Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 34: Lời nói
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" August 1st, 2012

“Lâu thuyền kích cổ đáo Ô Long
Bách nhị sơn hà thử yếu xung.
Liệt chướng huyền nhai thanh xúc xúc,
Mạn thiên phách lãng bích trùng trùng.
Tiên triều sự nghiệp truyền di tích
Nam quốc hưng đồ chí cựu phong.
Nạp cấu tàng ô hà hải lượng,
Cử gian vô xứ bất triều tôn.”[1]

Nam quốc hưng đồ chí cựu phong…” Khe khẽ đọc bài thơ đề trong bức tranh treo trên vách, quạt nhẹ đập vào lòng bàn tay, người thanh niên mặc cẩm bào chợt mỉm cười. “Nếu bài thơ này được làm đã lâu, thì quả thật là…”

“Người mang mệnh đế vương hầu hết đều là ngọa hổ tàng long, thân không nuôi chí cao thì cũng là nghĩa lớn, thế mới là phúc phận của dân.” Phía sau, một thanh niên khác mình mặc võ phục nhà quan, đầu đội kim quan, lưng đeo kiếm bạc cười nói theo. Người đứng trước liếc mắt nhìn lại, phảng phất ý cười trong mắt.

“Em Nhuận lâu không gặp, lên chức Chưởng cơ, quả nhiên nói năng có khác.” Ngồi xuống bên bàn trà gần cạnh, thanh niên mặc cẩm bào cười. “Nghe nói chúa công rất tin dùng em?”

“Lúc nhỏ là bạn chơi, chúa công còn trẻ, khi vào triều không tránh khỏi đôi lúc thân mật quá trớn, lại làm cho người khác chê cười. Em tuổi còn trẻ, công lao không, tài năng không có nơi kiểm định, chỉ nhờ phúc cha tập ấm, chúa công biết dùng vào đâu mà tin?” Người thanh niên trẻ cười, ngẩng nhìn bức tranh trên tường, đưa đầu ngón tay chạm vào nét mực đen nhánh. “Anh Huệ nhận ra thư pháp của tiên chúa?”

“Nét vẽ thì ta không rõ, nhưng chữ viết thì ta nhận được. Người trong triều nào cũng phải nhìn thấy mấy lần.” Nâng tách trà ngún khói lên môi, thanh niên mặc cẩm bào lơ đãng trả lời. “Hoắc gia có thứ này trong nhà, giống như kim bài miễn tử.”

“À, thế…” Người thanh niên trẻ như định hỏi rồi lại thôi, chỉ chăm chú quan sát bức tranh dài chừng một sải. Tranh vẽ cảnh cửa biển với thuyền lầu, vọng gác, vách núi quanh co, sóng lẫn với trời. Góc tranh có một bài thơ không đề lạc khoản, nét bút viết theo lối Chân, đơn giản hữu lực. Lại gần, dường cảm thấy bức tranh tỏa ra một mùi hương dìu dịu, không giống mùi mực, cũng chẳng phải mùi hoa.

Bức tranh này vốn không được treo, chỉ cuộn lại để trong hộp kín, có lẽ vì thế mà mùi hương vẫn còn lưu cữu. Trong cuộc khám xét Hoắc gia, người ngồi bên kia – Chưởng cơ Nguyễn Phúc Huệ - đã phát hiện ra nó, đem về Chiêm dinh. Mà người cùng đến với anh ta, Chưởng cơ Nguyễn Phúc Nhuận, tới bây giờ mới được thấy.

Đã biết là thủ bút của tiên chúa, anh còn đem về đây làm gì? Nguyễn Phúc Nhuận vốn có ý định hỏi. Lời anh ta chưa thốt ra hết, Nguyễn Phúc Huệ đã biết ý, liền mỉm cười.

“Ta vốn định xem ý Hoắc Phương khi đem bức tranh này đi. Nhưng y chẳng có phản ứng gì cả.” Thổi lớp khói trên tách, Nguyễn Phúc Huệ lắc đầu. “Thái độ của y cứ như đang xem kịch vui, ngồi chờ xem bọn ta làm gì được y vậy. Như chuyện bức tranh này, hẳn họ Hoắc đang chờ chúng ta hai tay dâng trả lại.”

