Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Nguyên hỏa phục hoàn sinh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toàn toại hà do manh?
Buổi chiều hôm ấy, gió đã cuốn hất đám lá thu rơi rụng trên nền đất vào những vòng xoáy nho nhỏ trước khi đem chúng tung xuống mặt nước. Sen trên hồ đã tàn, nhìn rõ những cành rễ lập lờ trong nước. Trong không khí thoang thoảng vị đắng của mưa đang tới, nhưng nàng không cảm nhận được. Sau ba ngày đêm liền ngồi bên hồ, thân người nàng gần như tê bại, trí óc mập mờ loáng thoáng như cảnh sắc phản chiếu trên mặt hồ kia.
Ta bỏ cuộc, gạt tay qua mắt đã mờ đi, nàng chống tay đứng lên. Trong ba ngày này, nàng vẫn ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi cách quãng, thi thoảng đứng dậy để giãn xương cốt. Nhưng hóa ra tập trung tâm trí vào một việc, cố gắng làm ‘cái việc ngu ngốc’ thanh tẩy trí não lại khó khăn và tiêu tốn nhiều sức lực đến thế. Việc ngu ngốc, nàng lắc đầu xua đi cơn chuếnh choáng. Chẳng có ý nghĩa gì khi tìm kiếm thứ nào đó trên một mặt hồ.
Ý nghĩ vừa tới đấy, nàng đã hoa mắt chóng mặt, gần như ngã sấp xuống. Thân thể đột nhiên bải hoải vô lực đến không thể nhấc tay lên nổi, nàng ngẩng đầu nhìn bầu trời, thốt nhiên nghĩ tới bầu trời trên mặt nước kia. Khoảng không gian đầy gió, mù bụi cỏ, tràn trề ánh sáng và làn hơi, không hề giống như thứ nàng đã nhìn thấy ba ngày liền. Quả thật là một việc ngu ngốc, khi nàng chăm chăm nhìn vào thứ ảnh tượng nhỏ bé xiêu lạc nọ. Nghĩ tới đấy, có thể vì mắt đã mỏi, lệ nóng chợt tràn khỏi đuôi mắt nàng, lăn vào tóc mai.
Một vòng tay ấm áp nhanh chóng đỡ nàng lên, đưa vào trong nhà.
Có tiếng cười, cũng có thể là tiếng thở dài, mỏng như gió thổi bên tai nàng. Người đó xoa tóc nàng, cười hay thở dài khe khẽ:
Hiểu chứ, đó là một giấc mơ. Một giấc mơ trường tồn là giấc mơ vĩnh viễn không bao giờ thành sự thật.
Cũng có thể, nàng đã chỉ nghe câu nói ấy trong mơ. Khi nàng tỉnh thức, ngài ta đã rời đi, chỉ để lại trên bàn một bức tranh còn thơm mùi mực. Tranh vẽ nàng của buổi chiều ngày hôm ấy, và bài thơ đề bên cạnh.
Nàng đem tranh về, treo trong phòng riêng, không hỏi lại ý nghĩa của nó. Ngài ta cũng dường như đã quên mất mà không bao giờ hỏi. Sau này, nàng rời khỏi Thương Trúc trang, không đem theo bức tranh. Khi trở về, nàng cũng ít khi nhìn tới nó.
Những năm tháng sau này trượt đi trong những mảng màu loang chập chờn như ánh nắng soi trong giấc mộng. Muôn vàn màu sắc trôi qua, hòa tan, loãng mờ, biến mất, bị thay thế và quên lãng. Thi thoảng, những đường nét thanh thanh màu mực đen kia trở lại, như thể một bóng hình dưới đáy nước, một thứ phác nền cho sắc màu trôi trên nó. Nàng thi thoảng vẫn nhớ về nó, tuy không mấy khi nhìn tới. Rồi nàng nghĩ, hẳn bức tranh trong trí nhớ của nàng đã có chút sai khác so với thứ trong hiện thực.
