Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tống Thị – 5
Trường An in "Tống Thị" February 15th, 2013

Cậu ta là Nguyễn Phúc Tần, Dũng Lễ hầu, và sau này là Hiền vương.

Cái tên quả là có ảnh hưởng tới con người. Qua thời gian, những cái tên thay đổi, và con người cũng đổi thay.

Ta từng bảo, ước muốn của cha ta, cùng ý nghĩ của ông, chỉ là suy tưởng của những kẻ hèn kém bần cùng, những kẻ vốn không bao giờ đặt chân vào quyền lực. Cha ta đã từ bỏ một vị trí đủ an toàn để với lấy một ước vọng cao xa hơn. Nhiều khi ta lại thấy mình tự hỏi, ở phương Bắc, cha có bao giờ nhận thấy sự hối hận? Không phải vì ta, mà vì sự an toàn ông đã khước từ, biển cả đã đưa ông đi ngày ấy rồi sẽ đưa ông vào bão tố bất tận. Rồi ông sẽ, hoặc đã, học được sự khôn ngoan. Người khôn ngoan nhất là kẻ đứng sau lưng quyền lực, để nó bảo hộ mình. Kẻ dại dột nhất là người đứng trên cao tột đỉnh, trước đầu sóng ngọn gió.

Thứ đích thực nuôi sống, nâng đỡ chỏm cây cao là gốc rễ, thân cành. Bão gió thổi qua, cành gãy lá rơi, gốc rễ lại có cơ may sống sót nhiều hơn hết.

Nếu có chút ít ý thức, hẳn chỏm lá trên cao kia hẳn cũng đến lúc biết chọn hướng ẩn náu cho mình, kéo theo cả cái cây ngả nghiêng lệch lạc. Quả thật có những loại cây như thế, cong mình theo hướng nắng, hướng gió mà tồn tại. Và chất độc, và gai góc, chúng cũng phải biết làm tất cả những gì có thể để bảo vệ bản thân.

Con người sống trên thế gian này, vì cái tên mà thay đổi. Cái tên, trong vài trường hợp, không chỉ để định danh con người, mà là tất cả - Cuộc đời, mạng sống, thân nhân, ước vọng, địa vị và quyền lực… Để giữ lấy nó, họ buộc phải trả giá nhiều hơn là tất cả.

Để trở thành kẻ mạnh, phải trả giá. Không sớm thì muộn, không từ bất cứ ai.

Đến cuối cùng, Hiền vương đã không còn là Dũng Lễ hầu – càng không phải là Nguyễn Phúc Tần. Cái tên ấy cũng đã mất đi, đã không còn ai gọi ra, và cũng không được viết trên giấy. Khi viết tên của một vị chúa, phải dùng phép chiết tự hoặc bớt nét. Cái tên của ngài ta, đến cuối cùng, hẳn chỉ còn một mình ngài ta nhớ rõ. Chỉ còn ngài ta gọi mình trong những giấc mơ và khi tỉnh thức, rồi có thể sẽ quên đi, như quên một điều trong quá nhiều điều không thể hoặc không muốn nhớ trong cuộc đời đầy biến động.

Rồi cuối cùng, Hiền vương chỉ là Hiền vương, một vị vương trong cung phủ Kim Long, người nối dõi của Thượng vương, Sãi vương, Tiên vương. Không ai còn gọi cậu ta là Dũng Lễ hầu, tuy họ vẫn thường nhắc về cậu ta trước kia – cho đến mãi sau này. Những gì cậu ta đã làm, những chiến công của cậu ta đã lập, và những giấc mơ mà cậu ta đã có.

Những giấc mơ, hẳn Nguyễn Phúc Tần cũng phải có những giấc mơ. Như khi cậu ta đơn độc đem đội thuyền của mình ra đại dương đối phó với Ô Lan. Như khi cậu ta cầm cờ Tiết chế đối đầu với đại quân Trịnh ngoài lũy Trường Dục. Như khi cậu ta nôn nóng và giận dữ trong khoảng thời gian đầu lên ngai chúa. Chỉ có thời gian mới đem lại sự khôn ngoan – Và có khi, thời gian cũng tiêu diệt những giấc mơ, đốt cháy mọi lớp vỏ lung linh của chúng, để lại cái lõi trơ khấc, nặng nề tựa như cơn ác mộng.

