Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Văn học là gì
Trường An September 19th, 2012

Cuốn “Văn học là gì?” là một tác phẩm đặc sắc của Jean-Paul Sartre. Cuốn “Văn học là gì?” của J-P. Sartre gồm ba phần được kết nối với nhau bằng những câu hỏi liên hoàn: PHẦN MỘT: VIẾT LÀ GÌ? PHẦN HAI: VIẾT ĐỂ LÀM GÌ? PHẦN BA: VIẾT CHO AI? Sẽ rất khó khăn nếu muốn “tóm lược” những ý tưởng của Sart trong tác phẩm độc đáo này, mà có rất nhiều những kết luận về phương diện triết học và văn học nhưng nó chặt chẽ và đúng đắn như những định lý Toán học. Vì thế, người viết chỉ xin trích lại những đoạn văn tâm đắc. Trước hết, đó là “Nghệ thuật văn xuôi”, qua đó là sự trả lời cho câu hỏi “Viết là gì?”:viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do; nếu anh đã bắt đầu, thuận tình hay bắt buộc, thì tức là anh đã dấn thân” - dấn thân bảo vệ tự do”. Và tiếp đó là sự trả lời cho hai câu hỏi kế tiếp: “Viết để làm gì?” và “Viết cho ai?”. Thực ra, ba câu hỏi trên luôn luôn được đặt ra đồng thời và sự trả lời cũng được thể hiện xen kẽ, đan cài nhằm hướng tới nói về vai trò của nhà văn: “Một trong những động lực của sáng tạo nghệ thuật chắc chắn là cái nhu cầu tự cảm thấy mình có vai trò cốt yếu đối thế giới”:

“Nghệ thuật văn xuôi biểu hiện bằng lời, bản chất tự nhiên của nó là mang ý nghĩa: nghĩa là các từ trước hết không phải là những vật, mà là những tên gọi các vật. Vấn đề trước hết không phải ở chỗ tự chúng khiến ta thích hay không thích, mà là chúng có chỉ ra đúng đắn một sự vật nào đó trên thế giới hay một khái niệm nào đó. Nên nhiều khi ta có một ý tưởng nào đó từng được biết đến do được nghe bằng lời nhưng chẳng làm sao nhớ ra lấy một từ trong những từ đã truyền đạt nó đến cho ta. Văn xuôi trước hết là một tư thế trí tuệ: sẽ là văn xuôi khi, như Valéry nói, từ đi qua cái nhìn của ta như thủy tinh xuyên qua ánh mặt trời. Khi gặp hiểm nguy hay khó khăn, người ta chộp lấy bất kỳ dụng cụ nào. Hiểm nguy qua rồi, thậm chí không còn nhớ đấy là chiếc búa hay khúc củi. Vả chăng người ta cũng chẳng bao giờ biết được là cái gì: người ta cần đúng ngay một sự kéo dài cơ thể mình ra, một phương cách vươn bàn tay mình lên cho đến cái cành cây cao nhất; đấy là một ngón tay thứ sáu, một cái chân thứ ba, tóm lại là một chức năng thuần túy ta đã đồng hóa được. Đối với ngôn ngữ cũng vậy: nó là cái vỏ mai của ta và những cần ăng-ten của ta, nó bảo vệ ta chống lại những kẻ khác và báo cho ta biết về họ, đó là các giác quan của ta được kéo dài ra. Ta ở trong ngôn ngữ như ở trong cơ thể mình; ta cảm nhận nó một cách tự phát khi vượt qua nó nhằm tới những mục tiêu khác, giống như ta cảm nhận bàn tay, bàn chân ta; khi người khác sử dụng nó, ta lại cảm nhận nó như những tứ chi của người khác. Có từ ta sống, và có từ ta gặp. Nhưng trong cả hai trường hợp, đều là trong quá trình một sự xâm phạm, hoặc là của tôi vào những người khác, hoặc là của người khác vào tôi. Lời nói là một khoảnh khắc đặc biệt nhất định của hành động và không thể hiểu nó bên ngoài hành động. Một số người mắc chứng mất ngôn ngữ bị mất khả năng hành động, hiểu các tình huống, quan hệ bình thường với người khác giới. Trong cốt lõi của chứng mất khả năng thực dụng ấy, tình trạng ngôn ngữ bị phá hủy dường như chỉ là sự sụp đổ của một trong những cấu trúc: cấu trúc tinh vi nhất và rõ ràng nhất. Và nếu văn xuôi mãi mãi chỉ là công cụ đặc quyền của một công cuộc nhất định, nếu nhìn ngắm các từ một cách vô tư là việc riêng chỉ của nhà thơ thôi, thì ta có quyền trước hết hỏi nhà văn xuôi: anh viết vì mục đích gì? anh đang lao vào công cuộc gì đây và tại sao công cuộc ấy lại phải vận đến việc viết? Và, bất kể thế nào, công cuộc ấy không thể chỉ nhằm đến một sự nhìn ngắm thuần túy. Bởi trực giác thì im lặng mà cứu cánh của ngôn ngữ lại là truyền đạt. […] Nói tức là hành động: mọi sự vật được gọi tên không còn hoàn toàn nguyên như nó trước đây nữa, nó đã mất đi sự trong trắng vô tư của mình. […] Như vậy, khi nói tôi đã bóc lộ cảnh huống ra bằng chính dự định của tôi muốn biến đổi nó; tôi bóc lộ nó ra cho chính tôi và cho những người khác để mà biến đổi nó, tôi đánh đúng vào tâm nó, tôi xuyên thủng nó và cắm chặt nó lại đấy dưới mắt mọi người; bây giờ tôi tùy nghi với nó, cứ mỗi từ nói ra, tôi dấn mình thêm một chút vào thế giới, và cùng lúc, tôi trồi nhô lên khỏi cái thế giới ấy chút nữa, bởi tôi