“Hỡi Yang Apuy, Yang Atitiak, Yang Tanah Riaya, đã ban sự sống cho muôn loài. [1]
Cái gì tối tăm mù mịt nhất? Đó là tâm các người còn u tối.
Trên trần gian cái gì cao nhất? Đó là chính tâm các người được soi sáng.
Trên trần gian cái gì hèn hạ nhất? Đó chính là tâm các người chứa đầy gian ác, dối trá.
Trên trần gian cái gì bén nhất? Đó là lưỡi các người nếu nói sai, có thể hủy diệt hàng loạt hay cả một thế hệ.”
Cô gái vén tấm màn che cửa, nheo mắt nhìn ra ánh nắng bên ngoài, miệng lẩm nhẩm hát theo điệu nhạc vẳng tới từ nhà lễ kajang đầu thôn. Nhưng vẫn với âm điệu ấy, cô gái mặc trang phục Chiêm Thành hát bằng thứ tiếng Kinh rất sõi. Giọng hát trong vắt, thậm chí còn thoáng vẻ trẻ thơ khiến bài tụng mang một sắc thái kỳ lạ.
“Họ đang làm lễ mừng năm mới Rija Nưgar, cô có muốn ra xem không?” Giắt riềm tấm màn vào bên cửa, cô gái Chiêm Thành nói mà không quay nhìn. Đáp lời cô là tiếng cười khẽ vọng ra từ góc phòng. Người quấn tròn trong chăn xoay lưng về phía ánh sáng vừa hắt vào qua khe cửa, hất chăn lên đầu có vẻ như định tiếp tục ngủ. Thở dài, cô gái kia đến, đưa chân gạt tấm chăn sang bên. “Ban đêm cô làm gì mà ngủ đến giờ này?”
“Còn hỏi ta, đám người nào khuân gỗ rồi tụng kinh ỏm tỏi suốt đêm?” Giằng cái chăn lại, cô gái đang nằm ló mái tóc rối ra mà hầm hừ. “Lễ tiệc của cô, cô không ra lại ở đây làm gì?”
“À, ta vốn định vào báo…” Chớp mắt, cô gái Chiêm Thành kia vỗ gáy như thể sực nhớ ra. “Có người đến tìm cô.”
“Chính là người đưa cô đến đây.” Chỉ tay ra phía cửa trước, nơi tiếng đàn hát vẫn vang vọng, cô gái nói. Đúng như cô chờ đợi, người đang nằm lập tức ngẩng đầu, đôi mắt ngái ngủ chợt tỉnh như sáo.
Nhưng đợi đến khi nàng ta ra khỏi cửa phòng thì phải đến cả canh giờ sau. Thẩn thơ rửa mặt, chải tóc cho đủ trăm lần, ăn xong bữa sáng của ngày tết, tìm cho được đôi hài đã đá vào góc phòng đêm trước, nàng ta mới chịu đứng dậy theo cô ra ngoài. Có vẻ đã lâu không được tiếp xúc ánh nắng, nàng ta phải chớp mắt vài lần để làm quen với sự chói chang của đất trời phương Nam.
Đang là ngày lễ mừng năm mới của người Chiêm Thành, nhà lễ đầu thôn được dựng ngay ngoài khuôn viên khu phủ điện của chúa đất. Người trong palei hầu như đã tụ tập đầy đủ trong khoảng đất rộng, xung quanh người đàn ông mặc áo đỏ đang múa lễ theo nhịp trống kèn của các thầy cúng. Không đến gần đám đông, cô gái dẫn nàng ra khỏi cửa rồi lại rẽ ngoặt men theo bức tường ngoài phủ điện tới đồi đất cạnh làng. Bàng biển[2] mọc thành dãy che bóng rậm, cùng với đồi cát hợp thành bức tường thiên nhiên ngăn gió từ biển thổi vào. Đi qua dãy bàng biển đến đỉnh đồi, thấy triền đất thoai thoải dốc xuống khoảng đất rộng thênh dẫn ra biển. Từ nơi này nhìn ra, thấy biển chỉ là một mảng xanh ngút trong nắng chói.
