Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

17. Mưa ngày Vu Lan
Trường An in "Ngủ dưới vòm cây" February 11th, 2008

17. Mưa ngày Vu Lan - Ruột thịt - Lời nguyện cầu của mẹ


Tôi đến thăm mẹ ngày Vu Lan. Sân chùa sũng nước, những tán lá mệt mỏi rủ xuống trong hoàng hôn lạnh xam xám. Phòng của mẹ nằm ở dãy trong cùng, khuất sau bức tường gạch thấp. Không nắng, không gió, không cả ánh sáng hay bóng tối. Ngọn nến trong phòng sáng suốt ngày đêm.

Một ni cô bước đến khi tôi đang đi ngang khoảng sân ướt, trên tay bà ta là một giỏ hoa giấy nhỏ. Trước khi tôi kịp lên tiếng, bà ta đã đặt bông hoa màu đỏ lên ngực áo tôi.

Cám ơn. Nhưng không cần đâu. Tôi gỡ bông hoa xuống, nói nhã nhặn. Hẳn ni cô này mới đến nên không biết thói quen của tôi. Sau vài năm đầu, không còn ai đến gắn hoa cho tôi vào dịp lễ này nữa. Ni cô già nhìn tôi lạ lẫm. Tôi đặt bông hoa lại vào trong giỏ của bà, mỉm cười chào trước khi quay bước.

Mẹ tôi đứng trước cửa phòng bà, nhìn tôi đi đến. Trong bóng tối và dưới bộ áo nâu sồng, trông bà nhỏ bé, mong manh, gò má cao hõm lại, tạo nên trên gương mặt một nét hốc hác tối tăm. Nếu đã nhìn thấy cử chỉ vừa rồi của tôi, mẹ cũng không biểu lộ điều gì. Bà mở cửa cho tôi vào, để tôi ngồi xuống chiếc ghế góc phòng, đặt xuống trên mặt bàn trước mặt tôi một ly trà. Tôi sẽ uống hết ly nước ấy, nghe bà tụng xong một bài kinh rồi đứng dậy cáo từ ra về, như mọi năm vẫn làm. Thỉnh thoảng mẹ nói chuyện với tôi, về điều gì thì tôi cũng quên rồi, nhưng hẳn cũng chẳng có gì đáng nhớ.

Vừa nghĩ, tôi vừa đưa tách trà lên môi, chờ đợi tiếng gõ quen thuộc đến chán ngán của hai mảnh gỗ đập vào nhau. Đó gọi là gì ấy nhỉ? À, mõ. Tiếng mõ đều đều lốc cốc như đá lăn.

Khi tôi đặt ly trà xuống, mẹ đã qùy trước bàn thờ. Nhưng bà không cầm mõ lên. Bà chỉ ngồi yên, chiếc lưng gầy hiện rõ trong tấm áo lùng thùng.

Con đã định lập gia đình chưa?

Tôi chớp mắt. Mất vài giây để tôi tin rằng mình đã nghe được câu hỏi của mẹ. Thêm vài giây nữa để tôi cảm thấy buồn cười.

Mẹ không cần phải quan tâm chuyện đó.

Câu nói ấy, tôi đã nói rất bình thường. Nhưng vai mẹ tôi giật nhẹ. Giọng nói của bà khẽ khàng như hơi thở.

Cần ư?

Mẹ cảm thấy cần phải quan tâm à?

