Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 50: Trừ diệt
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 11th, 2012

Tháng giêng năm Giáp Tuất, hầu như toàn bộ vùng đất của Nam Hà sôi sục náo loạn trong cuộc lùng bắt những đội quân phản loạn của Chưởng cơ Nguyễn Phúc Huệ. Bắt đầu từ Chiêm dinh, Chưởng cơ Nguyễn Phúc Nhuận đem theo chỉ sai của chúa Minh, lãnh quyền thừa hành truy bắt phản nghịch. Những đội quân được phái đi tỏa khắp nơi, bao vây, khám xét, lùng tìm và truy diệt kẻ nằm vùng.

Ngày mở cửa đầu năm, dân chúng Quảng Nam ngơ ngác hoảng hốt trước những toán quân giáo mác sáng ngời, đem theo voi ngựa diễu tràn các nẻo đường. Sau khi bắt giữ Nguyễn Phúc Huệ tại cư gia, niêm phong phủ đệ của viên Chưởng cơ này, quân đội dinh Quảng Nam dốc toàn lực bủa khắp bốn phương. Cuộc tấn công xảy ra hoàn toàn bất ngờ, các dinh phủ, làng mạc, gia tộc bị bao vây hầu như không kịp phản ứng. Có vài cuộc chống trả lẻ tẻ nhanh chóng bị dập tắt. Các quan viên đã phải cúi đầu trước chỉ sai in dấu triện của vị chúa và toán quân tượng hùng hậu.

Chỉ trong vòng một đêm và một buổi sáng, khắp vùng đất Quảng Nam không nơi nào chưa bị quân đội càn quét qua. Nguyễn Phúc Huệ bị bắt, những đồng bạn cùng mưu lẫn kẻ hỗ trợ cho gã không ai thoát khỏi lưới vây. Ngôi làng bên sông Túy Loan tập hợp dân giang hồ tứ chiếng làm nơi huấn luyện võ sĩ, cất giữ tài vật của quân phản loạn bị pháo vây chặt, đành đầu hàng. Một loạt quan tướng lớn nhỏ bị đưa đến Chiêm dinh tống giam chờ luận tội. Thậm chí các thương gia trong thành Hội An cũng không tránh khỏi bị khám xét bắt bớ. Ngôi nhà của Hồng Thiên hội vừa mở cửa được hai tháng đã lại bị niêm phong.

Đến cuối buổi chiều ngày hôm ấy, chỉ còn một nơi mà quân lính Nam Hà chưa ập vào. Ngôi nhà bên sông Chợ Củi vốn là nơi thờ tự vị vương hậu của chúa Hiền vẫn đóng cửa im ỉm, không trả lời bất cứ kẻ nào bên ngoài. Quân lính không dám tùy tiện tấn công, chỉ đành bao vây toàn bộ ngôi làng.

Đến chiều tối, một cánh chim bất chợt lượn vòng ngoài khu nhà, rồi bay vào trong. Lính vừa giương cung nhắm, thư sinh mặc áo đoạn đen có khuôn mặt thanh tú bên cạnh liền cản lại.

“Cứ để nó vào.” Nhìn theo cánh chim khuất sau lùm cây, Nhã lắc đầu. “Nếu biết tin bên ngoài, Nguyễn Phúc Thông hẳn sẽ thôi ngoan cố cứng cổ.”

Gã hẳn không định giữ chặt nơi này phòng thủ cả đời, Nhã nghĩ thầm. Thân thế vẫn là vấn đề nhạy cảm với vị chúa, không thể tùy tiện phá hủy nơi thờ tự của vương hậu tiền triều, dù có lệnh của chính chúa công. Tuy vậy, ngoan cố chống cự chỉ làm tội nặng thêm, khi Nguyễn Phúc Thông không còn bất cứ hy vọng nào bên ngoài.

Lúc này, kẻ nào có thể gửi thư cho Nguyễn Phúc Thông? Linh lão đầu dù sao vẫn là kẻ sống ở xa tới, khó có thể tùy cơ ứng biến trên vùng đất này. Nếu là Như Yên, hẳn nàng có cách để chiêu hàng gã.