Vì nắng, mất một lúc nàng mới thấy hình dáng người đứng dưới bóng của rừng bàng biển, ngược với nắng đang hắt vào từ rìa đất biên Đông. Áo khoác của y nhạt hơn màu trời, giữa bóng râm lại ngả sắc như khói. Cùng với dáng vẻ mảnh khảnh gầy gò, y trông như có thể bị gió thổi tan.
“Vịt ốm!” Chân vừa đặt lên sườn đồi, nàng đã lên tiếng gọi. Y quay đầu, nheo mắt như thể phân biệt nàng với cô gái bên cạnh. Ở nơi này, nàng đã đổi thành trang phục Chiêm Thành, tuy sợi dây talei tabak không được vắt lên vai mà buộc vòng xuống quanh hông cùng váy mở aban dành cho người già. Khi nàng lại gần, y nghe tiếng xủng xoẻng vang cùng từng bước chân nàng, tuy có vẻ không phải từ đồ trang sức.
“Chúng đối xử với ta thế này này.” Thấy ánh mắt y nhìn xuống, Như Yên liền đưa chân ra trước, cho y thấy sợi xích nhỏ khóa quanh hai cổ chân nàng. Bĩu môi, nàng hất cằm về phía cô gái đã đứng lại ở khoảng cách vừa đủ xa. “Theo ta từng bước không rời, thế mà còn sợ ta mọc cánh ở chân trốn mất.”
“Ngươi kiên nhẫn chịu đựng một chút.” Y lành lạnh nói, nhận được cái quắc mắt trừng trộ của cô gái trước mặt.
“Chịu đựng để qua được đận này, ta thề sẽ đào Hoắc gia trang của ngươi lên.” Khoanh tay trước ngực, nàng cười mà như rít qua kẽ răng. “Ngươi giỏi lắm, dám đem ta đi tế thần để giữ cái mạng vịt này.”
“Ta không đàm phán để ngươi ở đây, ngươi có thể đã bị đem tới Phan Rang cho Oc-nha That chọc mù một mắt trả thù rồi. Ngươi nghĩ người ở Phan Rang sẽ đón ngươi ra sao?” Vẫn giữ thái độ không nóng không lạnh, y lắc đầu. “Ngươi quá khinh địch hay ngươi quá ngốc vậy? Ngươi nghĩ Linh lão đầu là ai, Oc-nha That là ai, vùng đất này là nơi nào để ngươi mặc sức chạy lung tung khắp nơi?”
“Ai gọi ta tới Phú Yên đấy nhỉ?” Hất cằm nhìn ra phía biển, Như Yên cười nhạt. “Ngươi thông đồng với đám người Chiêm Thành, mà Linh lão cũng cần cái cớ để đá ta ra khỏi nhà, ta có ‘mất tích’ thì cũng chẳng kẻ nào phải chịu trách nhiệm, hay thật. Bây giờ hóa ra là lỗi của ta đã bị các ngươi lừa?”
“Ngươi bị lừa?” Khóe môi mơ hồ cong, y tựa vai vào thân bàng biển bên cạnh mà cười hỏi. Như Yên liếc mắt qua y rồi nhún vai quay đi, không trả lời.
“Có vẻ ngươi còn muốn tới tận Phan Rang.” Một lúc không thấy nàng lên tiếng, Hoắc Phương liền nói, hơi ngẩng đầu nhìn mặt trời đang lên cao. Gió khiến những cái bóng của các tán cây lay động trên khuôn mặt y, càng làm đôi mắt vốn thanh lãnh của y sâu tối. “Ta nhắc lần cuối, đừng làm chuyện điên rồ. Chuyện quốc gia đại sự của đàn ông, không cần ngươi nhúng tay vào.”
“Đừng có tự nghĩ tự suy rồi tự biên tự diễn thế.” Khinh mạn đưa mắt nhìn ra màu biển xanh ngọc bích sau cồn cát, Như Yên cười khẽ. “Ta ở đây là tù nhân của các người, các người muốn làm gì thì làm, lại còn giở giọng bảo ta muốn thế này thế nọ. Ta ở đây chỉ có cô nàng kia dò xét từng bước, còn bảo giở mánh mung được với ai?”
