Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 53: Chính biến
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 27th, 2012

Tháng giêng năm Giáp Tuất, quân Chiêm Thành lại kéo đến bao vây Phan Rang.

Lần này, đã được chuẩn bị trước, Cai đội Chu Kiêm Thắng một mặt thủ chặt thành lũy, một mặt phái người cấp báo cho Bình Khang. Sau khi quân Chiêm Thành rút lui đợt trước, quân Nam Hà đã lập nhiều quân doanh phòng thủ từ Bình Khang đến Phan Rang. Nhưng quân Thượng và dân sở tại bốn phía cùng nổi dậy, một lần nữa quét toàn bộ các phòng tuyến khỏi vùng bờ biển.

Nhân lúc quân Thượng dồn xuống ven biển, Chưởng cơ Trấn thủ Bình Khang Nguyễn Hữu Oai dẫn quân đánh lên Thượng đạo đến cứu viện Phan Rang.

Từ Bình Khang, đoàn quân tượng Nam Hà vòng qua núi phía Tây, men theo dòng Mai Lang định bọc hậu quân Chiêm Thành đang bao vây Phan Rang. Đến hợp lưu của dòng Phan Rang và Ma Bố, quân Nam Hà đụng độ chiến lũy đầu tiên của quân Chiêm Thành phòng thủ tại đây.

Do vội vã vòng qua Thượng đạo, đội pháo của Nam Hà không hùng hậu, lại thiếu hẳn sự hỗ trợ của chiến thuyền, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Oai thúc voi xông tới, chia quân công phá lũy. Lũy đất dựng sơ sài với đội quân không thiện chiến nhanh chóng vỡ trận, lính Chiêm kéo nhau chạy tứ tán khỏi lũy. Không vội đuổi theo, Nguyễn Hữu Oai tập hợp người, chỉnh trang đội ngũ rồi mới thận trọng tiến gần Phan Rang. Do sự cẩn thận này của ông, đội quân chỉ tiến được vài dặm đã gặp quân Chiêm Thành dàn trận ngăn trở.

Giữa những đồi đất cát đá nhấp nhô tạo thành một thành lũy tự nhiên tầng tầng lớp lớp, quân Chiêm cũng đã kéo pháo đến, voi trận càng không thiếu đang tung vòi, giương ngà thị uy. Quân Chiêm không có cờ xí, cũng chẳng có trang phục đồng nhất, dùng đủ loại vũ khí hỗn tạp, trong ánh sáng ngày lộ rõ là một đội quân ô hợp. Duy nhất một lá cờ chủ soái được gắn sau bành trên con voi lớn nhất, cũng chỉ là một vuông vải trắng đã nhuốm màu khói chuyển sắc xam xám. Một vòng tròn được vẽ làm ký hiệu trên cờ, có vẻ để người dễ nhận hơn là mang một ý nghĩa biểu thị nào.

Cũng có thể là có, nheo mắt trong ánh nắng gay gắt của mùa khô phương Nam, Nguyễn Hữu Oai nghĩ thầm khi gắng nhìn rõ kẻ dưới lá cờ. Mặc một sắc áo cùng màu với cờ chủ soái kỳ dị nọ, ánh thép xanh biếc trong tay y là thứ thu hút chú ý nhất. Từ khoảng cách xa xôi này, Nguyễn Hữu Oai vẫn có thể thấy rõ ánh sáng xanh loang loáng phản chiếu nắng mặt trời tựa như một vầng dương nho nhỏ rực màu bóng tối. Có điều gì đó trong ánh đao kia khiến người nhìn phát lạnh cả tâm can.

Dừng trước thành lũy của đồi cát nọ, Nguyễn Hữu Oai cho quân dừng chân lập trận. Quân đội Bình Khang thiện chiến, thông thạo chiến trường hơn hẳn toán quân rừng núi ô hợp nọ; nếu dùng trận pháo và tên nỏ uy hiếp cũng có thể khiến Chiêm Thành luống cuống, tùy thời cơ áp sát phá trận. Nghĩ vậy, Nguyễn Hữu Oai gọi các tướng kéo pháo ra trước. Trận chưa dàn xong, đã nghe bên kia đồi cát vang tiếng trống thúc quân.