Như là, nàng đã thấy hình bóng của bức họa trên khung cảnh trước mặt, qua những chấn song. Bên kia chấn song, khung cảnh chẳng có hồ cũng chẳng có trời xanh. Gió đang nổi, đem sương mù buổi sớm chưa kịp tan tản mát vào mây xám. Tre trúc mọc dày làm tấm rào chắn tự nhiên cho bãi đất cỏ bời bời. Trong làn sương, cành lá phơ phất, đôi lần lộ rõ một đôi đầu lâu còn nguyên tóc cắm vào bụi tre. Cỏ trong bãi đất dày, tốt tươi kỳ lạ tuy thường xuyên bị xéo đạp. Mùi tanh nồng như bám vào bụi cây ngọn cỏ, luẩn quẩn giữa bãi đất rộng. Mấy cọc gỗ đóng trên đất đã thẫm đen màu mưa nắng, khó có thể nhận ra những vệt vương loang lổ. Người đang đem mấy sợi thừng mới đến, quấn vào thân cọc. Ở khoảng cách này, nàng chỉ nhìn được vài vệt người đen đen.
Chưa đến giờ giải tù ra pháp trường. Hôm nay các quan lớn đến xem xử trảm trọng phạm, giờ hành hình được lùi lại vào lúc trời sáng rõ. Lúc này nàng mới nghe tiếng xích sắt va chạm loảng xoảng từ sân sau của nhà giam. Cai ngục vừa kéo vừa lôi mấy người tù ra sân, chuẩn bị đeo gông vào. Nàng nghe tiếng nói rất quen vọng tới: “Không cần!”.
“Người của vương tộc cũng phải có chút ít mặt mũi.” Nguyễn Phúc Nhuận đến coi sóc việc giải tù sáng này, bất nhẫn lên tiếng, gạt cái gông đang được ướm trên cổ Nguyễn Phúc Huệ sang bên. Nguyễn Phúc Huệ mím môi, thậm chí chẳng đưa mắt nhìn qua. Bất chợt, ánh mắt gã dừng lại ở nơi mà Như Yên cũng đang đăm đăm nhìn tới.
Trước cổng nhà giam đang mở rộng dẫn ra pháp trường, trên con đường lầy cơn mưa đêm trước, đứa trẻ mặc áo tang đứng ôm bài vị ngơ ngác ngẩng đầu nhìn trời. Đám phụ nữ và trẻ nhỏ hơn đã tụ tập về phía trong cửa ngóng vào, cắn khăn khóc lóc, chẳng ai để ý đến nó. Thằng bé chừng hơn năm, sáu tuổi dường như vẫn chưa nhận ra địa điểm mình đang đứng, chỉ dõi đôi mắt to nhìn bầu trời xám mây, bụi nước mờ lất phất như mưa ngâu. Đến khi bị tiếng kêu khóc làm kinh động, nó mới giật mình nhìn về phía cửa ngục. Nguyễn Phúc Huệ khoanh tay áo giấu sợi xích sắt, bước về phía thằng bé.
Nàng không nghe được lời họ nói, cũng chẳng nhìn rõ hai cha con giữa đám đông vòng trong vòng ngoài. Thấy Nguyễn Phúc Huệ và đám tù nhân phía sau, người ngoài cửa xô tới, kêu khóc ầm ĩ, lính canh lại phải dàn hàng gạt ra. Nguyễn Phúc Nhuận đã gia ân cởi xích chân cho Nguyễn Phúc Huệ, lính canh lại giáo mác sẵn sàng bao vây xung quanh.
Loáng thoáng sau đám người, chỉ thấy Nguyễn Phúc Huệ vỗ đầu đứa bé trước khi đứng lên. Thằng bé níu tay cha nó, liền bị lính gạt ra, đẩy Nguyễn Phúc Huệ vào. Từ phía sân trong, hai hàng lính vệ chạy ra sắp hàng đều tăm tắp, chờ đến lúc giải tù phạm. Một chiếc cồng lớn cũng được khiêng sẵn ra sân chờ lệnh.
