1.2
Khi về Phú Xuân, ta đã qua tuổi đôi mươi. Nhưng cha còn quá bận rộn để quan tâm đến ta. Người người trong khu thành này đều quay cuồng hỗn loạn, cung nội cũng tất bật sắp xếp nơi ở mới, những quan hệ mới. Và khi mọi người còn chưa kịp hình dung xong một hệ thống mới cho đất nước, Phúc Đảm đã gây chuyện.
Thật ra, ta cũng không biết rõ mọi chuyện đã xảy ra như thế nào. Sau khi trở về từ Bắc Thành, Phúc Đảm đã dời ra sống ở khu nhà dành làm học đường cho chúng ta, tách rời khỏi cung nội, và thường biến mất với đám bạn mới quen cùng đội tùy tùng đã theo hầu cậu ta ra Bắc, đem về cho chúng ta những món vật kỳ lạ thu gom được ở đâu đó trong vùng. Đây chỉ là thói thường của thiếu niên, như Phúc Hy năm xưa cũng chỉ thích múa cây búa lớn xông pha trong đoàn quân chứ chẳng ưa việc học hành, nên ta đã vô cùng kinh ngạc với hình phạt mà phụ hoàng giáng xuống Phúc Đảm.
Hoàng thượng cho hai đội quân Thị trung canh chừng nơi ở hoàng Tư, nội quan đi nghe ngóng về nhỏ giọng báo Hoàng hậu. Mọi hình phạt đều giống như Đông cung năm xưa, ta dường nghe lời ấy trong ánh mắt mọi người nhìn nhau. Nhưng bọn họ cũng đồng loạt im lặng. Hoàng Tư trộm thuyền vua đi chơi, lính canh nói, một câu trả lời hẳn càng khiến sự việc kỳ lạ hơn. Đi chơi từ đâu đến đâu, Ngọc Xuyến buột miệng hỏi. Ngọc Anh bên cạnh bấm tay nó kéo đi.
Từ nơi này, muốn lấy thuyền đi chơi hoặc là phải đến bến trước thành, nhưng nơi đó quá đông đúc, bằng ‘lạy ông tôi ở bụi này’; hoặc là lấy thuyền trong bến Thanh Câu[1], vòng qua sông Tả Hộ Thành. Đi một quãng xa, Ngọc Xuyến vẫn cau mày thì thầm. Sông Thanh Câu được đào từ Tả Hộ Thành dẫn đến Vũ Khố, lại có vài khu chợ xung quanh, là đường trung chuyển các vật hạng vào kinh thành, nếu muốn trốn ra ngoài thì hoàng Tư dùng đường ấy mà thôi.
Ta thấy Ngọc Anh đưa mắt cho Ngọc Trân. Khi hai đứa chào về, ta còn loáng thoáng nghe Ngọc Anh thì thầm ‘Người lớn đã phát hiện rồi à?’.
Chúng ta hẳn đã thành ‘người lớn’ trong mắt chúng rồi, Ngọc Quỳnh nghe ta kể liền bĩu môi nói, rồi lại cười. Nhưng bọn trẻ con ấy gặp chuyện thì liền kéo đến nhờ vả ngay thôi.
Lời ấy quả nhiên ứng nghiệm ngay ngày hôm sau, Ngọc Anh đến kéo ta tới bờ sông Thanh Câu, gặp Hồ Thị Hoa.
Vừa nhìn thấy Hồ Thị Hoa, ta liền lập tức nhớ tới vừa mới mấy hôm trước, cô bé này vào cung chúc tết Hoàng hậu và Thái hậu, được giữ lại dự yến trong nội cung. Ngọc Xuyến bày trò chơi phạt rượu, Hồ Thị Hoa không may thua luôn, uống đến say. Và ta đã thoáng thấy ánh mắt Phúc Đảm nhìn lại chỗ mấy cô bé này. Lúc ấy, ta không biết nên định nghĩa ánh mắt đó là gì. Dịu dàng hơn sự say mê, nhưng lại sâu sắc hơn chút yêu chiều, nồng nhiệt hơn sự thích thú. Ta chưa từng nhìn thấy một ánh mắt như thế.
Cha ta chưa từng nhìn một ai trong những cung nhân của ông như thế, ngay cả với Hoàng hậu hay Tam phi. Đó là ánh mắt không thể bắt gặp ở bên đường, thậm chí sau này ta biết rằng có thể cả đời cũng không tìm thấy. Đó là ánh mắt chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời, hoặc chẳng bao giờ có.
