Tháng ba năm Quý Dậu, tại Bình Khang, Thống binh Nguyễn Hữu Kính phá tan quân Chiêm, bắt được nhà vua Chiêm Thành là Bà Tranh cùng Tả trà viên, Kế Bà Tử, vương phi Bà Ân.
Lệnh đổi Panduranga làm trấn Thuận Thành.
Ngày Ất Mão, triều đình Nam Hà mở lễ đoạn tang vị chúa trước, tấn tôn chúa Minh Nguyễn Phúc Chu làm Thái phó Quốc công, tôn hiệu Quốc chúa.
Chúa mở đàn dâng lễ, tự mình đến thắp hương trước lăng tiên chúa. Từ sáng sớm, đội quân đội mão đỏ đi trước dẹp đường, bắt dân chúng lùi ra xa một, hai dặm. Đội lễ nhạc đi đầu, nối tiếp bằng hai hàng quân hầu tả hữu cầm kim đao, kim thương. Chúa ngồi trong cỗ kiệu mười sáu người khiêng, đội mũ xung thiên, mặc áo lễ màu huyền, mang hài nhung[1]. Dâng lễ xong ở Thái miếu, đoàn kiệu trở về chính điện. Kiệu chúa đến cửa đại cung, bắn bảy phát súng lệnh. Quan nội giám cho người đưa lỗ bộ, nghi trượng, tán xướng và nhã nhạc bày hàng chờ trước điện.
Trong sân điện thị triều, ngai vàng đặt ở giữa điện, bảo án phía Đông, giường ngự phía tả. Hương án đặt quay về hướng Nam, đẳng gỗ đọc chiếu hướng về phía Tây. Các vương thân bưng sách, ấn, biểu tâu cùng các quan văn võ được chọn chấp lễ đứng chờ ở chái Đông viện. Các quan văn võ mặc phẩm phục chờ trong sân. Các công tử, ngoại tộc đứng ở ngoài ban.
Chúa nhận biểu tấn tôn của các quan rồi mặc long bào, đai ngọc, đội mũ xung thiên, lên kiệu đến chính điện. Đến giờ làm lễ, chúa đứng vào bái vị. Hoàng thân và các quan theo tiếng xướng “Bài ban” mà sắp hàng theo ban thứ, cùng chúa lạy năm lạy. Quan phủng chiếu khiến tự ban đưa bảo án cùng tàn vàng để giữa ngự đạo. Quan tuyên sách, quan bộ sách quỳ trước án, quay mặt về phía Bắc, mở sách tuyên đọc, đọc xong liền để vào hòm. Hai vương thân bưng hòm ấn sách, ngọc tỷ dâng lên ngai vàng. Chúa và các quan lại làm lễ năm lạy. Vương thân dâng các hòm ấn sách cho chúa, chúa tiếp nhận, đưa ngang trán, chuyển cho một vương thân khác đứng ở phía Tây đưa lại về ngai vàng. Các quan làm lễ khánh hạ. Chúa đứng ở bái vị cho các quan cùng họ hàng thân tộc bày hàng làm lễ năm lạy mừng rồi đi ra kiệu. Theo nghi thức đến cửa đại cung, bắn ba phát lệnh.
Trong cung, các cung tần, phu nhân, công nữ, phủ thiếp, mệnh phụ lần lượt vào làm lễ. Quan nội giám mặc sắc phục đưa các hòm ấn sách vào cung. Chúa cho lệnh thiết yến ở phủ điện.
Nhã nhạc nổi, các cung nữ đội mũ hoa, mặc áo xanh cầm đèn ra múa hát. Khắp thành cờ xí muôn sắc, nhạc cử khắp chốn, nghiễm nhiên trở thành một ngày hội.
Khi người vương thân Nguyễn Phúc Nhuận cùng viên nội giám đưa hòm ấn sách vào cung, vị chúa ngồi sau rèm cho gọi người anh em họ ở lại. Ở nhà ngoài, một mệnh phụ được đưa vào làm lễ liền đứng lại, được vị chúa cho tiếp tục.
