Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 8: Nước Mặn
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" January 20th, 2012

Khu cảng của phố Nước Mặn nằm bên bờ sông Âm Phủ. Từ cửa Thị Nại, thuyền đi vào sông Côn, qua các nhánh Cây Đa, Âm Phủ để đến khu cảng nằm bên phố, nơi cầu ngói bắc ngang dòng. Phía bên kia chợ, con đường nằm giữa hai dãy nhà chạy dọc bờ sông tấp nập người qua lại. Đúng vào ngày chợ phiên, cư dân trong núi đem sản vật xuống chợ buôn bán, sắc áo sặc sỡ muôn màu trong nắng. Có cả một đàn ngựa thồ nặng hàng, cao lớn vạm vỡ, sắc lông đen bóng[1]. Tiếng lục lạc rung khi chúng vẫy bờm càng thu hút ánh mắt người qua lại.

“Mua một con không?” Đi ngang qua đàn ngựa, cô gái ngồi trong xe vén rèm, chỉ cho người thanh niên ngồi phía đối diện. Y vẫn khoanh tay không nhìn, kềm lại một cái đảo mắt mà lắc đầu. Cô gái liền bĩu môi, vẫy tay bảo người xà ích dừng xe, cho gọi người lái ngựa tới.

“Ngươi mua ngựa làm gì?” Người thanh niên khoác áo màu lục cau mày. Cô gái vẫy quạt, tươi cười.

“Trời nóng thế này, ngồi chung xe với một kẻ lầm lì tối tăm như ngươi thật là bức bối chết người.” Nàng nói, thấy người đối diện gật đầu.

“Cứ việc cưỡi ngựa đến Kẻ Thử[2], đường xá thế này, đến nơi ngươi sẽ không ngồi thẳng lưng nổi nữa.” Y cười. Cô gái hơi ngừng tay vẫy quạt, chớp mắt.

“Ai bảo ta là người cưỡi ngựa?” Nàng ngọt ngào cười. Chiếc quạt giấu nửa vành môi cong lên. Nàng nói tiếp khi thấy ánh mắt y. “Vả lại, chúng ta cũng chưa cần tới Kẻ Thử vội. Nam nữ hữu biệt, ngươi đi chung với ta, ở chung nhà trọ với ta cũng gây điều tiếng chẳng ra sao. Ngươi đem người của mình mà tìm nhà trọ khác.”

Nơi này tai vách mạch rừng, cẩn thận vẫn hơn. Nàng nói tiếp, nhưng y đã sớm gật đầu ra ý hiểu. Bàn bạc mua xong hai con ngựa, y gọi tùy tùng đem đồ đạc đến đầu phố bên kia, cách xa nơi Như Yên định ở.

“Thật là chán.” Buông rèm cửa sổ xe, nàng thở ra trước khi cho xe chạy. Y không buồn châm chọc hay hoạnh họe nàng, cho thấy tâm trạng cũng chẳng mấy tốt đẹp.

