Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Hồi 2: Ayutthaya
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" December 28th, 2011

Tháng tám, mùa thu năm Quý Dậu, nhà vua Chiêm Thành là Bà Tranh họp quân tấn công Diên Ninh. Chúa Nguyễn lấy Cai cơ Nguyễn Hữu Kính làm Thống binh, điều quân hai dinh Quảng Nam và Bình Khang đi đánh.

Mùa gió bấc nổi, đoàn thuyền từ phương Bắc bắt đầu chuyến hành trình thường niên đến những miền đất phía Nam để thu gom sản vật. Chiến trận tại Bình Khang đã cắt đứt nguồn tiếp tế vật phẩm ở miền đất Chiêm Thành, buộc những thương thuyền phải đi xa hơn về vùng đất đảo gần vịnh Xiêm La. Ayutthaya vừa mới qua cơn biến loạn khi những cuộc nổi dậy của các vương hầu đã được dẹp yên, nhà vua Phetracha cho người đến Tiểu Tây Dương hòa đàm khiến những cuộc quấy phá của Phú Lang Sa ngưng hẳn. Tuy vậy, sự hạn chế quan hệ với Tây dương trong lãnh thổ Ayutthaya vẫn không mấy được cởi bỏ, chỉ có thuyền từ Đại Thanh và các đảo xung quanh đến đông chật các cảng thị.

Cheal Meas, vùng đất duyên hải nằm bên Kampot, cũng trở nên đông đúc kỳ lạ. Lối đi từ bờ biển phía Bắc của Chiêm Thành đến các vùng đất bên trong đã bị chắn, Cù lao Phố đang gặp rắc rối với vị vua Chân Lạp, thuyền buôn chọn cập bến Cheal Meas để tiếp cận với vùng Thượng trong núi. Hơn nữa, trong mấy năm qua, vùng đất trồng tiêu ở nơi này đã lan nhanh, tạo thành những vườn tiêu rộng lớn, rút ngắn hơn nửa quãng đường cho các thương buôn đi mua loại gia vị quý của phương Nam. Do người trong vùng tự tạo một khu buôn bán nhỏ, nơi này không bị đánh thuế, so với Kampot còn hấp dẫn sự tập trung của những nhà buôn hơn. Đi cùng với khu chợ bên cảng và các thuyền vào bến nằm chờ đến mùa gió nồm để trở về phương Bắc, một khu nhà trọ gần đó được lập, kéo theo cả dân bản xứ lẫn kẻ lang bạt kỳ hồ tập trung về.

Vùng đất ngày càng đông đúc nhưng vốn không có luật pháp hầu như chẳng ngày nào không náo loạn.

Sau bụi duối bỗng vang lên tiếng hét chói tai, trước khi một thân người kềnh càng văng ra khỏi bờ giậu bằng nứa cắm sơ sài quanh một khu nhà nhỏ lợp rơm. Vừa lồm cồm ngồi dậy, thở phì phì ra đám đất cát trong miệng, gã to béo vừa bị đánh bật ra lại chồm người lên định xông vào nhà. Từ trong cửa, mấy bóng người xông tới với gậy gộc lớn nhỏ trong tay, hướng về phía gã mà rào rào đập xuống. Tả xung hữu đột, gã to béo hất văng được mấy người sang bên, nhưng cũng đã lãnh mấy cú đánh vào chân, phải nhảy lò cò, miệng vẫn không ngừng la hét như heo bị chọc tiết. Dường như đã quá quen với cảnh tượng này, người quanh đó không ai phản ứng, cũng chẳng buồn chỉ trỏ.

Cho đến khi gã to béo lãnh thêm cú đánh bất ngờ vào chân còn lại, ngã ập xuống đất, đám người bao vây gã mới ngừng tay. Hai người trong bọn nắm tay gã kéo sang một bên vứt vào bụi duối. Gã nhắm mắt thở phì phò, nhưng vẫn còn sức để chửi mắng luôn miệng bằng một thứ tiếng không mấy ai hiểu.

