Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tống Thị – 1
Trường An in "Tống Thị" January 29th, 2013
    Tống Thị tuy là phận gái nhưng có chí lớn, nhan sắc hoa thẹn, nguyệt mờ, dáng điệu nhạn rơi, cá lặn, tính tình lẳng lơ, mây sớm gió chiều, thân Hồ nhớ Việt, nói năng khéo léo khoái hoạt, cợt gió đùa trăng, phong thái chẳng kém gì Ly Cơ, Tiểu Muội.

    Nam triều khai quốc công nghiệp diễn chí

 

 

Ta họ Tống.

Tên của ta? Chẳng quan trọng. Đã từ lâu, chẳng còn ai gọi tên của ta nữa. Cái tên của đàn bà chẳng quan trọng, thường chỉ được cha mẹ dùng để phân biệt đám con của mình – Mà theo tục lệ đặt tên cho trẻ con thực xấu xí để ‘ma quỷ không bắt đi’, những cái tên của đám trẻ con cũng thực thô tục buồn cười, ví dụ như Hĩm, Ghẻ, Chấy, Nu, Na… May ra, trong những nhà có học thì con gái đến tuổi cài trâm được đặt cho cái tên có chút ít ý nghĩa. Nhưng rồi cũng không ai gọi cái tên ấy cả. Khi ở nhà, họ được gọi là con Cả, con Hai nhà nào đấy, thường theo tên họ của cha. Đến lúc lấy chồng, họ trở thành bà Cả, bà Hai, lần này theo tên họ của chồng. Còn ta chẳng hạn, kẻ cung kính gọi ta một tiếng “Bà Tống”, kẻ khinh bạc thì gọi ta “Tống Thị”. Ta nghĩ, ngay cả những đứa con cũng chẳng nhớ được tên ta.

Được rồi, ta là cô Hai nhà họ Tống, bà Ba của Khánh Mỹ hầu Nguyễn Phúc Kỳ, bà Tống hay Tống Thị trong miệng mọi kẻ bên ngoài.

Những người đàn ông của ta gọi ta theo bất cứ cách nào mà họ nghĩ ra. Với một số người, hẳn họ định danh ta là Tống Thị, một người đàn bà họ Tống trong số các nhân tình của họ. Chồng ta gọi ta là bà Ba, thứ tự một người vợ trong số những người vợ của ông ta. Một số khác, lãng mạn hoa hòe hơn, gọi ta là Hương, Hoa, Ngọc, Châu gì đó, theo cách mà họ mường tượng.

Cái tên của ta, cái tên mà cha mẹ đặt cho ta, cũng chỉ có một người gọi. Chỉ có cha gọi ta bằng cái tên mà ông đặt. Nhưng lâu rồi, ông cũng đã không gọi tên ta nữa. Từ khi ta được gả cho Nguyễn Phúc Kỳ, ông không còn gọi tên ta nữa, ông cũng theo bọn họ mà gọi ta là “Bà Ba Tống”, hay văn hoa khách sáo hơn một chút là “Tống phu nhân”.

Cái tên của ta, đã mất từ lâu rồi.

Ta họ Tống.

Đó là trước khi họ nhà ta được chuyển thành Tống Phúc. Khi ta vào tiềm để hầu đại công tử Nguyễn Phúc Kỳ của Sãi vương, sinh cho nhà Nguyễn Phúc đứa cháu đích tôn, nhà ta không thể cứ là dòng họ thường dân thô lậu. Thế là cha ta được ban cho họ Tống Phúc, giữ chức Cai cơ.

Nhưng cũng chẳng liên quan đến ta, ta vẫn cứ là họ Tống.

Cuối cùng, chỉ có cái họ này theo ta đến suốt cuộc đời. Thánh hiền dạy bậc quân tử đại danh phải tự hào “Đi không đổi họ, ngồi không đổi tên”, thực chất đàn ông là những kẻ thay tên đổi họ chỉ trong một cái chớp mắt. Kẻ bình thường thì đặt ra tên tự, hiệu nọ hiệu kia tự gọi mình, kẻ quyền quý thì chúa đặt tên, vua cho họ, ăn bám bã quyền môn, tự cho đó là hay ho danh giá. Cái tên cuối cùng cũng chẳng thể mài ra mà ăn, lại khiến bọn si ngốc hão huyền say sưa, sung sướng mê tưởng, cho rằng mục tiêu cả cuộc đời cũng chỉ đặt vào đấy.

