Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 76: Tàn xuân
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" April 27th, 2013

“Chàng không thương, chàng bỏ mặc em cô độc
Em đã theo
Một năm đi qua
Tấm áo rách trên mình, sợi tóc đứt vướng cây rừng
Cuộc tình này, em với anh
Cơ cực nhiều, riêng em một mình chịu đựng
Em từ thuở khôn lớn
Trong năm nay bỏng gót với tình…

“Sao lại như thế này số phận?
Biết thế thì thôi cứ lạc mất giữa chừng
Chàng một mực dỗi hờn
Để gục nửa đường trần, trời hỡi!
Chàng không một lần chịu nghe ta nói
Từ chối em, cứ muốn chia xa.
Ở xứ Ia Trang,
Ai kẻ lo phơi klaung cốt chàng
Tôi nói mà chàng chẳng chịu nghe
Cứ một mực lắc đầu – mong chết
Tôi với chàng duyên đà không tốt
Theo kịp về nhưng lại chia đôi.”[1]

Ngoài kia, lửa cháy bập bùng, tiếng ca vang vang.

Đêm trăng tròn, người Thượng trong làng tập trung trong khoảng sân lớn, quanh một đám lửa mà mở buổi tiệc nhỏ mừng trăng. Hai người Chiêm Thành được cử tới canh giữ ở cửa làng cũng gia nhập, gõ nhịp lên cái trống con mà hát từng đoạn rời rạc của bài ca não ruột không theo một thứ tự nào.

Dưới bóng mai, y dừng chân, đưa mắt về phía ngọn lửa. Trên nhà, tiếng ca nho nhỏ cũng đang vọng xuống, như hát theo kẻ bên đám lửa. Người ở đám hội đã ngừng, kẻ trong nhà vẫn còn hát nốt mấy câu cuối.

“Với chàng tình chẳng thắm xanh
Nên dù hội ngộ cũng đành chia xa
Tim đau phơi giữa ta bà
Tan thành như nước vỡ bờ sông kia.”

Hát hết bài, nàng thở dài.

Cánh mai rụng xuống giữa trời yên gió, đậu trên vai y.

Y đưa tay gõ vào thang ra hiệu trước khi bước lên nhà. Đang nằm dài trên chiếu, Như Yên vội ngồi dậy. Thấy y, nàng nhướn mày, nhưng không lên tiếng.

Y ném một xấp giấy dày xuống chiếu cạnh nàng, ngồi bên lò lửa, đặt cái hộp lớn mang theo lên sàn, không nhìn nàng mà nói như ra lệnh.

“Lại đây viết cho xong lá thư.” Như Yên nhìn xấp giấy rồi nhìn y. Y quay lại vừa đúng lúc thấy nàng mím môi, liếc mắt về phía cửa, liền lành lạnh nói tiếp. “Chừng nào chưa viết xong thì không được ăn, cũng không được ngủ.”

“Đâu phải lỗi của ta…” Như Yên vội chống chế, cầm xấp giấy lên mà đến gần y. Y chỉ mở hộp, lấy bút nghiên đưa cho nàng, không định nhiều lời thêm.

Sở dĩ y phải đích thân tới nơi đây vì Oc-nha That đã gần như bị cô gái này chọc phát khùng. Ông ta đưa giấy bút đến cho nàng viết thư liên lạc với thuộc hạ bên ngoài, nàng nhân cơ hội ông ta không để ý, bẻ gãy bút. Thứ bút viết này chẳng dễ kiếm giữa rừng, Oc-nha That phải tìm y để lấy. Rồi ‘con bé quỷ quyệt’ này tiếp tục ‘lỡ tay’ ném giấy vào lửa, làm đổ hết mực xuống sàn. Bất chấp lệnh của Oc-nha That, nàng ta luôn tìm được kẽ hở để luồn lách; cấm làm hỏng bút thì nàng đốt giấy, cấm làm hư giấy bút thì nàng hất đổ nghiên mực. Ba bốn lần như thế, khi tìm được y ở bìa rừng, tóc tai Oc-nha That đã gần dựng ngược vì giận.