Vừa nghĩ ngợi, Nhã vừa trầm ngâm nhìn lên bầu trời đang tối dần. Không hiểu sao, anh ta vẫn cảm thấy gờn gợn bất an. Việc đã thành công gần như hoàn hảo, một cách quá dễ dàng. Tất nhiên, luận tội một vương tôn sẽ không dễ dàng, nhưng đó là việc của các quan đại thần. Âu cũng có thể nhân dịp này tỏ rõ sáng tối, sắp xếp lại Tứ trụ, không để cho một số kẻ lấy tay che được trời[1].

Luận tội vương tôn? Nhíu mày, Nhã nhìn lại về phía ngôi nhà đã bắt đầu thắp đèn trên lầu cao. Vốn chỉ là một kẻ thừa hành, có những điều Nhã vẫn không thể rõ, không được rõ. Chắc chắn là đã nắm trong tay đầy đủ chứng cứ, vị chúa mới phát lệnh bắt giữ hai người anh em họ. Nhưng đó chẳng phải chỉ mới là điều anh ta nghĩ?

“Phân tán đi bao vây bốn phía.” Quay người, Nhã ra lệnh cho viên đội trưởng phía sau. Toán quân liền tản ra mỏng hơn, dàn người canh giữ xung quanh ngôi làng. Nghĩ đã đến lúc các toán quân khác xong việc trở về Chiêm dinh, Nhã cho người xin thêm tiếp ứng. Làm một chòi canh nhỏ bên ruộng dâu, viên Tiểu sai ăn uống quấy quá bữa tối, không rời mắt khỏi ngôi phủ đệ kia một khắc.

Sự cẩn trọng của Nhã quả nhiên không thừa. Đến khi trời tối hẳn, trăng lên đầu ngọn tre, anh ta chợt nghe có tiếng lao xao khắp bốn xung quanh ruộng. Nhìn ra xa, Nhã nhận được ngay nguồn cơn của sự ồn ào: Nước đang lên, dâng tràn khoảng đất dưới làng. Đông xuân vốn là mùa lũ, nước sông đêm nay dâng lại càng đặc biệt cao. Mảnh ruộng dâu vốn ở trên đất đồi, nước cũng đã lấp xấp ngay dưới gốc. Triều đang lên, có thể dâng tràn vào cái chòi Nhã đang trú tạm.

Quân lính ở những khoảng đất thấp mà nước đang dâng ngập đến cổ không khỏi líu ríu chạy khỏi nơi canh gác. Những viên đội trưởng bận rộn kêu gọi lính tập hợp về phía những trảng đất cao. Không bận tâm đến họ, Nhã lại chăm chú nhìn về phía ngọn đèn trên lầu cao kia. Gió mạnh quần quật thổi, ánh lửa đèn chênh chao một lúc rồi tắt.

Hỏng rồi, than thầm, Nhã siết chặt kiếm trong tay, lần lại gần hơn ngôi phủ đệ. Ngôi nhà vẫn yên ắng. Đến đầu làng, Nhã không tiến gần thêm, níu lấy một cành cây gần đó mà leo lên ngọn. Ở khoảng cách này, anh ta đã có thể nhìn được vào trong sân. Ngoại trừ ngọn đèn trên lầu vừa tắt, trong sân không thắp đèn, chỉ vài gian nhà có ánh sáng leo lét. Cảnh tượng ngôi phủ đệ như thể sắp tắt đèn đi ngủ chứ chẳng phải chỉ là mới nửa buổi tối.

Nghĩ ngợi một lúc, Nhã móc trong túi đeo bên hông ra một quả pháo nho nhỏ, móc với tên nỏ bắn về phía ngôi phủ đệ. Pháo rơi vào giữa sân, nổ một tiếng đinh tai. Tiếng nổ làm người khắp bốn phía giật mình. Đám quân lính đang lao nhao chạy lũ dừng hẳn lại. Từ trên ngọn cây, Nhã nhảy xuống, nhanh chóng chạy khỏi phạm vi ngôi làng.