Có thể phải thế thật, Nguyễn Phúc Nhuận quay đầu nhìn lại người anh họ, nhưng không nói ra. Anh ta bước lại ghế đối diện bên bàn, tự rót cho mình một tách trà.

“Hoắc Phương không phải kẻ nóng nảy hồ đồ, dù ta có phát hiện chứng cứ tạo phản trong Hoắc gia, y cũng cứ khoanh tay đứng nhìn thôi.” Nhìn lớp nước sóng sánh trong tách, Nguyễn Phúc Nhuận trầm ngâm nói. “Nếu chưa có ý của chúa công, y sẽ không làm chuyện bứt dây động rừng.”

“Nhưng hẳn y hiện thời cũng đã thấy nóng gáy rồi.” Nguyễn Phúc Huệ bật ra tiếng cười khẽ. “Ai chẳng biết thời thế thay đổi, thân phận cũng đổi thay? Tiên chúa che chở cho họ Hoắc để mượn tay quản người, nhưng đến đời sau thì có khi lại trở thành ‘Hoắc gia cậy thế được sủng ái mà làm loạn’. Chuyện y dùng tiền bạc nhúng tay vào Tàu Ty cục, thao túng mua quan bán tước, nếu bị truy cứu đến cùng thì còn lôi ra được bao nhiêu việc, từ buôn lậu hàng cho đến chuyển lậu người. Chưa cần đến mớ khế ước vay mượn, chiếm lậu đất đai, cầm cố bất hợp pháp…, ta chỉ cần gọi Hoắc Phương đến hạch tội một buổi, uy tín Hoắc gia đã chẳng còn gì. Ta có tha về thì người đòi nợ cũng kéo đến chật mấy dãy phố, ép chết y mà chẳng cần ta động tay.”

“Vẫn là còn phải chờ ý quan Trấn thủ và chúa công.” Mặt không đổi sắc, cũng chẳng thể hiện thái độ nào, Nguyễn Phúc Nhuận nhũn nhặn cười. Nguyễn Phúc Huệ đưa mắt nhìn qua anh ta, chỉ im lặng nhếch môi.

‘Ý của quan Trấn thủ và chúa công’, Nguyễn Phúc Nhuận nói, nhưng chỉ đúng một nửa. Quan Trấn thủ Chiêm dinh Nguyễn Đức Bảo là một cựu thần công lao to lớn đã được phong đến Tiến quận công, cũng khiến chúa phải e dè tôn trọng mấy phần. Dù vậy, Nguyễn Phúc Nhuận này tuy chỉ là một Chưởng cơ nhưng lại là con trai của cố công tử Nguyễn Phúc Thuần oai danh lừng lẫy một thời, từng ra trận cùng Nguyễn Đức Bảo. So về tình cảm cá nhân, ngay cả Nguyễn Phúc Huệ cũng không có tiếng nói với quan Trấn thủ Chiêm dinh bằng cậu ta. Sự có mặt của cậu ta ở đây hẳn chẳng phải tình cờ.

Dù quan Trấn thủ Chiêm dinh có ý gì, cũng phải vượt qua viên Chưởng cơ thân tín của chúa – điều mà cậu ta chắc chắn không thừa nhận.

Cậu ta chắc hẳn cũng không nói ra ý định của mình với kẻ thương buôn bên sông Hoài kia.

Cũng không định hỏi thêm, Nguyễn Phúc Huệ chống tay lên bàn, nheo mắt quan sát bức tranh trên tường. Nét mực đen thẫm dường như đang lấp lánh trong nắng hắt vào.

“Người nuôi chí cao mới là tạo phúc cho dân? Hay là ngược lại?” Chợt nhẹ cười, Nguyễn Phúc Huệ như nói với ánh nắng trên tranh, không nhìn đến người đối diện. “Vua Nghiêu Thuấn muốn nhường ngôi cho người tài chứ không phải con mình, người ta mới xem là minh quân. Đến Khải nối ngôi Vũ, người đời đã xem là đức kém đi một bậc. Mà nhà Hạ sinh ra, thiên hạ từ đó mới bắt đầu đại loạn. Một kẻ lên ngôi, cả họ làm vua. Cái gọi là chí hướng, chẳng biết mấy phần vì thiên hạ, mấy phần vì tư lợi? Rốt cuộc có kẻ nào làm vua mà lại truyền ngôi cho người họ ngoại đâu?”