Tôi bật nói ra mà không kềm lại được. Có sự buồn cười đến mỉa mai lớn dần lên trong tôi, với những câu hỏi của mẹ, với những cố gắng của bà. Những cố gắng để yêu thương chúng tôi, như bà đã luôn luôn thể hiện trong suốt những năm tháng ấy. Và thất bại như bà đã luôn luôn thất bại. Để lại trong tôi nỗi buồn cười chán chường và trong em tôi sự tổn thương sâu hoắm. Nhưng đã không một ai trong chúng tôi thể hiện ra điều mình nhận biết. Đó là một màn kịch hay một trò chơi được dàn dựng đến mức chán ngán. Chỉ có điều, nó đã được hạ màn sau cái chết của em tôi. Sau khi tôi ra đi và quay lại, mẹ không bao giờ còn tỏ ra sự cố gắng ấy nữa, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Từ nhỏ, con đã là một đứa trẻ rất lạnh nhạt. Giọng mẹ tôi đều đều. Ngay từ lúc còn ở trong bụng mẹ, con đã chẳng mấy khi đạp. Lúc ấy, mẹ cho rằng con rất ngoan ngoãn. Nhưng rồi sau này mẹ lại nghĩ, chẳng qua vì con không muốn liên hệ đến ai. Con lớn rất nhanh, khỏe mạnh và cứng cáp rất nhanh, chẳng qua cũng vì thế.

Lần này, thực sự tôi đã bật ra tiếng cười.

Sinh ra trong dối lừa rỗng tuếch thì một là đủ ngu ngốc để tin, hai là đủ tỉnh táo để nhận biết - chỉ có thế thì mới không rơi xuống vực như em tôi đã từng. À, em đáng thương của tôi, đã cố gắng để tin vào sự cố gắng của người khác, đem những giả vờ làm hy vọng, đem những dối trá làm khát khao. Và rơi. Ngày càng sâu xuống đáy giếng không ánh mặt trời. Ngày càng tuyệt vọng và trống rỗng. Đem những mảnh vỡ cứa nát tâm linh lẫn thân thể mình.

Nghe tiếng cười, mẹ chậm rãi quay nhìn tôi. Trong ánh nến leo lắt, một nửa khuôn mặt bà tối lại, vết hằn của xương gò má chạy qua mặt như bức tượng sáp bị vạt đi một mảnh. Bà vẫn đẹp. Nét tinh anh đẹp đẽ vẫn còn đâu đó trong đôi mắt, nét ngài, đôi môi và bàn tay với những ngón mảnh, dài. Tôi không nghĩ cái cười của mình vừa rồi là chua chát. Tiếng cười ấy không làm mẹ đau lòng, bà chỉ ngạc nhiên. Có lẽ, ngạc nhiên vì sự thú vị rất bình thường của nó, như thể tôi đã cười một vai hề rất hay trên sân khấu, với sự dửng dưng của người ngoài cuộc.

Con có oán ta không?

Không.

... Và mẹ cũng đừng oán trách mình. Vì những điều ấy có nói ra hay không cũng đều vô ích, nên tôi đã không nói. Yêu thương không phải là một trách nhiệm, ngay cả với những kẻ cùng máu thịt. Yêu thương chênh lệch không phải là chuyện bất thường, đúng hơn, là đương nhiên. Không có sự công bằng trong tình cảm, ngay cả giữa bậc sinh thành và những người con. Đôi khi, từ đau lòng có thể sinh ra oán trách. Nhưng đó không phải là tôi.

Mẹ vẫn ngồi lặng yên như pho tượng. Tôi chờ đợi bà quay lại với chiếc mõ của mình, tụng xong bài kinh để tôi có thể ra về. Ánh nến lù mù và không khí nồng mùi nhang khói ở đây làm tôi cảm thấy nhức đầu. Hẳn ngoài kia trời đã tối, những đoàn thanh niên đã tụ tập ngoài cổng chùa, tay cầm hương hoa. Những vòng hoa nhài trắng. Những bông hoa đỏ hoặc trắng gắn trên ngực áo. Hoặc là trời đã mưa. Ngày Vu Lan cũng là ngày Ngưu Lang Chức Nữ, mưa dài dằng dặc như dòng sông ngân kết bằng nước mắt. Những cánh hoa đỏ trắng bã bời trôi theo mưa, mất hút vào bóng tối. Nơi ấy, sự tồn tại của "có" và "không" không là gì và cũng không có ý nghĩa gì.

