Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 10: Ký ức
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" January 28th, 2012

“Ta muốn về…”

Xuân Tử đưa mắt nhìn về phía tiếng rên phát ra, tay vẫn không ngừng gẩy bàn tính gỗ. Quấn tròn trong chăn chỉ ló đầu ra, Như Yên úp mặt vào gối mà than thở, tuy cũng chỉ dám nói thầm. Cô chẳng lạ gì với tính cách này của chủ nhân nên cũng để mặc, chăm chú lại vào sổ sách đang tính. Bên kia, Như Yên tiếp tục dùng giọng điệu đầy bất mãn mà nói với cái gối.

“Vịt ốm, ta sẽ lấy thêm mấy phần lợi tức hiệu buôn của ngươi, ta sẽ bảo Tàu Ty cục tăng thuế với ngươi, ta sẽ bảo quan Trấn thủ trù dập ngươi. Ngươi đem ta dâng cho lão cáo già rồi bỏ của chạy lấy người.” Bất chấp tai vách mạch rừng, nàng nghiến răng. “Lần này về, ta bảo Khám lý tăng thuế đồng loạt cho các ngươi biết tay.”

“Công nữ cẩn thận đừng gắp lửa bỏ tay người.” Bên kia, vẫn chăm chú vào những dòng chữ, Xuân Tử lên tiếng nhắc. Hiện tại là lúc có chiến tranh, thuế được thu tại địa phương đã cao hơn, nếu có sự bất ngờ phải tận thu thêm, lời nói của nàng sẽ trở thành bất lợi không chừng.

Cô nghe tiếng đấm vào gối, nhưng Như Yên không than thở nữa mà ngẩng mặt nhìn lên đỉnh màn, nơi bóng tối tràn ngập. Đêm đã về khuya, nàng mới từ gian nhà chính trở lại, ném cho Xuân Tử một chồng sổ sách mới, bản thân nằm vật xuống giường mà oán trách tất cả kẻ xung quanh.

Đây đã là cảnh tượng của mấy ngày liên tiếp. Từ khi Linh lão đầu ngỏ ý muốn ‘nói chuyện’ với nàng.

Hoắc Phương đã biến mất không thấy bóng dáng. Y đến mách cho Linh lão đầu về sự xuất hiện của Như Yên, và rồi biến mất - ‘đi về nguồn hàng phía Tây’ theo lời của người trong gia trang. Vốn dĩ, theo kế hoạch thì y phải đến thăm dò động tĩnh của những đồng bạn thương lái ở Quy Ninh, nhưng dường như y đã mặc nhiên đẩy hết tất cả việc ấy cho nàng. Để mặc nàng đối phó với đủ ‘tính toán, yêu cầu, sách nhiễu’ của những kẻ nhanh chóng đánh hơi được mối lợi từ cô công nữ con cháu Trần gia mà chạy đến.

Hẳn nhiên, câu chuyện ‘hàn huyên’ của nàng và Linh lão đầu đã nhanh chóng chuyển hướng về những mối lợi sẽ có khi cả hai hợp tác. Chuyển về Quy Ninh, nàng nói, và ngay lập tức được ‘gợi ý’ về những công việc có thể đem đến lợi nhuận ở vùng đất này. Quan lại của Nam Hà vốn không được triều đình cấp bổng lộc, đất phong dành cho họ cũng vô cùng ít ỏi, ngược lại, họ phải cung cấp cho triều đình những khoản thuế khóa hay bất cứ yêu cầu nào được báo xuống. Bổng lộc của họ được trả ngay chính tại vùng đất trị nhậm, dựa trên số lợi nhuận mà họ có thể tạo ra. Như thế, sự tồn tại của quan chức và những thế gia nắm giữ kinh tế của vùng đất đã gắn chặt với nhau, không thể tách rời.[1]

