Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 99: Thỏa thuận
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 5th, 2013

“Hay thật!” Im lặng một lúc trong tiếng lao xao của quân lính xung quanh trước lời hắn vừa nói, Nguyễn Hữu Kính chợt bật cười. “Vậy tại sao ‘người qua đường’ lại chọn quân Chiêm Thành để bảo vệ? Đánh nhau chỉ là chuyện người thắng ta bại, không phải kẻ này thì kẻ kia bị giết. Chiêm quốc mất nước, nhưng chẳng lẽ chúng ta để yên thì chúng ta lại được an toàn sao? Đã chọn một bên, lẽ nào còn bảo là bàng quan?”

“Tôi không chỉ vì Chiêm Thành, mà cả Nam Hà nữa.” Hắn chỉ lẳng lặng cười. “Tướng quân dùng quân đội tạo thanh thế ép mặt ngoài, cho Kế Bà Tử đi thuyết hàng, chẳng lẽ chỉ muốn ‘tiêu diệt quân phản loạn’?”

“Chúa Nam Hà chẳng lẽ hao công tổn sức đến vậy chỉ vì vùng đất cát nhỏ này?”

Những câu hỏi của hắn rơi vào gió núi ù ù. Nguyễn Hữu Kính lại không trả lời.

“Thư giải vây sẽ được đưa đến cho Khám lý Kế Bà Tử, chỉ ông ấy có thể thuyết phục được quân bên ngoài và quân trên núi. Nhưng những người này nổi loạn vì lý do gì, có thể khiến họ nản lòng hôm nay, không thể nói chuyện ngày mai.” Hồi lâu, hắn chầm chậm nói. “Nhân ngày trước tạo thành quả hôm nay, càng chấp càng gây thêm nhiều nghiệp, rồi sẽ đến ngày phải trả. Đã có người nói với tôi, một vị tướng ra trận không chỉ vì chiến thắng trong một lúc, mà còn phải nghĩ cho chủ nhân, đất nước, đỡ đi cái họa ngàn đời.”

“Quả ta cũng đã nghe.” Nguyễn Hữu Kính chỉ mỉm cười, trên gương mặt dãi dầu nắng gió chẳng biểu hiện một thái độ nào. Chỉ thấy ông khẽ cau mày, trong mắt lại thoáng vẻ đau buồn.

Sự thấu hiểu âm thầm giữa họ nghe cồn cào như tiếng gió xa.

Vì hành động ấy, Nguyễn Hữu Hào đã phải trả giá. Và có lẽ, cả bọn họ ở nơi này cũng đang phải trả giá. Mối họa tiềm tàng ở phương Nam không được dập tắt, tạo thành cái kết quả bây giờ. Đúng hay sai? Trăm năm, ngàn năm hay là hiện tại?

Để trả giá cho ‘trăm năm’, cần biết bao nhiêu là máu xương?

Hay vốn dĩ, trong vòng xoáy vô minh này, thứ cần phải học không phải là tranh đấu, mà là buông tay, không phải để tiếp tục, mà là chấm dứt? Không phải tồn tại, mà là chấp nhận?

Lại nghe một tiếng nổ ngoài xa. Quân bên ngoài vẫn còn cố tiến vào trận cát. Họ đã tìm cách trèo lên cồn cát để vượt qua trận. Đêm đang qua, ngày đang tới, gió càng thổi mạnh, mù mịt khoảng không. Đám cát vừa bị hất lên bởi vụ nổ trộn cùng gió xoáy ào ào trút xuống người bên dưới như hàng vạn mũi kim, lưỡi dao cắt, khiến họ kêu la đau đớn.

“Tướng quân, ta ra ngoài thôi.” Nghe thấy thanh âm đằng xa, hắn thở dài, quay lại nói với Nguyễn Hữu Kính. Ông gật đầu, nghĩ một thoáng rồi chợt nói với hắn.

“Người trên núi xuống hẳn vừa đói khát vừa bị thương, ta ra ngoài mới sắp xếp nơi ở tạm cho bọn họ được.”

