Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Phủ biên tạp lục
Trường An January 31st, 2012

Lê Quý Đôn viết khi đến Phú Xuân làm Hiệp trấn vào năm 1776.



Sang năm Bính Thân (tức năm 1776 sau Công nguyên), chúng tôi vâng mệnh lệnh nhà vua nhậm chức Tham thị Quân vụ, đồng thời được lãnh chức Hiệp trấn ở cõi đất mới này (tức trấn Thuận Hóa).

Lúc bấy giờ, quân binh và nhân dân đang ở lẫn lộn với nhau. Cá tỳ tướng và quân hiệu thì ỷ lại thế lực, họ lấy trộm các tài liệu và triệt hạ những chốn quân phòng cũ để làm những đồn mới. Họ lại còn chuyên quyền bắt bớ, giam cầm và khám xét những người khác nữa.

Đồng tiền kẽm không được lưu hành, giá lúa gạo ngày càng nhảy vọt. Những nhà làm muối đều phải bỏ nghề nghiệp của mình. Các quan chức cũ cùng với nhân dân ở các địa phương trong hạt tranh giành nhau ruộng nương, đất đai, rồi do đó mà xảy ra không biết bao nhiêu vụ kiện thưa và bới móc chuyện riêng của nhau nữa.

Cách ăn mặc của quan lại và nhân dân thì khác biệt nhau hẳn. Vì vậy mà những kẻ hung hãn, bạo tàn ngày càng điêu ngoa đắc chí; còn những kẻ yếu hèn cô thế càng ngày càng sinh lòng phẫn uất oán hờn.

Đứng trước tình cảnh ấy, chúng tôi cùng các quan đồng liêu trù liệu bàn bạc, và khu xử mọi việc đều được thích nghi.

... Còn cách thức may y phục như áo mặc và mũ đội từ lâu nay người ta theo dị dạng, thì bắt buộc phải sửa đổi lại cho hợp thức, khiến ai nấy đều phải tuân theo chế độ Quốc triều.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ số tiền sắm sanh y phục tuy không đáng bao nhiêu, nhưng vật dụng lại đáng quý, cho nên chúng tôi cũng khoan cho người ta một thời hạn, trước khi bắt buộc ai nấy đều phải đổi hẳn kiểu ăn mặc cũ.

---

Phúc Thuần 12 tuổi nối ngôi, tự hiệu là Khánh Phủ đạo nhân, lại có tên là Phúc Hân. Tuổi trẻ, thích chơi bời múa hát, lại có bệnh không gần đàn bà được, sai người con hát yêu dâm loạn với cung nữ để làm vui; chuyên dùng Trương Phúc Loan, tôn làm Quốc phó. Phúc Loan tha hồ bán quan, buôn ngục tù, xử lý việc hình luật rườm rà, bắt dân chúng đóng góp sưu thuế rất nặng. Chú Phúc Thuần là Thường Quận công bị Phúc Loan ghét, vu cho tội tự tạo binh khí mà giam lại. Người họ Nguyễn đều oán mà không dám nói.

