12. Qúa mỏng manh để chết - Tội lỗi của hoài nghi - Chuông điện thoại trong đêm
Thích thành phố. Có thể gặp gỡ rất nhiều người.
Đó là lời cuối cùng Hồng Hải nói với tôi trước khi bước ra đường. Nó nháy mắt, cười khoe hàm răng trắng bóng.
Đường phố nuốt mất nó. Trả lại cho tôi một thân xác nát tươm.
Chắc chắn không phải vì nó cởi áo đi trên phố, không phải vì nó bước ra khỏi lằn ranh vạch định hay làm bất cứ điều gì điên khùng hay trái quy tắc mà nó vẫn thường thích thú. Cái chết mang hình dáng của ngọn gió ngẫu nhiên thổi đến cắp nó đi. Người ta có thể chết chẳng vì bất cứ điều gì.
Nó rách bươm trong cái chết. Đến mức tôi đã phải ngăn mẹ nó nhìn con mình lần cuối.
Vậy mà, một đêm, trong đám tang quạnh quẽ, khi mọi người đã mệt mỏi ngả mình xuống quanh quan tài, có người đã đến, mở nắp quan tài, lật tấm vải liệm và nhìn chăm chăm vào mảnh xương thịt nát rời chắp vá kia. Liên Hoa trở về, nhìn chăm chắm vào xác chàng trai cô đã từng yêu. Khi tôi chợt tỉnh, cô đã đứng đó. Những giọt nước mắt đã khô thành vệt trên khuôn mặt. Đôi mắt sâu tối đi trong đêm. Tôi gọi tên cô. Cô quay lại. Mỉm cười.
Anh ấy trở về rồi. Liên Hoa đóng nắp áo quan lại. Cô ngồi xuống bên tôi, giọng nói dịu dàng. Đáng lẽ anh nên cho em biết.
Anh không muốn em nhìn thấy cảnh tượng này.
Có gì đáng sợ đâu. Trong những chuyến đi của mình, em đã thấy rất nhiều điều đáng sợ hơn, ác độc hơn, cay đắng hơn. Điều này chỉ đau đớn hơn thôi. Mà đau đớn thì không liên quan đến chuyện anh ấy đã chết thế nào.
Tôi im lặng. Chúng tôi im lặng. Có gì để nói về nỗi đau? Chẳng phải tất cả những từ ngữ đều trở thành vô nghĩa?
Anh ấy qủa thật quá mỏng manh. Sau một thời gian tưởng như kéo dài vô tận, Liên Hoa nói. Qúa mỏng manh để chết như thế.
Thế ư? Vẫn nhìn về phía cây nến trắng, tôi nói. Hồng Hải là một người đặc biệt, nhưng Liên Hoa cũng là một người đặc biệt để nhìn ra thứ mà chẳng ai thấy ở con người như thế.
Em yêu anh ấy, chuyện đó nói ra thì thật lạ lùng, đúng không? Vậy mà em yêu anh ấy. Chỉ sau một đêm. Chỉ sau một lần nói chuyện. Đêm ấy, chúng ta rủ nhau đi uống rượu ở cái quán bar có tên là Ảo ảnh của Lucifer, anh nhớ không? Cái quán bar có cách lắp đèn tạo thành ba số 6 đấy. Anh uống say, ngủ mất từ rất sớm, chỉ còn chúng em ngồi nói chuyện. Nói về anh.
Anh ấy kể lại chuyện các anh đã quen nhau như thế nào. Rằng anh ấy là người làm quen trước. Ngày đầu tiên vào trường, anh vứt phịch cái túi xuống bàn gần mình nhất, ngồi xuống và chẳng thèm nhìn đến ai trong lớp. Anh ấy bảo, anh rất thú vị.
