Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 98: Giải vây
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 3rd, 2013

Quân Bình Khang do Trấn thủ Nguyễn Hữu Kính chỉ huy đến Phan Rang, đóng bên Đầm Nại. Vừa ổn định xong quân, Nguyễn Hữu Kính đã cho gọi Nguyễn Thắng Hổ kiểm kê binh lính, tấn công vào vùng núi phía Tây. Đã bắt giữ được nhiều tù binh đêm trước, lại đem quân Chiêm do Kế Bà Tử dẫn đường, quân Nam Hà xuyên qua vùng đất khô cằn Phan Rang tấn công lên núi.

Thấy Kế Bà Tử và quân Chiêm đi trước, nhóm người trong núi đâm ra chần chừ. Kế Bà Tử vừa đi vừa kêu gọi đầu hàng, lời lẽ khẩn thiết, lại có nhóm quân Nam Hà đi sau phòng bị, quân Chiêm trong núi không dám tùy tiện phóng bẫy như họ đã dự kiến. Tuy Kế Bà Tử không dám đi sâu vào rừng, viên Khám lý này cũng không gặp một sự chống cự nào. Những địa điểm phòng thủ đầu tiên của quân nổi dậy bỏ trống, bị phóng lửa đốt rụi.

Đến cuối ngày hôm ấy, Quảng Phú cũng đã nhận ra nguy cơ kế hoạch của mình tan vỡ.

Dùng Kế Bà Tử làm bia chắn, quân Nam Hà có thể đánh sâu vào rừng. Tấn công làm hại vị hoàng thân này thì sẽ gặp phản ứng mạnh ngay từ trong dân bản xứ. Giết Kế Bà Tử không được, để yên cho ông ta ngày này sang ngày khác càn quét cả cánh rừng, triệt tiêu các căn cứ, rồi toán quân này cũng sẽ không đánh mà tan, chẳng còn nơi nào trú ngụ ngoài chạy lên núi.

“Chết tiệt!” Nghiến răng trèo trẹo, Quảng Phú thầm nguyền rủa cả Nam Hà lẫn Kế Bà Tử. Những người xung quanh vẫn nhìn gã chờ đợi, như thể hy vọng gã sẽ tìm ra phương cách nào.

Đến cả Ngô Lãng còn phải rút lui khi Nam Hà cột Kế Bà Tử vào cổng thành đỡ đạn, gã còn có thể làm gì?

Thở phì phì một lúc, Quảng Phú chợt vẫy Vayu lại gần.

“Quân Nguyễn Hữu Kính đang ở Đầm Nại?” Không đợi Vayu xác nhận, Quảng Phú đã ngoảnh nhin tấm bản đồ dưới nền lán, ngón chân di di lên vị trí Đầm Nại. “Nơi này phía Đông Bắc thì có núi Chúa, phía Tây Nam thì có núi Cà Đú. Ta có thể chủ động tấn công rồi rút vào núi.”

“Núi Cà Đú nhiều hang động, có thể ẩn náu được. Chỉ có điều, nơi này cũng như núi Chúa nằm ở phía Đông gần biển hơn là rừng, nếu ta rút vào rồi bị bao vây thì sẽ gặp khó khăn lắm. Mùa này khô hạn[1], ở những nơi ấy cũng chỉ có xương rồng, cây tạp…” Vayu thận trọng đáp. Quảng Phú lại nôn nóng phẩy tay.

“Đợi đến lúc ta ăn sạch cả núi thì quân Nam Hà cũng đã bị nắng nóng nướng chín rồi. Chúng đưa quân tản ra bao vây thì càng tiện cho ta đánh du kích xuống, bắt vài đứa lên mà moi tim nhắm rượu.” Gã đập đập chân vào mép tấm bản đồ, gật đầu. “Cốt đánh cho quân ấy hoảng loạn phân tán chứ không cần thắng.”

“Nhưng Nam Hà đóng quân ở đó, lại chẳng lường trước được sao?” Vayu vẫn cẩn thận cân nhắc. Quảng Phú cười lớn.

