Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 30: Chân giả
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" June 25th, 2012

Trong giấc mơ, sắc đỏ loang mãi như ánh dương đổ về trên biển cả.

Như sắc đỏ của ngày hôm ấy, buông lơi trên những nhánh cây mềm, hàng trăm bông hoa nở rực trên hàng rào và bức tường đá, phản chiếu loang loáng trên mặt nước, chói chang trong nắng. Sắc đỏ khiến mắt người nhìn cũng phải nhòe đi, khiến y mất một khoảnh khắc mới nhận ra người đang đứng dưới tán hoa, sắc áo phản chiếu trên mặt hồ thành một mảng đỏ tươi rực rỡ.

Trong khoảnh khắc, y đã đột nhiên nhớ đến một câu thơ cổ: Hơi ấm chạm lên cổ áo thơm man mác, Mai cứng liễu già cũng chẳng thể đọ hương[1]. Duy nơi này không có hoa đào, chẳng có mùi hương, người đứng kia cũng chẳng thể kể là mỹ nhân. Ngoại trừ màu áo đỏ đến chói chang trong nắng, cô bé con vẫn chẳng đổi khác sau lần đầu tiên y nhìn thấy. Mái tóc xơ cháy nắng được chải gọn thành hai bím mỏng vẫn còn cứng ngắc. Thân hình vừa nhỏ vừa gầy trong lớp áo dường hơi rộng. Chân một thẳng một cong tựa vào giàn hoa như lung lay không vững. Hình ảnh, hơi nóng, hoàn cảnh lẫn cảm giác đều không có gì từa tựa như một mùa xuân thơ nhạc. Nhưng sau này, y mang máng nghĩ ra, rằng có một thứ gì đó gọi là linh cảm.

Như những câu hát vọng ngân nga dưới mái hiên năm ấy, không hiểu sao vẫn ở lại mãi trong ký ức y.

“Tận nhật vô nhân nghi trướng vọng, Hữu thời khinh vũ xạ thê lương. Cựu sơn sơn hạ hoàn như thử, Hồi thủ đông phong nhất đoạn trường.[2]

Nhưng đó lại là một chuyện khác, lâu rất lâu về sau. Còn cô bé đứng dưới giàn hoa của buổi sáng hôm ấy lại rất xa với những gì y nghĩ về nàng sau này. Qua nhiều năm tháng, y không còn nhớ rõ những gì mà nàng và y đã nói – khi y lúc ấy lo lắng nhiều đến việc đối phó với những câu hỏi hơn là thực tâm trả lời. Y chỉ nhớ, giữa câu chuyện, cô bé ngẩng đầu nhìn y, cười mà hỏi.

“Ngươi mang theo đao, vậy đã từng giết người chứ?” Đôi mắt trong như hồ thu, khóe miệng cười đã có mấy phần phong tình, hoàn toàn không ăn nhập với những gì nó đang nói, và sắp nói. “Lần đầu giết người, cảm giác thế nào?”

“Bất đắc dĩ.” Im lặng một lúc lâu, y khẽ khàng trả lời. Ánh sáng trên mặt nước kia đang phản chiếu trong đôi mắt cô bé đối diện khiến y có một cảm giác kỳ dị. Cô bé cười, rạng rỡ thêm vài phần. Rồi nó chau mày, nhìn lên những bông hoa đỏ đung đưa trên đầu, rồi ánh nắng ngập bầu trời xanh cao vút.

“Chứ không phải là muốn giết tất cả bọn chúng – Những kẻ ngáng đường?” Nó hỏi, nhưng chẳng rõ câu hỏi hướng về ai. Do đó, y không trả lời.

Đêm ấy, y cũng đã nhìn thấy vết thương trên người đàn ông nọ. Và câu nói giữa tiếng thở đau đớn mang thanh âm của một đứa trẻ, sau cái cười ngắn khô khốc, vọng lên từ lồng ngực y.

Nhưng y chưa từng phiền lòng hay ghét bỏ nàng, chưa từng đánh giá hay sợ hãi, cũng vì một vài lý do. Như là, trong việc ấy, nàng nói đúng.

Lần đầu tiên, nàng hỏi. Như mọi khi, y đã không nói thật, tuy đó là một phần sự thật. Tuy y cũng không rõ thế nào mới là sự thật. Nàng muốn hỏi về cảm giác, phần yếu ớt nhất trong y. Vả lại, nói cho cùng, thứ cảm giác trong hồi ức được lọc qua tầng tầng thời gian và sự kiện, vốn là thứ người ta cảm thấy hiện tại hơn là sự thật trong quá khứ. Câu hỏi của nàng đã khơi mở đúng phần sự thật ấy, nên y chẳng có gì để nói.

