“Kỷ Mão, năm thứ hai đời chúa Thượng, mùa xuân, vợ lẽ cố công tử Phúc Kỳ là Tống Thị vào yết kiến, dâng xâu chuỗi trăm hoa. Chúa Thượng cho vào cung phủ đi lại, quần thần can không nghe.
“Tân Tỵ, năm thứ sáu, mùa hạ, hạn hán lớn, người chết đói vô số. Quý Mùi, năm thứ tám, Thái bảo Trịnh Tạc đưa vua Lê đến đánh Bố Chính, giết chết tướng thủ, xâm phạm Nhật Lệ. Trời nắng nóng, quân Trịnh ốm chết nhiều nên phải lui quân. Giáp Thân, năm thứ chín, Ô Lan đánh phá cửa Eo, Dũng Lễ hầu phá được.
“Mậu Tý, năm thứ mười ba, tháng giêng, Tống Thị mật mưu đưa quân Trịnh đánh đến. Nguyên Tống Thị đi lại trong cung, chèn ép người ngoài, vơ vét của cải chất đầy như núi. Trung Thành hầu đe dọa giết chết, Tống Thị liền đưa người ra Bắc gặp cha là Tống Phúc Thông, liên lạc với chúa Trịnh Tráng, nguyện đem gia tài giúp quân. Được tin, chúa Trịnh sai Trịnh Đào lãnh binh tấn công. Mười vạn quân Trịnh đánh đến, Nhật Lệ vỡ, tướng giữ Quảng Bình tử trận, chỉ có Trương Phúc Phấn tử thủ lũy Trường Dục ngăn Trịnh ở Bố Chính. Chúa Thượng thân chinh đi đánh, giữa đường bệnh nặng, sai Thế tử Dũng Lễ hầu lãnh binh. Dũng Lễ hầu phá tan quân Trịnh, bắt được ba vạn tù binh. Chúa Thượng rút quân về, bệnh mất trên thuyền ở phá Tam Giang.
“Tháng năm, chúa Trịnh sai Trịnh Đào lãnh một vạn binh, thêm năm ngàn binh mở Hữu trấn quân, đóng tại Bắc Bố Chính. Mùa thu, Triều Văn hầu bị gọi khỏi Quảng Bình, đưa Vân Long hầu Nguyễn Phúc Tráng thay thế. Tháng mười một, nhân lúc vua Lê băng, sai sứ ra Đông Đô hòa hoãn với chúa Trịnh.
“Canh Dần, năm thứ hai chúa Hiền, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật xích mích với Vân Long hầu, bị tố cáo tống giam vào ngục. Nhâm Thìn, năm thứ tư, chúa sai Nguyễn Phúc Kiều giết Thị Thừa. Quý Tỵ, năm thứ năm, Chiêm Thành đánh Phú Yên. Đẩy lui Chiêm Thành, lấy đất đến Phan Rang lập dinh Thái Khang. Mùa hạ, tháng sáu, quần thần dâng hiệu tôn chúa làm Thái phó quốc công.
“Giáp Ngọ, năm thứ sáu, mùa hạ, Trung Thành hầu cùng Tống Thị nổi loạn bị bắt giam, chết trong ngục.
“Ất Mùi, năm thứ bảy, chúa lấy danh nghĩa ‘Phù Lê diệt Trịnh’, phát lệnh đánh lên phương Bắc.”
Ngón tay trắng nõn dừng lại trên hàng chữ giữa trang giấy dài. Cô gái đang thì thầm đọc bất chợt ngừng lời. Bên song, trăng chiếu vào ánh sáng nhàn nhạt, lớp bụi mờ lưu chuyển giữa ánh sáng từ ngọn nến đỏ. Phòng giam trong khu Thị chính dành cho quan tướng nên gọn gàng sạch sẽ, chỉ trống trải giản đơn. Gian nhà trong được ngăn với bên ngoài bằng song gỗ. Ngồi trên giường, cô gái áo đỏ cúi đầu nhìn trang giấy, nhè nhẹ cau mày. Rồi nàng lại mỉm cười.
