Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 64: Asura
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" January 19th, 2013

Người thông thái chẳng than vãn cho những kẻ đã chết, cũng như những kẻ hãy còn chưa như vậy.

Chưa từng có thời nào mà cả ta, cả ngươi, hay những vua chúa của các dân tộc kia lại không tồn tại; và sau này nữa, sẽ chẳng có một tương lai nào mà tất cả chúng ta lại thôi không hiện diện.

Chí tôn ca - Mahabharata

 

Tháng hai năm Giáp Tuất, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính đến dinh Bình Khang, nhậm chức Trấn thủ Bình Khang thay cho Nguyễn Hữu Oai vừa qua đời.

Toán quân Nam Hà đang bao vây Bình Thuận siết chặt vòng vây. Với đội thủy quân, Nam Hà dễ dàng đoạt lại Phố Hài. Được sự trợ giúp của người ven núi phía Tây Bắc, thủy quân đóng ở bờ biển biên Đông, đoàn quân này bao vây vùng đất của người Chiêm Thành vào giữa. Người ở vùng đất Parik phải lùi sâu về phía Tây, chút chống chọi mà họ đã làm được để đẩy lui quân Nam Hà khỏi đất Phố Châm gần như bị bóp nghẹt.

Đến cuối tháng hai năm ấy, người từ Parik đã chủ động đến lũy Bình Khang xin đàm phán.

Nhận được tin báo, Khám lý Kế Bà Tử đang ở tại Bình Khang vội ra đón sứ giả. Người này vốn thuộc họ xa của vương tộc, giữ vai trò trung lập, được nhờ đến đàm phán. Ngồi trong căn nhà chính, bà cúi thấp đầu khi Kế Bà Tử bước vào. Không có ai đi cùng vị vương của Chiêm Thành.

“Công nữ…” Thấy Lê Anh, Kế Bà Tử chợt đâm lúng túng với bộ trang phục đang mặc trên mình. Nhưng Lê Anh không nhìn ông ta, bà cũng không ngẩng đầu lên.

“Nhị vương… hay hiện tại chúng tôi phải gọi ngài là Đức vua mới phải?” Tấm khăn lớn che khuất gần hết khuôn mặt của Lê Anh, giọng bà khô khan, gần như đều đều vô cảm. “Chúng tôi xin đến đón ngài về Parik.”

“Bà…” Kế Bà Tử nghẹn lời. Chậm chạp, Lê Anh thẳng người ngồi lên, ánh mắt rơi đâu đó trên bả vai tà áo lụa thêu mây theo lối của quan lại Nam Hà.

“Hãy ngăn bọn họ lại, Đức vua. Hãy ngăn bọn họ hủy diệt chúng ta.” Giọng bà vẫn điềm tĩnh, nghe như gió thổi trên đầu ngọn sóng. “Đến lúc cuối cùng, chỉ ngài có thể cứu chúng ta.”

Kế Bà Tử nhìn Lê Anh, chầm chậm quay mình đi về phía bên kia phòng, ngồi xuống chiếu. Ở vị trí này, ông có thể nhìn thấy vết sẹo trên một bên má bà.

“Chẳng phải nhiệm vụ của ta là vậy sao?” Kế Bà Tử nhẹ nhàng nói, giọng mảnh như hơi thở. Giọng ông điềm nhiên, chẳng phiền muộn hay giận dữ, gần như nhẹ nhõm. Lê Anh nhìn sang, chỉ thấy đôi mắt phẳng lặng dõi thẳng bà.

Có bao nhiêu phiền muộn, u sầu, đau đớn trong đôi mắt ấy, hay chỉ là phản chiếu hình ảnh bà, hình ảnh của thế giới này?

Có bao nhiêu tuyệt vọng để một người chấp nhận những gì số phận giáng xuống mình điềm nhiên chừng ấy?

Ông không hỏi lại bà, cũng chẳng thắc mắc về những gì đang xảy đến, những gì bọn họ đang định liệu. Ông chỉ chấp nhận số phận của mình – sứ mệnh của mình – con bài cứu mạng cuối cùng.