Hắn cười khẽ, quay lưng đi trước. Đoàn quân Nam Hà theo hướng hắn chỉ, vượt qua những cồn cát bay. Có những cồn cốt dựng bằng đá đứng yên, làm trụ mốc lẫn bức chắn gió cho trận cát này. Khi gió quật, gặp phải những ‘bức tường’ ngăn cản, phải đổi hướng, tạo thành những lốc xoáy nhỏ cực mạnh, từ đó dẫn cát lưu chuyển. Trong một đồng cát rộng mênh mông, chẳng ai có thể nhận ra những cồn cát đứng yên ngoại trừ người tạo thành ra nó.

Gió vẫn quăng quật như muốn hất bay cả người, cảnh tượng đồng cát thiên biến vạn hóa trong bụi mịt mù khiến người bên trong có cảm tưởng như chỉ trong chớp mắt đã đổi khác. Họ cũng chẳng thể mở mắt ra nhìn cho rõ ràng, chỉ cốt che chắn mắt mũi trong bụi cát rào rào. Hắn gõ đao làm hiệu cho họ theo bước. Đến nửa đường, nghe thấy tiếng người bên ngoài đã gần, Nguyễn Hữu Kính bỗng lên tiếng gọi hắn.

“Ngươi về với nhóm quân kia luôn chứ?” Ông hỏi, thấy hắn lắc đầu liền nói ngay. “Nơi này người đông phức tạp, ta có thể…”

“Không.” Hắn chặn lời Nguyễn Hữu Kính, không cho ông nói tiếp, cũng chẳng có ý định để ông tiếp tục thuyết phục mình.

Nơi này người đông phức tạp, hắn làm cách nào để thoát ra khỏi vùng đất đã bị bao vây lớp lớp? Dù quân Chiêm có hàng, hắn mang danh phận gì để quân Nam Hà nương tay? Huống hồ, danh phận hắn khi đã lộ ra thì càng rắc rối hơn gấp nhiều lần. Quân Nam Hà ở Bình Khang, những người đi đánh Chân Lạp thuở trước, hẳn vẫn chưa quên mặt hắn.

Nguyễn Hữu Kính đề nghị hắn theo về cùng để ngăn người xung quanh ra tay với hắn. Nhưng hắn đã từng làm hại Nguyễn Hữu Hào một lần, hiểu rằng ngay cả những Thống binh này cũng chẳng có quyền năng tuyệt đối với quân đội mà họ lãnh đạo. Chỉ cần một sơ suất, họ sẽ phải trả bằng cả sự nghiệp. Nếu Nguyễn Hữu Kính quả thật định hòa giải với Chiêm Thành, hắn càng không nên can hệ sâu hơn với ông.

“Họ lại xông vào rồi.” Đứng trên cao, hắn chợt nói, ra dấu về một phía. Quân Nam Hà bên ngoài vẫn liên trì tìm cách vượt qua trận cát. Ở đây, hắn đã thấy được người cùng voi đang trèo lên cồn cát, những người khác đóng cọc xuống làm mốc chỉ đường – và vất vả giữ nó không bị cát lấp mất.

“Không khéo lại cho nổ bộc phá.” Nguyễn Hữu Kính lo lắng nói, bảo quân đánh thanh la ra hiệu cho nhóm người bên ngoài. Hai bên đã nhìn thấy nhau, lên tiếng gọi í ới. Trời hưng hửng sáng, gió lặng đi mấy phần, để nhóm quân bên trong an nhàn vượt cồn cát ra ngoài.

Khi Nguyễn Hữu Kính ngoảnh lại, hắn đã biến mất.

Ông hỏi han người bên ngoài về tình hình ở núi Chúa, biết rằng quả thật Kế Bà Tử đã đến, đem theo những hoàng thân, quan tướng của Chiêm Thành để thuyết phục quân trên núi bỏ giáo đầu hàng. Hiện thời bọn họ đã tạm thời thỏa thuận được với nhau, nhưng quân Chiêm vẫn còn chưa xuống núi, e ngại sẽ lọt vào bẫy kẻ địch. Ngoại trừ lệnh giải vây của Thống binh đưa ra, họ vẫn chưa có được sự đảm bảo an toàn nào.