“Làm rơi cái gì vào lửa, xuống sàn thì thò tay vào mà lấy, lấy móng mà cào ra.” Không động thanh sắc, y nói với Như Yên cắm cúi mài mực. Nàng đưa mắt nhìn lên, xòe tay ra trước.

“Sáng nay ta ngã xuống thang, trầy trụa cả tay chân, giờ vẫn còn chưa hết đau, đâu phải lỗi của ta.” Nàng hạ giọng, dùng thanh âm đáng thương nhất mà thanh minh. Y nhìn bàn tay nàng đầy những vết xước tím đỏ màu thuốc, vết mới chồng lên vết cũ, hai chân cũng đã bị băng kín.

“Không phải do tìm cách trốn đi?” Ánh mắt y lướt qua nàng, không dừng lại. Như Yên bĩu môi.

“Sao ta phải vất vả thế? Tìm một anh chàng nào ở đây mà bỏ trốn cùng anh ta, trà trộn vào một bản làng Thượng, các ngươi còn lâu mới tìm được.” Nàng bỏ viên mực sang bên, xắn tay áo cầm lấy bút. Y lại đưa mắt nhìn ra đám đông bên ngoài.

“Nếu muốn trà trộn thì học cách ăn mặc giống họ đi.” Phụ nữ người Thượng chỉ quấn xà-rông, không mặc áo. Dù có tự làm mình tăng thêm chục cân, đen như củ súng, nàng cũng chẳng có dũng khí ấy.

Như Yên chớp mắt, cắn quản bút nhìn nhóm người ngoài cửa. Nàng ngước trông lên y, dè dặt cất tiếng.

“Ngươi có thể đe dọa một cách biểu cảm hơn được không?” Mở miệng đóng miệng toàn những lời hăm dọa nàng, lại với khuôn mặt như đá tảng đúc thành này, quả thật khiến người ta sởn gai ốc.

Sắc mặt y tưởng đã không thể tối hơn được nữa. Chạm phải đôi mắt lạnh băng của y, nàng vội ngậm miệng, cúi đầu trải giấy ra sàn. Y chầm chậm đọc cho nàng viết, nàng cũng không hỏi thêm. Đến lúc cầm tờ giấy lên đọc lại, y cau mày.

“Viết mấy chữ sai rồi.” Y nói, thấy Như Yên nghiêng đầu nhìn lướt qua mảnh giấy, nhún vai mà cười.

“Lâu quá không dùng, nhớ không rõ.” Vẻ mặt nàng vẫn ngây thơ vô tội, trong khi y thấy sự kiên nhẫn của mình cũng đang lung lay.

Lấy bút lại từ tay Như Yên, y đích thân viết chữ đúng bên cạnh những chữ bị bôi đen cho nàng chép lại. Như Yên được dạy học từ nhỏ, đọc thông viết thạo, thuộc hạ của nàng thấy chữ sai sẽ nghi ngờ. Y lại càng nghi ngờ kẻ vừa hát thuộc làu làu một trường ca Chiêm Thành kia quên mặt chữ.

Lần này Như Yên chép lại bức thư chậm rì rì. Không dùng lối chữ thảo thông thường, nàng gò từng nét như luyện thư pháp. Chốc chốc nàng lại bỏ bút, xoa tay duỗi chân ra chiều đau đớn khổ sở. Y khoanh tay ngồi nhìn lửa trong lò, chờ cho đến khi đám đông ngoài sân làng tan hết, Như Yên mới đưa tờ thư cho y.

“Viết lại.” Nhìn qua tờ giấy, y âm trầm thốt ra hai chữ. Vo tròn bức thư trong tay, y ném vào lửa. “Dùng lối thảo!”