Được rồi, cha ta cũng là một kẻ như vậy.

Năm ấy, chúa Tiên Nguyễn Hoàng quyết định rời bỏ Đông Đô, về đóng tại dinh Ái Tử. Chúa Tiên vẫn cống nạp cho nhà Lê, duy trì hòa bình, chỉ có vài cuộc xung đột nho nhỏ với Chiêm Thành phương Nam không mấy ảnh hưởng tới người sống phía Bắc đèo Ải Vân. Đến đời chúa Sãi, tuy lấy cớ không cống nạp cho nhà Lê nhưng vẫn giữ hòa hiếu, gả con gái cho chúa Trịnh. Cho tới khi Đào Duy Từ xuất hiện, mầm mống chiến tranh mới manh nha khởi phát. Với sự mách bảo của kẻ con trai đào hát ấy, chúa bỏ thuế cống, dời dinh phủ, từ chối những yêu sách của họ Trịnh, trả sắc phong, rồi đánh lấy châu Bố Chính. Lũy Nhật Lệ được đắp, chia đôi bờ Nam Bắc. Nối tiếp sau đó là cuộc chiến tranh đằng đẵng.

Nhưng đó là chuyện sau này. Khi ta sinh ra, và trong suốt thời thơ ấu, mảnh đất phương Nam vẫn yên bình. Chỉ có một trận đói lớn ở phương Bắc, từ Nghệ An trở ra. Đàng Ngoài hạn hán, ruộng nương khô cháy, có nơi người phải ăn thịt lẫn nhau. Năm ấy, ta mới được một tuổi. Để ta không bị bắt đi ăn thịt, cha gồng gánh bỏ quê nhà vào phương Nam, nơi giá gạo chỉ bằng một phần mười.

Lúc ấy, ta còn quá nhỏ, vốn không thể nhớ được. Sau này ta cũng không hình dung ra được thế nào là nạn đói – Cho đến ba mươi năm sau, ở Đàng Trong cũng xảy ra một trận đói tương tự, nhưng ta đã trở nên quá giàu có quyền uy để bị ảnh hưởng bởi nó.

Ta không nhớ, nhưng cha ta thì nhớ. Sau này ông vẫn thường bảo với ta, muốn không bị đói thì phải có tiền, kẻ lúc nào cũng có tiền là kẻ có quyền lấy tiền của người khác. Dù trời nghiêng đất lệch, mưa gió, hạn hán, bão lũ, bệnh tật, những kẻ ấy vẫn có người cung phụng, hoặc chỉ cần lấy của người khác là được. Thậm chí, ăn thịt kẻ khác cũng được. Dù mọi nơi đánh nhau, những kẻ ở trên cao vẫn được bảo vệ, vẫn an nhàn, sung sướng. Tiền và quyền mang lại sự sống.

Sau này, ta bảo, đó là ý nghĩ của kẻ bần cùng, những kẻ chẳng có gì, chỉ nhìn lên cao mà khao khát, ước muốn, và ganh ghét. Cha đã gánh ta chạy khỏi nạn đói, khỏi cánh đồng khô cháy mà con người hóa thành dã thú. Và ta đã duy trì sự sống trong vuốt hàm của dã thú, trong một trận chiến còn khốc liệt tương tàn hơn. Không có gì khác nhau, trong cách con người sống. Kẻ bần cùng, những kẻ yếu ớt và hèn kém không giành giật nổi sự sống cho mình, bị giết chết từ sớm. Những kẻ mạnh mẽ hơn, đã tồn tại được để đoạt lấy quyền uy cùng tiền tài, sẽ phải tranh đấu đến hết cuộc đời. Giết và bị giết, cuộc đời này chỉ là một trường tranh đấu, như cánh rừng và dòng sông, như biển cả và bầu trời. Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ bắt bọ ngựa – Chim sẻ đâu có tội vì đã tồn tại?

