“Giang hồ túy khách. Đầu bôi khởi vũ di ô trách. Tam canh lãnh thúy triêm y thấp. Niểu niểu lăng ca, Thôi tàn bán xuyên nguyệt.
Không hoa tạc mộng hưu tầm mịch. Vân đài Lân các câu trần tích. Nguyên lai chỉ hữu nhàn nan đắc. Thanh sử công danh, Thiên khước vô tâm tích.”[1]
Đèn thắp sáng các dãy nhà xây thành hình chữ Hồi quanh khoảng sân nhỏ. Đêm đã về khuya, người đã vãn, trong sân chỉ còn vài người hầu đứng canh đêm. Có tiếng lách cách của sứ va đập vào nhau, khi tiếng ngâm nga vọng ngân dài.
Trong gian nhà chính, vài vị khách vẫn còn nán lại quanh cô đầu đang kẹp hai chiếc ly sứ trong bàn tay, vừa đánh nhịp vừa ngâm một bài từ phương Bắc nhưng mang mác hơi ai của điệu Nam. Trên bàn giữa phòng có một bình bát bằng thủy tinh nho nhỏ, đựng một mầm thủy tiên đang ra nụ. Nụ hoa đã xé nang, cánh hơi hé nở. Con lắc của chiếc tự minh chung vẫn đang đều đặn kêu tích tắc, kim dần chuyển về con số nằm giữa vòng tròn.
Đã qua ngày tết, bình thủy tiên này nở muộn, cũng không được người trong phòng chú ý lưu tâm. Chỉ có cô gái mặc áo lễ đỏ xé gấu như đang chịu tang khoanh tay trên bàn, chăm chú nhìn những cánh hoa chậm chạp chuyển động. Ở phản bên kia, người đàn ông trung niên cùng với một thanh niên trẻ lặng lẽ uống rượu nghe hát.
Chiếc tự minh chung đánh một hồi chuông, cô gái chỉ chớp mắt, trong khi hai người đàn ông bên kia như cùng hẹn mà ngẩng đầu nhìn ra phía cửa.
“Thân tại giang hồ, tâm tồn ngoại khuyết[2].” Thấy cử chỉ ấy, cô gái bật cười. Đưa mắt nhìn lại bình hoa, nàng chợt vỗ tay reo. “Hoa nở rồi này!”
Vốn từ giao thừa đến giờ, đêm nào nàng ta cũng đem hoa thủy tiên vào phòng chờ nở, hai người kia không ai để ý, chăm chú lại vào bóng đêm chập chờn ngoài cửa. Đã nửa đêm, kẻ mà hai người chờ đợi vẫn chưa xuất hiện.
“Thôi, đi nghỉ đi.” Ngoảnh sang cô đầu vẫn còn hát, người thanh niên trẻ nói. Cô gái cúi mình tạ ơn, cất đàn rồi rời khỏi phòng. Bên kia, hoa đã nở hết, cô gái áo đỏ cũng đứng dậy, xoay vai đã mỏi.
“Ta về phòng đây, chừng nào họ đến thì gọi ta.” Không chờ hai người kia lên tiếng, nàng đã đi về phía cửa ngách thông sang dãy nhà sau. Còn lại hai người đàn ông, vò rượu lại được nhấc lên chuyên vào chén.
“Đêm nào cũng đợi người, quả có đôi phần cực nhọc.” Tiếng vòng xuyến của cô gái đã im hẳn, Nguyễn Phúc Huệ cười nói. Gã có thói quen cư xử nhã nhặn lịch duyệt, tự xem như mình có trách nhiệm phải đỡ lời cho người cô họ.
“Chỉ còn đêm nay nữa, ta có thể khởi sự.” Không còn ai xung quanh, Linh lão liền hạ giọng nói. “Phú Yên ở nơi xa nhất, về trễ cũng phải. Người ở nơi ấy cũng phức tạp, khó thuyết phục, còn chưa biết kết quả thế nào.”