Tâm trạng y đã chẳng tốt khi biết có nàng cùng đi đến vùng đất này, Như Yên nghĩ với khóe môi cong nhẹ. Trong những ngày này, tình hình vùng đất cạnh Kẻ Thử đang chộn rộn hơn hẳn vẻ ngoài bình yên của nó. Vijaya, kinh đô cũ của Chiêm Thành quốc, dù đã hàng trăm năm trôi qua, vẫn không thể đừng mà lắng tai nghe biến động đến từ phương Nam. Hải tấn Kẻ Thử, nơi đoàn thuyền chiến của sở tấn Nha Phiên neo đậu, đang tấp nập chuyển lương từ Quảng Nam và Quy Ninh về Bình Khang. Đang mùa gió để thuyền buôn đến Nước Mặn, bóng dáng của các lại thuộc dường như càng đông đúc hơn. Hai bên khu chợ, các dãy hàng san sát nhau bán đủ loại đặc sản của vùng này: trầm, nước mắm, vây cá, đồi mồi, sáp ong, cẩm hoa, thuốc, giấy… Trầu cau được chất thành từng sọt khổng lồ để đem xuống thuyền. Các hàng vải chất từng súc lớn lương, sa, nhiễu, lĩnh, lụa, sại nam… được đem đến từ các làng dệt ở Tuy Viễn. Trái cây đã qua mùa chín rộ hè thu nhưng vẫn còn những rổ xoài to tròn, mít, chuối, dứa, mía, dừa mùa nào cũng sẵn. Củ đậu, lá, tre trúc, rau quả bày la liệt trên đất. Các hàng nhỏ bán thêm thuốc lá, dầu dừa, dầu phụng cho tới đuốc gió, diêm tiêu. Trên đất có gà, chim công, ngựa, trâu, dê, hươu, nai; dưới biển có sứa, mực, vích, sam, sò, cá chình… Khu phố chợ trải dài năm dặm, rộng nửa dặm huyên náo tiếng người, rực rỡ sắc áo, cột buồm lô nhô bên cầu ngói, khói hương nghi ngút trong chùa Bà. Nếu có điều bất thường thì chỉ là hai, ba con voi đứng ở đầu bên kia phố, phía con đường dẫn về dinh trấn Quy Ninh. Đồn lính đầu sông cũng đông đúc hơn lệ thường. Công việc trong phố vẫn được tiến hành bình thường, dưới sự giám sát canh phòng chặt chẽ của quân đội Quy Ninh.

Nhưng quân đội cũng chỉ coi giữ được an ninh trong bề nổi của sinh hoạt con người. Nơi này, nắm giữ kinh tế của khu cảng thị thịnh vượng nhất của Chiêm quốc cổ xưa, là những thành phần khác. Các thương nhân đã đến sớm hơn quân đội, đã nhanh chóng bắt rễ và nắm lấy quyền lực ở địa phương nhanh hơn quân đội. Bằng tiền tài, lợi nhuận, nguồn sống, quyền lợi, thậm chí cả thế lực, bọn họ đã thâm nhập đến cả những vùng đất sâu trong núi, bắt tay với các tù trưởng, liên kết với những địa chủ, dựa vào thời điểm chuyển đổi xáo trộn mà tự tạo cho mình chỗ đứng. Thậm chí, có những đội quân khác - nếu những ‘lão gia’ này muốn, họ có thể tập hợp được đội quân không dưới hàng trăm người trong những bản làng và điền trang.

Khi đưa ba vạn tù binh đến lập nghiệp ở Quy Ninh, chúa Nguyễn đã ra lệnh cho các điền chủ, tài chủ phát cấp lương tiền cho cư dân mới. Điều đó, bên cạnh tính chất thuận tiện của nó, đã tạo ra một hậu quả khác: Kẻ nắm trong tay món nợ của cư dân, cũng chính là nắm giữ cuộc đời của họ. Món nợ truyền đời.

Một trong những kẻ nắm trong tay quyền lực ấy, nắm trong tay quyền lực nhất nhì nơi cảng thị này, là người mà nàng định đến tìm: Ngụy lão gia của Nước Mặn. Như Yên đưa mắt nhìn khu nhà lớn chuyên gia công đồ bạc bên phố, nghĩ thầm. Họ Ngụy còn có nhiều hiệu buôn lớn kéo dọc bên bờ biển và bãi sông, thậm chí núi sâu, của Quy Ninh. Nơi nào có khói là có dân Khách trú, người Nam Hà nói, hẳn nhiên có lý do.

Vì thế, nàng đã đích thân đi cùng Hoắc Phương tới nơi này, chẳng phải chỉ vì chuyện làm ăn riêng của y lẫn nàng. Hiểu Lam muốn đi, nhưng nàng đã cản lại, vì Hội An vẫn cần có một người đại diện coi sóc Hoắc gia – việc mà những kẻ trong Thanh Hải bang vẫn không muốn nàng nhúng tay vào. Đúng hơn, là những kẻ bên kia của Thanh Hải bang. Trong bất kỳ tổ chức nào, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều, sẽ chia rẽ thành phe phái và bè nhóm. Huống hồ, từ khi Hồng Thiên hội bị làm cho suy yếu mấy năm trước, người trong hội bỏ về phía bang phái này cũng nhiều. Rồi, theo lẽ tất dĩ ngẫu, những bè phái lại được tạo ra.

