Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Kim chi ngọc diệp – 1.1
Trường An April 7th, 2020

1.1

 

Năm tháng trong ký ức của ta, là biển.

Mẹ ta kể, ta sinh ra trên biển. Năm ấy, Tây Sơn đánh Gia Định, cha ta cho người đưa cả nhà chạy ra Phú Quốc. Ta cùng Phúc Hy được sinh trong đoạn thời gian ấy, không rõ ai trước ai sau. Chẳng ai nhớ đến chúng ta trong loạn lạc, cha ta mất tích trên những dòng sông nước miền Nam, em gái người là Ngọc Tuyền cũng bị bắt, tự sát chết. Ở Phú Quốc, con trai cả của Nguyên phi mất trong lán trại mùa mưa rừng bão biển. Nhưng ta và Phúc Hy vẫn sống sót, người người đều bảo, thật là những đứa trẻ phúc lớn mạng dày.

Ký ức tuổi thơ của ta, là biển. Đến khi nhận thức được, ta đã thấy bao quanh mình là biển khơi vô tận. Những người phụ nữ sống trên đảo giữa biển, trầm mặc nghe tiếng sóng. Sau những buổi mò cá bắt tôm, mẹ ôm ta ngồi trên bãi, dõi mắt nhìn về phương Bắc. Cha ta ở phía Tây, bà nói, rồi lại bảo, nhưng đừng chờ đợi.

Câu nói này hẳn mẹ chỉ nói với ta, vì mọi người ở đây đều chờ đợi. Chúa công sẽ về, họ thì thầm với nhau, với bản thân. Mẹ Cả hàng đêm ngẩn người dưới bóng trăng, trên tay cầm một nửa thỏi vàng. Nhưng mẹ ta thì không đợi, bà vẫn ngủ say sau những ngày mệt mỏi quay cuồng trong sóng gió. Nắng và sóng Phú Quốc bỏng cháy, gió và bão biển khơi mù mịt. Có những khi thấy thuyền vào bãi, người lớn cuống cuồng lôi chúng ta vào trốn trong rừng. Cuộc sống trên đảo hoang dường chỉ còn là cuộc vẫy vùng bất tận để sinh tồn.

Những năm tháng ấy, ta và Phúc Hy đi theo sau mẹ, tìm bắt sò ốc trên bãi biển. Mẹ của Phúc Hy đã qua đời ngay sau khi sinh cậu ta, vậy là một mình mẹ ta nuôi cả hai đứa trẻ. Phúc Hy theo bọn trẻ bãi bên làm ra một cái ná bắn chim, chạy đến khoe với ta. Em có thể bảo vệ cả nhà mình rồi, cậu ta cười nói. Kẻ nào đến đây, em sẽ bắn chúng, mẹ và chị không phải chạy trốn nữa.

Kẻ nào là kẻ nào, lúc ấy ta cũng không biết, chỉ biết có những kẻ rất đáng sợ đang lùng tìm chúng ta. Chỉ cần ra khỏi rừng, phát lộ chút hình tích, chúng ta sẽ bị giết theo những cách đáng sợ nhất. Phanh thây, xẻ thịt, lột da, nuốt sống, như chú họ, dượng Cả, cô Tư đã bị. Cuộc đời của chúng ta ở nơi đây cũng như thú rừng bị săn đuổi từng ngày từng giờ. Chúng ta bị bao vây bởi biển, bởi sợ hãi hoang mang, và những nỗi buồn.

Nhưng nỗi buồn của mẹ không phải vì cha ta, bà chỉ nhớ nhà. Trong những buổi chiều ngồi ôm ta trên bãi biển, bà chỉ kể về Gia Định, quê nhà của bà, những người thân thích. Theo lời mẹ ta, bà là người hầu trong nhà mẹ Cả, theo mẹ Cả vào phủ cha ta. Một vị chúa cần có nhiều thê thiếp, số người vợ chính là minh chứng cho quyền thế của đàn ông xứ sở này. Khi cha ta vừa vững chân ở Gia Định, người nạp thêm vài cung nhân, bà là lựa chọn dễ dàng nhất. Và cuộc đời bà, như một định mệnh, đã gắn chặt với mẹ Cả. Một người hầu, vĩnh viễn là một người hầu.

