Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 19: Rời bỏ
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" April 25th, 2012

Khi nàng đến, vùng đất nọ đang có loạn.

Đương nhiên, Panduranga đang hỗn loạn. Nhưng y không đưa nàng đến Panduranga, mà là vùng đất còn xa xôi hơn. Vượt sông, băng rừng, đi qua hoang mạc lẫn núi cao, đi qua các nẻo đường bí mật của dân bản xứ để vào sâu trong núi, khi được con voi thả xuống, nàng thấy trước mắt là một bản làng nhỏ nằm giữa rừng trùng điệp. Làng chỉ có hơn chục căn nhà sàn dài có mái cong vút nằm dựa vào sườn núi, một cánh đồng nhỏ trải bên làng còn trơ gốc rạ. Nhưng điều bất thường khiến nàng chú ý ngay lập tức là tiếng voi rống dội qua rừng, rất nhiều tiếng rống từ một đàn voi lớn nhất mà nàng từng thấy. Phải đến cả trăm con voi, kể cả voi con, đang xếp hàng hai đi vòng qua rẫy.

Nàng chưa bao giờ đến các bản làng sâu trong núi phương Nam, và trong một lúc lâu, nàng đã đứng ngây người nhìn đàn voi diễu qua trước mắt. Thấy con voi vừa đưa nàng tới, con đầu đàn giơ vòi rống như chào, kéo theo hàng loạt voi đực trong đàn. Những con voi vùng núi to lừng lững như cả một căn nhà, da xù xì dày sần từng cục như nắm tay, cái ngà được lau chùi chăm sóc kỹ lưỡng bóng lên trong nắng. Ngồi trên cổ voi mà không cần yên đệm, người quản tượng nhỏ thó gần như trần trụi lắc lư đầu nhìn xuống nàng.

Vì đàn voi, mất một lúc nàng mới nhận biết mình đang là mục tiêu chú ý của những người xung quanh. Đứng bên rào, một đám trẻ lõ mắt nhìn nàng. Mà cũng có thể là chúng nhìn đám đông đang đi về phía nàng. Một nhóm cũng phải gần trăm người, trang phục vừa Thổ vừa Chiêm rời khỏi căn nhà rông lớn nhất giữa làng mà đi về phía mấy người vừa tới. Vượt qua rừng, chỉ có Ngô Lãng đưa nàng đi cùng với hai người Man trong làng dẫn đường. Nhưng như thể cả làng đã đứng đợi sẵn bọn nàng từ sớm.

Thậm chí hơn cả một làng, Như Yên nghĩ thầm, nhìn về phía những người Chiêm hẳn theo đạo Hồi đang bước theo một ông già râu tóc bạc phơ chắc là già làng. Họ chỉ liếc nhìn qua nàng đang đứng cạnh con voi, rồi tập trung về phía Ngô Lãng, một người Chiêm làm nhiệm vụ phiên dịch cho y. Nàng nghe tiếng được tiếng mất khi gã hạ giọng quá nhỏ, dường như chỉ để mình y nghe. Một lúc lâu sau đó, y gật đầu, vỗ bên ngà con voi quỳ lâu đã bắt đầu đập vòi nôn nóng, ra hiệu cho quản tượng đưa nó về đàn. Gói đồ trên bành voi được ném vào tay nàng trước khi đôi ba cô gái xuất hiện, dẫn nàng về một ngôi nhà trong làng. Không ngoảnh lại một lần để dặn dò nàng, Ngô Lãng vẫn thì thầm to nhỏ với những người Chiêm trong khi đi về ngôi nhà lớn, dường như y có vẻ căng thẳng.

Chắc chắn y căng thẳng, nàng nghĩ khi vào căn nhà bên hông làng, nơi cửa sau nhìn xuống triền đồi dốc, xanh rì một màu cỏ. Màu xanh của đồng cỏ làm nổi bật lên những thân gỗ vừa được đem về để la liệt trên đồng, có vài căn chòi đã được dựng. Gọi là chòi vì chúng đơn sơ hơn hẳn những căn nhà rông bình thường, mái bằng phủ rơm cỏ. Đàn voi vẫn đi về phía rừng, còn những căn chòi trên đồng cỏ trống không, chẳng có một bóng người. Khi gió xao động, nàng thấy thấp thoáng như có ánh kim khí lóe qua cửa một căn chòi.

Theo số gỗ này, hẳn phải có thêm rất nhiều chòi nữa được dựng.