Nàng tới nơi này cũng chẳng phải vì để xem xét tình hình, việc ấy, những mật thám trong triều đình, bang hội hay trang viện đủ sức làm tốt hơn. Nàng chỉ là thân gái chân yếu tay mềm, đúng như Hoắc Phương nói, cưỡi ngựa vượt rừng từ Nước Mặn đến Kẻ Thử đã đủ đau lưng, chẳng thể nghĩ đến việc theo dòng sông Côn mà đi sâu vào vùng đất phía Tây hoang dã. Nàng đến, vốn chỉ để gặp một vài người. Những kẻ mà thế lực của họ bao trùm khu vực này. Hoắc Phương đến gặp Linh lão đầu, phe phái bên kia là việc của nàng.

Hạ tấm màn che cửa xe, Như Yên ngả lưng về sau, hơi cau mày. Không thể chối rằng quả thật nàng cũng đang hồi hộp e ngại.

Sự xuất hiện của nàng ở nơi này sẽ được nhận ra sớm thôi. Từ năm, sáu năm trước, nàng chưa một lần đặt chân về Quy Ninh, thậm chí hiếm khi ra mặt xuất hiện ở Hội An. Trước kia, người anh trai quá cố nhất quyết giữ nàng ở lại Phú Xuân có thể cũng vì lý do ấy: Một khi thân phận thật của nàng bị tiết lộ, sẽ nguy hiểm khôn lường. Với những gì nàng đã gây ra ở Quảng Ngãi, nàng có bao nhiêu cái mạng để trả? Ngụy lão có thể tìm tới được nàng cũng chỉ vì một liên lạc từ trong triều, mà nàng e rằng mình biết nguồn gốc của nó.

Lúc ấy, nàng thì biết gì? Mỉm một cái cười nhàn nhạt, tựa vai vào thành xe, Như Yên khép mắt trong cái nắng chói chang hắt qua tấm màn vải. Bây giờ, khi nghĩ lại, nàng cũng có thể nhận biết được gì, trong những điều đã xảy ra, những gì ngài ta đã nghĩ, đã xếp đặt, đã lo toan? Nôn nóng bứt cánh bay đi, bị thúc đẩy bởi những dằn dỗi và tổn thương vô cớ, từ những tình cảm bồng bột, nàng đã quá coi nhẹ chính mình. Do đó, cũng chẳng thể nào nhận ra tấm lòng của người khác. Và đồng thời, để chính mình bị thao túng.

Trở lại nơi này, đương đầu với những nguy cơ, nàng cho rằng đã đến lúc để giải quyết những lỗi lầm mình đã dại dột tạo thành. Quá khứ của nàng. Thắng lão, Ngụy lão, Linh lão, Quảng Phú, Lâm Phi, rồi có thể, cả Oc-nha That. Trước đây nàng chỉ núp sau Hoắc Phương, đẩy cho y tất cả hậu quả và nguy hiểm. Y đã đủ tử tế để gánh vác thay cho nàng. Nhưng nàng hẳn nhiên hiểu rõ, chẳng ai có thể che chở nàng cả đời.

Sự gian ngoan mà nàng cho là thông minh trước đây, thật ra chỉ là cách sống của loài nhuyễn thể. Vẫn cười, Như Yên thầm nghĩ, khi bóng nắng nhảy múa dưới hàng mi khép. Người xung quanh đã quá tử tế với nàng, chỉ có nàng mải oán trách, đòi hỏi và lợi dụng họ. Nàng đã biết gì, về nỗi tàn khốc thực sự của thế gian?

