Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

14. Búp bê thay đổi
Trường An in "Ngủ dưới vòm cây" January 29th, 2008

14. Búp bê thay đổi - Ác mộng di truyền - Bức họa


Với những giấc mộng đến ngày càng nhiều, dạo này, tôi càng nhớ đến Diệp thường xuyên hơn. Diệp mười sáu tuổi trong ký ức của tôi, hình bóng mờ ảo chỉ còn những nét phác mờ, tôi có thể mô tả lại bằng lời, nhưng không thực sự hình dung ra chính những gì mình nói. Ngôn ngữ, hình ảnh chỉ là cái vỏ ngoài bóng bẩy vô nghĩa và bất lực. Ngay cả nếu tôi giữ lại một tấm ảnh của Diệp cũng thế, những tấm ảnh không thể nào biểu hiện ra được những gì thực sự là Diệp mười sáu tuổi mà tôi biết.

Mười sáu tuổi, Diệp đã già đi. Không phải là chuyện xuất hiện nếp nhăn hay gầy gò, hốc hác đi - những thứ thuộc về vẻ bên ngoài, mà là nét mệt mỏi ngày càng rõ trong đôi mắt cô. Trong khung cảnh tươi sáng của bầu trời, khu phố ngập sắc hoa vàng, rộn rã tiếng chim, Diệp ngồi đó, nhìn mông lung. Áo sa đỏ, đôi giày đỏ, cả dây buộc tóc cũng đỏ, hình ảnh cô rực rỡ như đang bị thiêu đốt. Có một điều gì đó trong cô đang đi vào cõi chết. Rất chậm rãi. Không hay nó bắt đầu từ khi nào, nhưng đã biểu lộ rất rõ vào năm Diệp mười sáu tuổi.

Lần đầu tiên tôi nhận thấy ánh nhìn đó trên khuôn mặt Diệp khi cô ngồi làm mẫu cho một nhóm học hình họa. Cha cô là trợ giảng của lớp. Ông hay ngồi ngay trên đầu cầu thang, trước cửa căn gác kiêm lớp học để ghi thẻ ra vào của học viên, thi thoảng đứng dậy đi vòng quanh lớp chỉnh sửa bài. Khi ấy, thường người ta mới để ý rằng ông mất một chân. Tôi chưa từng hỏi Diệp lý do về cái chân của cha cô, một vấn đề riêng tư, theo tôi nghĩ. Vả lại, mất một bộ phận cơ thể nào đó cũng chẳng có gì là bất thường.

Hôm ấy, khi cha cô vừa chỉnh bài cho một học viên, anh giáo viên trẻ măng vừa đến đã giật tấm bảng gỗ trên tay ông lại. Làm gì mà dở thế? Anh ta càu nhàu. Lấy cục tẩy xóa hết những nhận xét của cha Diệp đi, anh ta ngồi xuống, nghuệch ngoạc chỉnh sửa lại từ đầu.

Chẳng ai để ý đến cảnh tượng ấy khi tất cả đang cặm cụi vẽ, trừ người học viên đang ngơ ngác và Diệp. Cô nhìn người cha im lặng trở về chiếc bàn quen thuộc của mình, chỉ có một thoáng đau buồn ánh lên rồi tắt lịm trong đôi mắt đen. Mênh mang sau đó là nỗi chán chường mệt mỏi in hằn trên khóe môi, đuôi mắt, làm cô như già đi thêm cả chục tuổi. Trạng thái ấy chỉ kéo dài trong thời gian mà người cha bước từ giữa phòng đến cánh cửa, nhưng cũng đủ làm tôi bàng hoàng. Trạng thái ấy chỉ âm thầm xuất hiện và biến mất, trong cái vẻ bất động của Diệp - người mẫu - ngồi như một bức tượng để người ta họa lại. Trong đám người ấy, không ai là thiên tài hoặc có khả năng của thiên tài để vẽ được cô, không phải là vẽ cô như một bức tượng.

Ở một chỗ cổ xưa như thế, anh có thường hay mơ không? Hôm đó, khi tôi xuống dưới nhà ngồi cạnh cô, Diệp hỏi, như thể vu vơ.