Tay vẫn khoanh trong áo, Nguyễn Phúc Huệ men theo hành lang trở về vị trí chờ đợi. Nhờ vậy, gã nhìn thấy nàng trong song cửa. Nàng cũng đứng yên, không có ý tránh mặt gã.
“Cô cô…” Khóe miệng Nguyễn Phúc Huệ giật khẽ, không rõ là loại biểu cảm gì. Tiếng nói của gã khàn khàn. Dù ra pháp trường, tóc gã đã được búi buộc gọn gàng, vẫn mặc thường phục chứ không phải áo tù. Gương mặt hốc hác khiến đôi mắt sâu tối, gã nhìn nàng mà không để lộ chút sắc thái, dù là căm ghét hay giận dữ. Thậm chí câu nói sau của gã còn thoáng vẻ mai mỉa. “Vẫn chưa đến lượt cô cô sao?”
“Sắp rồi.” Nàng nói mà không chớp mắt. Đôi môi Nguyễn Phúc Huệ nhoành thành một nụ cười.
“Chiêm Dao Luật từng trách ta quá tin người, nhưng cũng lại quá đa nghi.” Gã nói qua hàm răng nghiến chặt, nhưng vẫn chẳng phải là giận dữ hay căm ghét. Như Yên liền chớp mắt.
“Tin người hay nghi người? Thật ra chỉ là nhìn thấy lợi trước mắt của người mà không nghĩ tới chính con người, sử dụng người mà không đặt tâm vào người, dùng người mà không hiểu người. Chỉ nhìn thấy bề nổi hợp ý mình mà gán cho người tất cả những gì mình nghĩ.” Nàng lắc đầu. “Nên kẻ đáng tin thì không tin, kẻ không nên tin lại dùng. Mà tất cả kẻ xung quanh cũng chẳng ai tin công tử, thật lòng đối đãi với công tử, chẳng qua thuyền chìm thì cùng chết. Mỗi kẻ tìm tới vì mục đích của riêng mình, không kéo được họ theo thì làm việc lớn sao được?”
“Cám ơn cô cô.” Nguyễn Phúc Huệ nhíu mày, gật gật đầu. “Nếu có kiếp sau, ta sẽ ghi nhớ.”
Lính gác thúc vào lưng giục giã, Nguyễn Phúc Huệ liền bước đi. Được vài bước, gã ngoái đầu nhìn lại.
“Thật sự ta chỉ không tin có kẻ muốn tự hủy diệt mình, hóa ra là ta lầm.” Lời nói khàn khàn lại nghe như có tiếng cười trong cổ. “Ta vốn đánh giá cao cô cô, hóa ra ta cũng lầm nốt. Chẳng có chí hướng, cũng chẳng có tham vọng, chỉ là chó săn cho người. Chẳng muốn khẳng định mình, chỉ đem kẻ khác hóa thành ‘phản tặc’ đồng nhất mà lót chân cho mình.”
Như Yên hé miệng như định nói, rồi lại im lặng. Nghe tiếng gọi, lính vội kéo Nguyễn Phúc Huệ đi thẳng. Tù phạm bị dẫn giải ra giữa hai hàng xích sắt, tay bị trói vào cùng một dây. Quan giải phạm nhân cưỡi ngựa đi cạnh. Nhà tù không xa pháp trường, tiếng thanh la, chiêng trống gọi dẹp đường vẫn vang động.
Nàng nhìn thấy đứa bé kia lần nữa, khi nó bị đẩy dạt sang bên, vẫn ôm khư khư bài vị trong tay. Đôi mắt nó vẫn ngơ ngác khi luôn miệng gọi người cha bị giải đi qua, người chú bám chặt lấy tay anh mà vấp nối đi theo. Tù phạm lần này là thế gia vọng tộc hay quan tướng, người tới pháp trường xem xử trảm đông gấp mấy lần bình thường. Thoáng chốc, bóng áo trắng nhỏ bé nọ đã lẫn hẳn trong đám đông xô về phía những bụi tre gai.
