Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tống Thị – 6
Trường An in "Tống Thị" February 26th, 2013

Kẻ ấy tên là Thắng Bố.

Thắng… Bố? Ngày đầu tiên gặp, ta hỏi lại. Hắn nhe răng cười, khoe lúm đồng tiền bên má, ưỡn ngực mà gật đầu.

Cứ gọi là Bố cũng được. Hắn nói.

Ta mím môi, đá hắn xuống ao.

Khi còn là một đứa trẻ, ta đã nghĩ, người đặt cái tên ấy cho hắn quả là một kẻ dị thường – theo một ý nghĩa không tốt lành. Gọi riêng cái tên đã vô cùng chướng tai. Gộp cả họ lẫn tên lại thành một câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ồ, ta lại nghĩ, chẳng đứa trẻ nào muốn có cái tên như thế. Cái tên như một sự nhắc nhở triền miên, một món nợ của tiền nhân, một yêu cầu gắt gao tàn nhẫn đuổi theo thằng bé như cái bóng suốt đời.

Cả tên lẫn họ của hắn đều dị thường. Ngươi là người nơi khác tới, ta từng hỏi. Tất nhiên, không phải nơi khác theo ý nghĩa thông thường. Hắn chỉ lắc đầu, bảo rằng không biết.

Ta không dám hỏi mẹ hắn, người phụ nữ im lìm, lầm lỳ, seo sắt như khúc cây ngâm muối biển lâu ngày. Bà ấy dẫn hắn tới làng ta vào một ngày mùa xuân, trong bộ dạng rách rưới chắp vá đến không thể phân biệt quần áo hai người là dạng gì. Bà mang theo một cây đàn xẩm, hắn cầm phách. Bà có tiếng hát trong vắt đến ngạc nhiên. Nhưng những lúc không hát, bà im lặng.

Họ dựng một cái chòi trong làng và ở lại, không vì lý do gì. Ở đây nhìn thấy biển, hắn nói. Ta bảo, còn xa mới tới biển, chỉ thấy những đụn cát trắng xóa nhấp nhô lẫn với cỏ và rừng.

Ừ, hắn gục gặc đầu, nhưng mẹ tôi thấy biển.

Mẹ hắn vốn là một người mù. Bà không nhìn, cũng không nói, chỉ nghe. Có thể bà nghe thấy biển trong tiếng gió Tây ù ù thổi qua cát trắng, mùi vị mặn đắng của đất đai. Hay đơn giản hơn, chỉ là một mảnh đất dưới chân, nhìn ra khơi xa vô tận.

Khi lớn lên, ta lại nghĩ, bà thật ra chỉ đi tìm nơi không còn bóng dáng hay âm thanh của những con thuyền.

Hai mẹ con hắn đã đi suốt chiều dài của bờ biển, từ một nơi xa xôi nào đó đến nơi này, từ ngày hắn mở mắt chào đời cho đến khi bà dừng chân. Một ngày, bà ngồi xuống, cảm thấy không cần tìm kiếm hay đợi chờ thêm nữa, hoặc đã mệt mỏi trong cuộc trốn chạy. Và từ đó, bà bỏ mặc cuộc đời.

Kẻ ấy thường hay tới tìm ta, ngồi vắt vẻo trên cây sứ trước nhà mà gọi í ới vào trong. Ta thường bỏ mặc hắn. Nhưng nhà nhỏ, vách tre liếp không đủ che chắn, hắn vẫn nhìn thấy ta. Nếu ta không đi ra, hắn sẽ nhảy vào trong rào.

Sao cứ bám theo ta, ta từng bực mình hỏi. Ngươi giống mẹ ta, hắn cười.

Ta nghĩ đến người đàn bà khô héo nọ, lại tìm cách đá hắn xuống ao.

Nhiều năm tháng sau này, ta lại thỉnh thoảng nghĩ tới bà ta, vóc dáng nghiêng nghiêng im lìm như thân cây mọc trên cát, oằn mình vì gió biển. Biển cả đã bỏ rơi bà, gió cũng đã không còn thổi, bà chỉ lắng tai nghe mà không nói bất cứ điều gì. Bất cứ điều gì cũng đều không còn cần thiết.

Linh cảm của trẻ con đôi khi lại có sự thấu suốt xác thực lạ lùng. Hắn đã nhìn thấy, bằng ánh mắt của đứa trẻ đã đi suốt chiều dài của biển, bóng dáng của định mệnh. Điều mà sau này hắn không còn nhớ nữa, nhưng ta thì nhớ.