“Quan trọng vẫn là việc nơi này.” Nhấp môi chén rượu rồi đặt xuống, Nguyễn Phúc Huệ âm trầm nói. “Chỉ cần khống chế được Quảng Nam, Quy Ninh, quân phía Nam như rắn mất đầu cũng sẽ tự vỡ. Chính dinh cách xa một dãy Hải Vân, phản ứng thế nào cũng chậm mất một bước. Chiếm được lợi thế, ta kêu gọi người thì chẳng ít kẻ hưởng ứng gây rối loạn ngay tại Phú Xuân.”
“Ta lại lo rằng có nhiều kẻ chỉ giỏi ba hoa bốc phét lẫn ngông cuồng ảo tưởng chứ thực chất chẳng mấy thực tài thực dụng.” Thở ra, Linh lão nhẹ lắc đầu. “Thời bình quá lâu, lại sinh ra bọn no cơm ấm cật, đọc lắm thứ hư trương khoe mẽ, học toàn thứ kinh sách hủ lậu, lại như Triệu Quát bày binh trên giấy mà tưởng mình tài ngang Tôn Tử; không thì cũng là loại chẳng biết trời cao đất dày, thấy thiên hạ không loạn không vui. Lúc thấy ồn ào thì chúng nhảy nhót cổ vũ, góp vào ăn hôi; lúc thấy nguy hiểm thì im thin thít, lặn mất không hơi sủi, bằng không thì cũng là bọn làm loạn ăn hại. Bọn người ô hợp thì cũng đủ loại hỗn tạp, trông chờ vào chúng chẳng được đâu.”
“Nên ta mới nói, kiểm soát được nơi này là việc trước hết.” Nguyễn Phúc Huệ lành lạnh trả lời, không tỏ vẻ tán đồng hay phản đối với lời của Linh lão. “Trước là hạ thành, khống chế đất đai, sau là tập hợp người. Ngày xưa chúa Thượng, chúa Sãi còn có các lão tướng, tông thất chống lưng, làm danh nghĩa chinh phạt phản loạn, chứ bây giờ Phúc Chu có gì? Dòng dõi Chiêu Vũ hầu, Nguyễn Hữu Hào bị chính cha cậu ta biếm truất. Nguyễn Hữu Oai giờ đang kình chống Chiêm Thành ở Bình Khang, lui cũng dở, tiến không xong. So về danh nghĩa kế vị, ta mới là dòng chính. So về thời thế, mấy năm lên ngôi, Phúc Chu đã làm được gì ngoài xáo tung mọi sự lên, cha cậu ta cũng chẳng hơn gì? Sự việc đến ngày hôm nay, thành mất quân bại cũng do cậu ta hàm hồ gây ra. Ta bây giờ đàm phán được với Chiêm Thành, nghiễm nhiên chiếm được uy tín trong mắt vô số kẻ. Ai muốn vì cái mảnh đất cát của Chiêm quốc mà hao binh tổn tướng? Ai muốn tài sản lọt hết vào tay triều đình vì cái trò đổi tiền kia?”
“Có thể, nếu cậu ta hướng được người theo ý mình.” Nhìn lên Nguyễn Phúc Huệ qua vành chén rượu, Linh lão phảng phất cười. “Thật ra, cũng tương tự như ta nói về đám người rảnh rỗi ảo tưởng kia thôi.”
Nguyễn Phúc Huệ nhíu mày. Trước khi gã trả lời, tiếng người đã xôn xao ngoài cửa. Lính canh cửa đưa vào một người mặc áo chẽn, xà cạp quấn ngang bắp chân còn lấm bụi đường. Cúi đầu trước chiếc phản hai người đang ngồi, gã dâng lên một phong thư được giấu trong xà cạp. Nguyễn Phúc Huệ mở thư đọc rồi chuyển sang cho Linh lão đầu. Người đàn ông trung niên không vội đón lá thư, chỉ chăm chăm nhìn kẻ vừa đem thư tới.