“Chuyện năm Mậu Tý, Tống Thị mưu với quân Trịnh, sao người bây giờ lại biết được nhỉ? Hẳn là bà ấy tự khai trong ngục rồi.” Xếp cuốn sổ lại, nàng ngẩng đầu nhìn người bên kia song cửa, nụ cười vẫn vương bên khóe môi. “Hay là việc đơn giản hơn thế, Tống Thị thật ra không làm gì cả, chẳng qua chỉ là một phụ nữ tham lam một chút, giảo hoạt một chút. Trung Thành hầu dựa vào Tống Thị, làm ầm lên mà hạ uy tín chúa Thượng. Đến khi Trung Thành hầu mưu phản bị bắt, mọi việc tiếp theo mới đưa đến Tống Thị nhằm ‘đánh’ lại Trung Thành hầu. Vậy là bao nhiêu tội lỗi, bà ấy gánh hết, kể cả việc đưa quân Trịnh đánh vào?
“Ta thật chẳng tin có vua chúa nào có thể khởi binh vì một người đàn bà, hoặc có thể thay đổi vì một người đàn bà. Trung Thành hầu kia cũng thế thôi.” Ngả người sang, ngả đầu lên tay chống trên thành giường, nàng đưa mắt về phía ánh trăng, nhè nhẹ cười. “Bà ấy ngốc quá, tưởng điều khiển được người mà cuối cùng hóa ra cũng chỉ là một con cờ. Là con cờ của cha mình, rồi lại tiếp tục hóa thành con cờ của bọn đàn ông.”
“Tiên sinh sau này định viết thế nào, Bảng Trung hầu?” Liếc nhìn người bên kia cửa, Như Yên nheo mắt. “Cuộc nổi loạn của con trai Diễn quận công, lại có bóng người đàn bà?”
“Có lẽ không cần phải viết.” Gật đầu, nàng lại tự trả lời. “Người kia là một truyền kỳ, cũng là một câu chuyện nâng cao danh thế nhà chúa. Chuyện anh em giết nhau hay ho gì mà kể lể, công tử của Diễn quận công nổi loạn, thế là đủ rồi.”
“Chúa công bảo, ghi tờ khai này cho các quan xem, không cần phải chi tiết quá, chỉ nói động cơ và quá trình là được.” Hạ mắt, Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm nhìn xuống trang giấy trắng, nhẹ giọng nói.
Là nữ nhân trong vương tộc, lại là phu nhân của một trọng thần, nàng không phải đến công đường để bị tra hỏi. Vị chúa sai đến một viên quan ghi tờ khai lại là người quen cũ của nàng.
Cuộc tra xét trên chính điện đã nhanh chóng được dàn xếp, khi Nguyễn Phúc Huệ bị những nhân chứng, vật chứng đưa tới làm cho im lặng. Vị chúa sai đưa người đến Xá sai cho các quan làm án, riêng nàng được đưa vào nhà giam cho nữ phạm. Vì đã ‘thành khẩn khai báo’, nàng không phải chịu thêm tra hỏi. Bây giờ, Nguyễn Khoa Chiêm hình như cũng đang lúng túng không biết phải đối xử với nàng thế nào.
“Nguyên nhân?” Khẽ cau mày, Như Yên nghiêng đầu, tựa cằm lên ngón tay. “Ta chỉ muốn phá chơi cho thỏa, được không? Gia tộc này hãm hại nhà ta, thì ta quấy phá lại. Công tử Huệ có thành công hay không, có trở thành gì cũng được, ta chỉ cần tạo nội loạn trong đất này là được rồi.
“Nên ta cũng đâu cần phải lao tâm khổ tứ lắm.” Cất tiếng cười thanh thanh, nàng liếc mắt qua vẻ mặt của viên quan bên kia song. “Tiền của, vật chất, lực lượng ta đều không thiếu, khi cần thì dùng thôi. Chúa công hẳn là tự đoán được.”
