Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 48: Giấc mơ
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" October 1st, 2012

Chiếm được thành Parik, quân Chiêm Thành thừa thắng tiến đánh Phan Rang. Tin báo vừa chuyển tới Bình Khang, đại quân Nam Hà không kịp phản ứng. Không có cứu viện, Cai đội Chu Kiêm Thắng thủ lũy Phan Rang đành đóng cửa phòng thủ chặt. Chỉ nội trong vài ngày, quân Chiêm Thành đã kéo đến bao vây bốn mặt thành lũy Phan Rang. Cai đội Chu Kiêm Thắng kiên quyết đóng chặt cửa lũy, bày pháo dàn quân thủ cả đêm lẫn ngày. Bên ngoài, quân Chiêm quốc cũng kéo pháo lẫn nỏ, máy bắn đá đến công phá lũy. Đều đặn mỗi giờ, một đợt pháo lại bắn vào lũy. Lũy Phan Rang đóng cửa im ỉm, nội bất xuất ngoại bất nhập, đồng thời không có tiếp tế, đoàn quân bên ngoài quyết bức người trong lũy cạn kiệt sức lực lẫn ý chí mà đầu hàng.

Chỉ trong vài ngày, vẻ hoang mang đã hiện lên trong mắt, trên gương mặt người trong lũy. Đoàn quân cứu viện duy nhất mà họ có thể mong đợi từ Bình Khang vẫn chưa thấy bóng. Cai đội Chu Kiêm Thắng như ngồi trên lửa, không dám chợp mắt nghỉ ngơi lấy một khắc, ăn ngủ luôn tại đài chỉ huy. Càng ngóng về phương Bắc, về phía bờ biển, càng thấy nóng lòng sốt ruột. Nói không chừng, lối đi đến Phan Rang đã bị quân Chiêm Thành ngăn chặn. Bây giờ, đội quân này không chỉ còn toàn là người trong núi xuống đánh phá thành lũy. Không ít kẻ còn ở lại trong đất Phan Rang, Phan Rí đã theo lời hiệu triệu của Oc-nha That, cầm binh khí đầu nhập các đội quân địa phương. Từ Bình Khang đến Phan Rang xa xôi, có thể dễ dàng bị phục kích giữa đường, ngay cả các cửa biển cũng đã bị chặn bằng đủ mọi phương cách, lũy Phan Rang, thành lũy duy nhất của Nam Hà còn lại trên đất Panduranga, như đã bị cô lập giữa đồng cát hoang.

Vùng đất này đã đứng dậy, với hầu như tất cả con người trong nó, khiến quân đội từ phía Bắc đến cũng vô phương xâm nhập.

Trong lúc Cai đội Chu Kiêm Thắng nghiến răng lo lắng, từ phía Tây, một chiếc xe ngựa lộc cộc chạy qua rừng thưa, dừng bên chiến trường do quân Chiêm Thành bày ngoài lũy Phan Rang. Sự xuất hiện của chiếc xe khiến vài kẻ đi ngang tò mò ngoái đầu nhìn. Trong vùng đất cát này, dùng xe ngựa quá khó khăn lẫn rắc rối, không mấy ai sử dụng. Chiếc xe cũng có vẻ được đóng vội vàng, thành chỉ là vài tấm gỗ ghép lại, bánh được lấy từ xe bò, khi chạy kêu lạch cạch loảng xoảng. Chạy qua một paley nhỏ, xe ngựa dừng ngoài toán quân bao vây lũy, rồi chậm chạp tiến lại gần. Người đánh xe mặc áo đơn cổ tròn của Chiêm quốc, lưng đeo đại đao, đội nón lá che kín mặt, dáng vóc thấp nhỏ với làn da đen nhờ nhờ. Ngoài yên cương, con ngựa còn được phủ một tấm da dày tựa áo giáp của ngựa dùng trong kỵ binh.

