Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 40: Tiếng xưa
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" August 26th, 2012

Trong đêm, gió trở lạnh, lọt qua khe cửa phả vào phòng. Cơn sốt nóng hầm hập tạo trong tai những tiếng u u mơ hồ kéo dài, kết với hơi lạnh của đêm thu khiến y run rẩy từng cơn. Trong đáy mắt, y dường thấy những đốm lửa lập lòe chớp tắt. Thần trí mê mông, y lại nghe văng vẳng tiếng sáo đâu đây, như gần như xa.

Trong cơn mê, dường như y đã thấy lại quang cảnh ngày hôm ấy. Bầu trời xam xám mây mù nhưng không có dấu hiệu sẽ đổ mưa. Sen trong hồ đang nở rộ, mấy cành nhánh ngả lên bậc thang của thủy đình. Ngồi trên bậc thang, y nhắm mắt, mơ màng giữa ngủ và thức. Bệnh đã lui bớt, để lại cho y cơn đau râm ran còn trong từng tấc thịt da, hơi thở nóng rực trong cổ. Ngột ngạt vì bị giữ quá lâu trong phòng kín, y lê bước ra thủy đình. Đầu óc vẫn còn mơ hồ mù mịt, y ngồi được một lúc đã mơ màng thiếp đi. Khi y choàng mở mắt ra lần nữa, chiều đã buông xuống trong cơn gió đem theo ráng mờ bao phủ khu vườn. Có tiếng đàn đâu đây, thanh âm nghe rất gần, khiến y tỉnh hẳn, ngẩng đầu lên tìm kiếm.

Góc hậu viện có trồng một cây ngô đồng được đem giống từ Hoa Hạ về, mùa này đang nở rộ những chùm hoa hồng tím. Dưới cây ngô đồng, một nam nhân mặc áo xanh đang ngồi gảy đàn, sáo, phách và vài loại đàn khác đặt tựa vào gốc cây bên cạnh. Bên kẻ ấy có một khay trà, nhìn bộ dạng như khách của gia trang.

Hoắc Phương cau mày, ngồi thẳng dậy. Y đã thiếp đi bao lâu khiến không nhận thấy kẻ kia bước vào vườn? Có lẽ thân hình nhỏ bé của y đã bị che khuất sau tán sen, kẻ kia cũng không nhận ra sự hiện hiện của một người khác. Lúc này, nghe động, kẻ ấy mới ngẩng lên, nhìn thấy Hoắc Phương liền mỉm cười.

Ngần ngừ một thoáng, Hoắc Phương đứng dậy, bước tới chào nam tử áo xanh. Y là thiếu chủ ở đây, lễ phép luôn cần thiết. Y vừa cúi người định cất tiếng chào, nam tử nọ đã nắm lấy tay y.

“Không cần đa lễ.” Anh ta gần như đỡ y đứng thẳng lên. Có lẽ bước chân liêu xiêu cùng khuôn mặt nhợt nhạt của y đã tố cáo tình trạng sức khỏe, bởi ngay sau đó, nam tử áo xanh nọ dìu y ngồi cạnh mình. “Hoắc công tử, ngồi nghỉ đã.”

Ta đã ngồi lâu lắm rồi, y nghĩ thầm nhưng không nói ra, chỉ lịch sự gật đầu tiếp nhận sự quan tâm nọ. Người kia không cần giới thiệu đã nhận được y cũng không phải là điều lạ. Ở nơi này có bao nhiêu đứa trẻ bệnh tật được ăn mặc xa hoa, tùy ý đi lại?

“Tại hạ tên là Phúc Thái.” Y vừa ngẩng đầu định hỏi, người kia lại một lần nữa nói trước. Cúi người đặt đàn về vị trí chỉnh chu hơn, anh ta không nhận thấy thái độ của y.

Một cái tên lạ mà y chưa từng nghe qua. Người này cũng mang vẻ văn nhã cao quý khác hẳn những thương nhân đường biển đường rừng hay qua lại trang viện, từng cái cử tay nhấc chân đều lưu loát nhẹ nhàng như mây trôi. Hẳn là một nghệ nhân mà cha y mời tới thử đàn, y thầm nghĩ, nhìn qua dãy đàn sáo xếp sau lưng anh ta.

