Chập tối, khu chợ bên trấn đã tan gần hết, chỉ còn vài chiếc thuyền đang chuẩn bị nhổ neo rời bến. Đám trẻ ăn xin ngồi ở cổng chùa í ới gọi nhau ra về, cánh cổng lớn đã khép lại một nửa. Ngôi chùa ở phía Đông trấn Quảng Nam được xây dựng liền kề với phố chợ, vừa qua ngày rằm, khói hương vẫn nghi ngút.
Chiếc thuyền nhỏ tấp vào bến sông. Trên thuyền, cô gái đội nón vành rộng che kín mặt ngẩng nhìn ngôi chùa. Nghĩ ngợi một lúc, nàng rời thuyền bước vào chùa, không quên bảo người trong thuyền ngồi đợi.
Ngồi bên bàn đặt cạnh cửa, ông từ giữ chùa ngẩng đầu nhìn lên vị khách cuối ngày vừa vào. Đã cất nón sang bên, tóc cô gái được búi chặt sau gáy, để một dải buông rơi xuống lưng. Nàng ăn vận gần như nam giới, quần dài, tay áo ngắn, giày ống cùng xà cạp đi trong mùa mưa che nửa bắp chân, nhưng khoác áo lụa dài gần chấm đất. Nhìn bộ dạng nàng như người đang đi xa, lại có vẻ quyền quý thanh nhã không giống người thường.
Cô gái quay lưng về phía thủ từ, thắp nhang cắm vào lò hương mà không lạy. Đứng nhìn tượng Phật một lúc, nàng với tay lấy ống xăm đặt trên bàn thờ, cũng không làm lễ mà cẩn trọng lắc nhẹ. Cầm thẻ xăm vừa rơi xuống bàn, cô gái quay ra phía bàn thủ từ, đặt thẻ xuống bàn trước mặt ông lão coi chùa.
“Cho ta xin thẻ xăm này.” Mỉm cười, cô gái nói với lão thủ từ, vẫn bằng giọng điệu của người bề trên tuy giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Nàng quấn khăn che nửa mặt, chỉ để lộ đôi mắt long lanh như nước. Bàn tay cầm thẻ xăm trắng mịn như ngọc. Cái vòng vàng trên cổ tay cẩn mấy viên ngọc chói mắt trong ánh đèn vừa thắp.
Gật đầu, ông lão rút sổ tra số thẻ, lấy ra tờ giấy giải quẻ đã được viết sẵn. Cầm tờ giấy chỉ có một bài thơ ngắn, cô gái nhíu mày đọc.
“Dạ sắc sơ phân hiểu,
Thần quang tiệm xuất không.
Ám thôi tân phát bạch,
Tiệm cải cựu nhan hồng.
Bất giác niên hoa xúc,
Do tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng kiến hiện,
Mệnh tự chúc đương phong.
Mạc tác trường niên khách,
Chung quy tảo chiếu công.”[1]
“Cô đây xin quẻ xem việc gì?” Lão thủ từ nhìn qua số thẻ, cũng trầm ngâm nói. Thẻ này là thẻ Hạ hạ, xui rủi nhiều hơn may mắn. Cô gái này trông như người đang chuẩn bị xuất hành, xem bài thơ trên thẻ đã thấy chút lo lắng.
Nhưng nàng chỉ lắc đầu, dường như thoáng cười. Gấp mảnh giấy nhét vào trong áo, nàng lấy mấy đồng xu cúng tiền nhang khói tặng thủ từ rồi rời khỏi chùa. Chưa vội trở về thuyền, nàng vòng ra quán sau chợ mua một vò rượu.
Cúi đầu khoanh tay bên quầy chờ người đem rượu tới, nàng thoáng bắt gặp một bóng người đi ngang qua cửa. Ngẩn người, nàng dợm bước theo nhưng rồi nghĩ lại liền đứng yên. Trả tiền cho chủ quán, nàng ôm vò rượu đi về hướng đồng dâu bên trấn. Khu đất này cao ráo, giữa mùa lũ mà đồng dâu vẫn xanh tốt. Hai bên con đường đất, dế bắt đầu rỉ rả kêu.
Nàng không phải đi xa lắm cho đến khi gặp được người nọ. Hoặc hắn đuổi kịp nàng.