Bọn họ vẫn chưa định buông bỏ, chắc chắn, nhưng đã đến lúc để liệu định tới phương án cuối cùng – một cách thoát ra khỏi thảm họa. Bọn họ chưa định buông bỏ, nhưng vì thế nên mới cần đến một phương cách bảo đảm an toàn.

Đưa vị vương mang danh Khám lý trở lại Parik, tránh một cuộc tấn công trả thù, khiến Nam Hà giải vây, và sau đó…

Vị vương này còn sống vì không chống lại, vì đã chấp nhận thuần phục, làm một con cờ trong tay kẻ thù. Vì thế, ông ta còn sống. Vì thế, ông ta trở thành có giá trị.

Đồng thời, là vô giá trị. Một con cờ chỉ có giá trị trong thời điểm nhất định, trước khi bàn cờ đột ngột biến đổi. Trước đây, người Chiêm Thành không để Kế Bà Tử trở về Parik. Giờ đây, kẻ ở trong cung điện Parik sẽ là viên Khám lý của Nam Hà mang dòng máu vương tộc – Một trong hai vai trò ấy đều mang theo hiểm nguy cùng sự mỉa mai khó lường. Có những kẻ, ở cả hai bên, sẵn sàng ra tay triệt hạ một trong hai vai trò ấy khi bàn cờ đột ngột chuyển biến.

Quân vương ở trong cung điện vốn là một con cờ gần như vô năng.

“Bà có cách thuyết phục Nam Hà không truy diệt?” Kế Bà Tử trầm tĩnh hỏi. Mím môi, Lê Anh gật đầu, lấy trong hành lý ra một cuộn da dày. Kẹp giữa hai tấm da là một tờ giấy in vân mây theo lối của người phương Bắc. Những dòng chữ vuông đều đặn viết theo chiều dọc được đóng đè lên trên bởi hai dấu ấn đỏ, ở dưới có lăn vân tay.

“Thủ bút của tiên chúa Nam Hà, Nguyễn Phúc Thái.” Vuốt phẳng mặt giấy trước khi đưa lại cho Kế Bà Tử, Lê Anh nói. “Chừng nào tôi còn sống, Nam Hà sẽ bảo đảm an toàn cho vương tộc.”

“Sao…” Kế Bà Tử chớp mắt, gần như ngạc nhiên, nhưng ông không tiếp tục câu hỏi.

Tại sao bà lại không đưa tờ hiệp ước này ra trước đây? Ông đã định hỏi. Nhưng bà cũng đã không đưa nó ra trước đó nữa, khi cuộc chiến này mới bắt đầu. Bà đã không ngăn cuộc chiến này xảy ra, còn thúc đẩy nó. Và cuối cùng, sử dụng lời hứa của kẻ đã chết để bảo đảm an toàn cho mình.

“Giống như đã đoán được tương lai.” Hiểu ý Kế Bà Tử, Lê Anh phảng phất cười. Mắt bà trong ánh nắng chiếu vào lại mơ hồ như ngấn lệ. “Chỉ sử dụng được một nửa tờ giấy.”

Một nửa còn lại, lời hứa ấy, bà không tuân thủ, người kia cũng không bao giờ cho rằng bà sẽ giữ. Nên người ấy chưa bao giờ trách cứ, cũng chẳng hỏi đến, dường như chẳng bận tâm.

Một nửa của lời hứa, hóa ra lại trở thành cơ hội cuối cùng.

Đoán được tương lai? Hay vốn chỉ là điều không thể đổi thay. Đến khi quay đầu nhìn lại, không nhận ra ai mới là kẻ buông tay trước hết.

“Ta sẽ nói chuyện với Trấn thủ.” Ngẫm nghĩ hồi lâu, Kế Bà Tử gật đầu, cuộn mảnh da lại, đứng dậy rời khỏi phòng. Lê Anh nghe tiếng ông gọi thêm người. Đem vật này đến gặp quan lại Nam Hà, Kế Bà Tử hiển nhiên cần thêm nhiều người chứng kiến và bảo vệ.

