Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Giai thoại
Trường An March 10th, 2011

Khi chúa Nguyễn Ánh còn bôn ba gian nan ở miền Nam lẩn tránh quân Tây Sơn, có thể nói địa phương nào có dấu chân ông đi qua, kể cả đường sông, đường biển, hầu như nơi đó đều có để lại những dấu ấn tình cảm vô cùng sâu đậm. Từ phường ăn mày, người bần nông cùng khổ, đến thày tu hoặc những tay cự phú gạo tiền nứt đố đổ vách… ai ai cũng thể hiện tinh thần hào hiệp với chúa. Cũng có không ít anh hùng hào kiệt sẵn trong tay hàng trăm, hàng ngàn quân gia, đầy quyền thế khi nghe biết chúa sa cơ, khổ sở đều dẫn quân theo về, kể cả lãnh tụ “người dân tộc” cũng tự nguyện đến xin phò tá, rất mực trung thành. Chung nhất, đó chính là sự cảm thông, là tấm lòng, là thói nết “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” của người lưu dân trên vùng đất phương Nam.

Nhờ vào ý chí, sức chịu đựng, sự kiên trì cộng cùng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên cuối cùng chúa Nguyễn Ánh – Gia Long đã khôi phục ngai vàng, giang san thu về một mối.

Dưới đây xin ghi lại một số dấu ấn trên vùng đất phương Nam dưới thời nhà Nguyễn, mà chủ yếu là thời Nguyễn Ánh tránh Tây Sơn.

1. Với loài vật.

Cá sấu, rắn biển cản thuyền ngự chúa.

Quốc triều chánh biên toát yếu chép, mùa đông năm Bính Thân (1764), “Ngài [Nguyễn Ánh] muốn nhơn ban đêm qua biển để tránh giặc, có cá sấu đón ngang trước thuyền ba lần, rồi Ngài không đi; sáng ngày dò biết đêm ấy có thuyền giặc đón đàng trước”.

Cũng như thế đó, “Tháng 4 năm Tân Sửu (1781), Ngài ngự vào Hà Tiên, đi thuyền nhỏ ra biển, đêm tối quá, không biết đường đi, tựa hồ có vật chi đội dưới đáy thuyền, mờ sáng mới biết là một bầy rắn. Các người tùng thần ai cũng sợ hãi. Ngài giục đi cho mau, một chặp bầy rắn đi hết, rồi thuyền ngự đi ra cù lao Phú Quốc”.

Cá ông cứu Nguyễn Ánh, Nguyễn Ánh nhớ ơn cứu tử, phong chức. Trong một cuộc giao chiến với Tây Sơn tại Bình Thuận (Phan Thiết), Nguyễn Ánh thua phải thu góp tàn quân xuống thuyền mở đường máu chạy về phía Nam. Trong lúc quân Tây Sơn truy đuổi rất rát ở phía sau thì trước mặt mây trời đen nghịt, đến sông Soi Rạp (Gò Công) thì giông bão nổi lên dữ dội. Tình thế thập phần nguy kịch, Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời mà khấn: “Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn, xin phò hộ Nguyễn Ánh này thoát qua cơn thập tử nhứt sinh!”. Cơn sóng lại nổi lên dữ dội thêm, các thuyền Tây Sơn rượt theo gần kịp thì bị gió thổi gãy cột buồm, văng bánh lái, thuyền xoay vòng rồi lật úp. Quân Tây Sơn đang thắng hóa bại, Nguyễn Ánh sắp lâm nguy thì được vững an, từ dưới nước nổi lên một cặp cá ong kẹp hai bên mạn thuyền đưa vào bờ, nhằm địa phận Vàm Làng, tổng Kiểng Phước, Gò Công.

Sau khi lên ngôi, Gia Long không quên công cứu giá, bèn phong cho cá ong tước Nam Hải đại tướng quân, đồng thời gửi cho mỗi làng duyên hải gần nơi chiến thuyền ông đã cập bến ngày trước một bằng sắc phong thần, với lệnh xây cất một đình thần để thờ phụng cá ong, mỗi năm đến mùa lo cúng tế.