Y vẫn còn có thể nhớ điều gì đã xảy ra. Sau khi rời khỏi Lôi Châu, bọn y đã đến ở trên một hòn đảo của Nam Hải, một trong những căn cứ quân nổi dậy thiết lập giữa biển để tránh sự truy lùng của triều đình Mãn Thanh. Bọn y không phải ra trận, chẳng ai cần những đứa trẻ chưa đến mười tuổi phải ra trận. Nhưng cuộc sống giữa biển khơi rất không dễ dàng. Tay y đã nhuốm máu trước khi chạm đến cái mốc mười tuổi ấy.

Đến bây giờ, y cũng không rõ con thuyền kia của nhóm người nào. Biển khơi vốn không của riêng ai, và qua một trận gió lớn, con thuyền chở bọn y đã rời quá xa khỏi khu vực an toàn. Mang danh là con trai thủ lĩnh, y đại diện đi trông coi một chuyến thuyền thu gom tiền bạc của nhóm cấp dưới. Bọn hải tặc vốn thính nhạy mùi tiền xuất hiện giữa biển không phải là điều lạ. Chỉ là lúc ấy, vừa qua một trận bão, thủy thủ trên tàu y rơi xuống biển một số, tàu cũng đã chịu không ít thương tổn, thuốc súng bị mưa dội ướt sạch. Người trên tàu chỉ có thể cầm đao kiếm trong tay mà giương mắt chờ đợi bọn hải tặc tiếp cận nhảy lên sàn. Trận chiến nổ ra không cần một lời nói.

Là trẻ con, bọn y đã được đưa về khoang tàu kín. Nhưng đó cũng là mục tiêu mà bọn hải tặc nhắm đến khi lùng tìm tiền tài vật dụng. Vài tên hải tặc thiện chiến nhanh nhẹn đã sớm đánh bật được người bên trên mà chuồi xuống dưới. Chẳng mấy chốc, bọn y đã nghe tiếng chân nhảy xuống bậc thang gỗ.

“Núp sau cửa.” Thảy cho y một thanh đao dài hơn nửa chiều cao của y, hắn nói như ra lệnh, bản thân đã nhảy lên xà gác trên của khoang tàu. Ở căn cứ này, vẫn là hắn có nhiều thời gian lẽo đẽo theo quân tướng đi tập trận đánh nhau khi y buộc phải học tập binh pháp trong tướng doanh. Lần đầu thực trận, y chỉ biết nghe theo lời hắn. Y vừa dựa lưng vào khoảng tường gỗ, cánh cửa khoang đã bị đá tung, gần như đập vào y đang núp phía sau. Y vội đưa thanh đao dài ra đỡ, nghe tiếng va đập rền tai.

Nhưng đám người mới xông vào không có thời gian để ý đến tiếng động sau cửa. Khi từ trên xà nhà, mấy mũi giáo tre nhằm thẳng bọn chúng mà lao xuống. Tre vông rỗng ruột được vót nhọn vừa nhẹ vừa hiểm độc, có thể đâm xuyên qua con cá lớn trơn bóng dưới đáy nước, kẻ ra tay lại chẳng chút nương tình. Cánh cửa vừa hé, y đã thấy hắn ngồi trên xà khoang, dùng cả hai tay cầm thanh tre đâm thẳng xuống. Mũi giáo tre xuyên qua thân người mạnh đến mức không thể rút ra, hắn liền buông tay, với lấy thanh kiếm dài bên cạnh, nhảy xuống mà dùng cả sức nặng của bản thân lao vào kẻ còn đang ngơ ngác ở bậc cửa. Máu phun vào y đứng ngây người cạnh đó, nhuộm đỏ cả khuôn mặt hắn. Trên khuôn mặt đỏ quạch, ánh mắt hắn càng khiến y lạnh cả người.

Không phải là sát khí, hắn tuyệt nhiên chưa từng để lộ sát khí. Thứ khiến y sợ đến lạnh cả người lúc ấy và ám ảnh mãi về sau này là một thứ hoàn toàn khác. Ánh mắt trong trẻo lạnh băng, gần như là bình thản, trên một khuôn mặt nhuộm đỏ máu cùng đôi tay siết chặt thanh gươm vừa lấy mạng người, sau một loạt cái xác vừa đổ xuống quằn quại rên la – Đó là thứ cảm xúc gì?