Cô gái bản ra dấu bằng tay, mời nàng uống nước và ăn thịt khô cùng muối ớt. Ngôi làng này có lẽ không theo tục di cư của một số tộc trong vùng, tự cày cấy lấy lúa gạo, nuôi trâu bò. Vừa qua lễ cơm mới, trên mâm của nàng có thêm ché rượu nhỏ. Đợi nàng ăn xong, họ trải chiếu cho nằm, rồi tất cả đến ngồi ở hiên trước nhà. Không thấy buồn ngủ, cũng chẳng thể hỏi chuyện mấy cô gái, nàng nhìn loanh quanh trong ngoài làng một lúc rồi ngồi xuống bên cây đàn làm bằng ống tre để trong góc nhà, lấy dùi mà gõ. Mỗi ống tre phát ra thanh âm khác nhau, đánh một hồi lâu, nàng cho rằng mình cũng đã nắm được âm nhịp của nó. Nghe tiếng đàn, mấy cô gái ngoài cửa ló đầu vào, nói líu lo với nhau bằng thứ tiếng nàng không hiểu. Đến khi nàng nghĩ rằng mình đã có thể đánh ra bài ra nhịp, y đẩy cánh cửa khép hờ mà vào. Hình dáng cao lớn của y đứng chắn gần hết cửa.

“Đàn này không thể chơi trong nhà.” Nhìn nàng khoanh chân ngồi nghịch cái đàn ống tre, y cau mày. Ngừng một thoáng, y nói thêm. “Ngay cả trong làng cũng không.”

“Vậy để đây làm gì?” Như Yên bĩu môi. Nhưng lúc này không tiện gây chuyện, nàng xếp hai cái dùi sang bên, nghiêng người qua đàn mà nhìn y. “Có chuyện gì thế?”

Không vội trả lời nàng, y đến ngồi trên chiếu mà nàng vừa ngồi dùng bữa, uống số rượu trong cái ché vẫn còn để lại. Nàng nhè nhẹ nhướn mày. Trước kia y rất ít uống rượu.

“Ta cần đi đón người.” Một lúc, y mới mở miệng. Nhìn thoáng qua nàng, y hạ giọng. “Sẽ có người của ta ở đây.”

“Nơi này ta không hay không biết tí gì, chạy ra ngoài thì chỉ làm mồi cho thú dữ, ta đi đâu được?” Hiểu ý y, nàng liền cười. Xoay cái vòng ngọc quanh cổ tay, nàng dùng giọng cợt nhạo ấy mà hỏi lại. “Có chuyện gì vậy?”

“Nam Hà đặt hạn triều cống.” Ánh mắt y rơi trên nàng lạnh như đêm. Như thể y cho rằng nàng đương nhiên phải hiểu rõ chuyện đang xảy ra. “Quá hạn không nộp, sẽ san bằng Parik.”

“Ta nghĩ nên nộp là hơn, nếu không đủ thì cứ xin khất, như Chân Lạp chẳng hạn.” Nàng cười nói, dù biết lời của mình hoàn toàn vô nghĩa. Người ta chỉ cần một cái cớ. Và không giống như Chân Lạp có thể dùng Chiêm Dao Luật để biến báo, với cuộc tấn công gây chiến trước của vua Bà Tranh, Chiêm Thành chẳng còn có thể thanh minh cho mình. Không giống như Chân Lạp, Nam Hà cần ít lý lẽ hơn với nơi đã trở thành trấn Thuận Thành.

Đã có nhà vua trong tay, việc quân Nam Hà tiến vào Parik chỉ là sớm muộn.

Một lần nữa, y không trả lời nàng. Nàng ‘khuyên nhủ’ chỉ để trêu tức y, hoặc để thăm dò. Nguy cơ quân Nam Hà tiến đánh, nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, nguy cơ bị thanh trừng trừ diệt nếu chống đối… Tất cả áp lực đang đè lên triều đình Parik lẫn Panduranga sức nặng không kể xiết.

Cống nộp – và chấp nhận trở thành trấn Thuận Thành dưới sự kiểm soát của Nam Hà. Một điều sẽ gây phẫn nộ ngay trong chúng dân – tất cả mọi người. Biến loạn sẽ xảy ra, và nếu như người ta muốn thanh trừng, chỉ cần một cái cớ cho tất cả. Quân Nam Hà vào Bal Canar, đồng nghĩa với biến loạn không thể kiểm soát.

