Ngày cuối tiết Lập xuân năm Canh Tý.
Đêm trước mây mù lạnh buốt, bỗng ngày lại sáng rực trời quang. Hôm ấy, ân chiếu nhân Đại khánh của nhà vua được tuyên trước cổng Ngọ Môn, lễ sách phong cho các hoàng tử nối tiếp ngay sau đó, yến tiệc ồn ào đến xế trưa. Những đoàn xe ngựa từ trong cung tản về đi qua phố Gia Hội mãi đến chiều mới vắng, để người trong phố dọn hàng, đặt bàn thờ lễ Nguyên tiêu, treo đèn trước cửa, bọn trẻ con đổ ra đường huyên náo.
Nhưng ngõ hẹp sau làng Xuân Lộc vẫn vắng vẻ đìu hiu. Hồ Phạm Nhị tần từ được chuyển đi, để lại một khoảng đất trống chỉ còn những cụm hoa rải rác nằm trong tường bao kín. Từ khi nơi này trở thành phố thị, vài nhà quan lại, tông thất đã tìm tới dựng phủ, họ mừng lễ sau những cánh cổng đóng kín. Không gian thơm nức mùi hoa cùng hương đèn nhưng nhanh chóng bị gió đông vù vù thổi tạt.
Mùa xuân năm nay thật lạnh, Miên Liêu thầm nghĩ khi ngẩng đầu nhìn bóng sáng mặt trời phía bên kia cổng thành. Nên nhà vua đã thật vui mừng khi ngày ban ân chiếu bỗng nhiên trở nên quang tạnh. Nhưng khí lạnh lại tiếp tục đổ về ngay sau đó, bao phủ hoàng hôn trong sa mù dày đặc. Vài chiếc đèn được thắp sớm trong phố trở thành vệt vàng cam nhòe nhoẹt. Không rõ mưa hay sương lác đác rơi, cậu dừng ngựa cạnh một gốc cây lớn, toan lấy nón đội thì nhận ra chiếc nón đã rơi ở quãng đường nào.
Thở dài, cậu nhìn quanh, bỗng nhận ra một quán nước nhỏ được dựng ngay sau tường bao đền thờ cũ. Có lẽ nhà trạm canh gác đền thờ bị bỏ đi, người nơi này ngay lập tức đến làm quán nước. Không muốn đội mưa về phủ, cậu bèn dắt ngựa tới quán nước nọ.
Vén màn che bước vào, cậu thoáng ngạc nhiên. Dù bên ngoài chỉ là tường gỗ mái lá, trong quán lại tươm tất cầu kỳ. Vài chiếc sập gỗ khảm trai dựng sát tường, trên để bàn rượu thấp đã có bình hoa cắm sẵn. Quán thơm ngát một mùi hương mà cậu rất quen thuộc nhưng không rõ ở đâu. Quầy được ngăn cách bằng tấm bình phong trạm trổ hình tượng bốn mùa. Nghe tiếng cậu, người trong quầy liền đi ra, hóa ra là một cô bé chỉ chừng mười tuổi, gương mặt đẹp đẽ như hoa.
“Ở đây không có áo tơi, cũng không có nón lá.” Nghe cậu ướm hỏi, cô bé liền bĩu môi đáp. Dù bề ngoài của Miên Liêu lộ rõ cậu là hàng tôn quý, cô ta vẫn chẳng tỏ vẻ kính trọng, chỉ cười. “Mưa nhỏ có lẽ sớm tạnh, sao cậu không ngồi lại đây một lát? Tối trong phố mở hội Nguyên tiêu, cậu ở xem cho vui.”
“Ta không được về quá khuya…” Miên Liêu nói nhỏ, nhưng vẫn ngồi xuống cái sập gần cửa. Đầu canh hai sẽ đóng cổng thành, dù cậu đã xuất các lập phủ nhưng vẫn phải chịu sự giám sát của Trưởng phủ sự và quản gia, họ sẽ báo ngay cho nhà vua nếu các hoàng tử có hành vi bất thường, ngay cả chỉ là không có mặt trong phủ một đêm.
Cô bé kia quay vào quầy, lạch cạch một lúc rồi đưa tới cho cậu khay trà nghi ngút khói. Khi cô bé lại gần, cậu mới chú ý đến y phục cô ta mặc làm bằng lụa Bắc dệt vân chìm, sợi lóng lánh dưới ánh đèn như dát sương. Trên cổ cô ta cũng đeo một cái khánh nạm ngọc. Loại trang phục này, thường dân không thể mặc.