Nàng có thể tới gia trang của Ngụy lão nghỉ ngơi, nhưng lại không tiện cho việc liên lạc gặp gỡ những kẻ khác. Vả lại, nàng hiểu rõ Ngụy lão có địa vị gì nơi này. Ông ta, rốt cuộc, cũng là một phe phái tranh giành quyền lợi cho bản thân mình. Tình cảm hay ơn nghĩa với Thắng lão, như ông ta đã nói, cũng chỉ là một phần nguyên do để ông ta cứu chữa người ‘sư gia’ bí ẩn bên cạnh Linh lão đầu – hay là, người được mang cái tên ấy. Thắng lão không chỉ là kẻ có tiếng nói với một số người. Ông ta là người cất giữ quá nhiều bí mật, những bí mật chỉ có thể được tiết lộ với một trí óc minh mẫn và sáng suốt.

Vậy nên, nàng cũng chẳng vội vàng để cứu chữa cho cái hộp chứa ký ức ấy. Trả Thắng lão trong tình trạng ngây dại nhưng an tĩnh về lại Quy Ninh, nàng đi theo trên một chuyến tàu khác, bí mật nhắn tin cho Ngụy gia. Với cái cớ ấy, nàng tới đây, đem chính mình gieo vào một bàn cờ mới.

Phương Nam, những tháng cuối năm, nắng vàng rời rợi dưới trời xanh nhức mắt. Những đợt nắng nóng mùa hạ vừa qua, để lại cơn giông vần vũ trên ngọn cây. Vùng đất này chỉ dịu đi hơi nóng vào mùa đông, mưa bắt đầu kéo dầm dề xen những thời khắc nắng cháy. Hương giáng hương lại thoang thoảng đâu đây. Trong khoảng sân trước căn nhà trọ nàng đến ở, rặng chuối đã trổ hoa đỏ thẫm hay kết buồng vàng hươm tạo thành một dãy rào chắn với đường lộ. Xuân Tử đã đến trước sửa soạn phòng ốc. Như Yên cho tùy tùng ở gian ngoài, một mình bước theo Xuân Tử vào trong. Nàng đóng cửa, cởi áo đi đường, bên trong vẫn mặc tang phục trắng. Thấy Xuân Tử sửa soạn khăn áo đi tắm, nàng liền lắc đầu.

“Ta còn phải đi thăm vài nơi.” Lấy khăn dấp nước lau mặt, Như Yên nói, chỉ tay về phía hành lý. “Đền thờ Cống Quận công và Lộc Khê hầu vẫn ở đây, ta phải tới thắp nén nhang.”

“Tiểu thư nên nghỉ ngơi một lúc.” Xuân Tử khoanh tay trong áo, nhẹ nhàng nhắc. Cống Quận công Trần Đức Hòa là cha vợ, cũng là ân nhân cất nhắc Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, mà Lộc Khê hầu lại là ông ngoại của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Oai hiện tại. Như Yên chẳng phải nôn nóng đi làm nghĩa vụ của ‘con cháu trong nhà’ đến thế, khi nàng bí mật không kèn không trống tới đây.

“Người ngoài không biết nhưng người trong cũng sớm biết. Muốn đến gặp người lạ thì ta phải viếng người quen trước đã. Để người ta biết mình tới bằng tin ở nơi khác thì chẳng ra sao.” Như Yên gỡ hoa tai, uể oải vươn vai nằm xuống phản. Tuy nói thế, nàng cũng không vội đi ngay mà có ý đợi cho đến khi nắng dịu. Xuân Tử đem nước đến, thấy nàng lấy trong hà bao ra một hoàn thuốc nhỏ, nhắm mắt nuốt xuống.

“Thì gặp ai cũng chẳng cần vội.” Cô nói, Như Yên chỉ cười, ngả đầu vào gối mà nhắm mắt. Xuân Tử liền ra ngoài, gọi người chuẩn bị xe kiệu sẵn sàng.