Nghe vậy, Nguyễn Khoa Chiêm chớp mắt, nhưng không hỏi thêm. Đêm đã khuya, viên quan chỉ nói vài câu qua loa rồi rời khỏi nhà giam. Khi cửa mở, gió lạnh ùa vào, Như Yên quấn chặt cái chăn lớn quanh mình, khẽ run vì lạnh. Nhưng nàng vẫn để cửa sổ bên kia mở, không có ý định đóng lại.
Ánh trăng suông vẫn đang đổ xuống, sương nhòa nhạt phả vào từng đợt theo gió cuộn. Trong không khí đã phảng phất mùi hoa. Đêm đầu xuân tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng phần phật của ngọn cờ bay trên mái ngói. Có tiếng hò não nề từ một chiếc thuyền muộn bên sông nào vọng lại, bị gió thổi tản mát thành những thanh âm gần gần xa xa.
Nàng đưa bàn tay trước mặt, nhìn những ngón tay mảnh dẻ trắng nhợt nhạt trong đêm. Ánh sáng soi qua những kẽ ngón tay, gần như khiến chúng trở thành trong suốt. Ánh sáng qua những kẽ ngón tay tỏa như một đóa hoa nở giữa thinh không.
Nàng mỉm cười.
Bình rượu nhỏ vẫn để trên bàn. Thân bình sứ trắng nổi rõ những vân gờ mỏng trong ánh trăng. Nguyễn Khoa Chiêm đã đưa nó đến cùng với bản khai và những cuốn sách nàng yêu cầu.
Đọc lại những gì đã được ghi thưở trước, âu cũng là học đôi thứ cho hiện tại.
Nàng đứng dậy, tiến về phía cửa sổ. Áo đỏ trong ánh sáng chập chờn lay động mềm như cánh hoa, như kết thành bằng máu đỏ. Trăng đã khuyết, nhưng vẫn vằng vặc sáng giữa trời.
Không có một thanh âm, nhưng nhờ ánh trăng, nàng dễ dàng nhận thấy bóng người trước cửa sổ. Gian nhà ở giữa một khoảng đất trống, trồng vài lùm cây lấy bóng che nắng. Quân lính vẫn còn tụ tập ngoài cửa lớn, dường như không để ý đến người đang ở trong vườn.
Người có thể đi lại tự do mọi nơi trên đất này, vốn chỉ có một.
Nàng nhìn cậu ta, đôi mắt không lộ chút biểu cảm, không có cả chút ngạc nhiên. Cậu ta nhìn nàng, bằng đôi mắt chan đầy ánh trăng và bóng tối dường như bóng hình của quá khứ. Đôi mắt không buồn chẳng vui, thậm chí chẳng lạnh lùng, chỉ điềm tĩnh. Như một mặt sông ngẩng nhìn bầu trời cùng thế giới đổi thay.
“Phúc Huệ đã khai nhận.” Không thay đổi thái độ, không bước lại gần, vị chúa trẻ cất tiếng. Giọng nói vừa đủ lọt giữa khoảng đất hẹp. Có những người có khả năng điều chỉnh cả độ vang của giọng mình. “Triều thần quyết định, xử tử.”
“Có phải cô cô đã nói với anh ta rằng nếu cháu thua thì cần có một người nhận lãnh trách nhiệm thay thế? Cô cô đã nói, rằng anh ta cần phải làm như vậy?” Gió thổi qua xao xác lùm cây, vài âm tiết trong giọng Nguyễn Phúc Chu bất chợt chao đi. Cậu mím môi. “Cô cô không chỉ thả Linh lão đe dọa triều đình, còn dùng cả bọn họ đe dọa ta?”