Sớm, rất sớm, Nguyễn Phúc Tần đã được nếm trải sự nghiệt ngã của địa vị cậu ta nắm giữ - giấc mơ cậu ta nắm giữ. Người thanh niên chưa tới tuổi nhi lập, dòng máu nóng sôi sục trong huyết quản, những lý tưởng và ước vọng lung linh trước mắt với vẻ đẹp của dải ngân hà chói sáng, đem chúng làm hành trang bước lên ngôi chúa. Cậu ta lên ngôi trong tiếng hoan hô dậy đất của đoàn quân vừa thắng trận, lời ngợi ca của những kẻ bề tôi; đem ba vạn tù binh làm quà lễ mừng, lấy mảnh đất từ Bố Chính đến Hoài Nhân làm cơ đồ dựng xây ước vọng. Nguyễn Phúc Trung cũng đã buộc phải đứng lùi lại, phải khuất phục trước khí thế hừng hực ấy. Trong một khoảng thời gian, ngoại trừ nỗi đau mất cha, Nguyễn Phúc Tần hẳn đã nghĩ mình là kẻ nắm được cả thế gian.

Nhưng sớm, rất sớm, cậu ta đã hiểu được, thứ gọi là chiến công – thực tế, chẳng là gì.

Chúa Thượng đã đột ngột qua đời khi khói lửa trên chiến trường vẫn còn chưa nguội lạnh, trong những bộn bề tranh chấp của triều chính và sự xáo trộn của lòng người. Ngài ta, trong cuộc sống đầy những toan tính, bí mật và giấu diếm, đã tạo nên quá nhiều phe phái, mắc mứu và âm mưu. Tứ trụ đại thần do ngài ta tạo lập, thương phố Kim Long do ngài ta xây dựng, Quảng Nam với những viên quan do ngài ta cài cắm, và triều đình với cuộc tranh đấu sáng tối mập mờ xoay quanh ngài ta, tất cả chợt rơi vào một trường hỗn loạn mới.

Bị đánh bại ở Trường Dục, quân Trịnh buộc phải lui về. Nhưng nghe chúa Thượng đã mất, ngay lập tức, triều đình Đàng Ngoài ra lệnh chiêu binh. Chỉ ba tháng sau, một vạn lính Trịnh kéo đến Dinh Cầu, lập dinh Tả trấn quân; năm ngàn binh đóng trong dinh Hữu trấn quân. Chỉ nội số lính đóng ở Bố Chính đã bằng cả lực lượng quân sự Đàng Trong. Lần này, Trịnh quyết không buông lỏng chiến trường Bố Chính, dù không đánh tiếp ngay thì cũng dùng áp lực quân sự đè nặng lên triều đình non trẻ của vị Hiền vương mới lên ngôi kia.

Quả nhiên, áp lực càng nặng, lòng người càng nôn nao xào xáo. Chiến thắng trước của Dũng Lễ hầu nguyên bởi toán quân Trịnh tuy đông nhưng lạ nước lạ cái, không hiểu địa hình, không rõ lực lượng quân địch, lại cũng không có cơ sở tiếp ứng, bị đánh một trận đã tan. Bây giờ Đàng Ngoài cho lập hai dinh quân ngoài Bố Chính hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành căn cứ vững chắc, gọng kềm siết chặt lũy Nhật Lệ, sẵn sàng cho đợt tấn công mới.

Sự hứng khởi vì chiến thắng nhanh chóng bị thay thế bởi nỗi sợ hãi. Và trong những rối loạn, cuộc chiến âm thầm lại tiếp tục. Triều Văn hầu, cha của Nguyễn Hữu Dật – cánh tay phải của Dũng Lễ hầu trong chiến thắng trước, bị tố cáo mà buộc phải rời khỏi vị trí trấn thủ ở Quảng Bình. Vài năm sau, đến lượt chính Nguyễn Hữu Dật bị giam vào nhà ngục vì lời tố cáo của đồng liêu. Lớp tướng lĩnh ủng hộ Nguyễn Phúc Tần dần dần bị áp chế, rơi rụng.

Trong khi đó, sứ giả Đàng Trong phái ra Đông Đô lại đàm phán được với chúa Trịnh về một hòa bình tạm thời. Không thể giữ vị thế mà chúa Sãi, chúa Thượng đã tạo dựng, không chịu nổi áp lực quân Trịnh ép xuống Bố Chính, cũng không thể tự tin để đối đầu lần nữa với đợt tấn công mới, nhà chúa phải phái sứ giả đến Đông Đô hòa đàm với Trịnh. Vừa mất ba vạn quân, vua Lê cũng vừa qua đời, chúa Trịnh không muốn động binh ngay nên đồng ý.