“Lệnh cho quân đội toàn vùng giải vây.” Nguyễn Hữu Kính nói với viên thuộc tướng đến đón ông, trước khi trở về Đầm Nại. “Việc đã xong rồi, đừng cản trở người dân trong vùng sinh sống.”

“Nếu phát hiện kẻ khả nghi, có thể bắt giữ nhưng đừng làm hại họ.” Ông dặn thêm. Nơi này còn nhiều sự phức tạp, không thể bỏ lơi, càng chẳng thể hàm hồ khinh suất.

Đoàn quân của Nguyễn Hữu Kính trở lại Đầm Nại khi trời đã sáng hẳn. Ông bảo đảm với Khám lý Kế Bà Tử về sự an toàn của hàng binh, xây những lán trại tạm cho họ. Trong ngày hôm ấy, Khám lý Kế Bà Tử phát ra thông báo không bắt tội người tham gia phiến loạn cũ, kêu gọi họ trở về thôn xóm. Những hàng binh đã cam kết được thả về ngay.

Lê Anh đón họ ngoài doanh trại Nam Hà, phát cho mỗi người vài quan tiền làm lộ phí trở về quê nhà.

Trời đã xế, hắn mới trở bước rời đi. Hắn đã trở về Đầm Nại nghe ngóng tình hình, giờ mới yên tâm. Vượt qua núi Chúa là đến bờ biển, có thể hắn sẽ tìm được một chuyến thuyền rời khỏi vùng đất này, đến Phố Hài. Từ đó, hắn sẽ trở ngược lại dò tìm hai người nọ. Nhánh quân Quảng Phú để cho Vayu coi sóc trên núi vẫn còn, có thể y vẫn sẽ tìm tới.

Qua khu rừng gai góc, hắn tới bờ biển khi chiều đã buông. Đứng dưới lùm cây bụi thấp, hắn đưa mắt nhìn bờ cát trải dài, bãi đá tròn lởm chởm. Đã có vài chiếc thuyền câu đêm chuẩn bị ra khơi, nhưng làng chài ở khá xa nơi hắn đứng. Hắn vừa đi vòng qua bờ biển định tới, một tiếng kêu sau lùm cây chặn hắn lại.

“Này!” Một hai cái đầu đội nón chóp của lính Nam Hà thò qua tán cây thấp, vẫy hắn lại. “Ngươi là ai, làm gì ở đây?”

“Tôi là người buôn bán…” Hắn nói, ngay lập tức nhận ra ánh mắt của kẻ đối diện. Người buôn bán là lý do hợp lý nhất để một kẻ hoàn toàn không giống người Chiêm như hắn ở nơi này, nhưng cũng là mục tiêu bòn rút hăm dọa của đám lính canh vắng chủ.

“Người buôn bán? Có tiền không mà nói là đi buôn?” Toán lính phía sau bụi cùng đi ra, vây quanh hắn. Tán cây vừa rẽ, hắn đã thấy một trại quân được xây ẩn trong rừng.

Trong người hắn hiện tại chỉ còn mấy đồng bạc lẻ. Vừa mở miệng định tìm một lý do nào đó để thanh minh, một tên lính đứng gần hắn nhất chợt giơ tay giật bao hành lý trên lưng hắn xuống. Lớp vải đã không còn tốt rách một đường, để bọc vải nặng trịch trong bao rơi ngay xuống. Tên lính đứng cạnh nhanh tay chộp lấy, giật vải bao ngoài ra.

Ánh sáng xanh tỏa đầy sát khí dường cũng khiến tất cả sững sờ.