Viên Tiểu sai chỉ vừa kịp nhảy xuống sông khi tiếng nổ tiếp theo gầm vang sau lưng. Sức ép cùng đất cát thổi tung theo Nhã. Mặt trước của ngôi phủ đệ chớp mắt đã bị thổi bay trong cát bụi mù mịt. Người trong làng vốn đã được giải tán khi cuộc bao vây vừa bắt đầu, ngôi làng yên ắng. Trong phủ đệ cũng không có lấy một bóng người.

Toán lính bao vây ngơ ngác trước cảnh tượng sau vụ nổ. Khi Nhã trồi lên khỏi mặt nước, không ai để ý đến anh ta. Thấy một người đội trưởng định chạy lại phủ đệ nọ, Nhã liền giật giọng gọi lại.

“Chờ đã!” Lời vừa hết, đã nghe tiếng ồn ào ở bên kia bãi dâu mênh mông. Không đợi người, Nhã cấp tốc chạy về phía tiếng động.

Dưới ánh trăng nhạt, một cuộc loạn đả đang xảy ra, giữa quân lính Nam Hà với một toán người ăn mặc như gia nô. Trong đám đông, Nhã dễ dàng nhận thấy sắc áo đen từa tựa như mình của Kỳ. Người đứng đầu Bát tuyệt đang đấu tay đôi với Nguyễn Phúc Thông. Dáng người nhỏ bé tròn trịa nhưng linh hoạt phi thường, Nguyễn Phúc Thông sử một thanh kiếm dài, cong cong như kiểu Nhật Bản. Kiếm loang loáng dưới trăng, khiến đao trên tay Kỳ cũng phải nhượng mấy phần, không rõ là Kỳ lúng túng hay không muốn xâm phạm người tông thất. Nguyễn Phúc Thông đang liều mạng mở đường máu, tất cả các chiêu thức đều là sát chiêu.

Thấy vậy, Nhã nhẹ nhàng phóng tới. Tay vung lên, dây xích sắt trong tay áo Nhã bay về phía Nguyễn Phúc Thông, quấn lấy cổ tay cầm kiếm của gã. Kiếm ngừng một nhịp, Kỳ lập tức lia đao tới, hất văng kiếm trên tay Nguyễn Phúc Thông.

Nghe động, quân lính từ bốn phía chạy về. Thấy người đông, gia nô của Nguyễn Phúc Thông buộc phải đầu hàng. Nguyễn Phúc Thông vẫn còn lăn tròn trên đất, cố gắng gỡ sợi xích của Nhã quấn vào tay.

“Phản rồi! Các ngươi phản rồi!” Thấy Kỳ đưa đao gần tới, Nguyễn Phúc Thông hét lớn. “Ai cho phép các người xâm phạm ta?”

“Chúa công có lệnh, mời công tử về Phú Xuân.” Kỳ điềm nhã nói, thanh đao lại kề cổ Nguyễn Phúc Thông, bức gã đứng dậy. Nghe vậy, Nguyễn Phúc Thông trừng mắt.

“Lên ngôi chưa được bao lăm mà đã tính chuyện trừ diệt anh em, bức chết dòng chính của tiên chúa! Đâu ra đạo lý ấy?” Mặt đỏ bừng, Nguyễn Phúc Thông ra sức hét lớn. Kỳ vẫn lạnh lẽo gật đầu.

“Thiếu sư không phải chỉ có mỗi mình công tử, xin đừng lạm ngôn.” Kỳ liếc mắt về phía ngôi phủ đệ. “Ngài còn phải giải thích cho việc phá hủy nơi thờ tự của quốc mẫu.”

“May mà tôi đã cảnh giác trước.” Thở ra, Nhã nói xen vào. “Bằng không, quân lính ập vào, vừa thiệt mạng vừa mang tiếng là đi phá hủy từ đường, miệng nào mà thanh minh? Việc đêm nay có hàng trăm, hàng ngàn người thấy, một cái dép cỏ của chúng ta cũng chưa bước vào, công tử về Chiêm dinh mà giải thích.”

Câu cuối, Nhã quay sang Nguyễn Phúc Thông, đắc thắng nói. Nghe vậy, Nguyễn Phúc Thông mím chặt môi, phì phì thở ra.

“Các người ở đâu tới…” Lần này, không để Nguyễn Phúc Thông nói hết, Kỳ đã lắc đầu.