Nhưng cũng có thể không cần thiết. Nếu muốn, Nam Hà hoàn toàn có thể phủi tay, không chấp nhận cả lời cầu hòa. Kẻ đang thắng thế hoàn toàn có quyền quyết định – Chỉ có điều, ngay cả Nam Hà cũng không chắc chắn về điều ấy. Toán quân trong núi phía Tây Nam có thể nhỏ, nhưng phía sau nó là cả Chân Lạp, Nam Chưởng, Đại Thành; cả sự đồng thuận của người trong núi cũng không hề đáng tin cậy. Nam Hà đang có hai mặt trận phải chu toàn: Bình Thuận và Thượng Dã. Dấn sâu vào vùng núi Thượng Dã, chẳng ai bảo đảm một cuộc tấn công nữa không xảy ra ở sau lưng.

Dù Nam Hà đã dùng Thủy Xá, Hỏa Xá khống chế được phương Bắc vùng Thượng, vùng Thượng phía Nam lại là một vùng đất hoàn toàn bí hiểm với bọn họ. Vùng đất nằm giữa Chân Lạp và Chiêm Thành vốn không có một triều đình hay thể chế quản lý, có những tộc người vừa bí ẩn vừa nguy hiểm sống giữa các ngọn núi. Đi vào đó, đội quân Nam Hà lập tức dội lại, không có đường tiến tới.

Có một cách bảo đảm hơn: Thanh trừng ‘đầu não phản nghịch’ ở Bình Thuận, rồi đánh về Tây Nam. Nhưng những quý tộc Chiêm Thành vốn đã rút đi từ trước đó rất lâu, ở Bình Thuận chỉ còn những đầu lĩnh trên danh nghĩa. Như mầm cây mà rễ đã ăn lan sang vùng đất khác, không thể diệt trừ. Đúng với cả toán quân ở Thượng Dã.

Một mầm họa dai dẳng đã được cấy. Người Chiêm Thành đã rút đi, để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài hơn. Ngàn năm nay, bọn họ đã dựa vào các ngọn núi để sống còn, chống trả và tồn tại. Hàng ngàn năm, bọn họ có đủ sự kiên nhẫn để đối đầu.

biết người ấy sẽ lựa chọn cách làm như thế nào trong hoàn cảnh này. Và bà cũng dựa vào đó mà nắm lấy cơ hội cho mình.

Cuộc chiến của bọn họ, vẫn còn đang tiếp tục.

Tháng hai năm Giáp Tuất, trước sức ép của quân đội Nam Hà, nhóm người nổi dậy ở Bình Thuận bị dẹp yên, Khám lý Kế Bà Tử được đưa về Parik trong vòng vây bảo vệ của quân Nam Hà. Cùng những người con của vua Bà Tranh giữ những chức vị khác nhau, Kế Bà Tử bỏ Thành Lũy chuyển sang dinh trấn mới ở phía Tây Bắc.

Khi quân Nam Hà từ phía Bắc hướng đến, toán người ở Bình Thuận rút lui về phương Nam. Từ dòng Đồng Nai tại Trấn Biên, họ xuôi về phía Tây qua La Nha[1], đến Phố Châm[2].

Dưới núi Phố Châm, vùng đất bằng phẳng chừng hơn vạn mẫu nằm lọt giữa bốn bề núi non bao bọc, có dòng sông La Nha chảy qua, tạo thành một trung tâm trao đổi hàng hóa lớn của người Thượng, Chiêm xuống đồng bằng. Nơi này, các khu vực của người Thượng dựng gần nhau, khai khẩn đất đai lập làng. Mỗi làng là một khu đất rộng gồm khu nhà ở, đất đai, ruộng nương, kênh đào... được ngăn cách bởi sông suối hay các đoạn lũy. Vừa qua một cuộc xung đột khi quân Nam Hà kéo đến truy lùng toán quân đã rút vào Thượng Dã, lũy của các làng dựng chắc chắn hơn, có voi gác. Đầu đoạn sông dẫn vào vùng đặt trạm canh.