“Ta chỉ nhắc trước, để khi ta rời khỏi đây, không biết việc gì sẽ xảy ra.” Thở ra rất khẽ và ngắn, y lành lạnh nói. Như Yên quay đầu, nhướn mày nhìn y.
Y có thể đoan chắc, trong khoảnh khắc, mắt nàng ta đã sáng lên với điều mà y vừa nói.
“Kể ra ngươi đã rời khỏi Hội An cũng lâu rồi nhỉ.” Như Yên gật gật đầu, ngón tay điểm lên cằm. “Thôi về đi, kẻo Hiểu Lam kết hôn bái đường với người ta mất rồi.”
“Ngươi cứ dùng dằng ở đây, có việc lớn xảy ra thì ngươi chẳng có hai cái đầu để mất đâu.” Hạ giọng, sự cợt nhạo đột ngột mất rất nhanh, nàng nheo mắt. “Dù rằng thì chuyến này ngươi đi đâu về đâu cũng lành ít dữ nhiều.
“Ta đã bảo rồi, phải không? Ngươi nên mua một chức quan trong Tàu ty cục rồi rút chân ra đi. Lần này có ta ở đây để ngươi bán đứng, chứ lúc nhúng chàm thật rồi thì không ai gột tẩy cho ngươi được đâu. Vả lại…”
Như Yên nói, rồi đột ngột im lặng. Nàng lại nhìn về phía biển nơi chân trời xa. Bên cạnh nàng, Hoắc Phương chỉ nhẹ cau mày, không tỏ một thái độ nào trước điều nàng vừa nói.
Phía bên kia đồi đất, nhóm người Chiêm Thành vẫn múa hát trong lễ mừng năm mới của họ. Tiếng hát của đôi nam nữ đối đáp nhau vọng lại xào xạc trong những tán bàng biển.
“Cò bay trong buổi sáng tinh mơ,
Cò bay cò đậu trên đồng phù sa.
Cò bay trong đêm tối mịt mù,
Cò bay cò đậu trên đồng lúa xanh.”[3]
Như Yên cúi đầu, bất chợt để thoát ra một tiếng cười rất khẽ.
“Rốt cuộc thì ta cũng chẳng có tư cách hay khả năng gì để khuyên can ngươi. Ngươi còn giấu gì trong hồ lô, ta cũng không biết.” Nàng bĩu môi, đưa tay vỗ vai Hoắc Phương. “Thôi thì cố lên, đừng chết.”
“Ngươi khuyên ta hay trù ẻo ta đấy?” Hoắc Phương vẫn chỉ lành lạnh mỉm cười. “Ta để Xuân Tử ở…”
“Thôi, dẫn chị ta về Thương Trúc trang đi, đánh thuốc mê hay trói lại cứ việc. Để chị ta ở đây phiền phức lắm, chỉ sợ ta chưa mất sợi tóc nào mà chị ấy đã bị chém làm mấy khúc rồi.” Như Yên lắc đầu nói nhanh. “Ở đây ta vẫn còn có giá trị lợi dụng, chẳng ai làm gì được đâu. Vả lại… ta vẫn còn người.”
Câu nói cuối, nàng hạ giọng rất nhỏ. Hoắc Phương khe khẽ thở ra, ngoảnh nhìn đến biển rồi trở lại phía nàng. Tay y chợt đưa vỗ lên tóc nàng.
“Ta đã nói rồi, đừng ngỗ nghịch bày trò, biết không?” Y cười trước ánh mắt quắc lên của cô gái trước mặt. “Đến bây giờ, chỉ còn có ta lo cho ngươi…”
“Tốt thật, ta biết ơn quá luôn.” Như Yên rùng vai hất bàn tay y xuống. Nàng phẩy tay. “Nếu đến để từ biệt thì nói xong rồi, đi đi, đừng nhắc đi nhắc lại như ông già lẩm cẩm thế.”