Như Yên chỉ im lặng nhìn người thanh niên, không có ý định trả lời. Có lẽ phải mà cũng có lẽ không, nàng có thể trả lời. Nàng không chọn Nguyễn Phúc Huệ vì ngẫu nhiên, gã cũng không có gan nổi loạn nếu chẳng có ý. Nhưng cũng có thể là không. Một bước chân cũng đủ để dấn vào vực thẳm hay lui lại. Đến lúc này, có thể nàng cũng như gã chỉ tìm cách biện minh cho mình, khó mà phân rõ bước chân cuối cùng ấy là do ai.
“Bà Tranh sai sao? Hay thậm chí Oc-nha That kia sai sao? Ngay cả Linh lão kia cũng làm sai sao?” Thay vì thế, nàng mỉm cười. “Hay chỉ vì đó là thân thuộc, cháu mới cảm thấy đau lòng không nỡ?”
“Ngày đầu tiên cháu đến tìm ta, chúng ta đã nói chuyện gì nhỉ? À, chia ba thiên hạ.” Ngẩng nhìn trăng, Như Yên rời mắt khỏi gương mặt người thanh niên trẻ, nói như với cái bóng qua trời. “Lúc ấy, cháu nói đủ phương cách để an thiên hạ. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều: Thiên hạ loạn hay định tại lòng người, không phải vì kẻ nào thắng. Thiên hạ sở dĩ chia ba, cũng chỉ bởi lòng người phân chia. Thiên hạ sở dĩ yên định, cũng chỉ bởi lòng người đã không còn sóng dậy. Lưu Thục sở dĩ sống còn là vì còn kẻ hướng về, Đông Ngô sở dĩ tồn tại là vì còn người chống đỡ. Thiên hạ chia ba hay lòng người chia ba? Tào không đánh được Lưu, Tôn đâu phải trong một trận Xích Bích, biết đâu lại như Tần Thủy Hoàng thống nhất được đúng một đời lại bị triệt tiêu? Lúc ấy, chúng ta chỉ bày binh trên giấy, vốn chẳng có chút thực tế nào.
“Chúng ta ở nơi này, trong nhà thì giết nhau để trừ nội loạn, bên ngoài hết đánh Đông lại đánh Tây để chế phục người, nghĩ ra thì chẳng phải do ‘không kẻ nào sai’ đấy sao? Đã là lòng người thì làm gì có đúng sai? Cháu có than khóc cạn máu khô hầu, thậm chí có đem thân ra cho voi giày ngựa xé, tôn kẻ nào lên ngôi thay thế, cũng chẳng thay đổi được gì cả.
“Ngày xưa, ta cũng đã từng khờ dại cho rằng đem bản thân ra trả là đủ. Hóa ra, chỉ càng làm càng sai.” Ánh mắt phiêu hốt theo bóng mây rải rác hắt ánh trăng trên nền trời thẫm, nàng cười với mình. “Hiểu được trời mới hiểu được người, chẳng qua cũng là nói chỉ bọn người ngông cuồng mới tưởng quyền lực thay đổi được cả thế gian. Chỉ có thế gian làm thay đổi quyền lực. Thuận theo trời, thuận theo người rồi mới điều khiển được người, chạm tới được trời.”
“Ngay cả vận mệnh mình còn không nắm được, vậy mà có thể nói được chuyện của trời?” Khóe môi chợt nhếch, chẳng rõ là cười hay thở dài, Nguyễn Phúc Chu lắc đầu, nhắc lại câu nói ngày xưa của nàng. Như Yên cười khẽ.
“Người ta có quyền sử dụng vận mệnh của mình. Nhưng mà cháu, tất cả vua chúa trên thế gian này, đều không có quyền đối với vận mệnh. Như vậy chẳng hiểu ai mới là kẻ đáng tiếc?” Nàng nói, thấy bóng lá lay động trong mắt người thanh niên, liền bật cười. “Ta trở về đây là ý muốn của ta, chẳng liên quan đến cháu. Cháu đã mất gì đâu mà bày bộ mặt ấy với ta?”