Năm 34, Quý Tị, người thôn Tây Sơn huyện Phù Ly là Nguyễn Văn Nhạc nhà Tây Sơn xướng loạn, phá ngục cho tù, lùa dân chúng làm lính rồi chiếm cứ hai xứ Quy Nhơn và Quảng Nghĩa. Nguyễn Phúc Thuần cho quân đi đánh thì thua ngay. Tại hai xứ này, nhân dân thừa hưởng bình yên đã lâu nàgy. Chiến sĩ chỉ ngồi ăn không, chưa trải qua chiến trận bao giờ. Nay nghe nói nhà nước sai đi đánh trận, phần nhiều đều run rẩy sợ hãi, chỉ cần sao cho khỏi phải đi lính đánh trận là được. Trương Phúc Loan mỗi lần nhận của hối lộ, lại cho người cải sai (đổi công tác sai dịch). Đến sau, có những người bị bắt làm công tác sai dịch, họ yêu cầu người khác thay thế họ không được, lai sinh lòng oán hờn, giận dữ Trương Phúc Loan. Rồi mỗi khi lâm chiến trận, họ đều bỏ chạy. Trương Phúc Loan không thể nào lấy pháp luật mà ràng buộc người ta mãi mãi, nên cứ bị thua trận nhiều lần. Nguyễn Văn Nhạc bèn đánh phá, chiếm cứ dinh Quảng Nam. Bọn khách buôn vô lại là ngụy Tập và ngụy Lý cũng đều nổi lên theo, Nguyễn Văn Nhạc kết nạp làm vây cánh. Tập xưng là Trung Nghĩa quân, lại cho lấy những người cao lớn hung ác ở Quảng Nam cho cạo đầu kết tóc gọi là người Khách, khi ra trận khiến uống rượu say và cởi trần ra, đeo giấy vàng bạc vào cổ mà xông vào trận, tỏ ra là liều chết. Quân của Phúc Thuần cứ nghe tin là vỡ chạy, không dám đối địch. Từ Ải Vân trở vào Nam bị giặc chiếm cả, đâu đâu cũng bị tao loạn và náo động. Trương Phúc Loan lại vu cáo cho người anh của chúa Phúc Thuần là Văn Đức hầu tội làm phản chống lại triều đình. Sau đó vài tháng, Văn Đức hầu bỏ trốn đến châu Nam Bố Chánh. Trương Phúc Loan bắt Văn Đức hầu điệu về, rồi dìm Văn Đức hầu xuống sông Tam Giang. Người đời bấy giờ, ai ai cũng cho là Văn Đức hầu chết một cách oan uổng.

Lúc bấy giờ, ở Thuận Hóa, luôn mấy năm mất mùa đói kém, nhà nước phải xuất lúa kho chẩn cấp cho dân đói không ngừng, còn quân sĩ và nhân dân thì sinh lòng hoang mang, lưng chừng.

Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 35, năm Giáp Ngọ (tức năm 1774 sau Công nguyên), Trấn thủ Nghệ An là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt chuyển đệ tờ trình của tướng giữ đồn Bố Chánh là Trà Võ bá, đại lược nói: "Hiện thời tình hình Quảng Nam rối loạn. Triều đình đã bình định xong Hưng Hóa, khắc phục được Trấn Ninh, quốc đô chúng ta rất phồn thịnh. Nay Vương thượng đã soi tỏ, biết họ Nguyễn đã đến hồi suy vi hèn yếu. Cơ hội hiếm hoi này không nên bỏ qua. Vậy xin triều đình quyết định sách lược để chinh thảo quân địch..." Triều đình lập tức phái Đại tư đồ Quốc lão là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm chức quan "Kiêm Thống suất binh Nam thượng tướng quân"; còn Đoan Quốc công làm chức quan "Kiêm Thống suất binh Nam đại tướng quân" thì đi kinh lược trước. Việp quận công đem 3 vạn quân trú đóng ở xứ Cầu Dinh.

Việp Quận công đưa thư chiêu dụ địch quân, đại để nói: "Triều đình vốn có thạnh ý cấp cứu và viện trợ nhân dân ở miền này..."

Phúc Thuần chưa chịu quy thuận triều đình, nhưng cũng không lo phòng bị lâm chiến.

Tháng 11 năm này, Vương thượng (tức chúa Trịnh Sâm)tấu tri Đức Hoàng thượng làm lễ kính cáo tại Giao đàn và nhà thờ Tôn miếu để thân ngự dẫn sáu sư đi đánh phương Nam.

Vương thượng lưu trú ở Cầu Dinh để chỉ dẫn và giao phó các phương cách sách lược.

Vương thượng ra lệnh cho Việp Quận công phải tiến quân qua đò sông Gianh đến đất Cao Lao.

Đồn tướng là Xu Chính hầu đón rước mệnh lệnh triều đình. Còn Trấn thủ Bố Chánh là Tiệp Tài hầu thì bỏ trốn mất dạng.