“Quy chế đã sinh ra thế thì phải theo, không ắt sẽ loạn.” Nguyễn Phúc Nhuận vẫn khiêm nhường nói, tay khoanh trong áo. “Không phải có ngôi vua mới có người muốn làm vua, không phải vì có cái lợi mới có người tư lợi. Xưa nay nước chảy chỗ trũng, người nào cũng đều muốn làm theo chí của mình. Vũ cũng đâu phải muốn truyền ngôi cho Khải, là tự Khải khởi binh cướp lấy, cái lệ cho thiên hạ bắt đầu từ đó. Nếu không phải là người đánh giết người đoạt ngôi thì cũng là cha truyền con nối. Nước không thể một ngày không có vua, chính là đạo lý ấy. Không có vua, người người sẽ giẫm đạp lên nhau, từ cao đến thấp, nhà dột từ nóc rồi.”

“Em Nhuận còn nói thiếu, nếu không phải ở trong dạng ấy thì hẳn lại là loại rối gỗ bù nhìn, danh bài trưng lên cho kẻ khác làm vua, ví dụ như ở phương Bắc.” Nguyễn Phúc Huệ lành lạnh cười, lắc đầu. “Ta trách mắng chúa Trịnh, nhưng nghĩ lại, một tên chăn ngựa thì làm gì có thể nghĩ được việc ‘mượn thiên tử lệnh chư hầu’, đem giăng bức bình phong nhà Lê cho họ Trịnh? Căn nguyên sâu xa là từ lúc nào? Họ Nguyễn này nói mình trung thành với nhà Lê, nhưng là thật à? Năm nào Thái Tông mờ ám chết đi, Lê Nghi Dân giết Nhân Tông, bảo rằng Nhân Tông là con tư sinh của Thái hậu, rồi kẻ bị khép tội giết Thái Tông lại được minh oan vô tội. Như vậy, Thái Tông bị kẻ nào sát hại? Nhưng rồi trăm quan mượn cớ báo thù cho Nhân Tông, giết Nghi Dân, lập Thánh Tông, lòng trung thành của họ nằm ở đâu vậy? Hay là cái bè phái đã theo Nhân Tông ấy thấy không tin tưởng Nghi Dân, quyết không chịu thiệt? Thánh Tông minh oan cho người nhưng lại không truy cứu cái chết của cha, chẳng phải vì chính cái triều đình lập ngài ấy cũng là bọn họ?

“Ông Nguyễn Đức Trung phò vua lên ngôi, thân làm quốc cữu, họ Nguyễn danh thế không ai sánh được. Đến chừng Trường Lạc thái hậu bị Uy Mục giết chết, cũng lại họ Nguyễn làm binh biến, có phải vì Uy Mục đã giao lại quyền bính cho họ ngoại bên mình, truy diệt những kẻ có nguy cơ bị lợi dụng để soán ngôi? Bảo Uy Mục thất đức, Tương Dực có hơn gì, sao không ai phế bỏ, chống lại ngoài bọn dân đen? Đến khi Trịnh Duy Sản giết vua, đánh Trần Cảo, ổn định tình hình, họ Nguyễn lại quay sang đánh nhau với họ Trịnh. Triều Lê đại loạn, họ Mạc tiếm ngôi, lại là họ Nguyễn ở Thanh Hóa cầm hịch Cần vương. Kẻ đứng sau triều Lê từ thịnh đến suy, kẻ ‘ngoại thích’ lấy vua làm bình phong cho mình, tùy ý phế lập, lại chẳng phải là họ Nguyễn? Từ Thánh Tông cho đến Chiêu Tông, thậm chí có thể là cả Thái Tổ, Thái Tông, ở đâu chẳng có cái bóng họ Nguyễn phủ lên? Họ Trịnh bây giờ chẳng qua là nông dân thô mộc, tham quyền tham lợi không biết điểm dừng, bị ta ở đây mắng mỏ; chứ trong triều Lê này, từ kẻ được gọi là minh quân cho đến hôn quân, đều giấu những thứ có miệng mà không nói được. Nghệ thuật chơi rối gỗ sau ngai vàng, họ Trịnh cũng chỉ học lại mà thôi.[2]