Một loài cá nhỏ cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn: Cá Linh

Ông Vương Hồng Sển tìm thấy trong một tư liệu bằng tiếng Pháp Excursious et Reconnaissances, q. X, tháng 6/1885, tr. 178: Nguyễn Ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang] định ra biển nhưng vì thấy có nhiều cá nhỏ tự nhiên nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn Ánh] đặt tên (cá ấy) là cá linh để tri ân.

Chim báo điềm, thầy tu đoán chuyện kiết/hung rồi cho lời khuyên, Nguyễn Ánh nghe theo nên thoát chết

Theo Huỳnh Minh Định Tường xưa, khoảng năm ất Tỵ (1775), chúa Nguyễn Ánh tránh mặt Tây Sơn chạy vào Nam, xuống tới Định Tường. Náu mình trong bộ y phục dân dã, Ngài cùng với năm sáu vị quan theo hầu đến xin tá túc nơi chùa Long Tuyền. Mặc dầu không rõ Ngài là ai, nhưng Hòa thượng trụ trì cũng sẵn lòng thương cảm bao dung, vì cửa chùa vốn chẳng hẹp ai, gặp khi chúa Nguyễn đau yếu, Hòa thượng cũng tự tay chẩn mạch hốt thuốc điều trị rất tận tình.
Một đêm có chim linh bay vần vũ quanh chùa, kêu la inh ỏi mãi dường báo điềm gì. Thấy lạ, Hòa thượng đánh tay xem điều hung kiết thế nào. Đoán biết sẽ có sự chẳng lành cho khách lạ phương xa, Hòa thượng ngậm ngùi bảo chúa Nguyễn:
- Quý khách nên xa lánh chốn này, ở lâu ắt có chuyện chẳng lành xảy ra.
Vua nghe theo. Thế là thoát được sự truy lùng của quân Tây Sơn.

Sau khi lên ngôi Hoàng đế Gia Long, nhớ công ơn Hòa thượng chùa Long Tuyền, năm Gia Long thứ 10 (Tân Tỵ, 1811), nhà vua ngự tứ tên chùa là Long Nguyên (bãi đất rồng), thay cho tên cũ chùa là Long Tuyền (suối rồng), đồng thời cấp một số ruộng đất mấy mươi mẫu để chùa làm hương hỏa, và cho quân lính gìn giữ ngôi chùa, kể như “chùa vua”, (Sau, đến đời Thiệu Trị đổi tên chùa là Linh Thứu).

Đại Nam nhất thống chí chép về ngôi chùa Linh Thứu: “ở thôn Thịnh Phú, huyện Kiến Hưng, chùa rất cổ, cũng là nơi danh thắng, năm Gia Long thứ 10 ban biển ngạch đề “Long Tuyền tự”, năm thứ 11 sư chùa mộ 10 người dân ngoại tịch đặt làm phu chùa, được miễn binh dao, năm Thiệu Trị thứ 1, đổi tên hiện nay”.

2. Với cây cỏ

Hai loài cây miền Nam được Nguyễn Ánh ban mỹ danh, trong đó có một loại cây triều đình xem như “Quốc dụng”

Cây bần

Chuyện kể rằng có lần Nguyễn Ánh chạy nạn theo đường biển (ngã Ba Tri) vào Hàm Long (sau do kỵ húy Gia Long, nên đổi gọi Hàm Luông). Nửa đêm đi lạc vào rạch Ba Lai (Cái Mít), dừng chân ở đồng Tam Quản (xã Hiệp Hưng, Giồng Trôm), chúa được một cụ già tên là Trương Tấn Khương giúp đỡ đưa ra Cù lao Đất đến nơi an toàn, kín đáo. Tại nơi ẩn trốn, vì đang đêm lại nhà nghèo nên gia đình ông Trần Văn Hạc (làm chức Cai nên cũng gọi Cai Hạc) dâng lên bữa ăn đạm bạc đỡ đói: cơm nguội ăn với mắm sống cá chốt cặp trái bần. Có lẽ do đói lại lần đầu tiên được dùng món lạ miệng nên chúa khen ngon, và hỏi tên trái. Ông Cai Hạc bẩm: “Trái ấy tên không đẹp, hạ dân không dám tâu lên”. Chúa cho phép nói. Cai Hạc chỉ vào rặng cây cặp mé nước được chiếu sáng bởi không biết cơ man nào là con đom đóm, và thưa là trái bần, nhân đó nói thêm vài đặc điểm của nó như, cho dù có bị ngập mặn cây bần vẫn không héo lá, vẫn kiên cường giữ đất (chống xói lở)… Thấy dáng cây giống như cây liễu trong thi phú đời Đường, đời Tống, sống trên đất thấp, bãi bùn nên chúa ban cho cây bần mỹ danh là thủy liễu – loại liễu mọc dưới nước.