“Ngươi vừa từ Phú Yên đến? Đi mất mấy ngày?” Linh lão chợt hỏi. Vẫn cúi đầu, gã đưa thư trả lời bằng giọng khàn khàn.
“Thưa, tôi đi chừng mười ngày…” Câu còn chưa nói hết, ánh thép lạnh chợt lóe ngang phòng. Từ trong tay áo Linh lão đầu, một thanh đao nhỏ nhắm thẳng mặt gã đưa thư phóng tới. Như đã chuẩn bị trước, gã ngả người ngược về phía sau tránh, rồi nhảy hẳn sang bên.
“Gian tế.” Rút đại đao để cạnh, Linh lão đầu đứng dậy, nghiến răng nói với Nguyễn Phúc Huệ vẫn còn giật mình ngơ ngác. “Đi chừng ấy ngày mà áo quần vẫn còn dính đất cát Phú Yên? Là chúng lột trang phục của người liên lạc thật, đem đến nơi này cho gã.”
Vừa nói, Linh lão đầu vừa xông tới gã đưa thư đã lựa lối nhảy về phía cửa định đào thoát. Đao sáng như gương, sát khí ào ạt ập thẳng vào lưng kẻ đã đặt chân lên cửa, gần như muốn xẻ gã làm đôi. Cúi gập mình tránh đao, gã đưa thư lăn tròn ra sân. Từ trong tay áo gã, con dao mỏng như lá lúa được nối với xích sắt phóng xuất nhằm ngực Linh lão đầu bắn tới. Nhân lúc ông ta hươ đao gạt ngang con dao, sợi xích sắt mượn lực quay vòng, bắn thẳng về phía hai người canh cửa. Một người bị dao cắt trúng mặt, ngã xuống rên rỉ, một người vội vàng nhảy ra sau, cuống quýt chạy đi gọi người. Vẫn trong tư thế nửa đứng nửa ngồi, gã đưa thư chống tay búng người lộn qua cửa vẫn còn mở, đá hai cánh cửa đóng lại, vừa lúc đỡ được nhát chém của Linh lão đầu.
Bên ngoài khoảng sân lập tức dấy lên một chuỗi tiếng ồn. Nguyễn Phúc Huệ vẫn đứng trong phòng, lo lắng nhìn qua cửa. Nhưng ánh mắt gã hướng lên bầu trời xa xa phía bên kia tường phủ, dường như có thể thấy ánh lửa hắt đến đâu đây.
Có gian tế, vậy thì có kẻ nào đó đã biết được sự việc. Lá thư này có đầy đủ dấu ấn lẫn mật khẩu nhận diện, hẳn không phải là giả. Chuyển nó đến đây, kẻ kia có mục đích gì?
Một khi đã bị lộ, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nguyễn Phúc Huệ không phải thắc mắc lâu, khi một cơn ớn lạnh đột nhiên chạy dọc sống lưng. Thân thể đột nhiên mất hết sức lực, khiến gã ngã nhào xuống giữa phòng. Cùng lúc, tiếng động bùng vỡ ngoài khu phủ đệ. Tiếng động như của một đội quân đang tràn tới bao vây bốn phía.
Hỏng rồi, bíu tay lên thành cửa, Nguyễn Phúc Huệ chỉ còn kịp nghĩ đến điều cuối cùng ấy trước khi chìm vào bóng tối.
Bên ngoài, Linh lão đầu ngừng chân truy đuổi gã đưa thư mềm dẻo như một con lươn đã chạy loanh quanh giữa những dãy tường. Ngay lập tức, ông ta hiểu ra điều đang xảy tới. Cũng hầu như ngay lập tức, người đàn ông dày dạn trận mạc này hiểu điều tiếp theo: Bốn phía đã bị bao vây, thậm chí có thể vòng phong tỏa đã nối đến tận cửa Đại Chiêm.