Nhưng đó là chuyện sau này, những lời mà ta vĩnh viễn không nói cùng cha được nữa. Còn ông, sau khi đã gánh gồng chạy khỏi sự khốc liệt của trận đói bi thảm, vượt qua chặng đường dài rừng hang núi dốc, bỏ lại quê hương chôn nhau cắt rốn, bắt đầu tất cả tại vùng đất quanh năm gió cát, gầy dựng lại cuộc đời từ cát, đã không tin sự sống còn gì khác ngoài tồn tại. Quyền lực cùng danh vọng trở thành một giấc mơ, thậm chí còn vượt quá ý nghĩa đích thực của chúng.

Ta làm thế vì con. Ông từng nói với ta, rất nhiều lần, trong đói nghèo, trong khổ sở, ông làm lụng quần quật, chịu đựng đòn roi, nhục mạ của người, trong những lựa chọn, những cơ hội. Rồi ông đã quên cả ta, quên cả căn nguyên của những giấc mơ.

Nhưng cũng có thể, nguyên nhân là bởi vì ta. Cha ta muốn có tiền, thật nhiều tiền, nhưng ai ở trên đời này chẳng có cái ước muốn ấy? Cha ta muốn có quyền danh, nhưng người đàn ông nào chẳng có chút mộng mơ? Chỉ có điều, cha ta là một kẻ bần nông. Có chút sức lực để được tuyển vào một đội quân canh phòng phủ chúa, nhưng chẳng có võ công vô địch, càng không có cơ mưu quyền biến, kiến văn học thức, chỉ nhờ sự chăm chỉ cần cù để được đề bạt lên làm một viên trưởng nhóm nho nhỏ quản chừng chục người. Cứ thế mà tiếp tục, có lẽ ông cũng chỉ đủ may mắn làm đến viên hầu sai cầm cờ quạt cho nhà chúa. Danh vọng vốn chỉ dành cho kẻ mạnh.

Bởi vì ta, cuộc đời ông thay đổi.

Ta đẹp, điều đó cũng chẳng phải đáng để khiêm tốn mà phủ nhận. Từ thưở bé, ta đã quen với những ánh nhìn chăm chú, những câu xuýt xoa khen ngợi. Ngày thơ bé, điều đó chỉ khiến ta hãnh diện với đám bạn cùng làng, thuận tiện cho ta trong vài trò lỡm vặt của trẻ con mà ta có thể nhờ vào khuôn mặt của mình tránh thoát hậu quả. Nhưng nuôi một đứa con gái trong nhà đã phức tạp, có một đứa con gái đẹp càng khó khăn hơn gấp bội – Cùng với nó, là cơ hội. Cha ta nhận ra vẻ đẹp ấy từ rất sớm, liền chuyên cần dạy dỗ cho ta. Ta không phải đi làm đồng, mang vác nặng, được học chữ, học đàn, nữ công đủ cả. Không phải làm lụng, tay ta không có vết chai, làn da mượt mà, vóc dáng yểu điệu. Chỉ ngâm thơ vịnh đàn, cử chỉ ta mềm mại, lời nói ý tứ sâu xa. Đến khi trưởng thành, ta đã đạt đầy đủ chuẩn mực của một tiểu thư khuê các.

Ta cũng không cho rằng cha đã sai. Thế gian này, cuộc đời người đàn bà còn có gì khác ngoài việc lấy chồng? Ta cũng không muốn cuộc đời mình vầy trong bùn đất, ngập trong cơ cực. Tình yêu? Những cô thôn nữ ngoài kia hát – Nhưng ta cũng đã thấy bọn họ lấy chồng, già đi trong những lo toan cực nhọc, khô cằn đi trong những oán hờn và nuối tiếc. Ngay sau khi lấy chồng, họ lập tức thay đổi. Cuộc đời tàn phá họ, cả cái gọi là tình yêu cũng tàn phá họ. Và ta nghe, những người đàn bà ngoài kia hát về những giấc mơ chẳng có được nữa bao giờ.

Rồi sau này, trong cả những năm tháng tận cùng sau này, ta cũng vẫn biết rằng đó không phải cuộc đời mà ta muốn, không bao giờ. Ta không muốn cuộc đời mình bị quăng quật cho số phận, cho những nạn đói, chiến tranh, và cả những kẻ mạnh hơn. Muốn làm chủ cuộc đời mình, ta phải là kẻ mạnh. Mạnh hơn bọn họ.