Linh lão đầu, cũng như tất cả các thương nhân khác, chẳng thể bỏ lỡ một cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận và thế lực dưới cái bóng của một thái trưởng công nữ, Chưởng cơ phu nhân – hay đơn giản hơn, một thế lực cho phép họ vươn tay đến những vùng đất xa xôi, chiếm lĩnh những nguồn hàng, thao túng các cửa sông cửa biển, hoặc chỉ đơn thuần là giấy phép cho những món hàng bị hạn chế. Rất nhiều việc có thể làm, nhất là với một quyền lực nằm ngoài hệ thống quan lại của triều đình như nàng. Gợi ý cho nàng những món hàng có thể kinh doanh, những địa hạt có thể ‘kiếm nhiều lợi nhuận’, thậm chí, hào phóng hơn, cung cấp hàng hóa cho nàng không cần cả tiền vốn, cũng chỉ là cách mượn đầu heo nấu cháo.

Cứ thế mà mỗi ngày nàng bị lôi kéo vào kế hoạch này lẫn dự định nọ. Những số liệu đầy hứa hẹn và cả những sổ sách buôn bán được đưa tới chứng minh. Cả những thư lại địa phương thân cận với Linh lão đầu cũng đã tới, cung cấp cho nàng đủ mọi tư liệu nàng cần. Những sổ sách mà nàng đẩy cho Xuân Tử tổng hợp, khi đầu óc đã mụ mị sau một ngày dài tính toán đối phó với đủ mọi loại người. Thấy nàng chỉ là một cô gái trẻ, họ dường như càng cố khiến nàng bối rối hỗn loạn thêm. Họ đang cố khiến nàng hỗn loạn – khi ở nơi này, nàng chỉ có thể nhờ cậy vào một người duy nhất: Linh lão đầu.

Như Yên nghĩ thầm, nhẹ bĩu môi. Lão cáo già cứ việc ngồi chờ, để xem ai là người thua cuộc trước.

Hẳn nhiên, ông ta vẫn còn nghi ngờ thận trọng với nàng, tất cả những sổ sách số liệu này đều là thứ được thẩm tra kỹ càng để không lộ ra bất cứ sơ hở nào. Nhưng nàng cũng không đến đây để moi móc lỗi lầm hay sơ hở của thương gia này. Nàng cũng chẳng vờ vịt chùng chình do dự được mãi. Đến lúc thì nàng cũng phải lựa chọn liên kết với Linh lão này bằng hình thức nào. Tuy vậy, nàng vẫn muốn có một đồng bạn ở bên để bàn bạc tránh sai lầm. Không phải vì nàng nói muốn tránh điều tiếng, Hoắc Phương liền cứ thế tránh nàng càng xa càng tốt?

“Vịt ốm, về đây rồi ta sẽ luộc ngươi nấu cháo.” Lầm bầm, Như Yên nghĩ quanh quẩn rồi lại nổi giận. Vì y đã đi mất, Linh lão đầu tiện thể viện cớ muốn chờ y trở lại bàn bạc mà giữ rịt nàng ở hẳn gia trang này, mặc nàng thoái thác muốn trở về Nước Mặn. Như thể ông ta sợ nàng lại cùng với y tái diễn hoàn cảnh mấy năm trước, mà để bảo đảm lòng tin của ông ta, nàng phải miễn cưỡng lưu lại. Mỗi ngày đau đầu đối phó với đủ mọi hạng người.