Thấy chiếc xe lạ, quân lính canh gác gần đó liền chặn lại. Vẫn không quát ngựa dừng chân, kẻ mã phu chỉ vung tay. Cái roi da cốt sắt trong tay gã quất một vòng lớn, đánh dạt kẻ chặn đường. Gã thúc ngựa chạy nước đại xuyên qua khoảng đất mà quân Chiêm Thành không canh giữ chặt, về phía cổng lũy. Đội quân phía sau hoảng hốt gọi nhau, bắn tên nỏ về chiếc xe. Tên cắm vào xe vô số, nhưng kẻ xâm nhập vẫn mắt ngơ tai điếc cho ngựa chạy thục mạng về cửa thành lũy. Lính Nam Hà trong lũy thấy động liền ló đầu nhìn ra, thấy tên mã phu phất lên một lá cờ lớn. Gã giương cung bắn tên vào trong lũy, cuối tên móc theo một tấm thẻ bài. Thấy thẻ bài, Chu Kiêm Thắng vội cho lệnh mở cửa lũy, bắn tên và pháo ra hỗ trợ cho chiếc xe ngựa. Pháo Nam Hà bắn dạt toán lính bên ngoài, cánh cửa lớn của lũy vội vàng sập lại ngay sau khi xe ngựa vào lọt.

“May mà chúng chưa kịp kéo pháo ra.” Xe vừa qua cửa, trong khoang xe vọng ra một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Lính Nam Hà còn chưa kịp lại gần, tấm ván đóng xe vốn đã tua tủa tên đã rơi xuống, kéo theo một loạt những tấm gỗ bên cạnh. Có vẻ chiếc xe tuềnh toàng không chịu thêm nổi chấn động đã tự vỡ. Kẻ trong xe kêu lên một tiếng, lôi theo người cạnh bên nhảy ra ngoài.

“Các người…” Thấy hai người lạ, Cai đội Chu Kiêm Thắng vừa đến nhíu mày. Nhưng ánh mắt viên tướng lập tức thay đổi khi nhìn thấy người vừa được kéo từ những tấm gỗ vỡ bụi mù ra. “Kế Bà Tử?”

“Bao nhiêu công mới đến đây được đấy.” Kẻ mặc áo thanh cát nhưng lại khoác trường sam bằng sa đoạn trề môi, gương mặt xanh xao của y trắng một cách kỳ dị. Y đẩy vai Kế Bà Tử về phía Chu Kiêm Thắng. “Muốn giải vây thì phải nhờ ngài Khám lý đây.”

Chu Kiêm Thắng đưa mắt nhìn Kế Bà Tử, người em trai của vua Bà Tranh đã được triều đình Nam Hà phong chức Khám lý quản phủ Bình Thuận. Người đàn ông vẫn còn trẻ, có nước da lẫn đường nét đặc trưng của phương Nam nhưng mặc áo giao lĩnh, đội mũ phốc đầu của quan lại Nam Hà, vẻ kinh hoàng sợ hãi vẫn chưa hết trên gương mặt. Vừa rồi ngồi trong xe kín, nghe tên bắn rào rào vào thành xe, hẳn vô cùng đáng sợ.

“Các người là…?” Nhìn lại hai người kia, Chu Kiêm Thắng thận trọng lên tiếng hỏi. Bọn họ đã dùng thẻ bài của Chưởng cơ Phò mã Nguyễn Hữu Oai trấn thủ Bình Khang, nhưng đưa mỗi một Kế Bà Tử đến đây, hẳn không phải là cách mà đại tướng Nam Hà sẽ dùng.

“Bên ngoài Phan Rang bị chắn đường rồi.” Phác tay, kẻ gầy gò thanh mảnh mặc áo thanh cát kia nói, xác nhận nghi ngờ của Chu Kiêm Thắng. “Quân Man quân Chiêm từ đâu xông ra, đến cả Chà Và cũng nhảy vào ăn hôi. Quan Trấn thủ sợ tướng quân chờ lâu không được, mà cũng phải nhân dịp này hạ bớt thanh thế của đám người kia xuống, mới bảo ngài Khám lý đến đây.”

Nghe câu nói của kẻ mặc áo thanh cát, Kế Bà Tử ngoái đầu, cái nhìn vừa bối rối vừa giận dữ. Y cũng trừng mắt nhìn lại, chỉ ngón tay ra ngoài.