Cây mù u

Cũng như thế đó, Nguyễn Ánh đã ban cho cây mù u là nam mai (cây mai phương nam – chép trong sự tích Gia Long tẩu quốc). Năm Kỷ Tỵ, Bộ Hộ tâu: “Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây, vì vậy xin sức đều khắp trong các hạt phải tận dụng đất mà trồng thật nhiều những loại cây có kinh tế cao. Sau 5 năm, 10 năm, đi kiểm tra, địa phương nào trồng được nhiều thì nghị thưởng xứng đáng” (Đại Nam thực lục), đồng thời cho chọn một trong những cây kinh tế cao ấy là cây mù u, để trước hết như một cách nhắc nhớ kỷ niệm tiên vương (Gia Long) thời còn bôn ba lận đận ở miền Nam, Ngài đã ban cho mù u mỹ danh là nam mai, đồng thời khuyến dụ rằng, trồng nam mai để có cây cao bóng mát cũng đem lại nhiều lợi ích nhất định, do đó nhà vua cho trồng ngay hai bên đường vào miếu thờ xã tắc để phát động, làm gương.

3. Về cơm ăn, nước uống

Nguyễn Ánh và những người hộ giá lênh đênh giữa biển, nhịn khát 7 ngày đêm, trời động lòng liền cho nước ngọt.

Tháng 7 năm Quý Mão (1783), “Ngài ra cửa biển Ma Ly thám tình thế giặc, gặp thuyền giặc hơn 20 chiếc vụt tới vây sát thuyền ngự, thuyền ngự kéo buồm chạy về phía đông, lênh đênh ngoài biển 7 ngày đêm, trong thuyền hết nước, quân lính đều khát, Ngài lấy làm lo, ngữa mặt lên trời khấn rằng: Như tôi có mạng làm vua, xin cho thuyền ghé vào trong bờ để cứu tánh mạng mấy người trong thuyền! Nếu không, thời thuyền chìm xuống biển, tôi cũng cam tâm”. Rồi thời gió lặng sóng im, đứng trước thuyền ngó thấy mặt nước tự nhiên chia ra dòng trắng dòng đen, thấy có một vùng nước trong, trong thuyền có một người múc uống, nếm thấy ngọt, liền la to lên rằng: “Nước ngọt! Nước ngọt!”. Lúc bấy giờ ai cũng giành nhau múc uống. Ngài mừng, khiến múc 4, 5 chum, rồi nước mặn lại y như trước. Khi giặc đã lui rồi, thuyền ngự lại trở về Phú Quốc. Bà Quốc mẫu nghe Ngài về, mừng quá. Ngài thuật lại những tình trạng khổ sở khi ở biển, Bà Quốc mẫu than rằng: “Con đi khắp chân trời mặt biển, nhiều lúc gian nan; nhưng ở núi thời gặp gió lớn, ở biển thời gặp nước ngọt, coi đó cũng đủ biết ý trời, con đừng lấy gian hiểm mà ngã lòng!”. Ngài lạy tạ rằng: “Xin vâng lời mẹ dạy”. Ngài tuy còn dưỡng hối (chịu ở một nơi mà đợi thời vận) mà gió núi nước ngọt, ứng nhiều điềm tốt, thức giả ai cũng biết là có mạng làm vua.

Nam kỳ dâng thổ sản lên vua Tự Đức

Quốc triều chánh biên toát yếu chép, tháng 7 năm Tân Mùi (1871) Chánh tổng Trần Văn Y ở tỉnh Hà Tiên khiến người đem đồ sản vật (chiếu bông, mật ong, sáp, nước mắm, cá khô, lông chim v.v.) nhờ đạo Phú Yên dâng lên. Ngài dạy rằng: “Lòng dân như thế, thiệt bởi đức trạch triều đình đã sâu”. Ngài nhân làm bài phú Nam kỳ thổ sản.