“Gia phụ mời tại hạ tới thử đàn.” Quay lại, thấy ánh mắt y, nam tử kia cười. Nụ cười rất sáng, khiến thần thái có mấy phần bình đạm ôn nhu của anh ta lại tựa như ánh hoàng hôn hồng rực trên cao. Hoắc Phương gật gật đầu, không hỏi thêm. Thay vào đó, cậu bé đưa tay chạm vào cây đàn nguyệt gần sát, dường như thấy bụi rơi trên dây đàn.

“Cha tôi thích sưu tầm đàn nhưng không có mấy dịp gảy, lại quá cẩn thận không cho người ngoài chạm vào, đàn cũng bám bụi mất.” Hoắc Phương cười nói. Nam tử nọ nhướn mi, nhấc cây đàn nguyệt lên búng thử mấy dây, rồi thở dài.

“Đàn này ở đây không có mấy người biết gảy, gia phụ hẳn cũng không muốn nó đàn những tạp âm, hóa ra để đàn nằm trơ một góc. Quý cầm mà hóa ra phụ cầm.” Chỉnh dây đàn, nam tử nọ lại đặt nó về một bên. Hoắc Phương thấy thế liền tò mò lên tiếng.

“Anh cũng không biết gảy?” Y lấy làm lạ. Tuy không phổ biến ở nơi này, y vẫn thỉnh thoảng thấy một vài đào hát, ca nương dùng đàn nguyệt. Một nghệ nhân do chính cha y mời tới thử đàn lại không biết dùng?

“Gảy đàn thì dễ, gảy được nhạc mới là khó.” Vẫn nở nụ cười hiền hòa, nam tử kia lắc đầu. “Loại đàn này, người Nam ít dùng. Trước ở đây có hai loại đàn phổ biến dùng tiếng tơ là đàn đáy và đàn tranh. Có bốn tiếng chính là: tính, tỉnh, tình, ting; ba tiếng phụ là: tung, tang, tàng; thay đổi nhau làm thành xoang điệu. Đàn nguyệt này có tám tiếng là: xừ, xang, hồ, xế, cống, lưu, ú, xáng; hợp với bảy thanh, mười hai luật mà gảy. Đưa về đây, người theo thói quen gảy đàn tơ cứ theo thói cũ mà dùng, tiếng trong tiếng đục lẫn lộn, không thành âm nhạc. Đàn bị gảy sai âm sai luật, người nghe bình thường không nhận ra, cũng là khi phụ cho đàn.[1]

“Tại hạ tuy biết mấy điệu Bắc nhưng thường theo thói quen mà gảy, biết đâu lại lẫn tạp âm, gia phụ của công tử biết lại chẳng mấy vui.” Ngừng một thoáng, nam tử nọ nói tiếp. Cái cau mày của Hoắc Phương càng sâu hơn.

“Âm nhạc sinh ở lòng người, cần gì quá câu nệ luật lệ? Đàn được gảy thành âm điệu, tuy có vài sai lạc thì cũng thỏa chí, chẳng hơn để cả dây cả đàn mục rữa ra sao?” Vả lại, cầm sư phương Bắc qua lại nơi này cũng chẳng phải không có, y cho rằng đây là một thói cố chấp nữa của cha y mà thôi.

Nghe câu nói, nam tử nọ bật cười. Tiếng cười tắt rất nhanh, ngài ta lại cau mày như ngẫm nghĩ.