“Như Yên!” Hắn gọi dưới bóng cây cổ thụ lòa xòa xõa bóng bên đường đất. Vẫn ôm vò rượu trong tay, nàng ngoảnh đầu nhìn lại, không định bước tới. Hắn đành đến kéo tay nàng sang bên đường, tránh ánh mắt người qua lại.
“Hoắc Phương đâu?” Đưa mắt nhìn quanh, đó lại là câu đầu tiên nàng hỏi. Kéo chiếc khăn che mặt xuống, Như Yên nhìn qua vai hắn mà cau mày. “Các người lại định bày trò gì?”
“Ta đang định rời đi.” Không trả lời câu hỏi, hắn nói. Như Yên đưa mắt nhìn hắn, rồi nhún vai.
“Ờ.” Tay đã mỏi, nàng đặt vò rượu xuống gốc cây, chọn một chỗ ngồi khô ráo mà chống tay nhìn lên hắn. “Bao giờ đi?”
“Hôm nay.” Thấy phản ứng của nàng, hắn vẫn chỉ bình đạm nói. “Ta đi cùng Dao Luật về phương Nam.”
Như Yên chớp mắt.
“Trả kiếm của Hoắc Phương cho ta, trả Hoắc Phương cho ta, rồi ngươi đi đâu thì đi.” Nàng nhếch môi, chẳng rõ là cười hay mỉa. “Ngươi đi với ai thì đi, họp bè họp đảng với cô ta thì lại chỉ đi gây họa. Bây giờ ba người bọn ngươi xuống phương Nam liên thủ với nhau, lại chỉ sợ chưa giết được ta thôi phải không?”
“Nàng ở đây đừng hành động liều lĩnh. Nếu thấy nguy hiểm thì đừng cố.” Bỏ ngoài tai mấy câu nói của Như Yên, hắn quỳ gối xuống bên nàng, nhìn vào mắt nàng mà nhắc nhở. Thấy nàng cau có định lên tiếng, hắn lắc đầu. “Sự tình còn biến chuyển chưa biết thế nào, đừng hành động nhất thời, giữ được mình thì còn có thể đối phó được sau này.”
Cau mày, Như Yên chăm chú nhìn hắn hồi lâu. Cuối cùng, nàng mím môi, hạ giọng.
“Chiêm Dao Luật nói gì?” Hành động giấu cả Hoắc Phương lẫn kiếm của y khỏi tầm mắt nàng cho thấy hắn chẳng định rút lui dễ dàng khỏi chuyện nơi này. Đột nhiên hắn xuất hiện báo rằng muốn trở về phương Nam cùng Chiêm Dao Luật, hẳn có nguyên do.
“Nam Chưởng[2] sắp có biến.” Im lặng một lúc, hắn quyết định trả lời. “Vua của Nam Chưởng nghe nói đang nguy kịch. Trước đó, ông ấy đã xử trảm đứa con trai duy nhất của mình, ngôi thế tử đang bỏ trống. Nếu bây giờ nhà vua qua đời, Nam Chưởng chắc chắn sẽ có loạn.”
Sorasak sẽ không bỏ qua, hắn định nói rồi lại thôi. Điều ấy hẳn nhiên ai cũng sẽ đoán được. Vương quốc Nam Chưởng của người Ai Lao vốn đã cử người đến Phú Xuân kết giao với Nam Hà, cũng đã bắt tay với Ayutthaya chống lại Miến Điện. Nhưng các mối quan hệ đồng minh trên vùng đất này chỉ là mối lợi tạm thời. Nam Chưởng rơi vào rối loạn, chính là cơ hội cho các thế lực bên ngoài nhảy vào.
Hoàng thái tử cuồng bạo và tham vọng nọ nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội để bành trướng thế lực của Ayutthaya đến tận biên giới Taungoo. Bằng không, cũng sẽ có kẻ khác nhảy vào – dùng Nam Chưởng như cửa ngõ thông thẳng tới Ayutthaya. Chiếm giữ hoặc bị chiếm giữ, chỉ có một lựa chọn.
“Triều đình Nam Hà đừng can thiệp.” Hắn chậm chạp nói, thấy nhận biết sáng lên trong mắt Như Yên.