“Thế ngài Khám lý có định để bọn ngoài kia xông vào không?” Y hất cằm, hỏi một câu mà biết chắc Kế Bà Tử sẽ không trả lời. Dù muốn dù không, người hoàng thân Chiêm Thành này chẳng có lựa chọn.

Chu Kiêm Thắng chớp mắt, chợt hiểu ra. Viên tướng này liền đến kéo tay Kế Bà Tử thẳng một đường lên lũy. Bên ngoài, quân Chiêm vừa qua một đợt náo động khi chiếc xe ngựa phá vây chạy vào, đang tập trung dày đặc. Đến vị trí thuận tiện quan sát, Chu Kiêm Thắng rút đao kề cổ Kế Bà Tử, cao giọng sang sảng.

“Nếu còn đánh, chủ nhân của các ngươi sẽ chết!” Viên tướng nói bằng tiếng Chiêm Thành, nhắc lại thêm một lần bằng tiếng An Nam. Nắng trên lưỡi đao sáng quắc chiếu thẳng mắt, Kế Bà Tử trân người đứng yên.

Thấy đám lính bao vây vẫn yên lặng, Chu Kiêm Thắng sốt ruột gằn giọng.

“Ta để chủ nhân của các người ở cửa thành, kẻ nào giỏi cứ bắn vào! Ngày mai mà chưa rút quân, ta và chủ nhân các ngươi cùng chết!” Gần như điên cuồng, viên Cai đội gào lên thị uy. Thành lũy đã đến lúc nguy ngập, chẳng còn cách nào anh ta không dám thử.

Liền ngay sau đó, Kế Bà Tử bị trói ở cổng lũy, nơi vẫn đón nhận những đợt tấn công của quân Chiêm. Lần này, không một hòn tên mũi đạn nào dám bắn vào.

“Khốn kiếp!” Thấy tình thế ấy, Oc-nha That căm giận mắng, đăm đăm nhìn bóng người bị trói trên tường thành. Bên cạnh ông ta, y chỉ khoanh tay quan sát xung quanh, gương mặt không biểu thị lấy một thái độ nào.

“A Ban, lui thôi.” Đến khi Oc-nha That chậm chạp lên tiếng, y mới quay đầu lại. Vị Hữu trà viên của Chiêm Thành lắc đầu. “Không thể làm hại Depatih.”

“Để ông ta sống vô ích.” Y lạnh lùng nói. Kẻ này đã ở trong tay Nam Hà, để Nam Hà mặc tình điều khiển như một con rối, nếu để ông ta sống thì còn họa lâu dài. Chẳng bằng mượn tay Nam Hà giết đi hoàng thân Chiêm quốc, lại càng tạo thanh thế có lợi cho y.

“Không được!” Oc-nha That lên giọng gần như quát. Kế Bà Tử vốn là Tả trà viên của Chiêm Thành, cùng ông có giao tình bao nhiêu năm. Nghĩ lại, Oc-nha That liền hạ giọng. “Nếu để Dapetih bị giết, ta còn lại danh nghĩa gì để khởi binh?”

“Đó là dòng dõi nhà vua, anh em của ta.” Thở ra, Oc-nha That lắc đầu. “Nếu như đến dòng dõi nhà vua, anh em của chính mình mà còn bỏ mặc thì ta có thể bảo ban được ai? Chúng ta vốn rất đơn giản, A Ban. Đánh nhau để làm gì khi mà tình nghĩa, anh em, chủ nhân còn không bảo vệ được?”

Y ngoảnh đầu nhìn nắng, như muốn nói rồi lại không trả lời. Một lúc sau, y nhè nhẹ gật đầu.

“Rút quân.” Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, y biết lúc nào nên tiến thoái. Đúng như y đã từng lo sợ, quân Nam Hà nắm được dòng dõi hoàng thất của Chiêm Thành như nắm được một nửa sức mạnh. Nội một người đã đủ sức đẩy lui được cả một đội quân.

Nếu bây giờ y phát lệnh tấn công, ai là kẻ sẽ bắn vào người bị trói trước cổng lũy?

