Diệt, khi nghe tin cũng phải lấy làm ngạc nhiên.
Dù không rõ có thật ngọn núi này là Thiên Ấn hay chăng, hắn vẫn cứ leo lên.
Hắn lên đến đỉnh núi thì trời đã tối. Ánh lửa trong thảo am soi sáng cho hắn bước tới. Không thắp đèn, sư thầy trẻ mặc áo nâu sồng ngồi cạnh đám lửa nhóm để nấu cơm, lật giở một cuốn sách mỏng. Nghe tiếng chân người, cậu ta giật mình quay lại, ngạc nhiên nhận ra hắn.
“Thiếu gia…” Lê Diệt bật thốt. Chẳng rõ dáng vẻ lẫn khuôn mặt hắn đang biểu lộ điều gì, sự kinh ngạc của Lê Diệt biến thành lo lắng. Cậu ta vội đóng sách đứng dậy. “Thiếu gia… có việc gì?...”
“Đã đi tu thì nên gọi ta là Mạc thí chủ.” Hắn nở nụ cười nhạt thếch, đến ngồi bên đống lửa, nhìn vào trong nhà. “Bây giờ pháp danh của thầy là gì để ta còn gọi?”
“Pháp Hóa, hiệu Minh Hải Phật Bảo.” Im lặng một thoáng, Lê Diệt trả lời. Cậu ta vào nhà lấy ấm nước rót cho hắn một chén, đặt xuống trước mặt hắn. Cả hai ngồi trên đất, nhìn nhau qua đống lửa. Nghe cái tên, hắn cau mày rồi lại cười.
“Nghĩa là biển trí tuệ sáng rực hay biển vô minh vô biên? Cuối cùng đệ vẫn cứ sợ biển.”
“Phải, rất sợ.” Lê Diệt bình thản gật đầu. Ánh mắt cậu ta vẫn không bớt lo lắng. “Có việc gì…?”
“Có thể đi tu như thế này cũng tốt nhỉ?” Hắn đã quay đầu nhìn quanh. Khu đất được vạt một khoảng trống rào lại làm thảo am. Giậu mồng tơi đã leo xanh giàn. Bốn phía rừng thâm u đen đặc, vang vọng tiếng dế kêu. Xung quanh, gió núi vấn vít vần vũ. Cảm giác như thể một mình ở giữa thinh không. “Ở nơi này, rồi chẳng còn cần nhớ điều gì.”
“Thiếu…” Lê Diệt vừa nói, hắn đã ngắt lời cậu ta.
“Cái gì gọi là Không, Pháp Hóa đại sư?” Hắn lướt mắt qua đám lửa rồi đến bầu trời phía trên cánh rừng. Đêm cuối tháng không trăng, bầu trời cao vời vợi, hun hút trên khoảng trống. “Sinh lão bệnh tử, Ái biệt ly, Oán tằng hội, Cầu bất đắc, vì có nên mới phải khổ sao? Vì có nên mới nhớ, mới đau buồn sao? Người ta đau buồn vì đủ mọi lý do, kẻ lại có đủ mọi lý do để đau buồn. Cửa nát nhà tan, vong quốc, trách nhiệm, oán hận, thương tâm… đủ mọi lý do sống động, thực tế làm tan nát tim gan.
“Nhưng nếu ‘không có’ thì sao? Mọi thứ cứ mất đi, cứ hiện ra rồi biến mất mà thậm chí còn chẳng kịp đau buồn, chẳng biết phải nghĩ thế nào, thì sao? Có biết được ôm xác thân nhân trong tay cũng là một loại hạnh phúc không? Có biết rằng cảm thấy được phẫn hận đau buồn cũng đã là may mắn không? Có biết có một mục tiêu để theo đuổi cũng là thanh thản không? Có biết rằng ngay cả thất bại cũng có ý nghĩa không?
“Mọi thứ cứ việc biến mất, chỉ vậy thôi, biến mất, không có, không còn nữa. Cố gắng bao nhiêu, quyết tâm làm cái gì, cuối cùng cũng chỉ là Không. Chẳng để làm gì hết, như rơi tòm vào biển. Mà rơi vào biển thì còn có hình tích, ở đây chỉ là biến mất, như đưa tay ra chạm tới không khí vậy.
