Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 79: Mê lộ
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" May 25th, 2013

Tháng ba năm Giáp Tuất, những toán quân Nam Hà đầu tiên được Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ chỉ huy tấn công vào vùng núi rừng Thượng Dã.

Đoàn quân này xuyên rừng đi về phía Tây, không gặp một sự kháng cự nào. Những toán quân Chiêm Thành đóng rải rác trong rừng đã sớm rút đi. Nhưng trước khi đi, bọn họ đã phá đường, cắm chông tre và chặt cây ngăn trở khắp nơi. Cùng với mùa mưa đến, muỗi vắt rào rào sinh trưởng dưới lớp lá rừng, chực chờ từng bước chân đi tới. Đoàn quân buộc phải đi chậm lại, cả voi ngựa cũng không thể khinh suất băng rừng. Quân Nam Hà phải phân nhóm làm nhiệm vụ đẵn cây, đốt rừng lấy đường đi. Mất một khoảng thời gian không ngắn, họ mới tới được bờ sông Dã Dương. Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ e ngại có mai phục, cho quân đóng trại lại bên sông.

“Bọn họ cũng chẳng muốn vào rừng.” Nhảy qua một hòn đá nhỏ, kẻ đi trước hắn cười nói. Tà áo xanh phiêu phất mang vẻ đỏm dáng chẳng hề thích hợp với rừng rậm. “Đi qua Dã Dương là lọt vào rừng rậm, dã thú chực chờ, bưng biền thì cá sấu lóp ngóp dưới bùn, đỉa trôi như bánh canh trong nước, vắt mòng hút kiệt máu người. Có đem đoàn người đốt hết được cả rừng thì cũng vất vả vô kể. Bọn họ bắt nhóm người ở Phố Châm cũng thế, mà chờ đợi bây giờ cũng vậy, là muốn toán quân kia tự thò đầu ra. Đi đến đây chỉ để phô trương thanh thế vậy thôi.”

“Nhưng đợi thêm ít ngày nữa mà không có động tĩnh, hẳn họ sẽ động tới con tin.” Diêu liếc mắt qua mảnh rừng trước mặt, ngừng chân đợi hắn đi tới, nhướn mày chỉ về phía những ngọn tre xanh trên đầu mỏm cây đằng xa. “Đi về hướng đó?”

“Kẻ ngu ngốc nào chọn tre để chỉ hướng đi?” Thấy hắn gật đầu, Diêu lập tức bốc hỏa mắng nhặng. “Có biết trong rừng thì chỗ tre mọc là nơi nhiều vắt nhất không?”

“Ai bảo ngươi mang bộ dạng này vào rừng?” Hắn đảo mắt, đi qua Diêu lên trước. Dù đã bôi thuốc, xông hương chống muỗi vắt, quấn xà cạp bịt bùng, tà áo lướt thướt này của y chỉ làm nơi cho bọn vắt nhảy lên bám chờ cơ hội. Diêu hầm hừ, lấy dao cắt cỏ bên đường kết thành một búi, châm lửa hơ quanh mình, làm thành bó đuốc khói rồi mới đi về hướng hắn vừa chỉ.

Nhưng rặng tre này không rộng. Đi qua rặng tre, đất đột ngột như nứt toác ra thành một vực sâu kéo dài về phía núi, ôm lấy khoảng đất phía trong, đáy vực là một dòng suối lớn. Có một cầu treo nhỏ do người Thượng làm vắt ngang vực. Hắn dừng chân bên rặng tre, hất cằm về phía cây cầu ra hiệu với Diêu.

“Ngươi đi qua cầu, vượt một đoạn nữa rồi đánh tiếng tìm người. Bên này đã có người bọn họ canh gác, ta xuất hiện không tiện.”

“Đúng là không nên tấn công vào đây.” Thấy cái cầu treo, Diêu lẩm bẩm. Gật đầu với hắn, y đi qua cầu. Đợi Diêu đi khuất, hắn trở gót phóng về phía Nam. Hướng ấy có một bản làng nhỏ, hắn có thể mua một con ngựa.

Thời gian dành cho hắn rất ít, không thể chần chờ.

Khi đến dưới chân đồi, y đã nghe tiếng hát vọng xuống. Tiếng hát – bằng âm giọng rất quen thuộc – làm máu huyết y như chợt đông cứng lại trong khoảnh khắc.

