Trương lão vốn không ở trong lũy, Lê Diệt đưa hắn về nguồn Thạch Thành, đến một căn nhà trọ giữa phố. Ngôi nhà ba gian đã được thuê trọn, đông người hơn hắn tưởng. Xapatan đã đưa theo nhiều thuộc hạ cải trang thành đoàn buôn đi cùng Lê Diệt, ở lại trong nguồn. Trương lão ở căn phòng được canh giữ thường xuyên bởi ít nhất hai người ngoài cửa. Khi Lê Diệt đẩy cửa vào, ông lão đang nằm trên phản tre liếc mắt nhìn ra, ánh mắt dừng lại ở hắn đứng sau Lê Diệt.
Có lẽ Xapatan đối xử với Trương lão quả thật không tệ. Ông ta đã mập mạp hồng hào hơn hẳn lúc lẩn lút trong núi, vẻ hoang dã trong ánh mắt sâu hút cũng mất ít nhiều. Khi nhìn thấy hắn, Trương lão thoáng vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi cũng bình tĩnh rất nhanh.
“Ta có thể đưa Trương lão đi nói chuyện được chứ?” Hắn chặn lời ngay khi Lê Diệt vừa mở miệng. Thấy ánh mắt cậu ta, hắn cười. “Ta sẽ đưa người về. Còn anh trai ta ở Đại Thành, có đi đâu mất mà sợ.”
Nghe đến Mạc Cửu, Lê Diệt mím môi, ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi gật đầu. Hắn cho người đỡ Trương lão xuống một chiếc xe ngựa nhỏ chờ sẵn trong sân, bản thân làm xà ích quất ngựa chạy vào rừng. Đi qua nguồn, men theo dòng sông hướng thoai thoải lên núi, hắn ngừng xe ở một vách đá hoang vắng trống trải. Nước đổ xuống từ một thác nhỏ thấp tung bọt trắng xóa dưới nắng gắt. Hắn mở cửa xe, đỡ Trương lão ngồi xuống một hòn đá lớn. Nắng đã nung mặt đá nóng bỏng, nhưng ông lão mím môi ngồi yên, chỉ hơi rùng vai. Hắn nhìn qua ông ta, cột ngựa vào gốc cây đằng xa rồi mới đến bên cạnh, nheo mắt nhìn lên thác nắng.
“Ông còn nói được không?” Không nhìn Trương lão, hắn chợt cười. “Tôi nhớ là lúc ấy ông vẫn còn nói được.”
Dù chỉ là vài tiếng đứt quãng, dây thanh của ông lão này không bị thương tổn. Có thể ông ta sẽ tự gây tổn thương cho mình để tránh sự truy bức của kẻ khác, nhưng hắn nghi ngờ điều đó.
Hắn nghe tiếng ậm ừ bên cạnh, thanh âm khọt khẹt khó nghe như nghẹn trong cổ. Trương lão mở miệng, nhưng cổ họng qua nhiều năm không phát âm như đã lạc mất cả lời.
Hắn kiên nhẫn chờ đợi Trương lão lấy lại tiếng nói của mình trong lúc quan sát dòng nước không ngừng tuôn chảy. Đến khi ông lão ‘ừm’ một tiếng đã có vẻ suôn sẻ, hắn lại lên tiếng ngắt lời.
“Ông cần gặp Ngô Lãng để làm gì?” Hắn hỏi thẳng, không muốn vòng vo, cũng chẳng có thời gian để quanh co. “Bây giờ ông vẫn muốn góp công góp của cho quân phục Minh sao?”
“Quân phục Minh?” Trương lão cau mày hỏi lại. Tiếng nói của ông ta tuy khó nghe nhưng cũng đã thành âm. Hắn đưa mắt nhìn lại ông lão, dường không hiểu ý câu hỏi ngược này. Trương lão cũng đăm đăm nhìn hắn, ánh mắt sâu tối hệt như trong đêm nọ. “Cậu vẫn còn muốn phục Minh?”