Kể cả Quảng Phú và vợ gã, giờ thì nàng đã nhớ tên cô, Giang Hồng, tuy nàng vẫn quen gọi là Quảng phu nhân. Cô vẫn như đêm ấy, lịch sự và xa cách, nhưng bằng cách này cách khác, nàng cảm thấy như cô vẫn cố gợi lại chuyện cũ. Từ chiếc lược để trên bàn, bộ ly uống trà mỗi sáng cho tới cả chiếc áo, đôi giày thay đổi mỗi ngày, nàng đều cảm thấy chúng như được lấy ra từ dưới đám đất vụn ở Quảng Ngãi. Dù chẳng thể nào nhớ được chừng ấy chi tiết, nàng cũng phải chột dạ khi nghe khúc nhạc được tấu cho đoàn sứ giả Chân Lạp đêm ấy lại ngân nga đâu đó trong sân, hay chuyện người hầu cố tình bỏ qua việc nàng đang mang tang mà cứ thế đem bộ áo màu tím tới, viện cớ vẫn là sắc tang. Cái vẻ lãnh đạm rụt rè dè dặt của cô gái như thể xây một bức tường khiến nàng chẳng thể vượt qua dù chỉ để nói mấy câu trò chuyện thông thường. Do đó, với thái độ lẫn hành động trả đũa nho nhỏ (mà có phải là như thế?) của cô gái, nàng chỉ có thể im lặng cho qua, xem như không hay biết.

Quảng Phú lại có cách khác khiến nàng đau đầu, dù nàng cho rằng gã cũng không cố ý. Mỗi khi gặp nàng, không hiểu vì lý do gì, chủ đề yêu thích của gã lại là ‘Tử Hiên của cô nương’. Nàng ghét cách gọi ấy, nhưng chẳng lời nào nàng nói có thể lọt vào tai gã lục lâm võ biền này. Gã cũng ra vẻ chẳng hề nhận thấy thái độ ngày càng miễn cưỡng khó chịu của nàng mà thao thao bất tuyệt về kẻ mà người xung quanh nàng từ lâu đã tránh nhắc tới. Câu chuyện của gã khiến nàng cuối cùng cũng hiểu được chuyện đã xảy ra ở Phú Yên – nhưng đó lại càng chẳng phải là điều khiến nàng vui vẻ. Và mặc kệ khuôn mặt nàng đã mang sắc thái của đám mây bão cuối chân trời, Quảng Phú tiếp tục trầm trồ về phong thái của ‘kẻ giết người tuyệt hảo’ mà gã nhận ra đêm đó.

Kẻ giết người tuyệt hảo, đó có phải là một bộ mặt khác của hắn mà nàng không hề hay biết? Nàng đã từng thấy một phần bộ dạng ấy, ngày mà hắn bắt Quảng Phú về theo ý nàng. Nhưng chuyện đêm đó, nàng vẫn cho rằng một phần lỗi là của nàng; và hắn là một người lớn lên trong chiến trận, có sự phản kháng bộc phát đầy tính bản năng mỗi khi tính mạng bị đe dọa, sự bộc phát mà hắn cũng không khống chế được. Kẻ giết người? Nàng chưa bao giờ tưởng tượng ra bộ mặt ấy của hắn, cũng chẳng thể nào tưởng tượng được. Nhưng rốt cuộc, nàng đã hiểu gì về hắn?

Rốt cuộc, nàng hiểu gì về cái phần khuất tối lạnh lùng cùng cực mà nàng vẫn nhầm lẫn với sự mơ hồ mờ mịt trong hắn? Nàng hiểu gì về thứ lý trí rạch ròi không khoan nhượng mà nàng vẫn cho là sự tỉnh táo thông minh? Nàng hiểu gì về thứ thái độ kiêu ngạo dửng dưng mà nàng vẫn đánh đồng với sự ngông nghênh khờ khạo? Hắn giữ cho mình cái phần dửng dưng khuất tối không khoan nhượng, không ai có thể chạm vào hay lay động được, ngay cả nàng. Thậm chí, có thể là ngay cả bản thân hắn.

Nàng chưa bao giờ điều khiển được hắn. Hắn chưa bao giờ làm theo ý nàng. Thậm chí, hắn chưa bao giờ vì nàng mà đổi thay bất cứ điều gì mình muốn. Thậm chí, hắn cũng sẽ chẳng giữ nàng lại. Chẳng thanh minh, chẳng truy cầu, chẳng níu kéo, chẳng cố gắng, chẳng van xin.