Không đợi quân Nam Hà đánh đến, đàn voi trận của Chiêm Thành đã xông qua dãy cồn cát, sầm sập lao tới bất chấp đạn pháo bắt đầu nổ vang trời. Thấy vậy, Nguyễn Hữu Oai vội cho quân tản sang hai bên, giương giáo và câu liêm sẵn sàng, bắn pháo cùng tên nỏ để cầm chân, xua đàn voi vào giữa. Trên lưng voi, các võ sĩ Chiêm Thành mình mặc giáp sắt, đầu đội mũ trụ, tay cầm giáo dài cũng bắt đầu cuộc chém giết quân lính nơi mà voi xông thẳng vào. Phía sau, quân Chiêm Thành được đàn voi mở đường hò reo chạy tới đánh xáp lá cà. Quân Nam Hà liền tự động phân chia thành các đội nhỏ, dàn lớp lớp trận pháo, nỏ và đao kiếm hỗ trợ cho nhau. Dưới sự điều động của Nguyễn Hữu Oai, quân Nam Hà lập thành trận Bát quái mà dần vây quân Chiêm Thành vào giữa.

Nguyên Nguyễn Hữu Tiến, cha của Nguyễn Hữu Oai, là con rể của Đào Duy Từ. Đào Duy Từ cả đời lận đận, trung niên mới lập gia đình, có được người con gái duy nhất gả cho Nguyễn Hữu Tiến làm người thừa kế tuyệt học cả đời của vị Ngọa Long Sinh này. Nguyễn Hữu Tiến được tiến cử làm Thuận Nghĩa hầu, từ Cai đội thủy quân thăng dần đến Thống binh của toàn quân đội Nam Hà, uy danh lừng lẫy. Mà trận pháp do Đào Duy Từ lập thành được đem huấn luyện cho quân đội Nam Hà càng thành thạo, lúc này được đem ra sử dụng đối phó với trận trực chiến.

Trận Bát quái của Đào Duy Từ dựa vào Thái cực Lưỡng nghi Bát quái, theo phép của những trận pháp xưa như Thiên tiên, Thái thủy, Hà đồ mà thêm bớt thiên biến vạn hóa. Lúc này, quân Nam Hà chỉ có vài ngàn, liền phân một ngàn quân giữ trận cùng chủ soái, còn lại chia làm mười hai đội, tỳ tướng cầm cờ tiết chỉ huy, quân chia Âm Dương tiếp ứng. Trận để chừa đường cho quân địch đánh thẳng vào giữa, đầu đuôi liền ứng hợp bao vây, tả hữu liên thủ biến hóa để chia nhỏ tiêu diệt địch quân. Từ một trận chia thành mười hai trận, lấy tổng lực của mười hai đội đánh quân phân tán của đối thủ. Từ vuông hóa tròn, từ thẳng hóa cong, lúc như dao cắt, lúc như rắn lượn. Khi quân tượng của Chiêm Thành lọt vào giữa trận, dùng voi trận mà chặn đường, lấy câu liêm móc quản tượng và võ sĩ trên lưng voi ném xuống. Một toán quân khác chặn ở cửa trận ứng ba tiếng trống, ba tiếng chiêng ra đánh chặn quân bộ Chiêm quốc, chia toán quân này thành hai nhánh rẽ, để các đội phía sau vòng lên bao vây. Voi trận mất quản tượng chạy loạn bị lùa về đúng các cửa trận mà quân Chiêm chạy tới, tạo thành một đoàn hỗn độn. Gió thốc cát bay, voi gầm ngựa hí, tên đạn rền tai, bỗng chốc như bão tố nổi trên đất bằng, nghìn bức tường biến hóa như mê cung tạo dựng giữa không.