“Ta với ngươi đều phải cố gắng mới được.” Như vẫn còn điều định nói, y mím môi nhưng rồi lại thôi. Thay vào đó, y lắc đầu nhè nhẹ. “Dù sao, vẫn có điều ta phải cho ngươi biết.”
“Ngươi từng nghe đến Gia Định?” Hoắc Phương hỏi, thấy Như Yên chớp mắt. Nàng nghiêng nghiêng đầu, cau mày như thể tìm lại ký ức. Một lúc, y liền lắc đầu, khẽ cười. “Đúng như ta nghĩ, chuyện gì y cũng kể cho ngươi, ngoại trừ nơi đó. Ngươi biết cả Trịnh Chi Long mà lại không biết Gia Định?”
“Ở Giang Nam?” Vẫn cau mày, Như Yên hỏi lại với đôi chút phật lòng. Trịnh Chi Long – và hầu hết những hiểu biết của nàng về biến động tại phương Bắc – đều do kẻ ấy kể lại, cung cấp cho nàng những thông tin chắc chắn là đầy đủ phong phú hơn hẳn tin đồn bên ngoài. Rồi có thể nàng đã quá ỷ y tin vào y mà không muốn tìm hiểu thêm – nói cho cùng, đó cũng chỉ là những mẩu chuyện xưa không quan trọng đối với nàng.
Nhưng Hoắc Phương đang ra vẻ như nàng là một kẻ mù chữ khi chưa hề nghe đến cái tên mà y vừa nhắc đến kia.
“Gia Định là một vùng đất ở Tô Châu, gần Côn Sơn[4], sơn lam thủy tú, phồn hoa đô hội, vốn là một vùng đất văn vật hưng thịnh, giàu có đông đúc, danh tiếng lan xa. Năm mươi năm trước, Thanh triều đánh Nam Kinh, Hoằng Quang đế phải Nam đào. Lệnh bắt cạo tóc phát ra, dân chúng Gia Định thành phẫn nộ đứng lên phản kháng, tất cả ba lần, huyết tẩy xương trắng thành, nổi danh ‘Gia Định tam đồ’ trong chúng dân Minh Hương không ai không biết.” Ánh mắt trong trẻo lạnh lùng của y dõi vào nàng như nhìn xuyên qua. “Khi Nam Kinh thất thủ, Huyện lệnh Nam Minh trốn theo vua, Thanh triều cử một viên quan khác tới, Tổng binh Ngô Chí Quỳ của Gia Định liền đem đội quân hơn trăm người, ban ngày thì phục ngoài cửa, ban đêm đốt đuốc truy lùng viên quan này, khiến hắn phải trốn đi. Thanh triều phát lệnh cạo tóc, hai chí sĩ là Hoàng Thuần Diệu, Hầu Động Tằng treo cờ ‘Gia Định khôi tiễu nghĩa sư’, kêu gọi dân chúng thủ thành. Nam nữ già trẻ toàn thành nhập quân kháng Thanh, các chí sĩ lãnh đạo phân trận mà giữ thành, phá bỏ tất cả cầu đường, lấy đá tảng lấp cửa. Thanh quân đến bao vây bốn mặt, tướng Thanh là Lý Thành Đống ra lệnh nã pháo vào thành, tấn công dồn dập. Dân chúng Gia Định ngoan cường phản kháng, chỗ nào thành sập thì lấy vải lót gỗ mà bịt, người nào thương vong lập tức bổ sung. Đánh đến hoàng hôn, đột nhiên mưa bão như trút, cuồng phong tối mịt khiến thành không thể thắp đèn, Lý Thành Đống cho quân xuống ẩn dưới kênh huyệt thành. Đến khi mưa bão ngừng, dân chúng ba ngày thủ thành chống bão đã sức cùng lực kiệt, Lý Thành Đống liền cho phát pháo công thành. Pháo động đất trời, nhà cửa tan nát, đá rơi như mưa. Rốt cuộc, Thanh quân phá được một góc thành, chen nhau mà vào. Hầu Động Tằng tự sát ở phía Đông thành, Hoàng Thuần Diệu tự sát ở cánh Tây, các đầu lĩnh đều chết hết. Thanh binh vào thành, như lối ở Nam Kinh, Dương Châu, tàn sát không ngơi tay, không kể lớn bé. Khắp thành xương thịt rơi rụng, tử thi nát bấy, nữ nhân có kẻ bị đóng đinh vào hai tay mà đem đi cưỡng bức. Ba ngày sau, xác chết ngập sông Tô Châu, thuyền đi không qua được, máu ngập dòng nước.