Nhan sắc, ở bước đầu tiên, là sức mạnh của ta.

Điều đó, cha ta đã nhận thấy từ rất sớm. Và ông đã bồi dưỡng cho ta với tất cả tiêu chuẩn của một nhân vật khuê môn. Và đến tuổi trưởng thành, ta nghiễm nhiên bước đến bậc thang cao nhất của dinh phủ nhà chúa, ngay sau lần đầu tiên ra mắt.

Mùa xuân năm ấy, dòng sông trong vắt đổ ra biển. Thuyền bè tấp nập về Dinh Cát phủ chúa làm lễ mừng đầu năm. Cha ta lúc ấy đã thành một hầu sai trong một phủ điện, đưa ta theo đến hội xuân. Hội xuân nhà chúa bày lễ huyên náo, ca công nườm nượp, kèn trống inh tai. Con gái của nhà quan cũng được dẫn đến, ngồi riêng bên sân xem đoàn hát cửa quyền biểu diễn. Hết lễ, các cô được lần lượt dẫn vào lạy mừng chúa, nói những câu tung hô, tụng vài điều khách sáo.

Ta chỉ là con gái của hầu sai, nên ta đứng lại một mình.

Sân dần vắng vẻ, ta nhìn thấy một con diều vướng trên cành cây cao góc sân, liền lại lấy que móc nó xuống. Ta vẫn thích chơi diều, con diều này lại không phải làm bằng giấy bồi bình thường mà là lụa ngũ sắc, tua dát vàng óng ánh.

Ôm được chiếc diều xuống, quay người lại, ta nhìn thấy anh em bọn họ.

Những công tử của Sãi vương đến ngày tết tập hợp về Ái Tử, làm xong lễ mừng trước hết. Thấy dáng vẻ của ta, bọn họ cười.

Không nhớ ta đã nói gì với bọn họ. Chỉ biết, vừa qua tết, cha ta đã hồ hởi báo sắp có bà mai đến nhà.

Ta đã vào cửa phủ của Đại công tử, Khánh Mỹ hầu Nguyễn Phúc Kỳ đơn giản như vậy. Sau này, cha ta nói, còn vài người khác ướm hỏi ta, nhưng tất nhiên ông đã chọn Khánh Mỹ hầu. Đại công tử nhà chúa đang trấn thủ Quảng Nam, ân uy lừng lẫy, sẽ trở thành chúa nối nghiệp Sãi vương, còn ai ở đất này có thể hơn được nữa?

Rồi chỉ trong năm sau đó, ta sinh con trai đầu, cháu đích tôn của chúa Sãi. Tuy trong nhà vẫn gọi ta là bà Ba, tất cả đều hiểu rằng nếu Khánh Mỹ hầu lên ngôi, ta sẽ trở thành Chính phu nhân. Sãi vương mừng rỡ, ban cho cha ta họ Tống Phúc, cất nhắc làm Cai cơ, tước Mậu Lễ hầu. Trong đất Quảng Nam xa biệt với Thuận Hóa bằng cả dãy núi cao, Khánh Mỹ hầu gần như là chúa của một vùng. Cha ta nghiễm nhiên coi mình là cha vợ của chúa, ông của vị chúa sẽ lên ngôi sau đó nữa, hưởng hết phú quý vinh hoa bấy lâu nay thèm khát.

Nhưng cuộc đời, hay ông Trời theo cách gọi của cha, nhất quyết không buông tha cho ông, cho chúng ta.

Ông Trời trừ diệt con người, đạp nát số phận của con người, dễ dàng như một cái búng tay. Khánh Mỹ hầu, chỉ qua một cơn bệnh nặng, đã từ trần. Giấc mộng của cha ta cũng sụp đổ.

Trong đám tang, chính cha mới là kẻ phát điên phát cuồng. Nhìn cha vật vã khóc than, ai cũng khen ta có người cha thương yêu con cháu đến vậy. Riêng ta biết rõ, ông đang thương tiếc bản thân mình.