“Không biết bao giờ mới hết.” Ngả hẳn lưng vào thành ghế phía sau, chúa Nguyễn Phúc Chu nhỏ giọng nói với Nguyễn Phúc Nhuận ngay khi người thanh niên vừa vén màn đi vào. Vị chúa trẻ uể oải đưa ngón tay ra dấu về phía người phụ nữ đang làm lễ ba lạy sáu vái ở ngoài. “Ta vốn tự cho rằng mình biết nhiều người, trong những dịp thế này mới nhận ra là ta chỉ biết chưa đến một nửa trong số họ.”
“Thê thiếp, con cái của các quan vẫn thêm luôn, ngài không biết đâu có gì lạ.” Nguyễn Phúc Nhuận chỉ cười, ngồi xuống chiếc sập thấp kê bên ngai sau khi vị chúa cho phép. Nguyễn Phúc Chu nhàn nhạt trả lời chúc phúc cho vị phu nhân, trong lúc bà ta quay ra mà ngoảnh lại phía viên Chưởng cơ họ hàng, vẫy ngón tay trước mặt.
“Không, là mẫu hậu ta nhất quyết gọi tất cả bọn họ đến đấy.” Nhấn mạnh mấy chữ cuối, Nguyễn Phúc Chu mỉm cười trước vẻ chợt hiểu của người anh họ. “Nhưng đến mặt bọn họ ta còn không kịp nhìn.”
“Quốc mẫu đã định gửi ý vào đâu?” Nguyễn Phúc Nhuận chỉ cười. Con gái của các quan tuy nhiều, nhưng gia tộc có thể gả con cho chúa làm vương phi chẳng có bao nhiêu, đồng tuổi với vị chúa trẻ lại càng ít. Nếu muốn con trai kết hôn trong dịp này, hẳn quốc mẫu cũng đã có ý lựa chọn trước.
“Cháu gái của Quốc sư Hồ Quang Đại, năm nay mười bốn tuổi.” Búng ngón tay vào lòng bàn tay, hơi sửa lại tư thế ngồi khi người phu nhân tiếp theo dẫn con cái vào điện, Nguyễn Phúc Chu trả lời. Rồi vị chúa lại đột ngột đổi trọng tâm câu chuyện. “Bên ngoài có tin gì không?”
“Chúa công muốn hỏi về tin tức gì?” Hạ giọng nói khi vị phu nhân làm lễ mừng, Nguyễn Phúc Nhuận cũng không ra ý muốn hỏi thêm về chuyện nhà chúa. Hồ Quang Đại, người đã bằng văn học mà thi đậu thủ khoa, làm đến chức Thị giảng đời chúa Hiền, sau khi mất được tặng chức Quốc sư. Nhưng cháu ông, người có con gái sắp được tuyển vào cung, lại chỉ là một Tri bạ nho nhỏ. Cả về danh thế gia tộc lẫn quyền lực, đều không cách nào so được với những dòng họ thân thuộc của nhà chúa, chưa nói đến Tứ trụ đại thần[2].
Là vị chúa trẻ hay mẹ cậu ta chọn, thật khó phân.
“Quế có tin gì không?” Đưa mắt nhìn Nguyễn Phúc Nhuận, vị chúa trẻ cau mày. Viên Chưởng cơ trẻ tuổi cũng chỉ mỉm cười.
“Hiện thời nơi nơi hỗn loạn, chúa công muốn biết về sự việc nào trước?” Anh ta nói, rồi lường trước được thái độ không bằng lòng của vị chúa mà nói tiếp ngay. “Mọi kẻ bây giờ đang còn án binh bất động chờ hành động của chúng ta, không dại gì mà có kẻ ra mặt gây rối, cũng khó cho ta dò la tình hình. Ngay cả việc điều tra tìm chứng cứ cũng khó mà làm. Ta động, kẻ địch mới động, tình hình mới có chuyển biến.”
“Chúng nhất quyết không đòi lại nhà vua vẫn bị giam ở Bình Khang, hả?” Nguyễn Phúc Chu nhàn nhạt mỉm cười. “Đã cử một kẻ nào đó tên là Po Chongchan lên làm vua?”