“Việc trên đời thế nào là tốt, xấu? Quan trọng là biết giới hạn. Chuyên quyền để ổn định triều cương, làm những việc mà vua không làm được, đó là chuyện tốt. Tham quyền tham lợi để vơ vét cho mình, không nghĩ đến việc lớn, thế là có hại. Nhà vua nào cũng cảnh giác với ngoại thích, nhưng lại luôn cần có ngoại thích.” Nguyễn Phúc Nhuận chớp mắt, im lặng hồi lâu rồi chậm rãi nói. “Nhà vua rốt cuộc cũng chỉ là một người bằng xương bằng thịt, nào phải thánh thần. Sau khi họ Nguyễn bị họ Trịnh đánh lui về Thanh Hóa, triều Lê đại loạn, các tướng đánh lẫn nhau, không ai nghe ai, dẫn đến họ Mạc quyền ngày càng cao, cuối cùng đoạt cả ngai vàng. Thiên hạ chia đôi, loạn nối tiếp loạn. Người gọi ‘loạn thần’ vốn cũng là đa nghĩa, có thể là kẻ dẹp loạn, cũng có thể là kẻ gây loạn. Ngoại thích có thể là lấn quyền vua, cũng có thể là vây cánh của vua; có thể đoạt ngôi, cũng có thể giữ ngôi; có thể an định, cũng có thể gây loạn. Thời bình thì gọi là công thần thế gia, thời loạn thì bị gọi thành quyền thần tặc tử. Người ngây thơ chỉ biết trắng là trắng, đen là đen, đem tốt xấu gán vào trong chữ, mới không hiểu rằng kết quả trước mắt đấy là minh chứng, chứ nào phải là lời nói.”

“Mà có thể, họ Trịnh cũng chẳng làm sai.” Nguyễn Phúc Huệ cười nói qua bàn tay đặt hờ trên môi.

Nguyễn Phúc Nhuận đưa mắt nhìn lên, nhưng lần này không trả lời.

Nguyễn Phúc Huệ cúi đầu uống cạn trà trong tách. Ngồi quay lưng về phía cửa sáng, gương mặt anh ta khuất nửa trong bóng mờ. Nhịp đầu ngón tay trên thành sứ, đôi mắt vẫn không rời khỏi bài thơ trên bức tranh, Nguyễn Phúc Huệ gật gật đầu.

“Quan trọng là kết quả, chứ chính trị cũng chỉ là trò lừa gạt bằng lời nói thôi, phải không?” Nguyễn Phúc Huệ nói, rất nhỏ, dường như Nguyễn Phúc Nhuận cũng không nghe được. Như thể anh ta chỉ đang tự hỏi mình.

***

Khi tiếng trống thu không vừa dứt, người lính cuối cùng rời khỏi Hoắc gia trang, cánh cửa nặng nề từ từ khép lại. Hoắc Phương dừng chân dưới lan can trông ra khoảng vườn nhỏ, nhìn bóng chiều tím sẫm đang phủ xuống những bụi hoa cúc đủ dạng đủ màu được trồng xen với cỏ. Chập tối, các loài hoa đêm bắt đầu bung cánh, hương dìu dịu tỏa lan. Sen trên hồ đã tàn hết, để lại những cụm lá vàng rời rã. Con chim muộn bay lên từ dưới mái thủy đình, đập cánh lao xao.

Bóng tối phủ nhòa những vạt cỏ bị dấu chân giày xéo, những cành hoa nghiêng đổ, đá cảnh xô lệch. Những con chim trong dãy lồng treo dưới hiên sau mấy ngày xao xác sợ hãi đã mệt mỏi bơ phờ không buồn động đậy. Ngay cả bộ bàn ghế đá trong thủy đình cũng đã bị dời đi để kiểm tra. Đèn lồng chưa kịp thắp, chuỗi đèn treo từ buổi Trung thu đã đứt mất một nửa, đang thểu não lay động trong gió. Trong nhà, tiếng xôn xao vọng khắp các dãy phòng khi gia nhân sắp xếp bãi chiến trường mà toán lính lục soát để lại. Không đến mức như những buổi khám xét nhà cửa của kẻ bị cáo giác bình thường khác, toán lính dưới sự chỉ huy của hai vị Chưởng cơ thuộc dòng tông thất đã không đập phá đồ đạc, cướp bóc hay đánh người trong nhà. Tuy vậy, cuộc lục soát trong mấy ngày liên tiếp đã không để chừa lại một tấc đất phân gỗ nào chưa bị chạm tới.