Một toán quân khác của Chiêm Thành đánh thẳng cửa chính của trận, nơi chủ soái Nguyễn Hữu Oai cùng quân chủ lực đóng giữ. Nhóm người phía trước lao vào loạn đả, nhóm ở phía sau lại dùng voi làm khiên chắn, lắp tên lửa và bộc phá bắn vào đội ngũ địch. Hàng chục quả bộc phá nổ cùng lúc, bức toán quân Nam Hà phải chạy giãn ra. Thừa cơ, quân tượng Chiêm Thành đánh thọc sâu vào. Trên lưng voi, các võ sĩ Chiêm Thành thả xích sắt càn lướt qua hàng quân địch, phá vỡ trận thế. Thấy vậy, Nguyễn Hữu Oai liền cho đánh trống xung trận, thúc voi giáp chiến.

Như chỉ chờ có vậy, con voi xám to lừng lững nọ thình lình xuất hiện trước mắt viên Thống binh Nam Hà. Cùng với ánh xanh chết chóc sáng rực trong nắng.

Đã tháo lá cờ chủ soái, dùng đàn voi đi trước nghi binh che mắt, kẻ mang thanh đao sáng chói mắt kia âm thầm tiến lại voi của chủ tướng địch quân. Y vốn hiểu rõ quân Chiêm Thành khó địch lại nổi quân tướng thiện chiến của Nam Hà, càng không có thời gian huấn luyện trận pháp để đối chọi, liền xua quân đánh thẳng tới câu thời gian và cơ hội. Cơ hội duy nhất để đánh bại đại quân Nam Hà là ở viên tướng nắm giữ toàn cục kia.

Nguyễn Hữu Oai nhận ra ánh đao xanh biếc nhắm thẳng tới sớm một khắc, vừa kịp đưa đao đỡ. Trong lúc ông còn mải nhìn bóng con voi xám giữa đám đông hỗn độn, y đã nhảy khỏi lưng voi, thình lình tấn công. Viên quản tượng của Nguyễn Hữu Oai chỉ kịp kêu một tiếng trước khi rơi xuống đất. Đứng trên cổ voi nơi quản tượng ngồi, y thúc chuôi đao xuống vị trí quản tượng gõ búa điều khiển, khiến con voi lồng lên, đứng dựng trên hai chân sau. Nguyễn Hữu Oai không còn cách nào khác phải nhảy xuống trận địa đang hỗn chiến. Bóng áo trắng xám lướt theo ông không rời.

Chân vừa đặt xuống mặt đất, Nguyễn Hữu Oai vội đưa đại đao lên chống trả. Ở một vị trí chênh vênh, đường đao của y chỉ nhanh chứ không mạnh. Lực đạo nặng ngàn cân trong đường đánh của Nguyễn Hữu Oai bức y lùi lại. Thừa cơ, Nguyễn Hữu Oai tấn công liên tiếp không cho y cơ hội lấy thăng bằng. Bên ngoài, quân hộ vệ của Nguyễn Hữu Oai thấy chủ tướng bị tấn công liền đồng loạt xô tới.

Thấy vậy, y thu đao, nhún mình nhảy khỏi tầm đánh của Nguyễn Hữu Oai, rơi về phía nhóm quân hộ vệ đang chạy đến. Chỉ nghe ‘soạt’ một tiếng, đao như mây quấn gió cuộn, hất toán quân này về sau. Máu phun thành vòi bắn giữa không trung. Gió cát càng vẩn đục ngầu, thốc thẳng lên trời.

Gió cát cuộn xoáy như rồng cuộn, đến bóp nghẹt cả hơi thở, thốc thẳng mặt người. Dường như cả mặt đất lật nghiêng, ném đất đá bay vần giữa hỗn mang mù mịt.

Theo bản năng được rèn luyện trong trăm trận, Nguyễn Hữu Oai kịp đưa đao đỡ sát chiêu như bão tố này. Hổ khẩu tay rúng động, cán đao rung bần bật, nhưng viên tướng Nam Hà vẫn đứng nguyên như đá. Ông gầm lên một tiếng, lao cả người về trước, dùng lực bổ đao vào vai y chưa kịp thu đao về phòng thủ.

Nhưng y cũng không định phòng thủ. Thanh đao vừa bị đánh bật về ngay lập tức vòng ngược trở lại, nhằm ngực Nguyễn Hữu Oai chém tới. Chiêu thức biến hóa kỳ lạ, lúc mạnh lúc nhanh, lúc nặng lúc nhẹ, khiến người chưa bao giờ giao chiến với y như Nguyễn Hữu Oai không thể đối phó.