Khi ấy ta không hiểu, giọng điệu của mẹ, những gì bà muốn nói, kể cả những câu chuyện phức tạp phía sau điều bà kể. Chỉ mấy năm sau, khi một chiếc thuyền lớn đến đậu trên bãi để đón chúng ta đưa về đất liền, ta mới hiểu được thế nào là ‘chúa công’, ‘triều đình’, ‘quân đội’ và ‘chiến tranh’. Lần đầu tiên ta thấy được Gia Định của mẹ, những đồng lúa mênh mông của phương Nam, thương phố, tàu chiến, và người. Người đưa ta vào những ngôi nhà lớn, bảo ta làm những phép tắc, thực hiện những nghi lễ kỳ lạ. Người cho ta những chiếc áo lụa mềm như nước, trải cho ta những cái chiếu mát lạnh, cho ta những món ăn đầy hương vị. Người gọi ta là công nữ, kính cẩn cúi lạy ta. Cha tới, ôm ta vào lòng, cười bảo, ta đã về đây rồi.

Người ôm ta đi giữa những đoàn quân, ta nhìn những ánh mắt dõi theo người, và ta thấy nỗi sợ hãi doành lên như sóng biển giữa bọn họ. Họ sợ, ta biết điều đó, như một loại bản năng đã học được trong sóng gió. Cuộc đời mà ta đang có, bọn họ đang có, đều phụ thuộc vào người đang ôm ta trong tay. Ta đã về, cha nói, đem về cuộc sống, sự sống, tự do và giải thoát cho tất cả chúng ta. Bọn họ tôn sùng ông, trong nỗi sợ hãi bất an từ tận đáy lòng, trong muôn vàn suy tính cùng hoảng hốt. Ngôi thành mà ông xây dựng nên, trong cuộc chiến, trong Gia Định thịnh vượng và hoang tàn, như hòn đảo nằm giữa biển khơi.

Tháng tháng năm năm trong cuộc đời ta, chính là biển cả không bao giờ chấm dứt.

Trong cuộc sống đột nhiên thay đổi ấy, ta phải mất một thời gian mới quen thuộc với ngôi nhà gỗ thơm hương trầm, với con người và với cả vùng đất thấp trũng không có tiếng biển khơi. Người lại đến, bảo rằng ta đã đến tuổi phải đi học, dạy cho ta từ những điều nhỏ nhặt nhất trong một cuộc sống ‘bình thường’. Phúc Hy có vẻ khó bảo hơn, cậu ta vẫn hăng hái chọn lấy một cái búa lớn múa vung, nói rằng sẽ ra trận theo cha, sẽ dẫn đầu đoàn quân bảo vệ chúng ta.

Nhưng rồi ta nhận ra, chẳng có mấy ai để ý đến chúng ta. Hoàng Cả sắp về rồi, họ thì thầm với nhau, chộn rộn không dứt. Bà nội cũng bận rộn chọn lấy thêm một vài cô gái vào hầu cha ta. Một vị chúa vừa được xác lập, ngay lập tức hệ thống quanh ông ta vận hành. Mẹ ta lại lui về vị trí một hầu thiếp nhỏ nhoi phục vụ cho Nguyên phi. Và ta cũng lần lần hiểu được cách sắp xếp vị thế trong hệ thống khổng lồ này. Chẳng mấy ai để ý đến chúng ta, những đứa con dòng thứ với người mẹ thấp kém. Chúng ta được sinh ra trong một thứ nghĩa vụ phát triển tông thất, như những lựa chọn dự phòng để dòng máu đế vương không bao giờ đứt đoạn. Mẹ ta vẫn lầm lũi mỗi ngày với những công việc mới, thực hiện những sai phái mới của chủ nhân. Cha ta vẫn ngày ngày mất bóng trong những đoàn người dường không bao giờ đứt đoạn, trở về chỉ thi thoảng gọi đôi ba hầu thiếp tới rồi bắt họ rời khỏi phòng ngay trong đêm. Khi gặp chúng ta, ông vẫn vui vẻ nói cười, nhưng hầu như xa lạ. Đôi lúc ta cảm thấy, ông xa lạ với cả cái gia đình lớn của mình.

