Những con vẹt trong rừng Phi châu - Thế giới hình vuông - Nơi khai sinh của loài người
Em đang ở một khu rừng châu Phi với các loài vẹt đủ màu sắc, đủ hình dạng. Chúng trông rất vui mắt. Nhưng tất cả những gì chúng nói đều giống nhau. Không hiểu chúng bắt chước nhau hay có ai đó đã dạy cho chúng. Chỉ có một điều chắc chắn, có kẻ đã từng tồn tại ở khu rừng này, đã thốt ra những lời kia đầu tiên.
Sự nhàm chán đó bắt nguồn từ chính bản thân ngôn ngữ. "Xanh" là màu của bầu trời. Xanh. Xanh. Nhắc đi nhắc lại từ ấy cho đến khi nó thật xa lạ trên đầu lưỡi. Tự hỏi chúng có ý nghĩa gì với những con vẹt kia. Những gì đã được nói ra, nhắc đi nhắc lại đến độ hóa ra lạ lùng, cho đến độ mình không còn hiểu được ý nghĩa của chúng nữa. Xanh. Xanh. Xanh. Tại sao bầu trời không phải màu vàng?
Những con vẹt trong cánh rừng Phi châu lúc lỉu khắp nơi. Khắp nơi. Như những cánh bướm trong rừng Amazon, một cơn bão đầy bụi phấn bay tan tác nếu bị đụng vào. Để lại trên những cành cây khô quắm là lũ sâu bọ lúc nhúc đủ màu.
Kẻ đầu tiên đã đến cánh rừng đó, dạy cho những con vẹt nói, hẳn là đã bị chính chúng rỉa sạch rồi.
Cho nên những lời chúng nói mới có thể tinh tươm và tanh tưởi đến vậy. Mùi tanh tỏa ra từ những cái mỏ cất cao, đầy kiêu hãnh. Những cái đầu cất cao, không chờ đợi ai nhắc hoặc chỉnh lại. Không ai biết chúng sai hay đúng, và điều đó cũng không cần thiết. Kẻ duy nhất có thể xác định được điều đó đã biến mất. Biến mất vào trong cánh rừng lúc lỉu những con vẹt đủ màu. Chỉ có điều đó, điều duy nhất đó có thể lý giải cho tình trạng hiện tại.
Thật ra, chúng nói rất nhiều. Nhưng tất cả đều trống không, vô nghĩa, nhàm chán khủng khiếp, nhàm chán đến không thể chịu đựng nổi. Vì chẳng con nào chịu trả lời câu hỏi của em. Chúng cứ nói, cứ nói. Hãnh diện và kiêu ngạo nói những lời giống hệt nhau.
Vì để những sinh vật tanh tưởi và chán chường ấy rỉa thì qủa thật không đáng, em đã ra đi.
Mà quên mất, em đã nói tại sao mình lại ở châu Phi chưa nhỉ? Vì trong cuốn sách giáo khoa ngày xưa lơ xưa lắc trong trường đại học đã nói rằng: châu Phi là nơi khởi nguồn của nhân loại. Hay là, nói đúng hơn, đó là nơi có những nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Thế thì chắc là chính xác hơn. Ai mà biết nhân loại khởi nguồn ở đâu, và những kẻ "khởi nguồn" ấy có còn sống được hay phát triển được để có được thứ gọi là "nền văn minh" hay không. Mà "nhân loại" nghĩa là gì? Trong các cuốn sách giáo khoa của chúng ta, chúng ta được dạy rằng loài người tiến hoá từ loài khỉ. Nhưng anh biết không, thứ lý thuyết ấy mới chỉ phát triển gần đây thôi. Trong một bài viết của mình, em đã có dịp tìm hiểu thứ phản ứng mà người ta đã từng có với Darwin vào đầu thế kỷ hai mươi. Họ kinh tởm ông ta. Em có thể cho anh xem những gì người ta đã vẽ để biếm hoạ ông ấy cùng học thuyết của ông ấy. Họ kinh tởm ông ấy và họ sợ ông ấy. Đúng hơn, học thuyết của ông ấy.