Dựa vào gốc mai đã kết quả đỏ cành, kẻ áo xanh là lượt phất cây quạt trắng trong tay, ngẩng nhìn trời mà ngâm nga trong cổ.

“Kinh mộng giác, ngô thử tần khuy chúc. Chúc quang minh diệt tự hàm sầu, hà tằng chiếu kiến tàn trang thúc!

“Kinh mộng giác, diêm tiền thiết mã diêu. Thủy hỏa bất tri hà xử dã, dĩ thiêu yêu miếu đảo lam kiều.

“Kinh mộng giác, giác cổ bi thanh tráng, khả liên hồng phấn khứ hà chi, nhất độ tư lượng nhất trướng ưởng.

“Kinh mộng giác, Sâm hoành đấu tà đảo. Kim dạ thê lương kỳ tứ sinh, lai triêu phân thủ thiên nhai yểu.”[1]

Tiếng ca mang điệu phương Bắc nhưng âm giọng man mác não nùng, mềm mại luyến lưu, lại có mấy phần hoảng hốt. Y nhíu mày, ngẩng nhìn lên đúng lúc cái quạt gập lại, kẻ kia đột ngột đổi giọng mà hát tiếp điệu ca.

“Kinh mộng giác, trúc sảo phong bãi thác. Nhiễm nhiễm y y tự a nông, phiêu phiêu đãng đãng vô trứ lạc.

“Kinh mộng giác, tử quy đề dạ bán. Huyết lệ chinh nhân thôi xuất môn, bất như quy khứ hà tu hoán.

“Kinh mộng giác, ô đề tàn nguyệt lạc. Thiên hôn địa ám thu quyết sấm, lộ lãnh phong thê nhân tịch mịch.”

Giọng hát lần này cứng cáp khàn khàn, mang theo mấy phần âm giọng Mân Nam. Mắt y càng tối sầm. Nhìn thấy y, những người lính canh lên tiếng chào. Nghe động, kẻ kia quay đầu nhìn xuống, nhận ra y liền nhoẻn miệng cười.

“Lâu không gặp.” Diêu vẫy tay nói lớn khi Ngô Lãng vẫn còn ở phía bên kia đồi. Cái quạt xòe rộng che ngang ngực Diêu khi y tiến lại gần, tuy nụ cười trên khuôn mặt bợt bạt quái gở vẫn chẳng kém tươi đi. Thấy thái độ của y, Diêu còn nhướn mày. “Ngươi làm bộ mặt này là sao? Ta giết cha nuôi của ngươi, ngươi giết chủ nhân của ta, ân oán sòng phẳng. Ta không muốn chém giết ngươi thì chớ, ngươi tức giận làm gì?”

Lời nói vừa dứt, một hòn đá đã nhắm trúng đầu Diêu bay tới. Y không nghiêng đầu tránh mà phất quạt hất viên đá sang bên. Đứng bên kia khu vườn mai, Oc-nha That trừng mắt nhìn Diêu, nửa tức giận nửa khinh miệt. Diêu lại mở quạt phất phơ, nhìn lại ông ta bằng nửa con mắt.

“Các người gọi ta tới đây không phải để đánh giết cho thỏa chí đấy chứ?” Thái độ cợt nhạo bỗng chốc biến thành lạnh lùng, Diêu liếc mắt nhìn Ngô Lãng đã đến gần, nhếch môi. “Nếu vậy thì đã tìm lầm người rồi.”

“Năm ấy, đâu phải vì mấy lời của ta mà các người đưa đầu vào bẫy, càng không phải vì một mình ta khiến mọi sự thành ra như thế.” Chiếc quạt vẫn phe phẩy trước ngực Diêu, y nghiêng đầu, nhìn qua Ngô Lãng đến mảng trời phía sau. “Chân đạp hai thuyền, đàng nào cũng muốn không hẳn là tội. Nhưng làm việc lớn mà bồn chồn bất định, để cho người ta thao túng, đưa đầu vào tử địa há có thể trách ai?

“Vả lại,” Diêu mỉm cười, giọng chợt hạ xuống mềm nhẹ như tơ. “Ta không cho rằng ‘Trương tiên sinh’ lúc ấy có sức thuyết phục nào với Ngô công tử. Chẳng phải vì ta, đúng không?”