Nhưng đến lúc này, Nguyễn Phúc Tần hẳn cũng đã nhận ra, ánh hào quang của chiến trận thực tế chẳng để làm gì.

Chiến thắng không chỉ phải trả giá bằng số người ngã xuống trên chiến trường, mà còn đổi lại là căng thẳng ngày càng lên cao nơi biên giới, tiền của cùng nhân lực phải đổ vào sau đó để củng cố biên phòng, chưa kể tới phải coi sóc số tù binh được đưa đến Thăng Điện để khai khẩn đất hoang. Cuộc sống của tất cả bị xáo trộn, nỗi âu lo đè nặng bất kể đêm ngày. Ô Lan rút khỏi Hội An, mất một nguồn lực buôn bán với Nhật Bản. Và rồi, người tướng lĩnh cầm đầu đội chiến thuyền ngày ấy, vài năm sau lại chủ động hòa đàm cùng công ty Đông Ấn, chấp nhận Ô Lan trở lại với sự tự do tăng thêm, miễn cả thuế xuất nhập cảng cho quốc gia này[1]. Tuy nhiên, người ta không dễ quên những gì đã xảy ra đến thế, và sự rút lui hẳn của Ô Lan sau những khó khăn chồng chất cũng đánh dấu sự thất bại của vị chúa đang tìm lại những gì mình đánh mất.

Cậu ta đã chậm mất một bước. Người không thể bỏ ăn một ngày, cũng như thương trường chẳng đợi được vị chúa trẻ, người Bồ Đào Nha đã đến thay thế Ô Lan. Không được cấp phép vào Nhật Bản, Bồ Đào Nha chuyển hướng về Đàng Trong. Lúc bấy giờ, Bồ Đào Nha đã chiếm được Áo Môn[2], cùng với Ô Lan chiếm giữ đảo Đài Loan làm căn cứ thao túng mặt biển, tranh giành đấu đá nhau. Tuy không được vào Nhật Bản, Bồ Đào Nha cùng với những nhà truyền giáo của họ lại có ảnh hưởng sâu rộng với hầu hết các quốc gia[3]. Cùng với những nhà truyền giáo và tàu buôn Bồ Đào Nha, mạng lưới thương mãi của Đàng Trong dần mở rộng.

Nguyễn Phúc Tần đã chậm mất một bước, và do đó, tất cả những gì cậu ta làm – tất cả hành động trái ngược với những gì cậu ta làm trước đó, những điều đưa cậu ta lên ngôi – đều gây bất mãn. Sự bất mãn cũng có mặt phi lý và cường điệu của nó. Ô Lan trở lại, nhưng không được ai chấp nhận; chúa Trịnh ngừng binh, nhưng kẻ khác coi đó là một nỗi nhục. Đến lượt mình, Nguyễn Phúc Tần, vị tân vương mang danh chúa Hiền, đã phải học cách im lặng, nhẫn nhục và đơn côi.

Cha con Nguyễn Hữu Dật lần lượt bị tố cáo, vị chúa có thể dùng quyền lực của mình che chở họ, nhưng không thể “gia ân” sử dụng người bị nghi ngờ. Trung Thành hầu được gia phong làm Chưởng dinh, những người em của chúa Thượng và người trong tông thất được đưa vào những vị trí quan trọng – Nhưng cũng chẳng giúp củng cố quyền lực của chúa Hiền thêm được. Ngược lại, Vân Long hầu Nguyễn Phúc Tráng xích mích với cha con Nguyễn Hữu Dật chỉ là bề nổi của những tranh đấu ngấm ngầm.

Ở Quảng Bình, quan tướng tranh giành vị trí trấn thủ, quyền kiểm soát thành lũy quan trọng sống còn với Đàng Trong đem lại quyền lực tại Kim Long. Ở Quảng Nam, những thay đổi lớn lao đang diễn ra, ngay cả các quan tại Chiêm Dinh cũng khó lèo lái được. Ở Hoài Nhân, sau được đổi thành Quy Nhơn, những tù binh vừa tới được chuyển đến các đồn điền, phân tán vào tay những điền chủ, phú hào cung cấp vật dụng cho họ đi khai khẩn. Quyền lực mà chúa Thượng từng áp đặt lên vùng đất này vỡ nát cùng với cái chết của ngài ta. Và vị chúa trẻ thấy tất cả đang dần dần tuột ra khỏi tay mình.