Cô biết lý do mà Như Yên gấp gáp muốn đến viếng đền thờ nhà họ Trần. Cống Quận công Trần Đức Hòa, một trong những người hiếm hoi ngoài thân thuộc nhà chúa được phong đến Quận công sau khi mất, được chúa Nguyễn phong làm thần để thờ tự ở Quy Ninh này, xuất thân là một phú ông thế phiệt. Chúa Tiên đến Thuận Hóa, đẩy lui Chiêm Thành lấy Phú Yên, viên Khám lý phủ Quy Ninh không chỉ góp công sức trong việc quản lý trị an mà còn đóng góp tiền tài, trong phủ dụ dân chúng, ngoài cung cấp binh lương. Cống Quận công Trần Đức Hòa được phong phúc thần đời đời hương hỏa, họ Trần ở Quy Ninh cũng đời đời là danh gia thế lực khó ai bì. Trong tình thế hiện tại, mang danh là họ ngoại của Chưởng cơ Phò mã Trấn thủ Bình Khang, họ Trần cùng những thế gia lâu đời của Quy Ninh là tấm chắn vững chắc cho quân đội Nam Hà trong cuộc chiến.

Các thế gia trong vùng đất này, một khi nắm giữ được họ, đủ để tạo thành quyền lực.

Để không bị điều tiếng, trước khi đến gặp Ngụy lão, hẳn nhiên Như Yên phải tới ra mắt nhà họ Trần. Nhưng còn quan trọng hơn thế, nàng phải đến gặp họ trước khi có bất cứ rắc rối nào xảy đến. Ngay khi thân phận nàng bị tiết lộ khi đặt chân xuống bến cảng Thị Nại.

Nắng vừa dịu xuống, Xuân Tử đã vào trong nhà gọi Như Yên trở dậy. Vẫn mang tang, nàng không trang điểm, cũng không trang sức, chỉ quấn một tấm khăn lớn che mặt. Lăng mộ của họ Trần ở phủ Hoài Nhơn cách khá xa nơi này, nhưng ở Nước Mặn vẫn có đền thờ Cống Quận công do người họ Trần coi giữ, cũng như có các hiệu buôn của gia tộc. Cho người đến báo tin trước, Như Yên vào đền thắp nhang rồi đến khu phủ của Trần gia. Nàng tới bất ngờ, không có nhiều người ở Nước Mặn trong thời điểm này ngoài vài viên chưởng quản. Họ cũng không lấy làm mặn mà với người vợ sau của cháu họ, tuy vẫn kính cẩn tiếp đãi. Nói vài ba câu chuyện, Như Yên ngỏ ý tới việc góp tiền hương khói cho đền thờ, thái độ của viên chưởng quản liền tốt lên đôi chút. Đến cuối chiều, nàng khất việc cần phải ở lại cảng để trở về nhà trọ, khước từ lời mời trú tại nhà họ Trần.

“Có vẻ họ cũng không rảnh rỗi.” Khi trở về, Xuân Tử chợt nói. Như Yên chỉ im lặng gật đầu. Người trong họ không ai có mặt tại Nước Mặn, quả thực do bận việc hay còn lý do nào khác? Đang vào lúc họp chợ phiên, lại giữa mùa gió bấc đưa các thương buôn từ phương Bắc đến, lại chẳng có ai ở hiệu buôn. Dẫu rằng hoạt động tại cảng Nước Mặn không mấy phụ thuộc vào các tàu buôn Đường nhân như Hội An, khi các nguồn hàng được thương buôn tại chỗ thu mua để chuyển đi các cảng lớn trong vùng, ngay cả Nam Đảo, Hạ Châu, Mã Lai…

Người họ Nguyễn Hữu chồng nàng cũng không có mặt ở cảng thị này, theo như nàng dò hỏi được viên chưởng quản. Như vậy, chẳng lẽ tất cả bọn họ đều bận chuyển hàng ở Kẻ Thử? Hoặc một lý do đơn giản hơn, là họ muốn tránh mặt nàng. Viên chưởng quản chỉ ra mặt để dò hỏi ý định của nàng tìm đến đây, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Từ khi cưới, nàng chưa bao giờ thật sự quan tâm hay thân thiết với gia đình nhà chồng. Và địa vị lẫn tai tiếng của một cô công nữ khó chiều dễ khiến người ta mếch lòng.