“Ngươi đến đây để cứu người hay giết người?” Mặt không đổi sắc, Ngô Lãng tiến đến gần kẻ áo xanh, dừng lại trước y vài bước chân. Không có một thái độ nào trên khuôn mặt, đôi mắt y, dù là thù ghét hay giận dữ.

“Ta chỉ nhắc nhở rằng đó không phải là lỗi của ta, ta không muốn chết.” Diêu nhún vai, nở nụ cười trơn chuội. “Còn việc gọi ta tới đây làm gì thì ta phải hỏi các người mới phải.”

Ngô Lãng hơi quay đầu, nhìn Oc-nha That qua đuôi mắt. Khi biết y cho gọi Diêu đến, ông ta đã yêu cầu tới ‘canh chừng’ – hẳn chẳng phải vì cảnh giác với Diêu mà chính là y.

Kẻ giảo hoạt này, qua mấy lời châm chọc, đã nhắm trúng không chỉ y mà còn là vị Oc-nha kia. Bây giờ bất cứ hành động, quyết định nào của y cũng sẽ khiến Oc-nha That nghi ngại.

“Ta cần ngươi làm một việc.” Ngô Lãng chầm chậm mở miệng. Khi Diêu lại mỉm cười, y nói tiếp. “Bắt Lâm Phi về đây, ta sẽ thả Như Yên.”

“Ồ.” Diêu khẽ thốt, có vẻ ngạc nhiên thực sự. “Ngươi chỉ cần Lâm Phi?”

“Ngươi sẽ trao đổi nhiều hơn?” Khóe miệng Ngô Lãng khẽ nhếch, dù giọng điệu câu hỏi của Diêu khiến y cảm thấy khó chịu. Diêu chớp mắt mấy lần, rồi lại bày ra nụ cười giống một cái nhe răng.

“Được, được.” Diêu gật đầu, không hỏi lại vì chắc chắn sẽ chẳng được câu trả lời. Thay vào đó, y nhịp đầu quạt dưới cằm, nhướn mày nhìn quanh. “Các người gọi ta tới đây để cho ta biết đường đưa Lâm Phi đến? Sợ ta lại bày trò ‘họp mặt giữa đường’ nên bắt ta cứ phải đích thân tới?”

“Cút xéo!” Lần này không phải Ngô Lãng lên tiếng, mà là Oc-nha That. Ông đã bước đến gần, cau mày nói như quát. Diêu nhẹ bĩu môi, phất tay áo quay đi mà không chào. Bước đến lưng đồi, y lại cao giọng hát í a.

“Kinh mộng giác, tùng thanh đê tác đào. Nhĩ biên tự tố tương tư tạp, tâm thượng nghi văn oán hận cao.

“Kinh mộng giác, hoa ảnh sơ linh tráo. Tiễu tiễu minh minh nghi khứ lai, đỗ quyên di đáo song tiền khiếu.”

“Kẻ tâm thần!” Oc-nha That cau mày mắng. Y những muốn đưa tay day trán, nhưng cũng đành im lặng quay đi.

Khi ở Thương Trúc trang, y chưa bao giờ chạm mặt Diêu, tuy thi thoảng vẫn nghe về tính khí kì dị của kẻ không-có-mặt nọ. Luôn luôn có một lớp hóa trang trên mặt, hát nghêu ngao bất kể giờ giấc hay hoàn cảnh, hai tính chất này quả không sai. Nếu cảnh giác hơn, y hẳn đã nghi ngờ ‘Trương tiên sinh’ xuất hiện đúng nơi đúng lúc ngày ấy mới phải.

Chẳng phải vì ta, kẻ kia nói, lời nói âm âm trong tâm trí y như tiếng cười dài.

“Với thái độ này thì y sẽ đưa người tới chứ?” Oc-nha That vẫn đi theo y, trầm mặc lên tiếng hỏi. Y lắc đầu.

“Kẻ ấy giả điên giả tỉnh, không chắc được gì. Nhưng y đưa Lâm Phi tới cũng được, không đưa cũng được, ta nên chuẩn bị sẵn thôi.” Y ngoái nhìn về phía Diêu vừa rời đi, chợt nhếch môi. “Bằng cách nào mà y tìm được con đường ấy?”

