Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 51: Đe dọa
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 18th, 2012

Ngôi phủ đệ nằm trên ngọn đồi nhìn xuống ngã ba sông lồng lộng gió. Ổ khóa lâu ngày không mở đã đóng một lớp sét dày, cánh cửa kêu cọt kẹt rền rĩ khi được đẩy ra. Trong bốn bức tường cao, những đình tạ đã mang màu rêu hoang lấn lên quá cửa, cây cỏ mọc lấp vườn. Khu vườn không được chăm sóc chỉ còn cỏ mọc, trúc đào không ra hoa. Cuối sân, chỉ có giàn tường vi ngày càng rậm rạp, hoa nở từng chùm đỏ hồng cả một góc. Màu hoa khiến sắc đỏ của tà áo sau giàn hoa một lúc sau mới có thể nhận rõ.

Mưa vẫn lất phất rơi trong khí trời se sắt lạnh. Hương hoa càng rõ hơn, nồng nàn đằm như rượu. Bước qua lối cỏ hoang, cậu thanh niên tới hàng hiên nằm sau giàn hoa. Dựa vai vào cột chống, cô gái áo đỏ chỉ nhìn cậu ta bằng cặp mắt không rõ tâm tình, một khóe môi cũng không động.

“Cô cô.” Dừng chân trước hiên, vẫn cầm ô che đầu, Nguyễn Phúc Chu lên tiếng trước. Ánh mắt Như Yên lướt qua khuôn mặt cậu ta, rồi về phía giàn hoa sau vai cậu.

“Cháu ngày càng giống cha.” Bóng của nụ cười thoáng qua mắt Như Yên, nhanh như bóng một hạt mưa. Ba năm không gặp, thiếu niên ngày nào giờ đã trưởng thành. Đầu mày đáy mắt trong trẻo xưa kia đã man mác nét khắc bạc, dù có thể chỉ do nhiều ngày đêm không được nghỉ ngơi. Nghe lời nàng nói, nét mặt cậu ta hơi đanh lại, cũng mất nhanh như nụ cười trong mắt nàng. “Ta về trễ mấy ngày xả tang.”

“Đã làm lễ xả tang xong rồi.” Nguyễn Phúc Chu gật đầu, bước vào hiên, xếp ô tựa lan can. Chiếc ghế gỗ dài kê trong hiên đã bị mưa sương phủ một lớp nước dày, cậu khoanh tay nhìn Như Yên bằng đôi mắt tò mò không che giấu. “Cô cô đi theo người đưa tin của Phúc Nhuận?”

“Có Quế bên cạnh cậu ta, ta cũng chẳng vất vả lắm đâu.” Như Yên bật cười, tự cho phép mình tiết lộ bí mật ấy. “Ta cũng chẳng định trốn, chỉ không muốn rắc rối lằng nhằng thôi.”

“Nghe nói cô cô thả Linh lão đầu và nhóm người ở Quy Ninh?” Gật đầu, Nguyễn Phúc Chu điềm đạm hỏi. Với việc làm ấy, hẳn nhiên nàng phải tránh cả người của triều đình, nếu không muốn càng gây thêm rối loạn trong công đường dinh Quảng Nam.

Người đưa tin của Nguyễn Phúc Nhuận đã về Phú Xuân, trước khi viên Chưởng cơ này áp giải can phạm về triều. Cuộc vây bắt chóng vánh kết thúc không hoàn mỹ, khi nhóm phản loạn ở Quy Ninh đã trốn thoát ngay trước khi quân triều ập tới. Khu nhà đã bị đốt trụi khi toàn bộ người trong gia trang Linh lão đầu, thậm chí cả ngôi làng cạnh đó, trốn vào trong núi. Kế hoạch tuyệt mật hoàn hảo đã bị lộ ngay trước khi ra quân, tại địa đầu xa nhất. Chẳng khó để đoán ra nguyên nhân.