“Nhưng dân chúng Gia Định tiếp tục phản kháng. Nửa tháng sau, Thanh triều một lần nữa công thành. Nhân lúc sáng sớm, có kẻ Hán gian mở cổng thành, đưa quân vào tàn sát dân chúng thậm chí chưa ngủ dậy. Một lần nữa, thây phơi trắng thành.
“Một tháng sau, Tổng binh Ngô Chi Phiên đưa quân phản công chiếm lại Gia Định. Dân chúng lại tập trung trước Ngô quân, nhưng đội quân ô hợp chống không được quân Thanh. Lần thứ ba, huyết tẩy Gia Định thành – Trong thành không còn một mạng.”
Vẫn tựa vai vào thân bàng biển, y chầm chậm nói, thấy ánh nắng lưu chuyển trong mắt nàng. Khi im lặng, y dường như đã thấy một cảm xúc khó mà gọi tên ra thoáng qua gương mặt nàng.
“Chuyện này ta đã hỏi Oc-nha That, Oc-nha That hình như biết thông qua thân tín của kẻ đó, mà hình như cũng chỉ là kẻ xung quanh nghe ngóng hóng hớt được. Ông ta không rõ nội tình, chỉ nghe tai này qua tai kia, biết vậy thôi.” Ngừng một hồi lâu rồi y trầm lặng nói tiếp bằng giọng lành lạnh không rõ cảm thái. “Gia Định năm ấy là một cự trấn, khi Nam Kinh thất thủ, hơn mười vạn quân từ các trấn xung quanh cũng tập trung về. Nhiều thế gia bị diệt môn không còn lại gì trong thời gian đó, kể cũng khó mà biết ai với ai. Một chữ ‘Ngô’ không chắc đã phải là họ[5], ‘Lãng’ cũng không phải là tên.
“Ngươi… nhiều lúc ương ngạnh lại hóa ra nhẫn tâm, biết không hả? Mà quá đoan chắc vào mình để bày mưu tính kế có khi hóa ra là chọc vào tổ ong.” Hơi cúi người để nhìn thẳng vào mắt nàng, y nhẹ lắc đầu. “Bao nhiêu năm, cuối cùng thì đã hiểu chưa?”
“À… Cám ơn ngươi.” Cảm xúc mà y đã thấy trên gương mặt nàng rất nhanh biến mất, Như Yên cười lớn, vỗ tay lên má y. “Vũ khí lợi hại nhất của ngươi là nói dối, bây giờ không sử dụng được, nên ngươi đang dùng cách nói-thật đấy phải không?”
“Thôi, ta lại chẳng rõ tên vịt ốm nhà ngươi. Nếu không tin, ta để cho ngươi đem đến đây sao?” Hạ giọng, nàng thì thầm. “Lúc trước ta cũng chưa hề nghĩ, cuối cùng, người bên cạnh ta chỉ là tên bạn sẵn sàng bán đứng mình như ngươi.”
Ngươi lại chẳng từng bán đứng ta? Có thể, y muốn nói, rồi lại thấy hoàn toàn không cần thiết.
Khi từ giã nàng đi xuống triền đồi rào rạt gió, cát bay ran rát qua làn da, y dường như vẫn còn cảm thấy những ngón tay lành lạnh đặt trên má. Sự lo lắng trong y biến thành gần như là khắc khoải.
Ánh nắng ngút ngát trên biển xanh mờ như khói, trong một khoảnh khắc, đã gợi nhắc y về một giấc mộng cũ xưa. Tiếng cười vọng những lối trúc dày. Nắng xuân xanh nhàn nhạt len qua tầng tầng lá mỏng. Và những cơn gió lạc lối giữa muôn bức tường trúc chẳng tìm lại được lối ra nữa bao giờ. Và những giấc mộng đã lạc giữa thời gian, chỉ để lại tiếng thở dài hút hắt.