Không trả lời, vị chúa trẻ im lặng tiến đến bên cửa sổ, dừng lại trước hàng hiên. Giống thật, Như Yên nghĩ với cái giật mình âm thầm. Cả dáng đi, cả cánh tay chắp sau lưng, cả cái nghiêng đầu khi nhìn chăm chú vào một điểm. Cậu ta đã cao hơn nàng, đứng che khuất cả bóng trăng.
“Vậy thì cứ để ta nhận lãnh, buông bỏ vận mệnh vốn đã không giữ được.” Nguyễn Phúc Chu chợt cười. Nụ cười của cậu mất đi vẻ tươi sáng ngày trước, nhưng vẫn chẳng buồn bã hay vui sướng, vẫn chỉ một vẻ điềm tĩnh lắng sâu trong đáy mắt, an nhiên đến bình thản trên khuôn mặt. “Cô cô vốn cũng không hiểu người, không hiểu ta. Thứ ta muốn xây dựng không phải là một chỗ ngồi. Cơ nghiệp trăm năm không xoay quanh một chỗ ngồi.
“Chi diệp kham tồi lạc, Căn bản dã nan dao. Lòng người hay lòng trời, chẳng qua cũng chỉ ở trong tay người.” Bắt lấy chiếc lá rụng bay qua, Nguyễn Phúc Chu nói với nụ cười ngập trong bóng tối. “Cô cô, ta là thiên tử, vận mệnh của người, của trăm năm, chẳng phải đều có thể tạo ra sao? Giang sơn chẳng phải là vì thiên tử mà tạo ra sao? Cô cô, bọn họ, bọn chúng, tất cả đều để tạo thành vận mệnh của thiên tử thôi, phải không?”
Cô cô, xem giang sơn của ta không?
Bóng tối đổ nghiêng cùng ánh trăng buốt lạnh chói thẳng mắt khiến y phải cau mày. Mắt lòa đi trong khoảnh khắc khiến y mất một lúc mới nhận ra cơn lạnh vẫn ẩn ẩn trong lồng ngực, trán đã đổ mồ hôi. Cơn lạnh này không hề liên quan đến những tác dụng phụ của đao pháp bây giờ thi thoảng mới trở về.
Đưa tay che ngang mắt, y chống tay kia ngồi lên. Doanh trại lập giữa đồng, tướng doanh chỉ có mấy bức trướng bằng vải dày, nghe gió cát đập rào rào vào bốn bên. Một bên trướng bị đẩy ra, để ánh trăng lọt vào, đánh thức giấc ngủ chập chờn mệt mỏi của y. Có lẽ vì ánh trăng, y đã mơ thấy giấc mơ kỳ lạ ấy.
Người thanh niên mặc áo tía đứng chắn ánh trăng, sắc diện mờ trong bóng tối, không hiểu sao y lại cảm thấy rõ rằng cậu ta đang mỉm cười. Trước mặt cậu ta, sau chấn song, là bóng dáng vô cùng quen thuộc. Khung cảnh có vẻ thực một cách kỳ dị, nhưng cũng có vẻ hư ảo như thể được lọc qua một màn sương. Y không còn nhớ những gì đã nghe thấy trong giấc mơ, điều đã khiến tâm can y lạnh toát – như thể sợ hãi.
Có thể, đúng là y sợ hãi. Dù không hiện diện khi tỉnh thức, những lo lắng vẫn trở về trong mộng mị, như một bóng đen đầy đe dọa chực chờ. Y nắm bàn tay ươn ướt, ngẩng đầu nhìn trăng nhợt nhạt đầu non xa, nghe tiếng gáy của một con gà rừng báo đêm gần qua, trấn tĩnh dần.
Đã qua nửa cuối của tháng giêng, nhìn dáng hình mỏng mảnh của trăng, y thầm nghĩ. Đã vào thời điểm quyết định của trận chiến này – Và mọi việc đã đột ngột rơi vào một khúc quanh y không hề mong muốn.