“Đi đánh nhau thì kẻ này đều lường được kẻ kia làm gì, chẳng qua kẻ nào khôn khéo hơn thôi.” Gã ngẩng nhìn qua cửa lán, nheo mắt. “Ngày mai có gió lớn, cát di chuyển, ta nương theo mà đi, thần thánh mới tìm được.”

Nói là làm, Quảng Phú ngay lập tức gọi người chuẩn bị một toán quân vòng lên Cà Đú, một toán đi về núi Chúa. Thấy ý chí quân tình đã có vẻ nao núng, gã liền đích thân dẫn toán quân đến núi Chúa. E ngại Kế Bà Tử lại đến, Quảng Phú chỉ cho Vayu cùng một toán quân nhỏ ở lại núi, tất cả quân còn lại chia ba. Ngoài hai nhánh đến núi, một nhánh khác phân tán trong vùng, chờ đợi hiệu lệnh tiếp ứng.

Hôm sau, quả nhiên gió lớn. Gió bốc từ trong núi, lưu chuyển giữa ba phía núi và biển mà cuộn xoáy không theo một hướng nào. Những cồn cát theo gió mà thay hình đổi dạng, chợt hiện chợt mất. Xua một đàn bò đi trước nghi binh, quân do Quảng Phú chỉ huy âm thầm nương theo bóng cát mà đi. Họ vòng về phía Bắc rồi mới men theo vùng Cam Ranh sang núi Chúa. Nắng như đổ lửa trên đầu, cát nóng rẫy dưới chân, gió thổi cát bay qua da thịt ran rát như bỏng, vùng đất này đang ở trong thời điểm khô hạn nhất. Vài khu ruộng nhỏ cũng nứt nẻ trơ khấc dưới nắng. Nắng nhanh chóng hun kiệt sức lực của con người. Dù sức khỏe tốt, nhưng không quen với thứ nắng hạn gắt gao này, đi được nửa đường, Quảng Phú đã thấy trước mắt choáng váng. Gió thổi cát bay bụi mù trời, biến ảo muôn hình vạn trạng mơ hồ chói chang, những cụm xương rồng như cũng đang bay lướt đi trong cát.

Quân Chiêm vốn đã quen thủy thổ nên chỉ im lặng mà đi, Quảng Phú cũng chẳng dám kêu ca. Đến cuối ngày hôm ấy, họ đến chân núi Chúa khi trời đã tối. Đêm tối, họ không dám xông vào khu rừng đầy xương rồng và gai nhọn, phải đóng trại trên cát, giữa một bãi đá. Quảng Phú nốc ừng ực nước vừa được đem về, nhăn mặt vì cát lẫn với bùn. Mùa khô, suối trên núi gần cạn hết, khó khăn lắm mới tìm được nước.

‘Giải quyết nhanh đi thôi.’ Chép miệng, gã nghĩ thầm, ý định quấy phá Nam Hà hồi lâu cũng nhạt đi. Đằng nào toán quân này cũng không có cơ hội thắng, dằng dai hành hạ nhau thêm một lúc ở nơi như lò lửa này có ích lợi gì?

Nghĩ thế, gã phấn chấn lại, vạch ra kế hoạch tấn công ngay hôm sau. Từ phía bên này núi Chúa, bọn họ sẽ đi thêm một ngày đến Phan Rang, tấn công doanh trại Nam Hà tại Đầm Nại ban đêm. Đã gần rằm, trăng sáng tỏ, thích hợp cho một cuộc chiến ban đêm.

Đêm tối, cát khơi, rừng núi sẽ nuốt trọn tất cả, chẳng ai hay ai biết.

Hôm sau, nhóm quân lại xuyên qua rừng mà đi. Rừng vùng hạn, xương rồng mọc thành lớp dưới chân, cây cối gai góc giăng chằng chịt, gai đâm tua tủa từ mọi hướng, trên mọi cành cây cái lá xung quanh. Bọn họ phải phát rừng mà đi, đến nơi đã định đúng hạn nhưng vất vả trên đường cũng bào mòn đi nhiều sức lực. Những vết do gai tầm dã[2] đâm phải cũng loét ra, mưng mủ nhức nhối.