Kẻ đưa Kế Bà Tử đến đây hẳn cũng đã nghĩ như y. Đưa mắt về phía cổng lũy bên kia, nơi chiếc xe ngựa đã chạy vào, y nhíu mày. Kế Bà Tử hẳn không nguyện ý đến làm vật tế thần cho lũy Phan Rang, hẳn cũng chẳng việc gì phải đi lang thang quanh nơi đang xảy ra chiến trận. Kẻ đem Kế Bà Tử từ Bình Khang đến tận nơi này chắc chắn không xuất phát gần đây, thậm chí đã ra tay trước cả khi y ra lệnh đưa quân đến Phan Rang. Lường trước Phan Rang bị bao vây cô lập, quân Bình Khang không cứu kịp, kẻ ấy liền bày ra trò thí tướng này.

Sở dĩ quân Bình Khang không kịp hành động vì không ai ngờ đến thành Phan Rí lại dễ dàng bị hạ. Từ Phố Hài, Phan Rí đến Phan Rang, đoàn quân của y đã đánh thần tốc quét qua khoảng đất dài. Đem Kế Bà Tử đến đây, kẻ kia còn ra tay trước y một bước.

Hoàng thân Chiêm Thành là lá bài cuối cùng Nam Hà dùng khi nguy cấp. Lá bài này đã được hạ quá sớm. Chặn đứng y.

Có Kế Bà Tử làm con tin, Cai đội Chu Kiêm Thắng của Phan Rang thành công bức toán quân Chiêm Thành giải vây. Toán quân dân chặn đường Bình Khang cũng rút vào trong núi. Cuộc tấn công của Chiêm quốc dừng lại tại biên giới cũ bên dòng Phan Rang vào cuối năm Quý Dậu.

Ngày đầu năm Giáp Tuất đến cùng với tin Phố Hài, Phan Rí bị hạ, Phan Rang nguy ngập, bốn viên tướng liền chết trận báo về, như một cơn bão quét qua bầu trời phương Bắc.

Cuối đông đầu xuân, mưa lại dệt trắng trời đất Phú Xuân. Những lối phố vẫn đỏ màu pháo, câu đối và đèn chúc tết, không khí lễ hội vẫn tràn ngập các ngôi nhà. Tin chiến trận từ phương Nam xa xôi vẫn chưa loan truyền, và rất ít khiến người nơi này phải bận lòng. Chỉ ở giữa những bức tường cao của phủ điện, sự nghiêm trọng căng thẳng mới bao trùm. Dù chỉ là cuộc chiến trên đất ngoại biên, mọi người nơi này đều hiểu mỗi động thái như thế mang ý nghĩa gì.

Tin chiến trận từ Bình Thuận liên tiếp báo về đã nhanh chóng quét sạch hân hoan đón mừng năm mới của người trong phủ chúa. Tin cuối cùng dừng lại ở thành Phan Rí đã bị hạ, viên Cai cơ dũng mãnh của phủ Bình Khang tử trận, đã khiến vị chúa trẻ bãi bỏ buổi yến tiệc ngày cuối tết, truyền lệnh cho các tướng khẩn cấp về triều.

Lệnh vừa được chuyển đi. Nhiều viên quan tướng vốn đã nghỉ phép ngày tết nhất để về quê, không thể một lúc tập hợp. Ngày cuối tết Giáp Tuất, vị chúa trẻ Nguyễn Phúc Chu một mình trong thư phòng mà ngửa mặt nhìn màn mưa trút xuống ngoài hiên, ướt những tấm giấy đỏ, lây rây rắc lên khung cửa như bụi. Lò lửa cháy lách tách sau lưng cậu, bụi tro giấy vẫn còn tung cuộn trong gió hắt vào.

Tin báo vừa từ nơi xa xôi chuyển đến, đã hóa thành bụi tro.

Cậu thanh niên tư lự hướng ánh mắt lên quầng sáng nhợt nhạt của thái dương sau mây xám mù trời. Nghe tiếng người canh cửa báo bên ngoài, cậu cũng chỉ lên tiếng gọi vào chứ không nhìn. Nguyễn Phúc Nhuận vẫn mặc thường phục, gấu áo lấm tấm ướt, bước vào thi lễ với cái lưng vị chúa đang quay lại. Đã biết tính của người bạn này, Nguyễn Phúc Nhuận tự đứng lên, chỉ như vô tình đưa mắt nhìn về phía lò lửa mà tro xám vẫn còn rải rác xung quanh.