Trong những ngày ấy, cung nội còn gần như chưa có quy tắc nào. Người trong triều đình còn có thể tự do ra vào hoàng thành, xung quanh cung thành cũng chẳng có hàng rào hay luật cấm nói vọng qua tường. Phúc Đảm mười bốn, mười lăm tuổi vẫn đi lại trò chuyện với chúng ta như ngày còn nhỏ. Sau buổi học, chúng ta vẫn tụ tập tại nơi ở của cậu ta bày trò chơi. Ta không nhớ hôm ấy Hồ Thị Hoa ra về thế nào, nghĩ kỹ thì có thể chính Phúc Đảm – đứa con trai lớn duy nhất ở đấy – đã đưa cô bé đến bến đò qua sông. Hoặc có thể, chẳng cần đến bến đò.
Chị đang giúp Nhị phi tuyển cung nữ, tìm cách đưa Hoa vào thành nhé, Ngọc Anh nắm tay ta năn nỉ. Ta nhìn bọn chúng, nhìn ánh mắt Hồ Thị Hoa phẳng lặng, lòng thầm ngạc nhiên. Cô bé này không bối rối, chẳng hề cảm thấy ngượng ngập lúng túng, như thể việc chúng đang làm là tự nhiên nhất đời. Như thể tất cả hình phạt và vòng vây phụ hoàng giăng ra quanh Phúc Đảm là điều gì đó nằm ngoài nhận thức của chúng. Như thể tất cả những sách Hiếu kinh, Liệt nữ mà ta đọc cho chúng nghe đều là lá rụng ven đường, không lọt vào đầu chúng một mảy may. Chúng đã quen thuộc với khu thành lớn và những cánh cổng cao, đã quen với cả súng ống và đao gươm, đến mức không hề nhận thấy cái hệ thống người khổng lồ xây nên nó. Chúng đã quen trèo qua những bức tường, lẻn qua những bờ rào chông nhọn, cười ha hả với những luật lệ, đến mức thản nhiên giẫm đạp lên các lằn ranh người người kinh sợ.
Chúng không cần biết Hiếu kinh, Liệt nữ, chỉ nhìn thấy những cuộc đời quanh mình, những tình yêu tha thiết thảm liệt, đau thương mà mỹ lệ của bác Ngọc Tú, Ngọc Tuyền, Ngọc Du, Hoàng hậu cùng muôn vàn câu chuyện ngày chiến tranh. Tình yêu của những công nữ và người cận vệ đưa họ vượt qua biển lớn đến Gia Định, công nữ và viên tướng xuất thân thường dân Trấn Biên, người nhảy sông tự sát, người thề quyết một đời, người chôn thây lưỡi kiếm, kẻ táng thân biển lửa. Những tình yêu vượt qua toàn bộ ranh giới, năm tháng cùng sống chết. Đó mới là những câu chuyện mà chúng tin, cái thế gian tạo thành ra chúng.
Ta im lặng nhìn chúng, rốt cuộc gật đầu.
Sau này, ta vẫn thường âm thầm hối hận về khoảnh khắc ấy. Dù rằng có sự giúp đỡ của ta hay không cũng chẳng thay đổi điều gì, đám trẻ ấy không biết quay đầu ngay cả khi lao vào tường. Ta chỉ hối hận vì ngay trong lúc ấy ta đã hiểu ra, mình vẫn chẳng phải là công nữ Cả mà Thái hậu mong muốn gửi gắm. Ta vẫn chỉ là đứa trẻ lang thang ngoài bãi cát trắng hoang vu ngút ngàn.
Khi ướm chiếc áo hồng của cung nữ lên vai Hồ Thị Hoa, chải lại mái tóc cho cô bé, ta dường ngửi thấy hương thơm thoang thoảng. Hồ Thị Hoa vẫn mặc áo vải thô cũ sờn, nhưng tóc mềm thơm ngát, tay đeo vòng gỗ thông kết chỉ đỏ. Thiếu nữ mười lăm sáng như trăng rằm, trong trẻo tựa sương mai, như hoa, như hương không có thực ở thế gian này.