Miếng hộ tâm trước ngực Nguyễn Hữu Oai vỡ đôi. Đao ông sượt qua vai y, tước đi một mảnh áo.

Nguyễn Hữu Oai vội nhảy lui về sau. Nhưng y bám theo sát rạt, ánh đao xanh phảng phất như ma quỷ lướt thành bóng giữa gió thổi cát bay. Ông nhìn thấy máu đã rỉ đỏ vai y, nhưng y dường như chẳng để ý đến vết thương, đôi mắt tối đen không một tia suy chuyển. Nguyễn Hữu Oai lui hẳn về phía quân đội Nam Hà đang lên tên nỏ, giương súng sẵn sàng, tay đưa lên định ra hiệu bắn hạ y.

Trong khoảnh khắc cuối cùng, đao như tia chớp rạch giữa trời quang, cắt qua khoảng trống mà lao đến ngực Nguyễn Hữu Oai.

Quả thật, đao lao đến, rời khỏi tay y mà lao đến. Thấy động tác của Nguyễn Hữu Oai, biết không thể chần chừ, y vận lực ném thanh đao phóng theo ông. Vẫn giữ nguyên sức chém hung mãnh, đao xé gió bay tới. Không đề phòng, Nguyễn Hữu Oai nghe ‘roảng’ một tiếng, miếng hộ tâm cuối cùng vỡ nát, đao đâm vào ngực viên tướng Nam Hà. Bàn tay y ngay sau đó chụp lấy chuôi đao, Nguyễn Hữu Oai vội ngã hẳn ra sau, nghe lưỡi thép lạnh lướt qua da thịt thành đường.

Thấy hai người đã tách khỏi cuộc hỗn chiến, quân Nam Hà không chần chừ nổ súng. Y vội lăn mình trên đất tránh tên đạn bắn đến, thoát ra khỏi tầm bắn. Những quân lính bên ngoài thấy súng nổ liền chạy tới đỡ cho y, phóng gươm giáo rào rào đáp trả. Lúc này, quân Chiêm Thành gần như bị đánh tản hết, số còn lại đã bỏ chạy. Thấy Nguyễn Hữu Oai đã bị thương, đánh tiếp không lợi, y liền nhảy lên con voi xám, gọi đánh chiêng rút quân.

Nguyễn Hữu Oai không chần chừ mà lệnh cho quân truy đuổi toán binh Chiêm Thành. Đến bờ sông Phan Rang, hai nhóm gặp quân bao vây Phan Rang rút về, quân Nam Hà lui lại chờ đại quân tiếp ứng. Bên kia, Chu Kiêm Thắng thấy quân Chiêm rút lui liền mở cổng lũy, đưa quân đuổi theo ý muốn hỗ trợ cho đại quân. Thấy hai mũi giáp công của Nam Hà, Chế Vinh cũng đã bị thương, y cho quân Chiêm Thành luồn vào rừng, lui hẳn về Bào Lạc. Sợ bị phục kích trong rừng, quân Nam Hà liền dừng bước.

“Tướng quân!” Quân Chiêm đã rút, Cai đội Chu Kiêm Thắng cho đóng quân ngoài Phan Rang đợi đại binh của Nguyễn Hữu Oai. Đoàn quân này đến chậm. Thấy voi cắm cờ xí chủ soái của Nguyễn Hữu Oai, Chu Kiêm Thắng hồ hởi gọi. Nhưng trên bành voi kia, Nguyễn Hữu Oai không đáp lời. Khi lại gần, Chu Kiêm Thắng thấy ông ngả người trên bành, áo khoác đỏ che ngang ngực.

“Chưởng cơ bị thương.” Một viên tùy tướng của Nguyễn Hữu Oai kề tai Chu Kiêm Thắng nói khẽ. Đang trong lúc chiến trận cam go, không tiện để tình hình thương tích của chủ soái lộ ra ngoài. Mặt biến sắc, Chu Kiêm Thắng vội đón tiếp đoàn người của Nguyễn Hữu Oai vào lũy Phan Rang, gọi người chẩn trị.