Mãi về sau này, trên chiến trường nhuộm màu máu đỏ, điên cuồng trong chém giết, y vẫn thấy ánh mắt ấy. Ánh mắt vẫn như của đứa trẻ giết người không chút run tay ngày ấy. Ngay cả khi phản chiếu ánh đao rợn người chém tới.

Hắn không thể một mình đối phó với tất cả kẻ xông vào. Vẫn còn một tên hải tặc đứng ngoài cửa, điên cuồng rút đao chém tới. Thanh kiếm trong tay hắn giơ lên đỡ, nhưng chỉ là hình thức hoàn toàn vô tác dụng. Phía sau cửa, y vội nhảy ra, dùng hết sức bình sinh đâm thanh đao vào lưng tên hải tặc.

Đao rất sắc, cắm qua thân người như thể chặt gỗ. Y dường có thể cảm thấy xương cạ vào lưỡi đao. Độ ấm của thân người truyền qua thanh đao trong khoảnh khắc trước khi gã ngã xuống. Nắm chặt chuôi đao, y cắn răng rút mạnh, gần ngã về sau cùng với thanh đao. Máu từ vết thương bắn theo đao, rơi xuống y, rõ cả mùi tanh ngấy ngòn ngọt. Y không cảm thấy độ ấm của máu, khi thân người cũng nóng bừng bừng. Y chỉ nghe được tiếng thở của chính mình khi thân người run lên từ đầu đến chân. Tên hải tặc vẫn còn có thể quay đầu, chém ngược ra sau. Y vội lia thanh đao qua cánh tay gã, lưỡi đao va phải xương dội lại, không thể chém đứt tay nhưng cũng khiến gã buông đao. Máu từ vết thương trào ra, gã ngã xuống họp chung với những cái xác đang còn giẫy trên sàn. Hai bàn tay run rẩy của y nắm chặt thanh đao nhuốm máu, hướng ra cửa. Thêm một đợt ồn ào nữa, nhưng có vẻ thủy thủ của tàu đã đánh lui được toán hải tặc. Thấy không dễ ăn, đám hải tặc nhảy xuống thuyền rút đi, để lại mấy cái xác trên tàu.

Khi người phía trên chạy xuống, y vẫn còn nắm chặt thanh đao. Nghe tin đám hải tặc đã rút, y mới từ từ hạ nó xuống. Dựa lưng vào thành khoang một lúc nhìn thủy thủ thu dọn đám xác người, y thả ngón tay, để thanh đao rơi xuống sàn. Hắn đến bên, kéo y xuống dưới thuyền gột sạch máu trên người.

Y nhìn y phục đã bị máu nhuộm đỏ, không nói không rằng ném nó xuống biển. Bên cạnh y, hắn nhún vai.

“Ngươi cứ làm thế thì chỉ còn lá chuối che thân.” Hắn chỉ chỉ ngón tay về phía bộ trang phục vẫn còn lập lờ nổi trên mặt biển. Giọng điệu hắn đột nhiên khiến y phát giận. Nhưng y chỉ lầm lỳ ngồi im, không biết nói gì. Một lúc, lại chợt nghe hắn cười hì hì. “Hôm nay ngươi thật dữ dằn, điệu bộ như muốn xẻ đôi cả bọn lão Cẩu vừa chạy xuống.”

Y liếc mắt, vẫn làm thinh. Mặt biển xanh ngắt dưới thuyền khiến đầu óc y mông lung. Hồi lâu, y mới mở miệng.

“Ngươi đã đi đánh nhau ở đâu?” Y hỏi, và không chờ đợi nghe câu trả lời sau đó.

“Ta lúc nào cũng ở cạnh ngươi với Tuyết Nhi, đi đâu được?” Hắn nhún vai. Y nhíu mày, đã thoáng nghĩ rằng hắn nói dối.

Rồi sau đó, ngày nối tiếp ngày, năm nối tiếp năm. Việc này nối tiếp việc kia, trận sau kéo theo trận trước, giết chóc cũng trở nên quen thuộc như mùi của kiếm đao bên người, vị của nước biển đập dưới thân thuyền. Những trận chiến không có lựa chọn, những kết quả giết chóc được tung hô, những nhát đao được vỗ tay khen ngợi, những phần thân thể bị chặt ném treo lủng lẳng như thành quả, những hình thức tra tấn quái gở nhất mà người ta có thể nghĩ ra để áp dụng lên đối phương, những tàn khốc mù lòa đến hiển nhiên... Dần dà, khi đã tập quen với tất cả những điều đó, y không còn nhớ đến cơn xúc động ban đầu. Khi tập luyện môn võ mới, lãng quên trở thành phần tất yếu gắn liền với trí não, y thậm chí không còn chút bận tâm nào về điều đó.