Linh lão đầu vội quay về gian nhà chính, vừa đến cửa đã nghe tiếng la hét hoảng loạn của đám hạ nhân. Nguyễn Phúc Huệ miệng sùi bọt trắng, nằm vật giữa phòng. Đám người trong phủ vốn thấy quan quân đột nhiên ập đến nên chạy vào báo chủ nhân, thấy tình cảnh này càng sợ hãi hơn bội phần. Nghe tiếng gọi của người ngoài cửa, có kẻ đã mắt la mày lét tìm cửa sau đào thoát.
Chỉ ngẩn người một khắc, Linh lão đầu cũng len qua cửa ngách chạy về gian nhà sau. Nữ giới trong phủ nghe ồn ào đã tụ ngoài hiên nghe ngóng. Đèn trong hành lang vẫn chưa được thắp lại, Linh lão men theo bóng tối mà đi về phía căn nhà cuối dãy. Âm thầm đứng đợi một lúc, ông ta mới thấy cánh cửa phòng mở hé. Cô gái áo đỏ vẫn mặc trang phục buổi tối, thêm một áo khoác đi đường dày, không đốt đèn mà mở cửa đi ra hành lang. Nàng không nhận biết sự có mặt của Linh lão, ngẩng đầu nhìn qua tường phủ đến ánh lửa hắt sáng trời. Trăng thượng huyền mờ tỏ soi trên gương mặt bình thản đến lạnh lùng của nàng trước sự việc đang xảy tới.
Khi lưỡi đao lạnh ngắt chợt kề lên cổ, nàng chỉ giật mình, không kêu một tiếng.
“Công nữ, làm phiền.” Linh lão thấp giọng nói, lưỡi đao sắc vẫn kề sát cổ cô gái. “Chúng ta ra khỏi đây.”
“Lão gia nghĩ bọn họ sẽ nể mặt ta?” Liếc mắt nhìn lại, Như Yên cười khẽ. “Ta e rằng với đám người ngoài kia, cả ta là ai, họ cũng không biết.”
“Ta tin rằng chúng biết.” Giọng Linh lão đầu vẫn lành lạnh, không lộ chút cảm xúc. “Vì chúng là thuộc hạ của công nữ.”
“Kẻ từ Phú Yên đến hôm nay, ngoại trừ chủ nhân của gã, chỉ có ta, công tử và công nữ biết. Công tử bị hạ độc, vậy thì ai là kẻ báo tin cho người bên ngoài?”
Như Yên nghe lưỡi đao ấn mạnh hơn vào cổ, dường như đã cứa vào da. Vẫn giữ nụ cười trên môi, nàng lắc đầu.
“Ngay cả nếu là ta, ta đã đứng nơi đây, đã làm việc này, liệu có thể thoát tội sao? Giết kiểu gì cũng là giết, tội thế nào cũng là tội, bọn họ có thể vì ta mà thả một con mồi lớn như lão gia không?” Nhè nhẹ bĩu môi, nàng cười nhạt. “Nhưng thật ra ta cũng chưa muốn chết, nên thử cùng lão gia tìm cơ hội đào thoát một phen vẫn hơn.”
Vừa nói, nàng đã dợm bước đi, bất chấp lưỡi đao vẫn kề trên cổ. Linh lão sau một khắc ngần ngừ liền bước theo nàng. Cắt ngang qua khoảng sân tối, hai người tới cửa hậu viên nằm sau một giàn cây khuất mắt nhìn. Linh lão hươ đao phá gãy khóa cửa, đẩy Như Yên ra trước. Hai người vừa ra khỏi cửa, những bóng đen đã xuất hiện trước mắt như mọc lên từ trên đất.
“Ta là công nữ Ngọc Phương.” Không đợi Linh lão phản ứng, Như Yên đã rành rọt nói, giơ thẻ bài của Nguyễn Hữu Oai ra trước, ném về phía kẻ đứng gần nhất. Thấy nàng bị uy hiếp, toán người bao vây không tiến tới. Linh lão thấy vậy liền gằn giọng.