Không phải lúc nào hắn cũng bám lấy ta. Hắn phải đi làm việc như ra chợ hát rong cùng mẹ, bắt ốc mò cua, bẻ lá chuối, làm muối, mót thóc, giăng lưới, đào ao… chạy như con thoi từ làng trên đến làng dưới, từ đồng ra biển. Khi về, tóc còn cháy nắng, thân thể khét mùi bùn, hắn nhảy lên chạc cây sứ, kêu í ới vào trong nhà. Bọn con gái trong làng bấm nhau cười rúc rích. Hắn mặc kệ, ném cho ta khi thì cái vỏ ốc, hòn đá cuội dưới suối, mảnh hoa cương từ thuyền, hay chỉ là con cào cào đan bằng lá. Ngươi không nhận thì ta vứt đi, hắn nói. Ta liền làm một cái giỏ đan để ngoài sân cho hắn tiện ném bất cứ thứ gì vào.

Lúc vui vẻ, ta dạy hắn học chữ, rồi cũng nhanh chóng mất kiên nhẫn với sự ù lì của hắn. Kẻ này chỉ nhanh nhảu thuộc những câu hát bài ca nhảm nhí nơi bến cảng, trong chợ ngoài ao; sáng mắt tinh tai với tiền. Năm rộng tháng dài, số chữ lận lưng của hắn chỉ vừa đủ đôi ba cái lá mít. Mỗi khi chọc giận ta, hắn lại ngồi trước sân, vạch cát viết hết chừng ấy chữ cho ta đọc. Thường thì đàn gà vịt trước sân đào bới mất gần hết dấu tích, nhưng ta cũng chẳng hơi đâu để bụng lâu với một kẻ như hắn.

Trong ký ức của ta, hắn là một đứa trẻ đen đúa, gầy nhẳng như nhái bén đu bám lên cành cây mềm. Đến khi ta rời khỏi nhà đi lấy chồng, hắn vẫn là một đứa trẻ như vậy – dù đã cao lớn hơn khá nhiều. Ngày bà mai đưa sính lễ đến nhà, hắn nhảy lên cây nhìn chò lõ vào, khiến cha ta phải cầm gậy đuổi đi. Hắn rơi xuống khỏi chạc cây, hoa trắng rắc trên thân thể cứng đờ ngồi dưới gốc. Đến lúc gậy trên tay cha ta giáng xuống lần nữa, hắn bất chợt vung tay, cây gậy gãy làm đôi.

Và rồi hắn bỏ đi. Đi mất. Đi biệt tích. Ngày ta vu quy, chỉ có tiếng hát của mẹ hắn vọng ngoài cồn cát. Bà vẫn hát như một thói quen, chẳng đợi chờ, cũng chẳng thất vọng.

Rồi sau đó ta cũng không về làng. Ta vượt qua dãy đèo núi cao, đến sống ở dinh trấn tấp nập. Thời gian trôi qua, cái giỏ đan chứa đầy những đá sỏi, mảnh vỡ, lá vụn kỳ lạ ấy nằm yên trong một góc nhà. Có lần, ta đi tìm một vật mà đến bên cái giỏ ấy, nhặt ra một vỏ ốc lớn. Áp tai nghe, quả có tiếng biển rì rào.

Lần gặp lại, hắn đem theo một cái sọt to, lần này chứa đầy sừng hươu, ngà voi, trầm hương, mã não, có cả vài viên ngọc quý mà người Tây đem đến bán, quạt hương Giang Nam, tượng gỗ Nhật Bản… Đồ tôi nhặt trên đường, tặng cô cả đấy, hắn cười nói, mắt không hiện một tia sóng gợn. Hắn bảo, lại tiếp tục cuộc hành trình qua biển. Rồi cũng như mẹ hắn, cảm thấy đến lúc muốn về thì trở về. Hắn đưa mẹ đến Quảng Nam, mở một tiệm vải nhỏ cho bà, bản thân vào làm môn khách một vị quan. Nhiệm vụ của môn khách là chủ sai gì làm nấy, hắn giản dị bảo. Dù sao thì so với làm việc trên thuyền, trong bến chợ cũng giống nhau.

Không giống, ta thầm nghĩ. Môn khách là những kẻ “ăn cơm nhờ”, làm thuộc hạ không danh chính ngôn thuận để thực hiện những việc mờ ám, không được ghi công. Chỉ những kẻ xuất sắc như Đào Duy Từ mới có cơ hội thăng tiến. Hắn chỉ có sức lực cùng võ nghệ học mót của dân giang hồ tứ chiếng, lại là kẻ chẳng rõ lai lịch xuất thân, khó vượt qua nổi những kẻ võ sĩ bán nghệ nhan nhản khác. Chẳng bằng gom tiền của mở tiệm hàng lớn để kinh doanh, có thể sống vui vẻ cả đời.