Cho đến khi nàng chợt hỏi, bằng giọng điệu không biết hướng về đâu.

Sự thật, trong cơn nóng bừng bừng đến ù cả tai, y chỉ muốn được tiếp tục giết kẻ tấn công – bất cứ kẻ nào. Y chỉ muốn dùng lưỡi đao này đâm xuyên qua chúng như với kẻ đầu tiên.

Y muốn được giết chóc.

Vì điều này quá ư phi lý, y đã không thừa nhận.

Vì điều này được nói ra từ miệng của một đứa trẻ, y đã không thừa nhận.

Sau này nghĩ tới, y lại nhớ đến đám trẻ con – và cả người lớn - đã ném đá vào nàng đêm ấy. Thứ dã tính bộc phát do được dẫn dắt và khuấy động, có thể lan rộng và trở thành chân lý. Không chỉ là tình cảnh hung hiểm lúc ấy đã đốc thúc y hành động, cũng không phải là cảnh chém giết thường xuyên xảy ra xung quanh y đã trở thành quen thuộc, mà là ánh mắt của hắn. Ánh mắt trong suốt bình lặng, khi bàn tay không ngừng chém giết với sự hung tàn tuyệt đối. Hung tàn tuyệt đối – không chút run rẩy sai sót, không chút nương nhẹ hay sợ hãi, thậm chí, không có cả sát khí.

Đã từng có lúc, cái dáng vẻ này để lộ ra vết nứt – như với đứa trẻ câm nọ. Nhưng điều đó lại khiến y nghĩ, có thể vì đứa bé ấy trong mắt hắn giống với một con người hơn. Hắn nhận thức được nó, như với y hay Tuyết Nhi. Tất cả kẻ khác trong ý nghĩ của hắn hẳn chỉ giống cọng cỏ hay con gấu trúc, hoặc một hình thức nào đó mà y không hình dung ra được.

Nhưng nếu như vậy, thứ gọi là lương thiện trong sáng mà hắn tỏ ra đích thực là gì? Thứ hành vi ngẫu hứng bộc phát hay có sự tính toán rõ ràng, hoặc đơn giản chỉ là lớp vỏ của hắn? Dần dần, cùng với thời gian, y cũng đã không nghĩ nhiều đến nữa. Sau khi trải qua một số điều, người ta có thể bao dung thản nhiên hơn với kẻ khác. Dù có là lớp vỏ để hắn nương náu hay chỉ là một cách sống nhằm cứu vãn linh hồn thương tật, một niềm tin kỳ quặc hoàn toàn trái ngược với bản chất, một sự giả dối có thể lừa mị chính hắn – hắn tự lừa mị chính mình, thì cũng chẳng quan trọng. Chẳng quan trọng, cái cách mà người ta sống trên mặt đất, mỗi kẻ đều phải vá víu tựa vào chính mình mà đứng dậy. Niềm tin, dù ngây thơ hoặc phi lý; sự tốt đẹp, dù rách rưới hoặc giả dối; ngay cả trên mảnh đất phi luân lý với những giáo điều lật ngược so với những gì y đã biết, cũng đều cần thiết.

Đó là điều y đã nghĩ, trước đây.

Thế giới mà y cảm thấy, thật ra cũng chỉ là hình ảnh phản chiếu trên mảnh gương của chính linh hồn mình.

Rồi sau này, y lại nghĩ, mọi niềm tin đều ngây thơ và phi lý, sự tốt đẹp đều rách rưới và giả dối, mọi luân lý cùng đạo đức đều mang một mặt trái ngược như phía sau của tấm gương. Vì mọi kẻ đều cần và tin vào chúng, ắt hẳn lại có kẻ sử dụng chúng. Cũng lại sẽ có kẻ chẳng hề để tâm đến chúng.

Rồi sau nữa, y lại nghĩ về quá khứ với chút ít tâm tình khúc mắc. Y nghi hoặc, phải chăng khoảnh khắc ấy, y hành động chẳng phải vì hắn mà đích thực là do nỗi sợ hãi từ tâm can? Từ sợ hãi hóa thành cuồng loạn, từ cuồng loạn hóa thành giận dữ, từ giận dữ hóa thành thù hận? Một con thú hoang khi bị dồn đuổi sẽ mất đi tất cả tri giác mà giết chết tất cả những gì chạm vào nó, thậm chí, giết chết chính con non mà nó không có khả năng bảo vệ. Thứ phản ứng bản năng của loài dã thú khôn ngoan đủ để ước lượng và tuyệt vọng.

