Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Những người tự xưng
Trường An September 26th, 2011

Người ta đọc thấy trong chính sử nhiều chương mục nói về những cuộc nổi loạn của một số người tự xưng là dòng dõi triều Lê. Và việc này diễn ra từ đầu triều Nguyễn đến những năm 1860. Thực vậy, như chúng ta đã thấy ở chương I, triều Lê, nhất là ở Bắc Kỳ, được cảm tình của phần lớn dân chúng và hậu thuẫn của số đông người trung thành. Những người này coi các vua nhà Nguyễn không phải là những vị vua chính thống trong nước mà là những kẻ soán ngôi. Cho nên, khi họ không bằng lòng về một hình thức nào đó của chính sách do triều đình Huế thảo ra, họ nổi lên chống đối nhân danh các vua Lê.

Hậu duệ nhà Lê vẫn sống ở Bắc Kỳ. Theo lý thuyết, họ "được bảo vệ", theo ngôn từ của các vua Nguyễn, với tước công, tước hầu; họ được giao nhiệm vụ giữ gìn mồ mả tổ tiên, nhưng thật ra là họ bị theo dõi.

Dưới thời Minh Mạng, trong những năm 1839, những người dòng dõi chính thống của nhà Lê như Lê Duy Hoán và Lê Duy Lương nổi loạn chống nhà Nguyễn không thành công. Nhưng, dưới đời Tự Đức, các hậu duệ chính thống ấy không khi nào tham gia các cuộc khởi nghĩa của những người tự xưng là hậu duệ, có lẽ vì họ bị theo dõi rất nghiêm ngặt. Trên thực tế, trong số lớn trường hợp, những người cầm đầu các cuộc nổi loạn như thế không chút liên hệ thân thuộc gì với hoàng tộc, lại cũng không có liên hệ gì với các quan chức đã phù tá nhà Lê ở Hà Nội. Phần đông đó là những người thường. Lúc hành động họ phất cao lá cờ nhân danh nhà Lê và xuất hiện như người kế vị các vua Lê: lá cờ và tên nhà Lê là những tượng trưng chính trị giúp cho người nổi loạn một lý do và một chính nghĩa để hành động.

Nhưng những người nổi loạn này hành động không có một chương trình cụ thể và khả thi, không có cơ sở vững chắc trên bình diện tư tưởng và tổ chức; khởi nghĩa của họ là cuộc nổi loạn của người bất mãn.

Phần lớn các cuộc nổi dậy này của những người giả danh nhà Lê có sắc thái đặc biệt ở chỗ họ liên kết với hoạt động của giáo dân, của người khác và của giặc cướp. Trên bình diện chính trị, những người giả danh, không có phương tiện chống lại quân đội chính phủ, lo tìm sự ngoại viện trong khi các giáo sĩ thừa sai như giám mục Retord, giám mục Alcazar, các nhà quân sự, như Ch.Duval và F. Garnier, cố lợi dụng thời cuộc để bành trướng ảnh hưởng ở Bắc Kỳ. Trên bình diện xã hội, giáo dân trong nước và những kẻ giả danh hậu duệ có chung một tình trạng - nghèo khổ và dốt nát - và chung một tình cảm là sự bất bình đối với chế độ. Trên bình diện thực tế, để đảm bảo các mối liên lạc với bên ngoài, những người giả danh đôi khi tiếp xúc với bọn giặc cướp, người Việt Nam hoặc người Trung Hoa; cũng như, khi các lãnh tụ bị bắt buộc trốn chạy, họ đi thẳng sang Hương Cảng hoặc Áo Môn. Cho nên, một sự kết hợp tốt về quyền lợi diễn ra giữa những người giả danh, giáo dân và giặc cướp thỉnh thoảng đã tồn tại, khi có sự xuất hiện của một lãnh tụ mà bản thân đã bao gồm của ba phần đó.

Với quan điểm này, trường hợp Lê Duy Phụng là điển hình.

Một người Việt Nam tên Tạ Văn Phụng, nguồn gốc không rõ, nhưng được rửa tội và nuôi dưỡng tại một trụ sở giáo hội ở Pinang, năm 1854, hô hào một cuộc nổi dậy nhỏ ở tỉnh Quảng Yên dưới cái tên Lê Duy Phụng, tức là đến phiên người này tự xưng hậu duệ nhà Lê. Giám mục Retord thuyết phục được Phụng ngưng hoạt động và lui về ẩn trốn ở Hương Cảng.

Sau cuộc tấn công Đà Nẵng của liên quân Pháp - Tây Ba Nha năm 1858, giám mục Retord muốn đưa ra "một ông vua theo đạo Thiên Chúa dưới sự bảo trợ của nước Pháp" và nghĩ đến Phụng. Phụng nhận lời trở về Bắc Kỳ giữa năm 1861 và phất cờ nhà Lê, tuyên cáo:

    "Vì cảnh lầm than của dân ta và vì hoàn cảnh của gia đình ta, ta quyết định phải trả thù cho chính đáng để rửa nỗi nhục phải chịu biết bao đau khổ, để cho đạo Thiên Chúa được truyền bá khắp nơi ở Bắc Kỳ và để cho dân chúng sống trở lại thái bình và hạnh phúc."