Hắn nhún vai, để lời ta ngoài tai. Nhìn ánh mắt hắn, ta chợt nghĩ đến cha ta. Ông cũng từng có ánh mắt phẳng lặng, trầm tĩnh như thế - cho đến ngày ông cầm gậy đánh hắn rơi khỏi cành cây. Một loại ánh sáng như phản chiếu trên mặt đá, thứ màu sắc hoàn toàn do kẻ đối diện tưởng tượng ra.

Khi cuộc chiến xảy ra, khi Trịnh đưa quân đánh xuống lần đầu tiên, hắn đã đến Quảng Bình, gia nhập đội quân của Trung Thành hầu. Ngài ấy tuyệt vời, hắn kể lại, với đôi mắt vẫn không rõ tâm tình. Giữa đạn pháo dồn dập đan cắt nát bầu trời và mặt đất, Trung Thành hầu đứng ở đầu thuyền, điều khiển toàn bộ đoàn quân. Quân Trịnh chỉ giỏi đánh bộ, nên từ dưới sông, thuyền Đàng Trong đến cắt ngang trận địa, nã pháo và bắn tên đạn vào đội quân địch. Lính Đàng Trong trên bờ bị dồn ép sau lũy, nhờ thủy quân giải vây. Trung Thành hầu cũng chủ động đưa quân tập kích đồn lũy địch, bức chúng thoái lui. Có một vị tướng không biết sợ hãi nao núng như thế trên chiến trường là linh hồn của cả quân đội.

Hắn đã đến Quảng Bình trong một dịp tình cờ, gia nhập vào quân đội hẳn cũng vì một cơ duyên trong chuyến hành trình dằng dặc, hoặc vì muốn thử tới một nơi chưa bao giờ đặt chân vào. Điều gì đó đã xảy ra giữa những cuộc đụng độ, khói lửa và chém giết. Hắn đã đi qua cái chết, nhìn lại bãi chiến trường với đôi mắt của kẻ thắng trận – Không, kẻ đã thực hiện được điều mình muốn. Ngày ấy, ràng buộc cuối cùng của Đàng Trong với Đông Đô gãy nát, không còn những kế mưu và bất mãn ngấm ngầm như cái lưới chụp lên mọi kẻ. Không còn cả giận dữ và oán hận. Trong cái chết và nỗi sợ hãi, bọn họ đã tìm thấy Tự do.

Một điều gì đó gần như cái tên của hắn. Một khát vọng gần như là gánh nặng của tiền nhân. Một nỗi ám ảnh nằm sâu trong tâm khảm nhân loài. Một điều chỉ có thể tìm thấy trong nỗi đau tuyệt cùng và cô đơn tột bậc.

Nhưng hắn không phải là bọn họ. Khi bọn họ ăn mừng chiến thắng, hắn trở về mái chòi trong cát, ngồi cùng người mẹ vẫn gảy chiếc đàn đã mòn và hát những bài hát cũ. Hắn không nghe thấy biển trong tiếng gió, cũng chẳng nhìn thấy đường chân trời bên kia đại dương. Thế là hắn dẫn mẹ ra đi, trong cuộc hành trình mới của cuộc đời.

Hắn thực sự muốn gì, ta không hỏi, cũng không muốn biết. Hắn từ chối đề nghị tiến cử của ta, bảo rằng chưa muốn trói chân vào nhiệm vụ của một tên lính quèn. Người như hắn có cố gắng cũng chỉ làm đến Cai đội, những chức vị cao hơn dành cho người xuất thân Thanh Nghệ, quê hương của chúa. Chỉ là một chức Cai đội, có ta ở đây, hắn muốn lúc nào chẳng được?

Ta đã cười, cho rằng đó là một câu đùa. Ngày ấy, cả hai chúng ta, hay ít nhất là ta, đều còn quá giản đơn để hiểu rằng chẳng có gì là nhất định trên đời. Ngay cả địa vị của ta, cuộc đời mà ta đã có, chỉ cần trong một cái chớp mắt đã có thể vụn nát.

Ngày ta ở trong nhà ngục, hắn tới, bế theo thằng út của ta. Không rõ bằng cách nào, lính canh mở cửa ngục cho hắn vào. Sau khi vượt qua một chặng đường dài, bị mùi máu tanh cùng những cảnh hãi hùng bên ngoài dọa hoảng sợ, thằng bé quấy khóc không ngừng. Ta đã hâm hấp sốt, bản thân cũng chẳng có lòng dạ dỗ nó. Hắn lấy trong túi ra mấy viên đường cho thằng bé. Nó mệt mỏi ngủ thiếp đi, vẫn nắm lấy tay hắn kêu “Bố, bố…”.