Khi mở mắt, gã lại giật bắn mình. Cọng cỏ lau đung đưa trước mặt như thể suýt chạm vào mũi gã, khi người cầm nó ngồi xổm bên cạnh, nghiêng đầu nhìn gương mặt tròn xoe bị đánh tả tơi bằng vẻ mặt hoàn toàn thản nhiên như quan sát hòn đá bên đường.

“Thua bạc?” Tên thanh niên có vẻ vẫn còn trẻ, có đôi mắt sáng nhưng mang vẻ an tĩnh như nước hồ lên tiếng, cọng cỏ trên tay hắn vẫn không ngừng đung đưa trước mũi gã. Gã định gật đầu, nhưng cuối cùng chỉ trừng mắt nhìn kẻ không biết từ đâu tới đang tỏ vẻ quan tâm hoàn toàn vô tích sự. Trong cái đất không quan không lính này, hỏi thăm một kẻ vừa thua bạc là hành vi hoàn toàn vô tích sự. Nhất là với bộ dạng bù xù ngái ngủ của kẻ đang hỏi, hắn nhìn gã y như nhìn bụi duối bên đường.

“Từ đâu đến vậy, để ta đưa về, anh bị thương rồi.” Hắn ra dấu về phía hai chân gã. Gã nhúc nhích thử đôi chân, thấy cơn đau lan thấu đến óc, buột ra tiếng rên rỉ. Ngậm cọng cỏ vào miệng, hắn lần tay kiểm tra đầu gối, xương khớp gã, rồi lắc đầu. “Không bị trật, cũng không gãy xương, có lẽ chỉ đau một lúc thôi.”

“Ở đâu, ta đưa về?” Ngoảnh nhìn, hắn hỏi lại lần nữa. Trừng mắt một lúc, gã lầm bầm.

“Trên thuyền… nhưng thua hết tiền rồi, không về được.” Gã rất muốn chửi thề, nhưng không hiểu sao lại như bóng xẹp hơi, chỉ lầm bầm trong miệng. Tên thanh niên chớp mắt, không hỏi thêm. Nói cho cùng, chuyện các thủy thủ đem tiền mua bán của chủ đi đánh bạc thua sạch rồi không dám trở về cũng chẳng phải là chuyện hiếm hoi.

“Vậy thì cũng không nằm ở đây được.” Hắn nói, đứng dậy, kéo gã theo mà không hỏi lại. Gã thấy gáy mình bị nhấc bổng lên, chưa kịp kinh hoảng vì sức lực của tên thanh niên thì đã bị hắn kéo vào trong nhà – Chính khu nhà mà gã bị dùng gậy đuổi đánh ra. Khu nhà xây hình chữ Hồi này là một sòng bạc gồm nhiều căn lớn nhỏ ghép với nhau, phía sau là nhà nghỉ. Ném gã lên cái giường tre trong một căn phòng nhỏ, tên thanh niên lên tiếng gọi người. Chẳng mấy chốc, gã chủ sòng có khuôn mặt quăn queo đen nhẻm từa tựa mặt khỉ ló đầu vào, đưa mắt nhìn kẻ đang nằm trên giường rồi đến tên thanh niên đã thản nhiên leo lên bàn ngồi.

“Thứ củ cải héo này lôi về làm gì?” Tên chủ sòng mà gã biết là họ Dương hỏi trỏng, điếu thuốc bập bập bên đôi môi trề. “To béo nuôi chỉ tổ tốn cơm.”

“Đang mở khu làm mắm, cần người vắt cá.” Ngẩng đầu nhìn trần nhà, tên thanh niên dùng giọng giống y lão bản họ Dương mà trả lời. Đôi môi hơi méo đi một góc, Dương lão bản cau có rút trong tay áo ra một cuộn giấy nhăn nhúm, vẫy nó trước mặt gã rồi thu về nhanh đến mức gã còn chưa thấy mấy dòng chữ vẹo xọ trên nó.