vượt qua nó hướng về tương lai. Như vậy người viết văn xuôi là một con người đã chọn lấy một phương cách hành động thứ yếu nhất định, có thể gọi là hành động bằng cách bóc lộ. Như vậy sẽ là hợp lý để đặt ra với anh ta câu hỏi thứ hai này: anh muốn bóc lộ ra phương diện nào của thế giới vậy? anh muốn đem lại sự biến đổi nào cho thế giới bằng sự bóc lộ đó? Nhà văn “dấn thân” biết rằng lời nói là hành động: anh biết rằng bóc lộ tức là làm biến đổi và người ta chỉ có thể bóc trần khi có ý đồ biến đổi. Anh ta đã từ bỏ cái mơ ước không thể có được vẽ nên một bức tranh không thiên vị về xã hội và về thân phận con người. Con người là sinh vật chẳng ai có thể giữ sự vô tư với nó, đến cả Thượng đế cũng chịu. Bởi Thượng đế, nếu quả Người có tồn tại, thì như một nhà thần bí đã thấy rất đúng, cũng sẽ phải ở trong tình thế đối với con người. Con người cũng là sinh vật không thể thậm chí nhìn thấy một tình thế mà không biến đổi nó, bởi vì cái nhìn của anh chốt chặt, phá hủy, hay tạo nặn, hay đúng như sự vĩnh hằng, biến đổi đối tượng tự trong chính nó. Chính là bằng tình yêu, hận thù, căm giận, sợ hãi, niềm vui, bất bình, thán phục, hy vọng, tuyệt vọng mà con người và thế giới bộc lộ ra trong tất cả sự thật của nó. Dĩ nhiên nhà văn dấn thân có thể xoàng xĩnh, thậm chí anh ta tự ý thức được điều đó, nhưng không ai có thể cầm bút viết mà không có ý đồ hoàn toàn thành công, nên sự khiêm tốn của anh ta khi dự tính tác phẩm không thể khiến anh không muốn xây dựng nó như là nó sẽ gây chấn động lớn. […] ở phần sau chúng tôi sẽ cố xác định mục đích của văn học có thể là gì. Nhưng ngay từ bây giờ đã có thể kết luận rằng nhà văn đã chọn lấy nhiệm vụ bóc trần thế giới và đặc biệt là con người cho những người khác để họ nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm của mình trước những vật đã được bóc trần ra như vậy. Không ai được coi như là không biết luật bởi vì đã có một quy tắc và luật là thứ đã được viết ra, sau đó anh cứ tha hồ mà vi phạm, nhưng phải biết anh có thể gặp những nguy cơ gì. Cũng như vậy chức trách của nhà văn là làm sao cho không ai không biết rõ thế giới và không ai có thể nói là mình ngây thơ trong đó. Và bởi vì anh đã từng một lần dấn mình vào thế giới của ngôn ngữ, anh không thể vờ là anh không biết nói: nếu anh đã đi vào thế giới các ý nghĩa, thì còn làm gì được để mà thoát ra; hãy để cho các từ cứ tự do mà tổ chức lại với nhau, chúng sẽ làm thành các câu và một câu chứa toàn bộ ngôn ngữ và phản chiếu toàn bộ thế giới; ngay cả sự im lặng cũng mang ý nghĩa trong tương quan với các từ, cũng giống như quãng nghỉ trong âm nhạc, nhận lấy ý nghĩa của nó từ các nốt bao bọc quanh nó. Cái im lặng đó là một khoảnh khắc của ngôn từ; nín thinh không phải là câm, mà là từ chối nói, tức cũng là vẫn nói đấy. Cho nên nếu nhà văn đã chọn nín lặng về một phương diện nào đó của thế giới, hoặc nói như một thành ngữ diễn đạt r
ất đúng: lờ tịt đi, thì ta có quyền đặt ra cho anh ta câu hỏi thứ ba: tại sao anh lại nói cái này chứ không phải cái kia, và - bởi vì anh nói để mà biến đổi - tại sao anh muốn thay đổi cái này chứ không thay đổi cái kia?”.