Ngay cả người tại Quy Ninh cũng không biết thời điểm hành động. Ngay cả cô gái này cũng không được rõ thời điểm mà quân tướng sẽ ra tay. Chỉ có Nguyễn Phúc Nhuận toàn quyền hành động. Chỉ vì để lọt nàng, Linh lão cùng toàn bộ nhóm người của ông ta đã trốn thoát.

Linh lão đầu, kẻ nắm thế lực ngầm của vùng đất phức tạp Quy Ninh. Kẻ tội phạm còn nguy hiểm hơn cả Nguyễn Phúc Huệ. Quy Ninh, vùng đất ẩn tàng nhiều gai góc, bão ngầm hơn cả Quảng Nam. Trong tình hình này, để nhóm người ấy thoát đi kể như thả hổ về rừng, đem voi về rẫy. Bình Khang, Quảng Nam đều bất ổn, chiến sự đang xảy ra, chính sự đang biến động, chỉ cần thêm một sơ suất nhỏ, vòng xoáy sẽ hất tất cả vào hỗn loạn.

Tin báo về không khiến triều đình yên lòng hơn. Ngược lại, hất tất cả vào chảo dầu sôi. Cùng với tin tức quân Chiêm Thành ở Phan Rí lại chuẩn bị khai chiến, cả những người bình tĩnh chờ thời nhất cũng đã nóng nảy sốt ruột. Chờ đón đoàn thuyền áp giải phạm nhân của Nguyễn Phúc Nhuận bên bờ sông là đoàn người đã gần mất hết bình tĩnh.

Nhưng nghe câu hỏi của Nguyễn Phúc Chu, Như Yên chỉ đáp lại bằng nụ cười thản nhiên, thấp thoáng vẻ khinh bạc.

“Lão đã nổi loạn xong đâu? Còn phải phá thêm năm tao bảy tiết, đúc súng tạo thuyền, câu kết khắp nơi mà thành lập quân phản loạn, chiếm thành giữ đất xưng vương, làm vua một cõi. Triều đình này không đánh nổi thì thua. Nguyên lão đại thần lúc ấy một là cúi đầu mà hàng, hai là xách gói mà chạy giữ mạng mình. Thắng làm vua thua làm giặc, là do bản thân kém cỏi chứ trách người sao được?” Nàng nhẩn nha nói, nhướn mày trước khuôn mặt bình thản của Nguyễn Phúc Chu. Cậu ta chỉ khoanh tay nhìn nàng, đôi mắt lạnh nhạt không rõ là vui hay giận. “Cháu đã định xách cái gói giấu dưới gầm giường lên kiểm kê chưa?”

“Có lẽ nên lấy lên để biết có cái gì giấu dưới gầm giường, biết đâu lại là bí quyết của Khổng Minh?” Cúi đầu cười khẽ, Nguyễn Phúc Chu nhịp ngón tay trên khuỷu. “Hoắc gia ở Chiêm dinh đã bị diệt, nhưng cô cô vẫn còn Ngụy gia, Thắng lão ở Đồ Bàn, bây giờ làm rõ thân phận ‘Linh lão’, một tay xách động chính biến, chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào. Biết đâu kẻ làm vua ở Quy Ninh lại là cô cô không chừng?”

“Nghe cũng có lý. Ta đáng lẽ nên đi theo Linh lão về Quảng Ngãi mới phải.” Tặc lưỡi, Như Yên gật đầu. Nguyễn Phúc Chu nheo mắt nhìn nàng, cuối cùng lại thở dài.

“Thế sao cô cô lại về đây?” Vị chúa trẻ đột nhiên lên tiếng, vẻ cợt đùa mất hẳn. Như Yên nhìn cậu ta qua đuôi mắt dài, vén lại tóc mà ngoảnh đầu trông ra sân.

“Ta về xả tang.” Nàng nói, hầu như chẳng liên quan đến câu hỏi của Nguyễn Phúc Chu. “Muốn thả ta hay không, cháu tự quyết.”

“Có thể tự quyết?” Đến lượt Nguyễn Phúc Chu nhướn mày. “Là xem có nên xách gói dưới gầm giường chạy đi?”