Tướng giữ lũy Trấn Ninh đều ra đầu hàng. Còn các tướng sĩ, lại thuộc, quân nhân và nhân dân ở đấy đều đem nhau quy thuận triều đình cả.

Trấn thủ đạo Lưu Đồn Trường Lộc hầu cũng như Trấn thủ Quảng Bình Kiêm Minh hầu đều những người tuổi cao sức yếu. Bao nhiêu binh lính dưới quyền hai người ấy trước kia đã được chuyển đến Quảng Nam. Số còn lại không thể thành quân ngũ cũng đều đến đầu hàng và quy phụ triều đình trung ương cả.

Việp Quận công noi theo lũy Trường Dục đi về phía Tây Nam đến Trạm Cung bắt được một kho chứa đựng một trăm bốn mươi vạn bát lúa.

Còn các tướng sĩ ở Cát dinh cũng đều ra quy thuận quan quân cả.

Từ Khang Lộc đến Hải Lăng có 5, 6 huyện, từ quan đến dân, từ lớn đến nhỏ đều tới bái yết trước cửa quân đông người như họp chợ, không một ai dám chống lại mệnh lệnh Việp Quận công cả.

Đại quân của Việp Quận công trú đóng tại bến sông xã Hồ Xã thuộc huyện Minh Linh.

Tại đây Việp Quận công sai người vào dụ dỗ Nguyễn Phúc Thuần. Thành quận công họ Nguyễn là Nguyễn Huống cùng tay chân bè lũ đều lập mưu bắt Trương Phúc Loan hiến cho Việp Quận công, đồng thời dâng bản tấu văn khẩn khoản xin hiến 800 lượng vàng lên triều đình, và đưa tặng Việp Quận công 200 lượng.

Phúc Thuần lại xin kính nạp bản đồ cùng sổ sách và xin dâng lễ cống hiến lên Lê hoàng.

Các điều mà Phúc Thuần khẩn thiết yêu cầu chưa được Việp Quận công phúc đáp thì viên cai đội của Phúc Thuần là Tô Nhuận đã nói: "Lần này quan quân triều đình đến đây không đông đúc cho lắm. Thống tướng thì bận áo bào vải xanh, còn quân sĩ thì áo quần tệ lậu. Như thế, tất nhiên không phải là đại quân."

Bởi vì tục quen ưa chuộng phù mĩ, xa xỉ, do đó mà sinh lòng khinh địch, Phúc Thuần bèn cho xuất binh cự chiến với quan quân.

Ngày mùng 7 tháng 12 năm ấy, sau khi đã qua khỏi sông Độc Giang, đến các xã Lương Phúc và Diên Sinh, Việp Quận công sai Trân Lĩnh hầu Nguyễn Đình Khoan đốc suất đạo Hậu quân, Thạc Võ hầu Hoàng phùng Cơ làm tiên phong đón đánh địch quân. Quan quân triều đình đón đánh và bắt sống quân địch không biết bao nhiêu mà kể.

Ngoài ra, quan quân còn bắt được của địch hơn 30 con voi và 100 con ngựa.

Thủy quân địch ra cự chiến ở sông Độc Giang cũng bị đại bại.

Việp quận công tiến quân noi theo đường núi cốt tiến đánh lấy Thác Ma và Thác Trầm, để làm cầu nổi qua thượng lưu sông Bái Đáp.

Phúc Thuần không còn xuất phát quân sĩ nữa.

Sau 28 ngày cầm cự, Phúc Thuần vội vàng bỏ cung phủ, chở vàng bạc, của cải, châu báu xuống thuyền.

Phúc Thuần cùng với hơn 100 thân binh chạy vào cửa biển Tư Dung.

Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 36, năm Ất Vị (tức 1775), ngày mùng 3 tháng giêng, đại quân Việp quận công ồ ạt tiến vào thành Phú Xuân.