Câu hỏi khiến hắn thoáng ngạc nhiên, rồi cũng nhanh chóng vỡ lẽ. Trương lão không mấy kinh ngạc khi thấy hắn xuất hiện hẳn vì sự có mặt của Lê Diệt. Lê Diệt là người nhà họ Mạc, mặc nhiên ông ta đã xem hành động của cậu ta là việc làm của anh em hắn. Có thể ông ta đòi gặp mặt Ngô Lãng thì cũng đã chờ đợi chạm mặt hắn.
Nhưng hắn không phản bác mà chỉ mỉm cười nhìn ra sông. Hắn đang muốn thăm dò Trương lão, vả lại, cũng chưa biết phải trả lời câu hỏi của ông ta thế nào.
Trương lão cũng im lặng một lúc lâu. Rồi hắn nghe ông lão thở dài.
“Khi đi qua Đông Phố, ta đã bí mật tìm Dương Ngạn Địch.” Trong giọng nói của Trương lão, hắn nghe được đôi chút mệt mỏi mơ hồ. “Thủy Chân Lạp đất rộng người ít, ta nghĩ chỉ cần đôi chút sức lực là có thể kiểm soát được, lấy làm căn cứ cho chúng ta. Nhưng Dương tướng quân bảo, không muốn làm.
“Tình nghĩa với chúa Nam Hà cũng là một lẽ. Người ta cứu giúp mình lúc khốn khó thì chẳng lẽ lại đi hớt tay trên, tạo phiền phức cho người? Nhưng ta cố công thuyết phục mãi, nói đến lý tưởng thưở xưa, Dương tướng quân lại nói, ngay cả việc ấy ông ta cũng không muốn các ngươi tiếp tục.” Trương lão đều đều nói, như thể đã chuẩn bị trước từ lâu. “Dương tướng quân bảo, khi đoàn thuyền bị quật nát, khi nhìn các ngươi đói khổ, sắp bị tiêu diệt đến chẳng còn lại một ai, chẳng có ai cứu giúp giữa biển, ông ấy chỉ muốn các ngươi sống. Lạ kỳ, có thể xua cả vạn quân hy sinh trước trận, nhưng lại đau lòng khi thấy các ngươi vật vã tìm cách sống còn. Làm tướng thì dù có xông pha hòn tên mũi đạn cũng là ở trên cao, được che chở bởi vạn người. Kẻ ở trong trướng bày binh bố trận càng là hạng êm ấm lập công trên xác chết. Xua cả muôn vạn người ra trận, cũng chỉ là con số không hơn, mất kẻ này thì mộ kẻ khác, mất đội quân này thì bắt lính lập nhánh khác. Đến cả trẻ con, đàn bà khi cần cũng có thể đem ra trận. Lý tưởng? Lý tưởng là cái gì, có cho các người thức ăn được không? Thậm chí, lập thành cái lý tưởng đó, các người có được cái gì không? Kẻ thì ăn trên ngồi trốc, thành vua thành quan, các người thì cũng chỉ mang thương tật cả xác cả hồn mà về quê tay trắng nếu như còn sống. Tam phiên hàng Thanh rồi lại phản Thanh, các người chỉ là con cờ bị rũ bỏ ngay khi không cần.
“Lúc ấy, ta không đồng tình với Dương Ngạn Địch. Quốc gia dân tộc không quan trọng sao? Muôn vạn mạng người Dương Châu, Gia Định không quan trọng sao? Làm sao chúng ta có thể còn sống với chừng ấy gánh nặng? Làm sao chúng ta có thể chấp nhận mất đi đất nước? Ta hỏi, hỏi mãi, cuối cùng Dương tướng quân bảo: Chừng ấy gánh nặng, chỉ cần ông ấy gánh vác là đủ.” Lại một tiếng thở dài, Trương lão nhè nhẹ lắc đầu. Ánh mắt ông ta nhìn lướt qua hắn. “Dương tướng quân kể: Ngày trên biển ấy, trong cơn cùng cực, một đêm ông ấy đã bắt chuyện với một đứa trẻ trên thuyền. Đứa trẻ ấy lén lút lại gần xác một người vừa chết mà lấy máu hứng vào bình. Âu cũng là chuyện không lạ, lúc này đã có vài kẻ lén khoét thịt xác chết mà ăn. Nhưng thằng bé ấy không lấy máu cho nó uống, hẳn vậy. Chỉ cần ghé môi lại hút, nhanh chóng an toàn hơn nhiều.