Người trong nhà sau mấy ngày im lặng nặng nề đã bắt đầu vừa làm việc vừa lao xao ồn ào. Sự xuất hiện của toán lính từ Chiêm dinh khiến không ít kẻ kinh hãi, cả các thủ hạ, bạn bè của Hoắc gia từ nơi khác cũng đã chạy tới ‘tiếp ứng’, không phải chẳng có người định lao vào cản toán lính kia. Y đã phải ngăn tất cả bọn họ lại – một việc khiến y bận rộn đến mức chẳng có thời gian xem thứ gì đã bị phát hiện trong nhà. Hiện tại, y cũng chưa vội vào hỏi han, chỉ dựa vai vào cột lan can mà nhìn hoàng hôn chuyển dần vào tối trong mảnh vườn và chiếc hồ nhỏ. Bầu trời phản chiếu trên mặt hồ loáng thoáng sắc tím xanh rạng rỡ, nhanh chóng biến thành một dải sương xám buồn bã. Một con nhái nhỏ bằng hai ngón tay nhảy qua mấy chiếc lá sen tàn, rơi tõm xuống nước. Bầu trời trên mặt hồ lập tức biến hình loang loáng ánh đèn nhòa nhạt.

Có lẽ vì mải nhìn theo con nhái, y đã không để ý đến phía sau, chợt ngoảnh lại khi cô gái còn cách y khoảng vài bước chân. Hiểu Lam bê một khay trà nhỏ trong tay, thấy y liền cười.

“Hoắc bang chủ, uống trà không?” Vừa nói, nàng vừa đặt khay trà xuống lan can, lấy cái ly nhỏ đang đeo bên hông chứ không dùng ly trong khay. Nàng vốn rõ y không thích dùng chung vật dụng với kẻ khác.

“Cám ơn.” Đón ly trà nóng mà Hiểu Lam đưa tới, Hoắc Phương nhẹ giọng gật đầu. Mấy ngày này, khi y bận rộn tiếp khách bên ngoài, Hiểu Lam là người canh chừng việc lục soát bên trong. Sự việc xảy ra khiến người đều bối rối, chỉ có Hiểu Lam nhanh chóng phân cử những cô gái tùy tùng của mình tỏa ra các phân viện, sắp xếp trấn an người, tiếp đãi quan quân. Nàng mềm mỏng lịch duyệt, tư thái đoan trang, cũng khiến người khác vừa vì nể vừa tôn trọng mấy phần, không gây khó dễ. Nhấp môi, y lại hỏi. “Bọn họ nói gì không?”

“Không.” Hiểu Lam lắc đầu. Hai vị quan rút đi, toán lính sau một ngày canh gác trong nhà cũng được lệnh lui về Chiêm dinh, chẳng ai tỏ một thái độ nào. Ngay cả với những rương hòm mà họ khiêng khỏi gia trang. “Quản gia đã ghi lại những vật bị tịch thu, giờ đang kiểm kê những đồ bị mất một lần nữa xem còn sót gì.”

“À…” Hoắc Phương thở ra rất khẽ, như định nói rồi lại thôi. Biết những thứ bị tịch thu sẽ cho y biết cách đối phó với những câu hạch hỏi, chứ không phải là tình trạng sắp tới. Tránh được tội chết chứ khó tránh tội sống. Chỉ nội việc bị quan quân tràn đến xét nhà cũng đã là vết nhơ khó tẩy. Nhất là, vị quan ấy thậm chí chưa cần hỏi ý thượng cấp để làm việc này. Trong sự lo lắng của các thủ hạ và đồng bạn, y linh cảm được không ít ý hả hê và dò xét. Lúc này, hẳn mọi kẻ đang dỏng tai chong mắt chờ đợi hành động tiếp theo của quan Trấn thủ.