Việp Quận công khiến Hoàng Đình Thể đuổi theo gấp Nguyễn Phúc Thuần. Phúc Thuần liền bỏ thuyền chạy, trèo gấp qua núi Hải Vân, rồi ẩn vào một ngôi chùa đến 3 ngày. Các người tùy tùng Phúc Thuần đều phân tán mất dạng. Quan quân tranh nhau lấy vàng ngọc của Phúc Thuần, nên không đuổi theo Phúc Thuần cho đến cùng đường.

Phúc Thuần chạy vào cửa biển Câu Đê Quảng Nam, rồi vào ở nhà Tả tướng quân là Nguyễn Hữu Du, rồi vào dinh Quảng Nam, sửa soạn xếp đặt.

Thấy ngụy Tập giữ gìn chưa chu đáo, bèn cho chiến thuyền qua cửa biển vào Đại Chiêm, ngụy Nhạc theo chân núi đem bộ binh ra nguồn Thu Bồn để đánh. Du chạy vào trong núi ở Hàn Hải. Phúc Thuần cùng cháu là Phúc Dương bỏ Quảng Nam lui về Cu Đê.

Vương thượng sai Việp Quận công kiêm lĩnh chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa.

Tháng 3 năm này, ngự giá đem quân trở về Kinh đô. Chúa Trịnh còn ra lệnh cho Việp quận công tiến quân lấy Quảng Nam cho kỳ được.

Tháng 3 năm này, Việp Quận công xin lưu Đoan Quận công để án giữ kinh thành Phú Xuân. Rồi Việp Quận công chia quân làm 2 đạo trèo qua Hải Vân đánh phá đồn Câu Đê, Phúc Dương chạy. Ngày 5 tháng 4, bắt được mẹ và vợ Nguyễn Phúc Thuần cùng đồ đảng và binh khí rất nhiều. Còn Nguyễn Phúc Thuần thì đã đáp thuyền vượt biển đi vào vùng Gia Định từ ngày tháng 2 trước. Thuyền mới ra, bị gió dữ, dạt vào Vũng Lấm dinh Bình Khang, ngày 25 mới đến Long Hồ. Còn bọn bầy tôi đi theo Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Hữu Du cùng với 16 chiếc thuyền và đoàn thủy thủ đều bị chết đuối cả, Nguyễn Huống và Nguyễn Kính cũng bị đắm chết.

Ngày 9, quan quân đánh phá đồn Trung Sơn, đánh tan ngụy Lý ngụy Nhạc cùng Nguyễn Phúc Dương là cháu Nguyễn Phúc Thuần. Ngày 22, đóng quân ở Cẩm Lệ, ngụy Nhạc cùng ngụy Tập Đình hầu đem hết quân lội qua Trà Khê, xông vào hỗn chiến. Binh súng của quan quân không kịp bắn, phải lấy gươm giáo mà đánh. Việp công sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ cùng các tướng hơn 10 người thúc voi đánh hăng. Ngụy Nhạc cùng ngụy Tập thua to, theo khe mà chạy. Quan quân đuổi theo, nước khe chỉ đến bành voi, các tướng ngồi trên bành voi đâm giặc, chết rất nhiều. Ngày 24, Hoàng Đình Thể đến Cẩm sa. Ngụy Nhạc cùng ngụy Tập đem hơn 6000 quân, hơn 30 thớt voi, chia làm 5 chi đón đánh. Quân giặc đều đầu đội khăn đỏ, ở trần, xông vào chém bừa, không đợi thành trận. Lúc trước quân Nhạc thắng luôn quân họ Nguyễn chính vì cách đánh như thế. Không ngờ quan quân sẵn có tiết chế, giặc dù hỗn đấu, quan quân vẫn nghiêm trận không động. Hoàng Đình Thể nhằm trước mặt thúc tượng binh tiến đánh. Quân giặc hoặc bị quan quân giết, hoặc bị voi dày, chết không kể giết, liền vỡ chạy. Việp công sai các quân đuổi theo bốn phía. Ngụy Tập còn đem theo một chi quân ở đằng sau, giương cờ đánh trống ở trong rừng làm nghi binh, ngầm phục ở trong ấp Biểu Mang để chụp hậu quân, cuối cùng lại bị Dĩnh võ hầu Nguyễn Đình Đống đánh bại. Quan quân bắt được đồ đảng giặc cùng quân nhu khí giới nhiều không xiết kể, đuổi theo đến Thanh Hà, thu phục dinh trấn Quảng Nam. Ngụy Nhạc trước giờ nhờ sức bọn Bắc Khách giúp, đến trận thua ở Cẩm sa, ngụy Tập thì trốn đi, ngụy Lý thì trở mặt lìa nhau, đồ đảng của Tây Sơn quá nửa không phục tùng. Ngụy Nhạc bèn sai người dâng xin voi ngựa vàng ngọc, và dâng đất 3 phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên để hàng và xin làm tiền khu cho đại quân để đánh dẹp Gia Định. Việp công nhận cho tiện nghi, trao cho chức hàm Tây Sơn trại tưởng hiệu Tràng Tiết tướng quân.