Các quan tới gần như cùng lúc, tiếng chiêng trống càng ồn ào. Võng lọng ngựa xe ngoài bãi trông như thể một đám hội.
Những chiếc xe kéo phủ vải kín được đẩy tới sau cùng, bánh xe lăn lọc cọc, cũng chẳng có vẻ vội vã nôn nóng như đám người xung quanh.
Đám tù phạm được dẫn ra xa, cánh cửa nhà giam khép lại, trả sự yên ắng về cho khu nhà. Nắng đã lên sáng rõ, soi tỏ dấu chân trên sân đất.
Nàng đóng cửa sổ, khép cả khoảng cách với tiếng động bên ngoài. Qua những lớp gỗ dày, tiếng động như sóng âm vang trong lòng đất, chốc chốc lại ào lên. Tựa lưng vào thành giường, nàng thắp đèn, lấy sách ra đọc.
Tiếng ồn rồi cũng vãn. Khi trời chuyển sang trưa, thanh âm cuối cùng nàng nghe thấy là tiếng bánh xe gỗ lăn trên đá sỏi. Lính xong việc về nhà giam, đóng mở cánh cửa cọt kẹt, gươm giáo lanh canh. Người đem cơm cho nàng đẩy cửa vào, để mâm cơm ngoài song gỗ. Theo gió thoảng vào, mùi tanh lẫn với mùi thức ăn chợt khiến nàng lợm giọng.
Lơ đãng, nàng không nghe được tiếng người đưa cơm nói, khiến cô ta phải nhắc lại hai lần. Cô ta bảo, chiều nay nàng chuẩn bị.
Rồi như thể sợ sệt, cô gái lui ngược ra cửa, khép nhanh cửa mà đi. Nàng nhìn bữa cơm thịnh soạn hơn mọi ngày, chợt mỉm cười.
Hôm nay là ngày xử tội tất cả kẻ phản loạn. Nàng vốn là nữ nhân, lại thành khẩn khai báo nên được gia ân chọn tam ban triều điển. Sau khi thị kiến phạm nhân ban ngày, đến chiều pháp quan mới rảnh rỗi đến xem nàng.
Xác phạm nhân phải được giám định kỹ càng, trong tình hình căng thẳng ngàn kẻ nhìn vào này, ngay cả vị chúa cũng không thể tìm cách đưa nàng ra. Giả ma giả quỷ hay lập lờ đánh lận con đen đều không phải là cách tốt, khi người ta dễ dàng nghi ngờ bất cứ điều gì không được chứng thực. Giả ma giả quỷ hay mập mờ không rõ càng phương hại đến hình ảnh mà vị chúa đang dựng xây.
Nàng, rốt cuộc cũng là con cháu của phản thần.
Nhưng chỉ ngay sau bữa trưa, đã có người đến gọi nàng rời khỏi nhà giam. Để tránh ánh mắt người ngoài, nàng được đưa lên xe ngựa đi về khu nhà của ty Xá sai bên phủ chúa. Ngoài trời, mưa phùn mùa xuân lại lất phất rơi. Nàng hé rèm xe, nhìn ra khung cảnh dòng sông bên con đường vắng. Đang giờ nghỉ trưa, người tụ họp về những nhà lán, quán xá trong chợ, bên đồng. Mưa mù như khói tỏa giữa tầng không, lọc qua tầng tầng nắng bạc sáng trắng cả bầu trời. Những chiếc thuyền con trôi như chiếc lá giữa lớp lớp sóng gờn. Cánh chim về phương Bắc sớm chao giữa tầng trời, tiếng kêu lạc trong thinh không.