“Đó cũng là một lựa chọn.” Như Yên bật cười. “Ngày trước ta cũng từng bảo cháu, nam nhi chí tại bốn phương, mềm lòng đa cảm chỉ tự hại mình.”

Môi Nguyễn Phúc Chu khẽ rung. Nhưng rồi cậu chỉ im lặng.

Mưa vẫn buông mù trời rộng. Tường vi nở giữa mưa se sắt, cánh rung trong gió. Trong lạnh lẽo ảm đạm của vườn hoang, màu hồng thắm lọc qua màn bụi nước mờ chuyển thành sắc đỏ như máu. Cành hoa đã lan trên đất, bò trên tường mái, thân lá tua tủa gai rậm rạp phủ bóng lên hàng hiên phía trong. Ngẩng đầu nhìn lên, bầu trời xám mây ẩn hiện qua gai góc lá cành chỉ còn là những mảng sáng mờ.

Tiên kết nhân tâm thuận, Hậu thu đức hóa chiêu. Ai biết hai câu ấy được trả cái giá thế nào? Cháu còn chưa có một người cha say mê nữ sắc đến giết người bừa bãi, nạn đói hoành hành, oán than khắp chốn. Cháu còn chưa phải quỳ lạy quan lại xin nhường ngôi cho chú. Cháu còn chưa phải giết cả ái cơ để chứng tỏ uy danh. Tiên chúa đánh trăm trận, phục muôn người mà còn phải như thế, chỉ có kẻ điên mới tin rằng thế giới này không điên.” Như Yên lạnh lùng hướng mắt lên màn mưa, giọng nói nghe như tiếng mưa bàng bạc. “Mà đến lượt cháu, thậm chí chẳng còn ‘nhân đức’ nào có thể khiến người ta tin theo được nữa. Nói suông cầu thần, chẳng bằng hành động đi.”

Nguyễn Phúc Chu vẫn im lặng. Vị chúa trẻ nhìn theo ánh mắt của Như Yên lên tầng mây qua lớp lá rậm dày. Bóng mưa vẫn không ngừng theo gió lay động. Đâu đây thoảng đến mùi khét của giấy cháy và hương nhang. Nàng quả thật đã không còn mặc tang phục, cả gấu áo cũng đã bình thường. Trang phục xa hoa, điểm trang rực rỡ, ánh mắt phẳng lặng, khóe môi nhàn nhạt nét cười, nàng như đã trở lại thành cô gái của nhiều năm về trước.

Dường như, tựa hoa tường vi kia vẫn sinh sôi, sắc đỏ lấp tràn, nhưng đã mấy mùa hoa nở? Tháng năm tươi đẹp, trăng tròn hoa thắm, ngoảnh đầu nhìn lại tưởng vẫn như xưa, nào biết cỏ dại vườn hoang mưa lạnh. Hồng nhan một thưở chưa phai, xuân đã qua mấy mùa, lòng đã triền miên gió nổi.

“Sau dỡ gian nhà này đi, để lâu gỗ mục, đồ vật hư hỏng thì phí của.” Như Yên vẫn đạm nhạt nói, không nhìn đến mắt người cháu khẽ chớp. “Ngôi chùa trên đồi kia vốn được chúa Tiên phong tặng, lấy đó mà làm cơ sở cho nghiệp đế vương. Cháu hiến đất này cho chùa, mở mang xây dựng lại. Vừa được tiếng vừa được lợi.”

“Vâng, cô cô.” Cuối cùng, Nguyễn Phúc Chu mím môi, gật đầu. “Người còn chưa về tới, không phiền đến cô cô nghỉ ngơi.”

“Cháu lại khách sáo rồi.” Như Yên mỉm cười.

Nàng vẫn cười khi Nguyễn Phúc Chu đã rời khỏi vườn. Tiếng cánh cửa đóng mở kẽo kẹt rồi ổ khóa sắt vang động từ xa vọng lại. Rồi chỉ còn màn mưa rả rích buông xuống, lẫn vào thanh âm xa xa gần gần của rừng thông bên ngoài. Thanh âm lan tỏa, nhòa lẫn, điệp trùng tan vào nhau tựa bóng mây trên trời xa.