Khi quay lưng đi ngày ấy, nàng đã ngẩng nhìn đám lá rơi xuống triền đồi. Và trong khoảnh khắc nghi hoặc cực cùng mà tự hỏi: Có phải là gió đã khiến lá rơi?

“Ta muốn về…” Vùi mặt vào gối, nàng lại cắn môi mà rên lên. Ở nơi này lâu hơn, không phải Quảng Phú thì cũng là vợ gã sẽ bức nàng phát điên. Nàng chỉ e đến lúc không chịu đựng được thêm thì sẽ quát vào mặt cả hai người để khiến họ ngậm miệng hay thôi những trò họ đang làm. Nàng đã chuẩn bị để đối phó với đủ mọi tính toán âm mưu, nhưng không phải là những câu chuyện hàn huyên nhắc nhớ kiểu này. Những loại chuyện tủn mủn nhỏ nhặt như thể một điệu nhạc lúc chiều tà hay lời nói vu vơ bên bàn nước cũng đủ khiến tim ngừng đập trong khoảnh khắc và tâm trạng u ám kéo dài không cách nào chợp mắt trong đêm.

Xuân Tử lại liếc mắt nhìn cô gái đã cuộn tròn dưới tấm chăn rộng, nhưng vẫn không lên tiếng. Những ngày này, ở cạnh Như Yên, cô cũng đã nghe được mất những chuyện Quảng Phú nói. Tuy vậy, thêm một lời của cô cũng chẳng có ích gì. Nàng không cần bất cứ lời an ủi hay thậm chí một câu góp chuyện nào, chúng chỉ khiến nàng tức giận hơn. Những chuyện cũ luôn khiến nàng tức giận – nếu đó là một mô tả chính xác về phản ứng của nàng.

Cô nghe tiếng Như Yên lăn qua trở lại trong giường một lúc, rồi nàng trở dậy, vuốt lại tóc, với tay lấy chiếc khăn đầu giường định ra giếng rửa mặt. Đây cũng là hành động bình thường của nàng mỗi tối, Xuân Tử quyết định ngồi ở lại đọc sách, không đi theo.

Khi đẩy cửa bước ra hành lang, Như Yên phải chớp mắt trước ánh trăng rạng rõ sáng rực khoảng sân trước nhà. Đám mây mù ban chiều đã bị gió cuốn đi, để lại khoảng trời trong vắt, trăng tròn vằng vặc tỏa sáng như ánh nắng đêm. Khu vườn rộng nhưng chỉ trồng ít bụi cây cùng vài trảng cỏ nhỏ, để khoảng trống tràn ngập ánh trăng chói mắt. Bốn phía, núi cao rì rào tiếng lá bao phủ khu gia trang, càng khiến cho không gian như bị thu hẹp lại, sương cùng bụi cuốn tròn trong gió tựa như làn nước vàng sóng sánh. Đêm đã khuya, hầu hết nhà trong gia trang đều đã tắt đèn, đèn trong hành lang cũng đã bị gió thổi tắt ít nhiều. Nhưng dưới ánh trăng này, nàng có thể đi lại mà không cần đem theo đèn. Như thể bị ánh trăng thôi miên, nàng đi vòng qua dãy hành lang, bước về phía bóng mái hiên đổ xuống, cách xa với hướng của giếng nước nàng đang định tới. Nhà trong gia trang được xây thành từng dãy theo kiểu chữ Hồi, mỗi dãy cách nhau một khoảng sân vườn rộng, được nối bằng một hành lang nhỏ tránh mưa. Bước khỏi dãy hành lang, nàng đi bằng con đường dành cho xe ngựa qua lại, nép dưới bóng của hàng giáng hương trồng hai bên đường. Sương mỏng như khói đọng lại trên lá cỏ, đôi lần chạm vào tay nàng lành lạnh.