Khi phụ hoàng đặt tên mới cho cô bé, ta lại âm thầm nghĩ, điều ngài muốn nói chẳng phải là cầu chúc miên trường hay vĩnh cửu. Thật, trái ngược với Hoa, ngài đã nhận ra thứ bản chất trong cô bé tưởng chừng nhỏ nhoi yếu ớt này, thứ hiện hữu bao quanh cô ấy như một giấc mộng mỹ lệ giữa tầng không. Ta lại nhớ đến những ngày cô bé ló đầu qua cửa gọi, dẫn Phúc Đảm đi qua những ô cờ trong thành Gia Định, kể cho nhau nghe những câu chuyện mà chúng tưởng tượng ra với những hòn đá, gốc cây, vẽ nên một thế giới rực rỡ muôn màu. Ta đã nhìn thấy những chiếc áo, vật dụng mà cô bé làm nên, sự tinh xảo khéo léo đến lạ lùng ở chúng. Cô có thể hóa đất sét thành hoa hồng, ghép mảnh vụn thành vẻ đẹp, và biến thế giới nát tan thành những giấc mơ.
Cô sống theo một phương cách không thể nào là Thật. Mãi sau này, khi cái tên của cô đã bao trùm hoàng thành, khi cô trở thành một sự tồn tại gây đầy xung đột và biến đổi cho cả triều đình cùng đất nước, chúng ta vẫn cảm thấy sự hiện diện ngắn ngủi của cô trong đời mình tựa giấc mộng không biết đâu thật giả. Cùng tháng năm, ký ức phủ đầy bụi mờ và biến chuyển theo trí nhớ, hình ảnh của cô chỉ còn lại trong các chiếu sắc trịnh trọng, lễ độ và sai lạc theo cách người ta muốn. Ta chỉ còn nhớ về cô khi ấy, thiếu nữ mặc chiếc áo hồng và ánh nắng chiếu qua những ô cửa mở, bông hoa cài bên tóc và hương thơm thoang thoảng theo gió quẩn quanh. Cô bước qua những cánh cổng lớn, đao gươm, mũ gù, giáp sắt, thành quách, hào sâu, dò xét và thù địch, với bước chân nhẹ nhàng như một cánh chim bay. Cô bước vào vàng son và gấm lụa, đến với con người mà định mệnh đã đặt vào tột cùng tôn quý, với dáng vẻ của một người hầu.
Sau này ta hối hận, vì ngay khoảnh khắc gật đầu, ta đã dường biết trước tương lai ấy. Ta đã biết, nhưng bất chấp, nhưng lại cho phép mình sai lầm. Khi Nhị phi và Thái hậu gọi ta tới, ta chỉ còn biết cúi đầu trước ánh mắt họ. Nhưng không thở than trách móc như Thái hậu, Nhị phi chỉ thở dài.
“Con có lường được hậu quả không?” Bà nói, lúc ấy ta không hiểu.
Ta cho rằng khi đó chính bọn họ cũng không lường được hậu quả đến từ tính cách hai đứa trẻ kia. Cho nên bọn họ liên tục tính toán, nhân nhượng và muốn khống chế mọi thứ, để kết quả càng trở nên tồi tệ. Những đứa trẻ không thể hiểu nổi nhân gian, không hề biết tới cúi đầu và tuân thủ theo điều luật ấy, cho tới cuối cùng cũng không tuân theo ý họ.
Nhưng điều ta không hiểu cũng vốn là quy luật. Khi Phúc Đảm đưa Hồ Thị Hoa rời khỏi hoàng thành, đêm nọ ta thấy Ngọc Anh quỳ trước điện Dưỡng Tâm. Nó không trả lời câu hỏi của ta, chỉ trừng trừng nhìn cổng điện đóng kín. Ánh mắt nó bỗng nhiên khiến ta nhớ tới Hồ Thị Hoa ngày hôm ấy, vẻ trong sáng thản nhiên đến quyết tuyệt lạnh lùng. Trong sự im lặng tột cùng của cung thành và mọi con người.
Chúng mi hỏng hết cả rồi. Thái hậu gọi chúng ta tới, gần như khóc lên. Mẹ ta cũng khóc khi quay về lục viện. Con xem mình đã làm cái gì, có phải bôi tro trát trấu vào mặt ta không? Họ bảo con dạy hư bọn em út, khác gì nói ta không biết dạy con. Rồi ta còn làm sao sống được ở nơi này?