Lớp gỗ trên hành lang đã đẫm ướt hơi mưa. Ho khe khẽ, nàng chỉnh lại cổ áo khoác, quay vào trong nhà. Gian nhà nằm khuất sau vườn là nơi duy nhất vẫn còn đầy đủ đồ đạc. Từ ngày ấy, nàng chỉ cho khóa lại mà không một lần bước vào. Mở tủ tìm đá đánh lửa, nàng thấy quần áo cũ vẫn còn được xếp ngay ngắn trong góc.

Quần áo này vốn đã rách không ít thì nhiều, để qua vài năm không được bảo quản đã bị mọt gặm lỗ chỗ, nồng mùi mốc. Nhấc chúng lên, nghĩ một lúc, nàng bỏ tất cả vào lò, châm cho lửa cháy.

Lửa bùng lên, xua tan khí lạnh quanh quẩn bên nàng, hơi khói át đi mùi bụi cũ lưu. Nàng nhắm mắt, nghe tiếng gió lao xao bên ngoài. Bên ngoài khu vườn, bên ngoài ngọn đồi và những dòng sông. Bên ngoài thành trấn phồn hoa và đổ nát, bên ngoài núi và biển cả mênh mông. Bên ngoài mặt đất và bầu trời, ngoài thời gian và dòng chảy.

Dường như có tiếng dòng sông, nàng thầm nhủ. Dòng sông chảy qua thị thành, thời gian, tháng năm và duyên kiếp. Dòng sông rì rầm, rì rào, thầm thĩ, miên man. Dòng sông im ắng, vô thanh, vô ngôn, tịch mịch đến khôn cùng. Thanh âm của dòng sông trôi qua, trôi qua.

Và nàng nghe thanh âm, như thể tiếng thất thanh gào khóc, hắt vọng từ xa khơi.

***

Tháng giêng năm Giáp Tuất, triều đình Nam Hà đón cùng lúc những cái tin hỗn loạn ập đến: Quân triều đại bại ở Bình Thuận, vương tôn mưu phản bị bắt, những cuộc vây ráp để lại các khuôn mặt xanh xám – kẻ vì giận dữ, kẻ vì sợ hãi. Buổi thiết triều đầy đủ đầu năm của các quan không phải để chúc mừng năm mới vị chúa trẻ, mà để xem mặt các phạm nhân vừa được giải về triều.

Nguyễn Phúc Huệ, Nguyễn Phúc Thông cùng gần chục người khác bị giải đến sân triều, giữa hai hàng quan tướng lớn nhỏ. Từ trong chính điện, vị chúa trẻ bước ra cùng người hầu sai kính cẩn đem theo một cuốn sổ nhỏ để trên bàn gỗ. Thấy cuốn sổ, nhiều cái rùng mình lan đi trong làn gió xuân thổi qua sân.

“Ngày xưa ta có sổ ‘Đồng tâm hướng thuận’.” Nhìn qua các triều thần, chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ cười. Tay đặt lên sổ, vị chúa ngừng lời một thoáng, nụ cười càng mở rộng hơn. “Nhưng đây không phải là sổ sinh tử, chỉ là chỉ phong tặng của ta.”

“Chiêu Vũ hầu và Thuận Nghĩa hầu có công lớn với nước, triều trước lại bận rộn chưa kịp yên ủi công thần. Nay nhân dịp đầu xuân khánh tiết, theo lời bàn trước, truy tặng tự điền và tự dân cho hai công thần lương đống. Con cháu được đời đời thừa hưởng khói hương.” Lời nói sang sảng vọng khắp khoảng sân rộng, nhiều người còn chưa qua cơn hoang mang một lúc sau mới kịp hiểu lời. Viên nội giám gọi Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào cùng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính lên nhận phong tặng. Nguyễn Hữu Oai còn ở Bình Khang, vị chúa liền cho người đưa chỉ cùng tặng phẩm đến. Hai người con của Nguyễn Hữu Dật nhận chỉ, tạ ơn trước sân điện, vị chúa vẫn chưa vội cho họ lui xuống.