Nàng đến sớm, ty Xá sai vẫn chưa mở cửa cho buổi làm việc chiều. Người đón đưa nàng vào gian nhà nghỉ dành cho khách. Trong phòng, quần áo và trang sức đã để sẵn. Nàng liền thay áo, chải lại tóc. Trên bàn có cả một bộ son phấn đựng trong các hộp sứ trắng, thơm ngát mùi hoa. Nàng chỉ chấm chút son lên môi, rắc phấn vào tay xoa lên cổ. Nhìn vào gương, đã nhiều ngày không bước khỏi phòng giam, da nàng trắng tái, hai má lại hồng lên trong khí lạnh. Một vẻ yên bình đến lạnh lùng phảng phất nơi đầu mày khóe mắt, dễ dàng tạo ra ấn tượng rằng sắc diện nàng vốn chẳng mấy thay đổi so với cô thiếu nữ ngày nào. Như một cái mặt nạ trong suốt bằng sương giá đã phủ che dấu vết của tháng năm.
Nghe tiếng đẩy cửa, nàng nhìn vào gương, không quay đầu. Người thanh niên vừa đến cũng im lặng khép cửa, nhẹ bước tới chiếc bàn bên chờ đợi nàng trang điểm xong. Thoa thêm chút dầu lên tóc, nàng ngoảnh lại, mỉm cười.
“Đám quan chức của ty Xá sai biết đâu đang bài bạc trong kia, biết chúa công đến thế này lại vỡ mật chết đấy.” Vị chúa trẻ đang mặc bộ thường phục ưa thích của ngài ta, bộ áo màu nguyệt bạch dễ lẫn với các sắc áo thông thường của thị dân, tóc chỉ buộc chứ không đội khăn mũ. Không nghe tiếng tiền hô hậu ủng ngoài cửa, hẳn ngài ta lại đi đường vòng lẩn vào.
Nghe nàng nói, môi Nguyễn Phúc Chu cong lên trong một nụ cười nhạt nhòa. Ngài ta đăm đăm nhìn nàng, cuối cùng mở miệng.
“Cô cô không cảm thấy gì sao?” Đó không hẳn là điều ngài muốn hỏi, nhưng cũng có thể chính xác là điều ngài muốn biết.
“Nếu chúa công đến để tỏ lòng thương tiếc thì thôi đi.” Như Yên bật cười, đưa tay chỉnh lại chiếc hoa tai. “’Thương tiếc’ hay ‘không nỡ’ cũng chỉ là cách tự an ủi bản thân, cho rằng mình tốt đẹp. Thế cuối cùng có hành động khác đi không, đó mới là vấn đề. Thương tiếc với lại cả không nỡ, cuối cùng chỉ đạo đức giả như nhau cả thôi. Đành rằng với địa vị của chúa công, đạo đức giả cũng chẳng có gì không tốt, nhưng nghĩ lắm rồi lại tự cho là thế thật thì làm thiên hạ đại loạn.”
“Cô cô lại quá lời rồi.” Nguyễn Phúc Chu chợt cười. Ngón tay nhịp trên mặt bàn gỗ, vị chúa cân nhắc nhìn nàng. “Cô cô có còn tâm nguyện nào nữa không?”
“Ta nghĩ chưa ra, hay để ta từ từ nghĩ vậy.” Như Yên nghiêng đầu, nhún vai. Chải xong mái tóc, nàng cuộn một lọn nhỏ búi lên sau đầu. Thấy vậy, Nguyễn Phúc Chu tới bên, rút trong tay áo ra một cành hoa tường vi gài lên tóc cho nàng. Dường giật mình, Như Yên đưa tay chạm vào những cánh hoa vẫn còn vương hơi ấm. Màu sắc lẫn dáng hình hoa đều rất quen thuộc với nàng.
“Ta vừa đến đó xem xét.” Nguyễn Phúc Chu nói khi quay về chỗ ngồi, tránh mắt khỏi gương mặt nàng. “Ta cũng vừa bảo quần thần phác thảo chuẩn bị để chọn ngày tốt khởi công.”
