Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Thủy quân nhà Nguyễn
Trường An June 1st, 2011

"Với diện-tích lãnh-thổ mà nhà Nguyễn bành-trướng gấp đôi, thực-phẩm nuôi dân Việt-Nam đã tăng lên bội-phần. Đặc-biệt về hải-phận, nước ta vượt quá 3 lần lớn hơn trước kia."

Thủy quân nhà Nguyễn ▼

---

Những trận đánh giặc biển của các chúa Nguyễn

Thời kỳ thành lập, thủy quân Nam Hà phải đối phó với không chỉ họ Trịnh phía Bắc, mà còn phải đánh với cả Oa khấu Nhật Bản, Hà Lan, Anh quốc, Bồ Đào Nha, Tề Ngôi, Đồ Bà... Đại Nam thực lục không ghi hết, như việc đánh Oa khấu kia.

(Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên)

Early Vietnamese official records documented the first contact between the Japanese and the Viets occurred in 1585. Lord Nguyen Hoang's sixth son led a squadron of more than ten ships to Cua Viet seaport where he destroyed two of the pirates' ships of Kenki, a Japanese pirate mistaken for a Westerner. Later in 1599, Kenki's ship had been wrecked in the Thuan An seaport and captured by Lord Nguyen Hoang's general. In 1601, Lord Nguyen Hoang sent the first official letter to Tokugawa Shogunate apologizing for his attacking the ship belonging to Kenki, a Japanese merchant, and to praise for the amicable friendship between the two countries.

Ất Dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.

Chúa cả mừng nói rằng : “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.

(Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần)

Giáp thân, năm thứ 9 [1644]

Thế tử Dũng Lễ hầu (tức là Phúc Tần, Thái tông Hiếu triết hoàng đế) đánh phá giặc Ô Lan ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, gần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.

Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”.

(Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu)

Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban(2) (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.

Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.

(Võ vương Nguyễn Phúc Khoát)

Mùa thu, tháng 8, giặc biển tên là Đức (không rõ họ) cướp bóc miền ngoài biển Long Xuyên. Mạc Thiên Tứ được tin báo, tức thì sai cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiếc chiến thuyền, đi bắt được bọn giặc đem giết hết.

---

Chiến tranh với Tề Ngôi Trung Hoa

(1792) Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ kết với 40 chiếc thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi khiến chúng men các vụng biển từ miền Khang Thuận trở vào, cướp bóc nhân dân. Vua nghe tin, sai Phó tướng Tả quân là Nguyễn Long đem binh thuyền giữ cửa biển Tắc Khái kiêm quản hai đạo Lý Lê và Xích Lam, phân phái đi tuần ngoài biển, phòng bị nghiêm nhặt.

(1794) Bảy chiếc thuyền sai tuần biển của Phú Yên bị giặc biển Tề Ngôi cướp, Lưu thủ Nguyễn Văn Nhân báo lên. Vua xuống dụ nghiêm trách, sai triệt hết thuyền về Diên Khánh.

(1797) Võ Tánh dẫn quân ra Đại Chiêm, gặp Đô đốc giặc là Nguyễn Văn Ngũ và thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi ở ngoài khơi, đánh vỡ, bắt được bọn giặc là Dương Khả Đại, Dương Long Phát, thu được thuyền chiến và tàu Ô hơn 30 chiếc. Khi đến thì đóng quân ở Hà Thân, thanh thế lừng lẫy.

Ngoài biển Bình Khang có một chiếc thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi đậu ở Hòn Tre, Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành sai Cai cơ Lê Quang Tường đem binh đội thắng thủy đánh bắt được. Việc tâu lên. Vua thưởng cho 3 tấm sa đoạn và 100 quan tiền.

(1798) Giặc biển Tề Ngôi đóng ở phần biển Cù Huân. Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành nghe báo, sai bọn Cai cơ Lê Quang Tường đem quân đuổi theo bắt, tới Diên áo [Vũng Diên] bắt được hai chiếc thuyền, còn thì chạy thẳng về đông. Vua thưởng cho bọn Tường các thứ nhiễu 2 tấm, sa mát 4 tấm và tiền 100 quan.