Thỉnh thoảng. Nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt.

Dân gian gọi anh như thế là "nặng vía" đấy. Diệp cười. Nặng vía nên hồn ma không hù dọa được. Chẳng bù với em, từ nhỏ đến lớn toàn mơ thấy ma qủy. Xác chết đứt tay, đứt chân, không đầu, nát rời từng mảnh, thủng lỗ chỗ, tan nát không còn hình dạng gì... Đêm nào em cũng chỉ toàn mơ thấy những thứ như thế.

Em ở đâu? Vùng nào mà ghê thế?

Diệp im lặng. Nhìn ra cây mai vàng trước ngõ, thở dài.

Em chuyển nhà liên tục. Ba em không ở yên nơi nào qúa lâu được. Đó là giấc mơ của ba em. Chân của ba em mất ở chiến trường.

Vậy à?

Anh không hỏi ba em thuộc về phía nào sao? Khi hỏi câu ấy, Diệp khẽ nhếch môi. Lần nào em nói đến chuyện của ba, ai cũng hỏi như thế. Thật là quái lạ.

Ừ.

Tôi chỉ biết nói thế. Đó là cách đơn giản nhất để tránh những điều không nên nói hay không thể nói bật ra, tuôn trào và nhấn chìm bản thân. Tôi không thể nói ra ý nghĩ thoáng qua lúc ấy, rằng thật ra Diệp không cảm nhận được giấc mơ của cha cô. Tôi biết là có sự liên hệ của ý thức mơ hồ ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không phải ở mức độ thường xuyên như Diệp miêu tả. Đó là sự liên hệ rất khác, như thể một khối ý thức đã được di truyền từ cha đến con. Những giấc mơ di truyền. Sự ám ảnh di truyền. Trong chính bản thân.

Điều đó nghe ra còn đáng sợ hơn tin rằng có những hồn ma nát bấy thực sự đang ở quanh mình.

Đó là lần duy nhất Diệp kể về cha cô. Những chuyện khác, tôi chỉ nghe được qua lời đồn đại. Cha Diệp đã có bằng kiến trúc sư trước khi ra chiến trường. Sau khi từ chiến trận về, ông đã đến đây dạy, công việc trong mấy chục năm chưa bao giờ thay đổi. Không ai nói đến mẹ Diệp, như thể bà đã không tồn tại, trước đó, hoặc hiện tại. Cách ăn mặc của Diệp rất khác so với những cô gái cùng lứa lúc bấy giờ. Hầu hết đồ cô mặc đều đã lạc mốt, màu sắc, kiểu dáng chỏi nhau kỳ quặc, nhưng kết hợp tất cả những thứ đó lại, Diệp trông rất đặc biệt. Thời trang chính là cô chứ cô không quan tâm đến thời trang - quan niệm ấy rất được những cô bé học viên hâm mộ.

Thật ra là vì ở nhà em có một ngăn tủ rất lớn đựng toàn đồ nữ. Thế là em chỉ việc lôi ra và mặc lại. Thời trang mà, chục năm sau lại quay trở về kiểu cọ cũ.

Tôi nhìn nụ cười của Diệp, lại nghĩ tới con búp bê và ngăn tủ trong ngôi nhà búp bê.

Nhưng Diệp không phải là búp bê. Từ năm mười sáu tuổi, thời gian đã chạm những bóng dáng của nó lên khuôn mặt, đôi mắt cô. Từ cái ngày mà lần đầu tiên tôi nhận thấy vẻ mệt mỏi chỉ có ở những người đã đi gần hết cuộc đời trên dung mạo Diệp, cô đã thay đổi nhanh chóng. Người lạ đến ít nhìn cô bỡ ngỡ hơn. Nét quen thuộc ở cô mờ dần, xa vắng tựa như một giấc mơ dĩ vãng. Người lạ không hỏi cô "Chúng ta đã từng gặp nhau chưa?" mà ngẩn ngơ nhìn, lặng im.