Tuy nhiên đang trong ngày lễ, lệnh hạn chế y phục được bỏ, người trong phố này có thể cũng chẳng phải ‘thường dân’, Miên Liêu đưa mắt nhìn cái quán nhỏ nhưng đầy vẻ sang trọng mà nghĩ thầm. Bộ đồ trà cũng là loại sứ mua từ tàu Tây dương vẽ hoa văn bảy sắc, viền nạm vàng. Mấy cái bánh trong khay được làm cầu kỳ tinh tế, tuyệt nhiên không phải loại mua ở đường phố. Cô bé này tuổi còn nhỏ, có lẽ chỉ là người trông coi quán hộ cho chủ nhân.
“Trà của quán tôi say như rượu đấy.” Cô bé vừa cười vừa rót trà cho cậu. Thầm nghĩ cô ta nói đùa, Miên Liêu nâng ly trà uống một hớp, chợt ngẩn người.
“Trà ướp sen cùng hoa nào thế?” Hồi lâu, cậu mới nghèn nghẹn lên tiếng. Mùi vị ly trà này, y hệt loại trà mẹ cậu ướp ở vườn Thư Quang.
“Trà bỏ trong nhụy sen trắng một đêm, rồi ướp cùng với nhài cổ trăm năm, mai trắng lấy từ rừng phương Bắc, tường vi Tây dương, tố hinh Tây Vực, phù dung, ngọc lan, ngư tử lan… Khi pha thì lấy nước mưa thu đọng trên hoa cúc, sương đông trên nụ đào phỉ, mưa hè trên hoa dạ hợp. Bình sứ phải rửa sạch, phơi đủ trăm ngày dưới gốc thị đang kết quả, nắng gió hợp vào mùi hương.” Cô bé cười, nói như đang đùa giỡn, nhưng Miên Liêu lại gật đầu.
Giờ đây cậu nhận ra mùi hương quen quen trong căn quán này. Năm đó, quanh mẹ cậu vẫn thoang thoảng hương hoa, vốn do ở trong khu vườn ấy mà thành.
Cậu chầm chậm tự rót tự uống từng hớp trà. Lạ thay, càng uống cậu càng thấy đầu óc nhẹ dần đi, lâng lâng như say. Quán không có khách, cô bé kia bèn ngồi xuống sập phía bên kia mà nhìn cậu, nụ cười trên mặt không rõ là gì.
“Hôm nay cậu đi đâu mà ăn mặc lịch sự thế?” Cô ta hỏi. Trong tâm trí bềnh bồng, cậu thấy mình trả lời.
“Ta đến ra mắt nhạc phụ. Mùa đông này sẽ cưới.” Cậu cười nói. “Một nhà bình thường thôi, nhưng rất tốt. Người trong triều chẳng ai muốn gả con gái cho ta, nên ta chỉ cần đề nghị, Thái hậu gọi người vào xem xét rồi đồng ý ngay. Mùa đông này ta chính thức lập phủ, có gia đình, rồi sẽ sống thật vui vẻ hạnh phúc.
“Chẳng có ai bắt ta phải lập công dương danh, nối dõi tông đường, cũng chẳng ai đến chèo kéo lấy con gái ra mời mọc, đe dọa, chẳng ai cần ta để kết liên, cầu cạnh. Cô ấy biết hoàn cảnh của ta nhưng vẫn đồng ý, ta là người hạnh phúc nhất hoàng cung.” Có lẽ đã say, cậu cười hì hì, càng nói càng vui vẻ. “Đầu năm nay sắc phong cho các hoàng tử, đến lễ Đại khánh sẽ lại sắc phong thêm nữa, có kẻ xấu bụng đến giả vờ thương tiếc cho ta. Các hoàng tử con tần, phi đều là Quận công, Quốc công dù chỉ mới được mấy tuổi, ta thì chẳng có gì. Nhưng ta có cả trời đất này, ta hạnh phúc hơn tất cả bọn họ.”
“Thật sao…?” Cô bé kia lơ đãng nói. Miên Liêu chống cằm lên tay, nghĩ một lúc rồi thở dài.