(1799) Quản vệ Phấn dực là Tống Phước Lương đánh phá được thống binh giặc biển Tề Ngôi là Phàn Văn Tài ở cửa biển Kim Bồng, đuổi đến Phú Yên lại đánh được, Trước là Tây Sơn chiêu nạp bọn đầu sỏ giặc biển, trao cho chức thống binh, muốn lợi dụng cái nghề thủy chiến của họ để chống quân ta, đến đây bị quân ta đánh thua, thế giặc thêm nhụt.

(1800) Đảng giặc là giặc biển Tề Ngôi đem 12 chiếc thuyền lấn vào vũng Hòn Khói. Phó trưởng chi chi Tiền du Thắng võ là Trần Văn Duyên đem quân đón đánh, giặc không lên bờ được, lại đem thuyền ra biển.

Thuyền đảng giặc là bọn giặc biển Tề Ngôi bị gió dạt đến ngoài biển Thị Nại. Sai hai vệ Nội trực và Túc trực đuổi theo, bắt được Đông Hải vương nguỵ là Mạc Quan Phù, thống binh là Lương Văn Canh và Phan Văn Tài cùng bè đảng rất nhiều.

(1802) Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Vân đánh phá được giặc biển ở châu Vạn Ninh. Trước là giặc biển Tề Ngôi là Trương á Lộc ngụy xưng là thống binh, tụ đảng ở ngoài khơi, cướp bóc thuyền buôn, giặc Tây Sơn từng mượn sức để chống cự quan quân. Từ trận thua ở cửa biển Nhật Lệ, nó ngầm trốn ra ngoài biển Vạn Ninh, hoành hành cướp bóc. Trấn thần Yên Quảng đem việc báo lên. Vua sai Phước Lương và Văn Vân đem thủy quân để đánh. Quân đến cửa biển Vân Đồn, gặp 15 chiếc thuyền giặc, đánh phá được, chém được tướng giặc là Trịnh Thất và bè đảng rất nhiều, bắt được bọn Trương ái Lộc 11 người. Dư đảng nghe tin chạy trốn.

Vua thấy mùa gió mùa nước đã muộn, cho rút quân về, hạ lệnh cho các địa phương duyên hải phòng bị nghiêm thêm, rồi sai trấn Yên Quảng đưa bọn giặc bị bắt giải giao cho Khâm Châu nước Thanh.

(1803) Hơn trăm chiếc thuyền của giặc biển Tề Ngôi ra vào ở khoảng Tiên Yên và Vân Đồn, xâm bức bảo Cỗ Dũng, lại vào cả sông Bạch Đằng, cướp bóc địa phương Kinh Môn. Nguyễn Văn Thành sai Chưởng dinh Nguyễn Đình Đắc, Đô thống chế Phan Tiến Hoàng, Tán lý kiêm Binh bộ Đặng Trần Thường đem quân đánh dẹp.

Vua nghe báo, sai Nguyễn Văn Trương lãnh quân thủy bộ đến cùng Văn Thành điều độ biền binh phái thêm để phòng triệt những đường trọng yếu. Hương cống cũ triều Lê là Bùi Huy Ngọc và Nguyễn Huy Khuê người Yên Quảng họp đem thổ hào ở hai tổng Hà Nam và Hà Bắc đi theo quan binh, đánh chém được 6 đầu giặc, bắt được thiếu úy giặc là tên Vân. Thổ hào ba huyện Kim Thành, Thủy Đường và Giáp Sơn thuộc Hải Dương cũng đều họp quân đón đánh, chém được 2 đầu giặc, bắt được hơn 60 người. Thuyền giặc chạy ra biển về phía đông. Văn Thành đem tình trạng tâu lên. Vua cho Huy Ngọc làm tham hiệp Yên Quảng, Huy Khuê làm Tri huyện Hữu Lũng. Các thổ hào đều được thưởng thụ cai đội, đội trưởng, cai thuộc, ký thuộc, cai tổng, phó tổng khác nhau.

(1804) Thủy sư Bắc Thành đánh tan giặc biển Tề Ngôi ở hải phận Yên Quảng, bắt được quân giặc 13 người và thuyền ghe khí giới đem nộp.

Thuộc hiệu Yên Quảng là Đoàn Bá Giai đi tuần biển, bắt được ba tên giặc đảng Tề Ngôi và thuyền ghe khí giới. Thành thần đem việc tâu lên, Thưởng cho 50 quan tiền.