“Chưởng cơ Nguyễn Phúc Nhuận là người của chúa công, hay ta đến hỏi ý thử?” Cúi đầu một lúc, Hiểu Lam nhỏ nhẹ đề nghị. Hoắc Phương ngẫm nghĩ rồi lắc đầu.

“Lúc này trăm ngàn ánh mắt đang nhìn, đừng đến tìm anh ta vội.” Vả lại, y nghi ngờ rằng Nguyễn Phúc Nhuận đã chẳng ngăn cản quan Trấn thủ cho lính đến Hoắc gia. Nói là chờ đợi hành động của quan Trấn thủ Chiêm dinh, chẳng bằng thẳng thắn rằng đó là chờ đợi thái độ của Nguyễn Phúc Nhuận.

Dù y đã từng trà rượu vài cuộc, hàn huyên đôi lúc, hợp tác mấy dịp với chúa Nam Hà hiện tại, cũng chẳng thể cho rằng cậu ta sẽ che chở Hoắc gia theo cái cách mà cha cậu ta đã làm.

Nhất là khi y mất dấu Như Yên, không thể tìm ra bóng dáng nàng ở đâu.

“Như Yên cô nương đâu rồi?” Hiểu Lam cũng có cùng điều suy nghĩ với y. Hoắc Phương lại lắc đầu. Sau mấy ngày ăn no uống đủ ở Hoắc gia, Như Yên liền biến mất, thay thế bằng toán lính đến từ Chiêm dinh – vì một tai họa mà nàng ta là kẻ gây ra. Y đã đợi, nhưng Như Yên còn chẳng cho người tới đánh tin. Và rồi, trong y đang có một nghi hoặc ngày càng lớn: Y đã lại trở thành món tế thần của tiểu yêu này.

Nhưng đây không phải là những trò chơi vô thưởng vô phạt ngày xưa. Lần này, y có thể sẽ phải trả giá rất đắt. Y cũng chẳng nghĩ nàng ta xem đây là một trò vô thưởng vô phạt.

Từ Quy Ninh trở lại, nàng ta đã mang theo nhiều mưu tính mà y không lường được. Cái thế lực đứng sau nàng ở Quy Ninh, cái thế lực mà nàng đang muốn nhờ cậy lẫn thao túng, dù là Linh lão hay Ngụy lão, cũng đều có chung một ước muốn: Hất Hoắc gia khỏi Quy Ninh, Phú Yên, Phan Rang. Chiêm Dao Luật muốn tranh thủ sự ủng hộ của bọn họ, Như Yên hẳn nhiên cũng không để yên. Một lời hứa xa xôi chẳng bằng cái lợi ngay trước mắt, nàng ta muốn ra tay triệt y ‘làm bằng’ cũng chẳng lạ. Mà điều kiện Chiêm Dao Luật đặt ra cũng chỉ để Như Yên thuận nước đẩy thuyền. Nàng biết rõ quan hệ của y với những lực lượng tranh tối tranh sáng, những thế lực mà nàng cũng có phần góp chân vào. Nàng biết rõ đường đi nước bước trong gia trang này. Y đã bị tung hỏa mù mới không nghĩ ra.

Đúng hơn, y vốn chưa bao giờ nghĩ, Như Yên sẽ dồn y đến chỗ chết. Y đề phòng nhiều kẻ, ngoại trừ nàng.

“Dù có bị theo dõi, ta cứ đến thăm dò ý quan Trấn thủ một phen, cũng là chuyện bình thường mà.” Sau một hồi nghĩ ngợi tính toán, Hiểu Lam nói. “Ông ấy ở Chiêm dinh đã lâu, với chúng ta cũng đâu phải là người lạ, lễ tết vẫn đưa quà mừng nhau luôn. Dò xem thái độ của ông ấy thế nào, chúng ta có thể thừa cơ định liệu…”

“Chu cô nương,” Hoắc Phương chợt mỉm cười, ngắt lời Hiểu Lam. “Cô đã đến đây bao nhiêu năm rồi?”