Chúa công, công nữ, công tử, cung tần, những danh vị được xác lập, tạo nên những ranh giới, nghi trượng và cả đạo đức. Chúng ta như thể những con sò trên bãi biển được nhặt để vào các ô vuông trong khu thành này, tuân thủ theo thứ luật lệ gì đó mà ta mãi vẫn không hiểu. Được phép và không được phép, họ chỉ gật và lắc đầu. Con phải ngoan ngoãn để mẹ không bị trách mắng, mẹ ta chỉ giải thích như thế. Đây là cuộc đời của một công nữ, tiêu chuẩn của một công nữ, những nữ quan và thầy dạy của ta nói, kể cho ta những tấm gương lấy từ trong sách. Đó là điều đúng đắn, đó là thứ ta nên làm, cuộc đời ta nên sống. Khi làm đúng, ta sẽ được yêu thương, kính trọng, làm mẹ mở mày mở mặt. Lâu dần sau đó, khi cung thành càng lúc càng đông, ta còn hiểu được thêm rằng, đây là cách sống có thể giúp ta tồn tại yên ấm nơi này.

Con hãy ngoan ngoãn vì mẹ. Mẹ ta nói, vẫn ôm ta mỗi khi hoàng hôn đổ bóng, nhưng không còn nhìn về phương Bắc. Có những người thân thích của bà đến thăm, nói cười và than khóc, nhìn ta với vẻ tiếc nuối mà ta không hiểu. Phúc Hy vẫn đến dẫn ta ra ngoài chơi, nhìn ngắm phố thị, khu thành đang được dựng xây, những con voi đầu tiên được dắt đến ngoài bãi, kể cả những người Hồng Mao dáng vẻ kỳ lạ. Hoàng Cả đã trở về, gây nên những cuộc cãi vã to nhỏ trong ngoài vì ‘bị Tây dương dạy hư’, bị giam giữ trong lớp lớp quan Thị học và thầy dạy, trở thành tấm gương khiến chúng ta sợ hãi. Sống như vậy thà chết còn hơn, Phúc Hy thì thào lần nọ, nhìn về điện Đông cung đóng im ỉm, quân gác trong ngoài. Trong vòng vây ấy, hoàng Cả đã bị bẻ gãy, đã biết ngoan ngoãn và lặng im. Tất cả những kẻ vi phạm điều luật sẽ bị trừng phạt, đó là điều đầu tiên về người anh mà ta nhận biết.

Hệ thống và điều luật, đó là những nhận biết đầu tiên của ta về tập hợp con người này. Luật lệ và vị trí, đó là những điều đầu tiên ta được dạy về gia đình mình. Phải thương yêu nhau, mọi người vẫn nói, nhưng tình thương phải được biểu hiện thành sự tôn kính và lễ nghĩa, là những ranh giới mà không ai được quyền vượt qua. Những hầu thiếp của cha gây gổ với nhau bị trừng phạt. Đàn ông Tây dương chỉ có một vợ, hoàng Cả nói, khiến mọi gương mặt trong phòng đều tối tăm lại. Nửa đêm, ta lại bắt gặp Nguyên phi ngẩn người ngồi dưới bóng trăng, trong tay vẫn là nửa thỏi vàng khi xưa, nhìn về nơi con trai bị giam giữ.

