2. Chích chòe và hoa sao - Cái cây giữa đồng - Tình yêu của người mất trí
Năm mười sáu tuổi, đang học lớp mười một, tôi đi học vẽ để thi vào Kiến Trúc. Lần đầu tiên đến căn nhà cuối con hẻm vàng màu hoa mai cũng là lần đầu tiên tôi gặp Diệp. Diệp không đến để học. Cô làm người mẫu cho lớp hình họa mà phải mất cả năm tôi mới học đến.
Tôi chỉ vẽ Diệp được có một lần, và bức họa ấy tệ đến mức tôi đã không thể nào chấp nhận nhìn vào nó đến lần thứ hai.
Cũng nhờ lấy vẽ Diệp làm động lực mà tôi mới có thể bám trụ vào việc học hành ở căn gác ấy lâu đến như thế. Tôi từ nhỏ vốn là một đứa ham chơi và được phú cho nhiều tài lẻ để chơi hơn là để học hành đàng hoàng. Thơ, ca, nhạc, họa... mỗi thứ tôi biết một ít, tuy chẳng đâu đến đâu. Cái ý nghĩ muốn vào Kiến Trúc cũng chỉ đến trong một buổi trưa nằm vắt vẻo trên chạc cây ngắm mây trời. Không phải tôi không có hoạch định gì cho tương lai, chẳng qua mọi thứ đã qúa rõ ràng đến mức tôi có hoạch định gì thì cũng chẳng ăn thua. Gia đình tôi là là nhà giàu lâu đời ở miền Nam này, trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn có thể phất lên sau mở cửa như diều gặp gió. Mang danh là một thằng bé nhà giàu, tôi thường mường tượng cuộc đời mình là một chuỗi ngày nối tiếp nhau vắt vẻo trên chạc cây và nghe kiến bò rúc rích dưới lưng. À, kiến, phải rồi, kiến. Kiến làm tôi nghĩ đến Kiến Trúc và mười cái hoa tay mà tôi vẫn dùng để vẽ vung vít những khi rảnh rỗi. Thế là tôi vác giấy bút đi học mà hoàn toàn chẳng có chút xíu ý niệm nghiêm túc nào trong đầu.
Cho nên, đừng hỏi tôi về căn gác gỗ kê mấy hàng ghế châu lưng vào nhau, hai bên tường đầy những mẫu vật thạch cao hay gạch gỗ, bóng tròn... hoặc những đứa học trò còng lưng hý hoáy trên giấy và bút chì, nheo mắt đo đo đạc đạc. Cái tôi nhớ chi tiết, rõ ràng nhất là những lồng chim líu ríu suốt ngày ngoài hiên, cái cầu thang tròn trông ra con hẻm vàng rực màu hoa mai, phải rẽ hai khúc quanh mới ra đường lớn. Căn nhà ấy giống như một thế giới biệt lập hoàn toàn với thành phố ồn ào bên ngoài. Mà cũng không giống như vẻ u tịch của ngôi nhà ông bà tôi, nó là một thế giới tươi sáng, trong veo, bao giờ cũng thơm thơm mùi phấn hoa trong nắng, rộn ràng tiếng chim hót. Và nhất là, ở đó có Diệp - cô búp bê xinh xắn đi giày gót nhọn. Những khi rảnh rỗi, không phải làm mẫu, Diệp lôi sách vở ra học dưới hàng hiên, vừa mút ly nước mía mua đầu hẻm vừa ghi chép, tính toán. Lớp học của tôi từ một đến năm giờ chiều, nhưng tôi thường chỉ quấy qúa vẽ bài của mình đến chừng ba giờ rưỡi rồi tót xuống ngồi cạnh Diệp. Mười cái hoa tay giúp tôi đắc lực trong việc rút ngắn thời gian mà chẳng khiến ông thầy mặt dài sọc hay nhăn nhó quát tháo kia phàn nàn.