Sự chú ý của Ayutthaya sẽ bị hướng về Nam Chưởng, và chinh phục lãnh thổ giàu có rộng lớn còn chưa bị khuất phục của Nam Chưởng sẽ nhiều kích thích lẫn lợi ích hơn tham dự vào cuộc chiến ở biển Đông. Ayutthaya không can thiệp, Chân Lạp cũng không dám ra mặt giúp đỡ Chiêm Thành – Vả lại, Chân Lạp cũng phải canh chừng đối phó với kẻ láng giềng Nam Chưởng. Chiến trường tại Đông Dương bất chợt phân đôi, đó là lợi thế của Nam Hà lúc này.
“Ngươi về phương Nam làm gì?” Ngẫm nghĩ hồi lâu, Như Yên chợt hỏi. Nàng ngần ngừ. “Ngươi định…”
Nhà vua Nam Chưởng mới chỉ đang nguy cấp. Việc khuấy động lên nội loạn trong một đất nước cần nhiều hơn thế. Việc điều sự chú ý cùng mục đích của nhiều kẻ đến nơi ấy còn cần nhiều hơn nữa.
Việc chưa xảy ra nhưng Chiêm Dao Luật đã vội vã trở về Chân Lạp, cho thấy Đại vương Chân Lạp đang cần một thuyết khách – không gì khác hơn là đảm bảo cho sự ủng hộ của Đại Thành. Hoặc nhà vua Chân Lạp cũng đang muốn hướng tới mảnh đất cực Bắc tranh chấp với Nam Chưởng bấy lâu nay, cần có Đại Thành hậu thuẫn chiếm lại. Nếu Chân Lạp mở đường cho Đại Thành vào Nam Chưởng, chiến trường phương Nam trước mắt sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng đó là việc chưa xảy ra. Thông tin tối mật từ đất nước Nam Chưởng bí ẩn chỉ mới là bản tấu đặt trước sập nhà vua. Nên hắn nhắc nhở nàng cẩn thận. Gió chưa đến lúc xoay chiều.
Hắn không trả lời. Nhìn vào mắt nàng một lúc, hắn chợt cười.
“Bây giờ nàng trả công cho ta cái gì?” Lời hắn vẫn nhẹ nhõm như một câu đùa. Quả thật, hắn không hề có ý nghiêm túc khi hỏi. Định làm gì, đó là chuyện hắn vẫn chưa nghĩ ra, đó là chuyện hắn sẽ suy tính đến khi gặp được Sorasak, biết đích xác tình hình cùng ý định mọi kẻ. Hắn trở về phương Nam chỉ để đón đầu một tình huống có thể làm đổi thay hoàn toàn chiến cuộc của biển Đông, tốt hơn hay xấu hơn còn quá sớm để phân định.
Nghe câu hỏi, Như Yên quắc mắt. Khóe miệng khẽ giật, nàng như định mở miệng mắng, rồi lại mím chặt môi, quay đầu nhìn qua vai hắn. Mặt trời đã lặn, trăng đã ló dạng cuối đường chân trời. Trong bóng tối nhòa nhạt, hắn không nhận rõ thái độ trên khuôn mặt nàng. Nhưng hắn nghĩ, trong một khoảnh khắc thoáng qua, hắn hiểu điều nàng vừa nghĩ.
Việc này rất quan trọng, quá quan trọng, để nàng không thể tùy ý thất thố làm phật lòng hắn. Nàng nổi giận, nhưng cũng không thể mở miệng mắng nhiếc. Thậm chí, với bất cứ điều kiện nào mà hắn đưa ra bây giờ, nàng cũng sẽ thuận theo.
Bất cứ điều kiện nào. Bất cứ ai.
Hắn chờ đợi. Nhưng nàng lại im lặng. Sau cùng, khi cơn gió lạnh thổi lên từ những đồi nương làm bụi bay mù, nàng phất tay áo đứng dậy.
“Về đi.” Không quay đầu, nàng bước qua hắn, nói qua vai. “Muốn làm gì thì làm.”
“Như Yên…” Hắn gọi, nhưng nàng đã đi ngược con đường qua đồng về phía bờ sông. Không nhìn lại, nàng cũng không nghe tiếng chân đuổi theo. Ra đến bờ đậu thuyền, nàng mới nhớ ra vò rượu đã bỏ quên ở gốc cây. Vỗ trán thở ra, Như Yên đành lên thuyền, gọi người chèo về nhà trọ.