Hắn phản ứng trước tiên, giật lại thanh đao từ tay tên lính, gạt kẻ xung quanh ra mà phóng người chạy đi. Toán lính gào thét theo ngay lập tức, phóng dao, giáo về phía hắn. Lính Nam Hà trong đồn trại phía sau túa ra, kéo theo hàng loạt trại quân bên bờ biển. Hôm trước bọn họ đóng nơi này canh phòng cho doanh trại Đầm Nại, giờ vẫn chưa giải tán.

Ánh đao xanh phản chiếu nắng chiều rờ rỡ, khiến sự ồn ào bùng nổ trên bờ biển. Trên bãi cát dài, bị chặn đường trở về núi, hắn chẳng thể trốn đi đâu, chỉ nhắm phía mấy con thuyền mà chạy. May ra, hắn có thể lấy thuyền ra biển…

Lính canh phòng của Nam Hà như cũng đoán ra. Vừa lên tiếng gọi người, bọn họ vừa xua voi ngựa ra tấn công hắn. Võ công của quân lính không cao, nhưng họ đổ đến càng lúc càng đông. Hắn đưa đao đỡ gạt những cú tấn công, nhích từng bước về phía định tới.

Nhận ra ‘tướng địch’, lính canh đốt phong hỏa đài báo cho người ở Đầm Nại. Thấy lửa báo, Thống binh Nguyễn Hữu Kính vội lên voi phóng tới bờ biển. Khi ông tới, mặt trời đã gần lặn hết xuống núi, trận chiến bên bờ biển đã diễn ra một lúc lâu.

“Kia là…” Người quản tượng của Nguyễn Hữu Kính nhận ra ánh đao xanh cùng bóng người đêm trước, kinh ngạc thốt. Nguyễn Hữu Kính cũng ngạc nhiên, nhưng vì một lý do khác.

“Đường đao kia…” Nhận ra hắn, qua khắc hốt hoảng, ông lại ngẩn người dường quên cả kêu gọi đám lính ngừng tay.

Ánh đao múa vun vút trong bóng tối, phảng phất như chớp sáng, như mưa rơi, tựa nắng chiều, dường mây quấn. Nhanh như gió giật không kịp chớp mắt, sấm nổ không kịp bưng tai. Nhưng hoàn toàn không phạm đến người.

Đao chặn lại những cú đánh, gạt đi những đường tấn công của chừng ấy con người, nhưng như gió rẽ qua đồng cỏ, vẽ thành đường thành sóng mà lướt vào những nơi trống trải. Hắn đánh đã lâu, nhưng đường đao không hề chậm đi, ngược lại còn lưu loát mau lẹ hơn.

Có thể đón đỡ chống trả chừng ấy người đã khó, làm cách nào để chống trả như vậy?

Người sử đao võ công đã cao thâm, mà ngay cả thanh đao cũng dường có linh hồn nhận thức. Ánh sáng xanh của nó biến đổi, vẫn lạnh lùng sắc bén nhưng lại trong trẻo, bớt đi mấy phần sát khí mà lại thêm vài phần linh hoạt rực rỡ.

Những người đối đầu với hắn lúc này cảm thấy như bị một bức tường chặn lại. Ánh xanh lòa mắt lướt qua họ, gạt họ sang bên, phá tan vũ khí trên tay họ nhưng dường vẫn còn cách họ một quãng, không có cách nào chạm tới. Hết lớp người này đến lớp người khác xông vào, vũ khí rơi đầy trên đất, họ dùng cả gậy gộc, đá gạch, tất cả đều bị chém phăng.

Đao cắt qua bóng chiều loang loáng ánh nước, chập chờn khói sóng, tan tác bóng cát bay. Nhóm người loạn đả bên biển không kịp thắp lửa, chỉ còn chút ánh sáng nhờ nhờ soi tỏ. Trong đám đông hỗn loạn, hắn cũng chỉ nhìn thấy duy nhất ánh sáng từ thanh đao trên tay.

Như cái đêm ở ngôi chùa đầy dơi nọ, hắn để nó dẫn đường cho mình.