“Tiếc thật.” Nhìn những cánh hoa rung rung lấp ló sau búi tóc, nàng mỉm cười, nói nhẹ bẫng. Nguyễn Phúc Chu đưa mắt nhìn lại, nhưng nàng đã lắc đầu. “Dù chỉ còn gốc rễ thì cây vẫn sống sót được, nhưng sao có thể sống ngàn năm?”
“Tiên chúa từng nói, cô cô thà bỏ đi còn hơn giữ lại. Có lẽ là ngay cả bản thân mình.” Chống tay lên bàn, Nguyễn Phúc Chu nói với đôi chút tò mò. Như Yên cười nhẹ, đeo cái vòng vàng vào tay.
“Mộc trung nguyên hữu hỏa. Mà lửa thì hẳn nhiên phải đốt rụi mọi thứ rồi. Ta cũng chẳng phải vô tâm vô tình, chẳng biết tiếc thương. Chỉ là, trong ta có một ngọn lửa.” Nàng thở ra, nhíu mày như suy nghĩ về chính những gì mình đang nói. “Có những giới hạn, cháu hiểu không? Một khi lửa đã đốt cháy những thứ ở trong đó, không thể quay về như trước được nữa, thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn. Có những giới hạn, bước qua rồi thì sẽ chẳng bao giờ còn khiến ta khóc hay cười, thậm chí là đau lòng được nữa. Trong ta có một ngọn lửa như thế đó, chỉ chờ cơ hội là bùng lên, khiến ta lúc nhỏ thì đi phá người phá việc, khi lớn thì đi hủy hoại cả người lẫn mình. Ta không biết tha thứ, cũng chẳng bao giờ quay đầu, chẳng qua là vì đã bước qua giới hạn mất rồi. Bỏ đi hay giữ lại cũng chẳng phải do ta quyết.
“Ngay cả đem mình ra làm mồi cho lửa, cũng là một loại vui sướng.” Cười khẽ trong cổ, Như Yên liếc mắt nhìn người bên kia phòng. “Ngay cả kẻ đã và đang đối đầu với cháu cũng vậy. Biết hiểm nguy, biết trắc trở, đường cùng mà vẫn đâm đầu vào, đâu phải chỉ có mỗi mình ta.”
Như vậy chỉ khi chết đi mới dập tắt được ngọn lửa ấy? Nguyễn Phúc Chu muốn hỏi. Nhưng rốt cuộc, ngài lại không thốt ra lời.
Buổi hành hình đến sớm ngay khi buổi chiều bắt đầu. Dưới sự thị kiến của các quan trong Xá sai, ba món vật dụng trong tam ban triều điển được đưa đến, gồm ba thước lụa trắng, dao nhọn và thuốc độc. Không muốn phải chịu đau đớn hành hình, nàng chọn chén thuốc độc.
Cái xác được giữ lại chờ khám nghiệm đến khi đã lạnh cứng. Cuối buổi chiều hôm ấy, thi thể nàng mới được đưa ra ngoài, đến bãi đất tha ma bên kia sông.
Buổi chiều hôm ấy, đoàn nhân công đầu tiên đến phá dỡ khu nhà trên mạn đồi. Cuối chiều, khoảng sân trong đã được dọn quang. Bụi tường vi bị chặt chất thành đống men lối dẫn xuống bến sông. Khi chiếc thuyền con đi qua, cánh hoa theo gió rắc xuống như muôn mảnh xác pháo hồng.
Mưa bụi giăng, nhưng người thanh niên vẫn đứng dưới tàn thông, ngẩng nhìn vầng dương nhạt mờ trong sương khói. Không che ô, chỉ khoác sơ sài một chiếc áo da dê trắng, mưa đã ướt vai cậu.
Đứng khuất trong bóng râm của cây cỏ, người ngoài khó nhìn thấy, người thanh niên dường giật mình khi nghe tiếng lạo xạo bên kia bụi hoa. Đống cành nhánh cao quá đầu người khiến cậu chỉ nghe tiếng hát ngâm khe khẽ như thể của một bé gái.