“Nghe qua chẳng phải là sai. Cả bảy thanh của nhạc Nam cũng là do ta tự sinh ra đấy thôi. Nhưng trời đất có quy luật, âm nhạc hẳn cũng có âm luật chung, rồi lại do thủy thổ phong tục mà trở thành khác biệt. Thanh âm sinh ra nơi núi cao khác với âm thanh nơi biển rộng. Thứ ta gọi là sai khác trong nhạc không chỉ là do âm luật, mà còn ở lòng người. Đàn chẳng qua cũng chỉ là công cụ, do người không tìm được cách sử dụng nó mà thôi. Các loại đàn khác ở đây, người nơi này đã quen dùng, điệu Bắc điệu Nam đều có thể tùy tâm mà gảy. Đàn này cũng nên chờ đợi người tri âm tìm đến, nóng vội làm gì?” Chạm tay vào thân đàn, ánh mắt nam tử lại sâu như biển. “Cả đời đi đàn hát những âm điệu sai lệch với lòng, khả năng bị dùng vào những việc không đáng, âm sai lời sai tâm sai, đến cuối cùng trở thành kẻ chẳng biết mình là ai, thì chẳng thà im lặng còn hơn.”

Hoắc Phương im lặng. Năm ấy, y chỉ mới chín, mười tuổi, với những lời này vẫn còn chỗ hiểu chỗ không, hầu như chẳng thấy đồng tình nhưng lại không biết nói ra sao cãi lại. Đã đặt cây đàn nguyệt sang bên, người đàn ông cầm lên cây tiêu ngọc, chỉnh lại dây tua ở cuối, đặt lên môi thổi một bài ngắn. Ngồi bên cạnh, Hoắc Phương chỉ khoanh tay nghe. Dù đã được học về âm luật, hiểu biết của y về nhạc khí lúc ấy không nhiều, mãi sau này cũng chẳng thể coi là thông thạo. Nhưng có lẽ vì cơn sốt vẫn còn vương vất, khí trời của buổi chiều đầy bụi ráng hồng hôm ấy, y nghe tiếng tiêu này khang khác. Y không rõ sự khác biệt ấy là ở đâu, hẳn không nằm trong giai điệu, cũng chẳng phải ở thanh âm.

“Bài này tên gì?” Y hỏi ngay khi nam tử vừa hạ tiêu. Anh ta không nhìn y, chỉ mỉm cười.

“Khúc ‘Mai hoa tam lộng’ của Hoàn Y[2].” Nhịp ngón tay trên thân cây tiêu, nam tử cười.

Sau này, rất nhiều năm sau này, Hoắc Phương mới nhận ra, vốn không còn khúc Tam lộng dành cho tiêu địch. Khúc nhạc mà y nghe lúc ấy cũng chẳng phải thứ được chép trong các nhạc phổ thường tình.

Nhưng sau này, qua rất nhiều năm tháng, y cũng không còn chắc về ký ức của bản thân. Buổi chiều hôm ấy là lần đầu tiên y nghe người đàn ông nọ chơi nhạc. Và mỗi lần ghé đến trang viện Hoắc gia, ngài ta đều chơi một khúc đàn sáo khác nhau. Luôn luôn, chỉ có một mình ngài ta chơi, dù là đàn, địch, tiêu hay trống. Vốn liếng âm luật lớn dần, y nghe được rằng tiếng đàn sáo của ngài ta vốn không mấy tuân theo lệ thường trong nhạc phổ. Không đến mức rối loạn xoang điệu, vẫn lưu loát như nước chảy mây trôi, nhưng lại quá khó để người nghe đoán được đoạn sau, huống hồ là phối nhịp.

Khúc nhạc của buổi chiều hôm ấy, cùng với ráng hồng mờ bụi, là một điều y nghĩ mình không bao giờ tìm lại được.

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi tiếng tiêu cất lên, y đã quên đi căn bệnh lẫn những cơn đau âm ỉ khắp mình, quên đi cả ưu thương rầu rĩ. Y chỉ thấy bầu trời với những ráng hồng rực rỡ, gió cũng đang sáng lên trên khoảng không cao vút ngát hương nồng. Thế giới trên mảnh vườn tỉ mỉ hoàn mỹ bỗng dưng sáng lên, chói rực, đẹp đến mức y nín thở. Đẹp đến mức y quên cả sự tồn tại của bản thân.