“Công tử theo đường hầm trốn ra đây sau khi nhận được thư liên lạc của Linh lão đầu tại Quy Ninh, có cần tôi làm rõ?” Không đợi phản ứng của Nguyễn Phúc Thông, Kỳ đã quay sang Nhã, gật đầu. “Dẫn giải nhóm người này về Chiêm dinh!”

Vốn dĩ Kỳ không nhìn đến, vì biết rõ gương mặt Nguyễn Phúc Thông đã tái mét như xác chết.

“Anh viết gì trong thư thế?” Khi đã đưa Nguyễn Phúc Thông về dinh trấn Quảng Nam, giao lại cho Trường đưa vào ngục, Nhã níu lấy tay Kỳ, hạ giọng nói. Dùng danh nghĩa Linh lão đầu dụ Nguyễn Phúc Thông ra khỏi phủ đệ quả là một công đôi chuyện, vừa có thể êm thấm bắt giữ gã, vừa có thêm chứng cứ buộc tội gã câu kết với trọng phạm triều đình.

“Tôi không viết.” Kỳ nhún vai. Đôi mắt vốn lơ đãng của anh ta liếc một cái rất nhanh về gian nhà sau dinh trấn. “Chúng liên lạc với nhau có ký hiệu riêng, Linh lão đầu vốn cũng có dấu triện riêng của mình, giữ luôn bên người.”

“À…” Nhã chớp mắt như hiểu ra, chợt hỏi trống không. “Thế đâu rồi?”

“Chỉ có thư gửi đến chỉ bảo cách thức làm việc, không thấy người.” Kỳ khoanh tay nói, vẻ mặt nghiêm trọng hơn là nhẹ nhõm. “Có khi lại phải phát lệnh truy bắt.”

“Sao có thể…?” Nghe thế, Nhã giật mình. Vẻ mặt càng tối, Kỳ khoát tay thở ra.

“Không nghe Nguyễn Phúc Thông đe dọa gì sao? Nguyễn Phúc Huệ làm việc cẩn mật, trước nay không để lộ ra cái đuôi nào, chỉ toàn là lời nói gió bay, sai phái nhờ vả người chạy vòng quanh. Bây giờ gã cứ chối bay chối biến, bảo nhóm người này toa rập toan hại gã, hay là bị mớm cung gì đó, ai làm gì được? Đâu phải cứ giao lại đầu mối chứng cứ là có thể cao chạy xa bay? Đầu mối nào cũng dẫn về nàng ta, bây giờ người lại không thấy đâu, nói ai tin?” Đôi mày cau sâu, Kỳ mím môi. “Chưa kể đến Linh lão đầu cũng là do nàng ta đưa thoát ra. Nhóm người ở Quy Ninh chưa biết làm việc thế nào rồi? Bây giờ lại muốn làm gì?”

“Nhưng một khi đã trở về thì…” Nhã ngần ngừ. Muốn danh chính ngôn thuận buộc tội anh em Nguyễn Phúc Huệ, tất chẳng thể nào tha bổng cho nàng ta. Càng không thể nói rằng đã dùng nàng ta đưa bọn họ vào bẫy.

“Có khi bây giờ muốn gỡ tội cũng không được.” Không để tâm đến lời của Nhã, Kỳ vẫn còn nghiền ngẫm suy tư đến tình hình tại Quy Ninh mà anh ta vừa nói.

Đã sử dụng được ấn tín của Linh lão đầu để dụ Nguyễn Phúc Thông, hẳn Như Yên đã thoát khỏi tay Linh lão. Hoặc nàng chưa bao giờ bị khống chế. Bắt tay với Linh lão đầu, cũng là có thể.

Nghe có vẻ hoang đường, nhưng Kỳ đã quen biết với Như Yên đủ lâu để biết nàng có cách hành xử hoang đường đến bậc nào. Nàng suy tính điều gì, anh ta cũng khó có thể rõ. Hậu quả của việc nàng làm, anh ta cho rằng đến chính nàng cũng nhiều khi không rõ.