“Như vậy, viết vừa là bóc lộ thế giới ra vừa đề xuất cái thế giới ấy như một nhiệm vụ đối với tính hào hiệp của con người. Là cầu viện đến ý thức của người khác để tự mình được xác nhận là cốt yếu đối với sự toàn vẹn của tồn tại; là muốn trải nghiệm sự cốt yếu ấy qua những con người trung gian; song mặt khác vì thế giới thực chỉ biểu lộ ra trong hành động, vì ta chỉ có thể cảm thấy mình đang hiện diện ở đó bằng cách vượt qua nó để mà biến đổi nó, thế giới của nhà tiểu thuyết sẽ thiếu mất bề dày nếu ta không khám phá ra nó trong một động tác để siêu nghiệm hóa nó. Ta vẫn thường nhận thấy điều này: tỷ trọng tồn tại của một sự vật, trong một truyện kể, không do số lượng và độ dài của những mô tả giành cho nó, mà do độ phức tạp của các mối liên hệ với các nhân vật khác nhau; càng bị nhào trộn, nhặt lên rồi lại đặt xuống nhiều hơn, tóm lại càng bị các nhân vật vượt qua trên con đường tiến tới các mục đích của họ nhiều hơn, thì nó càng có vẻ sống thực hơn. Thế giới tiểu thuyết, tức tổng thể sự vật và con người, là vậy: muốn cho nó đạt tới độ đậm đặc cao nhất, thì việc người đọc khám phá ra nó bằng bóc lộ - sáng tạo cũng phải là một sự dấn thân tưởng tượng vào hành động; nói cách khác, ta càng ham muốn biến đổi nó bao nhiêu, nó sẽ càng sống động bấy nhiêu. Sai lầm của chủ nghĩa hiện thực là đã tưởng rằng sự chiêm ngưỡng làm phát lộ thực tại và do đó có thể vẽ ra một bức tranh vô tư về thực tại đó. Làm sao có thể như vậy được, bởi vì ngay cảm nhận đã là thiên vị rồi, bởi vì chỉ việc gọi tên ra thôi cũng đã làm biến đổi đối tượng rồi? Và làm sao nhà văn muốn mình thành cốt yếu đối với thế giới, lại có thể cũng muốn thành cốt yếu với cả những bất công chứa đựng trong thế giới ấy? Vậy mà anh ta lại phải hành động như thế đấy: song nếu anh ta chấp nhận là người sáng tạo nên những bất công, thì đấy là trong một chuyển động vượt qua chúng hướng đến xóa bỏ chúng đi. Còn về phần tôi là người đọc, nếu tôi sáng tạo ra và duy trì một thế giới bất công, tôi chỉ có thể làm điều đó nếu tôi không phải chịu trách nhiệm về việc ấy. Và toàn bộ nghệ thuật của tác giả là nhằm buộc tôi phải sáng tạo ra cái mà anh bóc lộ, tức là, buộc tôi phải liên lụy.[…]… không thể làm nên những tác phẩm hay bằng những tình cảm tốt đẹp, nhưng đấy phải là cái nền của tác phẩm, cái chất dệt nên những con người và những sự vật: dẫu đề tài là gì đi nữa, thì một vẻ thanh thoát cốt yếu vẫn phải bàng bạc trong từng trang và nhắc nhở rằng tác phẩm không bao giờ là một dữ liệu tự nhiên, mà là một đòi hỏi và một hiến tặng. Và nếu người ta trao cho tôi cái thế giới ấy với những điều bất công của nó, thì không phải để tôi ngắm nhìn những bất công đó một cách lạnh lùng, mà để tôi đem nỗi bất bình của mình đến đánh thức chúng dậy, để tôi bóc lộ chúng ra và sáng tạo chúng với đúng cái bản chất bất công của chúng, nghĩa là như những lầm-lỗi-phải-tiêu-diệt-đi. Như vậy thế giới của nhà văn chỉ bộc lộ ra trong tất cả chiều sâu của nó dưới sự xem xét, thán phục, bất bình của người đọc; và tình yêu hào hiệp là thề nguyện gìn giữ, bất bình là thề nguyện biến cải, còn thán phục là thề nguyện noi gương; dẫu văn học là một chuyện, luân lý là chuyện khác, song ở tận cùng của đòi hỏi thẩm mỹ ta vẫn nhận ra đòi hỏi đạo đức. Bởi vì người cầm bút, ngay từ việc anh bỏ công cầm bút, đã thừa nhận tự do của những người đọc của mình, và bởi vì người đọc, chỉ riêng từ việc anh ta mở trang sách ra, đã thừa nhận tự do của nhà văn, cho nên tác phẩm nghệ thuật, dẫu được xem xét từ góc độ nào, vẫn là một hành vi tin cậy ở niềm tự do của con người. Và bởi vì người đọc cũng như tác giả chỉ thừa nhận niềm tự do ấy để mà đòi hỏi nó phải biểu lộ ra, cho nên có thể coi tác phẩm là một sự trình bày tưởng tượng về thế giới như một đòi hỏi tự do của con người. Từ đó, trước hết, không làm gì có văn học đen, bởi dù người ta có mô tả thế giới tăm tối đến đâu, thì vẫn là mô tả để cho những con người tự do cảm thấy niềm tự do của mình ở trước mặt mình. Cho nên chỉ có những cuốn tiểu thuyết hay và những cuốn tiểu thuyết tồi. Và tiểu thuyết tồi là tiểu thuyết toan gây thích thú bằng phỉnh nịnh trong khi tiểu thuyết hay là một đòi hỏi và một tin cậy. Song, quan trọng hơn nữa, là: cái dáng vẻ duy nhất của thế giới mà người nghệ sĩ có thể trình bày với những niềm tự do kia để cùng chúng tạo nên được hòa hợp là dáng vẻ của một thế giới ngày càng thấm đẫm tự do. Không thể quan niệm được rằng công cuộc khởi động dây chuyền lòng hào hiệp đó của nhà văn lại là để nhằm tôn vinh một bất công và người đọc tận hưởng được niềm tự do của mình khi trong một tác phẩm tán thưởng, chấp nhận hay chỉ đơn giản né tránh lên án việc con người nô lệ hóa con người.[..] Bởi không thể đòi hỏi tôi, trong khi tôi biết tự do của tôi gắn bó máu thịt với tự do của những người khác, lại sử dụng tự do ấy để tán dương việc nô lệ hóa một ai đó trong số những người ấy. Vậy nên, dù anh là người viết tiểu luận, viết đả kích, châm biếm hay tiểu thuyết, dù anh chỉ nói về những niềm say mê cá nhân hay anh công kích cả chế độ xã hội, nhà văn, là con người tự do nói với những con người tự do, chỉ có một đề tài: tự do.