Trước ngày gặp anh, anh ấy chỉ sống trong Trật Tự. Anh hình dung được một Trật Tự viết hoa không? Cái thế giới quay theo quy trình sẵn có, vận hành theo quy trình sẵn có. Bất cứ một sự lệch lạc nào cũng bị ném trở lại chỗ cũ, dù chỉ sai lệch một phân. Mọi người đều tin một điều và đều sợ một điều. Mọi người đều giống nhau. Mọi người đều như nhau. Theo tiêu chuẩn giống nhau. Nhìn người xung quanh. Sợ hãi người xung quanh. Ghen tị. Dòm ngó. So sánh. Sợ hãi.
Cái ngày ấy, khi nhìn anh bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ một cách chẳng hề bận tâm, anh ấy nhận ra rằng, thật ra, người ta có thể tồn tại bất chấp thế giới quay thế nào. Với nhận thức ấy, anh ấy giống như được sinh ra lần nữa. Rồi anh ấy thay đổi. Thành anh ấy bây giờ.
Nhận biết được sức mạnh bản thân là một điều vừa đáng mừng vừa đáng sợ. Được nhiều và mất cũng rất nhiều. Chẳng còn nơi nào mình có thể ở lại. Hoài nghi là một tội lỗi ngang bằng hoặc to lớn hơn phản bội. Có một lời nguyền ám ảnh lên những kẻ hoài nghi như Thượng Đế đã ném Lucifer xuống địa ngục. Họ chìm trong địa ngục của riêng mình.
Cho nên, anh là một người rất quan trọng với cả hai chúng em. Những ngày ấy thật vui, đúng không? Nếu như điều này là thật, em tin rằng anh ấy đã cảm thấy ngày tàn số phận của mình để trở về bên cạnh anh, chết nơi anh đang sống. Anh là người đã cho anh ấy một cuộc sống mới, anh ấy đã nói thế trong đêm đó. Và em nhận ra rằng, em yêu anh ấy. Em sẽ yêu anh ấy đến hết đời này. Em đã bị mắc bẫy, không thể thoát ra được nữa.
Như vậy, việc anh ấy tồn tại hay không tồn tại, còn sống hay đã chết, là bất cứ ai hay bất cứ hình dạng nào có quan trọng gì đâu.
Tôi nghe giọng Liên Hoa khô khan rơi vào đêm, để yên cho cô nói, thậm chí không cử động. Có quan trọng gì đâu, tôi nghĩ, thấy những từ ngữ ấy vang ong ong trong tai mình. Có quan trọng gì đâu việc một con người còn sống hay đã chết. Phụ nữ... Đàn ông thật là ngây thơ khi nghĩ rằng phụ nữ yêu mình. Những thành tích, niềm tự hào được phô phang hãnh diện về những cuộc chinh phục là thứ buồn cười một cách ngu ngốc. Phụ nữ, thứ họ yêu chỉ là tình yêu của chính họ.
Vậy ra, tôi - một cách vô thức - đã tạo ra con người quái dị này. Không biết đó là một lời cảm ơn hay là nguyền rủa. Tôi nhớ, lần đầu tiên xuất hiện trước mặt tôi, Hồng Hải còn mang chút dấu ấn nào đó của một đứa trẻ được chăm sóc kỹ càng. Tóc tai gọn gàng, áo bỏ ngoài quần nhưng thẳng nếp, móng tay sạch sẽ. Cậu ta ngồi xuống bên cạnh tôi, cười khoe răng trắng. Tôi đã nghĩ đến một con sâu trắng, mềm mềm, quấn quanh ngón tay tôi với những cái chân nhỏ xíu lành lạnh. Cái sinh mạng ấy, tôi có thể bóp chết một cách dễ dàng, nhìn dòng dịch trắng nhớp phọt ra dưới lớp da căng nhẫy. Đừng hỏi vì sao cái hình ảnh ấy lại xuất hiện trong đầu tôi.