“Ta chỉ lo phiền về mấy đứa trẻ em họ. Nhưng phụ hoàng bảo sẽ đưa chúng về sớm thôi, ngài cũng chẳng muốn đày đọa chúng làm gì[1].” Cậu nghe mưa xuân rải rác rơi ngoài mành trúc, hương thơm mùa xuân ngan ngát bao quanh, lòng nhẹ bỗng đi trong sự hân hoan không biết từ đâu. “Phụ hoàng nói, năm nay là năm Canh, năm ngài lên ngôi cũng là Canh, nghĩa là ‘canh tân’[2]. Không cần phải sợ, mùa xuân rồi sẽ đến, mỗi năm lá sẽ thay mầm, cây lại lớn mạnh. Qua hết đông dài, rồi sẽ đến mùa xuân. Chắc chắn là như thế.”
“Ngài ta thì có thể vui chỉ với bông hoa ngọn cỏ, nói toàn những lời đẹp đẽ hoang đường đấy thôi.” Đứa bé kia lại hừ khẽ, nói nhỏ. Nhưng Miên Liêu không nghe được, cậu gục đầu xuống bàn, say ngất trong hương hoa bồng bềnh.
Trong giấc mơ, cậu lại thấy lầu các của vườn Thư Quang, nhưng trông chúng có vẻ khác lạ không sao giải thích nổi. Nhìn sang bên là gác Hải Tĩnh Niên Phong trong hồ, cũng đã đổi khác. Khung cảnh mập mờ như trong một làn sương, cậu nghe âm thanh người nói bên cạnh, có vẻ quen thuộc nhưng không biết là người nào.
“Trương Đăng Quế lại đòi về rồi.” Người mặc áo hoàng bào kia đang nói, giọng như thể đè nén sự giận dữ. “Ông ta viện cớ bệnh đòi về suốt từ khi Phú Lang Sa đánh vào Đà Nẵng, nhưng đã sáu năm rồi có chết đâu! Ta tâm trí đã rối tung, còn phải lo đi cầu cạnh ông ta, đáp lại là những lời dư thừa sáo rỗng vô ích, nào là thương dân, nào là chọn người tài, lại lôi chuyện con cái của ta ra! Đến bây giờ ông ta mới biết là nhà nước này thiếu của à? Để rồi khuyên ta làm như cách thời Càn Long cho tội phạm nộp tiền trừ tội! Cố mệnh đại thần, làm quan sáu mươi năm mà chỉ biết đến thế thôi à?”
“Ông ấy quả thật bệnh nặng lắm…” Người bên phòng dè dặt nói. Vị vua kia thả ra một tiếng cười nghe như khúc cây gãy, gục đầu xuống hai bàn tay nắm lại.
“Các người không thân với ông ta nên ta mới có thể nói… Các người có thấy, ngày ông ta đi, cả triều đình đặt tiệc tiễn đưa ở bờ sông. Công chúa, hoàng thân đãi yến ở phủ Tùng Quốc công như tiễn cha chú. Thơ văn tống tiễn đến cả ngàn bài. Trong khi nghe Nam Kỳ có việc, Tạ Quang Cự tuổi hơn chín mươi vẫn cố vượt đường xa đến triều góp lời góp sức, ông ta thì đã làm được gì? Hay vừa thấy Nam Kỳ thất thủ, sự thể khó khăn, ngay lập tức Trương Đăng Quế rũ áo ra đi, giữ lấy danh vọng cho riêng ông ta? Phải, ông ta là cố mệnh đại thần, không bao giờ sai lầm, nên khi thấy hiểm cảnh thì vứt lại toàn bộ cái triều đình này cho ta. Cái triều đình do ông ta tạo thành!” Giọng nói bất chợt hạ xuống, nghe vô cùng mệt mỏi. “Cả một đám người háo danh vây lấy ông ta, tự khoác lên mình nào là danh sĩ huân thần, gọi nhau là văn nhân tài tử. Trong khi đến bây giờ ông ta mới bảo với ta, triều đình hết tiền rồi, lấy của đám tội phạm đi. Đám văn nhân tài tử vô dụng kia lại đưa hết điều trần này đến sách lược nọ, vẽ ra bao nhiêu thứ, chỉ có cách làm ra tiền là không! Thế mà gần hai chục năm trước kia, ông ta xách động cả triều đình bảo ta phải tuyệt giao hoàn toàn với Tây dương. Thế mà gần hai chục năm nay, ông ta lôi kéo trong ngoài để trở thành ‘bá phụ’ cho chí từ hoàng thân cho đến quan tướng, danh vọng ngút trời, đã giúp được gì cho ta?