Bảo ta không buồn là nói dối, nhưng ta không thất vọng như ông. Cuộc đời người đàn bà xứ sở này là lấy chồng, người chồng sẽ đem lại của cải, con cái cùng địa vị. Tuy Khánh Mỹ hầu đã qua đời, nhà chúa cũng chẳng vì thế mà bỏ rơi chúng ta, ta dựa vào số tiền được cấp mỗi năm, tự điền và của cải đã có cũng sống an nhàn. Mấy năm ở Quảng Nam, ta đi lại trong Hội An cũng đã thông thạo việc buôn bán. Dù Khánh Mỹ hầu có lên được ngôi chúa, cuộc sống của ta cũng chẳng khác hiện tại. Vì vậy, ta buồn nhưng không tiếc.

Nhưng cha ta suy sụp. Dù Khánh Mỹ hầu đã mất, ta vẫn là con dâu nhà chúa – còn ông, ông là gì? Mộng ước của ông là trở thành người như Nguyễn Phúc Kiều, như Mạc Cảnh Huống, trở thành ngoại thích thân cận nhà chúa, sát cánh chinh chiến, danh vọng tột vời. Ta biết ông không có khả năng đó, nhưng cấm sao được ông mơ? Và khi Nguyễn Phúc Anh đến thay thế làm Trấn thủ Quảng Nam, mỗi ngày ông cúi đầu lạy người mà đáng lẽ phải cung kính chào ông mới đúng lẽ, cha ta đã trở nên cay đắng khôn cùng.

Năm ấy, lũy Nhật Lệ đã đắp xong, chia đôi Nam Bắc. Trước đây tình hình hòa hoãn, người hai vùng vẫn có thể đi lại luôn. Sau mấy lần họ Trịnh cất quân định đánh, nhà chúa liền chiếm lấy châu Bố Chính, cho xây lũy Nhật Lệ cắt đôi vùng đất hẹp. Chúa sai lập đội pháo tượng, ban lệnh duyệt tuyển. Mọi người đều hiểu rõ, chiến tranh sắp bắt đầu.

Cha ta trở nên trầm ngâm. Chỉ trong một năm, ông đã già đi chục tuổi. Một ngày, ông bảo “Ta nhớ quê nhà”.

Và thế là ông đi. Trở về phương Bắc. Khi những phòng tuyến cuối cùng ở đầu sông Gianh đã khép, ông vượt qua cửa Eo, lênh đênh trên biển trở về phương Bắc. Chúa chỉ biết chuyện khi thuộc hạ phát hiện dinh phủ của Mậu Lễ bỏ trống mấy ngày sau. Cuộc đào thoát làm kinh động nhà chúa không chỉ vì sơ suất tuần tra cửa biển, mà là một viên quan ngang nhiên bỏ về với Trịnh. Trong hàng chục năm, nhà chúa giao hảo với Trịnh, vẫn mang danh nghĩa thần tử của nhà Lê, lúc này trở mặt thành thù không khỏi có người bất mãn. Cha ta lại là họ ngoại nhà chúa, cuộc ra đi của ông có thể kích động những phản ứng khôn lường.

Vì thế, viên quan canh phòng cửa biển ngay lập tức bị chém đầu. Tất cả những người liên hệ với Mậu Lễ hầu, trong đó có ta, đều bị tống giam. Tại sao không báo với nhà chúa, những viên quan thẩm vấn hỏi. Ta chỉ có thể lắc đầu.

Có lẽ vì sợ ta sẽ báo với nhà chúa, cha đã không nói cho ta biết. Để tránh nguy hiểm, ông đã quyết định bỏ ta ở lại một mình.

Trở về phương Bắc, ông nghiễm nhiên trở thành trung thần, là ‘tấm gương’ mà họ Trịnh sẽ dựa vào đó để kêu gọi toàn thể phương Nam. Từ một viên quan quèn ở phương Nam, ông sẽ có được tất cả những gì ông muốn, chỉ cần chút ít liều lĩnh.

Ta thì có ích lợi gì với ông ấy, ta nhìn thẳng vào mắt các quan viên, điềm tĩnh hỏi lại. Ta ở lại đây chờ chết chẳng phải đã quá đủ bằng chứng rồi sao?