Như Yên khe khẽ thở ra, chống khuỷu tay lên cửa sổ xe mà nhìn ra ngoài. Hai bên dòng sông, đèn thắp sáng rực chiếu xuống mặt nước. Đang ngày chợ phiên, chợ trên sông họp ngay cả vào đêm. Những người Thượng từ vùng núi xuống đem theo khèn sáo họp thành từng nhóm nhỏ nhảy múa ca hát trong khu đất làm chợ ban sáng. Trời vần vũ mây nhưng có vẻ không đổ mưa, chỉ có gió đêm trở lạnh. Nghĩ chưa ăn tối, nàng gọi mã phu đánh xe đến quán ăn đầu chợ, nơi đã huyên náo tiếng người.

“Để tôi vào mua cơm…” Xuân Tử dợm đứng lên, chợt thấy Như Yên lắc đầu nhíu mày. Ánh mắt nàng hướng đến bóng một người bên cửa quán. Ánh lửa từ chuỗi đèn treo trước quán soi tỏ một người thanh niên có vẻ còn rất trẻ, mặc áo kiểu người Thanh nhưng không cạo tóc.

“Gọi người đó vào cho ta gặp.” Chỉ tay cho Xuân Tử về hướng người thanh niên, Như Yên nói trước khi quấn lại tấm khăn che mặt, bước xuống xe để vào quán. Biết ý, Xuân Tử liền chờ nàng vào cửa rồi mới đến bên người thanh niên, bảo anh ta đi theo. Có vẻ ngạc nhiên, nhưng người thanh niên cũng đi cùng Xuân Tử. Như Yên đã vào một phòng khuất ở góc quán, bốn bên được che bằng liếp mỏng, đủ để người ngoài không nhìn thấy khách bên trong.

“Lê công tử.” Là Như Yên lên tiếng trước, khi người thanh niên vừa bước qua cửa. Xuân Tử lặng lẽ lui ra, đóng cửa lại phía sau. Lê Diệt, qua khoảnh khắc kinh ngạc, chỉ chớp mắt như vừa nhận biết người trước mặt.

“Công nữ cũng ở đây.” Cậu ta cúi mình, nói như một lời chào. Như Yên chỉ cười.

“Ai cũng ở đây mà.” Nàng nhẹ nhàng nói. Như hiểu ý nàng, Lê Diệt ngẩng lên, lắc đầu cười.

“Tôi ở đây vì lý do riêng, không liên quan đến ai cả.” Nhìn thấy ánh mắt của Như Yên, cậu mím môi rồi nói thêm. “Tôi có một người bạn ở gần đây, chiến cuộc phức tạp nên muốn ở lại giúp đỡ.”

“Ai thế?” Nhấc ly rượu vừa được đưa đến, Như Yên mỉm cười, ra dấu cho Lê Diệt ngồi phía đối diện nàng. Ngữ điệu của nàng vẫn tràn ngập nghi ngờ.

“Một cô gái.” Im lặng một lúc, Lê Diệt thở ra. “Người mà công nữ e ngại, nhất định không ở đây.”

“Một cô gái?” Khóe môi chợt cong, Như Yên ra vẻ không nhận thấy ý câu nói sau của Lê Diệt, nàng tự đổi trọng tâm chú ý của mình. “Cô gái nào có thể dính líu đến chiến cuộc ở Bình Khang?”

“Không phải ta tò mò.” Như Yên lắc đầu khi Lê Diệt mím môi im lặng một lúc lâu, ra vẻ không muốn trả lời câu hỏi của nàng. “Nhưng an nguy của công tử không phải chỉ là mối bận tâm của một mình công tử. Công tử nghĩ, khi gặp rắc rối ở đây, sẽ ảnh hưởng đến ai?”