Họ sợ ông ấy, vì họ sợ thế giới của mình bị phá vỡ. Chúa tạo ra loài người, một phần tư thế giới này từng tin như vậy. Thánh Allah tạo ra loài người, một phần ba thế giới này tin như vậy. Thần thánh tạo ra loài người, một phần năm thế giới này tin như vậy. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về phần còn lại. Trời đất sinh ra loài người, đó là niềm tin của chúng ta. Do đó, chúng ta ít chứng kiến những xung đột lớn lao về niềm tin cùng nhân sinh quan với thế giới, chỉ cần dựa vào nền tảng mông lung vô định của mình. Chúng ta biết, nhưng điều chúng ta biết là một khoảng trống, chỉ cần lấp đầy nó. Còn họ, cái phần còn lại của thế giới, không giống như chúng ta. Họ xung đột, họ nguyền rủa nhau, họ đánh nhau, họ chà đạp nhau - Tất cả khởi đầu bằng những lý thuyết khoa học ở đầu thế kỷ hai mươi. Em có thể kể cho anh nghe về những cuộc tranh cãi của trí thức nước Mỹ vào những thập niên hai mươi, hay là những xung đột tôn giáo kéo dài khắp Italia, Tây Ba Nha, Brazil, Pháp...
Nhưng thôi vậy, em không làm một chương trình truyền hình, mà em chắc anh cũng chẳng muốn nghe những chuyện ấy. Cho nên em cũng sẽ không kể đâu, những câu chuyện về thánh thần và niềm tin cổ xưa trên phần đất Phi châu này, hay tín ngưỡng rất thú vị của người Ai Cập cùng vùng đất Lưỡng Hà, nơi được gọi là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nơi đã khai sinh ra một thứ gọi là "niềm tin", và trong suốt phần còn lại của sự tồn tại, nhân loại đã đánh lẫn nhau vì thứ gọi là "niềm tin" đó.
Chẳng qua, đó chỉ là những gì em đã nghĩ khi đến nơi đây, vùng đất chỉ có cát và cát này. Bên ngoài khu rừng là cát. Hai bên dòng sông là cát. Ngoài những cánh đồng là cát. Xung quanh con người là cát. Phải, có những cánh rừng và dòng sông, có những cánh đồng và thành thị, có những sự sống nằm trong lòng cái chết. Cái chết bao phủ vùng đất này như thể nó nằm lọt thỏm trong một nấm mộ.
Thứ mà em tìm kiếm đã không còn ở nơi đây nữa. Nó đã biến mất từ hàng ngàn năm trước.
Và em nghĩ đến điều gần như là tín ngưỡng và các thần linh khi đi trên sông, bên cạnh một ông lão chèo thuyền đen như một cây gỗ mục. Đừng hỏi em về khuôn mặt ông ấy, em không thấy đâu. Trong nắng, tất cả những đường nét trên khuôn mặt có làn da đen huyền ấy đã không thể thấy rõ được nữa như tan vào bóng đêm. Em chỉ thấy hai con mắt nhỏ và dài, không lộ như đôi mắt người châu Phi thường có, mà nhỏ và dài như đôi mắt Á châu. Đôi đồng tử cũng đen như thế. Tất cả những gì em nhớ về ông ấy chỉ có thế, người chèo thuyền trên sông có đôi mắt Á châu.
Ông ấy không nói gì với em, mà cũng chẳng thể nói gì khi cả hai không ai biết ngôn ngữ của nhau. Ông ấy chỉ đưa em đi qua dòng sông dài, dưới bóng của những kim tự tháp và nắng, và gió. Lúc ấy, em nghĩ, cái nơi buồn thảm và trơ kiệt, khô khấc này mà là nơi con người sinh ra ư?
Đừng lầm lẫn, em biết những kiến thức địa lý cơ bản, biết rằng vùng đất này thưở xa xưa đã là một khu rừng nguyên sinh to lớn hùng vĩ. Nhưng nó đã chết từ rất lâu trước khi con người sinh ra rồi. Con người sinh ra khi trái đất hùng vĩ, to lớn ấy chết đi rồi. Còn chúng ta, chúng ta sinh ra khi cả những con người ấy cũng đã chết rồi.
Khi nhìn xung quanh dòng sông, qua những khu rừng và những gì con người dựng xây nên - thế giới này thật ra rất đơn giản, anh thấy không, chỉ có rừng và những gì con người dựng xây nên, còn lại là sa mạc - em chỉ thấy cát. Gió thổi đến đâu, cát bay đến đấy. Có những vùng đất mà cát lấn chiếm hàng năm, hàng năm một, người ta gọi là vùng bị sa mạc hoá. Người sống trong những vùng đất ấy vẫn cố chống chọi, nhưng vô vọng. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi mọi thứ bị nuốt chửng.
Và lần này, có thể, chẳng còn gì sinh trưởng được trên tàn tích mà con người bỏ lại, trên cát. Trên cát bụi.