Tháng 7 Việp công tiến quân chiếm đóng Châu Ổ huyện Bình Sơn. Ngụy Nhạc sai người đến tạ ơn, dâng tờ tâu và tờ khải, lại xin ban khôi giáp và tiến cử em là Nguyễn Văn Bình. Việp công lại sai ban mũ và áo cho Nguyễn Văn Bình làm Tiên phong tướng quân. Gặp Quảng Nam có bệnh dịch, chiến sĩ nhiều người ốm, Việp công lui quân về Thuận Hóa. Tháng 7 thì rút quân về. Tùy sai là Nguyễn Lệnh Tân xin cùng Dĩnh Võ hầu Nguyễn Đình Đống đóng đồn ở Châu Ổ, Hiệp tán Đại tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm thì muốn đóng quân ở dinh Quảng Nam và đặt quan Trấn thủ. Việp công không nghe, bèn bỏ hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn, tháng 10 về đóng ở Phú Xuân. Vì ốm xin về kinh, chết trong khi đi đường.

Phúc Thuần giữ dinh Phiên Trấn, còn có 3 phủ là Gia Định, Bình Khang và Bình Thuận. Tháng 2, ngụy Nhạc giữ thành Xà bàn, biên hết dân phủ Quy Nhơn làm binh, sai em là ngụy Bình lấy thuyền vượt biển đánh Bình Thuận, không được. Tháng 3, đánh phá Cửa lấp Vũng Tàu, vào cửa biển Cần Giờ, đốt phá Sài gòn, lấy 3 dinh Phiên Trấn, Trấn Biên và Long Hồ. Phúc Thuần chạy trốn. Tướng tá nhiều người hàng ngụy Nhạc.

Tháng 4, Hoàng Võ hầu Trương Công Phụng phụ trách cơ Quảng Nhất do Đoan quận công sai đồn ở đèo Hải Vân vượt Hải Vân vào Quảng Nam, bắt lính lấy thóc, đến Bến Ván. Ngụy Nhạc mượn cớ ấy đón đánh Hoàng Võ, lại chia một cánh kỳ binh tự phía Tây ra đón đường về. Hoàng Võ thua chạy về Vụng Sảng, ngụy Nhạc bèn sai ngụy Trấn thủ là Toàn giữ dinh Quảng Nam, đóng đồn ở các cửa biển Đại Chiêm, Đà Nẵng, Câu Đê.

Phúc Thuần đã thua chạy vào xứ Bà Rịa, triệu tướng là Kính Thận hầu Tống Phúc Hợp từ Bình Khang về đánh phá binh ngụy Nhạc, lấy lại dinh Trấn Biên, đem binh Đông Sơn về đánh lấy lại dinh Phiên Trấn. Quân ngụy Nhạc đánh 3 trận đều thua, đuổi cướp nhân dân, chở thóc 200 thuyền chạy về Quy Nhơn. Dân Quảng Nam đói khát khốn cùng, đều mong quân nhà vua đến. Triều đình nghĩ rằng xứ Thuận Hóa mới phụ đương cần vỗ yên, chưa rỗi tính đến công việc cõi xa.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.