“Chuẩn bị về lại Quảng Nam.” Vẫn không quay đầu, chúa Nguyễn Phúc Chu nói với viên Chưởng cơ mới về Phú Xuân ngày Tết, thậm chí thuyền chở anh ta về vẫn còn đậu ngoài bến. “Lần này tự tùy thời mà hành sự, nếu cảm thấy quá gấp gáp thì không cần phải chờ ý ta.”

Vừa nói, Nguyễn Phúc Chu vừa rời khỏi vị trí bên cửa sổ, vòng về bàn viết mà lấy ra một xấp giấy chuyên dùng viết chỉ sai đã đóng dấu nhưng để trống, đưa cho Nguyễn Phúc Nhuận.

“Trấn thủ Nguyễn Đức Bảo đã lớn tuổi, làm việc cẩn trọng nhưng chậm chạp, có việc gấp thì phải tự quyết.” Vị chúa trẻ dặn thêm khi viên Chưởng cơ cúi đầu nhận xấp chiếu thư đã đóng dấu sẵn[1]. Ngừng lời một lúc, đợi Nguyễn Phúc Nhuận ngẩng đầu nhìn lên, Nguyễn Phúc Chu thở dài. “Quan trọng là tàn cuộc phải gọn gàng. Cần huy động bao nhiêu người, động chạm đến ai, cũng nhất định phải làm.”

“Vâng, chúa công.” Chớp mắt, Nguyễn Phúc Nhuận gật đầu nói khẽ. Viên Chưởng cơ lại mím môi. “Chúa công cho cả nửa Bát tuyệt đi theo thần, liệu có quá bất cẩn? Lúc này kinh thành nhiều phức tạp, e rằng cũng không yên ổn.”

“Ta vốn chỉ định giữ Kỳ ở đây, nhưng nghĩ lại thì quả là vẫn còn có chỗ phải dùng.” Khóe môi khẽ nhếch, Nguyễn Phúc Chu lắc đầu. “Đưa Kỳ đến Quảng Nam, thay bằng U, Tráng, Trường, thế cũng đủ rồi. Nơi này cần người tính cảnh giác cao, có sức lực, chứ tình thế tại phương Nam bây giờ cần kẻ giỏi cơ biến, linh hoạt nhanh nhạy, thông thạo chính trường, có đôi chút thể diện để nói chuyện với quan tướng. Ta cũng không phải tay chân bằng đất để không lo được cho mình.”

“Kỳ là người biết cân nhắc, có việc cần ra tay thì để anh ta làm vẫn hơn.” Ngẫm nghĩ hồi lâu, chúa Nguyễn Phúc Chu nói thêm. Nguyễn Phúc Nhuận nhìn vị chúa, lần này không nói tiếp.

Nhưng Nguyễn Phúc Chu không phải đã an tâm. Gõ đuôi bút xuống mặt bàn, đôi mày cau lại, vị chúa sau một lúc im lặng liền thở dài. Dường như không thể giữ trong lòng mãi, Nguyễn Phúc Chu nhìn lên người anh họ vẫn đứng trước bàn, hạ giọng.

“Nếu cảm thấy tình thế nào có thể giải quyết tốt hơn, khanh có thể…” Vị chúa ngừng lời, nhưng Nguyễn Phúc Nhuận dường đã đoán được ý, liền nhẹ lắc đầu.

“Chúng ta cần lời khai của không chỉ một người.” Đó là lý do mà vị chúa đã căn dặn ‘phải thu xếp tàn cuộc cho gọn’. Bọn họ đã tung ra một mẻ lưới lớn, cá to cần lưới chắc, bằng không sẽ kéo theo cả thuyền xuống biển.

“Cứ bắt vào ngục rồi muốn gì chả được.” Nguyễn Phúc Chu khinh mạn nhếch môi. Cũng đã cảm thấy mình đùa hơi quá đà, khuôn mặt vị chúa trẻ đổi liền ngay sau đó. “Cũng không cần lo lắng quá, vào thời điểm này, nghe đến loại tội trạng ấy, kẻ muốn gỡ tội cho chúng cũng không nhiều bằng kẻ muốn ném chúng xuống sông đâu.”