Nhận được ám hiệu, người ở trạm canh cho đoàn thuyền đi qua. Tháng hai, gió bấc vẫn thổi, những chiếc thuyền của người phương Bắc vẫn còn đậu chật khoảng sông chảy qua nguồn. Đã nửa đêm về sáng, đoàn thuyền vừa đến tấp lại một bến nước hơi xa cách với nơi đậu của thuyền buôn. Phần đông vẫn ở trên thuyền, chỉ có một người đàn ông cao lớn đi xuống bến, chầm chậm bước qua những căn nhà lợp lá xập xệ bên sông. Ban sáng, những căn nhà này chỉ là nơi bày biện hàng hóa hay dành cho người nghỉ tạm. Thương buôn vốn đã thuê nhà trong các làng, chỉ có vài người nghỉ lại coi thuyền. Đêm cuối tháng, trăng mảnh như móng tay. Đêm tối chỉ ánh lên vài con đom đóm chập chờn bay trên nước.

Bóng tối cùng sự yên lặng đan dày khiến tiếng thì thầm lại trở nên rõ rệt đến mức khiến người đàn ông đứng lại. Tiếng nói đang rì rầm bằng một thứ ngôn ngữ ông không mấy quen thuộc, ngôn ngữ của bọn nhà buôn phương Bắc, lại là một nhánh nào đó trong thứ tiếng ấy. Ông nhận biết được một vài từ trong đó, và đứng lại.

“Người anh em, hát gì thế?” Sự tò mò khiến ông lên tiếng, bằng thứ ngôn ngữ thông dụng của phương Bắc. Phía bên kia, trên con thuyền không xa lắm, kẻ đang nửa nằm nửa ngồi ở đầu thuyền cựa mình nhìn về phía ông. Giọng vừa uể oải vừa rộng lượng, kẻ ấy dịch lại.

“Ta là thời gian, sự hủy diệt mọi thế giới, đã chín muồi, và bây giờ đây chỉ quan tâm đến thiêu hủy thế gian. Kể cả nhà ngươi chẳng có ở đây để ra tay, thì tất thảy những chiến binh đứng dàn hàng trong những đội quân đối địch kia, cũng sẽ không còn nữa.

“Hãy để lại mọi hành động cho Ta, tinh thần ngươi hãy tập trung vào Bản ngã, hãy vượt thoát khỏi mọi dục vọng và ý thức sở hữu, tâm bệnh của ngươi sẽ thuyên giảm, hãy giao chiến.”

‘Bhagavad-gitopanishad…’ Ông thầm nhủ, chỉ trong tâm trí, và nói ra điều khác. “Khúc ca thật lạ lùng.”

“Khúc ca của người Ấn Độ.” Kẻ trên thuyền cười. “Khi tôi ở phương Nam, một hôm có kẻ hát rong đi qua, kéo đàn và kể sử thi. Nghe đâu đây là một bản sử thi rất dài, rất nổi tiếng của người Ấn Độ. Kẻ ấy kể mấy ngày liền, bằng đủ thứ tiếng khác nhau, mỗi lần kể mỗi khác. Chỉ có ông bạn của tôi là chăm chú lắng nghe, đem về kể cho tôi.”

“Ông chưa từng nghe qua?” Kẻ trên thuyền bất chợt đổi hướng câu chuyện. Ông im lặng một lúc, rồi trả lời.

“Ta thường đọc bằng thứ ngôn ngữ khác, nghe hơi lạ tai.” Tiếng nói của ông không thành thục bằng dân bản xứ, hẳn dễ dàng nhận ra ông không phải người phương Bắc. Gật nhẹ đầu, ông xác nhận. “Mở đầu sử thi, trước khi trận chiến mở màn, được gọi là ‘Sách của Bhisma’. Được coi như thánh thư Upanishad[3].”