Khu dinh trấn Quảng Nam, thành trì của Chiêm dinh đêm này đèn đuốc sáng trời. Quân lính sau một ngày vây bắt tụ họp về bao quanh tầng tầng lớp lớp. Toán hạ nhân bị bắt giữ về vẫn còn đang được tập hợp giữa sân. Ngoài thành, thân nhân người bị bắt lẫn kẻ tò mò tụ hợp xôn xao. Sự ồn ào lan truyền trong cả vùng đất đêm này dường như không ngủ.

Quan viên, tông thất, thương nhân, trưởng làng, trưởng tộc đồng loạt bị bắt giữ. Một cú đánh giáng xuống tất cả mọi thành phần.

Gian công đường đèn thắp sáng trưng, vẫn còn nghe tiếng tra hỏi thẩm án. Để Nhã ở lại, Kỳ đi đến trước cổng công đường, nghiêng người nhìn vào. Quỳ trước Nguyễn Phúc Nhuận và Trấn thủ Nguyễn Đức Bảo là hai khuôn mặt danh tiếng lẫy lừng tại thị thành Hội An: Triệu Thành và Mặc Huyền. Hai lão đại đã bị bắt giữ, chẳng trách người tập hợp ngoài thành đông đến thế.

Nàng ta trốn đi cũng phải, nhìn cảnh tượng xung quanh, Kỳ lại nghĩ thầm. Nếu có mặt ở đây, khó mà sống nổi.

Chỉ sống thôi, cũng đã là không thể. Trên một tấc đất nơi này, đều là không thể.

Trên một dải đất kéo dài từ Trấn Ninh đến Phú Yên, cơn bão đã quét qua.

Tin cấp báo về cuộc vây bắt đến phủ chúa vào lúc cuối ngày. Vẫn chưa biết kết quả, nhưng tin tức đã chính thức báo hiệu cho một cuộc thanh trừng khác ngay tại Phú Xuân. Phủ đệ của những quan viên nghi ngờ liên quan đến anh em Nguyễn Phúc Huệ bị bao vây khám xét. Lệnh giới nghiêm được đặt lên toàn thành trong lúc chờ lời khai từ Quảng Nam. Những quan tướng vội vã trở về khi nhận được tin tức từ Bình Thuận càng bất ngờ hoang mang trước diễn tiến đang xảy ra tại triều đình.

Vị chúa vẫn chưa cho gọi bọn họ vào triều, ngoài một vài thân tín. Buổi thiết triều đầu năm, cúng tế tông miếu vẫn được tổ chức theo nghi lễ nhưng nhanh chóng kết thúc. Tin tức về cuộc nổi loạn của Nguyễn Phúc Huệ phủ một đám mây u ám lên triều đình. Cùng với sự lo lắng, nhiều người đâm ra nghi ngờ lẫn nhau. Cuộc vây bắt ở Quảng Nam mới bắt đầu, cuộc khám xét ở Phú Xuân có vẻ ngoài êm ả lại sóng gió hơn gấp bội.

Bất chấp màn đêm và mưa dầm, lính đổ ra phong tỏa các nẻo đường, bao vây các khu dinh phủ bị tố cáo, dẫn giải người về phủ chúa. Vị chúa không chờ đến buổi sáng họp triều, tự tay phê chỉ khám nhà bắt người ngay trong đêm, khiến thành Phú Xuân kinh động.

Tiếng động của ngàn vạn con người lan đến cả khoảng đất vắng vẻ bên núi Ngọc Trản. Cạnh ngôi đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, một khu nhà mới được dựng, là nơi giam lỏng gia đình nhà vua Bà Tranh của Chiêm Thành. Ánh lửa cùng tiếng ồn hắt vọng đến bên kia dòng sông khiến người trong khu nhà phải ngoái đầu nhìn ra.

Nhà vua Bà Tranh cùng vương phi Bà Ân đêm này cũng không ngủ. Mặc trang phục như một cặp vợ chồng Nam Hà, tay nải để sẵn một bên, cả hai người giật mình khi nghe tiếng ồn ào vọng tới. Nhìn về phía phủ chúa cùng khu thành thị bên cạnh, vương phi Bà Ân lo lắng kéo tay chồng.

