Bài này không post FB được nên đem về đây.
Sip Song Chau Tai hay còn gọi là 12 mường Thái. Mường là từ gốc Thái, khởi sinh từ nước Đại Lý ở Vân Nam. Mường (mueang) chỉ 1 thành trì có thành phòng hộ và một vài làng phụ thuộc. Theo phong tục của người Thái, thủ lĩnh mueang được gọi là khun, và các mường nhỏ nằm dưới quyền của thủ lĩnh mường mạnh hơn, thủ lĩnh này tiếp tục là chư hầu của 1 vương hoặc đế nào đó. Người Thái khi thành lập quốc gia Ayutthaya (Siam) đã nâng cấp chế độ phân cấp này thành nhiều bậc.
12 mường Thái chỉ người Thái sinh sống ở phía Bắc Việt Nam như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Tuy họ tụ họp thành 1 nhóm có thủ lĩnh từ thế kỷ 17 nhưng chưa bao giờ lập ra được một thành bang hay chính thể nào chắc chắn hơn, vẫn giữ đơn vị chính là Mueang. Con số 12 này chỉ là biểu tượng vì có thể số mueang thay đổi.
Năm 1890, Pháp cho thành lập Sip Song Chau Tai do kết quả đàm phán với Đèo Văn Trị, một thủ lĩnh Thái trắng ở Lai Châu. Đèo Văn Trị từng học trong 1 ngôi chùa ở Luang Phrabang, thừa kế quyền tù trưởng của cha từ năm 1886. Lúc này Pháp đang trong quá trình chinh phục Bắc Kỳ sau Chiến tranh Pháp - Thanh. Đèo Văn Trị từng tham gia phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết, nhưng không được Tôn Thất Thuyết tin tưởng. Sau đó Đèo Văn Trị xung đột với quân Cờ Đen, dẫn đến quan hệ với quân Xiêm trong cuộc chiến chống tàn quân Thái Bình thiên quốc ở Lào. Tuy nhiên Xiêm lại muốn cướp Sip Song Chau Tai, và bắt giữ 3 người em của Đèo Văn Trị. Việc này đẩy Đèo Văn Trị liên kết với quân Thái Bình thiên quốc chiếm giữ Luang Phrabang nhằm giải thoát con tin.
Nhà ngoại giao Pháp ở Lào lúc này là Auguste Pavie cứu được vua Luang Phrabang, nhưng Đèo Văn Trị bắt được Thế tử Luang Phrabang và chém đầu ông này vào năm 1887. Vua Luang Phrabang được Pavie đưa sang Xiêm lưu trú, và nhà ngoại giao Pavie này đóng vai trò quan trọng trong việc giải hòa với Đèo Văn Trị. Vì lời xin của Pavie, Đèo Văn Trị được cử làm người cai quản Sip Song Chau Tai.
Như những vùng miền cao thuộc Pháp lúc bấy giờ, lãnh thổ này là vùng đất trồng thuốc phiện. Con trai của Đèo Văn Trị là Đèo Văn Long được ghi nhận đóng vai trò lớn trong việc buôn bán thuốc phiện gần như độc quyền với người Pháp. Vùng này được Pháp coi là khu tự trị Thái, nhưng thực chất bao gồm rất nhiều sắc dân khác như H'Mong, Yao, Yi... Đèo Văn Long buộc các sắc dân khác bán thuốc phiện giá rẻ để đi bán lại cho Pháp, gây nên mâu thuẫn với các sắc dân khác trong vùng. Cha con Đèo Văn Trị còn được ghi nhận là đặt quyền lợi gia tộc, cá nhân lên trên hết trong các công việc lãnh đạo, người Thái cũng có quyền lợi cao hơn các sắc dân khác. Và điều này trở thành xung đột lớn trong cuộc chiến của Việt Minh với Pháp.
Đèo Văn Long có lòng trung thành lớn với Pháp. Khi Nhật chiếm Đông Dương vào năm 1944, Đèo Văn Long đã lên máy bay di tản theo người Pháp, rồi theo Pháp trở về khi tái chiếm Đông Dương. Khi Việt Minh mở chiến khu Việt Bắc, các dân tộc thiểu số (ngoài Thái) vì bất mãn với cha con Đèo Văn Long đã ủng hộ Việt Minh. Đèo Văn Long còn gây mâu thuẫn với các nhóm Thái khác trong vùng khi loại bỏ tộc trưởng Thái đen Lò Văn Hặc ở Điện Biên, cho con trai mình thay thế. Vậy là nhóm Thái đen cũng theo về với Việt Minh nhằm lật đổ sự thống trị của Thái trắng.
Con trai thứ 3 của Đèo Văn Long là Đèo Văn Un lãnh đạo 4000 người Thái, tử trận trong trận Điện Biên Phủ dưới cờ Pháp vào tháng 5/1954. Đèo Văn Long tiếp tục bỏ chạy theo Pháp, lên trực thăng bay đến Hà Nội rồi chuyển sang Lào, cuối cùng di cư sang Pháp. Sau Hiệp định Geneve, hàng ngàn người Thái cũng rời bỏ VN di tản sang Pháp, Úc, Mỹ.
Sip Song Chau Tai được chuyển thành Khu tự trị Thái - Mèo, rồi tiếp tục đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc nhằm làm mờ sự thống trị của 1-2 sắc tộc trong địa phương, cho đến khi giải thể vào năm 1975.
hôm qua fb sập á chị =)))