“Quan trọng tới thế?” Kẻ kia hỏi lại, bằng giọng chẳng mấy ngạc nhiên, khiến ông hiểu rằng gã chẳng biết thế nào là sự quan trọng của các Upanishad, hay thậm chí đó là gì.

Nhưng ông cũng không quan tâm tới điều đó. Chẳng thể yêu cầu một kẻ phương Bắc hiểu rõ những ngóc ngách của phương Nam. Vì thế, ông chỉ thở dài, nhìn lên vầng trăng nhạt như khói bên kia rặng núi. Đã nửa đêm về sáng, bóng tối vẫn còn bao trùm khoảng không.

Trong một nỗi thảng thốt gần như hoang mang khi làn gió mang đầy hơi nước thổi qua, ông bỗng đọc lên một câu chợt nhớ.

“Tôi chẳng thèm khát chiến thắng, ôi Krisna, hay vương quyền, hay khoái lạc. Ôi Gôvinda, chúng tôi biết phải làm gì với vương quyền, với khoái lạc, hay thậm chí với bản thân cuộc sống nữa?” Ông đọc bằng tiếng nói phương Nam, ngôn ngữ của ông. Kẻ trên thuyền hẳn không hiểu, nhưng gã không hỏi. Ngược lại, gã bật cười.

“Ông có giọng giống như tên hát rong đó.” Dứt tiếng cười, gã nói. “Một kẻ hát rong biết thật nhiều thứ tiếng. Tôi chỉ nghĩ đến hai loại người có khả năng ấy: Quý tộc và kẻ phản loạn. Ngay cả thương buôn cũng không biết nhiều thứ tiếng đến thế, không cần thiết.”

“Ta cũng không rõ kẻ thế nào lại ghi nhớ, ngâm ngợi thánh thư vào lúc nửa đêm.” Vốn đã định im lặng, ông vẫn nói. “Nếu không phải tăng lữ thì là kẻ giết người.”

“Kẻ giết người?” Gã hỏi lại, tựa như ngẫm ngợi, rồi gật đầu. “Đó là khúc ca của kẻ giết người?”

Lần này, ông không trả lời.

Kẻ trên thuyền cựa mình, dường quay đầu nhìn về phía đoàn thuyền của ông vừa đến. Rồi gã lại ngả người nằm ra sàn thuyền, gối đầu lên tay.

“Các thánh thần bảo rằng chúng ta không cầu, không vọng, không căm giận, từ bỏ tất cả thì sẽ siêu thoát, đúng không?” Giọng gã nghe như cười. “Nhưng tại sao trước kia tôi không cầu vọng thì cũng chẳng siêu thoát, bây giờ tôi không căm giận thì cũng chẳng thanh thản?”

“Giác quan.” Ông chậm rãi trả lời, theo những gì ông biết. Câu trả lời nghe lạ lùng ngay cả với ông. “Kẻ chẳng biết bản ngã, khi đã tha hóa, lại thành kẻ thù của chính mình.”

Nghe gió thổi giữa hai bờ sông rộng. Bốn phía núi non trùng điệp ăn lan vào bầu trời. Gà đã gáy râm ran trong ổ. Kẻ trên thuyền lại cựa mình, chiếc nón che trên ngực rơi xuống cạnh hông. Trong bóng trăng nhàn nhạt và ánh những con đom đóm bay qua, ông dường như nhận thấy gã mỉm cười.

Nụ cười tựa ánh trăng suông, mang vẻ dửng dưng hơn cả khi khuôn mặt bất động.

“Ông bạn tôi giảng rất nhiều, nhưng tôi chẳng chịu tập trung nghe.” Gã ngồi lên, hướng về phía ông mà mỉm cười, giọng nói đã mang vẻ chú tâm nhũn nhặn. “Những thần thánh đã nói gì, hiền giả?”