“Từ nay ngươi đến xưởng mắm làm việc.” Dương lão bản nói rin rít qua kẽ răng trước vẻ mặt ngơ ngác của gã to béo kia. “Tiền thua bạc của ngươi, chúng ta sẽ trả cho chủ thuyền, lấy giấy bán thân của ngươi về. Từ nay ngươi làm việc cho chúng ta.”

“Nhưng… ta…” Gã lắp bắp, chưa nói hết thì Dương lão bản đã nạt ngang.

“Ngươi muốn về thuyền để bị ném xuống biển thì ta mặc kệ. Ngươi dù béo thì thịt róc ra làm bánh bao cũng chưa đủ trả nợ. Hay muốn vào rừng làm mồi cho hổ hơn?” Lão hùng hùng hổ hổ nói, khiến cho kẻ trên giường cũng tự động co mình lại. Không để gã kịp tỏ ý đồng tình, Dương lão bản đã rút từ trong ngực áo ra hộp dấu son, ấn ngón tay gã vào, lăn lên tờ giấy. Thấy việc đã xong, tên thanh niên lặng lẽ đi khỏi phòng. Chỉ rời được vài bước chân, hắn đã nghe tiếng thở phì phì đằng sau khi Dương lão bản đuổi theo.

“Mạc tiểu tử, ngươi ăn không ở không rồi suốt ngày đi qua đi lại tìm việc cho ta làm hả?” Nắm cổ áo hắn, tay kia nhét lại tờ giấy ‘bán thân’ vào ngực, Dương lão bản rít lên the thé. “Tối nay ta có hẹn với Hoa Hoa cô nương, ngươi tự đi tìm chủ thuyền kia mà đôi co vác cái bị thịt về làm mắm.”

“Lão không làm thì có người khác làm, việc gì phải nghiêm trọng thế?” Gạt tay Dương lão bản xuống, hắn cười. Hoa Hoa cô nương? Lại là một cô gái nào đó mà gã thậm chí không nhớ nổi tên, tất cả đều được gọi là ‘Hoa Hoa’.

“Ngươi bày trò đi cướp người rồi đẩy cho người khác làm, có bao giờ đụng tay đến nghe người ta chửi mắng đâu mà biết.” Râu tóc của Dương lão bản đang dựng ngược. ‘Bán thân’, nói dễ nghe là giải quyết rắc rối của những con bạc thua nợ, nói khó nghe thì là đi cướp người của các thuyền. Đám thủy thủ nhân viên của thương thuyền đem tiền của chủ đi đánh bạc thua không dám trở về là chuyện không lạ, thu gom đám người ấy về để có thêm nhân công nơi hoang vắng neo người này cũng không phải là khó hiểu. Nhưng đem tiền thua bạc ấy ‘trả lại’ cho chủ thuyền coi như mua người? Dù biết mười mươi đám thủy thủ ấy không trở lại, có thể mất cả người lẫn tiền, chẳng bằng nhận được bạc rồi bán phứt chúng đi, các chủ thuyền không thể nào chẳng mắng mỏ cả kẻ dưới lẫn đám chủ sòng bạc mấy câu. Đi đưa tiền và nghe các chủ thuyền mắng chửi không bao giờ là việc đáng để thích thú cho cam.

Vì lối đối xử này, Cheal Meas đây đang trở thành nơi tập trung đến của các con bạc, nhất là đám thủy thủ lang bạt cầu may trên các thương thuyền. Nếu thua trắng, họ vẫn có thể vào nhà chủ sòng làm việc. Các chủ thuyền vẫn mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Nói cho cùng, sòng bạc ở vùng biển này được mở khắp nơi, thà mất người còn hơn cả tiền lẫn người. Chỉ có Dương lão bản là thầm than khổ. Trước đây nghe lời dụ ngon dụ ngọt mà vào bờ, nghĩ rằng có thể nằm khểnh thu bạc, nào ngờ lại trở thành cả quản lý sòng bạc lẫn buôn người, mỗi ngày công việc đều ngập mặt. Gã đã rất muốn hối hận ngẩng đầu nhìn trời mà than thở cho chuỗi ngày làm hải tặc tự do khoái hoạt.

