Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Kết cuộc
Trường An in "Nhật mộ biên thảo III" December 28th, 2011

Phồn hoa như mộng, dòng người như nước, thị thành Hội An trong những năm tháng này dường như chẳng có lúc nghỉ ngơi. Trong đêm Trung thu, đèn giăng khắp chốn, trầm hương thoảng nơi nơi, những ngôi lầu bên bờ sông chiếu xuống dòng nước đủ mọi hình thù của chuỗi đèn kết. Trên sông, thuyền neo đậu trong bến bãi cũng đang thắp đèn mở tiệc, hòa với tiếng sênh ca từ những chiếc ghe nhỏ trôi giữa dòng thành một điệu nhạc ồn ã không rõ lời. Lễ đốt đèn đã qua, để lại giữa sông chiếc đèn hình cá chép to bằng ngôi nhà. Pháo hoa thỉnh thoảng lại được bắn lên từ đâu đó trong thành, nổ một tiếng nho nhỏ trước khi hóa thành một cụm lửa chỉ bằng sải tay.

Đã mãn tang vị chúa vừa từ trần năm trước, nhưng người trong thành vẫn giữ một thái độ dè dặt vừa phải với những nghi thức lễ tiệc. Dù hầu hết là những thương nhân ngoại quốc không liên quan đến chính trị, họ đều hiểu rằng phô trương cùng xa hoa vào những ngày tháng này là việc làm không mấy hay ho.

Không hẳn chỉ vì việc của triều đình Phú Xuân, khi mà vị chúa trẻ vừa lên ngôi đã ban ngay cho Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Đức Bảo một quả ấn đồng và cỗ kiệu đen, thăng chức Tả quân đô đốc phủ Tả đô đốc chưởng phủ sự Tiến quận công - những lễ trượng chưa từng có với các quan phụ trách biên khổn. Vị chúa trẻ vừa lên ngôi đã có ngay hành động đầu tiên hướng đến vùng đất này – vùng đất đã có hơn hai lần trở thành căn cứ của các tôn thất phản nghịch.

Các tôn thất nuôi lòng phản nghịch, hiển nhiên họ sẽ nghĩ tới điều đó, nhưng hiện tại còn có một việc khác nguy cấp hơn: Biên giới phương Nam. Chỉ vừa mới ngày trước đây, những chiếc thuyền vội vã xuôi về từ phương Nam đã đem theo một tin dữ: Nhà vua Bà Tranh đem quân tấn công Diên Ninh.

Quân của Quảng Nam sẽ được huy động, sớm thôi. Người người nói với nhau, không cần hạ giọng. Nhiều người nghĩ tới việc của năm trước, quả ấn đồng mà vị chúa đã ban cho quan Trấn thủ dinh Quảng Nam. Và chuyện mới đâu tháng trước, Chưởng cơ Phò mã Nguyễn Hữu Oai đến Bình Khang nhậm chức Trấn thủ. Hai vị trí chủ chốt của vùng đất phía Nam Ngãi Lãnh đã được củng cố bằng hai tâm phúc thuộc dòng nguyên lão đại thần. Từ ngày người con cháu họ Mạc đến trấn thủ Phú Yên, giờ đây mới lại có một Phò mã khác tới biên thùy. Chiêm Thành lại tấn công, nhưng dường như đó không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.

Cũng như việc sẽ không ai ngạc nhiên nếu có một cuộc bạo loạn ngay tại nơi này, bất cứ lúc nào. Những cuộc thay vua đổi chúa trên vùng đất này chẳng bao giờ bình yên, huống hồ, lại là với một cậu chúa mười bảy tuổi. Trong năm vừa qua, cậu ta đã ra sức yên ủi, chống đỡ, củng cố lại triều đình, thế tộc, quan lại quanh mình. Nhưng chẳng gì có thể thử thách được sự vững chãi của nó cho đến khi một cuộc nổi loạn xảy ra.

Tất cả, những người đã đủ quen thuộc với nơi đây, đã âm thầm chờ đợi phát súng đầu tiên. Và nhà vua Chiêm Thành đã là người đầu tiên lên tiếng. Sau gần hai mươi năm im lặng.