Thấy bóng tối đã buông, Quảng Phú vội giục bọn họ chuẩn bị nhanh. Trăng vừa lên quá ngọn cây, gã đã gọi người tập hợp, chia đội nhóm men theo bờ suối cạn đi về phía Đầm Nại. Nếu theo đúng kế hoạch, toán quân đến Cà Đú theo đường gần hơn cũng đã tới nơi. Dừng chân ở chân núi, Quảng Phú cho người đi liên lạc với bọn họ. Bắt được tín hiệu đồng tình, gã lập tức cho quân nhắm ánh lửa sáng bên đầm nước tiến tới.

Sườn núi thoai thoải dốc xuống đầm nước lớn đổ ra biển, đất lạo xạo cát lẫn với đá. Dòng suối mùa này chỉ còn chút nước cạn chảy leo lắt, Quảng Phú cho quân lội xuống, dựa vào đường hào tự nhiên này đi tới. Đến đoạn suối đổ ra đầm, nước dâng cao, nhóm quân này mới trèo lên, lẩn vào bóng cây bụi. Một nhóm quân nhỏ thả bè theo dòng âm thầm trôi tới đầm. Đầm nước rộng nằm lọt giữa ba phía núi trập trùng, đất ven bờ cát lẫn với vài cụm cây nhỏ rải rác. Quân Nam Hà đã đóng doanh trại ở phía bờ Tây của đầm, xây hai lầu gỗ cao để quan sát.

Đất bằng thoáng đãng, trăng lại sáng, họ chẳng mấy khó khăn để nhận ra những bóng đen đang di chuyển lại gần.

Lúc ấy, quân Chiêm cũng đã tiến đến khoảng cách vừa đủ. Thấy quân Nam Hà lên tiếng báo động, Quảng Phú cũng cho thổi tù và, đánh thanh la, đốt pháo báo hiệu cho toán quân bên kia. Quân Nam Hà vừa đổ ra lũy, quân Chiêm đã lợi dụng địa thế đẩy đá quấn rơm cháy phừng phừng tới. Ở phía Nam, quân đánh từ Cà Đú thả bò núi rầm rập chạy tới lũy Nam Hà, kéo theo những xe chất củi khô đã đốt lửa. Chỉ trong thoáng chốc, doanh trại Nam Hà đã như bị một vòng lửa sáng rực bao vây.

Quân Chiêm theo lửa xông tới áp sát doanh trại Nam Hà, bất chấp vài khẩu pháo đã nổ. Vừa chạy, họ vừa kéo theo những bó củi, xe gỗ rưới dầu rái, dầu trám theo, phần ném vào doanh trại, phần chất vây quanh lũy. Tên, giáo bắn xuyên qua bức tường lửa bắt cháy, đã đốt lên vài đám lửa trong chiến lũy của Nam Hà.

Nhưng quân Nam Hà qua khắc đầu tiên đã lấy lại bình tĩnh. Pháo nổ, bức quân Chiêm cùng đàn bò núi thoái lui. Xạ thủ nổ súng hạ những kẻ địch đã áp sát lũy. Sau những đụn cát, quân Chiêm vẫn kiên trì bám trụ, bắn tên và lăn đá đến tấn công. Mấy nhóm người nâng tấm gỗ buộc rơm lên đầu đỡ tên đạn, chầm chậm tiến về phía doanh trại Nam Hà. Pháo Nam Hà bắn vào trong cát tung bụi mù trời, cùng với khói tỏa dày đặc, chẳng mấy chốc đã phủ cả khu đầm trong màn khói bụi mịt mùng không còn nhìn đâu ra nhân dạng. Dựa vào cát, bụi và lửa, quân Chiêm ngoan cường tiến trong đạn pháo. Quân Nam Hà chỉ có thể ngăn họ áp sát lũy.