Tên lười biếng này mang danh chủ nhân nhưng chỉ giỏi lượn lờ tìm thêm việc cho gã làm. Đánh bạc lẫn buôn người theo cách của hắn đều chẳng cần vốn liếng, hắn cứ thế mà tận dụng hết khả năng làm việc của đám người dưới. Xưởng mắm? Đến cả cá chết hắn còn chẳng tha!

“Ta nghe nói thuyền của người Đồ Bà đem rong biển từ phương Nam đến sắp cập bến.” Ra vẻ không thèm để ý đến thái độ Dương lão bản, hắn ngoảnh nhìn ra phía biển mà nói. “Rong biển ở Đại Thanh rất được giá, nhưng người Đường không chủ động đi khai thác mà mua gom lại của người Đồ Bà, nếu ta có thể giữ quyền phân phối trong vùng thì tốt.”

“Ta không làm!” Dương lão bản thấy mũi mình như đã thở ra khói. Hắn liếc nhìn gã, gật đầu.

“Để ta bàn với Mộc lão gia.” Những chuyện kinh doanh trên địa bàn rộng lớn phức tạp, hẳn nhiên không thể bàn bạc với một kẻ như gã.

Thái độ của hắn làm Dương lão bản càng bực thêm. Đã bước đến cửa khu sòng bạc, hắn vẫy tay bảo gã trở vào. Gã liền nhướng mày.

“Ngươi đi đâu?” Từ sáng đã không thấy mặt, chỉ vác con heo chết kia quăng về cho gã giải quyết, hắn lại làm gì trong đám thuyền buôn kia? Như sực nghĩ ra, gã nheo mắt. “Nghe phương Bắc có chuyện là lại dỏng tai lên rồi chứ gì?”

“Không phải, ta chờ một người.” Khoanh tay, hắn lắc đầu, nói thêm trước ánh mắt Dương lão bản. “Lê Diệt đáng lẽ lúc này phải về rồi mới phải. Ta đi nghe ngóng xem có chuyện gì xảy ra giữa đường không. Biển Đông vừa mới có bão.”

“Nếu có chuyện thì cũng chả biết ngay được.” Lại trề môi bập thuốc, Dương lão bản lầm bầm, nói câu sau chẳng ăn nhập với câu trước. “Ngươi cũng bớt hóng chuyện người khác đi. Hay ta giới thiệu Hoa Hoa cô nương cho ngươi?”

“Cám ơn, không cần.” Kềm lại một cái đảo mắt, hắn quay người rời khỏi khu nhà. Nếu Dương lão bản quả thực giới thiệu ‘Hoa Hoa cô nương’ của gã cho hắn, e rằng phải mất đến một năm mới hết.

Hàng quán, nhà trọ, sòng bạc, và tất nhiên, nhà thổ, đã kịp dàn ra kín những con đường đất nện lù mù cỏ lẫn bụi bên cồn cát. Hình thức mà Mộc Long đã dựng lên bên đồng tiêu của ông ta hiện đang lấn ra nơi này, tuy quy tập về đủ loại người chứ chẳng phải chỉ của riêng hắn. Đủ loại tiếng nói ồn ã dưới nắng chiều trong khu đất nhấp nhô đủ loại nhà lớn nhỏ, khang trang lẫn xập xệ. Đường do tự định mà dựng nhà phố nên nhấp nhô không đều, chỗ cong khúc quẹo. Nắng gắt, người cũng ngại ra ngoài, chỉ có con trâu chậm chạp kéo một xe trùm kín rơm đi trên đường. Tiếng ồn sau những liếp phên tre vẫn không ngớt. Ngoài bãi, hàng dừa chắn gió rào rào, hắt cái bóng dài đổ lên khu đất phía trong. Bên kia, phía bờ vịnh để neo đậu thuyền, bóng của những cột buồm cao ngất rung rinh theo sóng gió. Phía biển kéo tới đường chân trời xanh ngắt, bóng vài chiếc thuyền vẫn lặng lẽ lại qua, có chiếc đang tấp về hướng này. Hắn nhìn theo cột buồm trắng, phát hiện mình đã thở dài.