Dường như có tiếng sóng, vọng ầm ì trong không gian, dưới chân, trong lồng ngực hắn. Dường như có tiếng gọi, của muôn muôn vạn vạn con người, những kẻ đang ở nơi đây, những người đã không có mặt. Trong không gian lưu chuyển một làn khí mơ hồ, dường như đang chảy trôi qua hắn, trong từng mạch máu, biến thời gian thành từng nhịp đập của tế bào bưng bưng trong tai. Hắn không biết mình đang dùng loại võ công nào, Vô Âm hay Tuyết Hoa, cả hai hoặc chẳng phải là cả hai. Cảm giác nặng nề thường trực chợt biến mất, bị khí lạnh của thanh đao quét sạch. Đao lạnh như nước, thức tỉnh từng sợi linh hồn. Sát khí như lửa, chợt đốt sạch vô minh.

Đao kiếm có thể giết người, cũng có thể bảo vệ người. Chẳng qua, người ta không biết cách nào để bảo vệ ngoài giết chóc.

Sát khí tích tụ, oán linh kêu gào, do nỗi hận khôn tan.

Lúc này, hắn chẳng hề có ý muốn làm bị thương bất cứ ai. Một sự tổn hại nào bây giờ đều đem lại kết quả vô cùng tệ hại cho cuộc đàm phán, ném tất cả công sức của hắn xuống biển. Nhưng hắn cũng không muốn chết. Chẳng phải là sự bất cần thuở trước, khi hắn đem mạng mình treo đầu ngọn gió. Hắn tuyệt đối không thể chết bây giờ. Hắn còn phải tìm Ngô Lãng và Như Yên.

Ý muốn ấy mãnh liệt đến mức thanh đao cũng phải rung lên, rồi tuân phục hắn.

Trong lúc Nguyễn Hữu Kính còn ngẩn ngơ nhìn đường đao như ma như quỷ nọ, quân chạy theo ông đã ùn ùn xông tới, ánh lửa sáng trời, tiếng hô dậy đất. Còn đang bị vây khốn, hắn chỉ kịp nhìn thoáng qua toán quân đang tới. Hẳn quân cả Phan Rang đã được báo động, dù hắn có lấy được thuyền thì họ cũng sẽ đem thuyền chiến ra chặn đường biển.

Hắn chợt quát một tiếng, đao lướt ngược về sau. Trong bóng tối, chiêu thức vẽ thành đường như ánh chớp, khí lực mãnh liệt đến độ hất văng hàng loạt người về sau, đao kiếm đồng loạt gãy tan. Khí gió quật qua mặt người, thốt nhiên khiến tất cả hãi hùng lùi lại.

Đánh dạt nhóm quân sau lưng sang bên, hắn phóng về bờ biển. Bãi đá đến nơi này đã kết thúc, để một bờ dốc cao dẫn xuống lòng biển đen ngòm.

“Dừng lại!” Giật mình, Nguyễn Hữu Kính vội hét. Nhưng hắn đã phóng người nhảy xuống biển. Chỉ nghe ầm một tiếng, bóng người lẫn đao đã biến mất trong biển khơi.

Nhóm người lố nhố trên bờ đứng chờ một lúc lâu sau đó, vẫn chẳng thấy tăm hơi hắn.

“Hẳn kẻ ấy chết rồi.” Nguyễn Hữu Kính chặn người đang định lấy thuyền ra tìm, lắc đầu. “Đừng làm việc vô ích, còn bao nhiêu chuyện ta phải giải quyết, về thôi.”

Tin báo về triều đình Nam Hà ghi vài dòng kết quả ngắn gọn: Nhóm quân ở Thượng Dã đã bị phá, hạ được A Ban. Toàn quân phiến loạn bị dẹp yên.

Thống binh Nguyễn Hữu Kính một lần nữa khải hoàn trở về Phú Xuân. Lần này, ông không đem theo tù nhân, chỉ có thư khẩn cầu của Khám lý Kế Bà Tử.