“Tiểu thư có chuyện gì…?” Thấy sắc diện nàng có vẻ là lạ, lão Tứ liền hỏi. Lắc đầu, Như Yên ngả lưng dựa thành khoang thuyền, ngẩn người ngắm ánh lửa trong đèn móc ở thành khoang. Con thuyền lắc lư, ánh đèn cũng chênh chao. Ngồi đã mỏi, nàng nghiêng người sang bên, tờ giấy trong áo chợt rơi xuống. Mở giấy ra đọc lại lần nữa, Như Yên chợt mỉm cười. Nàng cuộn tờ giấy định bỏ vào đèn đốt cháy thành tro, nghĩ sao lại gấp nó thẳng thớm, nhét vào tay áo.
Thuyền đi đến nửa đêm mới về nhà trọ ở đầu một phố chợ nhỏ. Ngôi làng chỉ có vài chục mái nhà, nhà trọ dành cho khách nghỉ tạm cũng chỉ là một gian nhà dài, ngựa buộc trong sân. Lúc này, nhà trọ chỉ có đoàn người của nàng thuê trọn. Khi nàng về đến, người trong đoàn hầu như đã đi nghỉ cả, chỉ còn ngọn đèn trong gian nhà chính lập lòe. Đèn trong căn phòng của nàng đã tắt từ lâu, lò sưởi lẫn giường lạnh tanh. Ngại gọi người giữa đêm, Như Yên lúi húi mồi lửa thắp đèn. Than trong lò đã hết, nàng phải sang nhà bếp bên kia sân lấy về. Vốn sợ lạnh, nàng lấy thanh cời hơ lửa lướt trên chăn chiếu một lúc rồi nhét lồng ấp vào giường. Khi xong việc, gà đã gáy canh hai. Không còn mở mắt được thêm, nàng mặc kệ tay chân mặt mũi dính muội than, lăn ra giường mà ngủ.
Giấc ngủ mệt mỏi không mộng mị chẳng dài. Như chỉ vừa mới chợp mắt, nàng đã choàng tỉnh. Ánh sáng xanh nhàn nhạt rọi thẳng vào mắt nàng cùng cơn gió lạnh ẩm hơi nước của bình minh thổi qua. Nghe tiếng cánh cửa tự động đóng, tim giật thót, nàng vội vàng bật dậy, vớ lấy thanh cời dưới giường.
“Coi chừng bỏng.” Tay vẫn đặt trên cửa sổ, hắn tử tế lên tiếng nhắc. Thanh cời đặt bên lò sưởi, có thể rơi vào lò bất cứ lúc nào. Không nhìn mà thuận tay vớ lấy, có thể làm bỏng mình trước khi đánh được ai. Lại gần giường, hắn tước lấy thanh cời lửa, lắc đầu. “Nàng vẫn chẳng biết tự lo cho mình chút nào.”
“Ngươi…” Cơn buồn ngủ đã bay biến hết, thế chỗ bằng sự ngơ ngác mơ mơ hồ hồ, nàng trân trân nhìn hắn lấy cái khăn ở góc phòng lại, bắt đầu lau mặt cho nàng. Tay hắn vừa đặt lên má, nàng giật mình tránh sang bên. “Sao lại ở đây?”
“Ta đem trả vò rượu nàng để quên.” Hắn ra dấu về phía vò rượu trên bàn, tiếp tục kéo nàng lại lau vết than trên mặt. Khăn được nhúng nước nóng ấm, chậu nước bốc hơi nghi ngút, hẳn vừa được hắn đem vào. Hắn đã vào phòng nàng hẳn không chỉ vừa một lúc.
Nàng cắn môi, để mặc hắn lau mặt. Lau sạch vết bẩn trên mặt nàng, hắn cúi xuống nắm tay nàng, lau từng ngón tay lem luốc. Khi hắn lau xong hai bàn tay, tiếng chim đầu tiên đã văng vẳng ngoài hồi.
Vẫn nắm tay nàng không buông, hắn đột nhiên cúi đầu mà bật ra tiếng cười khẽ. Tiếng cười tan, hắn chăm chú nhìn những ngón tay nàng, vẻ mặt bất chợt hóa trầm ngâm.
“Vừa rồi có người hỏi ta còn yêu nàng không. Ta trả lời, ta không biết.” Im lặng kéo dài hồi lâu, hắn chợt nói khẽ. Tiếng nói lẫn giữa âm thanh của đàn chim buổi sớm ríu ran liếp chiếp. Căn phòng đóng kín cửa, mờ mờ tối, vài tia sáng lọt qua mỏng như bụi mờ. Mỏng như tiếng thở dài. “Ngay cả khi ôm nàng, hôn nàng, ta cũng không biết. Nàng hẳn cảm thấy ta bức bách nàng, thật ra ta chỉ muốn chứng thực lại một điều.”