“Chúng không đến đây.” Nhìn hướng ánh lửa, vua Bà Tranh lắc đầu, trấn an vợ. “Chúng có chuyện ồn ào càng tốt, càng dễ cho ta trốn đi. Cơ hội chỉ có một.”

Tất cả lính canh trong ngoài, lớp bị xông hương, lớp bị đầu độc mê man, cơ hội cho bọn họ trốn thoát chỉ có duy nhất đêm này. Dù có việc gì xảy ra, họ cũng phải nhanh chóng đào thoát.

Dưới bến, vài chiếc thuyền nhẹ xuất hiện, đưa theo một toán chừng chục người cập bến. Một kẻ trong bọn huýt lên một tiếng lanh lảnh. Nhận được ám hiệu, vua Bà Tranh và vương phi vội vàng rời khỏi khu nhà, định đi xuống bến. Chân họ vừa đặt lên mép cổng ngoài, một giọng nói êm ái đã vọng sau lưng.

“Quốc vương, đêm đã khuya rồi mà còn đi đâu thế?” Xuất hiện từ trong bóng tối, người thanh niên áo tía bước về phía ngọn đèn leo lắt đầu hè, mỉm cười với hai người đứng chết trân trước cổng. Đưa mắt nhìn xuống đồi, Nguyễn Phúc Chu nhún vai. “Khách đến thì nên mời vào nhà nói chuyện mới phải.”

Cậu thanh niên phác tay áo rộng. Cùng lúc, tiếng loạt soạt vang khắp bốn phía đồi. Lớp lớp lính tráng tay cầm cung lắp tên, súng và gươm giáo chĩa xuống đoàn thuyền vừa cập bến. Toán người vừa tới thấy thế vội rút vũ khí phòng ngự. Chỉ huy toán quân kia hét một hồi dài bằng tiếng Chiêm Thành, dường như muốn chiêu hàng.

“Ngoài này ồn ào phiền nhiễu, chẳng bằng vào trong nhà nghỉ ngơi?” Nguyễn Phúc Chu vẫn cười nói. Như bị thôi miên, vua Bà Tranh cùng vương phi cứng nhắc đi vào theo cậu ta. Ngồi xuống bàn trà giữa nhà, cậu chúa trẻ thành thục rót trà ra ly, đẩy về phía vua Bà Tranh. “Ta vừa từ đền về, ngày lễ tết cũng nên tỏ lòng thành kính với Thánh Mẫu.”

Trà đã lạnh ngắt. Lời nói của vị chúa trẻ lẫn với tiếng huyên náo vọng từ dưới đồi lên. Vua Bà Tranh thẳng lưng mà ngồi, không biết đáp lời ra sao. Chống tay nghe ngóng một lúc, Nguyễn Phúc Chu chợt bật ra tiếng cười khẽ.

“Trà này hẳn có thuốc mê rồi.” Cậu thanh niên búng tay vào thành ly trà, nói nhẹ tênh. “Trước là làm thân với người có nhiệm vụ canh giữ nơi này, sau là mua chuộc lợi dụng để lọt vào liên lạc, đem cả mê hương mê dược cho quốc vương sử dụng. Bên ngoài thì mua chuộc lính tráng, dò đường tìm lối đưa quốc vương luồn sông, theo vùng Thượng mà về. Bao nhiêu công sức như vậy, hẳn khó khăn lắm.

“Bọn họ hẳn đang nóng lòng chờ quốc vương.” Nheo mắt, Nguyễn Phúc Chu chợt đổi giọng. Gương mặt Bà Tranh càng sắt lại như đá. “Chiêm Thành có thể thắng một hai trận, khó có thể giữ lâu dài. Muốn thắng một hai trận thì cần tướng giỏi dùng binh, muốn giữ lâu dài thì cần phải có vua được lòng người. Trước đây quốc vương có điều sau lại không có điều trước, bây giờ nhóm người ấy có điều trước lại chẳng có điều sau. Chỉ nội một Kế Bà Tử đã khiến Chiêm Thành lui quân, dằng dai càng không có lợi.