Y đã từng nghĩ nàng luôn ở đó, sau những lối trúc quanh co. Như một giấc mộng mà y vừa mơ ước vừa sợ hãi. Như một giấc mộng lúc qua đêm, nhớ lại cũng chỉ đủ để mỉm cười. Không ai thương tiếc một giấc mơ.
Trong cuộc đời vẫn trôi đi với muôn cơn gió giật lốc gào. Như thể mỗi lần đi qua đều là cuối cùng, mỗi ngày đều là khoảnh khắc của kết thúc.
Rồi y lại nghĩ, trong một khoảnh khắc hoang đường trơ trọi, rằng khi chạm đến cái kết thúc tận cùng kia, biết đâu, thứ y nhớ lại là một giấc mơ?
“Hoắc bang chủ bảo tôi chú ý giữ sức khỏe cho cô nương để chuẩn bị đi xa.” Khi dẫn nàng về palei, cô gái Chiêm Thành chợt lên tiếng. Nhíu mày, tay khoanh trước ngực, cô ta nói mà không nhìn nàng. “Sự tình ở Panduranga hẳn đang rối ren, Hoắc bang chủ lại rời đi về Hội An, họ còn định đưa cô nương đi đâu?”
“Ta là con tin để tên vịt ốm ấy rời khỏi nơi này được.” Nhếch môi, Như Yên nói trong cổ họng. Cô gái liếc nhìn nàng, sự thông hiểu chợt thoáng qua ánh mắt.
“Nếu Panduranga biến loạn, cô nương khó có thể giữ mạng.” Cô trầm giọng nói, gần như ngần ngừ. Nếu chiến loạn xảy ra, liệu cô công nữ này có thể trở thành lá chắn được đến bao giờ? Ngay cả Bia Ut Ngọc Khoa cũng đã bị bức tự sát khi Nam Hà chiếm lấy Phú Yên. Mạng sống – dù là của một người mang dòng máu tôn quý – cũng chẳng mấy đáng giá khi so với mưu đồ và tính toán của mọi kẻ.
Một lần nữa, Như Yên cười. Nàng đá lăn tròn một hòn sỏi nhỏ dưới chân.
“Đã ở trong tay người, ta còn có thể tính toán sao?” Nàng nói với giọng điệu mà không ai có thể đoán định là giả hay thật. Tiếng xích ở chân nàng rung động, hướng ánh mắt cô gái nhìn xuống. Thấy thế, Như Yên liền cười. “Chìa mở khóa không ở trong tay nữ chúa, cũng nên ít quan tâm ta thôi.”
“Mà người mở khóa không lâu nữa sẽ tới thôi.” Nhún vai, Như Yên nói. Chưa hết câu, ánh mắt nàng đã đứng sựng về phía cửa ngách phủ đệ. Dưới bóng của tàng cây cổ thụ rậm rạp, kẻ vừa quay đầu lại cũng vô cùng quen thuộc với nàng.
Vịt ốm lừa ta, cả hai đến cùng với nhau, nàng còn kịp lầm bầm trước khi bị cô gái Chiêm Thành kéo về phía người thanh niên mặc áo xám. Y nhìn về phía họ, nhưng mái tóc xõa đã che đi nửa khuôn mặt khiến nàng chẳng thể nhìn ra thái độ của y trước khi đến gần.
Nàng không đến gần. Nàng gạt tay cô gái đang kéo, đứng lại cách y chừng mười bước chân. Cử động đột ngột của nàng khiến tiếng xích rung lên to rõ ngay cả trong sự ồn ào của ngày hội.
Y cũng không nhìn về phía nàng. Trao đổi với cô gái kia vài câu, y quay người đi vào phủ đệ. Cô gái nhìn Như Yên, ra dấu cho nàng đi theo. Nàng liền chầm chậm đi theo họ, giữ nguyên khoảng cách. Đến khi y ngồi xuống hàng hiên trước một tòa nhà lớn, nàng dừng bước dưới bậc thang, tự hỏi nên đợi họ gọi lên hay bỏ đi về phòng.