Ta khóc lóc kêu cứu, ta khóc đến ngất cả người, ta nhất quyết đòi phải gặp chúa. Ta khiến các viên quan cũng phải sợ hãi. Đến lượt họ thương xót ta, họ an ủi ta, hứa sẽ thuyết phục chúa tha cho ta. Không đâu, ta nhất quyết lắc đầu. Để dập tắt mọi ý định phản bội khác, chúa sẽ phải ra tay tận diệt, phải chứng tỏ quyền lực không khoan nhượng. Tru di tam tộc, đến cả đứa trẻ cũng không từ, là hình phạt dành cho kẻ phản bội. Có tội hay vô tội, đáng thương hay đáng tiếc, có ích gì?

Nhưng con ta thì sao? Cha nó vừa mất, mẹ nó không còn, sẽ ra sao? Cơ thiếp của Khánh Mỹ hầu không có con cái đã được gả bán đi dần dần. Bà nội của nó, mẹ của Khánh Mỹ hầu, cũng đã mất. Chúa có thể tuyệt tình với ta, nhưng nỡ nhẫn tâm với cháu như vậy sao? Ngày nó ra đời, chúa đã mừng rỡ thế nào?

Những lời than khóc của ta được truyền đến tai chúa, rốt cuộc cũng làm chúa động lòng. Nữ sanh ngoại tộc, không phải chịu tội thay cha, chúa ra lệnh thả ta.

Mùa đông năm ấy, ta được thả khỏi nhà ngục, chứng kiến tất cả những kẻ còn lại trong dinh phủ cha ta bị hành quyết.

Mùa đông năm ấy, ta đã ở trong nhà ngục cạnh pháp trường. Mỗi ngày, phạm nhân bị đưa đến hành quyết bằng đủ mọi hình phạt, thân xác nát tan. Những kẻ man mọi trong vùng chờ chực ở pháp trường cướp lấy những mảnh thân xác ấy, kẻ đem về luyện bùa phép, kẻ ăn sống nuốt tươi ngay trong bãi đất. Đến đêm về sáng, họ lại lập đàn cầu, bày bàn thờ, lầm rầm tụng niệm. Nửa đêm, quanh nhà ngục lao xao tiếng lại qua, gió hú như muôn vạn hồn ma gào thét.

Ta không hiểu nạn đói mà cha đã trải qua, nhưng ta đã biết thế nào là địa ngục trên dương thế.

Rồi ta lại nghĩ, cha ta đích thực là kẻ mạnh.

Đủ mạnh để chạy trốn và tồn tại. Đủ mạnh để chờ đợi và lợi dụng. Đủ mạnh để phản bội và chà đạp. Bây giờ, ông đã có được toàn bộ những thứ mình muốn. Không cần tài năng, gia thế, phẩm giá hay thậm chí là cơ hội.

Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ bắt bọ ngựa, chẳng lẽ chim sẻ là có tội? Kẻ tồn tại cuối cùng, luôn là kẻ mạnh.

Để tồn tại, phải là kẻ mạnh.




3 Responses
Yarin

Yay, Có truyện mới :meo6: Tuyệt, tớ luôn thích cách xây dựng và phát triển nhân vật của bạn Ast. Mà thấy mô típ nhân vật nữ chính nào của Ast đều có khí chất cao ngạo và rất sắc sảo nhỉ :D Nhưng nói chung là rất thích truyện này. Sẽ tích cực hóng \m/

Những ngày cuối năm vui vẻ và nhiều cảm hứng nhé.

Trường An

Đâu, có (nhiều) bạn chỉ được cái tửng thôi. :D Còn với nàng mà đến ông quan của chúa Nguyễn cũng phải viết "có chí lớn" dù nàng suýt hất chúa xuống hồ thì ứ thể nào "hiền lành trong sáng ngây thơ bị đời đưa đẩy" được, mà cũng chẳng phải phàm phu tục tử kiểu ham hố tham lam bình thường.

asa

:meo5: ô ngày xưa mình có đọc quyển Kỳ nữ họ Tống :meo5: từ giờ sẽ kiên nhẫn chờ đợi truyện :">

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.