“Muốn giữ lâu dài đã thế, muốn thắng vững chắc thì lại càng phức tạp hơn. Cho nên bọn họ đã phải đưa người liên lạc câu kết khắp nơi, với đủ mọi loại người, từ tù trưởng đến lão đầu ở Quy Ninh, cho tới vương tôn quý tộc, định lật đổ cả ta. Kẻ kia ra tay tưởng cũng chu toàn lắm. Một khi loạn đã nổi lên, lan khắp phía Nam Hải Vân, ta cũng khó mà giữ mạng.

“May mà ta đã ra tay trước một bước. Trước tiên là trừ diệt đám người làm phản kia, sau là diệt mầm hậu họa.” Xoay ly trà trong tay, Nguyễn Phúc Chu chăm chú nhìn Bà Tranh, nụ cười kỳ lạ vẫn ở trên môi. “Còn toán quân ở Bình Thuận, quốc vương có định theo ta chiêu an bọn họ không?”

“Lời nói của ta e rằng cũng không có giá trị.” Im lặng hồi lâu, vua Bà Tranh chậm chạp đáp. Nguyễn Phúc Chu nhè nhẹ gật đầu.

“Nói cũng phải. Vua chúa nói cho cùng cũng đâu có quan trọng lắm? Nhưng dù chỉ một lời nói, quốc vương cũng đâu có định nhượng bộ cho ta?” Trầm giọng, vị chúa trẻ nói như một tiếng thở dài. “Quốc vương nói một tiếng hòa hoãn, cũng phải có đôi kẻ nghe lời. Bằng quốc vương cứ tìm cách trốn đi, bọn họ lại chẳng càng nóng lòng sốt ruột muốn giải cứu ông? Chẳng ai nhượng bộ ai, loạn càng thêm loạn.”

“Quốc vương cứ nhất định không hợp tác, chỉ e bất lợi càng nhiều.” Thấy Bà Tranh không trả lời, Nguyễn Phúc Chu lắc đầu. “Ngày nay ta trừ diệt phản loạn, đánh đuổi quân xâm phạm, đều là việc lớn vì quốc thái dân an. Mà tội cấu kết với bọn phản nghịch mưu toan hại nước của quốc vương càng lớn hơn việc ông dẫn quân đánh Bình Khang nhiều. Món nợ máu của quân tướng tại Bình Thuận, chỉ e quốc vương không gánh nổi.”

Càng nói, giọng Nguyễn Phúc Chu càng đanh. Tiếng ồn dưới bến sông bùng vỡ rồi im ắng dần. Như thể toán người xâm nhập đã bị trừ diệt hoặc khuất phục hoàn toàn.

Trong bóng tối chập chờn, nụ cười mỏng tang chợt thoáng qua gương mặt già nua của nhà vua Chiêm quốc.

“Ta không gánh nổi tội phản nghịch với các người thì làm sao gánh nổi tội phản nghịch với nước ta?” Nhà vua Bà Tranh điềm tĩnh gật đầu. “Tùy các người phán xử.”

Nguyễn Phúc Chu im lặng. Vị chúa im lặng một khoảng thời gian dài. Đến khi viên tùy sai tới ngoài cửa báo cáo kết quả vây bắt, cậu ta mới đứng lên.

“Uống trà này để ngủ một giấc cũng tốt.” Không ngoảnh đầu, Nguyễn Phúc Chu nói qua vai trước khi rời khỏi phòng. Phía sau, nghe vọng lên tiếng khóc thảng thốt của vương phi Bà Ân.

Tiếng động chìm vào màn mưa dệt trắng đất trời.

Tháng giêng năm Giáp Tuất, vua Bà Tranh qua đời tại nơi giam giữ trong núi Ngọc Trản, được hậu táng theo lễ đại thần.

 

 

Chú thích:

[1] Chức Tể tướng hay Tướng quốc giữ địa vị đứng sau vua được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Ở Trung Quốc, Minh Thái Tổ đã bãi bỏ chức vị này, phân quyền cho các Nội các đại học sĩ. Ở Việt Nam, Lê Thánh Tông cũng đã bãi bỏ chức này, Lê TươngDực mới đặt lại chức này cho Nguyễn Văn Lang, từ thời Lê Trung hưng về sau, chúa Trịnh tiếm ngôi vương, không còn chức Tể tướng.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.