Nhưng trong những năm tháng bận rộn ấy, mọi điều đều dễ dàng qua đi. Ta dần rõ về cuộc chiến đang diễn ra, kẻ thù mạnh mẽ nơi phương Bắc, những oán hận và thù hằn chất chồng bao nhiêu năm tháng. Mọi kẻ đều bị cuốn vào một guồng quay lớn, những mối quan tâm lo lắng bất tận. Và nhiệm vụ sản sinh ra kẻ kế thừa ở cung nội này cũng đầy lo toan. Cô thiếp Lâm Thức sinh công nữ thứ hai là Ngọc Quỳnh, rồi ngay lập tức mang thai, sinh được Phúc Tuấn, nhưng cậu con trai bệnh hoạn ốm yếu chỉ khiến Quốc mẫu càng thêm e ngại. Thêm hai cô con gái nữa, rồi Nhị phi sinh được Phúc Đảm khiến mọi người nhẹ lòng hơn. Tuy nhiên sau đó cung nội này tiếp tục chỉ có con gái. Lại chỉ là Nhị phi đem lại niềm vui cho Quốc mẫu cũng như cả triều đình khi có thêm Phúc Đài bốn năm sau đó. Và lần lượt, những đứa bé trai khác của các thị thiếp ra đời.

Chúng ta cần con trai, ta nghe tiếng thở dài ấy trong sự lặng im của mẹ. Ngọc Xuyến được sinh ra trong sự lặng im, những lời chúc mừng nhạt nhẽo, thậm chí là mệt mỏi. Con trai mới có thể tiếp nối dòng họ, có thể ra trận, có thể giúp ích cho chúa công và đất nước. Những đứa con gái sinh trong thời chiến chỉ là ngọn cỏ bị gió thổi bay, sự tồn tại vô ích chẳng để làm gì. Mẹ ta đã qua tuổi ba mươi, đã vô cùng cố gắng mới có thể mang thai, và tiếp tục sinh ra một đứa bé gái. Trong căn phòng nồng mùi khói, bà không ôm Ngọc Xuyến, chỉ nằm yên nhìn ra ngoài cửa. Cha ta đang đánh trận ở Quy Nhơn, cung nội im lìm.

“Mẹ, chúng con sẽ báo hiếu cho mẹ mà.” Lúc ấy, không hiểu sao, ta nói khẽ. Chẳng biết có nghe thấy lời ta, mẹ quay mặt vào tường.

Phúc Đảm vô cùng thông minh, được cha ta cực kỳ yêu quý. Ba tuổi, cậu ta được cho làm con nuôi của Nguyên phi. Địa vị của Nhị phi vì thế mà lên cao. Xuất thân là một người hầu như mẹ ta, nhưng bà ấy hầu như nắm quyền trong cung nội, người cha cũng được trọng dụng. Ngọc Xuyến vừa biết đi đã bám theo cậu ta nhập hội cùng đám trẻ trong thành. Trở về sau thời kỳ lưu lạc, nhiều quan tướng cũng đồng thời lập gia đình, bọn trẻ mới sinh ngày càng đông. Ngày ấy cung nội chỉ là một dãy nhà nằm trong tường cao, đám trẻ mặc sức chạy qua những cánh cổng vào trong. Chúng dẫn nhau chạy khắp các con đường kẻ ô cờ trong ngôi thành lớn. Đến chiều tối, Đội trưởng Nội hầu Trương Phúc Đặng lại phải đi tìm các cô cậu mà lùa chúng về.

Một ngày, Quốc mẫu gọi ta đến bảo, con là chị cả lớn nhất nhà, hãy trông nom bọn trẻ. Vậy là ta dắt tay Ngọc Xuyến, dẫn Ngọc Quỳnh và Ngọc Anh, Ngọc Trân đến học đường. Phúc Đảm kéo theo một đám trẻ con của quan tướng tới, chúng ngồi sau cửa mà cùng học với chúng ta. Khi có thời gian rảnh rỗi, ta dẫn bọn trẻ đi dạo quanh thành, đôi lần gọi xe thắng kiệu cho chúng đi dạo phố. Có đứa trẻ nào bệnh sốt, ta lại chầu chực chăm lo khắp trong ngoài.