“Dương tướng quân ra vẻ như không thấy hành động của nó, ra ngoài đợi nó đi qua mà bắt chuyện. Dương tướng quân kể, lúc ấy ông rất suy sụp nên nói rất nhiều. Thằng bé nọ kiên nhẫn ngồi nghe. Đến lúc ông ấy hỏi lại vì sao nó ở trên thuyền, thằng bé trả lời: ‘Không biết’.” Trương lão khe khẽ cười, tiếng cười khàn khô khốc nghe lạo xạo trong cổ như đá sỏi. “Bây giờ nghĩ lại thì chắc nó cũng chẳng để tâm đến Dương tướng quân nói những gì. Nhưng một câu ‘Không biết’ đó của nó đã làm Dương tướng quân hoàn toàn thay đổi.”
Gió đang thổi qua cánh rừng, nước đang đổ xuống trên ghềnh thác. Hắn nhíu mày, đã thầm lấy làm sốt ruột khi không biết câu chuyện này đang hướng về đâu. Có vẻ qua nhiều năm bắt buộc im lặng, ông lão này lại đang nói quá nhiều.
“Khi gặp cậu, ta đã nghĩ cậu chính là đứa trẻ ấy.” Trương lão đột ngột nói, hướng sự chú ý của hắn trở lại. “Giết người không lý do, chỉ là cần thiết. Rồi ta nghĩ mãi, trong những năm sau này, tại sao lại ra thế?
“Như con bé Xapatan nọ, nó không ghét những ‘kẻ thù’, hẳn vậy. Ghét – như một người ghét một người, không phải nhiều người ghét nhiều người. Ban đầu, vì một lý do nào đó, hai bên đánh nhau. Gây tổn thương cho nhau, tạo oán thù với nhau, báo thù qua lại, và rồi chẳng còn lý do nào nữa. Mọi thù oán đều đúng, mọi căm ghét đều tất nhiên, mọi kẻ đều có lý. Đến bọn trẻ như các người thì thật là chẳng biết tại sao lại như thế. Ngay cả Khang Hy kia hẳn cũng không hiểu tại sao lại phải gánh vác oán thù của Đa Nhĩ Cổn. Đến bọn trẻ các người đánh giết lẫn nhau chẳng vì tội tình của ai cả, nhưng rồi các người lại tiếp tục giết nhau, thù oán nhau vì chính điều đó.”
Trương lão chợt ngừng lời. Tiếng nói đang cất cao chợt như hòn đá rơi tõm xuống lòng sông. Ánh mắt hắn dừng giữa lưng chừng trời, nơi những ngọn cây nhấp nhô in vào mây. Mấy cánh chim nhỏ đang bay lên. Và thanh âm của đàn ve đã vang động núi rừng.
Xuôi theo dòng sông đổ về thung lũng là nguồn Thạch Thành đông đúc, thuyền bè đậu san sát. Từ vị trí này nhìn lại, những mái nhà nhấp nhô mờ trong khói nắng, bóng con người nhỏ như hạt đậu rơi. Trương lão đang nhìn đến hút mắt về hướng ấy, đôi mắt mờ đục bóng nắng chói chang.
“Tuyết Nhi…” Môi Trương lão mấp máy, nhưng tựa như từ ngữ đã rời bỏ ông, hoặc ông không tìm được những gì mình muốn nói. Hắn lại trông lên bầu trời, dường đã hiểu điều ông đang tìm cách diễn đạt.