Sống ở nơi này. Cung thành ngày càng đông đúc sau khi cha lên ngôi hoàng đế, tạo lập một vương triều. Các quan lớn bắt đầu đưa con gái vào cung nội, những toan tính và chèo kéo bắt đầu hiển hiện trong các buổi yến, lễ mừng. Vợ cũ của nhà vua Tây Sơn, công chúa Lê triều, vừa vào cung đã là Tả cung tần, địa vị ngang Nhị phi, trên tất cả những người như mẹ ta. Là một người hầu, vĩnh viễn chỉ là người hầu, sẽ chẳng bao giờ có thể vượt lên trên bọn họ. Ngay cả Phúc Đảm có lên ngôi hoàng đế cũng sẽ chẳng thể thay đổi sự thật rằng mẹ mình không bao giờ được đứng chung hàng với bọn họ. Những kẻ mới tới nhìn người phụ nữ già nua khúm núm sau lưng hoàng hậu như bức mành trên cửa. Với sự việc của Phúc Đảm, Ngọc Anh, không ít kẻ đang cười.
Ngoài kia cũng đang cười. Quần thần đồng loạt dâng sớ xin lập Thái tử. Hoàng Tư đã tự bỏ vị trí của mình, tự làm hỏng mình chỉ vì một đứa con gái. Kẻ cạnh tranh lòng yêu của nhà vua với hoàng tôn Đán đã mất. Tình yêu của những đứa trẻ, vốn chỉ là trò cười trong mắt thế nhân.
Và rồi bọn họ nhìn sang ta, Ngọc Quỳnh, Ngọc Anh, Ngọc Trân. Tất cả đã qua tuổi cập kê lâu rồi, ta vẫn còn ở mãi trong cung nội. Hoàng thượng phải chỉnh đốn chính gia đình mình, lời nói tiếp tục râm ran. Ta bỗng chốc trở thành mục tiêu của những chỉ trỏ và phán xét, nghe tiếng cười nhạo đuổi theo mỗi bước đi.
Mùa hạ năm ấy có nhật thực. Khi bóng mặt trời bị che khuất, cả kinh thành vang động tiếng gõ chiêng khua trống, chúng ta lại ngồi bên nhau. Ngọc Xuyến lại nắm lấy tay ta, trong bóng tối lờ mờ chỉ thấy những bóng người bất động. Phúc Đảm đã đi rồi, Phúc Hy không còn nữa, không còn Đông cung, Phò mã, không còn cả những đứa trẻ đã nối đuôi hát ca sau lưng ta. Chỉ còn chúng ta ở nơi đây, trong một vùng đất xa lạ u buồn, trong biển thanh âm hỗn loạn đinh tai nhức óc, trong một khu thành đóng kín giữa bão giông không bao giờ chấm dứt.
Sống ở nơi này. Chỉ sống thôi, có khi cũng không thể. Bóng mặt trời mùa hạ chói chang, Hồ Thị Hoa lặng lẽ ra đi. Khi ta đến, thi thể cô đã yên ổn nằm trên chiếc giường giữa nhà. Khuôn mặt cô yên ổn, chỉ như đã thiếp vào cơn mộng. Cô ấy uống say rồi, Phúc Đảm ở bên nói khẽ. Ta nhìn ánh mắt cậu ta giống như một kẻ điên.
Sống ở nơi này. Tại sao chúng ta lại phải sống cuộc đời như thế? Ngọc Trân sụp xuống nói trong nước mắt. Tất cả bọn trẻ đều khóc, ngay cả Hoàng hậu, Thái hậu cũng khóc. Cha ta đau buồn, nhưng ngài không bao giờ tha thứ. Một cô gái nhỏ bé đã thách thức quyền lực của ngài, của toàn bộ hoàng thành, của cả đất trời, và đến cuối cùng cũng không khoan nhượng. Không một ai trong hoàng thành này tha thứ cho cô. Cho chúng ta.
Tất cả phải được thiết lập lại. Khối người kia gào thét, khối quyền lực và quy luật kia đòi hỏi. Vương tộc phải làm khuôn mẫu cho muôn người, cho cả quốc gia. Những viên quan bắt đầu đệ lên danh sách con cháu quần thần. Những cuộc thăm dò đi lại đã bắt đầu nhen nhóm. Dù chúng ta chỉ là con gái dòng thứ, Hoàng hậu đã không còn khả năng sinh nở, con của Tam phi còn quá bé. Lấy công chúa, trở thành hoàng thân, là vinh dự của cả dòng tộc, là tương lai vô hạn cho cả con cháu. Mẹ ta cũng bắt đầu xem xét, nhận lễ của người này, lời đon đả của kẻ nọ. Cho đến khi Ngọc Xuyến chợt nói: “Con không lấy chồng”.