“Cha ông các khanh theo họ Nguyễn ta đến đây từ buổi ban sơ, đuổi Mạc chống Trịnh lập quốc. Người thì dòng dõi thư hương quan tướng, người vốn là thân hào nhân sĩ, cũng có người vốn chỉ là quân ứng nghĩa, dân mến đức theo về. Các khanh không thuộc dòng vương thân ngoại thích, nhưng là cột trụ của triều đình, công lao muôn vạn mà nghĩa tình càng lớn như hà hải. Ngày nay ta cấp hương phần lửa khói cho các cựu thần, cũng mong con cháu cùng đời đời hưởng phúc, lập công lớn cho nước nhà.” Chúa Nguyễn Phúc Chu ân cần nói. Sự ngạc nhiên đã qua, để nhiều cái nhìn đầy ẩn ý qua lại giữa các quan triều sau lưng hai viên tướng nhận phong.

Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến xuất thân áo vải, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật tuy tiếng là thân thích họ xa của chúa nhưng hoạn lộ long đong. Tự điền cùng tự dân được truy cấp lần này cho họ tuy không lớn, nhưng cũng đã nghiễm nhiên xếp họ ngang với các vương tôn ngoại thích trong triều.

Tứ trụ đại thần nắm giữ quyền bính trong triều đình Nam Hà vốn thuộc về các dòng họ ngoại thích với chúa, được xây dựng bằng các mối kết liên hôn nhân đời đời. Nhưng các chúa, từ đời này sang đời khác, vẫn phải dùng các quan tướng ‘bên ngoài’ để tạo lập thế lực và sức mạnh cho mình – như chúa Sãi cùng Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, chúa Thượng và chúa Hiền với Chiêu Vũ hầu, Thuận Nghĩa hầu. Ngày nay, những kẻ bình dân ấy đã chính thức bước chân vào triều đình. Không kể đến lần truy tặng này, Nguyễn Hữu Oai đã kết hôn với một công nữ, vị chúa cũng đang định nạp phi là con một văn chức nhỏ, xuất thân thường dân. Trật tự được thiết lập gần trăm năm đã chính thức bị phá vỡ.

Triều đình Nam Hà không chỉ còn dành cho các đại thần dòng dõi, xuất thân Thanh Nghệ. Cùng với tiền lệ của Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Hồ Quang Đại, lớp quan tướng xuất thân thấp kém đang dần chiếm lấy những vị trí quan trọng ngày càng lớn.

Đến lúc hai tướng lui về, vị chúa mới nhìn qua toán phạm nhân đang ở sau sân. Phất tay, vị chúa trở về ngai vàng trên bậc cao, gọi người dẫn bọn họ lên sân trước điện.

Nguyễn Phúc Nhuận đem bản khai cùng sự vụ báo cáo lên tất thảy. Nghe xong, chúa Nguyễn Phúc Chu cau mày.

“Để sổng bọn người ở Quy Ninh?” Vị chúa gằn giọng, giọng điệu khiến hầu hết người trong sân phải giật mình.

“Bẩm, thần đã tra xét từ lâu, chúng đã bí mật chiêu tập lực lượng, đúc súng, đóng chiến thuyền, câu kết với Chiêm Thành và dân Thượng, việc Chiêm Thành nổi dậy lần này hẳn do chúng chống lưng giúp rập. Nghe quân triều đến vây bắt, chúng bỏ trang viện, nhà cửa mà trốn vào trong núi. Quân tại Quy Ninh chậm chân không bắt được, để chúng đem theo tài vật đào thoát tất thảy.” Cúi đầu, Nguyễn Phúc Nhuận rành rọt trả lời. “Ngày nay chiến sự tại Bình Thuận cam go, e rằng chúng vào vùng Thượng thông đồng với nhau, càng thêm nguy hiểm.”