Chỉ định lang thang ngắm trăng một lúc, nàng chợt nhận ra mình đã đi vào con đường dẫn lên núi. Con đường năm nào nàng đã dùng để dẫn dụ Thắng lão đi theo, hiện tại đã bị đóng lại bằng một dãy rào lởm chởm chông nhọn. Dừng chân đứng lại, nhè nhẹ cau mày, Như Yên quyết định quành về bằng đường bọc hàng rào gia trang. Tâm trạng vẫn còn buồn bực, nàng không hề muốn vội vã trở lại gian phòng đóng kín cửa để nhìn những chồng sổ sách trêu ngươi, chịu đựng sự im lặng của Xuân Tử.

Gần cuối năm rồi, khoanh tay trong áo khi cơn gió lạnh thổi qua, Như Yên vừa ngẩng nhìn trăng tròn ngày rằm vừa thầm nghĩ. Đã là rằm tháng chạp, chỉ hơn mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Tết năm này, Hoắc Phương chẳng biết đã chịu trở về để nàng có thể tránh thoát khỏi nơi đây? Ăn Tết ở gia trang này thật ra cũng không tệ, nếu như nàng đã không hứa trở về thăm người của Trần gia. À phải, nàng có thể lấy họ Trần lẫn họ Nguyễn làm cớ để xin phép trở về Nước Mặn. Linh lão chẳng có lý do nào để ngăn cháu dâu thực hiện nghĩa vụ với gia đình chồng.

Gia đình chồng, Như Yên cười một mình khi nghĩ đến những từ ấy. Những từ xa lạ với nàng ngay cả bây giờ. Nàng chẳng biết ai trong số họ, cũng như họ Trần đã không muốn tiếp nàng. Nhưng bất cứ mối quan hệ nào cũng cần phải được xây dựng, không phải là thứ sẵn có. Ở nơi này, không có những mối quan hệ cần thiết, nàng sẽ chẳng là gì. Người duy nhất có thể bảo vệ nàng, bảo vệ nàng vô điều kiện, đã không còn nữa.

Cũng gần đến ngày rồi, nàng nghĩ khi cơn lạnh ân ẩn thấm vào sau cổ. Tháng sau sẽ là ngày giỗ lần thứ hai của ngài ấy. Theo lệ, nàng đã có thể bỏ áo tang, nhưng nàng vẫn muốn giữ đủ ba năm. Có lẽ nàng sẽ viết thư cho vị chúa hiện tại, khất việc không thể về Phú Xuân. Năm ngoái nàng cũng đã không về, nhưng năm nay thì nàng có lý do hợp lý.

Nói thật ra thì nàng vốn ghét bỏ mọi hình thức tế lễ linh đình. Những hàng người sắp theo tôn bậc để đến cúi đầu theo thứ tự, bày tỏ một bộ mặt tiếc thương thành kính theo lễ phép. Tiếng xướng lễ, tiếng trống chiêng, mùi nhang khói, sắc màu của võng lọng màn chiếu. Tất cả đều khiến nàng nhức mắt, ong ong trong tai thành một tạp âm hỗn độn đến khó thở. Vì những đồ dùng lễ trượng được sử dụng ấy hẳn có mấy phần do nàng chỉ đạo làm từ ngày trước, nàng sẽ không ngăn được ý muốn đến xé tan chúng ra.