Nơi đây, sự tồn tại của thời gian cũng không có ý nghĩa gì. Dù đêm hay ngày, dù nắng hay mưa, cũng chẳng còn có thể nhận biết được. Tôi thấy mình như bị chôn sống.

Con xin phép về. Tôi đứng dậy. Mẹ cau mày. Cái bóng mờ của sự sống thoáng qua trên gương mặt bà dưới dạng của một sự thất vọng sâu sắc. Vì điều gì, tôi tự hỏi.

Nếu như con không thể thay đổi, thì đừng lập gia đình, cũng đừng ràng buộc với bất kỳ ai. Con sẽ chỉ mang lại bất hạnh cho kẻ khác.

Mẹ quan tâm đến bất hạnh của kẻ khác hơn hạnh phúc của con?

Người như con không biết đến hạnh phúc.

Thế ra, trong cái căn phòng này, đó là tất cả những gì mẹ nghĩ được à?

Khi đã ra đến cửa, tôi đột ngột đứng lại. Cơn giận quặn lên trong lòng, nóng rực. Tay tôi chỉ muốn nắm lại, đấm vào cánh cửa gỗ dán hình hai ông La Hán kia, những màu mè rực rỡ trên bức tranh bỏng cháy trong mắt tôi.

Mẹ của tôi, người đã sinh ra tôi. Và chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Chưa bao giờ chạm vào tôi mà không run rẩy. Đem nỗi bất hạnh của mình trút lên người khác. Đem cuộc đời mình biến thành một nỗi bất hạnh.

Tôi không khóc khi em khóc. Tôi không gục ngã khi em gục ngã. Tôi không đau buồn khi em đau buồn. Tôi không rơi xuống khi em đã rơi. Tôi không hạnh phúc khi em không hạnh phúc.

Tất cả những điều ấy, mẹ thấy được gì? Mẹ đã sinh ra chúng tôi, cho chúng tôi hình hài, cuộc sống này. Và bỏ chúng tôi lại vật lộn với chính cái bóng của mình. Em tôi đã tin, như trẻ con tin vào phép màu cổ tích. Em tôi đã đợi chờ, như đứa bé chờ qùa của ông già Tuyết. Em tôi đã nguyện cầu, như thể tin vào quyền linh của những vì sao. Nào phải cứ cố gắng là có thể làm được. Nào phải niềm tin sẽ được đáp trả công bằng.

Trong thế giới mênh mông xa lạ này, ngay cả người cùng máu thịt cũng không thể yêu thương chúng tôi, thì ai có thể?

Con không oán hận mẹ. Nhưng cũng không bao giờ tha thứ.

Tôi nói. Chậm rãi. Mở cánh cửa và bước ra ngoài. Đêm đã buông và trời đã mưa. Những giọt nước lạnh đáp vào mặt tôi, run rẩy trượt xuống trên làn da nóng. Tôi bước qua khoảng sân ướt đan dày cành lá đen thẫm trong đêm, nghe tiếng kinh nguyện cầu văng vẳng từ bốn phía dội về. Như ụp xuống từ trời cao, theo mưa lạnh.

Đừng cầu nguyện cho em, mẹ ạ. Cũng đừng cầu nguyện cho người anh không rõ hình hài. Em đã luôn tin tưởng, đã chịu đọa đày, đã yêu thương, đã thiện lương hơn bất cứ ai và đã ra đi về phía thiên đường. Nơi đó, em không còn đau khổ nữa. Người con ngày xưa của mẹ, hồn phách hẳn cũng đã thôi gào thét, đã bị đốt rụi trong tro tàn, đã tuyệt diệt và sẽ tái sinh.

Con mới là kẻ cần lời nguyện cầu của mẹ.

Điều đó, mẹ lại không bao giờ nghĩ tới.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.