4. Nhân dân che chở, giúp đỡ

Nguyễn Ánh thoát nạn nhờ bọn ăn mày, bèn nhớ ơn.

Theo Vương Hồng Sển kể trong Sài Gòn năm xưa, vùng đất từ làng Nhơn Giang (trước 1855 tên Nhơn Ngãi, vùng Chợ Quán) đến giáp đường Cầu Kho, xưa kia nhà phố đông đúc lắm, mỗi nhà chung quanh đều có vườn tược, cây trái sum sê. Gần đây có một xóm nguyên là của những người ăn xin ăn mày khi trước. Thuở Nguyễn Ánh tỵ nạn trong Nam, bọn này có công cứu giá. Theo khẩu truyền, bữa đó binh Tây Sơn truy nã ngặt lắm. Tưởng vua khó thoát chết. May sao chạy đến đây, bọn ăn mày ra tay ủng hộ. Một mặt họ chỉ đường cho vua ẩn núp. Một mặt họ xúm lại kẻ đánh trống, đứa đập thùng… làm phở lở thế nào, binh tướng Tây Sơn ngộ tưởng binh mã chúa Nguyễn tụ tập nơi đây đông lắm, e quả bất địch chúng, nên họ rút lui. Nguyễn Ánh thoát nạn. Về sau nhớ ơn xưa, Gia Long cho phép lập xóm này, ban cho ba chữ: “Tân Lộc phường” (phường là xóm).

5. Với người Khơme

Người Khơme tòng quân theo về và tuyệt đối trung thành chúa Nguyễn

Đó là Tồn A La, Thống quản đồn Uy/Oai viễn (ở bờ phía đông sông Trà Ôn, thuộc huyện Tuân Nghĩa, đặt từ năm Kỷ Hợi đầu đời trung hưng, sau đổi làm lỵ sở phủ Lạc Hóa – Trà Vinh nay), “vốn người Cao Mên, đầu đời trung hưng thường theo đi đánh dẹp, có công theo đi Vọng Các, quản đồn binh Xiêm La, kiêm quản hai phủ Trà Vinh, Mân Thít”, do lập được nhiều công to, được chúa Nguyễn Ánh tin yêu nên ban cho tên Việt là Nguyễn Văn Tồn, lãnh coi khoảng 5.000 quân hầu hết là người Khơ me (đều được ban cho y phục như người Việt). Ông mất tháng giêng năm Canh Thìn (1820). Khi ấy, vua Minh Mạng truyền dụ Bộ Lễ rằng: “Nguyễn Văn Tồn tuy là người khác, nhưng hết sức làm tôi, thờ Đức tiên đế đã lâu, một lòng trung nghĩa, thiệt nên thương tiếc!”. Truyền quan tuyên lời dụ, Ngài cho ân tế một lần và cho 2 cây gấm Tàu, 20 cây vải, 200 quan tiền. (Sau đến năm Minh Mạng thứ 9 Tồn được tặng hàm Thống chế). Đức Thánh tổ bảo Bộ Lễ rằng: “Người Tồn vốn trung dõng, như ngươi Kim Mật Đê nhà Hán bên Tàu, khi trận đánh ở tỉnh Bình Định bị Tây Sơn bắt, thế mà đem quân về hết, thiệt là mạnh và khôn”.

Vẫn theo Quốc triều chánh biên toát yếu, vào tháng 4 năm Tân dậu (1801), chúa Nguyễn Ánh đòi các vệ hậu quân về Kinh, lưu Nguyễn Văn Tồn ở quân thứ đánh giặc. Lúc trước, thành Bình Định bị hãm, Tồn bị giặc bắt, Tồn giả đò hết sức giúp giặc đánh mình, quân mình kêu mà Tồn không ngó lại, giặc lấy làm tin, đến bây giờ lén trốn về. Có người hỏi Tồn rằng: “Khi đi theo giặc sao mà đánh dữ thế?”. Tồn nói: “Như không làm cho quân ta bị thương, thời giặc không tin, nó đã không tin làm sao đem hết quân lính mà về được?”. Ai cũng phục là có trí.

Nhớ ơn che chở và cảm thông cuộc sống cơ cực của đồng bào, Nguyễn Ánh truyền dụ: Cho người Khơme được tự do khai thác thuỷ lợi, không thâu thuế.