Nghe phía Nam có ba tiếng nổ lớn, thanh âm ồn ào lại vọng bốn phương. Nghe động, quân Chiêm đã phân tán trong vùng gần đó lập tức hưởng ứng, kéo theo cả người dân đi theo. Chừng chục con voi lừng lững đi tới, dẫn toán quân đông chừng ngàn người tiếp ứng cho nhóm tấn công trước đó. Quân Nam Hà trong lũy đã bị phân tán về hai hướng, chậm chuyển quân thủ phía Tây, để nhóm quân Chiêm vượt qua tầm pháo tiến vào.

Quân Chiêm cậy vào số đông và màn đêm che giấu, muốn phân tán quân Nam Hà thủ lũy khiến họ chẳng mấy chốc mà rối loạn. Pháo Nam Hà quả nhiên bắn cập rập một lúc rồi đâm vấp váp, để kẽ hở cho quân Chiêm ào qua. Bức tường lửa ngày càng được đẩy đến sát lũy Nam Hà.

Tiếng động ầm vang của chiến trận đã xóa nhòa đi những thanh âm khác. Đứng ở khoảng đất xa xa thúc quân xông tới, Quảng Phú đột nhiên giật mình nhìn quanh khi nghe âm thanh truyền tới từ đầm nước. Ngoảnh lại, gã nhận ra ngay lập tức thuyền chiến của Nam Hà.

Những chiếc thuyền này hẳn đã dựa men vào bóng núi, hoặc đậu ở cửa đầm nên không bị phát hiện ra. Lúc này, mọi khẩu pháo trên thuyền đã hướng vào trong bờ.

Nhưng Quảng Phú quay đầu, xem như không hề nhận ra.

Những người say máu chiến ngoài lũy chỉ biết đến sự xuất hiện của đoàn thuyền chiến khi pháo trên thuyền phát nổ, hất tung những lũy cát bên ngoài.

Những chiếc thuyền Nam Hà tản ra trên mặt đầm, nổ pháo vào trận địa ngoài doanh trại Nam Hà. Quân Nam Hà trong lũy nổ súng và pháo hưởng ứng, toán quân Chiêm bên ngoài nháo nhào bỏ chạy trước hai làn đạn như lật tung cả đất lên.

Phía Tây Nam, lại nghe pháo hiệu nổ. Quân Nam Hà đóng gần đó cũng đã tới tiếp ứng, đánh sau lưng nhóm quân Chiêm vừa tới, cắt đứt đường lui về Cà Đú. Lũy Nam Hà mở, quân Nam Hà xông ra, giáp chiến với quân Chiêm cũng đang quay đầu định bỏ chạy.

Ở bốn phía, trong khói bụi đen đặc và đạn pháo dập dồn, quân Chiêm hoảng loạn chạy trốn tứ tán, không biết chạy về đâu cho phải. Những viên tướng ra sức kêu gào, không át được thanh âm sợ hãi.

Quảng Phú đã biến mất trong làn khói. Toán quân xung quanh gã phát hiện chủ tướng mất tích, không khỏi hoảng hốt. Sự hoảng loạn loan ra toàn quân. Trong đạn pháo Nam Hà đan mắc rít gào, quân Chiêm vỡ trận, mỗi người tự cắm đầu chạy một hướng.

Từ bốn phía, quân Nam Hà siết chặt vòng vây, lùa quân Chiêm tụ về một góc bờ đầm. Trong lũy, ánh lửa sáng lòa, soi tỏ con voi to lớn cùng người đứng trên lưng nó. Trấn thủ Bình Khang Nguyễn Hữu Kính phất cờ hiệu, lệnh cho quân lính mau chóng giải quyết chiến trường. Thấy tướng địch, nghĩ đã lâm vào đường cùng, quân Chiêm bất ngờ phản kháng. Một vài người chạy sang bên, lấy thân che đỡ cho nhóm ở giữa, lao về phía Nguyễn Hữu Kính. Lại nghe tiếng chiêng dồn, Kuvera vốn vẫn còn náu tại chân núi Cà Đú đem số quân còn lại phá vỡ một góc vòng vây của Nam Hà, xua đàn bò cả trăm con đem theo nùi lửa xông vào giữa bãi đất, đốt cháy một hòm đạn pháo. Tiếng nổ kinh động, ánh lửa bắn sáng một góc trời đẩy dạt người xung quanh đi. Nhân lúc rối loạn, một người lính Chiêm lao tới, quăng câu liêm định móc Nguyễn Hữu Kính khỏi bành voi, ông giơ đao gạt được. Thấy chủ tướng bị nguy, quân Nam Hà đâm sôi máu, xông lên đánh giáp lá cà với quân Chiêm Thành.