Những ngày tháng giêng đến cùng với thông tin không hay dồn dập từ phương Bắc. Cuộc mưu loạn của Nguyễn Phúc Huệ thất bại, Linh lão phải trốn vào rừng. Và nhà vua Bà Tranh qua đời tại Phú Xuân - Một cái chết đầy uẩn khúc, và dù chúa Nam Hà đã ban lễ hậu táng, không ai nơi này tin đó là trùng hợp.
Âu rằng y có thể dựa vào lòng căm phẫn ấy để khởi binh. Nhưng sự giận dữ vì cái chết của một người cũng có thể nguội tắt nhanh như khi bùng phát, y đủ quen thuộc với chiến tranh để hiểu điều đó. Không được nuôi dưỡng cẩn thận bằng chiến thắng hay thù hận mới chất chồng, người ta sẽ rất nhanh nghĩ tới điều khác – ví dụ như, ai sẽ là kẻ kế ngôi vua Bà Tranh? Chỉ có Kế Bà Tử còn trong tay Nam Hà.
Nên y không thể chậm trễ hoãn binh. Chỉ có lúc này, nỗi căm giận vì tiên vương mới đủ sức đưa đoàn quân này vượt qua lá chắn Kế Bà Tử. Nhưng không còn sự hậu thuẫn ở phương Bắc, đoàn quân này có thể tiến đến đâu? Y không đủ ngây thơ để cho rằng toán người từ rừng núi có thể vượt qua pháo và thuyền chiến, đoàn binh không chủ có thể chiến thắng lính triều đình. Cần có thời gian để xây dựng, bổ khuyết những thiếu sót này, nhưng y lại không có.
Mọi việc đã đột ngột đổ vỡ, vì Như Yên – chỉ nội cái tên này đã khiến thái dương y giật nhẹ. Chiêm Dao Luật đã che giấu y việc nàng ta đưa Như Yên vào mạng lưới của mình, vì một lý do nào thì chỉ nàng ta mới hiểu. Bây giờ, Chiêm Dao Luật đã bỏ đi mất tích, Linh lão loay hoay trong rừng, và Như Yên đã ở trong nhà ngục tại Phú Xuân. Y không có thói hoảng loạn trước sự biến đột ngột xảy ra, chỉ lo lắng đối phó và suy tính. Y cũng không biết mình có cảm xúc gì trước sự việc này – hay nói đúng hơn, là vận mệnh của cô gái hết lần này đến lần khác đối địch y.
Có thể nàng sẽ chẳng bị hại khi làm việc cho chúa. Nhưng cũng có thể, chính nàng sẽ chọn con đường bất lợi cho mình. Y đã nhìn thấy bóng tối trong mắt nàng thưở trước, rồi lại đâm ra hoang mang.
Giấc mơ, trong những bận rộn rối bời, đem theo nỗi sợ hãi lạnh ngắt, hóa ra lại chẳng phải vì chiến sự.
Y hiểu rõ, nàng chọn con đường này vì y. Đáng lẽ ngày ấy nàng đã có thể cao bay xa chạy về phương Nam, nhưng rồi y đã phá hỏng tất cả. Bây giờ, đến lượt nàng phá hỏng những dự tính của y – ngay cả trong cái chết. Ngay cả trong cái chết, nàng cũng sẽ nhắc nhở y là kẻ đẩy nàng vào tình cảnh này. Lỗi lầm? Nàng tội lỗi và vô tội hệt như y. Nàng và y phá hỏng cuộc đời nhau bằng đủ mọi phương cách đến tận cùng.
Cơn lạnh ngày càng nặng trịch trong ngực, lan dần đến phổi. Y thở hắt ra, vận khí lấy lại cân bằng. Những cơn xúc động luôn để lại tác hại rối loạn khí huyết, y luôn phải tìm cách kiềm chế. Trong khí trời hanh hao khó chịu của mùa xuân phương Nam, những cơn ớn lạnh luôn chuyển vào trạng thái khó chịu bứt rứt đến mụ mị tâm trí. Từ khi trăng tròn cho đến ngày trăng khuyết, y càng lúc càng cảm thấy những đợt nóng lạnh luân phiên nhau như triều dâng hỗn loạn trong thân thể. Càng phân tâm lo lắng, càng khó yên.