“Tôi cho rằng mình đủ biết nặng nhẹ để không ảnh hưởng đến người khác.” Lê Diệt nhíu mày. “Còn kẻ cứ tự kéo rắc rối vào mình thì ở nơi nào cũng như nhau, e rằng công nữ cũng không thể lo được đâu.”

“Nghe như công tử không phải là người đến khuyên ta từ bỏ ngày ấy.” Như Yên xoay ly rượu trong tay, mỉm cười. Nàng gật đầu. “Ừ thì cuộc đời mỗi người phải tự lo lấy thôi, phải không?”

“Hình như ta đã gặp người trong đoàn thuyền của công tử ở Quảng Nam. Sao ta lại không gặp công tử nhỉ?” Như Yên nói tiếp khi Lê Diệt lại im lặng. “Nghe nói mỗi năm công tử đều đi qua quãng đường ấy, vậy mà lúc ta gọi vào cũng chỉ cử người đến thay.”

“Công nữ nếu đã muốn từ bỏ rồi thì cũng nên dứt khoát đi thôi.” Nhìn ly rượu trong tay Như Yên một lúc, Lê Diệt hạ giọng nói. Như Yên nhíu mày, ngắt lời cậu ta.

“Ta cần biết hắn ở nơi nào cũng không phải là quan tâm.” Mắt nàng tối lại, trong ánh lửa lại chợt sâu không thấy đáy. “Ai biết hắn có thể gây ra chuyện điên khùng gì? Hắn cứ việc chết dấp ở bờ hoang bãi trọc nào chứ đừng dẫn xác đến đây!”

“Cho nên người đó đã không đến, ngay cả bây giờ.” Giọng Lê Diệt vẫn ôn hòa. “Nếu công nữ nghi ngờ, tôi xin lấy đầu bảo đảm rằng sự hiện diện của tôi nơi này vốn chỉ là quyết định riêng của tôi. Nếu không tin, công nữ cứ việc cho người theo dõi.”

“Công tử có thể cho ta địa chỉ nhà trọ và kế hoạch đi lại?” Như Yên cười. Lê Diệt gật đầu, lấy giấy bút từ tay tiểu nhị đưa lại, ghi cho Như Yên những gì nàng cần. Vẫn giữ thái độ lịch sự xa cách, cậu cáo từ ra về ngay.

Còn lại một mình, Như Yên nhìn lại một lượt nữa những dòng chữ mới vừa khô mực. Bốn phía xung quanh, tiếng động từ đám đông huyên náo của quán ăn vọng qua tấm liếp, như đổ vào chỗ trống Lê Diệt vừa bỏ lại.

Đọc được địa phương Lê Diệt trú ở Phú Yên, Như Yên khẽ cau mày.

Cô gái có thể liên quan đến chiến trận ở Bình Khang, lại là cô ta?

 

 

 

Chú thích:

[1] Lê Quý Đôn viết: “Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã, phủ Quy Nhơn sản xuất ngựa. Ngựa sinh ra ở trong hang núi thành đàn hàng trăm, hàng ngàn con. Có con cao tới 2,5 thước đến 3 thước trở lên. Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng hóa sang Phú Yên… Đàn ông, đàn bà đi chợ buôn bán hay đi xa cũng cưỡi ngựa là thường.”

[2] Kẻ Thử: Nằm ở phía Bắc của bán đảo Triều Châu, nơi ngã ba ranh giới đất của hai huyện Tuy Phước, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định, có một trảng cát dài 8 km nối liền giữa núi Bà ở phía Bắc và núi Đơn (ở Xương Lý) về phía Nam; có bề rộng hơn 2 km từ bờ biển phía Đông đến cửa sông Côn đổ về phía Tây Bắc đầm Thị Nại. Nơi đây là cảng thị sầm uất nhất dưới thời Chiêm Thành, sau này là một hải tấn quân sự của nhà Nguyễn, còn gọi là Nha Phiên. Từ đầu thế kỷ XIX, nhánh sông Côn đổ ra biển nơi này bị lấp. Kẻ Thử cách Nước Mặn 8km về phía Đông.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.