“Từ đầu đến giờ, ta đều không biết thế nào là yêu thương một người. Ngay cả với Tuyết Nhi, ngay cả với lão Đại, lão Cửu, cha mẹ… dường như là thói quen, một loại bản năng. Chăm sóc cho họ, lo lắng cho họ, thậm chí hy sinh vì họ, ta đều có thể làm. Ta thậm chí có thể hy sinh cho người chẳng quen biết. Nhưng như vậy, quen hay không quen, biết hay không biết, yêu hay không yêu với ta chẳng khác gì nhau.” Bất chợt ngừng lời, hắn như không tìm được ý để tiếp tục, liền mỉm cười. “Ngày xưa, nàng kể cho ta chuyện nhà sư và bức tranh mỹ nhân. Ta thật chẳng cần một phép Quán bất tịnh nào, có bắc ghế ngồi trước mặt nàng cũng không cần thiết.”
Mi mắt Như Yên khẽ rung. Rút tay khỏi tay hắn, nàng đứng lên đến bên cửa sổ. Hai cánh cửa vừa được đẩy ra, gió từ sông đã thổi vào lồng lộng, cuốn theo ánh mai xanh buốt. Nàng nhìn lên bầu trời mờ mây trắng, đàn chim vẫn lao xao bay trong mùa thu của phương Nam. Mùa thu, trời sáng muộn, vạn vật vẫn chìm trong sắc xanh của đêm vừa tàn phai.
Đêm vừa tàn phai, không để lại một giấc mộng thoáng qua.
Năm tháng qua đi, chẳng để lại một dấu vết trong bầu trời.
Đây liệu có phải là điều nàng muốn nghe? Vẫn dõi mắt theo một cánh chim bay, nàng tự hỏi. Đây có phải là điều nàng chờ đợi? Rằng nàng đã hiểu rõ, luôn hiểu rõ, phần tăm tối sâu thẳm trong hắn vốn cách xa nàng ngàn dặm. Rằng tình yêu, thứ gọi là tình yêu đến trong đời nàng, chẳng qua chỉ là đoạn giao thoa của những giấc mộng riêng. Rằng thời gian, chính thời gian chứ chẳng phải điều gì khác, phơi bày ra những lầm tưởng và khờ dại như nước rút đi trên đá. Rằng nàng hiểu rõ mọi điều hắn nói và không nói.
Niên hoa ngắn ngủi, nghiệp quả dài lâu. Thân như băng trong nắng, mệnh là đèn trước gió. Ngẩng đầu nhìn hư không, nào thấy một bến bờ.
Tim vẫn còn chung nhịp, nhưng lòng đã cách xa. Mộng vẫn còn vương vấn, nhưng đêm đã tan trong ngày nắng rạng.
Để rồi còn lại là những xót xa thương cảm, những quan hoài không dứt. Niên hoa ngắn ngủi, mộng lại quá dài.
Một giấc mộng vĩnh hằng là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Nàng nhớ về lời nói thì thầm bên tai ngày ấy, bất chợt rùng mình.
“Nếu Thái tử của Đại Thành yêu cầu, ngươi có đi đánh Nam Chưởng không?” Nàng chợt lên tiếng, vẫn quay lưng về phía hắn. Sau lưng nàng, hắn nhíu mày.
“Sao phải đi đánh họ?” Liên quan gì đến ta, đó mới là điều hắn định nói. Như Yên cúi đầu cười khẽ.
“Người đánh ta, ta đánh người, mảnh đất này là như thế.” Thở ra, nàng quay người vào trong, tay tựa lên bậc cửa. Nắng soi trên gò má nàng nhợt nhạt, đôi mắt lại sâu thăm thẳm. “Mảnh đất này chưa bao giờ không có chiến tranh. Ngày mà vương quốc Angkor hùng mạnh, họ đánh khắp nơi. Chân Lạp suy yếu, Miến Điện, Đại Thành mạnh lên, Nam Chưởng tách rời, bọn họ lại tiếp tục đánh lẫn nhau, thôn tính các tiểu quốc, cướp bóc các lâu đài. Chân Lạp bây giờ đã phải thần phục Đại Thành, chỉ còn Nam Chưởng vẫn chống chọi được với Miến Điện. Nếu bây giờ Nam Chưởng lọt nốt vào tay Đại Thành, ngươi nghĩ sẽ ra sao?