Trong một tờ giấy, nàng đã dùng hết bốn lối chân, thảo, triện, lệ, kể cả lối viết của người nơi này, mỗi chữ một kiểu. Như Yên tiếc rẻ nhìn nét chữ bay bướm của mình tan đi trong lửa. Mực trong nghiên đã cạn, nàng buông cán bút, bất mãn bĩu môi.

“Dù gì người ngoài cũng biết ta bị các ngươi bắt buộc mà viết, hình dạng ra sao quan trọng gì đâu?” Nàng duỗi lưng đã mỏi, đẩy nghiên mực về phía y như ra dấu cho y mài. Ghé mắt nhìn trăng đã cao không còn bóng ngoài cửa, Như Yên đưa tay che miệng ngáp khẽ. “Thậm chí ngươi chỉ cần viết cho ta điểm chỉ là xong.”

“Viết xong mới được ngủ.” Nhặt viên mực, y xoay tròn nó trong nghiên, nói mà không nhìn lên. Như Yên chống tay, khúc khích cười.

“Ngươi ở đây trông? Vậy thì sáng mai ta ôm chăn mà ngủ, ngươi lại phải vật vờ treo trên cây? Thế thì ta có lợi quá rồi.” Nàng nheo mắt, cười tươi như hoa. “Thư qua tin lại, rồi cuối cùng thuộc hạ đồng minh của ngươi thấy ngươi sức lực mất đi dần dần, lúc nào cũng lơ ngơ dật dờ thiếu ngủ vì đến chỗ ta thường xuyên, họ sẽ đá cho ngươi vài cái. Ha, ta còn chẳng cần phải động tay.”

Ngón tay y cầm viên mực ngừng lại. Nghiên mực trượt qua sàn đến trước mặt nàng.

“Viết đi!” Sắc mặt y chẳng còn chút dấu vết nào của sự ôn hòa. “Hay thích Oc-nha That đem thuốc tới cho uống?”

“Người xấu.” Như Yên hậm hực cầm bút, hí hoáy viết. Vừa viết, nàng vừa không ngừng liến thoắng. “Vội vàng cái gì chứ? Ngươi có nghe chuyện công và quạ bao giờ chưa? Công và quạ trước đây đều có màu xám xịt xấu xí, gà chẳng phải gà mà vịt chẳng ra vịt, thế là chúng nảy ra ý định tô điểm cho nhau. Quạ vẽ cho công rất tỉ mỉ, biến đuôi công thành lộng lẫy trăm sắc. Đến lúc công đang vẽ cho quạ thì có một đàn cò bay qua, bảo rằng có đãi tiệc. Quạ tham ăn thấy vậy liền bảo công làm nhanh nhanh lên, đổ tất cả màu lại với nhau mà trút lên người. Đến khi ăn no bụng, quạ mới phát hiện ra mình có bộ lông đen sì. Làm cho người thì giỏi mà đến lượt mình chẳng ra sao, lại cũng chẳng trách ai được. Người ta thì đi khoe đuôi tán gái khắp nơi, mình vừa đen vừa xấu trốn chui trốn nhủi không dám gặp ai. Chỉ vì vội vàng nôn nóng một lúc mà ra thế, cũng chẳng biết tiệc của bọn cò có ngon lành gì cho cam nữa…”