Sau chừng ấy thời gian, họ có thể chờ đợi điều gì? Vài người thắc mắc, và những thương nhân rành rẽ miền Nam biển Đông trả lời, bằng một câu nói hầu như không ăn nhập với câu hỏi: Biết không, Nhị vương Chân Lạp đã qua đời, ngay sau vị chúa của vùng đất này. Qua đời, khi mới ba mươi tám tuổi, một cái chết mập mờ không ai rõ nguyên do. Sau cái chết của Nhị vương, con trai của ông ta, một thiếu niên cùng lứa với chúa công của Nam Hà hiện tại, đã trở về Vũng Long, được Đại vương Chân Lạp nhận làm con nuôi. Vùng Thủy Chân Lạp một lần nữa bỏ trống – hay chính xác hơn, trên danh nghĩa, đã trở về với triều đình Vũng Long. Vẫn còn những nhóm người Đường cùng dân Việt ở đó, nhưng giờ bọn họ như cá nằm trên thớt. Hai vị vương của Thủy và Lục Chân Lạp đã bắt tay hòa giải, nếu như bây giờ Chiêm Thành cắt đứt được tầm khống chế của Nam Hà xuống phương Nam, sẽ không còn gì có thể ngăn cơn lũ đến. Ban đầu là Thủy Chân Lạp, rồi đến Panduranga, từng phần một đang tìm cách thoát khỏi bàn tay Nam Hà. Nhà vua Chiêm Thành có thể nổi dậy vì ông ta đã có một phương Nam chống lưng.

Mọi việc cứ thế tuần tự mà diễn ra, có phải? Một người trầm ngâm hỏi. Chúa Nam Hà mất, Nhị vương Chân Lạp qua đời, Nặc Yêm[1] thành con của Đại vương, bây giờ là Bà Tranh. Sự việc như thể không hề là ngẫu nhiên.

Sự đời có ngẫu nhiên bao giờ? Có người đáp lại, rồi bật cười. Tiếng cười làm rung rinh chuỗi đèn kết trên đầu họ. Bờ sông lộng gió, những chiếu rượu được trải trên đất làm nơi tụ tập của người qua kẻ lại, người qua đường nghe chuyện vui cũng sán vào góp lời, dần ồn như chợ phiên. Những thương nhân, thủy thủ khắp nơi đổ tới mang theo đủ loại tin đồn, có chuyện đến gần như hoang đường, như nhà vua Chiêm Thành cậy có thánh vật trấn quốc hộ thân nên quyết chiến một phen. Có người còn nói xa hơn, đến vùng đất phía Tây Chân Lạp, cuộc phản kháng cuối cùng của một nhà sư đã bị dập tắt. Sự chống đối của các tiểu quốc cũng đang được ổn định trong năm ngoái. Nhà vua Phetracha thậm chí đã lên tiếng nối lại đàm phán với người Phú Lang Sa ở Tiểu Tây Dương nhằm chấm dứt những hành động quấy rối của họ. Đại Thành quốc đang dần bình yên. Chẳng trách Nặc Thu lại vững vàng đến thế. Ngay cả con trai của Nặc Nộn cũng đã trở về Vũng Long, triều đình Nam Hà khó có thể tìm được một đồng minh ở phương Nam hiện tại.

Như vậy…? Một câu hỏi lửng lơ được đặt ra, chỉ nhận được vài cái nhún vai trả lời.

Khi chiếc xe ngựa dừng bên bờ sông chậm chạp lăn bánh lộc cộc đi qua, chẳng có mấy người để tâm tới. Xe ngựa bằng gỗ thường, kiểu dáng mộc mạc so với những thế gia vọng tộc phú thương trong vùng, cả những con ngựa cũng có vẻ mệt mỏi. Người xà ích thỉnh thoảng kêu vài tiếng ‘hây, hây’ uể oải trong cổ, xe đi chậm đến mức cả những tấm rèm che cũng hầu như chẳng mấy rung.

Vì vậy, gần nửa đêm, xe mới rời khỏi thị thành, vòng qua con đường nhỏ ven sông mà đến một trang viện nằm khuất sau rừng trúc. Trúc đã mọc cao vút, che cả những mái nhà bên trong. Không còn ánh lửa đèn, chỉ có trăng vằng vặc soi sáng con đường đất; dưới bóng trúc, đêm tối lại ken dày. Trang viện không có cửa, xe ngựa cứ thế đi thẳng vào trong, dừng lại trước gian nhà chính. Có tiếng thở ra, trước khi người phụ nữ trong xe vén màn, quay lại lay kẻ bên cạnh.