“Kẻ nào thu tóm được nhiều chư hầu, khống chế được nhiều thế lực hơn thì sẽ chống cự được, tránh cho mình bị nuốt chửng. Để chống lại Miến Điện, Đại Thành phải thôn tính Chân Lạp, chinh phục Lan Na, vươn tay tới bất cứ vùng đất nào lân cận, lấy chúng làm vùng đệm, làm đất chống lưng. Kẻ nào đánh mất sự khống chế, kẻ ấy sẽ chết – Cái chết đau đớn khốn cùng nhất. Kẻ thua cuộc sẽ bị chà đạp, chia tách, lợi dụng, giày xéo đến không còn hình dạng. Đại Thành đang ở những ngày hưng thịnh nhất. Không buông Nam Chưởng, Đại Thành sẽ còn lấn tới đâu? Khống chế được cả Nam Chưởng và Chân Lạp, Đại Thành sẽ tiếp tục đến đâu?” Cười nhàn nhạt trong cổ, Như Yên nheo mắt. “Bây giờ có thể hoãn lại, nhưng khó tránh được những cuộc chiến sau này.”
“Ta có thể nghĩ ra được điều ấy, kẻ khác hẳn cũng nghĩ tới.” Đưa mắt nhìn lên ánh sáng hắt trên xà nhà, đầu ngón tay chạm vào nhau, Như Yên nhẹ nhàng đều đều nói. “Nếu Đại Thành đánh đến Nam Chưởng bây giờ, nơi này cũng khó mà ngồi yên. Dù không đưa quân tham chiến ở Nam Chưởng, bọn họ cũng nhất định không thể để yên cho Đại Thành toàn quyền khống chế phương Nam.”
Đã có được Chân Lạp và Nam Chưởng, Đại Thành sẽ tiếp tục bành trướng đến đâu? Đó là điều nàng không cần phải hỏi. Vùng đất mênh mông phía cực Nam đã bị hai thế lực to lớn là Miến Điện và Đại Thành khống chế, Đại Thanh cũng không thể chạm tay tới. Đất nước Đại Thành non trẻ được dựng xây trên chiến trận, máu và đổ nát cần rất nhiều để đứng vững. Dải đất nho nhỏ ở rìa biên Đông tưởng như chỉ cần một cái phất tay sẽ rơi xuống biển khơi.
Hoặc lớn mạnh, hoặc sẽ bị cơn lũ dữ từ trong đất nghiền nát.
Không ai cam tâm làm một chư hầu. Càng không ai cam tâm để mình bị chà đạp, trao vận mệnh vào trong tay kẻ khác. Không như mảnh đất phương Bắc còn có quyền lực của Đại Thanh che chắn, nơi này, bọn họ không là ai, không là gì.
Trên dải đất hẹp bên rìa biển, bao nhiêu đất nước, vương triều đã tồn tại và bị triệt tiêu?
Sau vai nàng, ánh dương đầu ngày vừa ló dạng, phát sáng thành một vầng hào quang rực rỡ. Hắn nhớ đến những gì đã thấy trong tiềm thức của Chiêm Dao Luật. Ánh dương đã đốt cháy quá khứ, hiện tại và mai sau. Thiên địa bất nhân, người chỉ là cát bụi. Quá khứ, hiện tại, tương lai xoay vòng trong cát bụi.
Định mệnh không có khoan dung, cũng chẳng có nhân từ. Hắn đã rời khỏi phương Bắc trong những ngày hoang tàn máu chảy, hiểu rằng chẳng thể quay đầu. Hắn đã phiêu dạt trên đất phương Nam không có một nơi dung chấp. Con người, cùng những điều tưởng là vĩ đại tựa như giang sơn đất nước, thế gian cùng vũ trụ, cuối cùng hóa ra chẳng hơn cái chớp mắt của hư không. Không có lý lẽ, chẳng có đúng sai, thậm chí chẳng có báo ứng luân hồi trên dương thế. Chỉ có điều duy nhất đứng vững: Quy luật của tồn vong. Quy luật của huyền không.