“Cũng liên quan đến chuyện chim chóc, ở đây có sự tích chim bìm bịp. Có một nhà sư tu mãi không thành chính quả, quyết định đi tìm Phật để hỏi. Giữa đường, ông ta cảm hóa được một kẻ làm ác giết người, bảo chỉ cần ‘thực tâm’ sẽ được chứng. Nghe xong, gã rút dao mổ ngực lấy tim đưa cho nhà sư, nhờ đem đến cho Phật. Nhà sư gói quả tim lại đem đi. Nhưng ngày qua ngày, quả tim bắt đầu hôi thối, sinh ra giòi bọ. Nhà sư cũng cứ kiên nhẫn rồi kiên nhẫn, nhưng cuối cùng không chịu đựng nổi mà vứt quả tim vào bụi. Đi được vài bước, nhà sư gặp Phật. Phật hỏi có quên cái gì bên đường không? Thế là nhà sư quay lại tìm nhưng không thấy nữa. Tiếc nuối vô cùng, nhà sư chết hóa thành chim bìm bịp chuyên lẩn lút bụi cây. Cũng chỉ cách vài bước chân mà hỏng cả, chính vì không đủ thành tâm với cả người lẫn mình. Mà cũng vì vội vàng cái gì không biết, cứ đem trái tim ướp muối phơi nắng làm khô mấy buổi là tha hồ khuân đi khắp nơi…”

“Được rồi.” Mắt thấy Như Yên đã viết xong chữ cuối, y liền đưa tay rút lấy tờ giấy, không đợi mực khô. Kiểm tra không thấy bất thường, y gật đầu, xếp bức thư vào hộp, bỏ trong tay nải. Không nhìn lại Như Yên, y đứng lên, bước xuống thang.

Sau lưng y, Như Yên thở hắt ra một hơi dài. Nàng nằm hẳn xuống sàn, khoanh người ôm cả tay lẫn chân mà nhăn mặt, than khe khẽ “Đau quá đi…”.

Y không quay đầu, chỉ có gió núi thổi qua mái tóc, lành lạnh như sương rơi trên cổ.

Trong hơi gió đã nghe khí lạnh âm ẩm. Y ngước nhìn mây đang phủ lấp mỏm núi phía xa, trăng sao vẫn còn sáng tỏ, quyết định lấy ngựa đi về căn cứ. Đến nửa đường, ánh trăng bị mây che khuất hẳn, mưa lộp độp rơi xuống. Y đã đến bờ dòng suối đang cuồn cuộn chảy trong mưa, quyết định quành ngựa rẽ vào con đường mòn bên cạnh. Khu nhà mồ dưới mưa và bóng tối mịt mù càng âm u thê lương, nhưng y đã đi lại quen nơi này, dong ngựa đi thẳng về căn nhà mồ ngoài rìa. Buộc ngựa dưới một mái hiên gần đó, y nâng cao ngọn đuốc trong tay, bước vào căn nhà nằm giữa tường rào cao đến ngang ngực, tượng gỗ nhấp nhô. Gian nhà trong trống trải, nổi bật phiến đá trắng lớn như một tấm phản giữa sàn, trên đầu phiến đá đặt mấy thức thờ cúng nho nhỏ. Y mở hộp gỗ đầu nhà, lấy ra một tấm nóp cùng mảnh da dày làm chăn, trải trên sàn gỗ mà nằm xuống. Ngọn đuốc bị dụi tắt, trong nhà tối không thấy ngón. Chỉ nghe tiếng nước rơi lác đác. Mưa đầu mùa không ồ ạt bão lũ, khí đất bốc nồng vẫn còn chút hơi nóng.

Hẳn chưa cần lo nước ngấm xuống dưới, đưa mắt nhìn về phía phiến đá, y thầm nghĩ. Tay y vươn ra định chạm lên gờ đá rồi lại thôi. Đầu phiến đá có một lỗ hổng theo phong tục cúng thức ăn cho người chết của người nơi này, y dùng để đưa thức ăn xuống cho kẻ bên dưới. Nhưng nghĩ không có gì để nói với hắn lúc này, y buông tay, nằm quay lưng lại dỗ giấc ngủ.

Rừng núi vặn mình rào rạt. Ngàn cây trăm loại đồng loạt trỗi lên trong mưa, ầm ầm vang động. Trong bóng tối và khoảng không dày đặc, tưởng như lọt thỏm giữa một cơn sóng lớn.