“Hình như là bảy, tám năm.” Hoắc Phương nhè nhẹ gật đầu, nụ cười lành lạnh vẫn phảng phất trên môi. “Có còn nhớ, lúc ấy ta đã hỏi: Cô đến đây để làm gì? Như Yên cũng từng bảo, cô ngốc quá.

“Lúc ấy, hình như ta đã nói: Con người chỉ có thể quan tâm đến mình trước tiên. Cái gì là thân nhân, đồng bạn, thậm chí cả huyết thống, cũng chẳng theo ý mình muốn được. Nếu ta không hợp ý người, người cũng sẽ chẳng theo ý ta. Nhưng người ta vẫn đối với nhau đầu môi chót lưỡi, vẫn che giấu ngọt nhạt với nhau, chưa đến lúc lật bài thì chưa biết mặt. Thứ cô cần biết không phải là thái độ hiện tại của họ đối với mình ra sao, mà là mình có giá trị gì với họ. Mục đích, động cơ, lý do, hoàn cảnh, tâm tính, lựa chọn… cô phải nhìn được những điều ấy để tìm ra sự thật, không phải là mấy lời nói gió bay.” Đặt ly trà xuống khay, y không nhìn đến Hiểu Lam mà hướng mắt lên khoảng trời đã đổi màu tím sẫm, bóng tối đã lan đến đám cỏ dưới hàng hiên. “Chẳng phải là họ phản bội cô hay gì hết, chỉ là vì cô không nhìn ra, hiểu lầm mục đích hay lựa chọn của họ đấy thôi. Mai này, khi cô về Vân Nam, gặp lại những người cũ, cần phải thuộc điều đó nằm lòng mới được.”

“Bang chủ…” Hiểu Lam chớp mắt, nhìn lên Hoắc Phương. Y vẫn đang mỉm cười, nụ cười mềm mại nhu hòa, không hướng về ai mà cũng chẳng dành cho ai.

“Cây cao gió lớn, biển rộng sóng nhiều, muốn bảo toàn lấy thân thì ta cũng nên học Tào Tháo rút về Quan Trung xây Đồng Tước đài đi vậy.” Hoắc Phương nghiêng đầu nhìn xuống Hiểu Lam trước khi quay lưng đi về gian nhà chính. “Chiến cuộc phức tạp, quan hệ của ta với Bái Nhật giáo Chiêm Thành không chừng cũng trở thành gai trong mắt người.”

Khi chiến tranh xảy ra, khi đã có kết quả, quan hệ của y với Oc-nha That cũng sẽ đổ vỡ, kéo theo là mối quan hệ với toán người tại Vân Nam. Sở dĩ y vẫn còn lưu dùng toán người tại Vân Nam chỉ vì muốn mượn thanh thế họ liên lạc với Bái Nhật giáo phương Nam. Một mối quan hệ vừa quá nguy hiểm vừa không đem lại lợi ích nào trong ván cờ sắp đến.

Y là một thương nhân, thành thạo theo ý người mà hành động. Có những cuộc trao đổi thua lỗ vẫn nên làm.

Đèn hành lang chưa thắp, Hiểu Lam vẫn chăm chăm nhìn theo bóng áo màu khói lẫn vào thứ ánh sáng nhức mắt hắt từ phía bên kia nhà. Y không còn mặc tang phục, nhưng dáng vẻ chừng ấy năm vẫn không đổi khác.

Y luôn luôn đi trước, không bao giờ nhìn lại phía sau.

 

 

 

Chú thích:

[1] Bài thơ của chúa Nghĩa viết về cửa biển Tư Hiền, dịch nghĩa:

“Thuyền lầu đánh trống đến Ô Long,
Hai trăm năm sông núi này hiểm yếu.
Núi dựng giăng ngang xanh vời vợi,
Bên trời sóng vỗ biếc trùng trùng.
Di tích tiên triều còn lưu lại,
Mưu hưng Nam quốc giấu đã lâu.
Lòng biển bao dung nhơ lẫn tạp,
Trên đời không đâu chẳng triều tôn.”

[2] Họ Trịnh của Trịnh Duy Sản giết Lê Tương Dực, đánh nhau với Nguyễn Hoằng Dụ trước đó không phải là họ Trịnh của chúa Trịnh sau này.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.