Như Yên cười hắt ra sau một lúc ngẩn người. Nàng bước đến, dừng lại trước hắn. Bằng một cử chỉ đột ngột nhưng dịu dàng, nàng vươn tay ôm lấy hắn. Tóc nàng rơi qua má hắn, lành lạnh mùi sương mai.
“Ngươi cũng vậy.” Nàng thì thầm, trong giọng nói của nàng, hắn đột nhiên nghe ra những âm rung nhè nhẹ. “Cũng phải cố mà sống, biết không?”
Bánh xe của vận mệnh đã quay. Một cuộc chiến nữa lại khởi đầu.
Con người lạc giữa muôn dặm giang sơn. Định mệnh phiêu dạt trong cơn bão thế thời. Niên hoa ngắn ngủi, đời cũng chỉ như gió qua. Một đời người, đáng gì với ngàn năm?
Sống, đó là cách duy nhất để chống chọi với Trời.
Chú thích:
[1] Bài Sơ nhật vô thường kệ của Trần Thái Tông. Dịch nghĩa:
“Màu đêm đã thoáng sắc sớm mai,
Ánh dương xuất hiện giữa không.
Ngầm phai tóc xuân bạc trắng,
Chẳng trả lại sắc hồng nhan diện cũ.
Đâu biết niên hoa ngắn
Còn tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng thoáng hiện,
Mệnh tựa nến trong gió.
Đừng làm khách trường niên,
Sớm về mà thu công.”
[2] Nam Chưởng hay còn gọi là Vạn Tượng, Lan Xang: Lãnh thổ chủ yếu thuộc về Lào ngày nay và một phần Tây Bắc Việt Nam, Bắc Cambodia. Năm 1478, quân của Lê Thánh Tông tấn công Lào, chiếm Luang Phrabang, chiếm giữ Lào khoảng 1 năm. Từ năm 1558, quân Miến Điện khi tấn công Ayutthaya liền đánh vào Lan Xang. Lan Xang liền liên kết với Ayutthaya, chuyển kinh đô về Viang Chan. Năm 1569, quân Lan Xang đẩy lui Miến Điện, nhưng nhà vua Lan Xang qua đời khi tấn công sang Chân Lạp. Lan Xang trở thành chư hầu của Miến Điện.
Năm 1637, vua Surinyavongsa lên ngôi, nối lại quan hệ với Ayutthaya và chúa Nguyễn ở Huế, đẩy lùi Miến Điện. Lan Xang hòa bình được hơn 50 năm, cho đến khi vua Surinyavongga qua đời. Tranh chấp ngai vàng của con cháu nhà vua với sự giúp sức của Ayutthaya và Đại Việt (dưới quyền Trịnh Căn) đã khiến Lan Xang phân chia thành 3 vương quốc nhỏ Luang Phrabang, Champasak và Viang Chan.
Từ đây, Lào bước vào thời kỳ đen tối khi Xiêm La liên tục tấn công giành lại quyền lực của mình trên các tiểu quốc này. Sau năm 1795, Viang Chan trở thành chư hầu của Việt Nam. Nhà vua Viang Chan lấy lại quyền lực dưới sự trợ giúp của Việt Nam, bắt đầu đánh Xiêm La chiếm lại Champasak và miền Đông Bắc Xiêm La vào năm 1823. Nhưng Luang Phrabang đứng về phía Xiêm La, quân Việt Nam rút lui vào năm 1826, Viang Chan bị Xiêm La đánh bại, đốt thành bình địa vào năm 1827, trở thành một tỉnh của Xiêm La. Năm 1848, Việt Nam lấy lại ảnh hưởng ở Luang Phrabang, phần còn lại của Lào vẫn nằm trong quyền lực của Xiêm La.
Sau năm 1890, Pháp bắt đầu những cuộc xung đột và thương lượng với Thái Lan về vùng đất ở Đông Dương, đánh lui quân Thái Lan khỏi những vùng đất thuộc về Lào ngày nay. Quân đội Anh đã chiếm được Ấn Độ và Miến Điện liền đưa Thái Lan trở thành vùng đệm với Pháp, không can thiệp đến Đông Dương. Sau năm 1909, Pháp trở thành đồng minh với Anh, cũng quyết định không dấn sâu thêm vào lãnh thổ của Thái, chấp nhận dừng chân ở biên giới Lào-Cambodia ngày nay. Quân Thái bị đẩy lui khỏi Đông Dương, lãnh thổ của nước Lào ngày nay đã được giành lại bởi người Pháp.