Chuyện hắn lo lắng cho Lê Diệt là thật, cậu ta đã về trễ hơn nửa tháng so với hoạch định. Nhưng lý do khiến hắn không an tâm chẳng phải vì cơn bão. Theo hoạch định, Lê Diệt đáng lẽ đi qua biển Đông lúc cơn bão còn chưa tới. Việc cậu ta chậm trễ trở về e rằng liên quan đến biến động tại vùng đất phương Bắc. Lê Diệt thường ghé qua Panduranga mua bán, ai biết có thể đã gặp rắc rối nào. Những đội quân hung hãn chẳng nề hà chuyện bắt giữ thuyền buôn để cướp hàng phục vụ cho nhu cầu chiến tranh.

Vả lại, hắn nôn nóng chờ đợi cậu ta trở về cũng vì chuyện liên quan đến lão Cửu. Chuyến này Lê Diệt đến phương Bắc không chỉ để buôn bán mà còn nghe ngóng tình hình. Nơi phương Nam xa xôi này, an nguy của Nam Hà vẫn ảnh hưởng tới vận mệnh người ở đây.

“Triều đình cho thuyền đến Bắc Hà?” Một tháng trước, ghé lại Vạn Tuế Sơn[1] nơi lão Cửu sinh sống, hắn hỏi về chuyện đã nghe ngóng được xung quanh. Anh trai hắn chỉ trầm ngâm gật đầu.

“Vua Phetracha và hoàng tử Sorasak đang sắp đặt rất nhiều thuyền bè tới mọi nơi. Chiến tranh đã lặng, họ muốn nối lại buôn bán chứ.” Nghiêng đầu nghe tiếng cười huyên náo của lũ trẻ tranh nhau miếng khao ho trong lễ Ang Mi Thong[2], lão Cửu nhịp ngón tay xuống mặt bàn gỗ, nói mà không nhìn vào mắt hắn. “Hầu hết tới Đại Thanh và Nhật Bản, cả Manila. Có người đề nghị cho thuyền đến Bắc Hà, nhưng chưa được đồng ý. Buôn bán với Bắc Hà rắc rối mà ít lợi nhuận, chẳng bằng đến Nam Hà, nhưng mà… Mấy năm vừa qua, không có phái đoàn nào đến Đại Thanh, chỉ có thuyền từ phương Bắc đổ về. Nhà vua thích kêu gọi thương thuyền đến hơn là phái người của mình đi xa. Ngân quỹ không dư dả, họ thích bán hàng kiếm bạc hơn là mua hàng về trong nước. Người Ô Lan càng lúc càng trở nên không đáng tin, lợi dụng độc quyền để nâng giá hàng và buôn lậu, đã vậy lại chẳng đem về nhiều bạc. Tuy vậy, người Đường trong phrakhlang[3] cũng đem lại nhiều rắc rối.”

“Ai định đưa thuyền đến Bắc Hà?” Nhận thấy ý của anh trai, hắn hỏi. Lão Cửu đưa mắt nhìn hắn, im lặng một lúc rồi mới trả lời.

“Hẳn nhiên là hoàng tử Sorasak.” Anh trai hắn nói với giọng điệu gần như đương nhiên, rồi lại thêm. “Cho nên, dù ở đâu cũng vậy, đừng nên liên quan quá sâu đến đám người của phrakhlang.”

Lần này, đến lượt hắn rơi vào im lặng.

Nếu bình thường, hẳn hắn đã cười trước sự cẩn trọng lo lắng quá mức của người anh trai. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, hắn biết lời dặn dò này có lý do. Dù chỉ mở một sòng bạc bé tẹo ở Cheal Meas, cũng không biết cơn sóng sẽ đánh vào bờ lúc nào.