Ngai vàng vốn dành cho một người duy nhất. Không có gì che chắn, chẳng có nơi lẩn trốn, cũng không có kẻ đồng hành. Nếu không thể bước lên, hẳn sẽ bị kéo xuống.

Hẳn nhiên, ngay cả cậu ta cũng biết rõ ai là kẻ chực chờ dưới ngai vàng. Cậu ta đã đem những tôn thất khác vào các vị trí quan trọng, hy vọng bọn họ có thể phân tán quyền lực và ảnh hưởng của người chú. Nhưng cậu ta hẳn chưa lường tới hoàn cảnh ngược lại, rằng sự ủng hộ của tất cả mọi người vốn không dành cho địa vị mà cậu ta có, mà là những gì họ có – những gì cậu ta đem tới cho họ.

Nguyễn Phúc Tần, vị tướng nóng nảy trên chiến trường thưở xưa, và những gì cậu ta đã làm được khi mới lên ngôi, khiến rất ít kẻ vừa lòng.

Cậu ta không ngây thơ khờ khạo, chỉ là cậu ta có một người cha quá phức tạp. Ngài ta hoàn toàn không giống người con mình, và cũng không mong cậu ta thấu hiểu. Với những gì ngài ta để lại, những mê cung của mối quan hệ mập mờ chằng chịt, những sáng tối đan xen của lợi ích, quyền lực, tốt xấu thị phi, Nguyễn Phúc Tần không chọn được cho mình con đường phải đi. Cậu ta vốn cũng không có lựa chọn.

Nguyễn Phúc Tần không có lựa chọn, ngay cả với cái chết của Thị Thừa. Cô đào hát quê ở Nghệ An, hẳn là một “chiến lợi phẩm” cậu ta đem về từ chiến trận, vốn dĩ không thể tồn tại được ở Kim Long. Nguyễn Phúc Kiều đã giết cô ta, chẳng rõ là bẩm mệnh hay tự tiện, để rồi biến câu chuyện thành một minh chứng cho đạo đức của chúa. Đạo đức, nếu như giết người có thể trở thành đạo đức, chỉ có thể là giết một người đàn bà. Hay nói đúng hơn, kẻ họ muốn giết thông qua cô đào hát nhỏ bé bất lực ấy, chỉ là ta – hay cái bóng của ta, cũng đều như nhau.

Chúa Thượng đã chết, nhưng ta vẫn còn sống. Không ai giết được ta, ngay cả vị chúa trong dinh phủ Kim Long, và tất cả những kẻ đã và đang nguyền rủa ta.

Tất cả bọn họ chỉ trút giận được vào một cái bóng. Thế nhưng, cái bóng ấy có thể giết chết bọn họ bất cứ lúc nào.

Họ thấy cái bóng ấy trong cô đào hát Nghệ An nọ, kẻ “xướng ca vô loài”, dùng tiếng hát điệu đàn và nhan sắc để kiếm sống, để thu hút và quyến rũ đàn ông. Và bọn họ, kẻ thì sợ hãi, người thì căm ghét. Một nhóm người khác, khôn ngoan và gian giảo hơn, dùng những lời ong tiếng ve, những bóng gió xa xôi, lời đùa câu cợt để gợi xưa nhắc nay, đem cái bóng trùm kín cả cung phủ Kim Long.

Con giống cha, họ nói với tiếng cười. Người cha vì một câu hát mà rước cả con người, vì một vòng hoa mà đem tiếng tăm mình gắn liền với chữ vô luân, vì một người đàn bà mà khiến không ít kẻ căm ghét. Con giống cha, sau lời đùa cợt ấy là sự đe dọa âm thầm. Ngay cả có giết được ta, vị chúa trẻ cũng không thể lấy lại tiếng tăm mà cha cậu ta đã đánh mất, nỗi ám ảnh mà ngài ta đã để lại – trong huyết quản và máu thịt cậu ta.

Không thể giết được cái bóng, chỉ có thể giết con người. Không thể tiêu diệt kẻ đã chết, chỉ còn dùng ngài ta để tiêu diệt người còn đang sống. Nguyễn Phúc Tần, trong những năm tháng đầu tiên trên ngôi chúa, đã nếm được sự mỉa mai và cả nỗi nhục nhã trong bất lực. Cậu ta loay hoay, trong lời cầu hòa với Trịnh, trong hòa đàm với Ô Lan, trong những lệnh thuyên chuyển đổi thay theo chiều gió – Và bất lực. Nếu cần thêm một cái cớ, chỉ cần nhắc đến cái “tương lai” mà người người đều e sợ kia.