Vết thương dài sâu hoắm, tuy không phạm vào phủ tạng nhưng mất nhiều máu, Nguyễn Hữu Oai lại liên tục vận lực chống trả đòn đánh của đối thủ, khi thầy thuốc đến, viên Thống binh chỉ còn thở thoi thóp, mặt mày tái nhợt. Mọi phương pháp cứu chữa chỉ kéo dài được sự sống của ông thêm vài ngày.

Tháng giêng năm Giáp Tuất, Phan Rang được giải vây, Trấn thủ Bình Khang, Chưởng cơ Phò mã Nguyễn Hữu Oai qua đời tại trận tiền.

Đường Thượng đạo đã bị quân Nam Hà phá vỡ, Chế Vinh cho người rút về củng cố lại phòng tuyến ngừa khi Nam Hà đánh thẳng đến phương Nam. Qua một trận đại chiến, thương tổn không ít, quân Chiêm Thành liền đóng tại Bào Lạc nghe ngóng tình hình.

Cai đội Chu Kiêm Thắng không vội báo tin cái chết của Nguyễn Hữu Oai ra ngoài. Trong lúc đó, lấy công làm thủ, tướng của Nguyễn Hữu Oai là Lưu thủ Nhuận và các Cai cơ Tống Tuân, Nguyễn Thành đem hết đại quân đánh về phương Nam.

Để dò thử tình hình, A Ban thống suất một cánh quân đánh lên lũy Ô Liêm. Đại quân của dinh Bình Khang tức thời phản ứng, đánh toán quân này lùi về Phố Châm. Thấy bất lợi, quân Chiêm lui khỏi địa phận Phan Rang, Oc-nha That đưa quân về thủ Parik, A Ban cùng Chế Vinh lùi về Thượng Dã. Cùng với lực lượng người Thượng ở nơi địa giới tiếp giáp Chân Lạp, quân Chiêm lại thủ chặt rừng núi phản công. Lưu thủ Nhuận đành phải lui quân. Không thể cầm cự lâu, dinh Bình Khang cáo cấp về triều.

Tin khẩn về đến Phú Xuân vào một chiều mưa mù mịt. Cái lạnh của gió Bắc khiến những người đứng trong chính điện cũng cảm thấy như đông cứng cả người.

Những quan tướng trọng thần bị triệu tập đến triều đình, có người không kịp mang cả mão. Vị chúa đã chờ họ trong chính điện, quai hàm hơi bạnh ra khi môi mím chặt, che giấu cơn giận bùng cháy trong mắt. Chỉ có viên Tiểu sai bên cạnh ngài ta bước ra thông báo hung tin đến từ phương Nam. Cái tin khiến ngay cả người bình tĩnh nhất cũng cảm thấy sống lưng lạnh toát.

Vị chúa đưa mắt nhìn hai hàng quan tướng với những khuôn mặt biểu lộ đủ loại xúc cảm trong chính điện. Chiều mưa tối lù mù, đèn trong chính điện thắp vội nơi sáng chỗ mờ, chập chờn trong gió đưa những cái bóng lay động bốn phía. Chỉ có những cái bóng lay động khi không ai lên tiếng ngay sau khi Kỳ ngừng lời. Không ai vội vã lên tiếng hay không ai biết phải phản ứng ra sao.

“Lễ Thành hầu!” Chúa Nguyễn Phúc Chu gọi, mắt không rời khỏi bóng tối lơ lửng giữa đại điện. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính liền rời khỏi hàng, bước lên trước nhận mệnh. Vị chúa gằn giọng, nói mà không nhìn ai ngoài viên tướng trước mặt. “Khanh lãnh quân đến Bình Thuận, toàn quyền xử trí!”