Hoàng tử Sorasak, thế lực thứ hai trong triều đình Ayutthaya, người đã cùng cha mình lật đổ nhà vua Narai, và có tham vọng vượt hơn cả người cha. Tuy vậy, địa vị cùng thế lực ấy cũng không thể bảo đảm cho hoàng tử chức vị kế thừa. Ngai vàng của ngài ta đang bị đe dọa bởi một đứa bé mới vừa bốn tuổi: Phra Khwan, con trai người thừa kế hợp pháp của vương triều cũ, công chúa của nhà vua Narai - Kromluang Yothathep. Địa vị của người mẹ đưa đến quyền lực cùng sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với đứa trẻ mang dòng máu của vương triều Prasat Thong. Dù những cuộc nổi loạn cũ đã được dẹp yên, người ủng hộ cho kẻ thừa kế cuối cùng của nhà vua Narai khắp vương quốc lẫn triều đình chẳng vì thế mà giảm bớt. Ngay cả nhà vua Phetracha cũng nhận thấy điều đó, mà sự ưu ái của nhà vua với người con nhỏ này là điều ai cũng rõ.

Vì vậy, Hoàng tử Sorasak tham vọng chỉ có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ các thế lực khác trong phrakhlang: Những người ngoại quốc. Người Tây dương không còn được ưu ái như xưa, chỉ còn một cựu nhân viên của Đông Ấn Ô Lan giữ chức Okluang Ritthirawi. Chức vị Okya Sombatthiban đã được một người Đường đảm nhận, trong khi một người Hồi khác nhậm chức Okya Maha Amat để làm việc với thương buôn đến từ Ấn Độ. Chẳng mấy chốc, quyền lực của vị Okya Sombatthiban đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ công việc buôn bán trong đất nước. Thương nghiệp là nguồn sống của Ayutthaya, là nguồn cung cấp vàng bạc, lương thực, vũ khí, sức mạnh cho Ayutthaya. Đoàn thương thuyền Đường nhân nườm nượp tới các bến cảng hứa hẹn không chỉ bạc vàng châu báu với những người đang đứng trong điện vàng Ban Phlu Luang.

Để đối đầu với các mái nhà vàng của vương quốc này, hoàng tử Sorasak hướng tới những cánh buồm và đám người đến từ biển cả. Gửi thuyền đến những vùng đất lân cận kêu gọi xây dựng mối liên hệ buôn bán giữa hai quốc gia, cũng là cách đem về những người hỗ trợ cho mình.

Nhà vua Phetracha cũng hoàn toàn chẳng phải kẻ tay mơ trong cuộc tranh đoạt chốn vương triều. Đến lượt nhà vua, bằng quyền lực của mình, sẽ quản lý đám người ấy, cả trong phrakhlang lẫn các bến cảng.

Dù chỉ ở bãi biển hẻo lánh Cheal Meas, chẳng ai cam đoan hắn sẽ không bị cuốn vào cuộc tranh đoạt này, có thể chỉ với mối liên hệ mỏng manh nhất mà chính hắn cũng không nhận ra.

Ngay cả Bắc Hà – một con cờ nhỏ trong ván cờ quyền lực của phrakhlang Ayutthaya. Nhà vua Phetracha sẽ không mấy bận tâm đến vùng đất không đem lại bao nhiêu lợi lộc cho triều đình, nhưng có thể hoàng tử Sorasak không chỉ nghĩ đến điều đó. Trong những tin tức biến động đến từ phương Nam, có thể đã có người nghĩ ngay đến cách xác lập bàn cờ mới.