Và trong nỗi bất lực tận cùng, Nguyễn Phúc Tần đã phản kháng.

Nguyễn Phúc Tần, Dũng Lễ hầu của ngày xưa đã vì cư dân ven biển mà nổi giận, mà liều lĩnh đến bất chấp lệnh triều đình lẫn sinh mạng, đã biết cách trả giá.

Bằng máu của Thị Thừa, cậu ta đã đem cả cuộc đời mình đánh đổi. Hiền vương, người người gọi, vị chúa thanh liêm tôn quý, chăm chỉ hết mình – Vị chúa không bao giờ nữa, biết đến lạc thú hay hạnh phúc, từ chối và ngăn cấm chúng.

Một khi đã đặt mình lên vị trí quá cao, chỉ một bước hụt chân cũng sẽ ném người vào địa ngục.

Cậu ta đã trả giá. Và khi ấy, ta đã nghĩ, cậu ta sẽ là một kẻ đáng gờm.

Một kẻ đã đem cả cuộc đời mình đánh đổi, đã đưa mình lên một vị trí tột vời lẫn chông chênh như trên đầu ngọn tháp, sẽ chẳng còn điều gì không dám làm. Cậu ta đã không có lựa chọn, và đến lượt mình, sẽ không cho những đối thủ có lựa chọn.

Điều này, Nguyễn Phúc Trung vào những ngày cuối đời hẳn hiểu rõ hơn ai hết. Ông ta đã bị đập nát, bị tước đoạt tất cả, bị triệt tiêu đến mảnh cuối cùng của linh hồn. Nguyễn Phúc Tần đã lật ngược thế cờ, đổ vào người chú cơn sóng mà ông đã âm mưu dùng nó cuốn phăng cậu ta. Và cậu ta đã làm mọi thứ một cách êm ái. Giữ mạng sống cho Nguyễn Phúc Trung, cậu ta bắt ông phải chứng kiến, và do đó là chịu đựng, nỗi thống khổ lớn lao nhất của đời người. Nỗi thống khổ mà cậu ta đã từng phải – và vĩnh viễn - chịu đựng.

Ngay cả ta – hay cái bóng của ta – cũng bị ném trả về phía Nguyễn Phúc Trung. Với tất cả sự mỉa mai mà cuộc đời hay con người có thể nghĩ ra.

Nguyễn Phúc Trung đã không hiểu sự trả giá. Ông ta là một người khôn ngoan, đủ khôn ngoan để kiên nhẫn và chờ đợi. Ngay cả khi chấp nhận lui xuống nhường chỗ cho Nguyễn Phúc Tần, ông ta cũng đã đoán biết trước những gì sẽ xảy đến. Ở vị trí này, rất ít người còn bị lóa mắt bởi hào quang. Nguyễn Phúc Trung, kẻ đã từng ở trong hào quang tột đỉnh, càng hiểu rõ đạo lý ấy. Ông ta dường như cũng hiểu rõ Nguyễn Phúc Tần – vào lứa tuổi đôi mươi - những giấc mơ, lý tưởng và sự lúng túng, nỗi hoảng hốt khi phải đối mặt với thực tế, nỗi thất vọng dằng dặc với bản thân đến gần như sợ hãi. Ông ta đẩy người thanh niên nọ lên ngai vàng, lên vị trí cao tột đỉnh, và biến cậu ta thành đích ngắm của muôn vạn kẻ, đưa cậu ta thành một mục tiêu để đối đầu. Khi hào quang tan biến, Nguyễn Phúc Tần đơn độc trên ngai chúa, bị tước bỏ lần lần những thuộc hạ và kẻ trung thành. Những hành động lúng túng của cậu ta chỉ đưa thêm cớ cho những kẻ bất mãn tập hợp về. Những hành động trái ngược với điều cậu ta làm trước đó chỉ khiến sự ủng hộ mất đi. Và Nguyễn Phúc Trung không hề khó khăn để tập hợp tất cả bọn họ lại.