“Năm thứ tám, Đăng Giai vừa mất, ông ta đòi từ nhiệm để ta phải lạy lục giữ lại. Con trai ông ta kẻ làm Phò mã phong đến tước Hầu, kẻ phong đến quan nhất phẩm, nắm cả triều chính bốn phương. Các ngươi xem, ông ta khác gì Lê Văn Duyệt, Lê Chất năm ấy? Phú Lang Sa đánh vào, ông ta chỉ vừa đi dò xét Quảng Nam, nói được vài lời thừa thãi, đã ngay lập tức đòi về. Thà trút bỏ cả chức Quận công, Học sĩ mua danh cho mình chứ nhất định không ở lại đây mà làm tôi thần nước thua trận. Xem như mọi việc chẳng liên quan đến ông ta đâu đấy.” Bàn tay nắm nổi gân xanh, trong khi giọng nói lại càng nhỏ. “Bọn người ông ta làm mất Trấn Tây, buộc ta bỏ giao thương, đẩy Nguyễn Đăng Giai khỏi triều đình đến phải chết trong núi rừng. Vậy mà bây giờ mọi kẻ coi ông ta là cha là mẹ, đến cả Sử quán cũng do cha con ông ta thao túng, đến ta không dập đầu lạy lục ông ta thì cũng chẳng làm được gì. Lưỡng triều cố mệnh, quyền thần hiện tại[3]. Thế gian này, sao lại điên rồ làm vậy?”
Trời đất chông chênh, vàng son sụp đổ. Vườn xưa cỏ úa hoa rụng cây tàn. Tiếng thì thầm vọng trong bóng tối nghe như hơi thở.
“Nhóm người Tôn Thất Thuyết không hài lòng với ông Ưng Chân. Ông ấy là con Kiến Thụy công, anh cùng mẹ với công chúa Huy Nhu lấy con trai của Trương Đăng Quế, đều là một phe phái với nhau cả.” Tiếng nói không rõ của ai vọng qua bức tường dày. “Đến hoàng thượng cũng không hài lòng với ông Ưng Chân, nhưng mà…”
“Năm xưa Trương Đăng Quế vừa mất, bọn Hồng Tập, Hồng Ty, Lương Sinh[4] lấy cớ truy giết giáo dân, thanh trừ đại thần như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành mà họp quân tấn công vào thành. Chúng là con của Phú Bình công, Vĩnh Tường quận vương, Kiến An vương, thấy việc thì ngay lập tức làm loạn, mầm cỏ vẫn ẩn trong đất. Hoàng thượng nhận ông Ưng Chân cũng là phải thế. Thật ra mà nói, bọn Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường kia chỉ quy tập được đám du đãng, bọn phẫn chí làm thế lực, chả lẽ nào có thể khống chế được toàn bộ triều đình.”
Tiếng thì thầm cứ thế quanh quất giữa những tàn phai. Ngai vàng đẫm máu, điện Văn Minh mờ bóng oan hồn, sông trôi máu đỏ, hồ lấp xác chôn. Những nhóm quân lưu manh tràn khắp nẻo đường thành nội, giết chết bất cứ ai phản kháng. Không khí khủng bố tràn ngập khi tiếng nhạc đại khánh chói tai vang trên điện Thái Hòa lại mừng thêm vua mới lên ngôi.
Dằng dặc tháng năm, phù du phận người, điện vàng máu đỏ. Mùa xuân càng đi lại càng xa.
Cậu thức dậy trong bóng đêm. Trời đã tối hẳn, ngọn đèn nhỏ trên bàn cũng đã tắt, chỉ còn đôi chút ánh sáng hắt lại từ sau bức bình phong. Ngơ ngác đưa tay dụi mắt, cậu mới thấy má mình nhòe ướt.
Trong giấc mơ, cậu đã rơi nước mắt vì cảm giác bất lực không thể chịu đựng nổi. Trong giấc mơ, cậu cứ đứng bên những trường lang, những bức tường, nhìn bọn họ, chỉ có thể nhìn bọn họ. Tài hoa chí lớn, câm lặng giữa trần gian, bất lực trong sóng nổi.