“Tiểu thư, đến nơi rồi.” Cô gọi, ra dấu cho xà ích vào gọi người. Một lát, mấy cô hầu trong nhà đem đèn ra đón, người trong xe mới chống tay tựa vai vào cửa xe, ngẩng đầu nhìn lên trăng trên trời.

“Đã quá canh hai.” Thấy cử chỉ ấy, người phụ nữ liền lên tiếng, nhẹ lắc đầu. “Tại tiểu thư cứ lần chần, dự tiệc xong lại muốn đi ngắm đèn, loanh quanh phố phường nên mới trễ thế này.”

“Có dịp thì phải chơi cho thỏa, sau này e chẳng còn dịp mà ngắm.” Che miệng ngáp khẽ, cô gái thả chân leo xuống xe, đi vào nhà. Bước chân nàng hơi lảo đảo không vững, có vẻ rượu uống từ ban tối vẫn chưa tan.

“Vẫn chưa có lệnh gọi chúng ta sao?” Vào nhà, nghiêng đầu nhìn thư án góc phòng, người phụ nữ hỏi khẽ. Đang nằm xuống phản, cô gái kia nhẹ cười.

“Việc ở biên thùy, gọi chúng ta làm gì? Bây giờ ta có đến đó cũng không lợi ích gì, chẳng bằng ở đây vơ vét thêm được mấy xu.” Kéo áo choàng làm chăn, lấy sách làm gối, nàng lại ngáp, giọng kéo dài như say. “Nghĩ cũng thật là may, lệnh thuyên chuyển tháng trước vừa đến, ta chưa thu xếp xong nên chưa tới nơi đó, lại tránh được chiến cuộc.”

“Tiểu thư cũng chẳng cần theo làm gì.” Người phụ nữ ngồi xuống ghế bên kia phòng, lại thở ra. “Dinh Bình Khang cũng là đất Chiêm, xa xôi vắng vẻ hơn cả Quy Ninh, Phú Yên, đất đai lại khô cằn, nắng nôi rát mặt, chiến cuộc liên miên. Đến nơi ấy sống chẳng bằng đi đày.”

“Nói vậy chứ ta cũng đã đến đó rồi…” Cô gái cười nói, rồi lại bất chợt im lặng. Nàng cau mày, mím môi như thể giận câu nói của chính mình.

Người phụ nữ cũng không hỏi thêm. Vào phòng trong lấy chăn gối cho cô gái, đến lúc đi ra, cô thấy nàng đã ngủ. Mắt nhắm, hàng mi rung nhẹ cùng hơi thở, vị rượu vẫn quẩn quanh. Đêm nay nàng đã lại say.

Tin báo về chiến trận tại Bình Khang đến vào mấy hôm trước cũng chẳng làm nàng thay đổi lịch yến tiệc đã định. Vẫn mang tang, không thể chính thức tham gia vào những buổi tụ họp đông đúc, hầu hết thời gian, nàng ngồi sau bức bình phong. Ngồi sau bức bình phong, nàng nghe hát, nghe đàn, nhìn những con người cười nói và cười nói cùng một vài người đến tận nơi chào hỏi. Vẫn mặc áo tang, nàng lấy áo khoác ngoài che giấu thân phận, và đi từ buổi tiệc này sang buổi tiệc kia từ xế chiều cho đến tối mịt, chẳng nhớ đã gặp gỡ bao nhiêu người.

Như hầu hết người trong thị thành này, trong muôn vàn cơn gió của thời cuộc đổ tới, nàng không ngạc nhiên trước điều vừa xảy đến. Thậm chí, khi người Chưởng cơ chồng nàng nhận lệnh lãnh chức Trấn thủ biên cương, tất cả mọi người đã đều nhận biết động thái bất thường ở nơi ấy. Chiến tranh đến lúc phải xảy ra. Và nhà vua Chiêm Thành đã đủ lưu tình để đợi đến hết tang chế vị chúa trước.

Chiến tranh chỉ là chuyện sớm muộn, trong những cơn bão đang đổ đến từ phương Nam. Trong những ngày tháng rối bời cuộn xoáy như trong cơn bão.

 

 

 

Chú thích:

[1] Nặc Yêm, viết là Ang Em, sinh năm 1674.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.