Tuyết Nhi, Xapatan, Chiêm Dao Luật, và cả Như Yên, những cô gái mang nặng món nợ từ lúc chưa có mặt trên đời, đều phải trả giá cho điều đó. Có tội hay vô tội, thông minh hay khờ khạo, tất cả đều không tránh được định mệnh giáng xuống mình.
Tuyết Nhi vô tội, thiên chân và vô tội nhất thế gian. Vì Tuyết Nhi, hắn đã không thể tha thứ cho Như Yên, sự thật là như vậy. Hắn không biết cách để chấp nhận, đã buông tay để không phải đối mặt. Và Như Yên cũng không tha thứ cho hắn. Và Ngô Lãng không tha thứ cho cả thế gian. Bao nhiêu tình yêu cũng không đủ để khỏa lấp hận thù. Bao nhiêu thời gian không đủ để quên đi ký ức. Thời gian chỉ để nỗi đau nằm lút sâu trong tâm khảm như mảnh dằm nhức nhối khôn nguôi.
Oán thù không phải để quên đi, rồi mỗi kẻ lại càng tìm cách tổn thương nhau thêm nữa, xem đó là cách để xoa dịu lòng mình. Nỗi đau không phải để buồn thương, mà biến thành nỗi căm giận không cách nào buông bỏ. Ký ức được nhắc đi nhắc lại không phải để tưởng niệm, chỉ để người nhớ kỹ những mất mát hận thù. Chạm vào nhau chỉ thấy mỗi xót xa.
Tuyết Nhi vô tội, đã không ai bảo vệ được nàng. Tất cả đều cảm thấy bất lực, giận dữ, và oán hận. Tuyết Nhi không đáng phải chết, và ý nghĩ ấy biến thành nỗi oán hận khôn cùng. Đến mức không ai có thể thốt ra điều đó.
Chính nó, nỗi oán hờn chất chứa từ sâu thẳm, từ những năm tháng không tên, trong cả những gì tưởng đã lãng quên và bỏ mặc, đã đẩy tất cả vào con đường không có cơ hội quay đầu.
“Ta đã không hiểu Dương Ngạn Địch, không hiểu…” Trương lão lẩm bẩm, hắn nghe những tiếng thở ngắn khô khốc lẫn với lời nói của ông ta. Im lặng một lúc lâu, ông lão bỗng nhiên quay sang hắn. “Ta muốn tìm Ngô Lãng, bảo với nó… Nếu muốn có một chỗ dựa, một thế lực, ta sẽ cho tiền để nó mua chức quan ở Chân Lạp, Đại Thành hay Miến Điện. Chỉ cần có tiền thôi, phải không?”
“Chỉ cần có tiền thôi, nhưng y không muốn đâu.” Hắn mỉm cười. Muốn mua một chức Ocnha, quả thật chỉ cần chi một ít tiền. Thậm chí, muốn tranh thủ phấn đấu đến chức vị Okya Sombatthiban của triều đình Đại Thành, cũng vẫn có cơ hội. Nhưng hắn hiểu rõ thế nào là ‘làm việc’ trong những triều đình ấy. Triều đình Prasat Thong sụp đổ kéo theo cả hệ thống quan lại, cả những thương nhân làm việc cho nhà vua. Nhóm người Nhật Bản ở Ligor bị hủy diệt chỉ trong một đêm, sau một đời tận lực của Okya Yamada. Chẳng có gì là an toàn với những triều đình phương Nam, các vua chúa sử dụng bọn thuyền nhân lưu vong như những con tốt thí. Ngô Lãng hẳn nhiên không chấp nhận điều đó.
“Nó muốn gì?” Trương lão cau mày. Hắn ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi lại không biết phải trả lời thế nào.
Hắn sẽ không cho rằng y muốn thành lập lại đội quân phục Minh. Những giấc mơ đã tan vỡ trên mặt biển ngày ấy trong tất cả mọi người. Y chẳng còn điều gì để níu giữ ngoài chính bản thân, ngoài mảnh vỡ của những giấc mơ, ngoài những tổn thương. Y đứng dậy bằng lòng tự tôn và sức mạnh của oán hận. Thứ y tìm kiếm trong hành trình trả thù này có lẽ chỉ là công bằng cho bản thân. Công bằng, trong một thứ ý nghĩa lạ lùng.