Cô gọi tôi là Bố cũng được. Hắn quay sang ta đang nửa mê nửa tỉnh, nhe răng cười.

Ta quay đi, bảo: Đừng nhắc kẻ ấy với ta.

Ta được thả khỏi nhà ngục, rời khỏi nhà của Khánh Mỹ hầu, hắn vẫn tới luôn. Lúc thì mượn cớ đưa bọn trẻ đến chơi, khi thì lại trổ mòi trèo cây leo vách mà vào. Ta bảo muốn mở tiệm buôn bán làm ăn kiếm sống, hắn liền chạy khắp nơi lo toan. Trong một lúc, ta đã nghĩ, mình có thể cứ thế sống yên ổn cả phần đời còn lại.

Đó là trước khi Nguyễn Phúc Anh tìm tới. Ta liền bảo hắn xin làm thuộc hạ của Nguyễn Phúc Anh, vừa có thể đường hoàng tới nhà ta mà không bị gã nghi ngờ, vừa có thể thăm dò động tĩnh của gã.

Ta chỉ không rõ, ngay khi vào cửa Chiêm dinh, hắn đã liên lạc với Vân Hiên tử. Trong những năm Nguyễn Phúc Anh ở Quảng Nam, nhất cử nhất động của gã bị theo dõi sát sao, bằng đủ mọi phương cách. Và trong thất bại của gã, cũng có hắn góp phần.

Hắn đã không còn là đứa trẻ bị đánh đuổi rơi xuống gốc cây ngày xưa. Hắn cũng chẳng còn là thiếu niên buông mình vào cuộc bỏ trốn biền biệt. Hắn đã đủ kiên trì và nhẫn nhịn, ngay cả khi đưa Nguyễn Phúc Anh tới nhà ta “mừng chiến thắng” sau khi chiếm đoạt Chiêm dinh. Đêm ấy, hắn đứng ngoài sân, trong dáng vẻ của một bức tượng đã phai màu sương gió. Ngày hôm sau, ánh mắt hắn vẫn phẳng lặng, như mặt hồ tối sẫm mơ hồ tựa miệng vực.

Nguyễn Phúc Anh bị trừ diệt trong lửa cháy đỏ Đà Nẵng. Hắn đến trước nhà ta canh chừng toán lính càn rỡ chạy vào. Hắn nhìn về phía ngọn lửa, ánh sáng bập bùng trong mắt, cùng với ánh nắng ngày trở nên chói gắt đến khó có thể nhìn thẳng vào. Đôi mắt của một con dã thú cũng không đáng sợ như thế, không tràn ngập sát khí mà là cái chết. Như thể, thế gian trong mắt hắn đã biến thành lửa đỏ, sau này và mãi mãi không thể biến cải.

Hắn không nói, trong suốt những năm tháng ấy, trong suốt những gì ta đã trải qua và trả giá để sống còn. Hắn giống như người mẹ của mình, chọn lựa sự im lặng khi không còn bất cứ điều gì cần thiết để nói.

Khi không nói, cũng không cần phải nghĩ, không cần phải sắp xếp và gọi tên mọi điều thành hình dạng hay ý nghĩa. Chỉ như thế mới có thể chịu đựng được, hoặc đơn giản hơn, chấp nhận mọi điều đã và sẽ xảy đến. Khi không nói, cũng chẳng có chờ đợi lẫn yêu cầu.

Người gọi đó là bi ai hay tuyệt vọng? Ta chỉ nghĩ, đó là cách tốt nhất để tránh cả bi ai lẫn tuyệt vọng.

Chúng ta đã lớn lên bên nhau, trong vùng đất của cát và gió Tây triền miên thổi. Chúng ta đi bên nhau, suốt cuộc đời, vẫn như hai kẻ ở trong và ngoài hàng rào. Chúng ta đã tìm cách tồn tại qua những tháng năm dài như những con thú hoang tìm lấy đường sống nơi rừng thiêng nước độc. Tất cả mọi lời nói đều không cần thiết, ngay cả sự cảm thông hay oán giận cũng vô nghĩa lý, đau đớn hay buồn thương đều đáng vứt đi. Lời nói, ngay khi được thốt lên, đã lập tức trở thành giả dối, phù phiếm và nông nổi.