Tiếng nhạc, ánh sáng, hương hoa, ký ức và khoảnh khắc, đó là vẻ đẹp vĩnh hằng của thế giới, của cuộc đời. Những năm tháng sau này, mỗi khi đứng trên lầu cao dõi về ánh bình minh bên kia biển rộng, ánh trăng loang trên khoảng không giữa bầu trời và mặt nước, y lại nghĩ về cuộc đời với rất nhiều trìu mến và dịu dàng. Kiếm pháp của y, thanh kiếm nhuốm đầy sát khí lạnh hơi bạc trong tay y, cũng trở nên dịu dàng, vẽ nên vẻ đẹp tàn khốc của thế giới.

Ánh dương quang, bụi của hồng trần rực rỡ, cơn mộng chuếnh choáng xa vời, giấc mơ lặp đi lặp lại của y mỗi khi nhắm mắt, chập chờn mê tỉnh.

Giữa chập chờn mê tỉnh, y nghe tiếng sáo vang, càng lúc càng rõ ràng.

Mở mắt nhìn lên trần màn một lúc lâu, y mới nhận ra mình đã thức. Hương hoa từ cửa sổ đưa vào, ánh sáng của ngọn đèn bên giường khiến y nhận ra mình đang ở đâu. Cơn sốt đã hạ, chỉ còn mồ hôi đầm đìa trên trán, trong áo y. Cau mày, y cựa mình, chống tay ngồi dậy. Một bộ áo khác đã được gia nhân để sẵn cuối giường, y lấy thay đổi. Khoác thêm lớp áo dày không mấy thích hợp với khí hậu phương Nam, y đẩy cửa bước ra vườn, hướng về phía tiếng sáo mà đi tới.

Là tiếng sáo, loại địch quản bằng trúc, không phải tiêu ngọc, thanh âm này trong và cao hơn. Nhưng cùng một giai điệu – đúng hơn, cảm giác – với thanh âm trong ký ức của y. Lạ lùng, có vẻ tiếng sáo này không phải do Như Yên thổi. Tiếng tiêu địch của nàng bao giờ cũng mảnh do thiếu khí tức. Tiếng sáo này thanh âm cao vút, khí lực dồi dào, không cần cất lên chói lói mà vang vọng khắp nơi, nghe như kẻ đang thổi sáo ở ngay bên cạnh.

Thoáng thấy ánh đèn, Hoắc Phương dừng chân, gần như vấp vào bậc thềm bên dưới. Bên giàn thiên lý, bóng lửa trong cây đèn đá soi tỏ một dáng người cao lớn. Áo xanh thẫm trong đêm, tóc đổ xuống vai che nửa khuôn mặt hơi cúi xuống trên chiếc sáo trúc cầm ngang, hình dáng kẻ đang ngồi dưới giàn hoa khiến tim y nảy lên một nhịp. Trong khoảnh khắc, y nghĩ mình đã nhìn thấy một bóng ma.

Nghe động, kẻ kia quay đầu lại. Hoắc Phương thở ra nhè nhẹ, nhìn tay hắn nắm chặt cây sáo trúc rồi buông lỏng khi cũng đã nhận ra y. Ánh lửa chập chờn soi tỏ đôi mắt sáng tựa mắt thú rừng. Cử chỉ của hắn khi bị đánh động cũng tựa như của thú hoang.

Không hề tương đồng với tiếng sáo kia, Hoắc Phương lại dời ánh mắt về phía cây sáo trúc khi chậm rãi bước về phía hắn. Dưới giàn thiên lý có kê một bộ bàn ghế tròn bằng đá. Y mỉm cười với hắn khi vén những nhánh lá thả lòa xòa, bước tới ngồi phía đối diện.

“Ta nghe tiếng sáo.” Y ra dấu về phía cây sáo vẫn ở trong tay hắn, ánh mắt phảng phất vẻ tò mò khi nhìn thẳng vào hắn. “Lâu không gặp, Mạc công tử.”