Ở dưới đất cũng bày rất nhiều chậu cây. Bên cạnh chỗ Diệp thường ngồi là một cụm hoa sao - đó là do Diệp nói. Còn tôi chẳng quan tâm đến tên của cái loại hoa đủ màu hơi toe toét đó. Và tôi cũng sẽ không quan tâm nếu như chiều hôm ấy không có người đã ngồi lên chậu cây - nghĩa là, ngay cạnh Diệp. Tôi bên trái và hắn bên phải.
Hắn - nghĩa rằng đó là một thằng con trai. Một thằng con trai lớn hơn chúng tôi, nhưng mặc một bộ quần áo hầu như không khác gì tôi - áo thun đen với những hàng chữ trắng, quần jean và một cái đầu không thèm chải. Không nói không rằng, hắn từ trong nhà bước ra, ngồi xuống thành chậu hoa sao, nhìn xuống bàn tay Diệp đang đặt trên cuốn tập, rồi lại trông lên lồng chim chích chòe trên đầu. Sự hiện diện đó ngay lập tức làm thằng tôi mười sáu tuổi cảm thấy ngứa mũi.
Anh uống nước không? Diệp hỏi, đẩy ly nước mía của mình về phía hắn. Chỉ liếc nhìn qua, hắn lắc đầu. Hắn có khuôn mặt đẹp, đôi mắt đen huyền ấm và sắc dưới mái tóc lòa xòa qua trán. Trong màu xanh điểm xuyết chút sắc tươi roi rói của hoa lá, trông hắn có vẻ càng cô độc hơn, tựa như một cái cây giữa đồng cỏ.
Thầy vừa gọi điện bảo tối nay mới về được. Diệp vẫn kiên nhẫn nói với cái kẻ đến giờ vẫn chưa mở miệng ra này. Hắn lại gật đầu. Lần này thì hắn đứng dậy, đi loanh quanh con hẻm, quan sát những bụi hoa mai và ngắm nghía mây trời. Ở khoảng trống hắn vừa bỏ lại, hoa sao lại toe toét nở bung.
Anh ta là ai thế?
Bạn của thầy, nghe nói vậy. Cũng có lần anh ấy ngồi làm mẫu cho lớp hình họa. Anh ấy đẹp đấy chứ, phải không?
Diệp cười, quan sát hắn ta vẫn đứng lơ vơ trong nắng. Cái nhìn của cô khiến tôi cảm thấy nóng ran trong ngực.
Bộ anh ta cả ngày không cạy được một câu nói thế á?
Ừ, thì tính tình người ta là thế. Kể cũng tiếc. Giọng anh ấy hay lắm.
Tính tình gì mà kỳ quặc.
Nghe đâu sau khi người yêu đi mất thì anh ấy mới càng trầm lặng hơn. Tội ghê!
Chị ta đi đâu?
Lần trước em hỏi thì anh ấy nói: Chị ấy đi, quên mất đường về.
Mất trí à?
Ai biết được.
Mười sáu tuổi, tôi tin như đinh đóng cột rằng người con gái trong câu chuyện kia bị mất trí. Thế là từ cảm giác ghen ghét, tôi lại thấy tội nghiệp anh chàng kia. Anh ta đứng đó, một mình trong nắng, qủa là giống cái cây đứng trong đồng cỏ.
Mười mấy năm sau, tôi lại chẳng thể tin những thứ tôi đã từng tin như thế nữa. Tôi không gặp lại anh chàng ấy, nhưng tôi gặp một cô gái mất trí, chẳng hiểu sao tôi lại tin rằng đó là người yêu của anh ta.
Chị ta là người quen của Thiên Thiên. Ngồi cạnh Thiên Thiên chải chuốt đỏm dáng, chị ta trông thanh thoát kiều diễm đến trong suốt với dáng điệu đơn giản, hầu như không điểm trang. Chân nhịp theo điệu nhạc, chị ta nhìn tôi, mỉm cười thay cho lời chào khi Thiên Thiên giới thiệu. Nụ cười đẹp đến mức tôi cũng phải cảm thấy tim mình giật nhẹ. Tất nhiên, chuyện đó không qua được mắt của Thiên Thiên.