“Lúc khác thì còn kèn cựa tranh đoạt, âm mưu móc ngoặc với nhau, chứ ai có thể đánh cược đốt cả nhà mình?” Cất tiếng cười khe khẽ trong cổ, ánh mắt Nguyễn Phúc Chu lại hướng ra phía màn mưa ngoài cửa. “Vì có Âm mới có Dương, có đạo đức mới có sa đọa, có tốt đẹp thì mới có gian tham. Cái này sinh thì cái kia đồng thời xuất hiện. Chỉ những kẻ quá ngây thơ mới tin rằng có những kẻ giảo hoạt khua môi múa mép trên chính trường, chiến trường mà kích động được muôn người. Vì có ‘gian hùng’ của Tào Tháo nên mới có ‘nhân nghĩa’ của Lưu Bị, hay là ngược lại, vì Lưu Bị ‘nhân nghĩa’ nên Tào Tháo mới là ‘gian hùng’?

“Cứ để bọn người ấy nếm mùi phản ngược của chính những gì mình tạo ra. Chính chúng sẽ tạo dựng cho ta thứ ta cần.” Bóng của nụ cười vẫn mơ hồ trên nét môi, mắt Nguyễn Phúc Chu như thể phản chiếu sắc mưa bên ngoài mà trở thành một màu không rõ ràng. “Khanh lần này làm việc không chỉ cần có hành động, mà còn phải có thanh thế cho rõ ràng, danh phận cho minh bạch, đánh tiếng đánh tin rộng khắp. Việc sau đó càng dễ xử.”

Một lần nữa, Nguyễn Phúc Nhuận chỉ mím chặt môi, không trả lời.

Thứ nhất là danh, thứ nhì là thanh. Đó là điều đúng trong mọi cuộc chiến – không phải chỉ trên chiến trường. Mà ‘danh’ lại là một thứ do con người tạo ra – Thậm chí không phải bằng chính hành động của mình.

Chiêm Thành khai chiến, tình trạng biên giới bị đẩy vào hỗn loạn. Và hơn hết, những viên tướng đã tử trận liên tiếp trong các thành lũy bị hạ tan tành. Cùng với bối rối, giận dữ, phẫn nộ, thương tiếc, lo lắng thì còn có một loại tình cảm khác hơn, sâu sắc hơn, bùng cháy hơn trong tâm khảm mọi kẻ, tổng hợp của tất cả cảm xúc ấy, gần như là tổn thương.

Kẻ địch khai chiến, thành lũy thảm bại, quân tướng tử vong, đó có thể là một thảm họa. Nhưng đồng thời, cũng có thể là một cơ hội.

Kẻ giành được lợi thế trong loạn lạc không nhất thiết phải có chính nghĩa. Chính nghĩa, lý tưởng, niềm tin, hay bất cứ thứ gì mà con người hay dùng để lừa bịp nhau, lừa bịp chính mình, đều là thứ do chính họ tạo ra – cho mình hoặc cho người khác. Đẩy ngàn người, muôn người ra trước trận tiền, chiến đấu hy sinh chính họ chỉ vì mấy lời hiệu triệu, vì những gì họ thấy thật ‘đúng đắn’? Ồ, thật sự là ‘đúng đắn’ – theo cách nhìn của họ. Kẻ kia thật xấu xa, thật ác độc, lúc nào cũng tìm cách hãm hại họ hay những gì họ tôn thờ tin tưởng. Kẻ kia có thể đích thực đã hành động như vậy, cũng có thể. Nhưng điều đó không phải là ‘chính nghĩa’ nằm về phía bên này. Kẻ đứng ở phía Đông hay phía Tây cánh cửa đều bảo người kia đang ‘ở ngoài’ đấy thôi. Việc cần làm là xây nên một bức tường ở giữa. Còn việc tất cả mọi người làm đều là để bảo vệ chính họ.