“Từ khi vị hiệu cải cách đến giờ, xảy ra nạn đói kém luôn, dân chết vì tật dịch rất nhiều, lòng trời không thuận.” Đọc xong bức thư, chúa Nguyễn Phúc Chu mỉm cười, đặt lại lá thư lên thư án, nheo mắt nhìn viên Chưởng cơ vừa về. “Một lý do như vậy đã đủ cho việc trả lại Thuận Thành?”

“Có thể, thưa chúa công.” Nguyễn Hữu Kính nhẹ cúi đầu. Trong thư phòng này chỉ có hai người, ông không ngần ngại nói thẳng. “Các quan viên khác hẳn cũng đã thấy Bình Thuận chiếm dễ giữ khó, không mặn mà thiết tha gì cho lắm. Vả lại Thuận Thành chỉ là việc nhỏ, không đáng để chúng ta lún sâu mãi bây giờ. Chúa công đem việc này bàn bạc, hẳn cũng không khó tìm được sự đồng tình.”

“Hay cho câu ‘Thuận Thành chỉ là việc nhỏ’.” Nguyễn Phúc Chu lắc đầu. Vị chúa đứng dậy, tự lấy một bức thư đưa cho Nguyễn Hữu Kính. “Khi khanh còn ở Bình Khang, ta đã cho người thăm dò Chân Lạp. Nhóm người Chiêm Thành chạy qua nơi ấy được Đại vương Chân Lạp thu nhận, lại có những quan hệ mờ ám. Kẻ nào hỗ trợ nhóm người ở Thượng Dã? Vừa rồi Oc-nha That đem tàn quân chạy về nương náu trong đất Chân Lạp, ta tuy có danh nghĩa dẹp được loạn đảng, nhưng thật ra chẳng bắt được kẻ nào.”

“Đại vương Chân Lạp là lão cáo già, đã rũ bỏ hết trách nhiệm rồi.” Nhún vai, Nguyễn Phúc Chu ném lá thư trở lại bàn, lấy ra một tờ biểu khác. “Lão tự động thoái vị, nhường ngôi cho cháu trai, con của vua trước từ đầu năm, bản thân lên làm Thượng hoàng. Bây giờ ta hỏi tội Chân Lạp thì cũng chỉ trừng phạt được con bù nhìn làm bia chắn cho lão. Nặc Yêm có muốn nhân danh nghĩa gì mà dòm ngó tới ngai vàng hay vị trí Nhị vương cũng không còn hy vọng.”

“Nam Chưởng cũng vừa sinh biến, nhà vua bên ấy qua đời mà không có người nối dõi. Sứ giả đến báo tang cho ta bảo sớm muộn gì cũng loạn to. Có khi Nặc Thu thoái vị để chuẩn bị cho việc ấy đấy thôi. Chân Lạp hay Đại Thành lấn sang được Nam Chưởng thì cũng đã tiến sát ngay Phú Xuân này rồi.” Trở về chỗ ngồi, Nguyễn Phúc Chu chống cằm lên tay, nhìn gương mặt trầm ngâm của viên tướng. “Tiên chúa lường trước tới việc này nên mới củng cố quân đội, phô trương thanh thế, thu phục lân bang. Người cũng từng nói, đừng để trong nhà mải mê đánh nhau, đến lúc bị chiếm giữ lại điên cuồng chống trả, nghiêng đông nghiêng tây trở thành công cụ cho người ta lợi dụng. Chỉ cần yếu đi, mất đi sự khống chế một mảy may, ta sẽ bị cuốn trôi trong lũ ngay lập tức.”

“Đất đai nơi này không thể làm đê điều, chỉ có thể điều chỉnh dòng chảy, sống chung cùng bão lũ.” Nguyễn Hữu Kính cúi đầu, mờ nhạt cười. Gương mặt phong sương của ông lại che đi tất cả biểu hiện cảm xúc. “Điều quan trọng là ta phải chuẩn bị thật tốt, ứng biến thật nhanh.”