“Tả trà viên là con trưởng của Bà Tranh, Kế Bà Tử là em trai nhà vua, Bà Ân là hoàng hậu. Tất cả ở trong tay ta, người có quyền kế vị Bà Tranh ở Phan Rang coi như đã không còn.” Ra vẻ không nhận thấy thái độ của vị chúa khi nhắc đến cái tên Po Chongchan, Nguyễn Phúc Nhuận vẫn mềm mỏng trả lời. “Po Chongchan có chấp chính, cũng là hợp lẽ.”
“Tội chết có thể tha, tội sống có thể sao?” Vẫn hướng mắt về phía tấm màn mỏng mà nắng đang hắt vào tạo thành những cái bóng lờ mờ chuyển động, Nguyễn Phúc Chu nhẹ cười. “Từ khi tiên phụ ta mất, Chiêm Thành đã không nộp cống, đến bây giờ cộng với khoản chuộc tội là bao nhiêu?”
“Chúa công, tình thế căng thẳng, ép quá mức có khi sẽ vỡ.” Nguyễn Phúc Nhuận nhíu mày, nghiêng người tới mà lắc đầu. “Ta phế quyền của Panduranga, lập trấn Thuận Thành, đã không phải là việc hợp lòng người. Nay thân quyến của Bà Tranh đều đã nằm trong tay ta, lại ép họ đến đường cùng, e sẽ gây biến loạn.”
“Biến loạn? Còn có thể biến loạn đến mức nào?” Nghe thế, Nguyễn Phúc Chu cười thành tiếng. Tiếng cười nhỏ và ngắn lọt qua đôi môi cậu ta nghe khàn khàn. “Nhà vua thân chinh cử đại binh đến tấn công ta, thì còn có thể ‘biến loạn’ được đến mức nào hơn nữa?”
“Mà muốn nổi loạn, thì cứ việc mà nổi loạn đi.” Nhún vai, lại tựa người ra sau ghế, Nguyễn Phúc Chu giữ nguyên nụ cười trên môi mà nói với những cái bóng trên màn. “Còn kẻ nào muốn nổi loạn thì cứ ra mặt, để ta từ từ triệt hạ cho bằng hết.
“Đừng nghĩ rằng nếu ta bất động thì địch bất động chứ.” Nguyễn Phúc Nhuận vừa mở miệng, vị chúa đã liếc mắt nhìn sang, ngắt lời viên Chưởng cơ. “Chúng không định chờ ta ngồi cho vững cái ghế này rồi mới hành động đâu. Thời gian, chúng chẳng có bao nhiêu thời gian để mà đợi. Ta cũng chẳng có bao nhiêu thời gian mà du di chờ đợi chúng. Nếu muốn có một lý do, thì ta chủ động vẫn hơn.
“Chiến trường, là thứ ta có thể tự tạo cho mình.” Cuốn tay áo rộng giữa những ngón tay, mắt Nguyễn Phúc Chu nheo hẹp dài nhìn ra vệt nắng. “Bàn cờ của ta, kẻ nào muốn nhảy vào, sẽ phải chơi theo luật của ta.”
Gió tháng ba vẫn còn hơi âm ẩm lạnh luồn qua những khe cửa, hành lang và cột chống phả vào phòng. Vị chúa trẻ không cho đốt lò sưởi trong phòng, và vị khách ngồi cùng đã cảm thấy hơi lạnh len vào gáy.
Hiếu thắng, háo danh, bốc đồng, hung hãn, rất nhiều, rất nhiều lời nhận xét đã được nói ra với những hành động của vị chúa còn chưa đến tuổi đôi mươi này. Tự xưng quốc chúa, tự nhận quốc gia, phế truất quyền lực của triều đình Chiêm Thành, tất cả đều là việc mà không ai trước ngài ta dám làm trước đó. Chúa Hiền, sau khi đánh vào Nghệ An ép Trịnh ký hòa ước, sau khi phá tan quân đội của vua Bà Tấm lấn đến Phan Rang, cũng không thể làm như ngài ta – trong hàng chục năm dài sau đó. Ngay cả cha ngài ta cũng không thể - không dám – hành động. Lên ngôi quốc chúa và phế Panduranga thành trấn Thuận Thành, ngài ta, trong cùng một lúc, gây nên cơn sóng ở cả hai đầu Nam Bắc.