Vì thế, hắn đã không ngăn y lại, hắn không biết cách. Khi chính bản thân hắn cũng chẳng thể cản được mình. Công bằng, ngay cả khi buông bỏ cuộc đời và hủy hoại chính bản thân.
Trong một thế giới vô lý cực cùng và nỗi bất lực vô biên, đôi khi nỗi đau lại là niềm ủi an duy nhất, sự công bằng duy nhất có được cho mình.
Ngươi có đâm đầu vào chuồng heo mà chết thì thế giới cũng chẳng vui hơn đâu, Sorasak đã nói trong đêm ấy, bằng nỗi thống khổ thê thiết đến điên cuồng, đến lạnh lùng. Cậu ta đã lấy lại ‘công bằng’ cho bản thân trong một cuộc hủy hoại – Và cuối cùng, thấy bản thân bị hủy hoại. Một cuộc hành xác không hồi kết, khi chẳng ai tìm được thứ mình cần.
“An toàn, có lẽ vậy.” Cuối cùng, hắn chậm chạp trả lời. Hắn cũng không chắc về những gì mình nói, chỉ hy vọng Trương lão hiểu được. “Y bao giờ cũng cảm thấy bất an.”
Vì thế mới cần xây thành cao hào vững, mới mải miết lo toan sắp xếp, tranh đoạt cùng người, mới tự tay vứt bỏ những gì không chắc chắn. Mới trở nên quyết tuyệt trong một thế giới bấp bênh, chập chờn sáng tối. Mới đẩy mình vào con đường cô độc, không biết thứ tha, chẳng biết chấp nhận.
Trương lão vẫn đăm đăm nhìn hắn, dần khiến hắn mơ hồ khó chịu. Đá một hòn sỏi lăn xuống nước, hắn định hỏi lại về ý định của ông ta khi tìm gặp Ngô Lãng. Hắn vừa mở miệng, Trương lão đã ngoảnh đầu đi.
“Bọn trẻ các người…” Ông lão lầm bầm, vẫn gần như là thì thầm. Hắn cười hắt ra.
Dòng sông vẫn trắng sáng nắng gay gắt đổ xuống từ bầu trời lồng lộng. Dòng sông loáng thoáng sắc trời trong đáy nước. Hắn nghĩ về mặt biển ngày ấy, nhiều ngày, rất nhiều ngày trước. Cuộc hành trình dài dằng dặc trên biển khơi, rời bỏ mảnh đất lạc loài những giấc mơ tan vỡ để rơi vào giữa đại dương tựa như một lời nguyền.
Không còn những giấc mơ, không còn nơi để quay về, không có nơi để ở lại, mặt đất cùng biển khơi đều như nhau, không có gì khác biệt. Bất an, nói cho cùng cũng chỉ là cảm giác của con người.
“Ông không định đưa tiền cho Ngô Lãng, bảo y tìm một chức quan đấy chứ? Chỉ e rằng có làm quan trong triều, y cũng sẽ tìm cách lật đổ cả nhà vua, hay chiếm đất mà lập nước mong làm một Đại Thành mới.” Không có thời gian để dùng dằng lâu, hắn quyết định nói thẳng. Nghĩ lại, hắn cười khẽ. “Âu là chiếm ngai làm vua hay chiếm đất lập nước cũng ít đổ máu hơn. Nghe đâu xứ sở này đã có rất nhiều vua như vậy.”
Trương lão chầm chậm quay đầu nhìn hắn. Hắn nhún vai.
“Muốn làm vua thì cũng có thể ra chiếm một hòn đảo, làm vua với khỉ.” Hắn mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt Trương lão. “Trồng hồ tiêu, hái trái, chặt gỗ, tìm rong biển, làm nước mắm… có tay chân thì không lo chết đói. Ta dựng được Cù lao Phố, Mỹ Tho từ hai bàn tay trắng thì chẳng lẽ lại không xây được thành trì mới?”