“Tiêu diệt chúng, không chừa lại kẻ nào!” Ngón tay bấu chặt thành ngai nổi gân xanh, chúa Nguyễn Phúc Chu nghiêng người về trước. Gằn từng tiếng trong cổ, thanh âm lạnh như băng, tiếng nói của vị chúa khiến nhiều kẻ phải giật mình ngẩng nhìn. “Nếu phải đánh sang Chân Lạp, nếu Chân Lạp bao che cho chúng, thì cứ đánh thẳng đến Vũng Long! Bảo với Đại vương Chân Lạp, chừa một tấc đất cho chúng ẩn náu thì cứ đem đầu đến đây tạ tội!”

Cai cơ Nguyễn Hữu Kính đưa mắt nhìn lên, rồi chắp tay cúi đầu, rành rõ nói từng tiếng tuân mệnh. Vị chúa gọi thêm các tùy tướng, văn chức đi làm thị trận cho Nguyễn Hữu Kính. Các quan tướng xung quanh không ai xen được vào lời ngài ta.

Tình thế đã đến nước này, không phải lúc để kèn cựa hay suy tính. Cái tin vị trọng tướng của triều đình qua đời khiến tâm trí mọi kẻ hoang mang hỗn loạn, không ai phản ứng lại trước những mệnh lệnh kiên quyết lạnh lùng của vị chúa trẻ. Ngài ta vẫn bình tĩnh, và mọi mệnh lệnh sát phạt đều xác đáng đến lạnh lùng.

Chân Lạp, ngài ta nói, đôi mắt nhìn lướt qua hai hàng quan tướng như thể thách thức trong khinh miệt. Từ Phố Châm của dân Thượng Đê Ba Vành rút về Thượng Dã, nhóm người này đã lộ rõ mối liên hệ với đất nước nằm bên Chiêm quốc. Chân Lạp, sau khi thoát khỏi sự trừng phạt của cuộc chiến lần trước, đã âm thầm phản công. Nhị vương Nặc Nộn chết ngay sau khi chúa Nghĩa qua đời, Đại vương Nặc Thu thâu tóm Thủy Chân Lạp trở về, và các cuộc nổi dậy của Chiêm Thành ngay sau đó, lần sau lớn hơn lần trước. Nhóm quý tộc Chiêm Thành bỏ chạy về Chân Lạp, đổi lại là vùng đất bảo hộ cho quân phiến loạn bây giờ.

Bởi muôn vàn suy tính và kèn cựa, bởi sự bất tuân và phản đối, cuộc tấn công Chân Lạp trước đó đã rơi vào thảm bại trong thế thắng. Bây giờ, các người thấy rõ hậu quả ấy chưa?

Bởi muôn vàn suy tính và kèn cựa, bè phái cùng lũng đoạn, mọi nơi mọi kẻ bị phân chia, chỉ vơ vét làm lợi cho mình. Để rồi, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm lung lay tận gốc rễ. Các người đã thấy rõ kết quả này chưa?

Câu hỏi ấy như khí lạnh đè nặng trên chính điện, đâm thấu tâm can những quan tướng câm lặng, khiến không ai có thể cất lời. Những quan tướng bước khỏi hàng theo tiếng gọi của vị chúa, sang sảng đáp lời, cúi đầu tuân lệnh. Không ai phản đối ngay cả khi dù chỉ là một Cai cơ, Nguyễn Hữu Kính vẫn có toàn quyền điều động quân đội phía Nam. Không ai nhắc lại chuyện của Triều Văn hầu hay Nguyễn Hữu Hào trước đó. Khi trong triều đình này, các lão tướng đã quá già và lớp tướng trẻ chưa kịp trưởng thành để đối phó với một trọng trách sống còn.

Sau khi phân phối, điều động quân đội về phương Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu ngồi xuống ngai vàng, im lặng một lúc rồi cất tiếng, giọng nói có mấy phần dịu lại.