Ngừng một bước, không thấy ai trong hai người kia cất tiếng, nàng liền chọn cách thứ hai. Có vẻ như cô gái kia đã hỏi, nhưng y lắc đầu. Chiếc xích trên mặt đất bằng phẳng cạ xuống gây ra tiếng động kèn kẹt ồn ĩ với mỗi bước đi. Thấy nhói trong chân, nàng liền tuột giày, hất bỏ viên sỏi không biết đã rơi vào từ lúc nào.
Sau gáy nàng vẫn nhột nhạt nong nóng có vẻ không bởi vì nắng. Bấy nhiêu năm, nàng dường như vẫn còn cảm thấy sự hiện diện hay thái độ của y mà chẳng cần quay nhìn.
Để Hoắc Phương đến trước dặn dò nàng rồi mới xuất hiện, là y cẩn trọng hay thật ra không muốn đối mặt với nàng?
Nhưng nếu y không muốn mở lời, nàng có thể đợi. Nói cho cùng, nàng có vô số thời gian.
Chú thích:
[1] Yang Apuy: Thần lửa. Yang Atitiak: Thần mặt trời. Yang Tanah Riya: Thần đất.
[2] Bàng biển hay còn gọi là cây bồng bồng, cây lá hen, cây phong ba, Nam tỳ bà, cốc may.
[3] Đây là bài hát về thần Mẹ xứ sở Po Nưgar của người Chiêm Thành. Nguyên văn:
“Sa bok kuak par mưng page,
lek di hamu ak
Sa bok kauk mưng klam,
Klek di dam hamu tanưh.”
[4] Nay vùng này tên là Gia Định khu, ở phía Tây Bắc Thượng Hải. “Gia Định tam đồ” cùng với “Dương Châu thập nhật” đều là những cuộc tàn sát nổi tiếng thời Thanh sơ. Nhưng cuộc tàn sát Dương Châu nằm trong cuộc thanh trừng triều đình Nam Minh, còn sự phản kháng của Gia Định xuất phát từ lệnh ‘cạo tóc’ của Đa Nhĩ Cổn.
Quân Thanh vào Bắc Kinh, đánh Nam Kinh, thu nạp quan nhà Minh vốn không bắt cạo tóc, vẫn cho mặc y quan cũ. Nhưng có một tiến sĩ Minh triều tên là Tôn Chi Giải, nhân phẩm tài năng thấp, thấy quân Thanh vào liền chạy ra hàng đầu tiên, được cất nhắc làm Lễ bộ thị lang. Tôn cạo tóc mặc áo Mãn xu nịnh, bị quan quân của cả hai bên cười chê. Xấu hổ, Tôn Chi Giải liền viết tấu chương cho Thuận Trị lúc đó mới 7 tuổi, bày kế ‘phá văn hóa Hán’. Nhiếp chính Đa Nhĩ Cổn nghe lời.
Ngày 28 tháng 6 năm 1645, Thanh triều truyền “Nơi gần trong 1 tháng, nơi xa 3 tháng, tất cả phải thuận cạo đầu”. Toàn Giang Nam phản kháng, bắt đầu từ Tô Châu. Quân Thanh trấn áp Giang Nam máu chảy thành sông. Giang Âm cùng vùng phụ cận, 20 vạn người bị giết. Côn Sơn bị tàn sát trong 3 ngày liền. Gia Định, trong lần tàn sát thứ nhất, 3 vạn người bị giết; lần thứ 3, 2 vạn loạn dân mới đến cũng bị giết sạch.
Sự kiện Gia Định tam đồ, sau này thường được nhắc đến như một biểu trưng cho sĩ khí bất khuất của người Minh. Lệnh ‘thế phát’ của nhà Thanh chỉ có thể thực hiện trên một thành toàn xác chết.
[5] Vùng đất phía Nam Trung Quốc thường được gọi là Ngô Việt, mà vùng phía Đông Bắc là Ngô, Tây Nam là Việt.