Nói thật thì nàng không muốn trở lại Phú Xuân. Con người, nhà cửa, đền đài, cung điện, phố phường cho đến từng lá cây ngọn cỏ nơi ấy đều gợi nhắc nàng về một giấc mơ nặng nề đến khó thở. Một giấc mơ nhòa nhạt, không rõ hình hài, tràn ngập những khuôn mặt cùng hàng dài người lướt qua, lướt qua trong một thứ tiếng động ong ong vang mãi không ngừng. Thời gian hàn gắn cho nàng vài vết thương, phủ mờ đi một vài ám ảnh, ngoại trừ giấc mơ thỉnh thoảng trở lại trong đêm. Nàng không thể nhớ chi tiết của những chuỗi lửa chớp tắt trong sương, làn nước mờ bụi mù cuồn cuộn khói, hay sự thinh lặng khôn cùng đã đổ đầy trong thanh âm ồn ã ngày ấy. Trong nàng chỉ còn vài mảng màu loáng thoáng của tiếng động và hình hài. Những giấc mơ trở đi trở lại trong đêm, như những đêm ngày nàng quỳ bên linh cữu cứ thế mà kéo dài ra mãi mãi. Nàng không thấy bất cứ ai trong số họ, những người quỳ xung quanh nàng, những kẻ đến và đi. Nàng không nghe thấy bất cứ thanh âm nào, từ tiếng kinh cầu của các nhà sư tụng niệm, tiếng khóc hờ hay tiếng lao xao của đám đông. Tất cả đã trộn lẫn thành cơn mộng mị hoang đường, bị đẩy về một cõi xa tít tắp. Khi tỉnh dậy, nàng đã thấy mình trở lại căn phòng của nàng ở nhà chồng, với Xuân Tử cạnh bên. Cô im lặng, như đã luôn luôn không nói về những gì đã xảy ra ngày ấy. Cô cũng chỉ im lặng tuân lời khi nàng bảo cô sắp xếp cho mình một chiếc thuyền để trôi xuôi theo dòng sông.

Trôi xuôi theo dòng sông, nàng sẽ gặp hắn. Nàng luôn biết hắn sẽ ở bên ngoài chờ đợi. Nhưng nàng đã mệt mỏi đến mức không còn có thể nói thành lời, không thể nghĩ suy. Nàng mệt mỏi đến mức không thể nhìn thẳng vào hắn. Oán hận hay giận dữ, nàng cũng không thể biết rõ. Bây giờ, nàng cũng không biết. Nàng đã không hỏi hắn bất cứ điều gì. Có thể hắn đã giải thích, nhưng nàng không nghe được lấy một lời hắn nói. Những ngày ấy, nàng không nghe, không nhìn được bất cứ điều gì ngoài bản thân. Tất cả những gì nàng muốn là được ở một mình, và chỉ cần nhìn thấy hắn, cơn chuếnh choáng ngay lập tức trở lại ong ong trong tai, tràn ứ lồng ngực. Trạng thái ấy chỉ bớt đi sau khi linh cữu của vị chúa được đưa về nơi an nghỉ. Khi ấy, mùa xuân đã qua, để lại nắng chói chang trên đỉnh núi và bầu trời. Nàng nhìn khoảng không trống thênh tràn nắng dưới bầu trời, cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ giấc mộng muôn kiếp trước.

Nhưng nàng cũng không hối hận về những gì mình đã quyết định. Câu trả lời, đúng như anh trai nàng đã nói, chẳng phải là quan trọng. Thứ quan trọng duy nhất là điều đã xảy ra, kết quả của nó. Nàng sẽ vĩnh viễn không thể nhìn thẳng vào hắn mà không cảm thấy cơn ác mộng kia trở lại. Vĩnh viễn, đúng theo những gì y đã nói, nàng không bao giờ có thể tha thứ cho chính mình.

Vậy thì, cắt đứt trước khi kịp nhận ra, có khi chẳng phải là điều không tốt. Không bao giờ muốn nhìn thấy hắn, lời nàng nói chẳng phải là không thật.

Ngày ấy, dưới ánh nắng tràn ngập khoảng trống dưới bầu trời, lấp lóa đổ tràn mặt nước, nàng đã nghĩ về những ngày sẽ đến của đời mình với cảm giác của kẻ vừa qua một giấc mơ dài. Nàng đã nghĩ đến cách để sống những năm tháng chỉ còn lại một mình, chứ không phải về những gì đã qua. Tất cả đã đi qua, bọn họ, và ngay chính cả bản thân nàng. Trong một cái chớp mắt, thế giới đổi thay. Và có đổ bao nhiêu nước mắt cũng chỉ là vô ích.