“Đó là lối của người trong làng đi vào.” Nhìn theo ánh mắt y, Oc-nha That khẽ cau mày. “Y quả nhiên đã lởn vởn quanh đây, chỉ cần ta lên tiếng thì chạy đến.”

“Gọi y đến chỉ vì thế?” Như vừa kịp nhận ra, Oc-nha That chớp mắt. Không trả lời, y cúi đầu nhìn bàn chân đang đạp lên lớp cỏ đang mọc. Cánh hoa tàn rụng xuống đã kịp biến mất dưới cỏ dày.

Hai người bước đến bên kia ngọn đồi. Dưới chân đồi, trong khoảng sân được phát quang rộng rãi, quân lính đang tập hợp bên những đống tre trúc vừa được chặt về, người vót chông kẻ làm tên bắn. Dãy nhà kho lớn vừa được dựng chỉ dùng để chứa tên và các loại vũ khí bằng tre trúc. Đằng xa, một toán quân khác đang vận chuyển đồ đạc bằng những chiếc xe lớn do trâu và voi kéo. Bên kia rừng, thấp thoáng sau lớp cây dày là màu núi đá cao ngất như tường.

“Ông để tâm yên ủi mọi người, không để bất cứ ai nóng ruột xông ra làm hỏng chuyện, cho dù Nam Hà có làm gì.” Khoanh tay trong áo, y nói mà không nhìn người bên cạnh. “Ở những nơi thế này, phòng thủ chắc là giành phần thắng. Không cần tranh chấp, cứ đưa quân Nam Hà vào càng sâu trong rừng càng tốt. Kẻ thiệt hại nhiều hơn chắc chắn phải rút lui.”

“Chú ý cử người canh chừng bọn do thám và đột kích là được.” Y dặn dò thêm như nhắc nhở. Mọi việc y vốn đã chuẩn bị xong, chỉ cần nhóm người này không nao núng xáo trộn sắp xếp của y đã là chắc thắng đến tám chín phần.

Trong vùng rừng sâu núi thẳm này, tranh giành đất đai hay cứ điểm đều vô nghĩa lý. Nhưng nếu muốn tiêu diệt bọn y, quân Nam Hà sẽ phải trả giá đắt. Sau những đụn, đồi, lũy và thành đá, thủ dễ hơn công. Quân đội tấn công dễ dàng vắt kiệt sức mình, và bị núi rừng quật ngã trước khi chạm tới đối thủ. Sơn lam chướng khí, muỗi và rắn rết gieo rắc nọc độc, vắt và đỉa, ve rút kiệt máu huyết từ những vết thương. Y có thể phân tán quân khắp nơi, tạo thành một mạng lưới rộng, và siết chết đối thủ lớn hơn dễ dàng như nhện bắt mồi.

Quân Nam Hà chắc chắn biết điều đó, nên đã trì hoãn cuộc tấn công, chỉ phô trương thanh thế cùng đe dọa ở Phố Châm, không ngần ngại sử dụng cả những con tin. Mỗi kẻ bám chắc vào thành trì của mình, bên kia lằn ranh của rừng già.

Chỉ cần thủ vững, cúi đầu, ánh mắt y tối lại. Oc-nha That đã rời đi, y vẫn đứng nguyên chỗ cũ, dường không nghe thấy lời chào của ông.

Hoắc Sinh đã từng nói điều này, nhắc đi nhắc lại. Chỉ cần thủ vững, chúng ta sẽ sống sót. Khi Chân Lạp xáo trộn, người ở Rạch Năn tự lập lấy thành lũy cho mình. Đáng lẽ, họ có thể sống.

Không phải vì ‘Trương lão’ nọ, cũng chẳng phải vì nghĩa phụ dễ dàng đổi ý xoay chiều của y, chỉ vì y đã không ngăn ông lại. Chỉ vì y đã thuận theo, gật đầu chấp nhận – Khi chính mình cũng không rõ mục đích là gì.

Hay y biết, nhưng không muốn thừa nhận.