Khi làm chủ bản ngã, con người đạt tới an bình, và Bản ngã tối thượng của anh ta mãi tập trung trong sự quân bình tuyệt đối, không phân biệt, giữa nóng và lạnh, khoái lạc và đau đớn, vinh dự và ô nhục.” Ông hơi gờn gợn với cách gã gọi mình, nhưng vẫn đáp. Y hệt như những lúc ông giảng đạo trong các đền thờ. Những bài giảng lặp đi lặp lại qua năm tháng, rồi cũng trở thành nhạt nhòa với chính ông. “Con người mà thái độ chẳng phân biệt đối với ân nhân, bạn hữu, kẻ thù, với kẻ thờ ơ, kẻ đáng ghét, người dưng hay họ hàng, với thánh nhân hay thậm chí những kẻ độc ác, con người như thế nổi trội giữa muôn loài.”

“Và như vậy, thần linh thúc đẩy con người ra trận, làm công cụ của thần. Hãy giết chóc đi, vì chính ta đã quyết định hủy diệt bọn họ. Chỉ làm một công cụ thôi, chẳng hơn gì nữa.” Vẫn là nụ cười dường như miên viễn, như ảo ảnh hắt vọng về giữa bóng tối, kẻ kia nói. Bất chợt, gã đổi giọng. “Ông có căm ghét thần linh không, hiền giả?”

Lần này, ông lại im lặng.

“Những kẻ chống đối thần linh sẽ bị ném xuống địa ngục, sẽ bị đọa đày đời đời, lầm lạc đời đời, càng ngày càng rơi xuống sâu hơn. Những kẻ ấy tạo thành thế gian này. Còn các bậc hiền nhân đã siêu thoát cả rồi, họ đã bỏ đi cả rồi.” Vẫn có tiếng cười lẫn trong âm giọng của kẻ kia. Và ông nghe cả tiếng dòng sông rì rầm, rì rào. Bóng tối đang tan đi trong gió. “Thế gian này ngày càng đáng buồn. Càng ngày, càng đáng buồn.”

Gió đang lên từ phía núi, thổi tan tác những mảnh sáng của đom đóm vào bóng tối. Phía bên kia bến, người bắt đầu xuống thuyền, lên tiếng gọi ông. Ông vội quay lại đáp lời, chỉ cho họ đến nơi đợi.

Khi ông nhìn lại, kẻ trên thuyền đã biến mất. Những tia sáng đầu tiên của bình minh hắt lên bên kia núi, ánh trên mặt nước và đầu ngọn cỏ đẫm sương.

“Ngài Oc…” Một người chạy đến, định gọi ông nhưng lại ngắc ngứ giữa chừng. Cái tên của ông không phải để gọi ra nơi này. Thấy ông ngẩn người nhìn những con thuyền trên dòng sông, kẻ ấy sốt ruột hỏi. “Ngài thấy gì sao?”

“Asura[4].” Rời mắt khỏi dòng sông, ông lắc đầu, quay đi. Trước ánh mắt ngạc nhiên của người bên cạnh, ông nhủ thầm như chỉ tự nói với mình. “Những kẻ báng bổ thần linh.”

Khát vọng của chúng cũng vô ích, hành động của chúng vô ích, kiến thức của chúng vô ích, trí tuệ của chúng lầm lạc…

Những kẻ bị thánh thần bỏ rơi.

Sinh ra để bị tiêu diệt. Sinh ra để bị nghiền nát trong định mệnh. Sinh ra để trở thành công cụ của thần.

Sinh ra trong ngọn lửa, bị thiêu cháy cùng thế giới đã đến ngày lụi tàn.

Ông có căm ghét thần linh không?

Ông thở dài, khoát tay gọi toán người đang đợi, bảo tùy tùng vào làng báo tin. Nguồn Phố Châm không phải là nơi bọn họ có thể ở lại, nhưng là tiền đồn đầu tiên báo trước mỗi khi kẻ thù tấn công. Có lẽ ông sẽ gửi vài toán người ở lại trong các buôn sách gần đây. Phân tán quân lực để không ai có thể tiêu diệt được. Tuy sẽ khó khăn để tập hợp được toán quân mạnh như trước, nhưng ông đủ kiên nhẫn.