“Linh lão đầu này ở Quy Ninh đã lâu, danh thế rất lớn, lại thêm con rể là Quảng Phú vũ dũng hơn người, thân thuộc bọn đạo tặc. Vùng núi Quảng Ngãi từ trước vốn đã là căn cứ của chúng, người không dám lại qua.” Bên cạnh Nguyễn Phúc Nhuận, Kỳ nói thêm. “Linh lão nuôi chí khác, ôm vọng tưởng đã lâu, muốn nhờ người tạo loạn mà mượn nước đục thả câu. Chúng câu kết tạo phản lần này không chỉ có ý muốn đưa công tử Huệ lên ngôi, còn có ý muốn chia đất làm vương, tiện bề lấn tới, lại là một Hoàng Tiến mới. Công tử Huệ mê muội không xét kỹ, e rằng cho chúng mượn danh nổi loạn bằng nuôi ong tay áo, rước hổ vào nhà, nguy hiểm khôn ngăn.”

“Bọn thương buôn chỉ biết lợi nhuận, trả một lời mười, muốn mượn Lã Bất Vi thì phải trả cả vợ con, đất nước cho họ Lã, chẳng thấy sao? Thấy cái lợi trước mắt mà không suy xét sâu xa, làm việc lớn thế nào?” Chúa Nguyễn Phúc Chu nghe thế liền ngoảnh sang Nguyễn Phúc Huệ, lắc đầu thở dài. Nguyễn Phúc Huệ gương mặt sắt lạnh như đá, mím môi im lặng. Vị chúa quay nhìn các quan viên, lo lắng in trong mắt. “Tình hình phương Nam hỗn loạn, quả nhiên là có kẻ giật dây thao túng bấy lâu.”

“Tình hình hải ngoại khiến các cảng, thị thành hỗn loạn nhiều năm nay, nghĩ cũng đến lúc cần chấn chỉnh.” Nguyễn Phúc Nhuận tiếp lời vị chúa, ra dấu về phía hai thương nhân bị bắt ngoài sân. “Đài Loan bị hạ, các giáo phái, bang hội bị Đại Thanh lùng bắt liền đổ về phía Nam, về các đảo, lấy vùng ven biển ta làm căn cứ, họp cùng người Minh lánh nạn lúc trước mưu toan bất chính. Mà vì thế, tình hình ven biển của chúng ta ngày càng bất ổn, hải tặc cùng tàu thương tranh chấp với nhau, hay câu kết với nhau cướp bóc tranh giành. Thương mãi quan trọng với kinh tế Nam Hà, chúng ta vẫn chào đón người ngoại quốc, nhưng thần nghĩ đã đến lúc phải quản lý họ chặt chẽ hơn.”

“Điều này ta cũng đã nghĩ qua.” Chúa Nguyễn Phúc Chu được lời liền gật đầu. “Người Tàu có thói làm ăn sinh sống theo nhóm, trọng người chủ hội hơn cả luật triều. Ta vốn đã có Tàu Ty cục nhưng chỉ là quan viên trông coi thuế khóa, là lại thuộc chứ không phải người có uy tín với bọn họ. Nhưng để bọn họ tự sắp xếp thì quá hỗn loạn, luật không quản được mà người cũng không quản được. Nay ta nghĩ cứ nên để bọn họ quản nhau, nhưng theo trật tự. Ta thấy ngày nay người Tàu vào nước ta có mấy nhóm chính từ Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam và Phúc Kiến. Bốn nhóm này có những đặc trưng riêng cả về tiếng nói, nguồn gốc lẫn kiểu sinh sống, cách làm ăn, ngành kinh tế. Cho họ lập các bang hội dựa trên nguồn gốc, cho dân nhập tịch đăng ký với các bang trưởng, hội trưởng để sinh sống trong nước ta. Như vậy, ta vừa có thể quản được người mà bọn họ cũng thỏa mãn, vừa có phần tự chủ vừa được bảo hộ sinh sống làm ăn.[i]

Nói rồi vị chúa cho người ghi lại, giao các quan bàn luận. Việc càng nói càng rộng, người nghe càng lúc càng lo lắng sốt ruột. Dường đoán được, vị chúa trẻ gọi đưa Nguyễn Phúc Huệ ra trước, nghiêm mặt hỏi.