Trịnh có thể phản ứng, có thể không, khi vùng đất phương Nam này luôn luôn chỉ là một nơi không đáng quan tâm với triều đình phương Bắc. Nhưng ngay cả ở vùng đất phương Nam này, không phải kẻ nào cũng muốn ở trong triều đình của-ngài-ta, đất nước của-ngài-ta. Phù Lê diệt Trịnh, cái chiêu bài ngày xưa của quân đội Nam Hà, đã từng lôi cuốn được không ít kẻ. Quay lưng với triều đình phương Bắc, mất đi sự ủng hộ của ngay chính dân Việt, ngài ta sẽ chẳng còn gì.
Và triều đình Panduranga, cái triều đình nhỏ trong mảnh đất cũng rất nhỏ, cũng mang sức ảnh hưởng to lớn hơn hẳn vẻ bề ngoài. Tất cả đất đai bọn họ đang đứng đây đều đã từng thuộc về nó. Đất nước – cái đất nước mà vị chúa trẻ này muốn dựng xây đây – chính là nó. Hoàn toàn. Từng tấc đất con sông. Ngài ta không phế truất triều đình của một phiên thuộc. Ngài ta làm biến mất cả một đất nước. Từng tấc đất con sông. Từng con người.
Một hành động có thể khiến ngài ta – bọn họ - mất tất cả.
Và rồi, ngay trong triều đình này, ngài ta làm gì? Thu nạp con gái một Tri bạ nho nhỏ không thân không thế làm vương phi. Ngài ta đã quên, rằng cha ngài chỉ là con thứ dòng thứ mà sự nối ngôi cũng gây ra sóng gió?
Đối đầu, ngài ta nói. Nhưng ngài ta có sức mạnh nào để đối đầu? Dựa vào cái gì?
Có cảm thấy phản ứng của người bên cạnh hay không, vị chúa trẻ Nguyễn Phúc Chu vẫn chỉ ngồi im, hai bàn tay đan nhau trước ngực. Đã đến lúc xế trưa, sau khi tiễn một vị phu nhân ra cửa, tổng quản nội giám đem vào phòng trong một khay trà, kính dâng cho vị chúa cùng người khách. Nguyễn Phúc Nhuận nghiêng người định rót trà hầu, vị chúa đã xua tay, lấy khăn lụa lót mà nhấc siêu nước tráng ấm, châm trà, rót ra hai chén nhỏ.
“Đây là nước tuyết trên đỉnh Thiên Sơn, hứng tuyết đọng trên hoa mai đầu xuân nở sớm, lấy vào bình gốm đã nung mười lửa, cả ngọn núi chỉ lấy được chừng năm bình. Chuyên chở đến đây thì giá đã là trăm lạng vàng. Có phải mùi hương rất trong trẻo, lại thoang thoảng vị hoa mai?” Đưa chén trà cho Nguyễn Phúc Nhuận, Nguyễn Phúc Chu cười nói, không vội nâng chén của mình lên. “Trà này là Tử Mi hoa mọc trên núi cao vạn trượng, ở vách đá cheo leo, mười năm nở hoa một lần, phải phơi sương lúc hoa còn chưa héo mới có thể đem làm trà, giá cũng là trăm lạng hoàng kim. Chén uống trà phải tráng qua nước suối Ngọc Trản nấu sôi, rửa lại bằng nước khe Mai Đàn. Than đun phải là than quế than lim, nhất quyết không phải loại củi muội nhiều khói lắm. Trà này uống một hớp như uống cả đại giang Nam Bắc, trời đất muôn trượng vào lòng. Hôm nay là ngày khánh hỷ, khanh thật là có phúc.”
“Đa tạ chúa công.” Đón chén trà từ tay vị chúa, Nguyễn Phúc Nhuận kính cẩn bình đạm xoay chén trà trong tay, dùng đúng nghi thức mà uống. Khi nhấp môi, ngẩng đầu nhìn lên, anh ta thấy Nguyễn Phúc Chu vẫn nhìn mình, chưa hề chạm tới ly trà trước mặt.