Ở phương Bắc, tình thế chiến tranh cũng đang tốt lên, nghiêng dần về phía chúng ta. Cha ta có hai năm cho nghỉ quân chuẩn bị đại chiến, đó là những năm tháng vui vẻ nhất của tòa thành. Các đoàn sứ giả Xiêm La, Chân Lạp, Tây dương liên tục tới ra mắt, những buổi hội hè dường như chưa bao giờ dứt trong ngoài tường thành. Đoàn quân tới thành làm việc vẫn hát ca. Những đoàn thuyền ngoài bến vang tiếng chào mừng. Ta lại dẫn bọn trẻ tới xem các buổi duyệt binh, xuất bến. Các lễ tiết trong cung nội tràn ngập tiếng cười đoàn tụ. Đông cung lấy vợ, khắp thành vang tiếng nhạc đến cả tháng sau.

Hai năm ấy, lần đầu tiên ta mới manh nha biết thế nào là một gia đình. Cha vẫn ngày ngày ra khỏi cung từ lúc tờ mờ sáng, nhưng ta có thể tìm thấy ông đâu đó quanh thành. Chỉ Phúc Đảm có vẻ rầu rĩ vì cha phát hiện ra thói chơi đùa tùy tiện của cậu ta mà trách phạt, nhưng cũng rất nhanh chóng chạy theo ông và hai người anh trai tới Xưởng thuyền, những kho vũ khí, trường bắn cùng đồng Tập Trận. Những người trong cung vui vẻ chuẩn bị bữa ăn cùng nơi nghỉ đón họ trở về mỗi tối. Dường như có sự thông hiểu âm thầm nào đó lan đi giữa tất cả, không ai còn để ý đến những mâu thuẫn nhỏ nhoi vặt vãnh, mọi người cùng nói cười và tỏ ra hạnh phúc. Có lẽ, thực sự là hạnh phúc.

Một ngày nọ, Phúc Đảm chợt ngẩng đầu nhìn ta mà bảo: “Chị Cả sắp làm lễ cập kê rồi”. Hẳn cậu ta vừa đọc được buổi lễ ấy trong sách. Ta chưa kịp trả lời, lũ trẻ bên cạnh đã nhao nhao. Chị Cả đến tuổi lấy chồng. Chị Cả sắp phải gả đi. Chúng nhìn nhau rồi lại nhìn ta. Ngọc Xuyến nắm tay áo ta, lắc đầu. Chị Cả không đi đâu hết, chị ở đây với chúng em.

Sao chị lại phải gả đi? Chị ở đây với chúng em. Chúng ta ở bên nhau, thật là tốt. Chúng ta cứ ở cùng nhau như thế này, là tốt nhất trên đời. Chúng cùng nhao nhao nói, mấy bàn tay nho nhỏ nắm lấy tay ta. Phía xa, ta nhìn thấy hình bóng mẹ. Bà vẫn chỉ là một cung nhân không vị thế lầm lũi ở bên Nguyên phi, trong một cung thành ngày càng đông đúc. Chị không đi đâu hết, ta gật đầu.

Cứ như thế này, thật tốt. Những năm tháng ấy, ta không còn nghĩ đến biển. Ngay cả bác Ngọc Tú cũng không còn âu sầu, vui vẻ chơi cùng những đứa cháu. Thời buổi bất trắc này, vội vàng gì mà phải gả cháu đi, bác thì thầm với Quốc mẫu. Đám trẻ giúp ta vấn tóc cài trâm, mặc chiếc áo đẹp nhất, rồi nắm tay nhau hát mừng theo lối các thủy thủ ngoài cảng. Phúc Hy gửi vào cho ta chuỗi ngọc trai mua được ở phương Bắc. Bọn trẻ ở ngoài cũng đem tới một xe hoa rực rỡ kết từ tre và dây mây. Chị là cô gái đẹp nhất, chúng lại cùng nhau nói. Những đôi mắt long lanh sáng như ngọc quý. Chúng đưa ta đi trên chiếc kiệu lớn kết hoa vòng quanh thành, ra bến sông, qua phố chợ, rồi trở về với buổi yến trong cung nội mà cha đã đặc cách ra lệnh tổ chức cho ta và Phúc Hy. Mẹ ta mặc chiếc áo đẹp nhất của bà, nhận lễ mừng của mọi người. Nghe có lễ, người quanh thành, trong cảng cũng hát mừng, đốt pháo và bắn đôi ba phát súng chào. Đêm đó, ta uống say, trong hương hoa thơm ngát.