Trong sát na chạm vào ánh mắt ấy, thứ y thấy không phải là hắn, mà chính bản thân mình. Tấm gương và mặt nước đều không có tri giác, chẳng có màu sắc. Nỗi sợ hãi, cuồng dại hay giận dữ của y trong sát na đều dội ngược vào chính bản thân y, tăng thêm lên, phản chiếu lại lẫn nhau, bùng phát thành cả thế giới.

Vì hắn, nàng thì thầm, với sự đắc ý nho nhỏ không che giấu. Dù sự thật không phải như nàng nghĩ.

Sự thật như hình ảnh phản chiếu qua một tấm gương, thứ màu sắc được tạo thành từ ánh sáng soi trên lớp thủy ngân.

Sự thật là những giấc mơ đan xen hỗn độn. Như những giọt máu đỏ nóng rực đã bắn trước mắt y, rồi tan thành trăm đóa hoa nở trên bức tường xanh rì, soi xuống mặt hồ chói nắng. Một mảng đỏ tươi trên mặt hồ cứ thế mà loang mãi ra, bùng sáng trong ánh nắng đổ tràn mặt đất, bốc thành lửa cháy. Lửa cháy rừng rực trên mặt hồ yên lặng, thốt nhiên thu hẹp lại, đổ dồn vào nhau, hóa thành đôi mắt trong sáng đến lạnh lùng, điềm tĩnh đến trống trải. Đôi mắt ấy hướng về phía y, để y thấy bóng mình phản chiếu trong đó, trộn lẫn giữa lửa, hoa, ánh sáng và máu đỏ.

Vì sao, lúc đó, đáng lẽ phải là y thốt lên câu hỏi ấy.

Đã qua hết mùa xuân, gần tàn mùa hạ, loài hoa pơlang bắt đầu lả tả rơi. Dưới tàn cây, cánh hoa rơi đỏ cả trảng cỏ. Khi ngước mắt nhìn lên bầu trời qua những cánh hoa, y đột nhiên lại nhớ về những giấc mơ đến trong đêm. Những giấc mơ đi qua, để lại chỉ là thoáng thẫn thờ. Ánh dương xua tan bóng tối, để tất cả trôi đi thành hồi ức không mấy lúc nhớ về.

Ngươi biết cái gì, nàng hỏi, một trong vô số điều lừa mị nàng đã tạo ra. Sự hiện diện của nàng đã khuấy động tất cả. Nhưng một khi nàng đã biến mất, y sẽ lựa chọn điều đáng tin để ghi nhớ. Khả năng thích ứng của y luôn tốt. Sống đến ngày hôm nay, y cũng sẽ không vì sự hiện diện của một con người hay vì chút tình cảm mà suy sụp. Vả chăng, y không tin nàng, tất cả và toàn bộ, ngay cả những gì liên quan đến nàng.

Nàng đến bên y để gây xáo trộn, y hiểu rõ điều đó. Và y sẽ không cho phép nàng thành công.

Ký ức của mùa hạ, đêm đen, sắc đỏ và ánh sáng, bị gạt qua thành những giấc mơ. Y thi thoảng nghĩ về nó, nhưng không theo hướng nàng muốn. Đã có một điều khác phá vỡ đi những ảo ảnh mà nàng gây dựng. Sự hiện diện của hắn, thình lình giữa bóng tối và mưa dày, đã khiến y tỉnh lại. Khi đuổi theo bóng ngựa vào rừng tối, mỗi lúc một xa, mỗi lúc bước chân y dần chậm lại, y đã nhận ra – Y không muốn đuổi theo nàng.

Khi quyết định dừng chân, y không biết sau này có phải hối tiếc hay không. Nhưng một khi đã quyết định, y sẽ tiếp tục với con đường ấy.

Hoa pơlang đang tàn, sắc đỏ vẫn chói chang. Những cánh hoa khi rụng xuống vẫn chói chang tươi mới. Bao nhiêu năm, y vẫn không nhận ra thời gian tàn úa của loài hoa mọc rất nhiều ở đất phương Nam này. Như thể sắc đỏ đột nhiên ít dần rồi biến mất trên những tán xanh, ghi dấu sự trôi qua của những đợt nóng gay gắt mùa gió nồm, chuẩn bị cho gió bấc tràn về trên mặt biển. Người trên vùng đất sát với biển khơi đánh dấu chuyển mùa bằng gió.