“Tránh ra, không ta giết cô ta!” Dưới trăng, lưỡi đao thép lóe ánh sáng lạnh ghê người. Kẻ đứng đầu toán bao vây sau một hồi ngần ngừ liền vẫy tay ra hiệu cho họ lui xuống, để trống một khoảng cho Linh lão kéo Như Yên thoát ra. Khoảng đất này nằm cạnh bờ sông, Linh lão tùy tiện lấy một chiếc thuyền gần đó, đẩy chèo xuôi theo dòng nước. Có tiếng lao xao của đám lính trên bờ, dường như có thuyền đuổi theo. Nhưng đến khúc sông rộng, nước xiết, thuyền chạy trốn bị cuốn phăng phăng đi mất dấu.
Đến lúc không thấy một bóng thuyền bè hay ánh lửa bốn bên sông, Linh lão mới hạ đao xuống, nhìn quanh tìm dây trói. Thấy cử chỉ ấy, Như Yên bật cười.
“Ta trói gà không chặt, quá lắm cũng chỉ nhảy được xuống sông, việc gì phải thế?” Nàng nói, nhưng Linh lão không để lời nào của nàng vào tai, với đao quặc lấy sợi dây buộc thuyền. Thấy vậy, Như Yên thở ra, đổi giọng. “Chúng ta hợp tác được không, lão gia?”
“Lão gia dùng ta thì có thể trốn khỏi đây, nhưng còn gia đình, thuộc hạ, sản nghiệp của lão gia ở Quy Ninh thì sao?” Nàng khoanh tay nói, thấy Linh lão ngừng tay, nhìn sang nàng. “Một khi đã đánh rắn dập đầu, biết lão gia bắt cóc công nữ đào thoát, lệnh bắt lại chẳng được đưa đến Quy Ninh? Mà có khi lệnh đang được chuyển đến Quy Ninh cùng lúc rồi đấy thôi. Lão gia bây giờ có thoát ra cửa Đại Chiêm thì cũng chẳng cập được bến Thị Nại, giữ được mạng thì cũng chỉ đi làm hải tặc. Chẳng bằng tha cho ta một mạng, người của lão gia được cứu?”
Càng nghe nàng nói, mắt Linh lão đầu càng nheo. Khi nàng ngừng lời, một lúc sau ông ta mới mở miệng.
“Bằng cách nào?” Nàng ta đã không phủ nhận việc mình là gian tế. Việc ấy cũng chẳng phải là vấn đề cấp bách nhất lúc này. Ta cũng không muốn chết, nàng nói, lại có mấy phần chân thực. Một kẻ hai mang như nàng, gây thù chuốc oán vô số, dễ dàng bị lợi dụng lẫn triệt hạ, có khi đến thời khắc cuối cùng lại tìm cách trốn thoát cũng không lạ. Nhất là với tính cách của nàng.
“Ta có cách liên lạc riêng.” Như Yên chỉ tay lên trời. Nàng lấy trong tay áo ra một ống trúc nhỏ, đưa lên môi thổi không thành tiếng. Từ trong rừng tối, một bóng chim đen tuyền bay ra, đậu lên mui thuyền trước mặt nàng. Gại ức con chim đen, Như Yên cười. “Chim bay vẫn là nhanh nhất. Được tin báo trước, người của lão gia thu xếp lánh đi, rừng còn thì lo gì thiếu củi. Người của ta chắc chắn không muốn ta bị hại, sẽ làm theo ý lão gia thôi.”
“Vậy thì viết đi.” Linh lão lạnh lùng nói như ra lệnh. Đưa mắt nhìn ông ta, Như Yên cũng chỉ nhún vai. Nàng lấy khăn tay lụa trong mình, cắn đầu ngón tay viết mấy dòng ngắn gọn, buộc vào chân quạ. Xong việc, nàng mỉm cười.