Nhưng khi những bông hoa tàn, năm tháng cũng trôi qua. Khi gió Nam bắt đầu thổi, cha lại đưa mọi người ra trận. Cuộc chiến lần này dài, rất dài.

Gia Định lại chìm trong bất ổn và lo sợ, thấp thỏm với từng tin chiến trận báo về. Gia Định lại bắt đầu quay cuồng trong những lệnh thu thuế, gọi quân liên tiếp. Trận đại chiến quyết định đang diễn ra, mọi người lại cùng nói, môi mím lại. Không còn chốn quay đầu, không thể trốn tránh. Sinh mạng con người chỉ là một ngọn cỏ trong cơn gió. Tin thắng trận gắn liền với danh sách tử thương. Tiếng ngựa báo cờ đỏ vọng trong thanh âm tiếng khóc. Tang trắng giăng cổng thành, những ngõ ngách ô cờ. Hoàng Cả, rồi Phúc Tuấn, Phúc Hy lần lượt mất trong biến loạn. Cổng thành lại đóng kín như hòn đảo giữa biển khơi.

Ngày quan tài đưa xác Phúc Hy trở về Gia Định, chỉ có ta và Phúc Đảm đến đón ở cổng cung. Đêm đó, chỉ có ta ngồi nhìn mãi súc gỗ chứa thân xác người em đã ở bên cả thời thơ ấu. Em sẽ bảo vệ chị, bảo vệ tất cả mọi người. Chúng ta là những đứa trẻ sinh ra trên sóng nước, phúc lớn mạng dày. Chúng ta là những ngọn cỏ trong cung thành này, mọc lên và héo tàn mà chẳng một ai để ý. Ta lại nghe tiếng sóng duềnh lên, trong trăng lạnh, trong tiếng khóc văng vẳng ngàn đời, nỗi sợ hãi lạnh buốt tâm can. Nhưng không còn Phúc Hy ôm lấy ta trong lán trại bằng lá giữa rừng, không còn cả mẹ đang cúi đầu hầu Nguyên phi và Quốc mẫu, chỉ có ta dưới ánh nến im lìm.

Phúc Đảm nhận vị trí chủ tang cho Phúc Hy, lặng lẽ làm các nghi thức tế tự, nhưng không được đi đưa tang cho anh trai. Tất cả bị giữ lại trong thành, trong hàng trăm lính Túc trực bám theo từng bước. Bọn trẻ lên thành nhìn theo đoàn đưa tang, có đứa thút thít khóc mà ta không biết vì thương tiếc hay sợ hãi. Ta cứ ngồi bó gối nhìn đoàn người khuất bóng, nhìn mặt trời lên cao rồi hạ xuống giữa tầng mây. Cho đến khi Ngọc Xuyến ôm lấy vai ta, ta mới nhận ra mình vẫn đang rơi nước mắt. Bọn trẻ đang cùng đến bao quanh ta.

“Không sao, còn có em mà.” Có lẽ Phúc Đảm đã nói. Ta nhìn bóng mặt trời trong mắt cậu ta, đứa trẻ duy nhất đã lớn đôi chút trong cung. Đứa trẻ trong một đêm bỗng chốc bị đẩy ra trước biển. Cậu ta nắm tay áo ta đưa xuống thành, qua những con đường rào chông nhọn quanh cung nội. Người vẫn lại qua, vẫn cúi đầu chào chúng ta, vẫn tất bật với công việc thời chiến trận. Chị xem, không ai sợ hãi cả, Phúc Đảm cười nói, dù có điều gì xảy ra, họ cũng không sợ hãi. Chúng ta cùng đồng lòng quyết thắng. Tất cả rồi sẽ ổn thôi.