“Hân hạnh, Hoắc bang chủ.” Hắn khách sáo trả lời, cũng thoáng vẻ bất ngờ khi gặp y lúc này. Nhưng đây là nhà của y, sự ngại ngần của hắn cũng qua nhanh. “Tôi đến cùng Như Yên.”

“Ta đã nghe.” Hoắc Phương gật đầu. Đúng ra, thuộc hạ báo cho y biết rằng có ba người đi theo Như Yên, y không hề biết mình có một vị khách đặc biệt thế này. Liếc mắt nhìn qua chiếc áo hắn đang mặc, nụ cười bất chợt trở lại làm cong khóe môi y. “Công tử trở về đây từ bao giờ?”

“Gần đây.” Trước ánh mắt soi mói của Hoắc Phương, hắn vẫn điềm tĩnh trả lời. Ánh mắt của y cho thấy y biết về hắn rõ hơn cái thân phận ‘Mạc Tử Hiên’ ngày trước. Hắn chỉ không biết y đã rõ đến bao nhiêu phần.

Có thể, không phải là phần trọng yếu nhất, khi ánh mắt y không có mảy may giận dữ hay nghi hoặc, chỉ tò mò. Những kẻ có mối thâm tình với vị chúa trước của Nam Hà, biết những gì bị giấu kín giữa những bức tường tại Phú Xuân, sẽ không thể nhìn hắn bằng ánh mắt ấy.

Khi vừa quay lại, hắn đã thấy y đứng ngẩn người trong hành lang. Ánh mắt y như thể nhìn thấy một bóng ma, một việc không thể xảy ra trên dương thế. Cảm xúc trong ánh mắt y, chỉ trong một khoảnh khắc thoáng qua, khiến hắn không biết gọi tên là gì.

“Bản nhạc công tử thổi tên là gì?” Dường như không bận tâm đến sự hiện diện của hắn, cũng có thể là đã nhận ra thái độ của hắn, Hoắc Phương cười hỏi. Hắn nhìn xuống cây sáo trúc, nhún vai.

“Tôi tự nghĩ ra.” Với một kẻ không có căn bản nhạc lý như hắn, nhận được bảy thanh năm cung[3] cũng đã là chuyện khó khăn, huống hồ là thuộc bài thuộc bản. Hắn vốn lơ đãng nghe trước quên sau, nghe đoạn sau quên đoạn trước, nhớ được một bản nhạc hoàn chỉnh càng bất khả. Cuối cùng chiếc sáo trên tay hắn hóa thành công cụ luyện hơi tập khí, nghĩ gì thổi nấy.

Nghe câu trả lời, Hoắc Phương chợt ngẩn người.

“Ra vậy!” Hồi lâu, y thở hắt ra, đưa tay day trán. “Khúc Tam lộng ấy vốn không có sách chép, ra là vậy.”

“Vừa nãy, công tử rất giống một người.” Thấy ánh nhìn thắc mắc của hắn, Hoắc Phương phác tay. Sự tò mò trở lại trong ánh mắt y như thể muốn dò từng biểu cảm của hắn. Nhưng y im lặng, không nói thêm.

Bên kia, hắn lại gật đầu. Chẳng biết vì hiểu lời y hay là đã thỏa mãn với câu trả lời của y mà không tò mò thêm.

Hắn đã từng gặp ngài ta, y thầm hỏi. Có lẽ đã từng. Hắn đã từng ở Thương Trúc trang, theo Như Yên đến Phú Xuân. Và khoảng thời gian sau đó, bằng suy đoán, y biết hắn trở lại cùng lúc với kẻ cận vệ cũ của Như Yên. Những gì ở giữa các đoạn cắt ấy là khoảng trống đối với y. Khi y đã chưa bao giờ đủ thời gian để tìm hiểu những gì Như Yên đã làm.

Nhưng với việc buổi sáng này mà thuộc hạ báo lại, khoảng trống ấy trong nhận thức của y đột nhiên được lấp đầy.

Y nhìn xuống ánh lửa soi sáng trên những ngón tay, chợt hiểu ra một điều trọng yếu mà y đã bỏ lỡ trong ngày tháng ấy. Những gì mà Hiểu Lam cũng nhất quyết che giấu y.