Do đó, mọi ý định nô lệ hóa người đọc tác hại chính ngay đến nghệ thuật của nhà văn. […] Đúng vào lúc những người khác, may thay là số đông, hiểu rằng tự do cầm bút bao hàm tự do công dân. Người ta không viết cho những người nô lệ. Nghệ thuật văn xuôi liên đới với cái chế độ duy nhất ở đó văn xuôi còn giữ được một ý nghĩa: dân chủ. Khi cái này bị uy hiếp, thì cái kia cũng bị uy hiếp. Và chỉ bảo vệ nó bằng ngòi bút thôi thì chưa đủ. Đến một ngày nào đó ngòi bút buộc phải dừng lại và lúc đó nhà văn phải cầm súng. Vậy đó, dẫu anh đến đây bằng cách nào, dẫu anh đã truyền bá những chủ kiến gì, thì văn học vẫn ném anh vào cuộc chiến; viết là một cách thức nhất định của khát vọng tự do; nếu anh đã bắt đầu, thuận tình hay bắt buộc, thì tức là anh đã dấn thân.

Người ta sẽ hỏi: dấn thân vào cái gì? Đơn giản thôi, dấn thân bảo vệ tự do. Làm người canh giữ những giá trị lý tưởng chăng, như người tăng lữ Benda trước vụ phản bội, hay là bảo vệ niềm tự do cụ thể và thường nhật, bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và xã hội? Câu hỏi này liên quan đến một câu hỏi khác, có vẻ thật đơn giản, nhưng người ta chẳng bao giờ đặt ra: “Viết cho ai?”.

Và ta có thể tìm thấy phần nào lời giải đáp trong đoạn văn sau: “Bởi vì đề tài của văn học xưa nay luôn luôn là con người ở trong thế giới. Chỉ có điều, khi nào cái công chúng tiềm tàng còn giống như một vùng biển tối bao quanh cái bãi cát nhỏ sáng rực là công chúng thực, thì nhà văn dễ nhầm những lợi ích và những nỗi lo toan của con người với những lợi ích, lo toan của một nhóm nhỏ được ưu đãi hơn. Song nếu công chúng đồng nhất với cái phổ biến cụ thể, thì nhà văn sẽ viết thực sự về toàn thể nhân quần. Không phải về con người trừu tượng của mọi thời đại và cho một người đọc không có năm tháng, mà về toàn vẹn con người của thời đại mình và về những người cùng thời của mình. Chính vì thế sự tương phản văn học giữa tính chủ quan trữ tình và vai trò chứng nhân khách quan sẽ được vượt qua. Cùng dấn thân vào cuộc phiêu lưu chung với những người đọc của mình và cũng như họ nằm chung trong một tập đoàn không có kẽ nứt, trong khi nói về họ nhà văn sẽ nói về chính mình, trong khi nói về chính mình, anh sẽ nói về họ. Vì chẳng còn một thứ kiêu ngạo quý tộc nào buộc anh phải phủ nhận rằng anh nằm trong tình thế, anh sẽ không còn tìm cách bay lượn bên trên thời đại của mình và chứng thực điều đó trước vĩnh hằng; mà vì tình thế của anh sẽ là phổ biến, anh diễn đạt những niềm hy vọng và những nỗi căm giận của mọi con người, và qua đó, bày tỏ toàn vẹn, nghĩa là không như một sinh linh siêu hình, theo kiểu người tăng lữ trung cổ, cũng không như một sinh vật tâm lý, theo kiểu các nhà cổ điển của chúng ta, mà như một toàn thể từ thế giới nổi lên giữa khoảng không và chứa đựng trong mình tất cả các cấu trúc ấy trong một sự thống nhất không thể phân rã của thân phận con người; văn học sẽ thực sự mang tính nhân loại học, trong ý nghĩa toàn vẹn của từ này”.

Sự trả lời câu hỏi “Viết cho ai?” dường như lại đưa ta trở về câu hỏi ban đầu “Viết là gì?”, hay nói cách khác, đưa ta hướng vào vấn đề trung tâm “Văn học là gì?”: “Vì sự sáng tạo chỉ có thể hoàn tất trong việc đọc, vì người nghệ sĩ phải giao phó cho một người khác hoàn tất cái anh ta đã bắt đầu, vì chỉ thông qua ý thức của người đọc anh ta mới có thể trở thành cốt yếu đối với tác phẩm của mình, nên mỗi tác phẩm văn học là một tiếng gọi. Viết, tức là gọi người độc giả để họ chuyển thành sinh tồn khách quan cái tôi đã thực hiện việc bóc lộ ra bằng phương cách ngôn ngữ. Như vậy tác giả viết để mời gọi tự do của người đọc và anh trưng tập nó để làm cho tác phẩm của mình hiện tồn. Nhưng anh không chỉ dừng lại ở đó, anh còn đòi người đọc trả lại cho anh niềm tin mà anh đã cho họ, đòi họ công nhận sự tự do sáng tạo của anh và đến lượt họ khêu gợi nó dậy bằng một tiếng gọi đối xứng và đảo nghịch. Quả thật ở đây xuất hiện một nghịch lý biện chứng khác của việc đọc: ta càng cảm thấy rõ tự do của ta bao nhiêu, thì ta cũng công nhận tự do của người khác bấy nhiêu; họ càng đòi hỏi ở ta bao nhiêu, thì ta càng đòi hỏi ở họ bấy nhiêu”.

 

Link



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.