Trời đã mưa, y chập chờn nghĩ. Có thể dựa thế nước cho bè trôi xuống chặn đoàn quân đang đánh lên. Nhưng khu rừng núi này không ẩm thấp giống Chân Lạp, bọn họ có thể dùng voi từ cao nguyên đánh xuống. Dù vậy, bố trí bè ở các dòng nước thì khi khẩn cấp vẫn có thể dùng để thoát đi. Nếu có thể dùng các thuộc hạ của Như Yên, trận địa này còn biến thiên thay đổi rất nhiều…

Sự trì hoãn của nàng ta có mục đích gì? Chỉ là sự chống đối ương bướng, thích chọc giận người khác của nàng ta hay nhằm kéo dài thời gian được lúc nào hay lúc ấy? Nàng ta còn có thể làm gì?

Nàng còn nhớ hay thực sự đã quên? Nhiều lúc, y đâm nghi hoặc sự ‘quên lãng’ của nàng. Hay chỉ là sự đa nghi khiến y có tật giật mình? Nàng ta vốn giỏi gây rối trí cho người khác bằng những lời vu vơ trúng vào đâu cũng được tuôn ra như suối.

“Đó là quỷ lắm mồm.” Nghiêng đầu về phía tảng đá, y nói. Thanh âm rất nhỏ ngay cả đối với y. Thanh âm lạ lùng ngay cả đối với y. Y mím môi, liền im lặng.

Cách một tấm gỗ, lẫn trong mưa rừng gào thét, dưới đất không vọng lên một thanh âm.

Y mơ màng thức ngủ đến khi trời sáng. Mưa đã sớm ngừng, để lại bầu trời trắng mây mù. Bước khỏi căn nhà, y đi đến chỗ buộc ngựa. Chẳng biết nghĩ sao, y mở hộp trong tay nải, lấy ra tờ giấy hôm trước. Nhìn lại lần nữa, y phát hiện ra chưa có điểm chỉ của Như Yên. Đêm qua nàng lải nhải làm y sốt ruột, đã quên mất việc cuối cùng này.

Thở ra, y đành cởi dây buộc ngựa, quay đầu hướng về khu bản làng vừa rời khỏi. Khi y đến, trời đã sáng hẳn. Nước đọng trên cành mai rơi tí tách xuống chậu nước rửa mặt để dưới thang. Cửa nhà đóng, có vẻ Như Yên vẫn chưa trở dậy. Y đưa tay gõ thang, đợi một lúc, vẫn không có tiếng trả lời. Y gõ thêm một lần nữa, mới nghe tiếng nói uể oải vọng xuống “Lên đi”.

Như Yên không ra mở cửa, vẫn nằm cuộn tròn trong chăn. Thấy y, nàng cũng không nhấc đầu dậy, chỉ khép hờ mắt hỏi “Có chuyện gì thế?”.

“Còn thiếu dấu tay.” Y trả lời, tự lấy nghiên mực bên góc nhà, nghiêng bình rót nước vào. Như Yên nằm im lặng, đưa tay ra dấu cho y đưa nghiên mực lại gần. Y phải nắm lấy cánh tay nàng để ấn vào nghiên. Vừa chạm vào tay nàng, y đã cau mày.

Dù qua một lớp vải, vẫn cảm thấy làn da nàng nóng rực.

“Đau đầu quá.” Bỏ bàn tay xuống, không buồn lau tay, Như Yên mệt mỏi nói. “Ngươi không đi tìm thầy thuốc thì ta chết bây giờ.”

“Chết rồi sẽ thành qủy lắm mồm.” Y chờ mực khô, nhét lại tờ giấy vào hộp, lãnh đạm nói. Như Yên bật cười.

“Ngươi… Đây mới là mặt thật của ngươi à?” Nàng ho khàn khàn, hé mắt nhìn y qua mép chăn. “Thật chẳng giống chút nào.”