Lâu dần, có thể là từ lần thứ hai, thứ ba gặp nhau, tôi không còn thấy nó giống một con sâu nữa. Nó là một đứa hạnh phúc và vui vẻ. Thậm chí nó sẽ vui vẻ khi phát hiện ra mình chết với một tấm thân nát bấy, be bét, y như những gì nó từng muốn làm với thế giới này. Có thể nó đã tìm thấy trong cơn đau khi xương thịt nát tan cái ánh sáng và niềm hạnh phúc mê ảo rực rỡ mà thuốc phiện cũng không đem lại được. Có thể nó đã nghĩ "Ồ, thật là đẹp!" khi bóng tối vĩnh hằng đổ ập lên mình. Cái chết, chẳng qua chỉ là như thế.
Cái chết, chẳng qua chỉ là như thế. Một lần, nó kể cho tôi nghe về vụ tai nạn mà nó từng gặp. Tao ngã xuống đường, rồi tỉnh dậy. Tao tưởng như chỉ nằm đó một khoảnh khắc rồi ngồi dậy ngay, nhưng hóa ra tao đã bất tỉnh cả tiếng đồng hồ. Người ta đã kéo tao lên lề, đã cãi vã, đã xét xử, đã gây lộn với nhau gần xong hết cả rồi. Vậy mà tao cứ nghĩ rằng mình chỉ nhắm mắt lại và mở mắt ra. Hẳn cái chết cũng chỉ là như thế.
Và rồi, nó càng lao vào những cuộc vui, những chuyến đi như thiêu thân. Nó không sợ cái chết, không ngần ngại bị tổn thương và cũng không xót thương. Có thể, nó đã đón nhận cái chết với một chút luyến tiếc, nhưng hạnh phúc như nó đã luôn luôn hạnh phúc. Trong thế giới lật ngược của mình.
Những người đó đã nghĩ cái gì nhỉ? Trong quảng trường mùa hạ, nó nheo mắt nhìn một bức tượng đồng đen. Lời nói cùng khói thuốc phả ra bốc lên trời hờ hững.
Ai? Tôi ném vụn bánh cho đàn chim bồ câu béo tròn, hỏi mà không quay lại.
Những vĩ nhân kia kìa. Lúc họ bắt đầu trở thành vĩ nhân, anh hùng thì họ cũng chỉ bằng tuổi bọn mình. Mà bọn mình, ít ra là cái thằng tao, chẳng biết rõ những gì mình làm là đúng hay sai nữa. Những người lớn tuổi hơn thì luôn luôn nói bọn mình chưa hiểu rõ để đánh giá được cái gì cả. Thế những anh hùng, vĩ nhân kia khi bằng tuổi bọn mình thì hiểu à? Nếu đợi đến khi hiểu rồi thì đời cũng chẳng còn mấy tí mà làm được cái gì nữa. Thế ra người ta trở thành anh hùng và vĩ nhân vì người đời sau chọn họ thành anh hùng vĩ nhân đấy chứ.
Thì đã sao? Ném nốt nhúm vụn bánh cuối cùng xuống sân, tôi nhìn sang bức tượng mà Hồng Hải đang quan sát. Ngày thường tôi vẫn đi ngang qua nó như đi ngang một cái cây. Cái cây còn khiến tôi thích thú tán lá thay màu mỗi mùa của nó, bức tượng thì không.
Phù phiếm. Thằng bạn tôi nhún vai, ném điếu thuốc xuống đất, lấy chân chà lên.
Tôi nhớ đến buổi sáng hôm ấy với cơn đau đầu ngày càng rõ dần bên thái dương. Trong im lặng, tiếng chuông điện thoại chợt reng lên. Chúng tôi vẫn ngồi yên, không ai vào phòng trong bắt máy. Từng hồi chuông rền rã kéo dài trong đêm. Nhói vào lồng ngực từng hồi.
Tưởng như nghe tiếng thúc giục từ bên kia đầu dây, từ đâu đó trên thế giới này, ở đâu đó trong khoảng không này. Có một người đang gọi.
Gọi mãi. Gọi mãi.
Những hồi chuông reo. Rồi im lặng.
Một lúc. Chuông lại reo.
Chuông lại reo.
Lại reo.
Điện thoại cứ reo. Reo mãi. Từng hồi.