“Sao vậy, trà không ngon sao?” Thấy thái độ của Nguyễn Phúc Nhuận, vị chúa trẻ chỉ cười. Ngần ngừ một thoáng, viên Chưởng cơ cúi đầu thở dài.
“Có vẻ thần là kẻ phàm phu tục tử, không đủ tinh tế để cảm nhận được hương vị loại trà cực phẩm này.” Lời còn chưa nói hết, Nguyễn Phúc Nhuận đã nghe tiếng cười. Ngả lưng về sau, Nguyễn Phúc Chu bật cười ha hả, ném đi tất cả vẻ trịnh trọng mệt mỏi từ khi người anh họ bước vào. Không nói không rằng, vị chúa chỉ ngửa đầu mà cười.
Dứt cơn cười, Nguyễn Phúc Chu nheo mắt nhìn Nguyễn Phúc Nhuận, xua ngón tay trước mặt.
“Đây là trà ta ban yến cho quần thần. Nước – là nước giếng sau phủ của ta. Trà – là trà hạng nhất ta mua của thương nhân Tàu. Ấm chén là thứ đồ thượng hạng ta đặt mua ở Quảng Châu, cung nhân vừa đem ra giếng rửa hôm trước.” Chầm chậm nói với khóe môi càng lúc càng nhếch cao, Nguyễn Phúc Chu có vẻ như lại sắp phá ra cười trước thái độ của người anh họ. “Tử Mi hoa? Trên đời này không có loại gì tên là Tử Mi hoa hết. Nó chỉ là giống cây thuốc hiếm được những người trồng thuốc đem về trồng, pha trộn với trà bình thường khiến nó có màu tim tím. Tử Mi hoa chỉ là một trò đùa, thế thôi.”
“Nhưng nếu ta nói rằng đây là nước trên hoa mai Thiên Sơn, Tử Mi hoa trên núi cao vạn trượng, củi quế củi trầm, thể nào cũng có kẻ vục đầu mà uống, mà khen nào là mùi mai mùi quế, nào là hương tuyết hương trầm. Không, cũng chẳng phải là họ xu nịnh dối gạt ta. Họ cảm thấy thế thật đấy. Nhưng trên đời này, ta hỏi thật, hương hoa mai Thiên Sơn là thế nào, Tử Mi hoa hình dáng ra sao, kẻ nào đã từng ở trên đỉnh cao vạn trượng, chìm xuống lòng suối trăm nơi mà tả?” Nhấc chén trà bằng một tay, ngắm nghía sắc xanh của men lam trên sứ, Nguyễn Phúc Chu nhè nhẹ cười. “Tất cả chỉ là cảm giác của người ta thôi, có phải?
“Đã từng có kẻ hỏi ta như thế - Rằng, ta muốn gì? Lúc ấy, ta còn quá non dại lẫn kiêu ngạo vô lối để đưa ra đáp án. Y không bảo ta đưa ra đáp án, y chỉ kể chuyện. Rằng, trà trong mọi nơi đều khác nhau. Mỗi kẻ theo đuổi lý tưởng khác nhau rồi sẽ có lựa chọn và đáp án khác nhau.
“Vậy thì ta có bịa ra nước tuyết Thiên Sơn, Tử Mi hoa trên vực, cũng có gì là không được? Như người hái búp trà ngon phải là trinh nữ, nước pha trà phải tinh khiết tuyệt đối – lấy gì kiểm chứng? Như những kẻ học đòi chữ nghĩa rởm đời cứ nhất định rượu bồ đào phải uống với chén dạ quang, rượu xanh phải ở trong chén ngọc – chỉ cần có kẻ đề xướng, lời lẽ thật hay thật đẹp, thế là muôn ngàn kẻ rởm đời khác cứ tin là thế thật. Đến ngày có kẻ nói rằng nước giếng đem pha trà mới là hảo hạng, ta thề cũng sẽ có muôn kẻ tin răm rắp.
“Nếu khanh vĩnh viễn không biết sự thật, thì trà này có phải là Tử Mi hoa, tuyết Thiên Sơn hay không, có ý nghĩa gì? - Ngoại trừ, nó không ngon như khanh tưởng.”