“Cậu thật sự muốn…?” Trương lão thận trọng hỏi lại. Hắn chống tay lên gối, trầm ngâm một lúc rồi gật đầu.
“Mấy năm nay, người Đường xuống phương Nam ngày càng nhiều. Tây dương bị Đại Thành, Miến Điện, Nam Dương đuổi đánh không còn sức ảnh hưởng lớn, Nhật Bản đóng cửa, tình hình Hoa Nam yên ổn thì thương buôn Đường nhân sẽ lấp đầy các cảng. Người Minh bỏ xứ lưu vong cũng nhiều. Đường nhân thông thạo buôn bán, làm kinh tế, chẳng mấy chốc mà nắm nền kinh tế bản xứ[1]. Ta muốn làm gì cũng không lo bị cô độc một mình. Vả lại, người đông thế mạnh chẳng chóng thì chầy sẽ xảy ra chuyện, lo cho cả mình lẫn người một đường lui vẫn tốt hơn[2].” Hắn chợt cười khẽ. “Cũng có người đã hứa cho tôi cả vịnh Xiêm La.”
“Cậu…” Trương lão nói, nhưng rồi thấy ánh mắt hắn lại im lặng.
Đôi mắt vẫn hệt như trong đêm ấy, không buồn chẳng vui, không sát khí, cũng chẳng hào hứng hồ hởi. Đôi mắt hệt như mặt nước lạnh băng.
Đôi mắt hướng về ông với cái nhìn thẳng lạnh lẽo, hầu như không liên hệ đến nụ cười trên môi hắn.
Kẻ giết người, ông đã từng nghĩ. Rồi ông cũng đã từng phủ nhận khi hắn không xuống tay. Giật mình nghĩ lại, cũng có thể hắn chỉ không giết ông vì che giấu một xác chết khó hơn là người sống.
Kẻ đã có thể nhuốm đẫm máu bàn tay mình với sự dửng dưng tột độ, còn điều gì có thể không làm?
Hắn nói như thể một ý nghĩ vừa nảy đến, nhưng bằng giọng bình lặng trầm ổn tựa đã toan tính rất lâu. Một ý nghĩ vừa nảy ra hay đã nằm trong lòng hắn từ rất lâu, chính hắn cũng không rõ.
“Đại Thành khó có thể can thiệp vào trận chiến này.” Nheo mắt nhìn nắng, hắn nói tựa đang bàn luận. “Nam Chưởng tiếp giáp với đất Đại Thành, viễn giao cận công vẫn tốt hơn là để Chân Lạp đánh sau lưng mình lúc nào không biết. Cầm cự được với Nam Hà hay không thì phải xem phận số thôi. Không thể dồn hết tiền của vào một canh bạc bất trắc được.”
“Cậu không muốn giúp Ngô Lãng?” Trương lão mím môi. Hắn lại cười.
“Biết người biết ta chứ liều để làm gì?” Trong nắng gắt, hắn lại cảm thấy cơn lạnh thấm vào lồng ngực. “Nếu không được chủ động thì nên chọn thứ đỡ tệ hơn cả, ít nhất là cho bản thân mình.”
Đây là con đường tất cả mọi kẻ đã đi. Tồn tại hoặc bị triệt tiêu, vốn dĩ không hề có lựa chọn.
Chỉ có kẻ mạnh mới nắm được số phận. Có những con đường để trở nên mạnh mẽ, đó là lối đi vào tâm bão.
Đây cũng là điều Hoàng Tiến đã từng làm, đã thất bại và bị triệt tiêu. Hắn đã không hiểu ông cũng như điều đã khiến ông quyết định hành động, những gì đã đẩy cả Mỹ Tho vào một cuộc xáo trộn thời gian ấy. Thời gian ấy, hắn chỉ là một kẻ vô ưu hoang đàng, không có gì trong tay lẫn trong tâm, và cũng chẳng hề cảm thấy cuộc đời mình có giá trị hơn là một hạt cát. Vì thế, hắn đã hoàn toàn không hiểu.