Thật dễ dàng để lật đổ một kẻ yếu hèn, và càng dễ dàng hơn để đổ cho kẻ ấy những tội lỗi cùng ô nhục. Nếu không có biến chuyển, hẳn Nguyễn Phúc Tần sẽ được ghi vào sử sách như Nguyễn Phúc Trung – vì đàn bà mà sai lầm, sa ngã, và bội phản. Không ai ngạc nhiên về điều đó, với tấm gương của cha cậu ta.

Nhưng điểm khác biệt duy nhất mà Nguyễn Phúc Trung không lường tới, là sự trả giá của Nguyễn Phúc Tần.

Chỉ kẻ dám trả giá mới có thể trở nên mạnh mẽ.

Chỉ kẻ dám lợi dụng, chà đạp ngay cả bản thân, mới có thể đánh đổi.

Hào quang, nói cho cùng, được xây dựng trong chính ý tưởng của người đời. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều có phần không thực tế. Chính trị cũng như thương trường, đều bán mua lợi ích cùng niềm tin; hào quang, dù phù du ngắn ngủi hay giả dối bất thường, cũng đều có thể sử dụng. Những lời hứa hẹn đều là mua bán tương lai, và hào quang chẳng khác gì số tiền đặt cọc.

Nguyễn Phúc Tần đã đem cả cuộc đời mình ném lên bàn cược. Bằng cái chết của Thị Thừa, cậu ta khẳng định mình không phải là chúa Thượng – và ném trả tất cả những lời ong tiếng ve trở lại bằng cùng một cách. Những kẻ đồn đại nếm phải trái đắng chính mình tạo thành – Những người bị hù dọa bằng “cái bóng của chúa Thượng” thở phào nhẹ nhõm, ngợi ca và tin tưởng thêm gấp mấy lần. Những người đang dao động phân vân, và những kẻ chống đối phải im lặng.

Điều duy nhất Nguyễn Phúc Trung không ngờ tới, là Nguyễn Phúc Tần đã đem cả cuộc đời mình trả giá. Hiền vương – rồi đây sẽ là hình ảnh của thánh thần, đỉnh cao tót vời của thứ đạo đức cực đoan do con người xây dựng, là vị chúa sẵn sàng hy sinh cho “đại nghiệp” và “lý tưởng”.

Vẫn còn cái bóng của Dũng Lễ hầu đâu đó, trong những câu chuyện xưa, trong những trang sách mà thuộc hạ cậu ta ca tụng về người đã đem mạng sống đi đòi lại danh dự cùng công bằng trên mặt biển. Nhưng không cần đợi đến ngày mà cậu ta ra tay với Trung Thành hầu, ta đã biết Dũng Lễ hầu thưở ấy không còn tồn tại.

Và ta đã nghĩ, vượt qua khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi còn lại, ta đã nghĩ về những ngày sắp tới, về những cuộc chiến tranh, bành trướng, tham vọng và tương lai mà mảnh đất Đàng Trong này sẽ trải qua. Nguyễn Phúc Tần – Hiền vương, sẽ không ngừng lại. Cậu ta, không giống như cha ông chỉ cần một khoảng tự do, không giống như tổ tiên nơi phương Bắc chỉ cần bình yên và an toàn, sẽ đẩy tất cả đến một giới hạn cực cùng.

Tất cả, Trung Thành hầu, quân Trịnh nơi phương Bắc, cả những thuộc hạ, quan tướng trong triều đình, cả Đàng Trong và tương lai cùng quá khứ, sẽ đều phải nếm trải thứ cảm giác này. Như lửa bùng cháy dưới lòng đất, rồi thiêu cháy tất cả những gì ở trên đường đi của nó.



Chú thích:

    [1] Năm 1650, chúa Hiền chủ động kêu gọi người Hà Lan trở lại thông qua một lá thư gửi cho công ty Đông Ấn, nhờ chủ sự Trung Quốc tại Batavia chuyển. Thư chấp nhận cho người Hà Lan những ưu đãi lớn như tự do buôn bán, miễn thuế xuất nhập khẩu và không bị kiểm kê hàng. Tuy nhiên, người Hà Lan chỉ trở lại được vài năm, gặp phải quá nhiều khó khăn, họ rút lui hẳn vào năm 1654.

    [2] Áo Môn: Macao.

    [3] Bồ Đào Nha theo Công giáo, Hà Lan và Anh theo Tin lành, đây là lý do Bồ Đào Nha bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Lúc này Trung Quốc vẫn chưa ban lệnh cấm đạo.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.