Y im lặng, đến bên lò ném thêm mấy cành củi vào lửa. Nàng nằm đã lâu, cả lửa trong lò cũng gần tắt, căn nhà lạnh gần như bên ngoài.

Mùi khói xông lên, Như Yên càng ho thêm. Nàng gắng hít sâu hơi ấm vào ngực, thấy những vết thương trên người đau đến tê buốt. Có lẽ vì khí núi bốc lên quá thịnh trong mưa đầu mùa, có lẽ vì vết thương sưng tấy, nàng đã đột nhiên phát sốt. Ở nơi này dù nàng có gọi cũng chẳng ai nghe hiểu, đành cứ thế nằm hết đêm.

Gặp kẻ này chẳng có lúc nào may mắn, nàng tức giận nghĩ thầm. Lúc này y lại đứng nhìn ngọn lửa, không biết đang nghĩ gì mà chẳng có lấy chút hành động dù chỉ là đưa nước cho nàng uống lấy hơi.

“Ngươi không đi tìm thầy thuốc thì ta chết bây giờ.” Như Yên nhắm mắt, mệt mỏi nói khẽ. Kẻ này đa nghi thành tính, có lẽ nghĩ nàng đang giả vờ mà bỏ mặc nàng thật. “Sức khỏe chẳng biết tại sao lại tệ đi thế này, đi một lúc là không còn hơi, lạnh một chút là thấy như ngạt thở. Ngươi có chữa thì ta cũng chết sớm đấy, huống hồ là bỏ mặc ta.”

Y vẫn đứng yên, ngọn lửa nhảy múa dưới chân y. Hơi ấm dần dần lan đầy phòng. Trong khói có vị hăng hăng đăng đắng tựa như mùi quế.

“Ta chết thì ngươi đem ta đi hỏa táng nhé, đừng chôn xuống đất. Xác chết thối rữa mục nát xấu xí kinh tởm lắm.” Đầu óc nặng trĩu, lại bị mùi khói vây tỏa mờ mịt, Như Yên đã mơ màng nửa thức nửa ngủ, lẩm bẩm. “Ta bệnh đến chết thì ngươi cứ giam lại, không cần cho ai thấy, đừng có đem ta ra dọa người. Bệnh tật chết chóc có đẹp đẽ gì đâu mà đem dọa?”

Y ném vỏ quế cuối cùng trên tay vào lửa, quay người đi khỏi căn nhà.

Bản không có sẵn thầy thuốc, chỉ có một thầy mo chuyên dùng lá rừng chữa bệnh. Y không an tâm về ông ta, đành cho người gọi thầy thuốc trong quân tới. Người Đường này y đã dùng tiền mua được từ một chiếc thuyền buôn, biết cả chút ít y học của Tây dương, vốn trước đây bí mật chữa trị vết thương cho y. Bắt mạch cho Như Yên đã mê man ngủ rồi ông ta xuống thang, gọi người đi nấu nước.

“Chỉ bị cảm thôi. Nhưng khó chữa đấy.” Y không hỏi, nhưng người thầy thuốc thạo việc đã chủ động báo cáo. Rút vào rừng, người trong quân ngã bệnh là việc thường xuyên xảy ra. Vốn quen thẳng thắn với y, ông ta nói liền không ngần ngại. “Cô gái này trong người không hiểu sao hàn khí quá nặng, kinh mạch không được thông suốt bình thường cho lắm, tỳ vị trước lại bị tổn hại sẵn. Cơ thể yếu ớt nên dễ nhiễm khí lạnh, không được bồi bổ nghỉ ngơi cho đúng thì e khó trụ được lâu.”

“Sao lại thế?” Y cau mày. Dù Như Yên từng trải qua bạo bệnh, cũng khó có thể dùng chữ ‘khó trụ được lâu’. Thể chất nàng vốn bẩm sinh khỏe mạnh, không phải vài cơn bệnh có thể quật ngã được.