Màu áo lam nhạt nhòa lẫn với khói bốc ngùn ngụt trên lửa tràn mặt sông ngày ấy chập chờn trong những giấc mộng của y nhòe nhoẹt như đã bị bôi xóa. Bất giác, trong lúc này, hình ảnh ấy lại rõ ràng hơn lúc nào. Lưỡi dao đã đâm vào lưng nghĩa phụ y sáng lóa dưới nắng. Và tiếng cười trong lanh lảnh đến rợn người vọng âm không dứt trên sóng.

Ta là Diêu, kẻ mang khuôn mặt của một ông lão nhưng thanh âm cao vút nghiêng đầu cười. Diêu, thuộc hạ của Thương Trúc trang. Nhưng đẩy những người này vào chỗ chết đâu phải lỗi của ta?

Vội vàng cái gì chứ? Như Yên bĩu môi, cầm cán bút hí hoáy trên giấy, nói mà không ngẩng đầu. Làm cho người thì tốt mà đến lượt mình chẳng ra sao, cũng không trách ai được.

Bóng người như khói trong đêm, luẩn quẩn bay dưới tán lá dày, tụ thành một sắc xanh biêng biếc. Đom đóm chập chờn quanh nàng, ngón tay nhỏ khẽ điểm vào từng đốm sáng, tiếng thì thầm nho nhỏ lao xao trong lá ‘Vì hồ ly tinh. Đại ca vì hồ ly tinh…’.

“Tuyết Nhi!” Y cau mày, lên tiếng gọi. Cái bóng xanh chậm chạp quay đầu. Máu tràn nửa mặt nàng, nhuộm đỏ vạt áo lam. Máu ri rỉ chảy xuống từ hốc mắt, loang xuống môi. Nàng đưa bàn tay đầy máu còn vương xác con đom đóm chết về phía y, cười nhẹ bỗng ‘Đại ca’.

‘Đại ca xấu. Đại ca không tốt. Đại ca nói dối.’ Đôi môi đỏ máu mấp máy, cái bóng xanh lướt lại trước mắt y. Mắt nàng dần dần trắng dã. Bàn tay trắng nhợt nắm lấy ngực áo y, lạnh buốt như băng. ‘Đáy biển lạnh lắm. Cá rỉa, chim mổ Tuyết Nhi đau lắm.’

‘Xin lỗi.’ Y muốn nói, muốn đưa tay chạm vào nàng, hoặc muốn chạy trốn, nhưng không còn chút sức lực nào. Bàn tay nhỏ lạnh ngắt như đang đâm xuyên qua ngực y, nắm lấy trái tim siết mạnh. Cơn đau đến tê dại buốt thấu qua y. Thứ cuối cùng mà y nhìn thấy là con dao cắm ngập vào da thịt.

‘Ta là Diêu.’ Rời tay, kẻ áo lam nghiêng đầu cười, buông mình trượt vào trong khói.

Y chồm người lên định bắt lấy kẻ ấy, tay chụp nắm vào bóng đêm.

“Ôi chao!” Tiếng kêu phá vỡ hoàn toàn giấc mơ của y. Y quay đầu lại, thấy Như Yên đã ngã ngồi xuống đất. Bên cạnh nàng, Tước đang bối rối như nửa muốn cúi xuống đỡ nàng, nửa như muốn lại gần đỡ y. Xoa xoa lưng, Như Yên trừng mắt nhìn y, nhưng mím môi không nói.

“Ở đây làm gì?” Trấn tĩnh rất nhanh, y chỉnh lại thế ngồi trên giường, cau mày nhìn hai kẻ không mời xuất hiện trong phòng. Căn phòng vốn rất hẹp, Như Yên đã ngã xuống bậu cửa, lưng đập vào cạnh tường.

“Chúng tôi nghe tiếng nói…” Tước ngập ngừng lên tiếng. Căn nhà này vốn đã nhỏ, từ khi Như Yên về, phòng được chia ra càng hẹp hơn, bất cứ động tĩnh trong phòng nào cũng nghe rõ.

Y đưa mắt nhìn Như Yên đang ra vẻ xoa nắn vết thương. Nàng tới gần y nên bị gạt trúng, nhưng để làm gì? Hẳn hai kẻ này nghe động chạy vào, nàng ta thấy y nằm mớ nên định ghé tới nghe ngóng chứ chẳng có ý tốt lành.

Ánh mắt y rơi trên bàn tay nhỏ nhắn của nàng, lại lạnh đi mấy phần.