Chị ấy đẹp há! Cô nàng nói trên đường về. Chiếc răng khểnh bên khóe miệng lóe lên đầy nguy hiểm tựa như hình tượng trong một cuốn truyện tranh.
Ờ. Tôi chẳng dại gì mà giả ngây. Một người phụ nữ đẹp là một người phụ nữ đẹp, tôi cũng chẳng cần phải giả mù để vờ vịt không nhận thấy.
Tiếc là không gặp lại được nữa. Giọng điệu của Thiên Thiên rất khó đoán. Không giống như cô thăm dò tôi, mà cũng không hẳn là cô đang nói thật.
Sao vậy?
Chị ấy không nhớ được một con đường đến lần thứ hai đâu.
Tôi chợt nghĩ đến người thanh niên nhiều năm trước, trong lòng tràn ngập nghi ngờ.
Vậy mà tôi lại gặp chị ta, cùng một quán cà phê lần đầu. Chị ta vẫn ngồi chỗ cũ, chân đong đưa theo điệu nhạc, như thể chưa bao giờ rời đi.
Tôi kể cho chị nghe về người thanh niên nọ. Chỉ thấy chị chớp mắt, ánh mắt hơi xao động như nắng trượt trên mặt hồ nước lặng.
Tự nhiên tôi cứ nghĩ chị biết anh ta.
Có thể chứ.
Chị ta chỉ cười. Nụ cười dịu dàng, không rõ buồn vui. Man mác như thể có một điều gì đã mất.
Chị quên đường thật à?
Đã từng có ai đợi cậu chưa?
Chị ta không trả lời câu hỏi của tôi. Chiều hôm ấy, nắng đã hanh vàng trên đường lộ, sau lớp kính mờ của quán cà phê. Tôi nhớ về ngõ hẻm của nhiều năm trước mà chưa một lần quay lại.
Có.
Cậu có quay lại không?
Không.
Tại sao?
Chắc hẳn cũng như chị, đã quên mất đường trở về rồi.
Chị ta cười theo tôi.
Thế này người ta gọi là phản bội phải không?
Có lẽ.
Nhưng chúng ta nhớ tất cả mọi thứ, chúng ta chỉ quên mất đường về thôi mà.
Thế thì chắc hẳn là mất trí. Chắc là có cái gì đó đã mất.
Ừ, có lẽ.
Lại cười. Nắng xon xót trên mi. Và khi chị ta đi rồi, tôi vẫn ngồi yên, dẫu biết rằng sẽ chẳng còn gặp lại chị lần thứ ba. Tôi không nói với chị rằng tôi cũng có một bức vẽ người thanh niên nọ. Nhưng nói để làm gì?
Giờ đây tôi có thể vẽ lại chân dung Diệp một cách chân xác và sống động hơn những buổi chiều hì hục bôi bôi xóa xóa năm mười bảy tuổi nhiều, nhưng cũng chẳng để làm gì nữa. Rất nhiều năm đã qua đi, và tôi đã không trở về con hẻm ấy lấy một lần. Diệp hẳn đã quên tôi rồi. Chẳng có gì để lưu luyến khi người ta mới mười sáu tuổi. Chỉ có tôi là nhớ mãi về bụi hoa sao và tiếng chim líu ríu, không hiểu vì sao.
Ắt hẳn có những điều chỉ có thể đến năm người ta mười sáu tuổi, và chẳng bao giờ quay lại được.
Hoa mai đã nở thật vàng trong năm ấy và năm sau nữa. Nắng đã chan trong cả những ngày trời u ám, như thế mặt trời đã trút hết hơi ấm vào khoảng gạch lát nhỏ nhoi. Và cả người thanh niên đã ngồi cùng chúng tôi chiều hôm ấy cũng nổi bật lên như một cành cây giữa đồng. Cảnh sắc ấy quấn quýt vào với nhau tựa như một bụi trường xuân trên bức tường tróc lở đủ màu vôi mốc hanh vàng nắng hoàng hôn.
Tôi vẫn nhớ về Diệp, mối tình đầu của tôi, với tình yêu của một người mất trí.