“Điều quan trọng là ở chỗ - nó không ngon như thần tưởng.” Nhũn nhặn mỉm cười, Nguyễn Phúc Nhuận nhẹ nhàng đáp lời khi vị chúa đã im lặng. Đôi mắt Nguyễn Phúc Chu càng nheo lại, bắt lấy ánh nắng hắt vào như nước tỏa sáng nhàn nhạt.
“Trà ngon là thế nào? Kẻ đó cũng hỏi ta như thế. Khanh có thể nói, nó cũng thuộc về khẩu vị, hả? Nhưng không phải. Uống trà cũng là một thói quen và phong tục – nơi thích trà đắng, nơi thích trà thơm, nơi cầu kỳ trịnh trọng, nơi đơn sơ mộc mạc. Rốt cuộc, người muốn nói trà ngon là thế nào?” Nhấp môi trên thành chén sứ mỏng, đôi mắt sáng bị khói mờ phủ, ánh mắt Nguyễn Phúc Chu không rời khỏi gương mặt người đối diện như thể đang dò xét từng phản ứng. “Cái mà khanh gọi là khẩu vị, là cảm giác, là tất cả tiêu chuẩn của bản thân, cũng là thứ thói quen, thứ tập tính nằm trong chính khanh mà thôi. Chẳng có thứ gì là của khanh cả.”
“Thứ mà Phật gia gọi là ‘Bát chính đạo’, Nho gia kêu gọi ‘cố dục hồn tâm chính tính’, cũng là thế thôi, mà trên đời có mấy kẻ hiểu?” Thổi lớp khói bềnh bồng trước mặt, ánh mắt Nguyễn Phúc Chu lại lơ đãng nhìn theo màn khói tan vào nắng nhập nhoạng giữa bóng tối. “Thế gian này, tất cả mọi thứ ta nhìn thấy, cảm thấy, đều là giả cả. Mà tất cả, tất cả thế gian này, ta đều có thể tự tạo ra được.
“Chẳng phải là Mãn Hán đánh nhau, chỉ là một bọn đi buôn thiên hạ - kẻ đó đã từng nói với ta như thế. Tất cả chỉ là bọn con buôn, đem lời đường mật đi bán lý tưởng, hy vọng và tương lai. Bọn con buôn đi bán những giấc mơ, và bắt khách hàng phải trả bằng cả cuộc đời. Rốt cuộc, tất cả chỉ trôi ra Hoàng Hà, đi ra biển. Ngay cả bọn con buôn ấy, có thể chúng cũng bị lừa mị bởi giấc mơ của riêng mình, biết đâu?” Mơ hồ nhún vai, cậu thanh niên còn rất trẻ cười khẽ trong cổ. “Tám trăm năm trước, không có Đại Thanh, cũng không có Minh triều. Tám ngàn năm trước, không có Hoa Hạ hay thứ gọi là Hán tộc, hay Đại Việt. Tám vạn năm trước, không có gì hết. Tất cả mọi thứ trên trái đất hiện tại, đều là do con người tự tạo ra đấy thôi.
“Tần Thủy Hoàng thâu lục quốc, Hán Cao Tổ lập nhà Hán, người Tàu mới biết thế nào là ‘cùng một đất nước’. Phân tranh chiếm đóng, lấn xuống phương Nam phương Tây, mới tạo thành cộng đồng gọi là Hán tộc hiện tại. Cả Đại Thành, Miến Điện, Ai Lao. Tất cả mọi nơi trên thế giới. Người ta tự tạo ra mọi thứ để tôn thờ đấy thôi, rồi cứ coi nó là sự thật duy nhất, như đương nhiên phải thế. Ngay cả những kẻ đang loay hoay bối rối hay đang chống đối ta hiện tại, cũng chỉ thế thôi.” Đôi mày thanh hơi cau, vị chúa trẻ lắc đầu với cái bóng mờ ảo sau làn khói. “Hãy đem bán cho họ một giấc mơ, thật nhiều giấc mơ. Hãy thải loại những giấc mơ cũ đi, những thứ không còn đem lại lợi ích hay chút ít sự thật nào. Khanh nghĩ, ở phương Bắc, người ta quả thật vẫn còn tin vào lòng trung thành của họ Trịnh hay cơ đồ nhà Lê? Chắc hẳn chỉ có những kẻ thấp cổ bé họng bị lừa gạt là tin thế thật – nhưng những kẻ ấy chẳng có sức lực để làm bất cứ cái gì. Những kẻ còn lại, gắn bó với Trịnh từ những ngày trong quân đội phù Lê, từ những ngày triều đình được lập ở Đông Kinh, từ muôn vàn quan hệ và lợi ích. Cứ thế, chúng dính lại với nhau. Và rồi dối gạt cũng trở thành sự thật. Chúng ta ở ngoài này, chúng ta bảo rằng ‘không phải thế’ – nhưng chúng ta trở thành kẻ bội phản và dối trá. Một khi không chấp nhận, chúng ta sẽ bị tiêu diệt.