Nếu tình hình quá bất lợi, những toán quân này có thể lập làng ở lại trong vùng, xây dựng nên vùng đất mới. Bọn họ có thể chờ đợi.

Ông đã chọn giải pháp đàm phán ngay khi cảm thấy bất lợi chỉ vì để bảo toàn con người. Bảo toàn cho Đức vương, quân lính, chúng dân, và tinh thần. Chỉ cần còn sống, tất cả đều có thể thay đổi.

Cuộc chiến này dù kéo dài hàng trăm năm, ông vẫn đủ kiên nhẫn.

Dù đó là số phận do các vị thần đã an bài, ông vẫn chống lại.

Hoặc sẽ đưa tất cả vào ngọn lửa của thần, theo định mệnh hủy hoại đã an bài. Ông cũng chỉ là một phàm nhân trên thế gian, không bao giờ hiểu rõ ý định của thần.

Con người có thể chống lại thần bằng sự tồn tại.

Do đó, họ bị trừng phạt. Bằng cuộc sống, đời đời.

 

 

 

Chú thích:

[1] Sông La Nha: Nay là sông La Ngà, chảy từ cao nguyên Di Linh qua Lâm Đồng, Bình Thuận đến Đồng Nai, là biên giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

[2] Phố Châm, hay Phố Chiêm nay thuộc Lâm Đồng, trong tài liệu của Aymonier (“Notes sur l’Annam Le Binh thuận”, Excursions et Reconnaissances, 1885, t. 210) gọi là Patjam, gần Tánh Linh. Trước đây là nơi ở của người Chiêm và người Thượng Đê Ba Vành (hay Ba Phủ) – hẳn là người Churu, người qua lại đông đúc. Qua nhiều cuộc xung đột liên tiếp đầu thời Gia Long, dân Phố Châm theo ĐNNTC đã phân tán đi nơi khác, nơi này bị bỏ hoang. Cuộc xung đột của quân Nguyễn và người trong vùng Nam Tây Nguyên kéo dài khá dai dẳng.

Người Churu tự xem mình là con cháu của người Chiêm, vốn có ngôn ngữ, trang phục và phong tục rất giống người Chiêm.

[3] Chí Tôn ca trong tư tưởng Ấn Độ, sự phổ biến của nó còn quan trọng hơn cả nguồn gốc của tác phẩm. Gần như tất cả mọi trường phái Hindu giáo đều coi đây là một Thánh thư tương đương với các kinh Vệ Đà và Upanishad; người ta coi nó là cánh cửa dẫn đến Giác ngộ (Cruti) trong khi phần còn lại của Mahabharata thì dẫn tới Truyền thống (Smiriti).

[4] Asura: Là Atula đọc theo âm tiếng Phạn. Được coi là thần nhưng nằm ngoài tam giới, nửa thần nửa người, có khi được dịch là Phi Thiên. Cùng với Deva (Chư thiên), là con của Kashyap (đấng Chí tôn) nhưng luôn chống lại thần. Asura được coi là hay gây chiến, nhưng gồm cả thần thiện và ác, có nhiều vị thần quan trọng vốn là Asura như thần Nước Varuna, thần Lửa Agni, thần Mưa Parjanya…

Theo kinh Lăng Nghiêm, Asura có 4 loại: quỷ thần có công được hóa thành, sinh ra từ trứng, thuộc về quỷ thần; là thần nhưng bị trừng phạt, sinh ra từ bào thai, thuộc về loài người; sinh ra trong giới súc sinh; và loại do trời sinh nên có quyền lực vô hạn. Các Asura được sinh ra vì sân, mạn và nghi (sân hận, kiêu ngạo và nghi ngờ).

Trong tôn giáo tối cổ Hỏa giáo ở Iran của tiên tri Zarathustra, các Asura (được gọi là Ahura) bảo vệ cho Sự thật, còn các Deva (Daeva) bảo vệ cho Dối trá.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.