“Ta vừa mới ban công phần hương hỏa cho dòng dõi Thuận Nghĩa, Hữu Oai đã vô phước không hưởng được. Tướng quân da ngựa bọc thây nơi chiến tuyến, muôn đời vang danh võ đức. Đợi đưa hài cốt tướng quân về khâm liệm sẽ truy tặng thêm.” Nhè nhẹ gật đầu, vị chúa thở dài. Đôi mắt ngài ta đã sáng quắc ngay sau đó. “Tuy không còn tranh chấp với Trịnh, tình hình phương Nam vốn không yên. Chân Lạp, Chiêm Thành sớm đầu tối đánh, lòng dạ khó lường. Đại Thành dã tâm khôn cùng, chẳng cam tâm dừng lại mà không lấn tới. Sau việc ở Đại Thành vừa rồi, Tây dương luẩn quẩn ngoài biển tranh chiếm các đảo làm căn cứ thừa cơ đánh trộm thương thuyền. Ta không thể lơ là võ bị, an hưởng thái bình mà quên nguy cơ rình rập. Mấy năm nay tình hình phức tạp, ta chưa thể duyệt tuyển quân đội, củng cố quốc phòng, coi sóc triều chính tường tận. Tiên chúa năm xưa gọi lính bốn vạn, uy thế khiếp sợ lân bang, vốn là đã lường trước đến ngày này. Quốc phòng là an nguy sống còn mà cũng là bộ mặt của quốc gia; lơ là thì khiến người khinh nhờn, yếu kém thì để cho người bắt nạt, nhu nhược thì bị người uy hiếp. Tướng lĩnh cũng như quân sĩ bỏ mạng ở trận tiền không phải là vật hy sinh cho kẻ kê cao gối ngủ kĩ trong yên ấm. Ta nay theo phép xưa, chuẩn bị duyệt tuyển quân đội, thủy bộ tượng pháo đều phải sẵn sàng. Các khanh mau về chuẩn bị!”

“Đã năm năm nay không mở khoa thi, quan lại trong các ty Xá sai, Lệnh sử, Tướng thần cũng đều cần phải bổ sung thêm để tiện làm việc.” Sau khi các quan lãnh mệnh chuẩn bị cho cuộc duyệt tuyển lui xuống, vị chúa nói tiếp. “Lần này mở cuộc thi lớn, kêu gọi toàn bộ học trò trong vùng ra giúp nước, dùng người tài nào việc nấy chứ không nệ xuất thân. Lệnh sử ty mau bàn thảo công văn, pháp chế mở thí trường!”

“Nhà có yên thì nước mới vững, người có tâm thì mới được mạnh giàu. Nay chúng ta đến đây mới được vài chục năm, ngồi còn chưa yên chỗ mà đã manh nha náo loạn, là nghĩ thế nào? Nhìn lại thì ta có vững chắc bằng phương Bắc, mạnh mẽ như Đại Thành, giàu có như Chân Lạp, Ai Lao? Chỉ vừa có chút của ăn của để mà người đã nhao nhao cấu xé nhau giành giật, để đến lúc bị người ngoài đánh cho mới nhận ra sao? Chẳng qua dựa vào ân đức thần võ của tiền nhân, tạo được mấy chiến thắng với quân Trịnh cũng chẳng hơn ai, đã tưởng mình là đệ nhất thiên hạ mà không biết nhìn quanh xem mình ở vị trí nào. Nước mất không phải vì thời thế mà chính vì đám người suy bại, ích kỷ, hoang tưởng toàn chuyện hão huyền. Các người cùng ta đều biết tự hào vì ân đức cha ông, thì tưởng cũng nên biết không làm nhục nhã cha ông mới phải!” Chầm chậm nói từng tiếng sắc lạnh rành rõ vang trong chính điện, vị chúa trẻ đứng lên, cái bóng đổ dài trên lối giữa điện ra đến cửa. Ngược sáng, chỉ có đôi mắt ngài ta ánh lên ánh sắc dị kỳ. “Trước là an định biên cương, sau là thu phục ngoại quốc, muôn kẻ một lòng, trăm sông về biển, cho người thấy Việt Nam quốc[1] này hùng cường vững mạnh đi!”

 

 

 

Chú thích:

[1] Hai chữ “Việt Nam” vốn đã được chúa Nguyễn Phúc Chu dùng trong nhiều bài thơ như Hà Trung yên vũ: “Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh”, hay trong Ải Lĩnh xuân vân: “Việt Nam xung yếu thử sơn điên”. Có lẽ đây là thói quen của ông gọi phần đất của họ Nguyễn lúc này.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.