Con người lừa gạt nhau, lừa mị chính mình qua lời nói. Chẳng có gì là thật, khi cố gắng rót vào tai kẻ khác điều mình muốn – để rồi đến cuối cùng, nhiều kẻ lại tin vào chính điều mình nói. Như thể thấy lại hình ảnh phản chiếu qua một tấm gương.

Cho đến cuối cùng, ta không yêu cầu giải thích, cũng chẳng thốt ra một lời oán giận. Trong chấn song của ngục tối, sau những cung hình để lấy lời khai, ta càng cảm thấy nhu cầu bức thiết của sự im lặng. Lời nói, cũng như cuộc đời, đã trở thành không cần thiết.

Những gì chúng ta nói với nhau luôn về công việc. Ngay cả cùng uống một ấm trà, hâm một bình rượu, dưới trăng thưởng hoa, trên cỏ đạp thanh, thưởng thức cuộc sống phù du với những sắc màu chớp tắt của nó cũng chỉ như những cuộc dạo chơi quanh các đụn cát, bờ ao ngày nào. Hắn đã trở thành một đội trưởng trong Chiêm dinh, trả công cho ‘chiến tích’ ngày trước. Ta đã là một bà góa với thân phận không được thừa nhận, bên lề của tất cả các danh xưng. Đến khi ta trở thành bà Tống quyền khuynh nhà chúa, khoảng cách của chúng ta vẫn chỉ là hai kẻ đứng bên kia bờ.

Có những lần hắn bỏ đi, nhảy vào chiến trận. Những cuộc chiến liên tiếp nổ ra khi quân Trịnh hết lần này đến lần khác kéo xuống đòi trừ diệt Đàng Trong này bằng được. Nhưng hẳn hắn không định đánh trận lập công, chẳng những có rất ít phép màu để những người lính quèn làm được điều lớn lao to tát, có gì khác biệt thật sự giữa đội trưởng và Cai đội – chức danh cao nhất mà hắn có thể với tới? Hắn chỉ muốn ra chiến trận, bị thu hút vì điều gì ở đó, như thể làm trò ném dao trong gánh xiếc rong. Hắn tìm kiếm trong những cơn say máu của chiến trường nhịp tim đập của sinh mạng, và trở về với cuộc sống như thể vừa hồi sinh.

Hoặc chỉ là nỗi ám ảnh trở đi trở lại của một lời nguyền nằm trong định mệnh, được gọi bằng cái tên không bao giờ thay đổi. Hắn chỉ muốn nhìn thấy, chứng kiến, những cuộc chiến giành giật lấy từng thước đất, của hủy hoại và sinh tồn, của trừ diệt và chống cự, của quyền lực và khao khát. Trong những năm dài, cùng với các cuộc chiến, sự chuyển biến hình thành và xác lập. Lũy Trấn Ninh sừng sững như một sự tồn tại đương nhiên không thể thay đổi. Và bằng những lời nói, sự thù hận cũng trở nên đương nhiên với quá nhiều lý do.

Lời nói, cùng mọi dạng bằng ngôn ngữ của nó, là sự dối trá phủ che lên bề mặt, hoặc là một loại ám ảnh thê thiết nằm trong tâm linh.

Cũng có thể, tất cả chỉ là do hắn tự huyễn hoặc áp đặt cho bản thân, khi mẹ hắn không bao giờ lên tiếng. Đến lượt mình, hắn lại dối trá bằng ngôn ngữ - theo một dạng thức khác.

Và cũng có thể, khi nói những lời này, ta cũng chỉ đang tự dối gạt mình.

Sau những cuộc chiến, hắn trở về, đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên tia cuồng dại không rõ nguyên do. Sau những tháng năm, thời gian mài khắc hắn thành hình dạng hoàn toàn khác biệt với đứa trẻ đen gầy như con nhái bám cành hoa sứ ngày nào. Chỉ có ta vẫn nhớ về thời ấy, như thể chấp nhất không buông.

Hai mươi năm, ta nổi chìm trong phù hoa, hắn lăn lộn nơi sương gió. Ta khát khao sức mạnh, hắn kiếm tìm sự sống. Đến cuối cùng, chúng ta chẳng còn là những đứa trẻ năm xưa.

Đến cuối cùng, khi nhìn lại, ta thấy mình như trở về mảnh đất ven bờ biển, với cát, nắng và gió. Không có biển, chẳng có đường chân trời. Tiếng hát của người đàn bà câm lặng sau đụn cát như vọng lên từ đất.

Hoa sứ đã rơi ngoài cửa, trắng cả pháo hỉ hồng.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.