“Lão gia thả tiểu nữ được chưa?” Vừa rịt vết thương trên tay, nàng vừa thản nhiên nói. Không đợi người đàn ông trả lời, nàng đã nói tiếp ngay. “Cần có một lá thư thứ hai để họ hành động. Bằng không, tin sẽ được chuyển ngay tới thành Đồ Bàn. Lồng chim thứ hai nằm ở dinh trấn Quảng Nam.”
“Cô gài bẫy ta?” Nghe thế, Linh lão đầu nghiến răng nói. Như Yên nhìn lên, nhướng mày rồi bật cười.
“Dù sao thì kết quả cũng chẳng khác, ta lừa lão gia làm gì? Ta chỉ cầu mạng, rất thẳng thắn công bằng.” Ngừng một lát, nàng nói thêm. “Dù sao thả lão gia đi chẳng phải là không có lợi.”
Linh lão đầu im lặng. Trăng đã hạ về phía bên kia núi. Dòng sông mở rộng khi chảy về phía cửa biển. Linh lão đột nhiên chống chèo, đẩy thuyền đi vào một nhánh sông nhỏ. Như Yên cười trong cổ, không ngạc nhiên.
Nơi này sông ngòi chằng chịt lẫn với đất hoang, có thể dễ dàng lẩn lút ẩn trốn, dễ dàng hơn là gây chuyện ở cửa Đại Chiêm. Một khi truyền được tin sớm cho đám thuộc hạ ở Quy Ninh, Linh lão không cần gấp gáp trở về.
“Cô là người dàn xếp tất cả?” Khi trăng đã chấm đầu ngọn núi cao, thuyền đi giữa hai bờ lau lách, Linh lão chợt hỏi. Giọng ông ta đã bớt dần sự giận dữ phẫn nộ kềm nén lúc trước, gần như tò mò. Ngồi dựa khoang thuyền, Như Yên bứt một cọng cỏ bên bờ, nụ cười vương vất khóe môi.
“Lão gia muốn ta trả lời thế nào?” Nàng vừa lấy làm lạ vừa thầm khâm phục người đàn ông này. Trước tình cảnh này, ông ta vẫn giữ được bình tĩnh. Có thể, khi chuẩn bị sẵn tinh thần ‘thắng làm vua, thua làm giặc’, ông ta đã lường trước những nguy cơ sẽ xảy ra, kể cả có mất đi tất cả. Giặc loại nào cũng là giặc, ông ta chẳng ngại trở thành kẻ đối đầu trong tối hay ngoài sáng với triều đình.
Nên nàng đã dễ dàng quyến dụ ông ta tham gia với Nguyễn Phúc Huệ - dù có qua trung gian là Chiêm Dao Luật hay Ngô Lãng. Một ý định được nung nấu quá lâu, trở thành xác tín với người đàn ông này. Thời cơ chỉ là một dấu hiệu để ông ta vứt bỏ những cẩn trọng và lo lắng trước đây. Một khi đã chuyển hướng, không thể quay đầu.
Nên ông ta đang tò mò. Về nàng, về những gì nàng liệu định khi để ông ta cùng nhóm người của mình sống sót. Có lợi, chính lời nói ấy của nàng đã cứu được mạng mình, không phải đe dọa hay ép buộc.
Khi bình tâm nhìn lại, mọi việc thật rõ ràng. Nàng là kẻ kết nối, kêu gọi và tập hợp những kẻ chống đối khắp nơi, kêu gọi bọn họ nổi dậy. Nhắm đến lúc thời cơ chín muồi, bọn họ đồng loạt bắt tay nhau, lập kế hoạch đánh chiếm thành lũy, cơ sở. Và nàng trở mặt, một mẻ lưới bắt gọn tất cả - Với chứng cứ luận tội rõ rành rành, đưa mọi kẻ lên đoạn đầu đài.