Bất chợt, y bật cười.

“Như Yên đâu?” Khỏa lấp tiếng cười bằng cái ho khẽ, Hoắc Phương ngẩng nhìn quanh. Giàn thiên lý này nằm ngoài khu nhà ở dành cho khách, nhìn vào thấy căn phòng của nàng không có một ánh đèn.

“Cô ấy bảo có việc cần đi.” Hắn nhún vai. Như Yên vốn không bao giờ nói cho hắn biết việc nàng làm. Vừa từ phòng Hoắc Phương trở ra, nàng đã đem theo Diêu cùng lão Tứ rời đi, để một mình hắn ở lại nơi này.

“À…” Hoắc Phương chớp mắt. Kéo lại chiếc áo choàng quanh cổ, y tì tay lên bàn đá, cầm lấy cây sáo mà hắn đã đặt xuống. Xoay cây sáo trong tay, y nhíu mày. “Đây là trúc trăm năm?”

“Trúc già trăm năm nở hoa rồi chết, tôi thấy hoa trúc nên tìm được.” Hắn gật đầu. “Loại trúc này đem ngâm bùn thêm một tháng thì trở nên mềm dẻo, đao thương chặt không đứt, đục thành sáo rồi để khô thì cứng hơn cả sắt. Trong cả rừng trúc may ra mới tìm được một cây trúc già vừa tay, không lớn không nhỏ.”

Trong ánh lửa, cây sáo không đánh bóng vẫn sáng loáng, lớp vân trúc như sóng dễ khiến y lầm tưởng đây là loại trúc Tiêu Tương nổi tiếng, nặng như thể làm bằng gỗ lim. Từng khớp của đốt trúc đều đặn vừa tay. Miệng các lỗ đục được dát vàng, phía đầu và đuôi có thêm lớp vàng khảm, khóa nối với sợi dây thắt theo lối uyên ương dùng để treo buộc sáo. Lớp vàng nhỏ mịn như tơ, đan nhau thành những hình lá trúc trên nền thủy ba, vẻ tinh xảo khiến y đoan chắc phải do một nghệ nhân tài nghệ tuyệt cao tỉ mỉ chế tác thành.

“Rất quý giá.” Ngắm nghía một lúc, Hoắc Phương cười. Nhìn thoáng qua thì có vẻ thô mộc giản dị, thực chất là một thứ nhạc khí tinh mỹ phi phàm. Nếu không phải bỏ ngàn lượng hoàng kim mua được, cũng phải là kẻ không tầm thường mới có thể cầm nó trong tay.

“Trúc do tôi tìm được, sáo do bạn tôi làm hộ.” Thấy thái độ của Hoắc Phương, hắn liền nói. Y chỉ cười, đặt lại cây sáo xuống bàn.

“Tiếc là tiếng sáo lại không được như thân sáo.” Hoắc Phương nhẹ lắc đầu. “Thanh âm tuy cao nhưng lại thiếu độ trầm, mạnh nhưng lại không uyển chuyển. Nghe thoáng qua thì hùng tráng mạnh mẽ, thực chất lại thấy rất nhiều ẩn ức, càng cao càng lạnh, càng nói càng thương tâm. Khúc nhạc của công tử như kẻ qua đường đãi kẻ qua đường, đứng giữa trần ai mà thổi, nghe tưởng hào sảng phóng khoáng nhưng sao lại tịch mịch làm vậy?”