Những lời nói như thế được thì thầm giữa những bức tường của phủ điện Kim Long, trong những hồi chuông chùa vang vọng hay khói nhang phảng phất. Người cha đã thành danh quá sớm, quy y cửa Phật quá sớm, đồng thời đã qua đời quá sớm chỉ để lại những hồi ức mơ hồ trong thưở thiếu thời vừa đủ nhận thức. Trong ký ức thưở ban sơ ấy, chỉ có những lời này còn đọng lại, trở thành một nỗi ám ảnh triền miên. Nỗi ám ảnh di truyền khắc sâu vào tâm khảm.

Cho nên, Nguyễn Phúc Nhuận im lặng, không ngạc nhiên cũng chẳng gợn bất bình với những lời tưởng rất phũ phàng thốt trên môi vị chúa trẻ. Cậu ta không sinh ra, lớn lên trong giai đoạn ấy, nhưng đã trưởng thành bên những người còn sót lại cuối cùng của một thế hệ. Những người bên trong và bên ngoài, những người chọn cả hai phương cách để tồn tại. Rồi từ đó, đối với họ, chẳng điều gì còn ý nghĩa ngoài nỗi xót xa.

Quân Chiêm Thành tấn công, với sự trợ lực của một người Thanh, với sự ủng hộ của Chân Lạp, thậm chí Đại Thành. Đó có thể là một nguy cơ. Một nguy cơ đe dọa và thổi bùng lên ngọn lửa tiếp ngay sau đó. Những ngọn lửa đã được thắp âm ỉ trong hàng chục năm dài cần có một ngọn gió để bùng lên.

Trong nỗi giận dữ, thương cảm và lo lắng, trong sự phẫn nộ được tạo ra bởi tổn thương và xúc phạm, trong sự xót xa cho cả người lẫn mình, hạt giống mới sinh trưởng, lớn mạnh và thành hình. Một điều được nhắc đi nhắc lại rồi cũng trở thành sự thật. Một thứ được lặp đi lặp lại rồi cũng trở thành chân lý.

Cho nên Nguyễn Phúc Chu vẫn bình tĩnh, chỉ phiền muộn. Đây là điều cậu ta đã tạo ra, hẳn đã đoán được kết quả. Quan sát gương mặt với đôi mắt không rõ sắc màu chập chờn bóng mưa cùng ảnh lửa của vị chúa trẻ, Nguyễn Phúc Nhuận thầm nghĩ. Hay cậu ta đã chấp nhận, cuộc chơi này, định mệnh này. Thứ đã được đặt vào tay cậu ta, như đồng tiền Thái Bình ngày ấy. Thái Bình, phải trả bao nhiêu để có được một giấc mơ?

Hay cũng chỉ như những điều mà cậu ta đang nói, đang nghiền ngẫm, thứ giấc mơ hướng mọi kẻ, muôn vàn kẻ, đi theo bất chấp tất cả, vốn là thứ không bao giờ thành hiện thực? Như bản chất của một giấc mơ? Thứ hiện thực chỉ tồn tại trong tâm tưởng kẻ nhận thức nó?

Nguyễn Phúc Chu đang quan sát màn mưa gần như bằng ánh mắt của người ra đi năm ấy. Cũng cuối những ngày hội, mưa xuân đã rơi dệt trắng đất trời. Người nắm trong tay thiên hạ, nào nắm được gió mưa?

Người đã thấy được giấc mơ chưa, trong mưa của thiên thu? Trong tan vỡ của ngàn muôn giọt nước rơi từ mây xám dệt thành mưa trắng?

“Vậy hãy tróc nã cho hết, đừng để sót một kẻ nào.” Bất chợt, Nguyễn Phúc Chu lên tiếng, giọng nói vẫn nhẹ nhàng như tiếng mưa. “Dùng bất cứ cách gì cũng phải lôi hết chúng về đây!”

 

 

 

Chú thích:

[1] Trong vài trường hợp, vua chúa có thể bí mật cho thân tín của mình tờ chiếu trắng đã đóng dấu để kịp thời hành động. Như vua Gia Long trong thời chiến đem chiếu trắng cho cô của mình tại Phú Xuân để tập hợp lực lượng. Hay Lê Văn Duyệt sau khi qua đời, bị khám nhà cũng phát hiện ra chiếu đã đóng dấu nhưng để trắng của Gia Long, một trong những chứng cứ để luận tội ông.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.