Con không lấy ai cả. Con bé lặp lại, gương mặt rắn đanh như đá. Khi gương mặt mẹ bắt đầu méo mó, trước khi bà kịp thốt lời mắng chửi, nó gần như gào lên. Các người đã bày trò đủ chưa?
Các người là một đám điên rồ, những kẻ bẩn thỉu điên rồ. Con bé bật khóc trong góc tối, cả người run rẩy. Nó run rẩy nắm lấy vạt áo ta, nấc lên. Chị ơi, phải làm sao đây, em sợ lắm.
Cha cứ giết con đi. Ngọc Trân lạnh lẽo nói. Ngọc Anh im lặng quỳ bên, như thể cùng một lời. Chỉ là chết thôi mà, người ở đây đâu có ngại giết người.
Có tiếng quát của ai đó trong điện. Có tiếng khóc thất thanh đâu đó vọng đến. Cha ta lại nổi nóng, nhưng ông không bao giờ đánh con gái. Bọn trẻ bất động giữa làn sóng hỗn loạn nọ. Ta liền đi đến trước, sụp lạy. Con lớn tuổi nhất, cha cho con hạ giá là được. Ngọc Quỳnh cũng vội đến làm theo ta. Các em ấy còn nhỏ, muốn thư nhàn thêm mấy năm, cha mẹ việc gì phải nóng vội.
Các em ấy còn nhỏ, có lẽ Ngọc Quỳnh đã nói đúng vào điểm nào đó, cha ta liền im lặng. Ngài im lặng bỏ đi. Mấy ngày sau, ta nghe hôn sự của mình và Ngọc Quỳnh đã được định đoạt. Đáng ngạc nhiên hơn, Ngọc Anh cũng được hạ giá cho Vệ úy Thị trung Trương Phúc Đặng.
Cho đến lúc ấy, bỗng nhiên ta mới nhận ra một điểm kỳ quái: Cha của Trương Phúc Đặng vốn là công thần Vọng Các, nhưng không được định liệt thờ vào miếu công thần năm trước. Người quần thần dòng dõi Trương Phúc lừng lẫy một thời, đã theo cha ta vào sinh ra tử ngay từ ngày đầu tiên, đã không còn một dấu tích ghi công. Cùng một cách thức như Hồ Văn Bôi.
Cha ta không tha thứ cho những kẻ dám thách thức quyền lực của ông. Bất cứ ai.
Những đứa trẻ không biết đến điều luật cùng quy định, đã nhảy múa giẫm đạp lên các hố chông và tường rào, rồi cũng phải đến lúc nhận thức được chúng. Ngã rạp dưới bóng tường thành cao. Tan nát trước mũi súng thần công. Vùi chôn trong hào sâu vạn trượng.
Chị nhất định phải đi sao? Đêm đồ cưới được đưa đến, Ngọc Xuyến ngồi sau lưng ta, lặng lẽ lên tiếng. Khi ta không trả lời, nó tự dưng nói tiếp. Nghe nói bên phủ hoàng Tư cũng đang chuẩn bị lễ rồi. Con gái Ngô Văn Sở, nghe nói trước khi cha cô ta bị cách chức đã hứa gả cho hoàng Tư, giờ tới đón về. Nhị phi cũng đang lựa chọn thêm mấy cô gái nữa.
Ta không nghe nỗi buồn trong giọng con bé, chỉ hoang mang. Tình yêu, thiên trường địa cửu, vượt qua sống chết, quyết tuyệt một đời, hóa ra chỉ là chuyện xảy ra trong tháng năm hỗn loạn. Ánh sáng rực rỡ ấy, hóa ra chỉ là giấc mộng của mấy đứa trẻ con. Chúng lấy sống chết cùng sinh mạng ra đe dọa người khác, lại không nhận ra bản thân mình chỉ là một sự tồn tại mỏng manh nhất trong hoàng thành này. Tình yêu mà chúng tôn thờ, sự ngoan cường, cuộc đời của chúng, chẳng qua chỉ một ngọn gió thổi đã tan đi mất. Chẳng làm gì được, tuyệt nhiên chẳng thể làm gì.
Em ở trong cung nhớ chăm sóc mẹ, ta nói một lúc sau. Mẹ lớn tuổi rồi, đừng để ai hà hiếp bắt bà làm việc cực nhọc, cũng đừng cãi lời Thái hậu để mẹ bị mắng. Người vất vả cả đời, sống cũng không vui vẻ gì.