“Có người nói với ta, âm nhạc là lòng người, nhằm vươn tới lẽ của đất trời. Cổ nhạc dựa vào hòa khí trong trời đất mà tạo thành, âm điệu có ngũ âm ngũ cung, thanh luật có thập nhị thanh chia thành âm dương, cơ cấu có bát âm kim – thạch - thổ - cách – ti – mộc – bào – trúc. Trên là lý của trời, dưới là tâm của người, âm nhạc nơi cung phủ do đó phải chủ hòa, hợp lễ, chính tâm, chính khí. Kẻ lấy đàn hát làm vui cũng nên ghi nhớ rằng không có gì để lộ mình nhiều như nhạc. Thi thư có thể dùng lời lẽ khỏa lấp, màu mè che phủ, chứ chỉ có kẻ vô tâm mới đàn hát được vô tâm. Nếu như không đủ kỹ năng để che giấu thì đừng chạm đến nhạc.” Cười khẽ trong cổ, Hoắc Phương nheo mắt nhìn hắn. “Loại thanh âm khi cất lên chỉ là tự mình làm tổn thương mình, càng không nên tiếp tục. Đồng khí tương cầu, người gọi là phận số, có khi cũng chỉ do tâm ma dẫn đường.”

Hắn ngẩng lên, vừa đúng lúc nhìn vào mắt y. Y nhìn hắn, nhưng dường như không thấy hắn. Ánh mắt y phiêu hốt như hướng đến bóng tối phía sau hắn. Nghe tiếng người gọi trong hành lang, y vội lên tiếng trả lời, đứng dậy cáo từ. Đã quay lưng bước ra ngoài giàn thiên lý, không biết nghĩ sao, y đứng lại, ngoảnh nhìn hắn.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Công tử lúc nào đó rủ Như Yên hòa khúc thử xem.” Im lặng một thoáng, y nói thêm. “Lâu lắm rồi, nàng ta không gảy đàn nữa.”

Không biết có hiểu hay không, hắn vẫn gật đầu.

Khi đã bước vào hành lang, y liếc mắt nhìn lại lần nữa. Thấp thoáng sau giàn cây, bóng áo xanh vẫn nửa quen nửa lạ. Lạ lùng, trước đây y không hề cảm giác thấy sự giống nhau này. Có thể, chỉ vì khúc nhạc hắn đã thổi. Cũng có thể, ký ức y đã đâm nhầm lẫn.

Chỉ là cảm giác thôi, chỉnh lại cổ áo tránh gió lạnh, y nghĩ thầm. Theo thời gian, nhiều thứ đã đổi thay. Cả buổi chiều hôm ấy, vẻ đẹp lạ lùng choáng ngợp của đất trời, vẻ đẹp điêu linh của lớp bụi hồng chói rực.

Qua thời gian, kiếm vẽ phù sinh, mộng giữa hồng trần. Rơi thành muôn mảnh tà dương tịch mịch.

 

 

Chú thích:

[1] Theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, do khác biệt về âm luật này mà cho đến tận đời Cảnh Hưng (1740-1786) mới có một vị quan Nội điện là Nguyễn Đình Dịch biến đổi cách gảy đàn nguyệt ra tiếng Nam, nhưng trong đục còn lẫn lộn, chưa thành xoang điệu. Ông Vũ Chi Đồng, trước học điệu Trung Hoa, sau gảy thành tiếng Nam lưu loát thông suốt. Đàn nguyệt từ ấy mới phổ biến trong nhạc khí Việt Nam.

[2] Hoàn Y người thời Đông Tấn, làm tướng quân, tinh thông âm luật, được gọi là Giang Tả đệ nhất, thường sử dụng địch. Một lần Hoàn Y đi qua Thanh Khê, danh sĩ Vương Huy Chi trong thuyền nhận ra, liền mời thổi một khúc. Hoàn Y không cố kỵ, thổi liền 3 điệu tương truyền là ‘Mai hoa tam lộng’ rồi đi, người trong thuyền và trên bờ không nói với nhau lời nào.

3] Nhạc cổ Trung Quốc có 5 thanh là cung, thương, giốc, chủy, vũ được gọi là ngũ âm, cùng với tiếng biến cung, biến chủy là bảy thanh. Đàn VN có bảy tiếng: tính, tĩnh, tình, tinh, tung, tang, tàng; kèn có 7 tiếng: tí, um, bo, tịch, tót, tò, tè. Ngũ cung xướng âm theo Ngũ cung Bắc là: Hò - Xừ - Xang - Xê - Công – Líu.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.