Vốn đã đông hơn, lại trang bị hỏa lực mạnh, quân Nam Hà chẳng khó khăn đẩy quân Chiêm lùi lại. Sự ngoan cường của quân Chiêm Thành lại càng khiến kẻ địch nổi nóng. Đạn pháo lại lên nòng, sẵn sàng triệt hạ cho bằng hết số quân ‘phản loạn’ này.

Vừa lúc ấy, một tiếng nổ lớn chợt vang. Lửa bùng lên từ một cồn cát nhỏ, chạy dọc một đường về phía lũy Nam Hà, cắt ngang chiến địa. Ánh lửa rừng rực cháy soi tỏ bóng người trên cồn. Một nhóm quân Chiêm tụ tập bên con voi xám. Trên bành voi thấp thoáng ánh đao xanh lạnh buốt.

Kẻ trên voi giơ đao chỉ lên trời, đao bắt lấy ánh trăng như lòe lòe tỏa sáng.

A Ban…” Tiếng thì thào, tiếng gọi, tiếng thốt lên lan ra trong cả quân Nam Hà lẫn Chiêm Thành. Nhóm người ở cồn đánh chiêng thu quân. Nghe hiệu, thấy ‘A Ban’ xuất hiện, quân Chiêm trong trận bỏ chạy về hướng ấy. Đường lửa cháy cứ thế lan ra theo vệt dầu rái trên đất, tạo thành một góc mở cho quân Chiêm thoát ra.

Nguyễn Hữu Kính vội gọi người đuổi theo. Bên kia, quân cứu viện cũng xông tới, vừa bắn yểm trợ vừa làm thanh thế chặn quân Nam Hà. Con voi xám lừng lững chạy đến, thốt nhiên khiến lính Nam Hà đang tới phải thối lui. Đạn pháo lác đác nổ, nhưng hầu như toàn bộ ánh mắt đã đổ dồn về phía con người cùng thứ vũ khí đã tạo nên một loại huyền thoại không chỉ trong người Chiêm quốc.

Thấy thế, Nguyễn Hữu Kính thúc voi xông tới, cùng quân chủ lực đến tấn công ‘A Ban’ nọ. Người quản tượng đánh dứ mấy đường, con voi chợt quay đầu bỏ chạy.

Nhắm theo bóng con voi xám, quân Nam Hà đuổi theo bén gót. Nguyễn Hữu Kính đã từng nghe về những mưu kế của A Ban, nhưng vùng đất này đã hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Nam Hà, ông tin rằng y chẳng còn cách nào trốn thoát. Chỉ cần y xuất hiện, tình thế chiến trường đã hoàn toàn thay đổi. Một kẻ như thế, không thể để thoát.

Con voi xám chạy hết tốc lực, vòng qua những cồn, đồi và bụi thấp, men theo chân núi Chúa chạy về phía Bắc. Nguyễn Hữu Kính vừa cảm thấy ngờ ngợ phương hướng bất thường của đàn voi, ông cũng chợt nhận ra quân Chiêm không chạy theo ‘A Ban’. Đuổi theo y chỉ có quân tướng Nam Hà.

Vài khẩu súng nổ, nhưng vướng phải cồn cát và cây bụi, không nhắm trúng được con voi cùng kẻ trên nó.

Nguyễn Hữu Kính định cho đốt pháo hiệu báo cho quân đóng ở phía Bắc, đã thấy con voi xám đột ngột dừng trên một đồi thấp. Bọn họ đã lọt vào một vùng đất hoang lố nhố cồn cát, cát tuy bằng phẳng nhưng lún qua mắt cá chân người.