“Đạo giáo bảo phải nhận thức cái Không? Rồi sẽ thông minh, thanh thản, hạnh phúc hơn sao? Rồi sẽ học biết cách sống cách chết như cành cây ngọn cỏ sao? Tại sao một cuộc đời như thế lại nặng nề như vậy?”
Hắn nói một thôi dài, rồi bất chợt ngừng. Lê Diệt cũng không gặng hỏi, chỉ nâng chén nước đưa cho hắn.
“Uống đi rồi nghỉ ngơi.” Cậu ta mỉm cười. Trong ánh lửa, nụ cười của cậu ta đã phảng phất mang mấy phần của tượng trong Phật điện.
Uống hết chén nước, hắn dựa lưng vào thân cây gần đó, nhắm mắt. Cơn buồn ngủ không tới, chỉ có cảm giác ngầy ngật chông chênh như chìm giữa đại dương bóng tối sóng sánh. Đại dương tràn tiếng sóng.
Những đêm dằng dặc nghe tiếng biển vỗ bờ, nghe tiếng nước trôi giữa hai bờ sông lạnh. Những giấc mơ trống rỗng đáng sợ hơn mọi ác mộng đau buồn. Những vô vọng dài hơn mọi đợi chờ, tang thương hơn cả nỗi niềm tuyệt vọng.
Mất đi, chỉ đơn giản là mất đi. Không còn hình tích, dấu vết nào lưu lại, không còn cả ký ức, không cả đau khổ hay buồn thương. Bóng hoa rực rỡ của ngày hôm ấy, tựa bóng nắng trên thềm, vệt mờ bên đường, lướt qua và tan biến. Mọi thứ trong cuộc đời hắn, như định mệnh, như lời nguyền, tan biến – hoặc chưa bao giờ có. Tan biến và chưa bao giờ có, để đời hắn trở thành một trò đùa, một cơn mộng nực cười.
Những ngày và những đêm, những giấc mơ và những khi tỉnh thức, những con sóng nối tiếp trùng trùng, phủ lấp lên nhau. Mỗi ngày, học cách chấp nhận, và thấy trái tim chết đi dần dần, thấy cuộc đời trôi về phía bên kia, khôn vãn hồi, bất khả thuyết. Mỗi ngày, chìm sâu hơn vào tịch lặng, chẳng còn lại dù chỉ chút ngậm ngùi.
Tiếc thương sao, tiếc ai ai tiếc thương ai?
Lê Diệt lục đục mở khạp lấy nước mưa nấu trà. Hắn mở mắt, nhìn cậu ta một lúc rồi lên tiếng.
“Ở trên đây không đào giếng, chỉ dùng nước mưa thì đến mùa khô phải làm sao?” Giọng hắn vẫn bình thản, còn bình thản hơn là hắn tưởng.
“Bần tăng có đào một cái giếng, nhưng đến hai mươi trượng rồi mà vẫn không có nước.” Lê Diệt thở ra. “Đành tiết kiệm nước dùng dần, may mà núi này không cao, túng thì vẫn có thể xuống núi lấy nước.”
“Ở kia à?” Thấy một gò đất nho nhỏ trước vườn, hắn hỏi, đứng dậy đi tới. Bên giếng đã làm một hệ thống ròng rọc để chuyển đất lên và dây thang để trèo xuống. Giếng sâu hút. Không nói không rằng, hắn trèo xuống giếng, lấy cuốc mà tiếp tục đào.
Nghe động, Lê Diệt chạy tới. Nhưng cậu ta không ngăn cản hắn, chỉ ngồi trên miệng giếng thi thoảng chuyển bình nước xuống cho hắn. Cậu ta cũng chẳng khuyên nhủ hay bảo hắn đi nghỉ, lẳng lặng chuyển đất được đào lên đi.
Hắn đào từ lúc trăng lên cho tới khi mặt trời hửng phía Đông, từ lúc mặt trời mọc cho tới khi trăng lặn.