Sự mất tích của Lê Diệt trong những ngày này thật khiến hắn nóng lòng sốt ruột. Trong những ngày này, chỉ một sơ suất nhỏ nhất cũng đã đủ để gây nên chuyện lớn. Lê Diệt mất tích quá lâu, người phải gánh chịu trách nhiệm lại là anh trai hắn. Lão Cửu được nhà vua Phetracha cho đến vùng đất của người Mon, biên giới với Miến Điện, góp sức ổn định biên thùy; trong khi Lê Diệt ở lại Tha Chin gần đó giữ công việc buôn bán trong cộng đồng người Đường. Người Đường là những thương nhân từ trong máu thịt, ngay cả trong việc mua vua bán chúa. Sự chia rẽ của triều đình Ayutthaya cũng đem tới sự phân chia của nhóm thương buôn ngoại quốc, mà mỗi người đều có thể bán đứng kẻ khác để đem tới lợi lộc cho mình. Những nhà vua vị chúa, đến lượt mình, lại biết tận dụng tính cách ấy đến cùng.

Quyền lực và bạc vàng có thể vô cùng dễ kiếm ở miền đất phương Nam, nhưng cũng vô cùng dễ để bị hủy diệt trong bàn tay của quyền lực và trò chơi quyền lực. Chính cha của nhà vua Narai, nhà vua sáng lập vương triều Prasat Thong, trong cuộc tiếm đoạt quyền lực, đã nghiền nát tất cả kẻ có nguy cơ cản đường, trong đó có cả nhóm hơn ngàn chiến binh người Nhật tại Ligor[4]. Okya Senaphimuk Yamada Nagamasa đã tận tâm phục vụ vương triều Songtham, nhưng điều đó chỉ khiến đoàn người của ông bị đội quân Prasat Thong hủy diệt chỉ trong một đêm. Chuyện của đoàn người Nhật Bản ấy trở thành bài học cho mỗi kẻ định đến tìm kiếm vận may nơi vùng đất của nhà vàng này, nơi mà vận mệnh của họ không do mình quyết định. Ngay cả quyền lực cùng của cải cũng không đem lại được cho họ sự an toàn.

Ngay cả những người đang ở Đông Phố? Ngẩng đầu, nheo mắt nhìn mặt trời đỏ au đang trôi xuống sau rặng dừa không ngừng xao xác, hắn nghĩ thầm. Nhà vua Chân Lạp vẫn chưa có hành động, như thể vẫn đang chờ đợi. Nhưng một khi đội quân đóng ở Bà Rịa rút đi, Cù lao Phố có thể an toàn được bao lâu? Nếu như chiến sự phương Bắc trở nên phức tạp, Nam Hà sẽ chẳng còn bảo toàn được cho Đông Phố.

Hoàng tử Sorasak gợi ý cho thuyền tới Bắc Hà, hẳn cũng đang có cùng suy nghĩ. Ayutthaya không đủ sức tham dự vào một cuộc chiến ngoài biên cương hiện tại, nhưng không khó để thúc đẩy nó xảy ra.

Ngài có nghĩ đến không? Theo ánh tà dương lồng lộng gió đang trận trận cuốn vào, hắn lại thấy mình đang tự hỏi. Ngài có nghĩ đến khi sắp đặt bàn cờ của mình, rằng những con cờ cũng chẳng thể nắm được vận mệnh chính bản thân?

Như ngài, đã tuột tay khỏi vận mệnh.

 

 

 

Chú thích:

[1] Vạn Tuế Sơn: ngày nay là thành phố Ratchaburi thuộc miền Tây Nam Thái Lan, cách Bangkok khoảng 100km, ở biên giới Miến Điện với dãy núi Tanawsri làm vạch ngăn cách tự nhiên, có dòng Mae Klong chảy qua. Nơi này cạnh thành phố cảng Samut Sakhon - trước đây thành phố lẫn con sông bên cạnh được gọi là Tha Chin vì đây là hải cảng tập trung thuyền bè Trung Quốc cập bến, năm 1704, nó được đổi tên thành Mahachai.

[2] Lễ hội được tổ chức vào tháng chín âm lịch hằng năm ở Ratchaburi để cầu may mắn hạnh phúc. Trong gia đình làm một loại bánh gọi là Khao Ho có hình dạng giống bánh ú bằng gạo và mật ong.

[3] Tên gọi triều đình Ayutthaya.

[4] Ligor: nay là Nakhon Si Thammarat.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.