Ở khoảng cách này, ông đã nhìn rõ người trên bành voi xám. Tóc bị gió thổi tạt che nửa mặt, ánh đao xanh lập lòe chiếu lên sắc áo trắng, trong bóng trăng, trông ma mị tựa như một oan hồn. Nhưng cái cử tay nhấc chân của y lại dứt khoát mạnh mẽ, tựa cái bóng trong gió thổi.

Kẻ ấy vừa phất tay, gió đã rào rào nổi lên.

Trong vùng đất bị núi chắn này, gió có thể thổi không theo một hướng nào, cuộn xoáy, quăng quật đủ mọi chiều. Nguyễn Hữu Kính không lạ những đợt gió bất ngờ như thế này, gọi quân ổn định chờ gió lặng.

Gió thổi một lúc rồi yên. Bụi mù vừa tan, quân Nam Hà, kể cả Nguyễn Hữu Kính, vừa nhìn rõ đã bật thốt lên kinh ngạc.

Ngọn đồi mà kẻ kia vừa đứng đã biến mất. Gió tan, vùng đất này như thể đã biến đổi thành một cảnh tượng khác. Những đồi, cồn thay đổi vị trí, nơi ẩn nơi hiện. Cát bay theo gió, đổi dạng thay hình, chớp mắt đã hóa thành lạ lẫm.

Họ còn đang dõi mắt tìm kiếm kẻ kia trong vùng đất, gió lại ào ào nổi. Cứ ba bốn lượt như thế, Nguyễn Hữu Kính nhận ra mình đã bị vây bởi lớp lớp cồn cát.

Không hiểu bằng cách nào, gió xoáy đã tạo nên một vòng tròn cồn cát liền lạc trập trùng như thành lũy bao quanh nơi họ đứng. Nhìn bằng mắt thường, Nguyễn Hữu Kính cũng đã nhận ra phương vị kỳ lạ của một vài cồn, như thể một trận địa. Trong tiếng gió núi, âm thanh lao xao bên ngoài vẫn còn có thể nghe rõ. Kẻ ‘bên ngoài’ dựa vào thành cát này mà vây ngược lại ông.

Hoặc quân Chiêm vẫn còn đang đánh nhau với quân Nam Hà đuổi theo sau. Nguyễn Hữu Kính lắng tai nghe, nhận ra âm thanh đao kiếm và súng nổ rời rạc. Kẻ kia nghi binh, thu hút quân Nam Hà đuổi theo, để quân Chiêm rút chạy. Nhưng vì thế, toàn bộ quân Nam Hà trong vùng đất này sẽ tụ về đây.

“Không sao, quân ta vẫn còn ở ngoài.” Nguyễn Hữu Kính lắc đầu, trấn an quân lính. Gió vẫn tiếp tục nổi, nhưng lũy cát đã thành hình che chắn cho người ở trong không bị gió quật. Họ thấy bụi cát tung mù trời trên đầu.

Một tiếng nổ lớn chợt vang, khiến đất rung lên. Quân Nam Hà quả nhiên đang tới, cho bộc phá nổ cồn đất chắn đường.

“Không thể phá được cát đâu.” Tiếng cười chợt vọng trên đầu nhóm quân Nam Hà. Nguyễn Hữu Kính ngẩng nhìn, thấy kẻ áo trắng đã ở ngay trên cồn cát gần ông nhất. Cát bay quanh hắn như một màn sương chập chờn. Hắn nhìn lại ông, mỉm cười, đôi mắt trong sáng như ánh trăng trong đêm lạnh. “Cát bay đi, rồi chỉ cần một cơn gió lại tụ về. Càng đánh mạnh, càng vô ích.”

Một người trong nhóm kêu khẽ, bắn súng về phía hắn. Chỉ thấy cát bụi lay động, hắn đã đứng ở vị trí khác, chẳng buồn quay đầu nhìn kẻ vừa bắn.