Có những con đường để trở thành kẻ mạnh. Cướp đoạt, lợi dụng, tranh đấu, lừa lọc, hay xây dựng. Hoặc tất cả các phương cách ấy.
“Hiện thời mọi vùng đều đang rối loạn, khó có thể yên trong ngày một ngày hai. Nam Chưởng có biến, ắt Chân Lạp cùng Đại Thành, Miến Điện đều tập trung chú ý về. Thêm Nam Hà xung đột với Chân Lạp, Chiêm Thành lần này, phía Bắc Chân Lạp sẽ không bao giờ yên. Nam Thủy Chân Lạp vắng vẻ hoang vu, tuy khó trồng cấy nhưng địa thế rất tốt, vào vịnh Xiêm La thì tàu thuyền vô số, con người lại phức tạp. Trong vịnh Xiêm La, không những hải tặc đông đúc, kẻ buôn lậu cũng nhiều, so với Đông Phố chịu kiểm soát của cả Nam Hà và Chân Lạp thì tự do hơn gấp bội, so với Mã Lai, Nam Đảo lại càng ít phải xung đột với dân bản xứ, ở giữa địa phận Chân Lạp và Đại Thành càng ít bị ảnh hưởng. Ta ở đó cũng không ai để ý, từ từ mà xây dựng.” Mắt hắn vẫn nhìn theo dòng nước đang chảy trôi, lớp lớp bọt hiện trắng xóa tan lấp lên nhau. “Tôi không giúp Ngô Lãng bây giờ, vì tôi không có khả năng để giúp ai cả. Cứu được một vài người sẽ khiến nhiều người hơn phải chết. Làm rối loạn vài ba việc không thể thay đổi được thế thời. Rốt cuộc, vốn không điều gì có thể thay đổi. Mấy năm trước, tôi chặn cuộc chiến ở Chân Lạp, rồi nảy sinh ra trận chiến hiện tại. Cứu một người sống, một người khác phải chết, nhiều người liên lụy. Sư phụ dạy cho tôi bao nhiêu kiến thức vốn để hiểu đời, tôi lại chẳng thông.”
Những lời nói có vẻ lạ lùng ngay trên môi hắn. Những lời nói điềm tĩnh tuần tự như dòng nước đang trôi lại khiến hắn âm thầm ngạc nhiên. Như thể hắn đã luôn chờ đợi để nói ra. Như thể cả cuộc đời hắn đã âm thầm chuẩn bị để thực hiện.
Trương lão lại lặng thinh, ông ta cần thời gian để suy nghĩ. Hắn nghe tiếng nước chảy trên ngọn thác, đổ qua vùng đất. Lòng thầm nghĩ đến mặt biển bao la, xanh đến không bến bờ.
Tất cả dòng sông đều đổ về phía biển.
Chú thích:
[1] Đây là tình trạng cho đến hiện tại của hầu hết các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… và cả Việt Nam trước 1945, những người giàu nhất đất nước, nắm nền kinh tế - và cả chính trị - đều mang gốc Hoa.
[2] Hà Tiên trong thế kỷ 17-18 là nơi rất nhiều người chạy đến nương tựa trong những cơn chính biến. Như trong những năm 1730, Chân Lạp ra lệnh thảm sát người Việt trong vùng, người sống ở Chân Lạp đều chạy về Hà Tiên. Nhà vua Chân Lạp bị Nam Hà đánh cũng chạy đến Hà Tiên tị nạn, được Mạc Thiên Tứ điều đình với Nam Hà. Mạc Thiên Tứ cũng từng cưu mang hoàng thân của Xiêm La. Những nhà truyền giáo, trong đó có cả Bá Đa Lộc, vẫn chạy về Hà Tiên tránh những đợt cấm đạo…