“Ra đi!” Y cộc cằn ra lệnh. Tước vội gật đầu, cúi người đỡ Như Yên dậy. Tính khí y thường ngày đã không tốt, hôm nay càng đặc biệt khó chịu, gã cho rằng không nên chọc giận thêm. Như Yên gạt tay gã, tự đứng dậy đi khỏi phòng.

Cánh cửa đóng lại, trả về bóng tối dày đặc.

Y nằm xuống giường. Cơn đau từ giấc mơ vẫn lan tràn tứ chi, thân thể như bải hoải. Nhưng tâm trí y trống rỗng. Y chỉ nằm nhìn lên bóng tối, cho tới khi nghe tiếng gõ khe khẽ ngoài cửa. Tiếng gõ rất nhẹ, khiến y đã thoáng tưởng là tiếng mưa.

“Uống nước không?” Tiếng Như Yên thì thầm. Y cau mày.

“Không.” Hẳn nàng ta nghe thấy điều gì, lại chạy đến thăm dò. Hoặc tệ hại hơn, đến châm chọc khoét sâu thêm nữa.

“Có nước tâm sen rất tốt, uống rồi ngủ ngon.” Như Yên vẫn chưa vội bỏ cuộc. Không đợi y trả lời, nàng đã nhanh nhảu tiếp. “Ta lỡ nấu rất nhiều, nhưng tâm sen khí hàn, ta uống nhiều không tốt, để lâu phải bỏ đi. Ngươi sẵn tiện không ngủ được thì uống nhé.”

“Đi đi!” Thứ do nàng ta nấu, y càng không đụng vào.

“Này!” Nghe giọng điệu của y, Như Yên ngoài cửa cũng đâm giận. “Ta không giận dữ cáu gắt với ngươi thì thôi, ngươi như vậy là sao?”

Lần này, y nhắm mắt, không buồn trả lời.

“Định bảo không uống nước ta nấu? Nhưng ta nói, đồ của ngươi ta cũng phải giặt cho đấy.” Như Yên đoán được ý của y, hậm hực nói. “Tước cũng giống ngươi, toàn loại cậu ấm không biết làm gì nên hồn. Ở đây không có sơn tiêu, phải lấy tro bếp mà giặt, đáng lẽ phải pha thêm nước để không hại quần áo thì cứ để nguyên[2]. Đáng lẽ ta để yên cho có ngày ngươi rách quần giữa trận!”

“Sau này đừng đụng vào.” Nghe lời nói của nàng, y không biết phải cảm thấy thế nào. “Việc của ta không liên quan đến cô.”

“Ngươi…” Như Yên bặm môi, đột nhiên lại đổi giọng. “Ngươi vừa gọi tên Diêu, đúng không? Y lại chọc ngươi à?”

“Kẻ đó muốn giết ta đấy, ngươi mà để tâm thì ta không lo sao được?” Trong lúc y còn thoáng ngạc nhiên, đã nghe Như Yên cười bên ngoài. Tựa vai vào cửa, nàng húng hắng ho. “Biệt tài của Diêu là đâm bị thóc chọc bị gạo, khiến người khác tức điên. Đến lúc ngươi phát điên, nhìn ta không vừa mắt mà chém cho một phát, ta phải cảnh báo trước chứ.”

“Không liên quan đến cô.” Y nói, nhưng giọng điệu lại chẳng khiến Như Yên tin tưởng. Nàng không định vặn hỏi, chỉ ngẩng đầu ngước nhìn quanh quất căn nhà nhỏ.

“Hồi bé ta vẫn thường gặp ác mộng. Ừ, ngươi cũng biết mà. Lúc nào gặp ác mộng ta cũng tới tìm ngươi.” Nàng mơ màng thì thầm. “Bây giờ thì ta lại không gặp ác mộng nữa, chẳng có giấc mơ nào cả. Ta quên hết ngay mọi thứ từng mơ.

“Ta thậm chí không nhớ mình đã căm ghét ngươi ra sao. Ta nghĩ mình phải ghét ngươi, ta vẫn cho là mình phải ghét bỏ thù hận ngươi, ý nghĩ ấy nhiều lúc khiến ta khó ở yên được. Nhưng ta không có giấc mơ nào hết.” Nàng nói, chợt nửa như cười. “Ngươi ghét ta lắm, phải không?”