“Mà thôi, cứ để giấc mơ ngai vàng ấy lại cho họ Trịnh, ta không quan tâm đến nữa. Giấc mơ ấy cũng đã cũ rồi, đã chẳng ai ở nơi này tin nữa. Vậy thì, ta sẽ cho bọn họ một giấc mơ khác. Một đất nước khác. Một nơi có thể dung chứa tất cả, tất cả chúng ta lẫn bọn họ. Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều do con người tạo ra mà thôi. Tất cả chỉ là vấn đề thời điểm. Nếu cứ đứng yên một chỗ, chúng ta sẽ bị hủy hoại. Nếu cứ chùng chình mà ôm lấy những giấc mơ lỗi thời rách nát, chúng ta sẽ tự hủy hoại chính mình. Mảnh đất này có quá nhiều loại người, quá nhiều những giấc mơ rách nát, những loại lý tưởng mục ruỗng điêu tàn, cũng quá nhiều những kẻ ngông cuồng tham vọng. Nếu không muốn cả chúng ta lẫn bọn họ đánh nhau, đánh lẫn nhau cho đến chết, thì phải có một giấc mơ thật lớn – Cho chúng ta, cho bọn họ.”
“Ý định của chúa công là…” Nguyễn Phúc Nhuận thận trọng ướm lời. Nguyễn Phúc Chu đặt ly trà đã uống cạn xuống khay, vẫy tay ra hiệu cho quan nội giám gọi người vào tiếp theo. Ánh mắt vị chúa trẻ lại trở nên lơ đễnh khi nhìn ra vệt nắng sau tấm màn lụa mỏng.
“Trà hôm nay, ai cũng khen ngon.” Người thanh niên trẻ nói khẽ, rồi mỉm cười với lời chúc phúc của cô gái vừa vào. Nguyễn Phúc Nhuận nhìn xuống chiếc chén đang cầm, thấy sợi trà nhàn nhạt một màu xanh thẫm. Không phải là sắc tím.
Viên Chưởng cơ quyết định không hỏi lại rằng, có phải chúa công đã nói với bọn họ, đây là Tử Mi hoa?
Rốt cuộc, Tử Mi hoa, đó là một trò đùa.
Chú thích:
[1] Nghi thức của chúa Nguyễn Phúc Chu đã được Thích Đại Sán ghi lại trong Hải ngoại ký sự. Mũ xung thiên trong thời Lê Trung Hưng vốn được dùng cho cả vua và chúa, chúa Trịnh cũng đội mũ xung thiên, áo tía trong lễ Nam Giao và tiến tôn. Quân đội chúa Nguyễn, trong các ghi chép và hình ảnh, đều đội mũ (hoặc khăn) màu đỏ. Sắc đỏ cũng là sắc binh phục chính (cùng màu lục, lam) của quân đội nhà Nguyễn sau này.
[2] Hồ Quang Đại là người Thừa Thiên. Cháu gái của Hồ Quang Đại sau khi vào cung được ban họ Tống, dòng họ này sau đó mang họ Tống Phúc, hoặc Tống Hồ, không liên quan đến họ Tống Phúc quê ở Thanh Hóa thân quyến của nhà Nguyễn. Cha của vương phi tên là Hồ Văn Mai, sau này đổi thành Tống Phúc Đào, trước 1706 chỉ là Tri bạ.