“Không rõ.” Người thầy thuốc trầm tư lắc đầu, giơ cho y xem miếng vải trong tay, có lẽ là dải băng Như Yên quấn quanh vết thương. Có vài vệt đen lẫn với màu thuốc tím trên vải. Ông ta thận trọng nói. “Giống như… có độc trong máu.”

“Cô ấy từng bị đầu độc.” Y gật đầu. Như Yên hẳn đã phải qua tam ban triều điển mới có thể trốn thoát, nhưng theo lý không thể giữ chất độc lại trong người mà sống sót? Y vẫn không biết bọn họ cứu nàng bằng cách nào, không thể rõ chất độc từ đâu mà có. Im lặng một thoáng, y nói thêm. “Suýt chết.”

“Nếu đã chết giả thì có lý hơn.” Mắt người thầy thuốc chợt sáng lên. “Tôi đã từng nghe những truyền thuyết, truyện kể như thế. Nhưng về mặt thực tiễn mà nói, khi cơ thể chết đi như thế, không còn hơi thở, máu nuôi dưỡng, lại không được giữ gìn bảo quản hợp cách, các cơ quan đều tổn hại. Có người hồi phục được, có người không. Cơ thể cô gái này vốn đã yếu, tình trạng mệt nhọc quá mức, hao tổn nguyên khí tinh thần quá nhiều, mới có tình trạng chất độc tích lại trong người không thải loại được.”

“Còn sống đến giờ cũng đã lạ…” Câu nói cuối, ông ta chợt hạ giọng như thì thào cho mình nghe. Nhưng y có thể nhìn khẩu âm để đoán ra.

Được xông lá, uống thuốc, đến trưa Như Yên tỉnh lại. Nàng chống tay ngồi lên rồi lại ngã xuống chiếu. Đầu váng mắt hoa, nàng vẫn cảm thấy bao tử réo gào.

“Đói quá…” Mắt kèm nhèm, nàng chỉ thấy bóng người ngồi trên bậu cửa, liền đưa tay gọi. Kẻ ấy đi về phía lò lửa, lấy từ nồi trên lò ra một bát cháo lớn, đưa đến trước mặt nàng. Nàng ngửi được mùi thịt trong cháo, liền cười, tung chăn dậy. Y chỉ đặt bát cháo trước mặt nàng rồi quay về chỗ ngồi, nhìn ra cành mai rung rinh ngoài cửa.

Không để ý đến y, Như Yên ăn hết bát cháo rồi mới ngẩng đầu lên.

“Ngươi vẫn còn ở đây à?” Nàng xoa bụng, lại nằm xuống, kéo chăn qua cổ. “Ta còn chưa chết đâu mà. Lúc trước ta ăn hết hộp thuốc trường sinh bất tử của Hoắc Phương, mãi không chết được.”

“Cũng phải.” Mắt dõi theo cánh hoa rơi xuống, y nhẹ giọng đáp, không rõ tâm tình. Thưở thiếu thời, nàng được bồi bổ bằng những vật trân quý, tác dụng lâu dài. Nhưng có là thuốc tiên cũng không chống lại nổi ý muốn hủy hoại bản thân của chính nàng. Tình trạng bây giờ do tự nàng tìm lấy.

Nàng trả giá bằng cả bản thân, hắn nói. Rồi y lại nghĩ, Đáng sao?

Nàng lại chìm vào giấc ngủ, hơi thở khe khẽ nhè nhẹ mỏng tang.

Nhưng y không nghe gió núi, y cũng không nghe thanh âm xôn xao của bản làng giữa trưa nắng hạ, chỉ lắng nghe tiếng thở từ góc bên kia phòng.

Khi những cánh hoa mai cuối cùng của mùa xuân rơi xuống không tiếng động.

 

 

Chú thích:

[1] Trích Ariya Xah Pakei, Inrasara dịch.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.