“Và quản lý thật chặt.” Nguyễn Phúc Chu mỉm cười. “Khanh làm Trấn thủ Bình Khang, nghĩa là chỉ huy của toàn phương Nam. Bắc thì coi sóc Phú Yên, Nam thì canh chừng Chiêm Thành, Chân Lạp, liên quan đến an nguy của toàn vùng biên giới. Việc nên làm thì nhất định phải làm.”

“Thần hiểu.” Nguyễn Hữu Kính vẫn cúi đầu.

Khi viên Chưởng cơ rời đi, thế chỗ ông là nhóm người khác cũng vừa trở lại. Năm người quỳ dưới bậc thềm, cất tiếng chúc vạn phúc rồi mới đứng lên theo lời vị chúa. Bọn họ đều mặc áo đoạn đen kiểu thư sinh, nét phong trần mệt mỏi vẫn còn in trên gương mặt.

“Ta đã nghe việc bất hạnh của Trường và Nhã, rất tiếc…” Nguyễn Phúc Chu ngậm ngùi nói, nhìn gương mặt đã bị tàn phá một nửa của Kỳ. Viên đội trưởng nhóm Tiểu sai chỉ lặng lẽ dâng lên cho vị chúa một cây đàn cổ.

“Đàn này năm xưa tiên chúa tặng cho các anh em thần. Nay đàn đã đứt dây không thể gảy, chúng thần đành phụ lòng tiên chúa. Mong chúa công có thể nối lại dây đàn, hòa một bản nhạc khác.” Kỳ cung kính nói. Ý định này của bọn họ đã được báo trước cho vị chúa, Nguyễn Phúc Chu không có vẻ ngạc nhiên. Ngài ta chỉ đăm đăm nhìn bọn họ, cuối cùng gật đầu.

Ánh nắng cuối ngày rơi vào bậc thềm họ để lại.

Nguyễn Phúc Chu rời khỏi thư án, bước ra hàng hiên ngẩng đầu nhìn trời. Ngài đã không hỏi nơi bọn họ sẽ đến, vì nghĩ rằng mình đã biết nơi ấy.

Những cánh chim đang bay về dãy núi xa, tiếng kêu vang động bóng chiều.

Trả lại quyền tự trị cho Thuận Thành, đặt lại Kế Bà Tử làm Phiên vương. Cho người yên ủi nhóm họ Trần ở Đông Phố để coi chừng Chân Lạp. Củng cố lại Quảng Bình để ngăn ngừa quân Trịnh và biến động tại Nam Chưởng.

Phát triển quân đội, duyệt tuyển nho sinh. Kiểm tra lại tất cả công việc ở các nha phủ huyện, siết chặt quản lý. Đám cháy phát từ Tướng thần lại ty năm nào không thể tìm ra nguyên do, nhưng phải chặt đứt hậu quả tận gốc.

Xây chùa trấn quốc. Cho người sang Quảng Đông đón sư tăng chuẩn bị lập đàn tế lớn nhất chưa từng có.

Để người nơi này biết họ đang ở trong nền cai trị của ai. Để tất cả đều biết đã có một thế lực mới hình thành. Để rồi, một quốc gia tạo lập.

Rồi ngài, chính ngài, sẽ tạo thành tất cả, sẽ tạc bia ghi dấu, sẽ viết sách lập sử về những bước đường bọn họ đã đi. Trăm năm, ngàn năm, sẽ được tạo thành từ những năm tháng này.

Nhưng trang giấy không ghi được cánh chim trời trong chiều muộn. Bóng thành quách lâu đài ngả dài lặng lẽ im lìm.

Tiếng chuông chùa vang, từng đợt ngân dài vào thinh không bao la vô tận. Ngài nghĩ tới những điều sẽ làm vào ngày tháng sau này, những điều còn đang dự định, những việc còn phải hoàn thành. Và những gì sẽ nối tiếp năm năm tháng tháng…

Trong bóng đổ hoàng hôn tràn ngập mắt trong.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.