Không cống nộp – và cố thủ thành trì cuối cùng Parik trước hai gọng kềm từ Bình Khang và Bà Rịa. Một việc không có khả năng. Không còn đức vua, hoàng tộc, bị chia rẽ bởi ý muốn được sống và bị lừa gạt bởi những gì triều đình Nam Hà đã hứa hẹn, ý chí chiến đấu của quân dân còn lại mấy phần? Ồ, đó là một trò chơi tâm lý gian ngoan từ triều đình nọ. Nắm giữ con tin, nhử miếng mồi phía trước, đặt tất cả cái trách nhiệm không tưởng vào trong tay đối thủ. Mọi kẻ sẽ có được một mảnh hy vọng nhỏ nhoi, như họ đã từng đánh đổi để có được; khi còn chưa thấy kết quả, họ vẫn còn tin.

Không cống nộp, thậm chí đến danh nghĩa để cố thủ Parik, bọn y cũng chẳng còn.

Dù sao, y cũng không ngạc nhiên với diễn biến này. Một phương cách quen thuộc, hẳn nhiên. Cũng là một hành động quen thuộc khi vị chúa trẻ vừa lên ngôi kia cần một chiến thắng lớn lao để củng cố địa vị cho mình. Sau khi tranh chấp với Trịnh được dàn xếp yên, Nam Hà đã đứng chững lại một thời gian khá lâu. Đủ lâu để nuôi dưỡng những tham vọng mới, cho những mầm tham vọng mới phát triển và lớn mạnh. Lập quốc khi vừa mãn tang cha, vị chúa trẻ đã phất lên lá cờ vừa chói sáng vừa thách thức, để dẫn đoàn người ấy đi. Một việc mà chỉ có tuổi trẻ liều lĩnh của cậu ta mới có thể làm.

Nhưng dù đã đoán trước, y vẫn còn rất cẩn trọng. Sai lầm có thể không đến từ mưu toan của Nam Hà, mà là trong chính triều đình Chiêm quốc.

Người của Oc-nha That vội vã cho gọi y về Parik, nhưng trong thời gian y vắng mặt, họ đã làm gì với cánh đồng phía sau làng này? Dựng nhà thì y còn có thể hiểu, nhưng dựng chòi ở tạm nhiều như thế? Người đưa tin không trả lời, chỉ bảo y đến Bal Canar tìm hiểu.

Có thể là Chiêm Thành định rút vào núi, như cách họ phản ứng với các cuộc tấn công của Nam Đảo, Chân Lạp trước đây, y thầm nghĩ. Nhưng như thế, tại sao Oc-nha That phải vội gọi y?

“Đừng làm chuyện điên rồ.” Uống cạn ché rượu, y nói trước khi đứng dậy đi ra ngoài. Nghe như có tiếng cười nhẹ tựa gió sau lưng y.

Mặc kệ nàng ta, y tự nhủ khi đi xuống thang gỗ, bước trên con đường đất đỏ bị chân voi giẫm bừa mà đi về phía đầu làng, nơi toán người kia đang đợi. Dù có để bản thân lọt vào tay bọn y vì lý do gì, chưa đến lúc nàng ta ra tay thì y vẫn còn có thể thả lỏng. Trên đường đến đây, nàng tỏ vẻ nghe lời, thậm chí còn thích thú nhìn ngắm những nơi mình đi qua như thể đang du ngoạn. Như thể đúng là nàng nhìn ngắm tất cả đang diễn ra với cặp mắt của kẻ rong chơi. Những loại việc này chẳng phải là trách nhiệm của nàng, nhưng nàng vẫn muốn lao vào, tự thân hành động chỉ vì ý thích liều lĩnh bản thân. Còn mục đích thật sự của nàng, dù nàng có ra tay hay không, y chẳng thể nào lường được.

Nàng đã muốn chơi đùa, y cũng chẳng ngăn.

“Ngoại trừ việc cá nhân, không để cô ta ra ngoài.” Y nói với trưởng toán người canh giữ. “Tốt nhất là cả những thứ cá nhân như nước tắm, ống nhổ, thau chậu cũng cứ đưa vào phòng cho cô ta.”

Ông già trưởng nhóm nhìn lên y với ánh mắt là lạ, nhưng cũng chỉ gật đầu. Con voi đã được đưa tới, y quàng gói hành lý còn chưa kịp nguội mùi nắng lên bành, gọi người quản tượng đưa về Parik.