“Ngươi định làm gì?” Nguyễn Hữu Kính cau mày hỏi. Mũi đao chúc xuống đất, dáng bộ nhàn nhã, trên gương mặt lẫn thần thái không có chút sát khí, thậm chí là đấu khí, hắn chẳng có vẻ giống người mà ông đã từng nghe. Hắn cũng chẳng định xông vào bọn họ bây giờ, nụ cười nhàn nhạt nửa như thản nhiên, nửa như trêu ngươi.

“Tướng quân, có thể bỏ vòng vây bên ngoài đi, được không?” Hắn vẫn cười. “Quân Chiêm vừa trốn ra hẳn chỉ có cách chạy lên núi. Quân Nam Hà không bỏ vòng vây, thậm chí Khám lý Kế Bà Tử không chấp nhận, bọn họ chỉ còn cách thủ chết trong núi. Tướng quân bỏ vây, tha thứ cho bọn họ, tôi sẽ có cách thuyết phục bọn họ quay về.”

“Lừa đảo!” Lời hắn chưa hết, một người trong quân đã hầm hừ quát. Đôi mày Nguyễn Hữu Kính cau càng sâu.

“Làm sao để ta tin ngươi?” Linh tính mách bảo ông rằng kẻ này không phải ‘A Ban’, thậm chí còn có đôi phần quen thuộc.

“Mạng tôi ở đây.” Hắn vẫn thản nhiên cười. “Giết địch cốt chém tướng, thu phục đất đai, ổn định lòng người là trên hết, sá gì mấy cái mạng con của lính? Chỉ cần tướng quân chịu buông tha cho họ, nếu có bất trắc cứ lấy mạng tôi.”

“Ngươi cũng đâu có chạy được.” Một người lại hừ khẽ. Hắn bật cười.

“Dưới đất này có gài pháo. Chỉ cần một vụ nổ, không cách nào tìm ra người bị cát vùi.” Ánh mắt hắn nhìn Nguyễn Hữu Kính lại thoáng vẻ thích thú là lạ. “Tướng quân hẳn cũng chẳng vui vẻ gì với trò hù dọa nhau thế này?”

“Ta làm cách nào liên lạc ra ngoài?” Im lặng một lúc, Nguyễn Hữu Kính hỏi. Hắn ném cho ông một bọc nhỏ, bên trong có thư gọi giải tán vòng vây đã chuẩn bị sẵn.

“Cần ấn tín của tướng quân.” Hắn nói. Không hỏi thêm, Nguyễn Hữu Kính đóng ấn tín vào giấy, ném trở lại. Người lính bên ông vội cất tiếng ngăn cản.

“Tướng địch đã cầu hòa, ta không hẹp lượng.” Nguyễn Hữu Kính xua tay. “Trận ta có thể đánh, người ta có thể bắt lại, lo lắng gì?”

“Tướng quân quả là em trai của Hào Lương hầu.” Cầm mảnh giấy, hắn cười nói. Trong bụi cát rào rào, họ chỉ thấy hắn ném thư cho một bóng người gần đó. Đợi kẻ ấy đi khuất, Nguyễn Hữu Kính chợt lên tiếng.

“Ngươi là ai?” Lúc này, ông tuyệt nhiên không tin kẻ trước mặt là A Ban. Đem mạng mình cầu tình cho toán lính Chiêm Thành, còn có kẻ nào?

“Người qua đường thôi.” Nụ cười của hắn vẫn trong sáng như trăng lạnh. Hắn gật đầu trước vẻ mặt của nhóm quân Nam Hà. “Đến bọn họ cũng chưa chắc đã biết tôi là ai.”



Chú thích:

    [1] Phan Rang, Ninh Thuận đến tháng 9,10 mới có mưa, cũng chỉ mưa trong 2 tháng. Vùng này mỗi năm có 9 tháng hạn, 2 tháng kiệt, 2 tháng mưa, là vùng khô cằn nhất VN.

    [2] Gai tầm dã hay còn gọi cỏ gai, mọc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đâm vào da sẽ loét và mưng mủ.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.