Nhưng vừa mở mắt, cậu đã quên gần hết giấc mơ ấy. Cậu chỉ ngẩn người một hồi lâu, nghe tiếng chiêng trống mừng lễ Nguyên tiêu, rồi lên tiếng gọi. Cô bé kia đi ra từ sau bức bình phong, đưa cho cậu một cuốn sách cũ.
“Cậu nằm ngủ, đánh rơi nó từ trong áo.” Cô ta nói, cậu mơ mơ hồ hồ đưa tay nhận lại, không nhớ mình đã cầm theo nó bao giờ. Chợt cô bé mỉm cười. “Sách viết rất lý thú, nhưng tự dưng mấy trang sau không có chữ.”
“Vì tên đạo sĩ kia.” Cậu lẩm bẩm, tuy không có ý giải thích cho cô ta. Đây là cuốn sách do mẹ cậu để lại, không biết tên đạo sĩ ma quỷ kia đã làm gì khiến trang cuối mất sạch chữ. Điều lạ lùng này không ai giải thích được, cũng như kẻ ấy đã biến mất vào không khí.
Nhét cuốn sách vào trong ngực áo, cậu trả tiền rồi rời khỏi quán. Bên ngoài, phố thị đã lên đèn. Các cổng, đài, cầu cũng đốt đèn sáng rực. Trăng trên cao vằng vặc trên khoảng trời không còn mây mù. Cậu có thể mường tượng thuyền hoa trôi trên sông như dòng Ngân Hà lấp lánh. Người cậu thương hẳn cũng đang thả đèn trên sông, cầu ước một đời hạnh phúc.
Vừa vui vẻ vừa lo lắng đến giờ đóng cổng thành, cậu vội lên ngựa chạy đi. Đến đầu cầu Đông Hoa, cậu đã quên bẵng quán nước kỳ lạ nọ.
Cậu cũng không nhận ra cuốn sách vừa cầm đã lại thêm một trang xóa trắng.
Con đường vắng trong khoảng đất trống, lá rụng đỏ nền đá trơn, hoa bỏ quên trong mưa ướt. Cô bé áo tím đếm từng bước đi dưới trăng, hát khe khẽ.
Trăng lên trong trắng rạng ngời
Giai nhân đẹp đẽ thân thương hỡi
Làm sao giải mối kết sầu
Để lòng này mãi lo buồn lặng câm.
Trăng ơi
Trăng ơi
Chú thích:
[1] Thiệu Trị vừa lên ngôi, vào tháng 1 năm 1841 đã ban lệnh tha cho toàn bộ thân nhân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất.
[2] Thực lục, tháng 1 năm 1840: Vua lại bảo thị thần là Trương Đăng Quế, Hà Duy Phiên rằng: “… Xét ra, trẫm năm 30 tuổi lên ngôi, gặp năm Canh Thìn, khánh tiết năm tứ tuần, ngũ tuần lại gặp năm Canh Dần, Canh Tý. Bởi vì chữ “canh” có nghĩa là canh tân (đổi mới) nhận mệnh trời làm khánh tiết đều gặp năm ấy, há chẳng phải là nhân sự với khí hoà cùng hợp nhau ư.”
[3] Trương Đăng Quế làm quan 3 triều, nhưng khi chết thì Tự Đức chỉ ban cho bia đá khắc chữ “Lưỡng triều cố mệnh lương thần Trương Văn Lương chi mộ”. Đình thần tâu xin đưa vào nhà tông miếu để thờ, Tự Đức bảo khi biên cương có việc mà Trương Đăng Quế 2,3 lần xin nghỉ, không cho thờ. Đến năm thứ 28, Tự Đức mới ‘theo mệnh tiên đế’, cho đưa Trương Đăng Quế vào thờ gian thứ 7 ở Thế miếu.
[4] Cuộc nổi loạn của Nguyễn Phúc Hồng Tập năm 1865. Trong đó Hồng Tập con Miên An, Hồng Ty con Miên Hoành, Lương Sinh con Nguyễn Phúc Đài.
Kết thúc này cứ thấy ngẩn ngơ. Miên Liêu có nghĩa là gì nhỉ?