Theo Quốc triều chánh biên toát yếu, tháng giêng năm Đinh sửu (1817), vua Gia Long ban dụ: “Cấm dân ta không được lãnh mua các chỗ thủy lợi của Chân Lạp”. Do tuân thủ lời dụ đặc ân này mà Tri huyện Trà Vinh Thủ Khoa Nghĩa phải chịu oan án Láng Thé. Chúng ta còn nhớ, lúc bấy giờ ở Láng Thé (Trà Vinh) có một bọn người hối lộ với quan trên giành độc quyền khai thác tôm cá dưới rạch. Người Khơme không chài lưới được nên ức lòng đệ đơn khiếu nại lên huyện, nhờ can thiệp. Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa điều tra, nắm chắc vấn đề, bèn nói: “Việc tha thủy lợi là ân nghĩa cuả vua Thế Tổ. Nay ai nhỏ hơn Ngài mà đứng bán Láng Thé thì có chém đầu cũng không sao”. Rồi cho phép nông dân Khơme được tiếp tục chài lưới tự do như trước, mà không phải đóng thuế thủy lợi cho bất kỳ ai. Bọn người kia ỷ quyền thế đánh đập họ. Hai bên xô xát gây đổ máu. Sẵn ghét tính kiêu hãnh cương trực của Bùi, quan tỉnh cho lính đến bắt ông về tỉnh đường xét xử. Bùi bị khép tội chủ mưu để dân làm loạn, bèn thượng sớ xin cách chức ông rồi kết án trảm giam hậu. Theo lệ định, tội này không chém liền, phải ngồi tù, đợi lịnh vua phê chuẩn vào mỗi mùa thu hàng năm (gọi thu thẩm). Do đó, để tranh thủ đòi lại mạng sống cho chồng, theo lời truyên, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn đến tỉnh van xin, không được, nên tức tốc lặn lội tận kinh sư “gióng trống tam tòa” thượng sớ kêu oan. Nhờ đó ông thoát chết, nhưng phải theo quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội ở vùng biên giới tỉnh An Giang.

Nhà vua cho lập đàn tế chiến sĩ tử trận, đặc biệt ưu ái tử sĩ miền Nam

Quốc triều chánh biên toát yếu ghi: “Tháng 7 năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng cho lập hai đàn tế chiến sĩ Nam, Bắc, tử trận (nhưng tế Nam chiến sĩ thời lễ phẩm trọng hơn)”.

6. Một số sơn danh, địa danh, thuỷ danh lịch sử

Nhân dân đặt gọi một số sơn danh, địa danh, thuỷ danh… để ghi nhớ kỷ niệm nơi Nguyễn Ánh từng dặt chân đến trong thời gian còn lẩn tránh quân Tây Sơn.

Núi Cấm:

Là ngọn núi tiêu biểu vùng Thất Sơn (An Giang – cao nhất, và có nhiều huyền thoại nhất). Ngay tên gọi của nó cũng được xây dựng thành một truyền thuyết, rằng ngày trước Nguyễn Ánh có đến lẩn trốn trên núi này, do vậy có tên là núi Cấm (đoàn hộ giá cấm bất kỳ ai léo hánh khu vực này, và canh phòng rất nghiêm ngặt, sợ bị đối phương phát hiện).

Địa danh Giá Ngự:

Ấp Giá Ngự thuộc xã Tân Hưng Đông (Cà Mau). Xưa, Nguyễn Ánh từ rạch Cái Rắn ra biển phải qua rạch Rau Giừa, tới rạch Cái Nước, rồi đổ ra sông Bãi Háp mới ra Vịnh Xiêm La (đi ngả này thì không phải qua sông Ông Đốc). Trên đường, Nguyễn Ánh có dừng lại tại một nơi thuộc hữu ngạn sông Bãi Háp, ở chỗ vàm rạch Cái Nước đổ ra để cụ bị thêm lương thực, nhưng do nhằm lúc mưa bão, cuộc hành trình đành phải dừng lại khoảng nửa tháng. Khi Nguyễn Ánh đi rồi, người trong vùng gọi nơi đây là xóm Giá Ngự, sau nâng lên thành ấp, vẫn dùng tên ấy. (Theo Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ).