Giặc biển Tề Ngôi là tên Trạc ngụy xưng là Ninh Hải đại tướng quân, họp hơn 60 chiếc thuyền, lại quấy rối châu Vạn Ninh trấn Yên Quảng. Trấn thủ Lê Văn Vịnh suất binh dân đánh dẹp. Cai châu Phan Phương Khách, phó châu Phan Đình Trung, tiền tri châu Vi Quảng Vỹ tiến đánh, chém được Trạc và đồ đảng 4 người, giặc vỡ chạy. Thành thần đem việc tâu lên. Sai cho Phương Khách làm phòng ngự sứ, kiêm cai việc châu, cho Đình Trung làm phòng ngự đồng tri, kiêm việc phó châu và Quang Vỹ làm phòng ngự thiêm sự, thưởng cho tiền 500 quan, thưởng khắp cho binh dân 1.000 quan.

(1805) Quan Bắc Thành tâu rằng : “Giặc biển Tề Ngôi là bọn Trịnh Năng Phát, Hoàng Long, Sĩ Tiến nhiều lần bị quan quân đuổi bắt, trốn vào động La Phù ở Long Môn nước Thanh. Đã bao lần tư cho Long Môn mà quan ở đấy cứ che chở. Xin gửi công văn cho Tổng đốc Lưỡng Quảng để dẹp bắt”.

Xuống chiếu trả lời rằng : “Người Thanh dung túng giặc cướp là lỗi ở họ, không nên tư báo làm chi. Duy nếu bọn giặc tụ họp thì dân ta không khỏi sợ hãi ly tán. Vậy sai trấn thần Yên Quảng đặt đồn bảo nghiêm việc phòng bị cho dân yên ổn”.

Giặc biển cướp ở ngoài biển Nghệ An, lính tuần dương đánh đuổi chạy, bắt được 18 người. Trấn thần tâu lên. Thưởng tiền 200 quan.

(1806) Giặc biển Tề Ngôi họp 30 chiếc thuyền lẩn vào Hoa Phong đốt cướp bảo Phượng Hoàng. Thành thần sai phó tướng Tiền quân là Trương Tấn Bửu đem chu sư đi đánh đuổi. Sai Quản cơ Tiền thủy là Nguyễn Văn Hạnh, Phó vệ úy Tiền dực là Nguyễn Văn Lữ quản binh thuyền đi vận chuyển gỗ ở Bình Định. Vua dụ rằng : “Giặc biển Tề ngôi lẩn lút ở ngoài biển, bọn ngươi nên gia tâm phòng bị. Ai bắt được thuyền giặc, thuyền lớn thì thưởng tiền 1.000 quan, thuyền nhỏ thì 500 quan”.

Thổ hào châu Vân Đồn trấn Yên Quảng là bọn Nguyễn Đình Bá và Phạm Đình Quế bắt được bọn giặc Tề Ngôi và thuyền ghe khí giới, quan Bắc Thành đem việc tâu lên. Cho bọn Đình Bá làm đội trưởng, thưởng tiền 300 quan. Những giặc Thanh bắt được sai đưa trả về nước Thanh. Người Hán [người Việt] bị giặc bắt phải theo đều thả hết.

(1807) Giặc biển tỉnh Mân nước Thanh là Thái Khiên và Chu Phần bị quan quân nước Thanh đuổi bắt, chạy trốn ra ngoài biển, Tổng đốc Lưỡng Quảng gửi thư cho Bắc Thành nói thuyền giặc đều mũi xanh cột buồm đỏ, nếu có chạy đến hải phận ta thì đón bắt cho. Thành thần đem việc tâu lên. Vua hạ lệnh cho các quan địa phương duyên hải từ Quảng Đức trở ra Bắc đều phát binh thuyền đi tuần xét.

(1808) Hơn 80 chiếc thuyền giặc Tề Ngôi bị người Thanh đuổi bắt, trốn chạy đến ngoài biển Yên Quảng, Thành thần sai chánh thống Hữu đồn Tiền quân là Bùi Văn Thái, Phó thống Tả đồn là Nguyễn Văn Trị đem binh thuyền tiến đánh, chánh quản thập cơ quân Thần võ là Trần Văn Thìn đem quân bộ đến Hải Dương tiếp ứng, Chưởng dinh Trương Tiến Bửu làm Điều bát nhung vụ. Bọn giặc xâm phạm sông Bạch Đằng, áp đánh trấn lỵ Yên Quảng. Trấn thủ Lê Văn Vịnh cùng với Nguyễn Văn Trị đánh lui được giặc, chém được hơn mười đầu giặc và bắt được già trẻ hơn sáu chục người. Giặc bèn đem thuyền chia đậu ở các hải phận Hải Dương, Thanh Hoa và Nghệ An. Thành thần tâu lên. Vua lo thổ phỉ liên lạc với hải phỉ, bèn sai Tống Phước Lương quản lãnh binh thuyền tiến đánh, lại sai Thiêm sự Lại bộ là Ngô Vị theo làm việc giấy tờ ở trong quân.