Theo kế hoạch, ngày mai là lúc bọn họ sẽ khởi sự. Tất cả các toán quân, nhóm người được vũ trang đã giăng khắp nơi chờ đợi. Thế lực của Nguyễn Phúc Huệ cho phép họ cài cắm người khắp nơi, có thể dễ dàng một dao giết chết quan Trấn thủ Chiêm dinh ngay tại chỗ, làm một cuộc binh biến chiếm dinh phủ. Hợp sức với quân Chiêm bên sông Phan Rang, toán quân Nam Hà ở Bình Khang dễ dàng bị nuốt trọn. Nguyễn Phúc Chu ở Phú Xuân chẳng còn một lão thần hay vương thân có uy tín vững chắc hỗ trợ, bản thân vị chúa trẻ khó lòng kềm giữ rối loạn bùng nổ ngay trong triều đình. Nếu như kêu gọi được quân Trịnh tấn công xuống Trấn Ninh, kẻ ngồi trên ngai có thể sẽ là vật tế thần đầu tiên.
Một kế hoạch gần như hoàn hảo. Chỉ có điều, đã bị dập tắt từ lúc chưa khởi đầu.
Một kế hoạch hay ho, được vẽ ra như một thứ mồi thơm, dẫn dụ đàn cá bơi vào.
Một mẻ lưới lớn, được giăng ra từ rất lâu, bằng đủ mọi phương cách, dưới bàn tay cô gái này.
Nhưng vì tất cả đã được khởi đầu từ quá lâu, quá sâu, cuối cùng ông ta lại tự hỏi có phải nàng là kẻ tạo nên tất cả? Có những kẻ thừa hành, có những kẻ sắp xếp, có những kẻ tuân phục, có những kẻ điều khiển, và có những kẻ dự liệu.
“Nếu ta trả lời không phải, lão gia có tin không?” Hồi lâu không thấy Linh lão đầu trả lời, Như Yên cười nhẹ. Nhìn ra hướng chân trời đã bắt đầu ưng ửng sáng, nàng tựa cằm lên tay giấu cái ngáp dài. Ngón tay nàng vẽ những đường vòng quanh trước mặt. “Giống như dòng nước vậy, chảy vòng quanh, có những lúc chảy ngược chảy xuôi, lúc bị vớt lên đổ xuống, rồi cũng đổ cả ra biển thôi.”
“Thật ra lão gia đang muốn hỏi, ta để lão gia cùng toán người của lão gia sống thì ‘có lợi’ gì?” Nheo mắt nhìn Linh lão, Như Yên nhếch môi. “Thỏ khôn hết thì chó săn cũng chẳng còn. Mà ăn hết cả thỏ lẫn chó thì chẳng lẽ vớt rùa, bắt ếch mà ăn? Không muốn đến lúc phải cạp đất thì phải để thỏ lại chứ, đúng không? Ăn hết đời cha rồi đến đời con, chó cũng no mà chủ cũng vui, thỏ thì vẫn sống. Thế giới này muốn sinh tồn được thì phải như thế.
“Tất nhiên, để xem lão gia có đủ bản lĩnh để không phải trở thành thỏ không đã.” Cất tiếng cười thanh thanh, đôi môi đỏ của cô gái vẽ nên nụ cười tươi như hoa. Khiến gáy của Linh lão đầu chợt lạnh đi, từng sợi tóc dựng ngược. Nhịp ngón tay lên cằm, nàng lại bĩu môi. “Thỏ hay không phải là thỏ, thật ra cũng chỉ để người ta đi săn đấy thôi.”
Chú thích:
[1] Bài từ Túy lạc phách của Lục Du. Cao Tự Thanh dịch:
“Giang hồ say khướt.
Ném ly dậy múa rơi khăn lượt.
Canh ba áo lạnh sương xanh ướt.
Tiếng hát vấn vương,
Giục tàn trăng đáy nước.
Đừng mong mộng thấy hoa đêm trước.
Gác khói đài mây thành bụi tất.
Nguyên lai chỉ có nhàn khó được.
Sử chép công danh,
Trời lại không lòng tiếc.”
[2] Trích Đào Nguyên hành của Phùng Khắc Khoan.