Khi y đến Parik, vùng đất đã bị bao vây bằng nhiều lũy đất lớn nhỏ. Thấy đoàn người đến từ vùng Thượng đạo, sự cảnh giác có hơi hạ xuống, nhưng chỉ đến khi y chìa ra kim bài của Oc-nha That, những mũi giáo trên tay quân phòng, mũi tên đã lên dây trên những cây cung mới rời khỏi mục tiêu. Qua khu vực đồi núi, bọn y xuôi theo dòng sông đến thành Bal Battinon[1]. Khu thành trải dài hơn hai trăm dặm, tường cao sừng sững đến gần ba trượng nổi rõ trên khu đất bằng phẳng, từ xa nhìn như một ngọn núi nhỏ. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về con sông chảy qua mặt Bắc thành cuồn cuộn, hợp cùng vành đai cao bên bờ sông và những pháo đài đắp bằng đất và sỏi cao không kém tường thành bao quanh bốn góc thành một hệ thống phòng thủ vững vàng.

Những thành lũy luôn vững vàng hơn con người trong nó, ngẩng đầu, y nheo mắt trong ánh mặt trời từ biên phương đổ lại, nghĩ thầm khi nhìn cái bóng của thành lũy khổng lồ phủ trùm lên mảnh đất xung quanh nó. Vào mùa hạ, nắng gió ráp mặt khi trời vừa sáng. Khắp nơi vàng màu đất, màu cát, màu cỏ cháy, cả màu của những con sông. Rừng và đồng nằm lẫn với đá, cát rào rào trong gió. Những dãy núi biên Tây viền một dải xanh thẫm vào nền trời. Hai bên đường, xương rồng được trồng làm rào nhà và đồng ruộng thành các dải xanh hẹp thẳng ngay ngắn. Như những đồng cát dễ dàng tìm thấy khắp nơi ở đây, tất cả các cảnh sắc, cả cây, cánh đồng, nhà cửa và con người, tưởng chừng như có thể đổi thay cùng những cơn gió.

Đó là cảm tưởng của y khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất ven bờ biển này. Dưới ánh nắng tràn trề nhức nhối và màu vàng của cát, đất, dòng sông, của thành quách, đền tháp, nhà cửa, cây trái – và con người. Dưới ánh nắng và cơn gió, biển lại có vẻ vững vàng và xác định hơn là vùng đất bên cạnh nó, màu xanh ngút ngát mênh mông lại có vẻ chắc chắn an tâm hơn là các đồi cát chực chờ đổi thay mỗi giờ mỗi khắc.

Khu thành lũy mang màu gạch đỏ vàng truyền thống của Chiêm Thành vẫn sừng sững trong nắng, nhưng y đã kịp nhận thấy sự bất thường ở vùng đất xung quanh thành. Những đàn bò dê được chăn thả trên các cánh đồng ít tới hầu như không thấy bóng. Những đồng lúa đã qua mùa gặt đến mùa làm rẫy nhưng hầu như vẫn khan màu nước sánh cùng bùn. Bóng người vẫn thấp thoáng quanh các ngôi làng, nhưng sự sống hầu như chỉ bó gọn trong phạm vi ấy, ngoại trừ các toán quân cùng voi ngựa chiến vẫn lại qua trên đường. Dù trong thời chiến, cả dân chúng, triều đình hay quân lính cũng cần ăn uống, và sự bỏ mặc sản xuất làm việc này có dấu hiệu như thể còn có sự biến lớn hơn nữa xảy đến.

Người dẫn đường cũng giữ thái độ im lặng như kẻ đã báo tin cho y. Hàng quân lính canh cửa giãn ra để đoàn người bọn y vào thành. Không còn nhà vua để y vào yết kiến, người dẫn đường đưa y đến cửa sau cung điện, vòng qua khu ở của các trọng thần, đến thẳng nhà của Oc-nha That. Thấy y, người canh cửa tự động tránh sang bên mà không cần vào báo.

Do đó, y tình cờ chạm mặt Po Chongchan khi ông ta vẫn còn ngồi trong gian nhà chính nhìn ra sân. Nhìn những ly tách chén đĩa đang được dọn đi trên chiếc chiếu lớn giữa nhà, có vẻ như một cuộc họp vừa được tổ chức.