Giặc biển Tề Ngôi đến cướp ở vùng sông Giá huyện Tiên Minh. Chưởng dinh Trương Tấn Bửu sai Chánh thống Thập cơ Trần Văn Thìn đem quân đi đánh. Thìn khinh suất tiến quân, bị giặc đánh úp. Tấn Bửu lại sai Chánh thống Hữu đồn là Bùi Văn Thái đến cứu viện, cùng giặc giao chiến phá được. Giặc dong thuyền chạy.

Giặc biển Tề Ngôi lại đến cướp các ấp Hoàng Châu, An Phong (thuộc huyện Nghiêm Phong) trấn Yên Quảng. Trấn thần sai quản cơ Vũ Văn Kế đem binh đi đánh, chém được vài đầu giặc, bắt mười mấy người, giặc tan chạy. Tống Phước Lương chia sai binh thuyền đi tuần xét, đánh bại quân giặc ở cửa Liêu, bắt được bọn giặc là Nguyễn Văn Thung 7 người và 4 chiếc thuyền. Thế giặc cùng quẫn. Đồ đảng là bọn Lương Kim Ngọc, Trần Thế Dịch đem 2 chiếc thuyền và hơn 70 người thủy thủ vào đầu thú ở Nghệ An. Trấn thần tâu lên. Vua sai tha tội và cho an tháp ở phố Thanh Hà.

(1810) Cho Khâm sai cai cơ Phạm Văn Tường và Nguyễn Văn Hạnh làm Khâm sai chưởng cơ. Sai Nguyễn Văn Hạnh suất 500 thủy quân, 20 chiến thuyền đi đóng thú ở đồn thủy Nông Giang thuộc Bắc Thành, kiêm chưởng bốn dực cơ. Thành thần thấy chiến thuyền ở thành, lâu năm mục nát, tâu xin cấp thêm cho thuyền kinh, sai một người chưởng Thủy quân quản lãnh, để phòng khi trưng phát, cho nên có mệnh này. Gặp giặc biển Tề Ngôi là bọn Ô Thạch Nhị, Đông Hải Bát, Lý A Thất bị Tổng đốc Lưỡng Quảng nước Thanh đuổi riết, phải trốn ra mặt biển thuộc bốn phủ Cao, Liêm, Quỳnh, Lôi. Khâm Châu gởi giấy cho Bắc Thành hẹn đem quân ra ngăn chặn. Thành thần đem việc tâu lên. Vua bảo Tống Phước Lương rằng: “Bọn giặc biển lẩn lút ở bãi Bạch Long, chỉ là sống tạm bợ thôi. Nay người Thanh đuổi bắt, ta nên cùng hợp sức để dẹp cho yên
mặt biển. Nhân sai Văn Hạnh đem binh thuyền thẳng tới Vạn Ninh. Thành thần lấy thêm binh thuyền lệ theo sai khiến. Lại thấy Vạn Ninh tiếp liền Khâm Châu, nên có người văn học để làm thư từ đi lại, sai Ngô Khản làm lục sự để giúp công việc từ chương trong quân. Hơn một tháng, bọn Ô Thạch Nhị đều bị quân Thanh bắt hết. Lý á Thất và bè lũ hơn hai chục người cũng đến quân ta đầu hàng. Bèn sai thành thần đưa bọn giặc bắt được ấy sang Khâm Châu. Văn Hạnh rút quân về đóng ở đồn thủy Nông Giang. Triệu Ngô Khản về Kinh sung Hàn lâm viện.

(Lúc này, vì sự xung đột của Liên hiệp Hải tặc, nhóm Tề Ngôi tan rã, về đầu hàng nhà Thanh. 20 năm sau, 1830, một hình thức buôn bán mới xuất hiện khiến cho hoạt động hải tặc rầm rộ trở lại: Buôn lậu nha phiến - sau lệnh cấm của nhà Thanh.)



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.