Địa danh Long Hưng và Cây Da Bến Ngự:

Năm Đinh Mùi đầu đời trung h ưng khi Nguyễn Ánh từ Xiêm La trở về đóng quân ở Nước Xoáy (gọi đồn Hồi Oa xây đắp năm Đinh Tỵ 1787, thuộc thôn Tân Long, huyện Vĩnh An, nay thuộc xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Trong thời gian trú ngụ ở đây, ông thường ra ngồi câu cá, hoặc suy nghĩ lo toan việc xây dựng lại cơ đồ tại gốc da sát mé rạch. Sau khi lên ngôi, Gia Long cho đổi tên thôn Tân Long thành thôn Long Hưng và từ đó cây da bên nước chỗ ông ngồi trước đây được dân gian gọi là Cây Da Bến Ngự. Đại Nam nhất thống chí ghi: Năm Tự Đức thứ 2 Tổng đốc Doãn Uẩn tra hỏi sự tích cũ, chuẩn cho lập bia ở nền đồn cũ để ghi thắng tích.

Rạch Long Ẩn và Ao Ngự:

Tên trước rạch Long Ẩn là Rạch Rắn, một nhánh của sông Bảy Háp, dài chừng 7 cây số, rộng 30 thước, ngọn ăn thông tới xóm Ông Tự, thuộc xã Phong Lạc (Cà Mau) bằng một con kinh đào.

Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi, có một thời ông lẩn trốn ở đây, nên sau này dân địa phương gọi nơi đây là rạch Long Ẩn.

Khi bị bao vây, nhờ có đô đốc Nguyễn Văn Vàng “liều mình cứu chúa” nên Nguyễn Ánh mới trốn thoát được. Trong thời gian ở đây, Nguyễn Ánh đã cho binh sĩ đào đất đắp một cái nền cao để dựng trại (kế bên Xóm Rắn hiện nay), và đào một cái ao đường kính khoảng 15 thước để lấy nước sinh hoạt. Ngày nay, nền trại đã bị dân ban ra làm ruộng, song cái ao vẫn còn, nước ngọt quanh năm, được gọi là Ao Ngự.

Nhà vua/nhà nước đặt gọi sơn danh, thuỷ danh, địa danh.

Kinh Thoại Hà

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi kinh này ở bờ phía tây sông Hậu Giang, cách huyện Tây Xuyên 63 dặm về phía đông nam, trước gọi là sông Ba Rạch, từ Hậu Giang chia ra chảy về phía tây nam 4 dặm rưỡi đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng, lại chảy về phía tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục, từ đây chảy về phía nam 57 dặm rưỡi đến sông Song Khê, gần đất Chân Lạp, cây cỏ um tùm, đường sông lầy lội, thuyền ghe không đi được. Năm Gia Long thứ 17 sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại sửa sang đường thủy, bắt người kinh, người thổ 1.500 người, nhân đường cũ mà đào vét cho sâu rộng, hơn một tháng thì xong, từ đấy mới có đường thông với Kiên Giang, rất là tiện lợi. Cho gọi tên sông là “Thoại Hà” để biểu dương công lao của Nguyễn Văn Thoại.

Núi Thoại Sơn – huyện Thoại Sơn
Theo Đại Nam nhất thống chí, núi ở cách huyện Tây Xuyên 71 dặm về phía nam, cao 20 trượng, chu vi 11 dăm rưỡi, tục gọi núi Lấp. Năm Gia Long thứ 17, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại sửa sang sông Thoại Hà, công việc xong, vẽ đồ bản dâng lên, nhà vua thấy bờ đông bắc sông có núi Lấp (tức núi Sập), cho đổi tên gọi là Thoại Sơn để nêu công lao của Nguyễn Văn Thoại; ông dựng đền thờ thần ở chân núi và lập bia, khắc hai chữ lớn “Thoại Sơn”. Từ sơn danh ấy, nay trở thành địa danh: huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Trở lên tuy chỉ là “một vài” trong vô số sự kiện/truyền thuyết có liên quan, nhưng thiết tưởng bấy nhiêu đó cũng quá đủ để minh chứng cái tình, cái nghĩa của người miền Nam đối với chúa Nguyễn, và tất nhiên cái tinh thần đạo nghĩa ấy, Nguyễn Ánh và dòng tộc ông không thể không đời đời lưu tâm, tạc dạ.

Nguyễn Hữu Hiệp* Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.