Po Chongchan không nhận ra y cho đến khi y kéo chiếc khăn trùm đầu xuống. Dù không mặc sarong giống đàn ông nơi này, y vẫn mặc áo khoác và trùm khăn lớn hầu như che kín mặt khi đi lại nhằm tránh những ánh mắt tò mò. Thấy y, chùm râu bên mép Po Chongchan khẽ giật, y nghe như thể ông ta đã ‘hừ’ một tiếng trong cổ trước khi đặt ly nước trong tay xuống.

“Lâu ngày không gặp, Po Chongchan.” Y chắp tay thi lễ trước, theo kiểu của người Hán. Lâu ngày không gặp, quả thật là Oc-nha That đã tránh cho y chạm mặt Po Chongchan bất cứ khi nào có thể.

“Tình hình phương Bắc thế nào?” Không có cả một cái gật đầu đáp lễ, Po Chongchan hỏi bằng giọng khàn khàn trong cổ. Ông ta lại mỉm cười. “Ta hy vọng rằng sẽ có kết quả khá khẩm hơn lần trước.”

“Kết quả lần trước không tốt?” Y nhướn mày, tự tìm chỗ mà ngồi bên kia phòng, chờ đợi Oc-nha That xuất hiện. Y thấy Po Chongchan cau mày, bên mép vểnh lên lần nữa, nhưng ông ta không nói thêm.

Lấy mạng một vị chúa của địch thủ, khiến các kế hoạch lấn xuống phương Nam của kẻ địch phải ngừng lại, hẳn nhiên không phải là một kết quả tồi. Sau này, bọn y phát hiện ra, trước khi mất, chúa Nam Hà đã ban sắc lệnh cấm người Tây dương lẫn những nhà truyền giáo của họ xuống phương Nam. Những người sống trên vùng đất này đều hiểu ý nghĩa của sắc lệnh ấy – Sự triệt tiêu mọi nguồn cung ứng, tiếp tế có thể đến từ biển cho đối thủ, khi có chiến tranh.

Đó là lý do y vẫn còn tồn tại được ở triều đình này, thậm chí có một thế lực nhất định trong nó. Cho đến khi nhà vua Bà Tranh quyết đem quân khởi chiến. Không đứng về phía nhà vua, từ chối một vị trí trong quân, y nhờ thế lực của Oc-nha That mà rời khỏi Parik, đi về biên Tây, đến khu vực của người Orang Đê[2]. Khi nhà vua thất bại, bị bắt trong tay kẻ thù, y liền trở về, không khó để lý giải thái độ của Po Chongchan lúc này.

“Ở đây thế nào?” Sau một lúc, y hỏi. Điều này y có thể chờ hỏi Oc-nha That, nhưng được nghe từ nhiều hướng vẫn có lợi hơn.

“Không ai còn muốn đánh.” Im lặng hồi lâu rồi Po Chongchan nói trong cổ họng. Y nghe như có tiếng răng nghiến vào nhau. Ông nhìn ra khoảng sân nắng chói mắt mà nói. Y thổi nhẹ lớp khói trên ly trà mà con hầu vừa đưa tới, cũng không nhìn ông ta.

Ngay cả quân nhà vua còn đại bại, liệu có thể trông chờ được gì? Tính mạng nhà vua cùng hoàng tộc ở trong tay kẻ thù, ai muốn hy sinh bọn họ? Và kẻ hy sinh nhà vua để trông chờ một cuộc tử thủ ở Parik càng khó khăn để nắm giữ tinh thần quân dân đang giảm đến mức thấp nhất này.

“Ta đã cho sứ giả đến điều đình với Nguyễn Hữu Oai, nhưng hy vọng rất thấp.” Tiếng nói vang trầm vọng đến từ cửa sau khi Oc-nha That bước vào. Gật đầu chào y, ông đến ngồi cạnh Po Chongchan, đưa cuộn giấy đang cầm cho con hầu đem sang phía y. “Sau việc với Chân Lạp, không ai muốn liều mạng.”

Sự chùng chình của quân Nam Hà ở biên giới Chân Lạp đã đẩy đoàn quân này vào tình thế cực kỳ khó xử. Vị Chưởng cơ Phò mã thay mặt chúa công ở chiến trường này tuyệt nhiên không thể có quyết định như Mai Vạn Long hay Nguyễn Hữu Hào ngày xưa, dù có thêm một trăm Chiêm Dao Luật.

Y mở cuộn giấy mà đọc bức thư Tổng binh Nam Hà gửi tới, với rất ít cảm giác ngạc nhiên hay thất vọng. Khi y buông cuộn giấy xuống, Oc-nha That đã vội hỏi ngay.