Chị ở đây với mẹ, đừng đi. Ngọc Xuyến như được thể ôm lấy vai ta, thì thầm. Chúng mình đừng giống như mẹ, chị đừng đi, ngoài kia không ai tốt cả.
Ta nhìn hình bóng con bé trong gương. Nó mười bảy tuổi, tâm tư vẫn chỉ là một đứa trẻ đơn thuần, chẳng hiểu thế nào là cuộc sống.
Con có lường được hậu quả không, Nhị phi hỏi. Hậu quả chẳng nằm riêng ở Phúc Đảm, dù sao đó cũng chỉ là một cô gái bé nhỏ mà họ có thể triệt tiêu chỉ bằng một cái búng tay. Hậu quả, đó là một hệ thống.
Cha ta không phải chẳng tha thứ cho lỗi lầm, mà là không thể chấp nhận những kẻ dám xâm phạm vào cái hệ thống ấy. Thứ tạo nên quyền lực của nhà vua, sự vững chắc của một vương triều, sự sống và cuộc đời của toàn bộ những kẻ đứng sau ông. Họ vẫn thế, vẫn là hàng đoàn người hướng mắt về ông buổi ấy, trên bến cảng, giữa một vùng đất hoang tàn và thanh âm mãi gầm lên như sóng biển.
Hậu quả, đó là cái hiện trạng đang xảy ra bây giờ mà ta phải tự thân gánh vác. Có lẽ, ngay cả Phúc Đảm. Cơn sóng đã dịu đi sau khi ba hoàng nữ lớn nhất tuyên bố hạ giá, và cậu hoàng tử ương ngạnh đã chịu trở về quy củ. Tất cả những kẻ vi phạm luật lệ đều phải bị trừng phạt, phải gánh lấy trách nhiệm cho tội lỗi mà mình đã phạm. Hoàng tộc phải làm gương cho thiên hạ, đứa con lớn nhất phải là mẫu mực cho cả gia đình.
Có lẽ, ngay từ lúc ấy, ta đã biết, đã nghĩ tới những gì mình phải chịu. Nhưng khi nhìn bọn trẻ, ta đột nhiên lại nhớ tới Phúc Hy. Sống như thế thà chết còn hơn, Phúc Hy thì thào, nhìn về cung điện nguy nga đóng kín của Đông cung. Cậu ta không bao giờ chịu sống cuộc đời như thế, đã múa cây búa lớn xông ra chiến trường, vẫy vùng đến giờ khắc cuối cùng. Sống như thế thà chết còn hơn, ta nghe tiếng thì thầm bên tai khi nhìn lại ngôi điện nằm ở góc hoàng thành. Người trong đó, có thể giống như Đông cung năm ấy, sẽ bị nghiền đến nát tan trong nỗi cô độc lạc loài, sẽ sống cả cuộc đời hoang mang run rẩy trong những con đường giăng giăng ô cờ sắp sẵn.
Đừng như mẹ, Ngọc Xuyến thổn thức thì thầm. Con bé này luôn dám nói điều mà chẳng một ai dám nói ra, dám thừa nhận. Giấc mộng của chúng ta, những gì chúng ta chờ đợi và hy vọng, không phải là niềm tin mà là nỗi sợ. Ta chưa từng nhìn thấy ánh mắt như Phúc Đảm ngày hôm ấy, ta chưa từng biết tới điều gọi là tình yêu trong cung điện này. Tình yêu, những chiếc thuyền trôi ngoài kia đang hát, điều bị ngăn cấm nói ra, trở nên méo mó và giả trá tới mức gần như là sự thật. Ta chưa từng biết, ta vốn chỉ thấy những cô gái được cha gọi tới và bắt rời đi ngay trong đêm tối. Ta vốn chỉ thấy những phụ nữ quanh mình cô độc, chua chát và héo tàn trong trơ trọi lãng quên.
Chúng ta vốn chỉ nghe những câu chuyện kể về thiên trường địa cửu, của những tình yêu đã bị bóp chết ở nhân gian.
Chú thích:
[1] Sông Ngự Hà thời Gia Long được gọi là sông Thanh Câu.
Vụ Hồ Thị Hoa và Phúc Đảm làm trái ý vua là sao nè? Ast viết ngắn quá, tớ chưa tưởng tượng ra đc
Cái đó trong chính truyện, còn đây là ngoại truyện.......