Sự yên lặng mỏng như tơ, khiến nàng dường như nghe được hơi thở của người trong phòng.

“Phải.” Cuối cùng, y nói. Nghe tiếng Như Yên cười rất khẽ, đoạn nàng nhẹ chân rời đi.

Trong thinh lặng, y nghe lòng mình dần bình tĩnh.

Cơn đau còn sót lại từ giấc mơ vẫn âm thầm đè chặt nơi lồng ngực. Tay y chạm lên ngực áo, sợi gai nham nhám dưới đầu ngón tay. Dường vẫn còn cảm thấy hơi lạnh từ bàn tay nhỏ, rờn rợn.

Từ dạo ấy, y chưa từng mơ thấy Tuyết Nhi. Vậy mà, chỉ cần kẻ tên gọi là Diêu ấy đứng trước mặt, y đã không thể khống chế được tâm tưởng mình?

Kẻ ấy cố ý, nghiến răng, y nghĩ thầm. Nên kẻ ấy cố tình dùng giọng của Hoắc Sinh để hát, cố tình mặc lại sắc áo đã mặc ngày ấy, cố tình khơi gợi lẫn chọc tức y.

Kẻ ấy hẳn đã ở bên Như Yên ngày nọ, khi nàng cố tình tiếp cận y. Rồi kẻ ấy hẳn cũng đã thấy y lao vào trận chiến với Nguyễn Hữu Oai như thể liều mạng. Đã thấy Như Yên làm cách nào điều khiển y.

Như kẻ ấy đã từng lợi dụng sự yếu lòng của y để tiêu diệt lũy Rạch Năn.

‘Tuyết Nhi’ xuất hiện hẳn để nhắc nhở y điều ấy. Trái tim của y, thứ đang đập dập dồn trong lồng ngực, vốn là thứ không thể tin tưởng.

Cả yêu thương lẫn oán hận đều có thể sử dụng. Không hổ danh là kẻ xuất xứ từ Thương Trúc trang. ‘Cái bóng’ đích thực của người đàn ông đem cả thiên hạ vẽ thành mê lộ.

 

 

Chú thích:

[1] Trích Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Dịch nghĩa “Kinh mộng tỉnh, bóng chuột nhanh như ánh nến. Ánh nến sáng tối tựa ngậm sầu, chưa từng chiếu đến dung mạo tàn phai. Kinh mộng tỉnh, ngựa sắt trước hiên nhà chao đảo. Nước lửa không biết nơi nào, đã thiêu yêu miếu, lật lam kiều. Kinh mộng tỉnh, tiếng trống bi thương thanh vọng, há thương hồng nhan một bước ra đi, một thời nhung nhớ một uất hờn. Kinh mộng tỉnh, sao Sâm Đấu nghiêng đảo. Đêm này thê lương tỉ bốn kiếp, sớm mai đã ly biệt bằn bặt chân trời.”

“Kinh mộng tỉnh, gió động lay cành trúc. Mềm mại lả lướt tựa như ta, phiêu phiêu lãng đãng không phải chốn. Kinh mộng tỉnh, tử quyên kêu nửa đêm. Huyết lệ giục chinh nhân đi khỏi, chẳng như quay lại sao phải gọi. Kinh mộng tỉnh, quạ kêu rơi trăng tàn. Thiên hôn địa ám thu quyết ngấm, gió lạnh người buồn tịch mịch.”

“Kinh mộng tỉnh, tùng reo âm như sóng. Bên tai dường như tiếng tương tư lẫn lộn, lòng mơ hồ nghi hoặc oán hận tràn. Kinh mộng tỉnh, bóng hoa thoáng qua song. Lằng lặng nhạt mờ dường qua lại, đỗ quyên đến hót trước song nhà.”  

[2] Ngày xưa không có xà bông, dùng tro bếp giặt quần áo. Đổ nước vào tro trong rá, lọc vài lần đến khi nước trong. Nước tro này giặt rất sạch, nhưng có tính tẩy mạnh nên quần áo nhanh rách, thường phải pha thêm nước. Nước tro cũng có thể gội đầu chống gàu.

Cũng có cách dùng cây sơn tiêu đốt thành tro, dội nước ấm vào lọc thành chất khoáng, dành để giặt quần áo.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.