“Phía Tây thế nào?” Ông không thể giấu thái độ nôn nóng. Y liếc qua Po Chongchan cũng đang nhìn mình, hạ giọng.

“Skanda làm việc tốt.” Y dùng biệt hiệu của người thủ lĩnh trong núi mà trả lời, đặt ly trà xuống sập. “Mọi việc đều thuận lợi.”

“À…” Oc-nha That gật đầu, nhìn Po Chongchan rồi quay về phía y. “Vậy chúng ta đi được rồi.”

Câu này không rõ ông nói với ai. Chỉ nghe Po Chongchan thở ra một tiếng khùng khục trong cổ, không rõ là cười hay thở dài, lại nghe như tiếng nấc.

“Thôi vậy, ai muốn đi, phải đi thì đi thôi.” Ông nói, gật đầu, đứng dậy chào Oc-nha That mà cáo từ ra về. Nắng hắt cái bóng của ông tròn dưới chân.

Chỉ có cái bóng là thay đổi, y thầm nghĩ khi con voi đã đưa Po Chongchan qua cửa dinh thự. Xứ sở này, ánh nắng từ ban mai cho đến khi sập tối giống hệt nhau, chỉ có cái bóng là thay đổi.

“Lại có người đi.” Oc-nha That thở dài, lắc đầu. Gió đang thổi cát rào rào qua sân khi ông cúi đầu xếp mấy cái chén sứ sang bên. “Như bốn mươi năm trước.”

“Bốn mươi năm trước, nhà vua Po Nraup[3] thua trận, phải giao nộp Kauthara cho Nam Hà, rất nhiều người bỏ đi.” Bắt gặp ánh mắt y, Oc-nha That giải thích. Mấy cái chén sứ lanh canh dưới tay ông. “Họ bỏ đất mà đi, vượt qua vùng Orang Đê đến Ayutthaya. Hai trăm năm trước, khi thành Vijaya bị hạ, cũng rất nhiều người phải chạy nạn sang Chân Lạp. Người thì sợ bị trả thù, người thì không muốn bị người Việt cai trị, thế là dắt nhau đi.”

“Bây giờ ai sẽ đi?” Im lặng một lúc, y hỏi. Quyết định của người ở đây, y không thể xen vào hay thay đổi.

“Người Bani, đa số.” Oc-nha That lại thở dài. Y cau mày. Hiểu thái độ y, Oc-nha That gật đầu. “Rất đông, chừng năm ngàn nhà.”

“Như vậy…” Cái cau mày của y càng sâu thêm. Nhưng nhìn ánh mắt Oc-nha That, y quyết định không nói tiếp.

Điều đó lý giải được cho sự hoang vắng bất thường trên vùng đất này. Hàng vạn người đã sẵn sàng bỏ đi. Rời khỏi Panduranga.

Không còn nhà vua, không còn quan tướng, không còn binh lính, không còn cả dân chúng. Panduranga bỏ trống.

 

 

 

Chú thích:

[1] Theo nhà khảo cổ Henri Parmentier, thành này còn có tên là Ban Hanơn, là thành lũy của triều đình Panduranga từ cuối thế kỷ XV. Ngày nay di tích này mang tên thành cổ Sông Lũy, ở Bắc Bình, Bình Thuận. Từ thế kỷ thứ 4, người Chiêm Thành đã học được kỹ thuật luyện kim, xây thành của Trung Quốc thông qua một người gốc Hoa là Phạm Văn (Fan Wen).

[2] Đêgar: Cách người Êđê tự gọi toàn cộng đồng mình. Trước đây, dân tộc này được gọi là người Orang Đê, trước 1975 vẫn được gọi là Rađê. Người Êđê tự gọi mình là Anak Aê Diê, sau này đọc chệch đi là Anak Ê Đê, theo tên của vị thượng đế theo truyền thuyết là Aê Diê. Nhóm dân này được cho là từ Nam Đảo, vùng biển Malaysia – Indonesia tới, trước đây vốn sống ở vùng ven biển. Từ thế kỷ XIII, người Chăm từ những vùng đất bị chiếm đóng di cư lên ở cùng người Êđê cổ, tạo ra nhóm tộc người mới tự gọi là Anak Jarai, đây là nhánh lớn của tộc người Orang Đê cổ.

[3] Po Nraup: Bà Tấm.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.