Chỉ thắng trận, mới có thể tồn tại. Thằng bé này không giống như ta năm tháng ấy chỉ biết chạy trốn và hoảng hốt. Ta nhìn ánh sáng trong mắt nó, nụ cười của nó. Đứa trẻ này chỉ thấy điều nó muốn thấy, nó cũng không như ta, không nghe tiếng biển. Hoặc biển cả trong lòng nó, vốn là một khoảng trời sóng gió bao la để cất cánh bay vào bầu trời. Khi ấy, chúng ta cũng chưa biết rằng, biển cả vốn là vô tận.

Khi cuộc chiến này chấm dứt, thứ còn lại chỉ là tang thương. Quốc mẫu dẫn gia đình vội vã rời đi, trở về ‘quê nhà’, bà nói. Quê nhà của bà, của cha. Mẹ ta lại âm thầm khóc, tiễn biệt người thân và quê quán cho một chuyến đi không hẹn ngày về. Phú Xuân đón chúng ta với những dãy nhà tan nát, một ngôi thành đất dở dang ngổn ngang, con người hoang mang và mệt mỏi. Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục, những đội quân lớn vẫn đang được tập hợp, khí tài vẫn đang được thu thập khắp nơi. Tiếng động trào dâng cuồn cuộn như bão tố, nhấn chìm mọi âm thanh khác của con người. Nguyên phi vẫn khóc, cô Ngọc Du, Ngọc Tú vẫn tê liệt trong nỗi đớn đau, nhưng chẳng ai để ý đến họ nữa. Đoàn quân lại ra đi, về phương Bắc. Cha ta lên ngôi, trở thành hoàng đế. Trên một mảnh đất nát tan, sau khi cuộc chiến dài chìm xuống trong bể máu. Và rồi, một quốc gia tạo lập.

Mùa xuân, tiếng lễ nhạc vang lừng trong các buổi lễ sắc phong. Chúng ta cùng đứng dưới thềm, ngẩng đầu nhìn lên những vàng son rực rỡ trên cao. Cha ta sẽ lại xây dựng tất cả, như người đã xây dựng Gia Định từ tro tàn ngay trước mắt ta. Nhưng người không thể lấy lại Phúc Hy, hoàng Cả, Phò mã. Nhưng người không thể lấy lại được Gia Định năm xưa ấy của chúng ta. Chúng ta ngồi bên nhau, thả cần câu xuống hồ nước sau thành, và lặng im.

Chiến tranh kết thúc rồi, Ngọc Xuyến thì thầm, ngón tay lại len lén nắm lấy tay áo ta. Một vương triều mới mở ra, guồng quay mới lại bắt đầu. Những đoàn người lại đến xếp hàng trước cổng cung nội. Những quan hệ mới lại được tạo lập và củng cố. Mỗi một con người trong khu thành này, là một phần của hệ thống, là biểu trưng của luân lý và luật lệ mà tất cả đều phải tuân thủ. Lại một thứ hệ thống nữa được tạo nên để đặt chúng ta vào. Lặp đi lặp lại, vẫn như mười mấy năm trước, như thể chưa từng đổi thay.

Lại một khu thành mới được xây, lại một hoàng cung mới được dựng, lại những con người tiếp tục tập hợp, mới cũ đan xen. Lại một thế gian mới lần lượt dựng nên trước mắt ta. Nhưng lần này, không phải là Gia Định, cũng không hứa hẹn cho chiến tranh. Khúc nhạc Thái bình rộn rã vang, số vũ khí bỏ đi được tập hợp lại đúc thành thần công bày trước cổng thành. Ta đứng trong đoàn người, giữa vàng son, nghe tiếng hô vang kéo dài vọng khắp các dãy núi đồi nơi vùng đất xa lạ. Phú Xuân vẫn luôn xa lạ như chưa từng quen thuộc.

Khi ấy, chẳng hiểu sao, ta lại nghe âm thanh biển xa. Biển vẫn âm vang, cuộc đời ta vẫn đi mãi trên sóng nước, trên những vùng đất chưa từng là quê nhà.



One Response
Lan

Bạn Ast chăm chỉ quá ;xxx Viết tiếp đi Ast ơi :x

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.