Trung sĩ Charles Duval bí mật đến Bắc Kỳ vào năm 1862 và tiếp xúc với Phụng nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc nội chiến để gây áp lực với Tự Đức. Với sự giúp đỡ của Duval, Phụng tung ra được các cuộc tấn công trong nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ liên kết với những bọn giặc cướp. Những cuộc bạo động ở Bắc Kỳ ngày càng trầm trọng, triều đình Huế rốt cuộc đành phải ký hiệp ước đình chiến với Pháp và Tây Ba Nha ngày 5-6-1862.

Lập tức, Tự Đức sai Nguyễn Tri Phương dẹp loạn ở miền Bắc. Về phần mình, C.Duval coi khinh bất kể tương lai cá nhân của Phụng và hài lòng với sự thành công của sứ mạng mình, đã rời Bắc Kỳ ngày 17-7-1863. Việc ra đi này nguy hại cho cuộc nổi loạn của Phụng. Trong năm 1864, đồng đảng của Phụng nơi này nơi khác bị quan đội của Nguyễn Tri Phương đánh tan; Lê Duy Phụng bị bắt và giết ở Huế.

Khi đến Hà Nội năm 1873, F.Garnier cũng cố gắng liên lạc với đồ đảng nhà Lê. Giám mục Puginier phản đối mạnh dự tính như thế; Louvet giải thích thái độ ấy như sau:

    "Giám mục Puginier lo sợ rất đúng các hậu quả của một dự tính như thế, nên khuyên Garnier đừng nhẹ dạ lao vào một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm ấy và, theo lời khuyên, viên chỉ huy trưởng viết thư cho đô đốc nói rằng chắc chắn đảng đồ của triều cũ không còn gốc rễ trong nước và tốt hơn hết là, về quan điểm quyền lợi của nước Pháp, cố gắng thương nghị với triều đình hiện nay."

Sau cái chết của Garnier, một số giáo dân trước đã đi theo y, nay ra làm giặc cướp và lại nổi loạn nhân danh triều cũ. Cũng vậy, Hồ Văn Vạn, một giáo dân và là sĩ quan cũ trong quân đội Garnier, tiếp tục chiến đấu với quân của triều đình ngoài khơi tỉnh Hải Dương, cũng yêu cầu, nhưng không nhận được, sự tiếp viện của Thống đốc Sài Gòn. Vạn bị một dân quân Trung Hoa bắt vào tháng giêng năm 1875.

Cũng trong tháng giêng năm 1875, Tự Đức ban bố một đạo dụ xác nhận rằng những người tự xưng hậu duệ nhà Lê chỉ là kẻ cướp hoặc bọn giặc vô danh, không có mối liên hệ nào với hoàng tộc cũ, vốn được nhà vua "kính trọng" và "bảo vệ".

Những cuộc dấy loạn, hầu như từng thời kỳ và với những kẻ lãnh đạo khác nhau, tự xưng làm hậu thuẫn cho triều Lê, không hề được người Pháp lưu ý. Ở Huế, Philastre tỏ ra nghiêm khắc với các nhóm này:

    "Ở Bắc Kỳ, nhóm dân chúng xấu nết, dao động, lo sợ, chỉ mong chờ những dịp náo loạn. Họ tìm một hậu duệ nhà Lê để lập lại ngai vàng của cha ông, và giáo dân đặc biệt tha thiết với mộng ước này, luôn luôn sẵn sàng đưa ra một tín đồ mang họ Lê. Người quan trọng cuối cùng, trở thành hậu duệ nhà Lê cho hợp thời cơ, tên là Fong hay Phong gì đó; tôi biết y, trước đây, là đầy tớ của mấy thừa sai bị đuổi khỏi Bắc Kỳ trong các năm 1856-1857.

    "Thực ra dưới chiêu bài phục hưng quốc gia, mỗi người tự kiến tạo cho thân thế mình. Không có gì nghiêm chỉnh, mà chỉ là lộn xộn và rắc rối."

Ông Turc, lãnh sự Pháp tại Hải Phòng, mỉa mai:

    "Giả thiết liên quan đến sự có mặt của một người tự xưng hậu duệ nhà Lê giữa các nhóm ngày càng nhiều ở Hà Nội. Quan chức Huế không từ bỏ được ý nghĩ rằng chúng ta muốn thừa cơ hội này để lật đổ Tự Đức và đặt con cháu nhà Lê dưới sự bảo trợ của chúng ta.

    "Tuy nhiên, tôi đã làm nhiều hơn những gì trước kia tôi không tính làm, để bảo vệ họ chống bọn làm loạn, bởi vì tôi đã đảm nhận nhiệm vụ trang bị một chiếc tàu buôn thành tàu chiến."

Turc coi thường những ngờ vực của quan chức. Chúng ta phải nói rằng những ngờ vực đó đều có thể biện minh. Sự tham gia của giáo dân vào những cuộc nổi loạn ấy, và từ những năm 1850, các sáng kiến của giáo dân để nắm quyền chỉ huy, buộc triều đình Huế phải coi việc đó có tầm quan trọng đặc biệt; lại nữa, chính là sự liên kết những cuộc vận động ấy với những chương trình chiếm hữu thuộc địa đã buộc Tự Đức phải nhượng ba tỉnh của Nam Kỳ năm 1862, từ đó dẫn đến công cuộc thuộc địa hoàn toàn đất nước bởi người Pháp.


(Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 - Yoshiharu Tsuboi)



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.