“Mùa gió bấc sắp đến, hẳn chúng sẽ tới Panduranga sớm thôi.” Người phía sau chợt nói, tình cờ mà trùng ý nghĩ với y. Nhìn xuống trảng đồi phía dưới, Oc-nha That chậm rãi suy tính. “Nghe nói rằng ở Phú Xuân, Po Saktiray Depatih[3] đang thương lượng với chúa Nguyễn. Nếu anh ta chịu thuận theo An Nam, nhận lãnh một chức quan mà chúng phong cho để quản lý Panduranga thì sẽ được thả về.”

“Po Saktiray Depatih cũng chẳng có mấy lựa chọn.” Oc-nha That âm trầm nói tiếp, môi mím nhẹ. “Từ trấn Thuận Thành đổi thành phủ Bình Thuận, nếu để An Nam toàn quyền định đoạt Panduranga, cắt cử người của chúng tới, chẳng mấy chốc sẽ trở thành như Kauthara hay Vijaya.”

“Mềm nắn, rắn buông.” Y chỉ nhẹ nhàng đáp, dù câu nói chưa hẳn đã chính xác. Chúa Nam Hà đang thi hành một trò chơi tên gọi là ‘nhân-nghĩa’. Ép đối phương đến đường cùng, rồi lại ‘thi ân’ buông ra vài nhượng bộ, khiến mọi kẻ phải cam tâm thần phục. Vị chúa trẻ nọ đang siết dần sợi dây thòng lọng trong tay cậu ta, nhìn ngắm và chờ đợi.

Có những điều y có thể mường tượng được quá trình lẫn kết quả, nhưng không thể thay đổi hay tránh được, nhất là trong các thủ đoạn chính trị. Giả dối rất dễ hóa thành sự thật, phương thức hóa thành kết quả. Và hơn hết, thứ gọi là phản ứng cộng đồng rất dễ đoán ra nhưng hầu như không có khả năng thay đổi. Kẻ nắm thế thượng phong trên bàn cờ là kẻ có khả năng tác động đến số đông – cả tốt và xấu. Cả tốt lẫn xấu đều có thể sử dụng phục vụ cho mục đích riêng mình, nếu có khả năng xoay chuyển.

Y cũng sẽ nương theo sự xoay chuyển để tìm cơ hội cho mình. Để xem kẻ ngồi trên ngôi cao của triều đình Nam Hà kia còn nắm được đầu dây thòng lọng bao lâu. Cậu thanh niên trẻ măng ấy liệu có bao nhiêu sức lực để cầm cự không bị kéo giật đi?

“Po Saktiray Depatih trở về Panduranga cũng chẳng làm thay đổi bao nhiêu tình hình. Parik đã không còn gì, hoàng thân có về cũng chịu sự quản thúc của đám quan tướng An Nam. Nghe nói chúng còn định biến cả Panduranga thành đất An Nam, thay đổi hết phong tục.” Giọng Oc-nha That chợt cao lên bất thường. Y liếc nhìn ông ta, nhưng không lên tiếng.

Thay đổi phong tục? Điều mà ngay cả trên đất Quảng Nam tới Quy Ninh, y cũng không nhận thấy. Nhiều nhóm người Chiêm vẫn còn giữ phong tục của mình, ảnh hưởng tới cả dân An Nam đến sau. Rắp tâm thay đổi phong tục một mảnh đất còn chưa kịp phái quan quản thủ đến, lại là một trò phô trương thanh thế quá mức rồi.

Nhưng Oc-nha That không cho rằng đó là một trò đùa. Y cũng không nghĩ đó là một trò đùa.

Giả giả thật thật, đều chỉ là phương cách người lựa chọn.

 

 

 

Chú thích:

[1] Bài thơ Đào hoa của La Ần, đã được trích lại mấy câu trong Mẫu đơn đình. Nguyên văn: Noãn xúc y khâm mạc mạc hương, Gian mai già liễu bất thắng phương.

[2] Dịch nghĩa: Cạn ngày không người dường chán ngóng, Có khi mưa nhẹ bỗng thê lương. Núi xưa, dưới núi còn như vậy, Ngoảnh lại gió đông vẫn đoạn trường.

[3] Po Saktiray Depatih: Sử Việt gọi là Kế Bà Tử, em trai vua Bà Tranh.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.