“Ta đối với anh cùng dòng dõi Diễn quận công không bạc, sao lại tìm cách tạo phản?” Nguyễn Phúc Huệ vẫn đứng, nhưng vị chúa không nhất quyết bắt quỳ, chỉ cao giọng hỏi. Nguyễn Phúc Huệ mím môi mấy lần, cuối cùng mở miệng.

“Chính sự rối ren, không quản được lại đổ cho người? Chỉ có miệng quan tướng các người đổ cho ta đủ tội, tra bức người lấy cung, không một bằng cớ đáng tin.” Giọng khàn khàn, Nguyễn Phúc Huệ to tiếng nói. Nguyễn Phúc Chu liền cười.

“Tội danh vừa đọc vẫn còn chưa đủ? Hay anh muốn ta nói thêm một tội danh khác?” Vị chúa mềm mại cười, vẫy ngón tay với viên hầu sai đứng sau. Khi người này quay lưng đi, Nguyễn Phúc Chu nhìn người trước sân điện, thở dài. “Việc xưa lặp lại, vương thất cấu kết với một người đàn bà tạo phản. Công nữ Ngọc Phương lâu nay ở Quảng Nam, dựa thế làm bậy, thay anh đi gọi người, sắp xếp mọi điều. Việc ấy có thể cả Linh lão đầu cũng thừa nhận, mà ngay cả những người không liên quan cũng đều có thể làm chứng.”

“Ở Quảng Nam vừa rồi, công nữ Ngọc Phương đưa Linh lão đầu trốn ra khỏi phủ đệ của anh, lưu lại cho chúng ta mối họa lớn bây giờ. Việc ấy cả ngàn người nhìn thấy.” Càng nói càng cao giọng, tiếng vị chúa quét qua sân như luồng gió lạnh buốt xương. Nghe đến cái tên vừa thốt, đủ loại biểu cảm xuất hiện trên khuôn mặt người trong sân. Tuy hầu như tất cả có cùng một ý nghĩ.

Chuyện xưa lặp lại. Tống Thị, người đàn bà dựa vào danh thế chúa thao túng triều đình, lũng đoạn kinh tế, gây oán than ngập trời. Nguyễn Phúc Trung lọt vào tay bà ta, định đem triều đình về tay chúa Trịnh. Bây giờ, con cháu kẻ phản thần lại tiếp tục việc xưa.

Tạo phản, và đem quân bên ngoài đánh vào, để lại một mối di họa lớn lao. Cuộc vây bắt này chỉ mới thành công được một nửa, sự đe dọa càng nguy ngập hơn.

Chuyện cũ việc mới, thù xưa giận nay cùng thổi bùng như lửa. Nguyễn Phúc Huệ chợt thấy lưng mình lạnh đi, cùng lúc với cái tên vừa được gọi lên kia.

“Cô ta…” Gã lên tiếng, lời chưa thoát hết khỏi môi đã chợt im bặt.

Cửa điện phía Tây mở, quân lính đưa vào một bóng áo đỏ đến chói mắt.

Cô gái nhan sắc rực rỡ như hoa, áo đỏ đến chói chang, xuất hiện trước mặt Nguyễn Phúc Huệ như thể tử thần.

 

 

 

Chú thích:

[1] Các tổ chức bang hội này tồn tại đến khoảng năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh giải tán bang hội người Hoa. Theo cách quản lý dưới triều Nguyễn, người Hoa nhập cư phải đến báo với bang trưởng, được cấp phép mới được nhập tịch, có được các quyền lợi như người Minh Hương, và không được cạo đầu. Lớp người Hoa nhập tịch này được phép kết hôn với người bản xứ, đến thời vua Tự Đức thì được chính thức công nhận là người Việt Nam.

Các bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Triều Châu đều có ngành làm ăn đặc trưng riêng như buôn gạo, làm nông, thủ công hay chế tạo…Các bang hội vừa quản lý người vừa bảo hộ cho ngành làm ăn “độc quyền” của bang – có lẽ vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của việc phân chia bang hội này.  




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.