Từng nhát cuốc cắm xuống, có lúc xúc được đất mềm, có khi va phải đá cứng, hắn tìm mọi cách bẩy chúng đi. Có Lê Diệt phụ việc trên miệng giếng, hắn làm việc nhanh hơn. Càng xuống sâu, khí xung quanh càng lạnh, đậm đặc dồn ứ trong ngực. Hắn dồn toàn bộ sự chú ý lẫn sức lực vào cái cuốc, hòng để chịu đựng được cơn lạnh thấm vào đến tận xương tủy. Cổ hắn đắng ngắt, tâm trí như say như dại, tựa hắn đã uống vò rượu mạnh nhất thế gian. Và rồi, hậu vị của nó là cơn say trống rỗng.
Hồng Trần Túy, không sắc không hương không vị. Chỉ có đau đớn, mê cuồng là thật.
Lòng giếng u ám tối mờ, khoảng sáng trên miệng giếng càng lúc càng xa. Hắn cần mẫn đào, đôi lúc ngừng tay ăn vội miếng cơm Lê Diệt bỏ xuống. Thời gian trôi đi bao lâu hắn cũng không hay biết. Đến lúc tình cờ ngẩng nhìn lên thấy miệng giếng chỉ còn là một chấm nhỏ trên cao, hắn mới nhận ra mình đã đào quá sâu. Xuống đến nơi này, thậm chí ánh sáng cũng không còn rọi tới. Bóng tối nhờ nhờ đè nặng tới tức thở. Có lẽ hắn đã đào tới chân của ngọn núi này.
Giếng vẫn không có nước.
Nhưng hắn vẫn tiếp tục đào. Hắn không nôn nóng, cũng chẳng mong chờ, lòng hắn bình lặng, dường như là dửng dưng. Hắn tiếp tục những nhát cuốc bổ vào đất, vùi sâu mình vào trong đất, đào xuống lòng đất tối hun hút. Bóng đêm đổ xuống, để hắn lại trong khoảng trống hẹp sâu thẳm cực cùng. Nơi này, mọi tiếng động đã không còn vọng tới. Bóng tối cô đặc, bất biến, lạnh lẽo và dửng dưng. Hắn để mình chìm sâu xuống trong cô độc tột cùng, không có nơi để quay đi, trốn thoát.
Rồi ngày lại lên, đêm lại xuống. Cơ bắp hắn dần dần rời rã, cơn mệt mỏi bải hoải dần dà xâm chiếm. Hắn vẫn cắn răng tiếp tục đào.
Ngày lên, từ vài sợi nắng mỏng tang rơi xuống rồi dần rạng rõ. Hắn đào trúng một vỉ đá cứng, phải khoét đáy giếng rộng hơn để mang nó lên. Dưới vỉ đá, đất mềm hơn, nhão như bùn. Hắn bổ cuốc xuống, thấy nước ri rỉ chảy ra. Hắn đào sâu hơn, nước loang ra đất, chầm chậm chảy thành dòng.
Hắn buông cuốc, ngẩng đầu nhìn lên.
Ánh sáng buổi trưa chiếu thẳng đứng xuống giếng, thành một mảng chói ngời như thái dương. Mảng sáng khiến đôi mắt đã quen với bóng tối của hắn lòa đi. Ánh sáng không chạm xuống tới lòng giếng tối, chỉ rực rỡ một mảng trắng xóa trên cao. Nơi bóng tối và ánh sáng giao hòa, bụi mờ bảy sắc chập chờn như khói.
Mắt hắn cay rát, nhưng hắn vẫn đứng nhìn trừng trừng mảng sáng trên đầu. Làn nước dưới chân vẫn âm ỉ chảy, dâng lên ướt đôi giày. Ánh sáng rọi xuống, nước chiếu lên một mảng trắng lấp lánh. Lòng giếng sâu hút, ánh sáng cũng va đập vào nhau, tụ lại, chói chang sáng rực. Làn khói mỏng bốc lên, đổ xuống không ngừng, tan trong ánh sáng, tan trong bóng tối.