“Dày dày da ngọc tuyết ken
Mày nga khói đượm, tóc tiên mây lồng
Gót sen đua nở bạch hồng
Sáng ngời mắt phượng, tình bông má đào
Rõ ràng ánh nguyệt chói sao
Mỉa đường Tần nữ, kém nào Hạ Cơ.”
Nhíu mày, người thanh niên nghiêng người nhìn qua lớp cỏ cây rậm rạp. Bên kia bụi hoa, một cô bé đang loay hoay cúi hái hoa còn trên cành, vừa tìm kiếm vừa ngâm nga khe khẽ như đọc hơn là hát. Bài mà cô bé này hát, cậu cũng chưa bao giờ nghe đến.
Cô bé chừng vừa để tóc, mái tóc dày đen nhánh buông ngang lưng nhỏ nhắn, đối lập với lớp áo lụa đỏ và bàn tay trắng ngần. Không rõ vì dáng hình ấy hay do lời hát ngân nga, trong một lúc, cậu thanh niên ngây người.
“Nàng đi bước ngọc đầu lê,
Áo hừng màu thắm, quần lòe thức xanh
Xạ hương duồng gió đưa thanh
Rung tay hoàn bội, rỡ mình trân châu.”
Hoa bên ngoài đã hái hết, cô bé đưa tay vào sâu hơn trong bụi. Bị gai đâm, cô giật mình kêu khẽ. Từ chỗ đứng, người thanh niên bước tới, lấy gươm gạt bụi hoa tản ra. Cô bé giật mình nhìn lên, thấy cậu cúi xuống, trong ánh mắt có một xúc cảm không rõ là gì.
“Đây là bài hát gì thế?” Người thanh niên mỉm cười. Nhưng nụ cười của cậu không hề lộ vẻ vui sướng. Nụ cười khiến cô bé ngơ ngác một lúc.
“Đây là thơ của bác Hào.” Cô bé rụt rè trả lời. Giọng nói của cô nghe rõ thì không giống người Phú Xuân. “Bác Hào viết rất dài, gọi là ‘Song Tinh truyện’, em cũng không thuộc hết.”
Song Tinh? Cậu thanh niên nhíu mày. Đây chẳng phải là điều Nguyễn Hữu Kính từng kể khi cậu hỏi anh trai Nguyễn Hữu Hào của ông làm gì khi bị biếm truất về quê?
“Cô bé, em là con nhà ai?” Người thanh niên hỏi khi đưa mắt nhìn quanh. Họ Nguyễn Hữu Hào tuy chẳng có giao tình với Như Yên để đến viếng, nhưng người quen của họ trong triều hẳn cũng có vài người, có thể cô bé này được dắt đến chơi.
“Cha em là Tham chính, tên Nguyễn Hữu Hợp.” Nghe tiếng gọi ‘cô bé’, cô gái nhỏ chau mày ra hiệu không đồng tình. Người thanh niên quay đầu nhìn cô, nụ cười là lạ vẫn không tắt trên môi.
“Ra vậy…” Cậu nhè nhẹ gật đầu. Cái nhíu mày của cô bé càng sâu, trước khi cô chợt nói khẽ.
“Anh trông buồn quá.” Cô bé giản dị nói, ra dấu về phía nụ cười của cậu. Cậu chỉ mỉm cười, cúi mình hái những bông hoa ngoài tầm với của cô, bỏ vào giỏ hoa cô mang bên người. Hoa đầy, nghe tiếng người gọi dưới bến, cô bé vội vàng chào cậu rồi chạy xuống thang đá trơn ướt. Nghe tiếng cản ngăn hốt hoảng vọng lên ồn ào.
Chiếc thuyền con kia đã neo bên kia bờ, bập bềnh trong làn nước nổi. Sương đã mù dòng sông thẫm tối. Trên đỉnh đồi, tiếng chuông chùa vang từng đợt ngân nga.
Sương và khói mù, tan loãng vào nhau đến khó mà phân biệt.
Và cậu nhớ, ngày xuân năm ấy, mưa đã rơi suốt một mùa dài.