Thứ cảm xúc đã được khơi lên, không cách nào dập tắt, dù chỉ là tro tàn.
Cát bay trong ánh trăng tàn lụi cùng bụi hồng sớm mai tựa tro xám. Y thả bàn tay đã nắm đến tê cứng về bên hông, nghe tiếng kẻng đổi gác liền ra khỏi tướng doanh xem xét. Oc-nha That cùng Chế Vinh đang đứng sau lũy gác, thì thầm to nhỏ. Thấy y, Oc-nha That liền gọi lại, chỉ tay về phía cồn cát bay mù.
“Quân An Nam đã dựng rào phòng thủ. Sau khi chúng ta rút lui đợt trước, Nguyễn Hữu Oai cho quân Bình Khang xuống Panduranga hợp cùng Chu Kiêm Thắng. Bây giờ ta cần phải huy động người chặn đường, chẻ nhỏ các toán quân ấy ra.” Oc-nha That nói, nhưng y cau mày.
“Quân Bình Khang không tùy tiện phân bổ ở đây.” Y lắc đầu. “Chúng còn phải lo việc ở phương Bắc, không tùy tiện dồn quân xuống Panduranga. Thành lũy ở Panduranga không trọng yếu đối với chúng, chúng có thể chỉ củng cố lũy để cố thủ chờ cứu viện khi cần kíp.” Có biến ở phương Bắc, dinh Bình Khang cũng phải cẩn thận đề phòng hơn là một chiến trường ở xa. Vả lại, Chu Kiêm Thắng tin rằng đã giữ được Kế Bà Tử làm con tin, có thể hơi khinh địch.
“Dù sao ta cũng phải huy động người chặn Panduranga.” Chế Vinh nói. Y đưa mắt nhìn anh ta, nghĩ một lúc rồi gật đầu.
“Vậy tướng quân lo liệu.” Chế Vinh vốn cầm đầu toán quân Thượng, có lẽ lần này nóng nảy mà muốn đánh xuống đối đầu với quân Nam Hà. Sự giận dữ đang sục sôi cần có nơi để phát tiết, y cũng không ngăn lại.
Khi Chế Vinh từ biệt, rời khỏi trại, nắng đã lên cao. Y nhìn về phía cồn cát Oc-nha That vừa chỉ, rồi quay đầu quan sát quân tướng trong doanh.
“Hữu trà viên, ông lãnh quân được chứ?” Y chợt lên tiếng. Con mắt còn lại của Oc-nha That hơi nhướng lên ra ý hỏi. Y hất cằm. “Ông lãnh quân tấn công lũy Phan Rang.”
“Còn anh?” Mãi không thấy y nói tiếp, Oc-nha That liền hỏi. Y nhếch môi như thể mỉm cười.
“Lần này Nam Hà nhất quyết không để mất Phan Rang. E rằng Chế Vinh cũng không kềm giữ được. Phan Rang chỉ là lũy nhỏ, đại quân Nam Hà mới là trọng yếu.” Nheo mắt trong ánh sáng đầu ngày, y chầm chậm nói, như vẫn đang nghiền ngẫm.
Lũy Phan Rang là nơi đánh dấu địa phận chúa Hiền đã lấy được, vị chúa hiện tại cùng những trung thần của cậu ta nhất quyết sẽ giữ bằng mọi giá. Đối đầu với đại quân từ Bình Khang không thể tránh khỏi, tốt nhất nên liệu định trước hơn là tùy tiện đối phó.
Những ‘kẻ phản nghịch’ vẫn còn trong ngục, cơ hội xoay chuyển thế cờ vẫn còn đang nằm trên chính tại chiến trường.