Đã có sợi ánh sáng nào soi vào thẳm sâu cõi lòng hắn, khiến hắn bần thần như bị sét đánh mà ngẩng nhìn giếng cao. Trong một lúc, hắn quên hẳn sự tồn tại của mình, thấy mình như làn khói tan đi trong nắng.
Như Yên, Như Yên. Nàng trong buổi sớm của ngày hôm ấy, vàng khua ngọc chạm, môi đỏ tóc huyền, như gió như mây.
Nàng trong buổi sớm của ngày hôm ấy, đỏ rực chói chang giữa trùng trùng sóng nắng. Cháy bỏng nơi đáy mắt. Cảnh tượng huy hoàng của hủy hoại và tàn phai.
Cơn đau đột ngột ập tới như muốn xé nát tim hắn. Nỗi đau đớn tưởng chừng nổ bùng trong thân thể, cháy tan từng mạch máu thớ da. Hắn phải tựa lưng vào thành giếng, định thần lại.
Ở trên, Lê Diệt sau một lúc thấy hắn không còn chuyển đất lên liền leo xuống giếng. Đến đáy giếng, cậu ta thấy hắn đã bỏ cuốc đứng yên, dưới chân hắn, nước đã dâng lên thành một vũng lớn.
“Có nước rồi!” Lê Diệt reo khẽ. Hắn vẫn nhìn mông lung vào bóng tối mờ trong giếng. Lê Diệt kéo tay hắn giật khẽ. “Ta lên thôi, kẻo nước dâng.”
Hắn gật đầu, cùng Lê Diệt trèo lên trên. Giếng hắn đào quá sâu, phải đến hơn năm mươi trượng[2], khiến hắn cũng phải vất vả mới leo được đến nơi. Lên đến miệng giếng, hắn nằm lăn ra đất, chẳng còn có thể nhúc nhích được mảy may.
“Để tôi đem đồ ăn tới.” Lê Diệt thấy hắn đã kiệt sức thì vội nói, đi vào nhà lấy ra mấy món đồ chay. Khi đi ra, cậu ta thấy hắn vẫn nằm ngửa nhìn trời. Vẻ cay đắng thất thần khi đến đây đã mất, đôi mắt hắn trong suốt, phản chiếu ánh nắng như nhìn vào lòng giếng khơi.
Hắn đang lẩm nhẩm một bài ca của bọn trẻ phương Nam.
-
“… Trả buồng cau cho chú
Trả bánh ú cho cô
Trả bánh khô cho chị
Trả trái thị cho ông
Bắt con công, đem về nhà…”
Dứt lời hát, hắn cười.
Tiếng cười tựa âm vọng trong lòng giếng, nửa nghe như cười, nửa lại nghe như khóc.
Chú thích:
-
[1] Eo biển Vũng Tàu này nằm ở Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Quảng Ngãi ngày nay. Ở eo biển này khai quật được rất nhiều tàu đắm, cổ vật có niên đại từ thế kỷ XIII đến XVIII, cho thấy đây là nơi neo đậu tránh bão của thuyền bè ngày trước, có thể là bến đậu tàu cho Cổ Lũy.
[2] Giếng này sâu 55 trượng (hơn 200m, bằng tòa nhà cao 50 tầng). Tục truyền giếng do một người bạn của sư trụ trì Lê Diệt tới đào, đào xong rồi bỏ đi. Người dân Quảng Ngãi còn lưu truyền câu ca dao về việc này:
“Ông thầy đào giếng trên non
Đến khi có nước không còn tăm hơi.”
Nhà sư Pháp Hải tục danh Lê Diệt đến núi Thiên Ấn xây thảo am tu hành vào năm 1694. Hơn 20 năm sau,vào 1716, ông cho xây chùa Thiên Ấn, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban điển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”. Chùa này sau trở thành nơi linh thiêng, danh lam bậc nhất của Quảng Ngãi. Năm 1777, chùa bị Tây Sơn phá, đến đời Gia Long cho xây lại. Năm 1947, chùa tiếp tục bị phá, chùa hiện nay được trùng tu vào 1956.