Hắn đã từng ở đó, làm một khúc cây mục cho nàng dựa dẫm. Nhưng – mà nàng căm ghét sự rõ ràng thông suốt lạnh đến thấu xương của y biết bao – đó là sai lầm của cả hắn lẫn nàng. Hết lần này đến lần khác, nàng vọng tưởng níu kéo lại chút hơi ấm, hóa ra chỉ nắm trong tay được một giấc mơ. Cả hai đã gây tổn thương cho nhau đến mức không thể chữa lành.

Nàng vẫn muốn biết tin tức về hắn, chẳng phải vì không có một phần thật lòng quan tâm. Con người ấy, kể cả cái phần tối tăm xa cách lạnh lùng dửng dưng thường trực, vẫn đã vì nàng mà ở lại, trở lại. Nàng không xót thương, cũng chẳng hề muốn níu kéo hay luyến tiếc, nhưng vẫn quan hoài. Nàng vẫn muốn có được sự khẳng định một lần và vĩnh viễn: dù có hay không có nhau, cuộc đời vẫn cứ trôi đi. Một ngày nào đó, nghe tin hắn tìm được bến đỗ cho mình, nàng sẽ có thể vĩnh viễn ném đi giấc mộng xưa, không cần lay động dù chỉ thoáng qua trong ký ức. Cũng không cần giận dữ hay phiền muộn khi gợi nhắc, như thể về cuộc đời của một người khác.

Như bây giờ thì nàng vừa bực bội vừa phiền muộn, không chỉ với vợ chồng Quảng Phú, mà cả bản thân. Hai người bọn họ, bằng cách này cách khác, gợi lại những kỷ niệm cũ, bằng chính những gì nàng đã bỏ qua, đã không thể thấy được. Ngày ấy, bằng cách nào nàng có thể nhận thấy mình đã lưu tâm đến hắn nhiều hơn nàng tưởng? Ngày ấy, nàng đã hiểu gì về hắn, về mình, về xung quanh và tất cả? Tất cả, khi được nhắc lại, khiến nàng cảm thấy mình như đã mơ ngủ suốt cả nửa cuộc đời. Tất cả, được gợi nhắc lại như một điều đã vĩnh viễn xa tầm tay với, đẹp đẽ chỉ để u sầu. Càng hiểu rõ, càng chông chênh.

Ngay cả đứng ở nơi này cũng khiến nàng nghĩ đến chuyện không muốn nhớ. Vị hương của thạch xương bồ và hơi ấm phảng phất trong gió mưa. Những gì tưởng chừng không thể buông tay, rốt cuộc cũng đã đi qua, để lại vị đắng vương mãi.

Chìm trong suy nghĩ, nàng bước đi mà chỉ thấy ánh trăng tràn ngập. Với một cái rùng mình ớn lạnh từ đầu đến chân, nàng chợt đứng chựng.

Chìm trong ký ức, nàng phải mất một khoảnh khắc để nhận ra hình bóng trước mặt không phải do nàng tưởng tượng.

Dưới ánh trăng vằng vặc, phảng phất như không người cảm thấy, trên triền đồi cao cheo leo giữa đá và thạch xương bồ, vẫn như trong đêm ấy, tà áo lướt qua ký ức nàng như làn gió rạch đôi khoảng không.

 

 

 

Chú thích:

[1] Triều đình Nam Hà không trả bổng lộc cho quan lại bằng tiền và đất đai như ở Bắc Hà. Hàng ngũ quan lại cao cấp cho đến nhà chúa chỉ được cấp từ 1 đến 10 mẫu đất. Bổng lộc của họ là ngụ lộc từ phía người dân. Tùy theo phẩm cấp, các quan lại được cấp cho một số phu hầu, và bổng lộc của họ là tiền thuế thân của số phu hầu này. Và chính các quan cũng phải nộp số tiền thuế khá lớn cho triều đình dưới hình thức lễ vật hay tiền lễ. Như năm 1725, chức Tướng thần nộp tiền thượng lễ 35 quan, nội lễ 7 quan, cùng 7 quan tiền lĩnh bằng và ngụ lộc cho các quan là 49 quan…Giống như các nước phương Nam như Chân Lạp hay Xiêm La, Nam Hà cũng có chế độ nộp tiền để trao quan tước. Số tiền thực thu của triều đình có khi còn nhiều hơn ngụ lộc của các quan. Cho nên, ngoại trừ một số quan lại cao cấp họ hàng với nhà chúa, các quan địa phương của Nam Hà phần lớn là những thế gia có tiền tài nhất định. Trong thời gian khai phá đất mới, họ Nguyễn dựa vào các thế gia, địa chủ này để ổn định tình hình, khai phá đất đai, nộp thuế cho nhà nước…Hình thức này tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, khi triều Nguyễn để dân chúng tự do khai phá đất mới, lấy đất ấy làm của riêng, dần dà hình thành nên một tầng lớp địa chủ sinh ra sau quá trình mở đất. Mà đến năm 1839, với tình hình ruộng tư chiếm gần hết đất đai ở Bình Định, phần lớn nằm trong tay địa chủ với phân cấp giàu nghèo quá mức, triều đình phải ra lệnh cải cách ruộng đất ở Bình Định nhằm san lấp bớt chênh lệch này, đưa một số ruộng tư trở thành ruộng công sao cho công tư bằng nhau. Việc này gây ra sự phản đối gắt gao, năm 1853, quan lại dâng sớ xin trả đất tư lại cho Bình Định.

Sự tư hữu đất đai ở miền đất Nam Hà trở vào là kết quả tất yếu của quá trình khai hoang, và triều Nguyễn sau này cũng e ngại phải xâm phạm đến sự sở hữu đất đai hợp pháp này – khi đất ấy được khai phá và trở thành sở hữu truyền đời của tư nhân. Đặc điểm này của Nam Hà khác với Bắc Hà vốn đã được đặt dưới sự quản lý lâu đời của nhà nước và ruộng đất cũng đã được khai khẩn từ lâu, có nơi đất đai địa chủ chiếm ưu thế, có nơi nông dân tự canh, nhưng chủ yếu địa chủ vẫn chỉ sở hữu đất đai vừa và nhỏ. Sự tự do khai phá mở rộng đất mới khiến Nam Bộ có những đại địa chủ có hàng chục ngàn mẫu đất.

Thời kỳ đầu dưới thời các chúa Nguyễn, quan lại được bổ sung dưới 3 hình thức: tiến cử, khoa cử và nộp tiền. Điều này dẫn đến sự bất cập khi triều đình không thể quản lý được hệ thống quan lại – hay khi chính triều đình trở nên suy đồi, như thời kỳ của Trương Phúc Loan. Thuế tăng quá cao để đáp ứng nhu cầu của triều đình, dẫn đến hệ thống quan lại cấp dưới buộc phải lấy nhiều hơn ở kẻ dưới. Cùng với khủng hoảng tiền tệ khiến kinh tế suy sụp, thuế tăng thực chất đánh vào tầng lớp địa chủ, phú hào lẫn thương gia – và cả quan lại cấp dưới. Như Nguyễn Nhạc “tiêu hết tiền thuế nên trốn đi”, và quân Tây Sơn ban đầu có Tập Đình, Lý Tài là những thương buôn người Tàu, và cả những địa chủ địa phương. Cơ cấu quan lại này sau đó đã được thay thế bằng lớp quan trị nhậm được bổ nhiệm ăn lương của nhà nước, tách bạch với tầng lớp địa chủ. Hệ thống ruộng đất tịch điền hay đất phong cho quan lại cũng bị bãi bỏ vào giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, đất đai Bình Định phần lớn vẫn nằm trong tay tư nhân, mà sự cải cách của vua Minh Mạng chỉ khiến rối loạn bùng nổ.    

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.