Mọi thứ đang chết đi dần dần. Dần dần.
Còn những dòng sông, điều còn lại là những dòng sông. Sông và biển cả.
Đến lượt em lặp lại tất cả những gì người khác nói nữa rồi. Em chỉ muốn nói là, em đi về nơi này để tìm dấu tích của những gì được ghi trong sách vở. Nhưng điều em tìm thấy chỉ là cát.
Đúng ra, đó cũng chẳng phải là điều gì đáng buồn.
Khu phòng chờ của sân bay cũng lắp kính và phủ kim loại sáng loáng như mọi nơi khác. Một khi đã cầm vé bước qua cửa kiểm soát, không thể quay lại, ra ngoài được nữa. Có vài quán hàng bán đồ miễn thuế nơi đây. Ở các sân bay của những nước phát triển, khu phòng chờ được biến thành một siêu thị hàng miễn thuế khổng lồ, sáng loáng ánh điện và đầy màu sắc. Nhưng trong sân bay nội địa nhỏ này, em chỉ thấy vài cửa hàng be bé, còn lại là những bức tường kính. Bốn bức tường kính quay ra khoảng sân bay mênh mông bên ngoài.
Luôn luôn là bốn bức tường. Chúng ta đã quá quen với kiểu cách ấy. Có thể phá cách một chút, năm, sáu hay tám, mười bức tường gì đó, nhưng thường là bốn. Bốn bức tường, mỗi người trong chúng ta dựng xây cho mình một khu trú ẩn như thế. Một thế giới hình vuông - y như niềm tin cổ xưa của chúng ta.
Anh có biết chuyện vài bộ lạc cổ xưa của Phi châu vốn không thể nhìn được đường thẳng không? Vì họ đã quá quen với những đường cong trong tự nhiên. Trong tự nhiên không có thứ gì thẳng cả. Chỉ có con người càng phát triển thì càng đem mọi thứ ra dàn thật thẳng, cố gắng tạo ra những đường thẳng để phân cách - Nhà cửa, đồ vật, con đường, tính cách... Tất cả càng thẳng càng đẹp. Tất cả dần dần được phân chia vào các ô vuông, chữ nhật thẳng. Tất cả bị chia nát thành những đường thẳng - Thứ mà trong tự nhiên vốn không hề hiện diện.
Thế giới đang biến thành một hình vuông. Tựa như một mẫu Flash đơn giản để dạy về sự biến hình.
Và trong thế giới ngày càng được biến thành hình vuông ấy, người ta lại nói đến tự do. Nghĩ ra thì thật là buồn cười, có phải? Mọi thứ đang vào một chuẩn mực, một hệ thống. Tất cả đang được biến thành chuẩn mực và hệ thống, ở những xứ sở càng hiện đại, càng tân tiến thì thứ chuẩn mực và hệ thống này càng được thiết lập chặt chẽ hơn. Vậy mà người ở nơi ấy lại coi như họ tự do và tự hào về sự tân tiến của mình.
Người ta đang xây những thế giới hình vuông. Những nhà tù hình vuông - và họ gọi đó là thế giới. Quả thật, họ tự do trong cái thế giới ấy - thế giới hình vuông.
Có quan trọng gì đâu, tất cả chỉ là một khái niệm. Ngày xưa, khi thế giới còn rộng mở, người ta tạo ra các thế lực để kiểm soát con người. Còn ngày nay, người ta tạo ra các thế giới hình vuông.
Ngày xưa, con người tin rằng thế giới hình vuông và có điểm tận cùng. Rất nhiều nhà khoa học đã phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình để nói điều ngược lại. Nhưng bây giờ, nếu như Galileo còn sống, em sẽ nói với ông ấy rằng - Dù sao, thế giới vẫn là hình vuông.
Và thế giới ấy vẫn có điểm tận cùng.
Nhưng thật ra có quan trọng gì đâu. Trong chúng ta, có mấy người đi được đến tận cùng thế giới để biết rằng nó có thật hay không. Thậm chí, nó có quan trọng với chúng ta hay không? Anh đã bao giờ quan sát mô hình quả địa cầu và nghĩ xem ta đang ở đâu trên đó? Chúng ta không biết, không thể nào nhận biết được hình cầu của trái đất mình đang đứng nếu chỉ bằng cảm giác. Vậy thì hình cầu, hình vuông, chữ nhật, tam giác, bình hành cũng có gì quan trọng?
Dù sao, thế giới vẫn cứ là hình vuông.
Đợi mãi :* :*