Mười sáu tuổi, trong khung cảnh chói sáng của nắng và hoa, Diệp như một đốm lửa đang đốt cạn dần mình. Thời gian đã dừng lại trong con hẻm ấy. Hoa vẫn nở và nắng vẫn vàng. Giây phút của đốm lửa rực sáng trước lúc lụi tắt cũng vẫn đứng yên tại chỗ. Trong thời điểm rực rỡ và đẹp đẽ nhất trước lúc héo tàn.

Mãi mãi, cảnh sắc ấy ở lại trong tâm trí tôi, an ủi sau những cơn ác mộng, đem đến nỗi ngậm ngùi những khi vui sướng hoặc buồn bã. Mãi mãi, nó ở lại trong nếp gấp sâu hoắm của bộ não mà không gì có thể chạm đến được, với nét của một bức tranh sơn dầu theo trường phái siêu thực - càng lại gần càng không thể hiểu được.

Những gì đã diễn ra với tôi năm mười sáu tuổi, tôi không biết phải bắt đầu kể từ đâu, như thế nào. Chúng là những vệt màu ram ráp đứng cạnh nhau, không hòa lẫn vào nhau, tạo thành một tổng thể vừa đau đớn vừa ngọt ngào, tươi sáng và đen tối, hứng khởi và u uất, hy vọng và tuyệt vọng. Những cảm xúc đó trộn lấy nhau, và chúng kêu lạo xạo, chà xát vào nhau trong ký ức tôi, tạo thành tiếng động khe khẽ, rợn rạo.

Mười sáu tuổi, cuộc sống của tôi đã bị xé tan thành nhiều mảnh, ghép lại trên khung tranh. Đôi lúc mảnh đời này lại xa lạ với mảnh đời kia như thể chúng không phải thuộc về một con người, chỉ chênh nhau một khoảng thời gian của bóng nắng mặt trời khuất sau núi mây.

Ban ngày, tôi nhìn nắng. Ban đêm, tôi nghe em đàn. Tôi có một khoảng sân hoa nắng. Tôi cũng có một góc hầm tanh mùi đất ẩm. Những điều như thế, thật lạ lùng, khi đặt cạnh nhau lại không hề có sự phân cách, tuy rất riêng biệt. Ngay cả lúc này, chìm trong những giấc mơ về căn hầm cũ, tôi vẫn nhớ đến Diệp, lòng mênh mông như xót thương, không rõ vì điều gì.

Trong lặng yên, qủa thật, tôi thấy mình đang rữa nát. Từng tế bào như đang muốn bóc tách khỏi thân thể, rơi xuống, bay lên, nhảy múa, héo tàn. Dòng máu chảy chậm đến mức tưởng như đông đặc, đọng vũng lại. Tâm trí hóa thành không khí, thành làn khói lờ đờ bã bời. Vậy mà, khi soi gương, trên khuôn mặt tôi vẫn không có nét mệt mỏi mà tôi đã từng cảm nhận thấy ở Diệp. Tất nhiên, so với khi mười sáu tuổi, tôi đã già đi, nhưng không có dấu in hằn của thời gian khớp kín như một cái mặt nạ trên bề mặt. Không có sự chán chường với cuộc đời và cảm giác tang thương ngay trong sự sống. Không có, ngay cả khi tôi đang rữa nát trong ác mộng, trong sự cô độc đến bải hoải cả người.

Diệp đáng thương của tôi đã cảm thấy gì với những cơn ác mộng di truyền khủng khiếp? Tại sao ngày ấy tôi chưa bao giờ hỏi? Có phải vì chính tôi cũng đã từng sợ câu trả lời? Sợ nó sẽ phá vỡ cả những gì còn lại?

Mười lăm tuổi, Diệp đi giày cao gót chạy trên cầu thang xoắn, hát líu lo.

Mười sáu tuổi, Diệp già đi với những cơn ác mộng có từ trước khi cô ra đời.

Và trong đêm dài, một ý nghĩ khủng khiếp đến trong tôi. Tôi tin, như một niềm xác tín, Diệp đã không còn trên cõi đời này nữa.

Tất cả những gì về cô mà tôi còn lại là bức họa tôi đã vẽ năm mười bảy tuổi. Dưới hầm nhà.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.